"Chân dung ảo"
Phải nói ngay rằng tôi là một người cũ. Cũ từ trong ra
ngoài, cũ từ trên xuống dưới, cũ từ cái lặt vặt cho đến cái lớn lao. Có lẽ vì
mình quá cũ cho nên ít khi chấp nhận những cái mới. Khi phải đọc những bài
thơ gọi là thơ hiện đại, thơ “hậu hiện đại”, tôi cảm thấy bất lực trước những
ngôn từ rối rắm cao siêu khiến cho đôi khi có cảm tưởng như mình đang bị đánh
đố bởi trò chơi tung hứng ngôn ngữ của các nhà thơ. Có lẽ trong tôi cái cũ đã
ăn sâu đến độ thâm căn cố đế rồi, hay là tại kiến thức mình còn nông cạn đến
mức không thể hiểu nổi cái trò chơi ngôn ngữ của những nhà thơ trẻ, những nhà
thơ mà gọi theo ngôn ngữ thời thượng là thế hệ nhà thơ 8X. Vậy mà…
Một buổi chiều cuối tháng 6, chính xác hơn là đầu tháng 7,
tôi nhận được tập thơ Chân dung ảo từ tay tác giả. Cái cảm nhận đầu
tiên là tập thơ “Đẹp”. Đẹp từ cái bìa do nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo trình
bày cho đến cách dàn trang bên trong. Không riêng gì tôi mà nhiều người có
trong tay tập thơ của Lê Hưng Tiến cũng cảm nhận như thế. Vậy thì có thể nói
trong chừng mực nào đó Chân dung ảo đã thành công ngay từ cái nhìn
đầu tiên của độc giả. Cảm nhận thứ 2 là Lê Hưng Tiến dũng cảm. Dũng cảm
trong cách dùng từ, dũng cảm trong cách biểu đạt ngôn ngữ mà nói như nhà thơ
Nguyễn Trọng Tạo thì: “Thơ Tiến tuy lạ nhưng vẫn quen, thơ của Tiến mới…
nhưng điều quan trọng nhất là thơ Tiến hay!”. Nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo khen
thơ của Tiến mới vì Tiến gọi là “ cầu vòng” chứ không phải cầu vồng như
chúng ta vẫn thường gọi. Thơ Tiến mới và lạ vì ngôn ngữ thơ của Tiến khác với
ngôn ngữ thơ của những người cũ như tôi. Ví dụ như Tiến gọi chiều là “chiều khong
khỏng khong khỏng khong khỏng” chứ không gọi theo cách bình thường là chiều
lên hay xuống… Hãy đọc thử những câu thơ: “… Sợi tích tắc lõng bõng gân guốc/
Con quay bỗng hoá thành bầy chuột gặm nhấm từng trái cấm ẩn dụ” (Giấc em
bong bóng bòng bong). Hay trong bài Thế hệ A-còng thì “… Sợ đến khi
biến thể ấc ấc/ Ấc ấc/ Bản sắc no ăng ắc/ Lung lạc ”v.v… và v.v… Mới thấy
đúng là ngôn ngữ thơ của Lê Hưng Tiến cực kỳ mới. Mới đến độ những người cũ
như tôi không thể nào hiểu nổi cho dù 1 từ.
Dạo gần đây khi mà có sự hỗ trợ của Nhà nước cho Hội văn
nghệ các địa phương để các tác giả có điều kiện ra mắt những đứa con tinh thần
của mình thì bản thân người viết được khá nhiều tác giả ưu ái tặng những tập
thơ, hay tuyển tập truyện ngắn được xuất bản dươi sự hỗ trợ của Nhà nước, như
thế thì trong chừng mực nào đó tác giả không phải bỏ tiền túi của mình ra đặng
in thơ, cho dù biết chắc mười mươi rằng thơ mình in ra chỉ để tặng mà thôi.
Thế thì trong lãnh vực này thì Lê Hưng Tiến ngon lành hơn nhiều người khác vì
đã dám bỏ tiền túi ra để in một tập thơ và cũng bán được.
Mỗi ngày tôi chỉ đọc được một bài thơ của Tiến. Và phải đọc
vào những lúc bình tỉnh nhất, vì thơ Tiến mới quá, ngôn ngữ thơ của Tiến lạ
quá (ít ra cũng là trong suy nghĩ của tôi) nên cần phải có một cái tâm thật
tĩnh may ra mới có thể cảm nhận được. Thực lòng mà nói cho đến giờ này, khi
đã đi theo Tiến gần hết 39 bài thơ tôi vẫn chưa thể nào hiểu nổi Tiến muốn
nói điều gì, có lẽ vì ngôn ngữ thơ của Tiến nằm ở “chiều nghiêng” trong khi
tôi lúc nào cũng ở chiều thẳng đứng!!!.
39 bài thơ. 39 cách biểu đạt ngôn ngữ và dĩ nhiên là có nhiều
bài thơ hay. Rất hay nữa là đằng khác. Và đi suốt cả 39 bài thơ đó, với tôi,
thích nhất vẫn là bài thơ “Thiền” Bài thơ hay ngay từ 4 câu thơ đầu:” Thiền
trong đôi mắt/ Cái phận người dìm dẫm đong đo/ Chia ai chạng vạng rẻo vui buồn/
Hoàng hôn có khói”. Và đến 4 câu kết thì thực là hoàn hảo: “… Con đom đóm tạc
vào thảm cỏ phù hư/ Ban mai lại độc hành”. Toàn bài chỉ có 5 khổ thơ vậy mà
khi đọc lên ta cảm nhận được cái bức bối, sự cô đơn của một phận người, cô
đơn ngay chính trong cái bản ngã của chính mình: “Cái phận người phả vào
không khí”. Cái phận người ở đây sau một đêm độc thoại, tỉnh ra thấy mình lại
lầm lũi độc hành. Những câu thơ đại loại như thế ngày nay xuất hiện khá nhiều
ở thế hệ “Những nhà thơ 8X”.
Khi nhận được tập thơ từ tay tác giả, lòng vô cùng cảm ơn
vì hình như mình hơi được coi trọng. Vì thế cho nên bài viết này cũng chỉ một
là cảm nhận riêng tư về một tập thơ của một người làm thơ trẻ có cái mong muốn
đổi mới không khí thơ vốn đã quá trầm lắng, quá cũ mèm ở cái xứ mà “văn
chương vốn rẻ xương cá mòi” này. Đó là một thái độ đáng trân trọng. Xin đừng
xem bài viết này như một bài phê bình, mà chỉ nên xem nó như là một cảm nhận
của một người làm thơ cũ trước những cái mới. Mà thường những cái gì mới cũng
gợi nhiều tò mò và nhất là mới đôi khi cũng dễ gây sốc.
|
Hoàng
Công Tâm
|
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét