Đã bốn lần mười năm, kể cũng nhanh quá nhỉ. Những
người thề chung thủy, bây giờ thủy chung đâu? Những người đứng
giang đầu chỉ tay về hải giác, giọt lệ còn trong mắt hay đã khô ran rồi? Mười
năm bốn lần trôi… bao lần đàn gãy nhịp? Bao lần gió không kịp đuổi
hết lá mùa Thu? Ai đã nói gì chưa cho tròn câu từ tạ? Và
ai còn nấn ná cầm cây chổi quét sân đợi chờ một ngày Xuân không bao giờ thấy
tới…
Bốn mươi năm tôi hỏi mình bao nhiêu tuổi
già. Cơn gió chợt bay qua cuốn vài sợi tóc bạc, tôi nhặt lên ngơ
ngác: câu trả lời đây sao?
Chợt nhớ hai cây đào trồng trước nhà ai đó, vài hôm rồi có
gió lá vàng rơi hết chưa? Chao ôi đó, ngày xưa, bốn mươi năm còn vậy! Người
mô chừ không thấy, nhân diện đào hoa ơi… Tôi nhớ Tiếng Bên Trời, tập thơ Hà
Liên Tử - mười năm đời xa xứ, tác giả buồn não nề (*). Mười năm mà
lê thê, bốn mươi năm biền biệt. Nào ai còn ôm riết bốn mươi năm chờ
ai? Tôi nghĩ tới tương lai, mấy lần thập niên nữa? Tôi
nghĩ tới đồng cỏ sao trở thành thảo nguyên? Em em em em em… Một tiếng
vang vô tận!
Người lính chiều biên trấn mở dây kéo lá cờ, nó xếp những
giọt mưa đã khô thành giọt máu. Nó vuốt lại bâu áo, đứng thẳng và
hô Nghiêm! Em em em em em… Một tiếng vang vô tận!.
Ghi chú:
(*) Tiếng Bên Trời, thi phẩm của Hà Liên Tử, xuất bản tại
Sài Gòn thập niên 1960, bốn câu mở đầu: “Mười năm xưa mười năm
sau, một hình bóng cũ xóa màu thời gian, cầm như đã lỗi nhịp đàn, cố nhân ơi
bấy ngỡ ngàng cố nhân!”.
|
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét