Bập bùng giai điệu
"Giai điệu bập bùng gieo từng giọt lửa
Đôi lứa có bao giờ thôi cháy nỗi đam mê"
Có lẽ suốt cả đời tôi vẫn không quên được buổi chiều se lạnh ấy
ở Phổ Yên. Lúc đó vào khoảng bốn giờ chiều thì phải. Chiều mùa đông trắng xám như
sà thấp xuống. Phụng từ dưới chân đồi lên nhờ tôi giải một bài toán. Tôi biết
đó chỉ là cái cớ. Cái chính thì nó vu vơ lắm. Cũng như gió mùa đông bắc vậy. Vô
cớ luồn vô da thịt, thổi thon thót vào tận con tim.
Cái lạnh thường xúi người ta ngồi xích lại gần nhau. Tôi với
Phụng cũng vậy. Chúng tôi ngồi với cây ghi ta. Tôi bấm bập bùng giai điệu bài
"Ca li na nở hoa". Phụng cũng hát dặt dìu theo giai điệu ấy. Mùa đông
đốt má Phụng chín ửng lên. Gió lùa làm tóc Phụng rối bời lên. Tiếng hát làm mắt
Phụng long lanh như có lửa. Bà chủ nhà trọ đem cho chúng tôi một dĩa sắn luộc
hôi hổi nóng. Giai điệu bài "Ca li na nở hoa" bay theo mùi sắn thơm
phưng phức.
Thế rồi chúng tôi cùng đi ra bờ sông Công.
Chiều sập tối từ lúc nào. Vầng trăng non run rẩy bò lên đỉnh
đồi từ lúc nào. Đêm trung du chùng xuống như một phím đàn run rẩy.
Tôi lượm một hòn sỏi ném xúông dòng sông. Mặt nước phẳng lặng
dềnh lên những vòng sóng óng ánh trăng vàng.
Phụng nói:
- Bản chất của vật chất là sóng nhỉ. Sóng chuyển tải năng lượng,
hấp dẫn vạn vật.
Bấy giờ tôi không cảm nhận được năng lượng của sóng. Tôi chỉ
thấy vầng trăng dưới nước đẹp hơn trăng trên trời. Mà vầng trăng đang vỡ oà dưới
nước soi vào mắt Phụng lại càng đẹp hơn nhiều. Đó là vầng trăng sông mùa đông
trong mắt Phụng. Vầng trăng ấy theo tôi cho đến tận bây giờ.
Tôi và Phụng cùng học cấp ba với nhau suốt cả ba năm ở Quỳnh
Lưu. Chúng tôi có với nhau rất nhiều kỷ niệm.
Năm học lớp tám, gia đình tôi và gia đình Phụng cùng sống ở
Quỳnh Minh. Chiều nào tôi với Phụng cũng cùng nhau đi cào lá phi lao ngoài động
cát sát với mí biển. Khi băng qua ruộng dưa hấu của hợp tác xã, thỉnh thoảng
tôi vẫn bẻ trộm một qủa dưa. Hai đứa tôi leo lên một chiếc thuyền đã được kéo
lên nằm chình ình trên bãi cát. Tôi đập qủa dưa vào mũi thuyền. Qủa dưa bể ra
thành nhiều miếng đỏ thắm, nhưng nhức những hột đen huyền như mắt của Phụng. Ăn
hết qủa dưa, hai đứa tụt xuống khỏi con thuyền đi lộng, chạy ào ra biển. Nhảy
choi choi trên những con sóng là niềm vui của Phụng. Lặn hụp dưới những con
sóng là niềm vui của tôi. Tắm táp thỏa thuê rồi thì xoay qua dùng bàn chân cào
cát, tìm bắt những con ngao trắng lấp lóa dưới nắng mặt trời. Mỗi đứa bắt được
chừng vài chục con mới chịu trở lên động cát cào lá phi lao. Rừng phi lao cổ thụ
dài ngút ngát, chỉ cần cào chừng một tiếng đồng hồ đã gom được cả một gánh lớn.
Khi đã cào được đầy gánh lá khô thì cũng là lúc hoàng hôn
buông trên biển. Đó cũng là lúc thuyền đánh cá khơi xa cập bờ. Chỉ cần một vài
tiếng tù và cất lên đã thấy các bà các cô trong làng túa ra gánh cá. Tôi với Phụng
vẫn thường sán tới chỗ những người đàn bà ngồi lom khom chọn cá. Chỉ cần ngồi với
họ, thể nào họ cũng cho một mớ cá đem về. Những người đàn bà thường chỉ cho cá
nhỏ. Còn các lão ngư ông thì hào phóng hơn, họ vẫn thường lén các bà dúi cho
tôi và Phụng một hai con cá thu to như cổ chân, hoặc một vài con cá chim to hơn
cả bàn tay người lớn.
Môt buổi trưa tôi với Phụng đi cào lá, nhưng lại đi tuốt về
phía Lạch Quèn để leo núi. Trên núi có một pháo đài cổ của Pháp xây bằng đá, đã
hoang tàn vì bị bỏ phế qúa lâu. Chúng tôi đang mải mê khám phá từng ngóc ngách
của pháo đài thì một cơn giông mùa hạ nổi lên đùng đùng với trăm ngàn tia sét rạch
ngang dọc trên bầu trời. Trên cao, mưa quất ào ào. Dưới chân núi, biển gầm lên
sôi sục. Trời và đất như tan chảy và trôi tuột xuống vực biển sấm rền và gió
táp. Qua hết cơn giông thì trời đã sập chiều xâm xẩm. Hai đứa chúng tôi vất vả
tuột xuống núi, rồi hối hả chạy dọc theo bờ biển về làng. Từ trong rừng phi
lao, rùng rùng hàng chục bó đuốc túa ra bờ biển. Khi tới nơi chúng tôi mới biết,
dân làng đổ xô đi tìm chúng tôi, bởi họ tưởng chúng tôi bị sóng thần cuốn ra
khơi rồi đánh tấp vào đâu đó.
Từ Bình Minh đi Quỳnh Ngọc, đám học trò cấp ba chúng tôi phải
thức dậy đi từ bốn năm giờ sáng để qua chuyến đò đầu tiên vượt sông Hoàng Mai,
may ra mới kịp tiết học đầu tiên. Mùa đông, phải ngồi đò từ bốn năm giờ sáng, đứa
nào cũng bị giá rét từ trời cao, từ mặt nước, làm cho lạnh cóng. Vậy mà với tôi
và Phụng lại trở thành một kỷ niệm rất đẹp. Số là cách bến đò của xã gần trăm
mét, có một ông lão sáng nào cũng chèo đò qua sông để đưa hai cô cháu gái gánh
cá đi bán dạo trên Cầu Giát. Ông lão thường cho chúng tôi đi nhờ mà không lấy
tiền. Đò vượt sông vào ban đêm, mái chèo quẫy nước làm ánh lên những tia lửa
lân tinh, sáng óng ánh màu biếc xanh rất đẹp. Hai cô cháu gái của ông là nữ
pháo binh dân quân miền biển, từng bơi thuyền nan trước họng súng thủy phi cơ
ra biển, cùng hai nữ dân quân nữa bắt sống tên phi công Mỹ ngồi trên phao cứu
sinh chờ trực thăng tới cứu. Vậy mà cả hai cùng hiền từ và thường im lặng như
cũ khoai, củ sắn. Khi gánh cá trên con đường hun hút heo may, cả hai cũng lặng
lẽ người trước người sau, guồng chân đi nhanh như chạy. Tôi với Phụng cũng guồng
chân chạy theo tiếng đòn gánh tre phát ra kẽo kẹt. Nhờ vậy, chúng tôi cũng ấm
lên được phần nào. Do phải chạy nhanh cho kịp hai cô gái, đã nhiều lần chúng
tôi vấp ngã quay lơ xuống đường; có lần tôi với Phụng đè díu vào nhau, guốc dép
văng cả xuống ruộng. Và bao giờ cũng vậy, chúng tôi cứ theo họ đến ngang nhà thờ
Quỳnh Đôi thì cũng là lúc bình minh ưng ửng sáng. Từ con đường lát đá tảng dẫn
vào cổng nhà thờ, chúng tôi lặng lẽ chia tay với họ, theo con đường đất băng
qua cánh đồng rộng ngút ngát để tới trường.
Phụng lượm một hòn sỏi ném xuống sông. Tôi cũng lượm một hòn
sỏi ném tiếp theo xuống sông. Hai vòng sóng giao thoa với nhau, khiến vầng
trăng dưới nước trở nên lung linh, kỳ ảo lạ thường.
Phụng nói:
- Sự giao thoa tạo nên cộng hưởng nhỉ. Nếu bản chất vật chất
không phải là sóng, thì làm sao thế giới có được tồn tại sức mạnh của sự sống.
Tôi có cảm tưởng Phụng đang trôi vào một thế giới vật chất xa
vời nào đó, rất không có thật trong đời. Con người ta vẫn thường có những phút
phiêu lưu tâm tưởng vào một thế giới hoàn toàn xa lạ. Thế giới ấy tạo ra sự xuất
thần đột biến.
Thốt nhiên Phụng nắm lấy tay tôi, nói.
- Nhưng phải có hạt mới có sóng chứ. Vậy thì bản chất vật chất
phải là hạt, là rắn. Nếu đêm nay lạnh hơn nữa thì cả dòng sông Công cũng sẽ
đông cứng lại. Rắn lạnh như băng nhỉ?
Bản năng vật chất của tôi bùng lên ngay lúc đó. Chúng tôi
giao thoa sự ngọt ngào thổn thức với nhau lúc nào không biết. Đến lúc tính chất
sóng của tôi bùng lên năng lượng khổng lồ của Hỏa Diệm Sơn trong ngực, thì ngay
lập tức tôi hoảng sợ nhận ra cái thế giới rất thật mà hai chúng tôi đang tồn tại.
- Phụng này! Hoa ca li na là?..
- Phụng cũng không biết. Chắc là…
Cả hai chúng tôi đều không biết hoa ca li na là hoa gì.
Dòng sông Công cũng không biết. Cả bầu trời mùa đông cũng
không biết.
11g00 đêm hôm ấy chúng tôi ra ga Phổ Yên để lên tàu về Hà Nội.
Có tiền nhưng chúng tôi đi lậu vé. Đi lậu vé thì phải ngồi ngoài bậc cửa lan
can, chỗ giáp nối giữa hai toa tàu. Đêm hun hút. Giá lạnh tới đặc quánh cả màn
đêm thăm thẳm như bịt lấy mắt. Giá lạnh làm cho tiếng còi tàu trở nên khàn đục.
Người trưởng tàu không biết xuất hiện sau lưng chúng tôi từ lúc nào, hắng giọng
ho mấy tiếng, rồi bật đèn pin hỏi vé. Biết chúng tôi là sinh viên nên anh bỏ
đi, chỉ lẩm bẩm rằng, đừng có mà tí tởn, không khéo lại rớt xuống đất mất mạng.
Tàu về tới Gia Lâm lúc 2g00 sáng. Cầu Long Biên bị máy bay Mỹ
đánh đứt nhịp, chúng tôi phải theo bờ đê sông Hồng tới cầu phao Chương Dương để
qua sông. Đang đi thì còi báo động nổi lên hù hụ. Rồi thì máy bay Mỹ ập tới sầm
sập. Bom nổ như xé gió. Đạn phòng không bắn lên xối xả. Tôi với Phụng chạy cắm
xuống chân đê, cùng nhảy xuống một cái hầm tròn không có nắp.
Đó là đêm 19 tháng 12 năm 1972. Đêm đầu tiên Mỹ tập kích bằng
máy bay chiến lược B52 xuống thủ đô Hà Nội. Cùng với pháo đài bay ném bom rải
thảm, còn có máy bay con ma, thần sấm sét, và máy bay cánh cụp cánh xòe, kết hợp
tấn công bằng bom và tên lửa xuống các nhà máy, các khu dân cư và trận địa pháo
cao xạ của ta. Mỗi lần nghe tiếng phản lực chúi xuống ném bom, rít lên rợn người,
Phụng lại ôm chầm lấy tôi. Mặt đất rung bần bật. Mảnh bom quất veo véo trên đầu.
Chớp lửa chói lóa nhằng nhằng. Máy bay oanh kích chiến thuật của Mỹ cháy đùng
đùng như những bó đuốc trên trời. Rền trong tiếng bom rung chuyển cả không
trung và mặt đất, có nhiều tiếng người hét lên đầy phấn khích: Cháy rồi.. ồi… ồi!
B52 cháy rồi… ồi… ồi! Cả hai chúng tôi cùng đứng vụt dậy, không còn biết sợ là
gì nữa. Trên trời cao, bùng bùng một đám cháy chói lóa, sáng trắng tới mức
không thể nhìn qúa được vài giây. Đó là đám cháy ma nhê của siêu pháo đài bay
Hoa Kỳ- cái mà đế quốc Mỹ gọi là con át chủ bài để đem ra dọa sẽ đẩy miền Bắc của
chúng ta về thời đồ đá.
Chừng dứt trận bom, chúng tôi theo đoàn người chạy ào ào trên
cầu phao để vượt sông. Qua tới bờ đê Hà Nội, Phụng kéo tay tôi ngồi phịch xuống
vạt cỏ. Rồi Phụng co chân nằm ngửa ra, hai tay vòng qua đầu.
- Thoát chết rồi! Để Phụng thở một lúc.
Tôi ngồi dưới chân Phụng, hai tay chỏi ra sau lưng; cảm nhận
hôi hổi hơi thở dập dồn của Phụng.
Bấy giờ bình minh đã ửng hồng phía đông bầu trời thủ đô.
Cuối năm 72 tôi nhập ngũ, rồi khóac ba lô đi theo tiếng súng vào
chiến trường Nam Bộ. Còn Phụng được chuyển sang Ba Cu học chuyên ngành về dầu
khí. Giữa hai chúng tôi chỉ còn lại kỷ niệm nụ hôn bên bờ sông Công. Đó là nụ
hôn của mối tình đầu nên tôi không bao giờ quên được.
Trong một lần đi thực tế sáng tác dọc theo dòng sông Láng Sắc,
tôi với anh bạn cùng phân hội âm nhạc, ghé vào thăm một ngôi trường tiểu học.
Tiếng là trường, nhưng thực ra chỉ có một dãy nhà lá được ngăn thành năm lớp học.
Lùi ra phía sau chừng năm chục mét là một ngôi nhà lá khác nhỏ hơn, được ngăn
làm hai. Hai phần ba ngôi nhà này là chỗ ở của năm cô giáo, một phần ba còn lại
là văn phòng hội họp và làm việc của nhà trường. Có vẻ như cả năm cô giáo trẻ
tuổi còn độc thân này, không phải sống bằng lương, mà họ sống bằng chăn nuôi là
chính. Cả một ao cá, một dãy chuồng heo, và không biết cơ man nào là gà, là vịt.
Hình như giáo viên tiểu học ở vùng sâu đều như vậy, không ai sống thảnh thơi bằng
lương, ai cũng phải lấy nghề khác để nuôi nghề dạy học.
Biết chúng tôi đi thực tế viết nhạc, họ nhất định bắt chúng
tôi ở lại ca hát với họ một đêm, và nhất định bắt phải sáng tác một ca khúc về
ngôi trường của họ. Cái nghề đi thực tế sáng tác của chúng tôi, hễ được ai mời
thì không bao giờ lại ngu ngốc từ chối, nhất là với năm cô giáo còn trẻ phơi phới
như thế này. Riêng với tôi, một trong năm cô giáo ấy lại là người xứ nghệ; mà lại
là cô giáo lớn tuổi nhất, và… đẹp nhất. Làm sao mà tôi bỏ đi cho được.
Chúng tôi không có đàn, nhưng các cô thì lại có tới hai cây
đàn ghi ta và ba cây đàn manđolin. Đó là đàn của đơn vị biên phòng tặng nhân
ngày kết nghĩa.
Phụ nữ độc thân sống với nhau, họ cũng ồn ào không khác gì
đàn ông. Có nghĩa là họ cũng cạn ly với chúng tôi, cũng ca hát với chúng tôi tới
vỡ oà cả đêm sáng trăng lồng lộng. Và tất nhiên là khi chúng tôi say thì họ
cũng say. Tôi với anh bạn nhạc sĩ cùng phân hội ngủ ở phòng làm việc. Họ đã cẩn
thận chuẩn bị chỗ ngủ và nước uống cho chúng tôi từ chiều. Nhưng cái tật của
tôi là không dễ gì ngủ được ở nơi xa nhà, nhất là khi trăng vàng đang chan chứa
trên sông.
Xách chai rượu và cây ghi ta ra bờ sông, bàn tay tôi tự nhiên
bấm lên bập bùng giai điệu bài "Ca li na nở hoa". Tiếng đàn theo những
sợi gió đêm mong manh trượt xuống dòng sông lóng lánh muôn vàn ánh vàng ánh bạc.
Dòng sông đang lúc triều cường, căng vồng lên như một lồng ngực ngùn ngụt sức sống.
Tiếng đàn theo những sợi gió mong manh bay chạm vào rặng bần, làm rung lên xạc
xào muôn vàn âm thanh của lá. Một con cá trồi lên búng nước. Mặt nước duềnh lên
những vòng sóng óng ánh như pha lê. "Bản chất của vật chất là sóng nhỉ.
Sóng chuyển tải năng lượng, hấp dẫn vạn vật". Trời ơi! Sao mà tôi nhớ Phụng,
nhớ đêm sông Công đến cồn cào. Đêm ấy sóng vật chất của chúng tôi đã giao thoa
với nhau đến mức cộng hưởng thành hương vị mặn mà, ngọt lịm. Nhưng mà hoa ca li
na là hoa gì? Nó có giống bông bần đang lặng lẽ nở trong đêm trăng sông của
dòng Láng Sắc này không nhỉ?
- Anh không ngủ được à?
Không nhìn sang nhưng tôi cũng biết là Hồng Sa xứ Nghệ từ
trong nhà mới ra.
- Trăng sông đẹp như thế này mà ngủ thì uổng lắm! Với nữa là…
tôi nhớ.
- Nhớ sông Bùng phải không?
- Ừ, nhớ sông Bùng, sông Thai, sông Mai.
- Nhớ sông sao lại hát "Ca li na nở hoa"?
Như có cái gì đó cứa vào tim tôi, khiến tim tôi nhói lên một
cơn đau rất mơ hồ. Rõ ràng là tôi với Phụng có với nhau rất nhiều kỷ niệm trên
bờ đê sông Thai, khi chúng tôi chuyển về Quỳnh Hồng, thường đi bộ từ Quỳnh Hồng
tới Quỳnh Ngọc. Lối bờ đê đầy bông cỏ may. Khi từ trường trở về, tới qủa núi đầu
xã, chúng tôi thường ngồi lại trên một gộp đá, tỉ mẩn nhổ từng bông cỏ.
- Hồng Sa cũng biết bài "Ca li na nở hoa" à?
- Biết! Em biết từ hồi còn học cấp hai ở quê, thành thử nghe
anh đàn mới không ngủ được.
Rất tự nhiên, Hồng Sa hát theo tiếng đàn của tôi. Tiếng hát
và tiếng đàn bập bùng cất lên trong đêm trăng sông mặn mòi gió biển. Tôi nhận
thấy trên mặt mình ram ráp hơi muối biển. Tôi biết chắc rằng tóc của mình cũng
đã cứng bết lại bởi vị mặn của biển khơi. Biển khơi bao giờ cũng làm cho con
người ta trở nên rắn rỏi và săn chắc. Nhưng đêm nay, đêm trăng sông trên dòng
Láng Sắc, tôi hiểu rằng trái tim của tôi đang thổn thức một nỗi đau xa vắng, mơ
hồ.
- Hồng Sa uống với tôi một ly rượu được không?
- Được, nhưng em sợ bị say.
Tôi đưa ly rượu cho Hồng Sa, nắm lấy bàn tay nhỏ nhắn của cô
giáo xa quê mà nói một cách văn vẽ như có ai đó móc miệng cho:
- Say với trăng sông huyền diệu, với ca li na nở hoa lặng thầm
thì sợ gì há em.
Đêm chuyển vào xuân chầm chậm. Cánh đồng bầu trời cuối năm ở
miền duyên hải trong vắt như thủy tinh. Trăng đã nhường sáng cho sao từ bao giờ.
Trên những rặng bần, đom đóm đã giăng lửa đèn nhấp nhánh. Tiếng bìm bịp báo nước
ròng cất lên từ bên kia sông, nghe nao niết tới mủi lòng.
Hồng Sa đã ngấm chất men của thứ rượu nếp huyết rồng miền
duyên hải, tựa đầu vào vai tôi, ngủ một cách yên bình, thánh thiện. Tôi nhận thấy
em cười trong mơ. Chắc là em mơ thấy sông Bùng. Còn với tôi, dòng sông Công
đang hiện ra trước mặt.
Tôi cũng thừa biết rằng, tôi đã ngấm tới tận cùng máu thịt chất
men nồng nàn của lửa. Tôi đặt cây đàn xuống, định lay Hồng Sa thức dậy để đưa
cô về phòng; nhưng khi tiếng đàn vừa tắt thì Hồng Sa đã mở choàng đôi mắt thăm
thẳm ánh sáng sao trời.
Em dùng cả hai tay, nắm lấy bàn tay tôi mà nói:
- Đàn đi anh! Đàn cho em mơ thấy sông Bùng, mơ thấy ca li na
nở hoa trên bến nước.
Làm sao tôi có quyền dập tắt một giấc mơ tuyệt vời như thế.
Nhưng mà sông Bùng ơi, hãy nói giùm với em, tôi cũng đang
ngây ngất, tôi sắp đổ xuống vạt cỏ sữa bên dòng sông Láng Sắc ngay bây giờ đây
thôi.
Từ cánh rừng sú ngút ngát bên kia sông, một cơn gió của buổi
hừng đông nổi lên rười rượi. Cơn gió chạm vào mặt sông. Cơn gió chạm vào tán
lá. Cơn gió chạm vào da thịt của hai sinh linh đang ngún cháy. Tất cả ngân lên
lời bập bùng giai điệu.
Sông Bùng, sông Bùng ơi! Sao mà nhớ sông Công đến nao lòng muốn
khóc!.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét