Cô Tô và những ngày gió mưa
Từ cảng Quốc tế Ao Tiên của huyện Vân Đồn, chuyến tàu cao tốc
Quang Minh vượt sóng đưa chúng tôi cập cảng Cô Tô để đến với hòn đảo thơ mộng ở
nơi tiền tiêu của đất nước trên Vịnh Bắc Bộ trong những ngày mưa gió đã để lại
một ấn tượng khó quên. Phải nói, trong suốt đầu hè, miền Bắc trong cơn khát
mưa, điện thiếu phải cắt luân phiên khắp nơi, nước của nhiều hồ thủy điện xuống
dưới mực nước chết nên những trận mưa ở nhiều nơi của Bắc Bộ, Trung Bộ trong suốt
mấy ngày gần cuối tháng sáu quả thực quý như vàng. Tuy nhiên, cái tiết trời ấy
trên vùng biển Đông Bắc lại không được thuận lợi lắm cho việc du lịch, ngắm cảnh,
trải nghiệm ở những nơi đầu sóng ngọn gió của biển đảo xa xôi. Tưởng rằng là vậy
nhưng lại không phải thế. Nói đúng hơn, chuyến đi không được suôn sẻ như mong
muốn bởi thời tiết không chiều theo lòng người. Tuy vậy, cái điều không mong muốn
ấy lại giúp cho chúng tôi thấy được một vẻ đẹp khác của hòn đảo còn chứa đựng
bao nét hoang sơ, kỳ vĩ của tạo hóa ấy. Đó là vẻ đẹp tinh khôi của Cô Tô trong
những ngày mưa gió.
Gì bằng đến được Cô Tô trong những ngày nắng đẹp. Khi trời
trong biển lặng, hành trình ra đảo Cô Tô dù từ cảng Ao Tiến hay cảng Cái Rồng
chúng ta cũng sẽ được trải nghiệm và thưởng thức cái vẻ đẹp có một không hai của
vùng biển đảo trên đất mỏ Quảng Ninh. Chẳng thế mà thế giới lại công nhận vùng
biển đảo ở cái chỗ lõm vào trên vịnh Bắc Bộ ấy là một trong bảy kỳ quan của thế
giới, được tổ chức UNESCO công nhân là di sản thiên nhiên của nhân loại. Chẳng
phải kể, nếu ai đã từng được du ngoạn lênh đênh trên biển biếc trong những ngày
đẹp trời ở vùng biển Đông Bắc, đi qua Hạ Long và Bái Tử Long thì hẳn sẽ dễ dàng
nhận ra mây trời non nước của Bái Tử Long cũng chẳng hề kém cạnh người anh em
song sinh của mình là Vịnh Hạ Long. Nếu ví hai vịnh ấy như hai nàng thiếu nữ
thì vẻ đẹp của Vịnh Hạ Long và Vịnh Bái Tử Long có thể tựa như hai nàng “tố
nga” của nhà viên ngoại họ Vương “mỗi người một vẻ mười phân vẹn mười”. Vẻ đẹp
của Vịnh Hạ Long tựa như một cô gái đẹp rực rỡ, nồng nàn, có dư sức mê hoặc người
xem còn vẻ đẹp của Vịnh Bái Tử Long giống như một thiếu nữ còn rất tinh khôi, dịu
dàng và cũng đầy sức quyến rũ lòng người trên biển biếc.
Hành trình ra đảo Cô Tô, dù chưa phải là tất cả của Vịnh Bái
Tử Long nhưng con đường vượt sóng ngót trăm cây số trên biển với hàng trăm trái
núi và đảo đá nhấp nhô giữa sóng biếc, trong muôn hình vạn trạng được bày đặt
giống như những trận đồ bát quái trên mặt biển ấy cũng đủ khiến người qua thích
thú, sung sướng; làm cho người xem như thể đang được chiêm ngưỡng một vẻ đẹp bất
tận của biển khơi trong trí tưởng tượng với những dải núi khi thì cô đơn trên
biển lúc lại liên thủ chạy dài như bức trường thành với đủ dáng hình như thể rồng
chầu voi phục … Chúng tôi ra đảo trong cái tâm thế ấy. Tất cả mọi người cứ
thế mà mê mải và ngắm nhìn những cảnh kỳ thú của tạo hóa đang bày ra trên mặt
biển. Cảnh vật hùng vĩ và thơ mộng ấy hiện ra trước mắt mà ai nấy cứ lâng lâng,
ngỡ như mình đang được chiêm ngưỡng một bức tranh thủy mặc khổng lồ của tạo hóa
trong giấc chiêm bao, giữa mênh mông biển trời thơ mộng một cách vô cùng thú vị.
Những chân núi bị nước biển ngàn năm xâm thực bởi hàng vạn, hàng tỷ con sóng
đêm ngày vồ vập tạo thành những ngấn những vỉa như thể lưu khắc dấu thời gian;
hàng mảng vách đá xám đen, rêu phủ do hàng trăm, hàng triệu cơn mưa thấm nước
lưu dấu thời gian bao năm tháng dãi dầu. Những sắc màu ấy được hòa trong một
màu xanh mướt của cây lá trên núi; của nước biển màu lam biếc; cũng có khi của
cả khí trời thiên thanh giữa bao la trùng khơi, muôn dặm sóng xô. Và cùng với
những trái núi muôn hình vạn trạng ấy còn có những bãi cát khi thì vàng giòn
lúc thì trắng mịn trải dài mênh mông mặc cho muôn ngàn con sóng ngày đêm xô bờ
lúc thì dữ dội khi lại dịu êm. Biển đảo của vùng biên viễn Đông Bắc hùng vĩ và
thơ mộng như vậy bảo sao chẳng đốn tim người? Bảo sao bao người cứ bị dẫn dụ,
quyến rũ làm cho mê mẩn?
Cô Tô chồi lên trên mặt biển xanh mênh mông, nằm trong hỏm
lõm của vùng biển Đông Bắc, nhìn trên bản đồ trông giống một chiếc ủng mà phần
đầu của chiếc ủng ấy là hai bãi tắm đẹp tuyệt vời: Bắc Vàn và Vàn Chảy; hai bên
thân ủng là bãi tắm Tình Yêu (dọc thân trước của chiếc ủng) và bãi tắm Hồng Vàn
(dọc theo thân sau của chiếc ủng), phần đế ủng là vùng bờ biển chạy dọc theo
bãi đá Móng Rồng. Những ngày mưa gió, bức tranh thủy mặc của Cô Tô không tĩnh lặng
mà rất sống động. Ngay từ ngoài khơi xa, trên hải trình tiến vào bến cảng, những
trận gió Nam ồ ạt thổi làm cho mặt biển không còn dịu êm để cho con tàu du
dương cập bến với hàng trăm ngàn con sóng biếc xanh lăn tăn làm xao động mà
thay vào đó là những con sóng bạc đầu khiến cho con tàu bị chòng chành, giật lắc
rất mạnh, chồm lên rồi lại ngụp xuống khiến bao người phải nếm mùi say sóng mà
say sóng tàu còn khổ hơn say ô tô, người say mệt lử, mặt xanh tái dại, thậm chí
nôn thốc nôn tháo.
Mưa trên đảo Cô Tô cũng cứ thất thường, có khi mưa đấy rồi lại
hửng ngay, trong một buổi chiều thôi mà cứ mưa, nắng luân phiên đến mấy bận.
Nhưng ban đêm, khi trời sang canh ba, mưa trút nước xối xả, gió từ ngoài khơi
thổi vào, rít lên từng trận liên hồi. Gió chạy trên mái tôn, ghé vào bên cửa sổ
như muốn giật tung cánh gỗ để xông vào phòng mà lục lọi, khua khoắng mọi vật. Cửa
phòng đã được chốt chặt, gió không vào được nên gầm lên một cách hậm hực và như
thể còn tung chân lên đạp vài ba cái ầm ầm vào thân cửa rồi phóng ào lên sân
thượng xô dạt những mắc phơi về phía cuối chân tường, hất văng những áo quần
tung tóe ra khắp mọi phía. Quậy phá chán trong khu dân cư, gió xông ra hàng phi
lao chạy dài bên bờ biển làm cành cây nghiêng ngả, uốn cong, phiêu dạt về một
phía. Không gặp người cản đường, được thể gió lại gầm réo ầm vang lên cho thỏa
thích và còn như muốn quật đổ những lão cây gân guốc, sần sùi và chi chít u cục.
Rặng phi lao hàng ngàn cây dọc bên bãi biển ướt lướt thướt bởi mưa tuôn xối xả
và bị gió đánh cho ngả nghiêng, đôi khi còn bị bốc cát vung lên mù mịt, khó chịu
nhưng dường như đã bắt bài được gió nên vẫn tỏ ra rất bình thản. Các lão phi
lao cứ lựa từng miếng đòn để tránh gió và nỗ lực ngăn cản cơn thịnh nộ khiến
gió càng cuồng điên quần đảo. Nhưng sức gió dường như cũng có hạn, vần vũ mấy
giờ liền nên cũng bị mệt nhoài. Khi mưa giảm dần và gió cũng ngừng quậy phá
theo. Khi trời gần sáng, mưa gió bỗng dưng tạnh hẳn để lại cho Cô Tô một màu
xanh mướt trên những hàng cây còn mọng hơi nước, khiến cho tiết trời mùa hạ ở
nơi đây trở nên nhẹ nhàng và rất đễ chịu.
Mưa gió trên đảo Cô Tô là vậy. Nếu ra đảo gặp những hôm tiết
trời không thuận lòng người như thế thì cũng chẳng lấy làm phiền lòng làm chi
cho mệt. Đôi khi ta cứ lặng im để mà cảm nhận và trải nghiệm cái tiết trời đỏng
đảnh trên đảo. Cô Tô không chỉ có nắng đẹp, trời trong và biển xanh màu ngọc
bích. Cô Tô còn có cả mưa, gió cùng những bão giông. Và dường như đã trở thành
quy luật. Sau mỗi trận gió mưa tơi bời thì trời lại sáng sủa hơn. Bầu trời Cô
Tô lại trở lên trong trẻo, quang đãng và mát lành, dễ chịu hơn rất nhiều. Dường
như những tia nắng hè làm chỉ làm cho cát vàng giòn hơn hay trắng mịn hơn thì
những trận mưa giông, gió giật lại giúp đất trời lau sạch, cuốn băng các bụi bặm
khiến cho cát vàng lại vàng hơn, trắng lại tinh hơn; những vách đá trên bãi
Móng Rồng lại trở nên sáng sủa, mới mẻ, tinh khôi như vừa được tắm gội. Chẳng
thế, sau những cơn mưa gió, bãi đá lại đông nghịt người xem. Những vỉa đá mát lạnh,
sáng bóng với đủ sắc màu lại duyên dáng bên bờ biển dạt dào sóng vỗ làm duyên
làm dáng cho biết bao người. Thế mới hay, những trầm tích đá trên đảo Cô Tô đâu
phải chỉ là những nham thạch của núi lửa; những cát vàng, cát trắng trên các
bãi biển trong xanh màu lam biếc đâu phải chỉ do những sóng xô, sóng đẩy mà còn
là do những gió mưa gột rửa bao đời để lại.
Cô Tô vốn dĩ đã đẹp, một vẻ đẹp ban sơ của tạo hóa. Và sau mỗi
lần trời làm gió mưa thì cái vẻ đẹp ấy của Cô Tô lại được tăng lên gấp bội bởi
sự trong trẻo, tinh khôi đến lạ kỳ của tạo vật trên đảo. Cứ mỗi lần như thế dường
như những con đường tình yêu với rặng phi lao già vi vu trong gió cùng hàng gạch
đỏ chạy dài như không có tuổi lại trở nên đằm thắm và mộng mơ hơn biết bao lần;
những bãi đá dù ở Móng Rồng hay Hồng Vàn, Vàn Chảy … cứ dập dềnh đêm ngày bên
sóng biếc, mặc sức rì rào hát ca để mà mê hoặc, quyến rũ, vấn vương làm cho biết
bao trái tim tưởng như đến quên lối về. Như thế, Cô Tô trong những ngày mưa đâu
hẳn đã là đáng buồn. Hãy đến đó để đón gió nghe mưa cùng lắng lòng và cảm nhận
bao nét nguyên sơ, trong sáng, dịu dàng như thửa hồng hoang của biển, của đá…
hẳn ta sẽ thấy và yêu hơn hòn đảo tiền tiêu như chính yêu thương máu thịt của
cơ thể mình.
Cô Tô, 25/6/2023
Giang Hiền Sơn
Theo https://www.vanchuongviet.org/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét