Thứ Tư, 8 tháng 7, 2020

Hành trình mười lăm năm lưu lạc của nàng Kiều

Hành trình mười lăm năm 
lưu lạc của nàng Kiều
Trong buổi đoàn viên với Kim Trọng, cuộc đời nàng Kiều trải qua 15 năm lưu lạc, được hồi tưởng lại bởi thời con gái hạnh phúc tươi đẹp:
Những từ sen ngó, đào tơ,
Mười lăm năm mới bây giờ là đây….
(Truyện Thúy Kiều, Bùi Kỷ và Trần Trong Kim hiệu khảo. Nhà xuất bản Ðại Nam, trang 203)
“Sen ngó, đào tơ” được vun trồng tại đâu? Lời viên lại già tại Lâm Chuy cho biết nàng sinh trưởng tại Bắc Kinh, và đây cũng là chốn đầu tiên nàng cất tiếng tiếng khóc nức nở đoạn trường:
Thăng đường chàng mới hỏi tra,
Họ Ðô có kẻ lại già thưa lên:
Sự này đã ngoại mười niên,
Tôi đà biết mặt biết tên rành rành.
Tú Bà cùng Mã Giám Sinh,
Ði mua người ở Bắc Kinh đưa về.
Thúy Kiều tài sắc ai bì,
Có nghề đàn, lại đủ nghề văn thơ!
Kiên trinh chẳng phải gan vừa,
Liều mình thế ấy, phải lừa thế kia….
(Truyện Thúy Kiều, sđd [sách đã dẫn] trang 193)
Bắc Kinh, nơi sinh ra nàng, được mệnh danh là “Ðế vương chi đô”, với địa thế vùng thượng du khống chế trung nguyên, cùng ải hiểm trường thành chế ngự phương bắc. Hiện nay Bắc Kinh là thủ đô của Trung Quốc, diện tích 17.000 km2, dân số 11 triệu 85 vạn người Thời Thúy Kiều trưởng thành, Bắc Kinh là kinh đô của nhà Minh, đây là nơi phồn hoa đô hội vào bậc nhất Trung quốc.
Hãy theo bản đồ dưới đây để biết về cuộc hành trình đầu tiên của nàng, trên bước đường lưu lạc. Mã Giám Sinh mua nàng với danh nghĩa làm vợ, với giá hơn 400 lượng bạc tại Bắc Kinh; để rồi đưa nàng đến phố lầu xanh tại Lâm Chuy, tức Chuy Bác thị ngày nay. Truyện Thúy Kiều mô tả cuộc hành trình bằng cổ xe ngựa, một phương tiện giao thông nhanh nhất thời bấy giờ, đầy vẻ khẩn trương:
Ðùng đùng gió giục, mây vần,
Một xe trong cõi hồng trần như bay...
[Truyện Thúy Kiều, sđd trang 105]
Chắc đường bộ thời bấy giờ, cũng không xa cách đường cao tốc ngày nay nhiều; nên qua nét vẽ màu tìm, có thể hình dung  được  đường từ Bắc Kinh [1] (chú thích trên bản đồ) theo hướng nam đến  Chuy Bác thị [2], dài khoảng 500 km, phải qua thành phố Thiên Tân [3]; một địa danh nỗi tiếng ghi trong lịch sử, với hiệp ước Thiên Tân ký giữa Thực dân Pháp và Trung Quốc nhắm chia cắt nước ta. Với phương tiện ngày nay, di chuyển bằng xe nơi, hoặc xe lửa, một ngày dư sức tới nơi; nhưng thời nhà Minh chuyến đi của nàng Kiều mất một tháng trời:
Những là lạ nước, lạ non,
Lâm Chuy vừa một tháng tròn tới nơi.
{Truyện Thúy Kiều, sđd trang 106]
Lâm Chuy thời Chiến Quốc Xuân Thu, trước Công nguyên, là kinh đô của nước Tề; vì vị trí nằm cạnh sông Chuy Thủy, nên gọi là Lâm Chuy. Nước Tề một thời làm bá chư hầu, Lâm Chuy từng là kinh đô của Tề trong vòng 800 năm trời, nên đây cũng là chốn phồn hoa đô hội.
Bản đồ hành trình từ Bắc Kinh đến Lâm Chuy
 
Chú thích bản đồ:
[1] Bắc Kinh.
[2] Lâm Chuy [臨淄] tức Chuy Bác thị [淄博市].
[3] Thiên Tân thị
[4] Tỉnh Hà Bắc
[5] Tỉnh Sơn Ðông
Thời gian tại lầu xanh và hoàn lương làm vợ bé Thúc Sinh, Thúy Kiều sống tại Lâm Chuy; nhưng rồi bị Hoạn Thư ghen, cho người đến bắt cóc. Buổi đầu, Thúy Kiều bị nhốt tại nhà mẹ Hoạn Thư, sau đem trở về nhà vợ chồng Thúc Sinh; họ Thúc quê tại Vô Tích, theo cha mở cửa hàng tại Lâm Chuy.
Vốn người huyện Tích, châu Thường.
Theo nghiêm đường mở ngôi hàng Lâm Chuy.
(Truyện Thúy Kiều, sđd trang 122)
Vô Tích vị trí tại phía nam tỉnh Giang Tô, phía bắc cách sông Dương Tử khoảng 30 km, nam giáp Thái Hồ, đông giáp Tô Châu; hiện nay là thành phố lớn sầm uất nên được mệnh danh là Tiểu Thượng Hải, với diện tích 4.787 km2, dân số hơn 6 triệu người.
Bọn gia nô theo lệnh của Hoạn Thư, chở Thúy Kiều bằng đường biển đến Vô Tích:
Lâm Chuy đường bộ tháng chầy,
Mà đường hải đạo sang ngay thì gần.
(Truyện Thúy Kiều, sđd trang 138)
Căn cứ vào bản đồ có thể phỏng đoán rằng thuyền khởi hành từ Chuy Bác thị (Lâm Chuy) [1] theo đường thủy đến cửa sông Hoàng Hà, vượt biển hướng nam đến cửa sông Dương Tử, rồi theo hướng tây đến Vô Tích [2]; cuộc hành trình trên 1200 km.
Bản đồ cuộc hành trình từ Lâm Chuy đến Vô Tích.
Chú thích bản đồ:
[1] Chuy Bác thị tức Lâm Chuy.
[2] Vô Tích
[3] Tỉnh Sơn Ðông
[4] Tỉnh Giang Tô
[5] Thượng Hải
Qua lệnh truy nã kẻ gây oán và mời người mang ơn, Từ Hải phái hai đạo quân đến Lâm Chuy và Vô Tích. Như vậy ngoại trừ Tú Bà, Mã Giám Sinh, Sở Khanh ở Lâm Chuy; số người còn lại như sư Giác Duyên, Thúc Sinh, mụ quản gia, Hoạn Thư, Bạc Hạnh vv...  đều ngụ cư tại  vùng Vô Tích:
Ba quân chỉ ngọn cờ đào,
Ðạo ra Vô Tích, đạo vào Lâm Chuy.
(Truyện Thúy Kiều, sđd trang 170)
Từ đó có thể suy luận rằng Bạch Hạnh khởi hành từ Vô Tích, dùng thuyền đưa nàng Kiều đến bán cho phố lầu xanh tại châu Thai:
Thành thân, mới rước xuống thuyền,
Thuận buồm một lá, xuôi miền châu Thai.
Thuyền vừa đỗ bến thảnh thơi,
Bạc sinh lên trước tìm nơi mọi ngày,
Cũng nhà hành viện xưa nay,
Cũng phường bán thịt, cũng tay buôn người.
(Truyện Thúy Kiều, sđd trang 162)
Châu Thai là thành phố giáp biển thuộc miền trung tỉnh Chiết Giang; vì trong tỉnh có núi Thiên Thai, nên được đặt tên là châu Thai. Thành phố hiện nay với diện tích 9.400 km, dân số gần 6 triệu người.
Qua bản đồ, đường thủy thuận tiện nhất từ Vô Tích [1], đến châu Thai [2], đáng từ Vô Tích ngược lên phía bắc khoảng 30 km đến sông Dương Tử [6], rồi xuôi dòng ra cửa biển, lại tiếp tục ven bờ theo hướng nam đến châu Thai; cuộc hành trình khoảng 600 km.
Ðịnh mệnh chưa dứt, tại châu Thai [2] nàng Kiều lại kết duyên cùng Từ Hải, rồi theo đoàn quân của họ Từ lên phương bắc đến vùng phụ cận thành Bình Hồ [3] tại phía bắc tỉnh Chiết Giang; nếu tính theo đường bộ [vạch màu tím] từ châu Thai đến thành Bình Hồ khoảng 300 km.
Qua bài Ký tiễu Từ Hải bản Mạt [bài ký đầu đuôi việc tiễu trừ Từ Hải] trong sách Trù Hải Ðồ Biên của Hồ Tôn Hiến, nội dung tiết lộ sau khi Từ Hải đến hàng triều đình tại thành Bình Hồ, Tổng đốc Hồ Tôn Hiến cho Hải tạm đóng quân tại trang trại Trầm Hương gần thành. Ðêm hôm sau, quân triều đình tập kích, Hải phải nhảy xuống sông tự tử. Sự việc được mô tả như sau:
Quân Vĩnh Bảo [của Hồ Tôn Hiến] bắt được 2 thị nữ xưng họ Vương, một người tên Thúy Kiều, một người tên Lục Châu, vốn xuất thân từ ca kỹ. Hai thị nữ khóc và chỉ chỗ Hải trầm mình; quân Vĩnh Bảo bèn nhảy xuống sông, chém Hải lấy thủ cấp mang về.
Truyện Thúy Kiều còn chép sau khi ân ái với nàng Kiều, Hồ Tôn Hiến ép gả cho viên Thổ Quan; do đó nàng phải làm cuộc hành trình mới với viên Thổ Quan. Trên chiếc thuyền từ thành Bình Hồ, qua vịnh Hàng Châu, đến cửa sông Tiền Ðường; Thúy Kiều biết được đây là địa điểm Ðạm Tiên đã hẹn nàng trong giấc mộng, nên không còn ngần ngại, nhảy xuống sông tự tử:
Triều đâu nỗi sóng đùng đùng,
Hỏi ra mới biết rằng sông Tiền Ðường [4] [錢溏].
Nhớ lời thần mộng rõ ràng,
Này thôi hết kiếp đoạn trường là đây!
[Truyện Thúy Kiều, sđd trang 183.]
Từ thành Bình Hồ đến cửa sông Tiền Ðường, đường thủy gần 100 km. Sông rộng, thủy triều nỗi tiếng dâng cao, đây là con sông lớn nhất tỉnh Chiết Giang; gần bờ sông là địa điểm sư Giác Duyên lập am để đón nàng:
Giác Duyên nghe nói mừng lòng,
Lân la tìm thú bên sông Tiền Ðường.
Ðánh tranh, chụm nóc thảo đường,
Một gian nước biếc mây vàng chia đôi.
[Truyện Thúy Kiều, sđd trang 186]
Bản đồ về các cuộc hành trình đến châu Thai, thành Bình Hồ, sông Tiền Ðường.
Chú thích bản đồ:
[1] Vô Tích
[2] Châu Thai
[3] Thành Bình Hồ
[4] Sông Tiền Ðường
[5] Tỉnh Giang Tô
[6] Cửa sông Dương Tử
[7] Thượng Hải
[8] Tỉnh Chiết Giang
Cuối cùng đến đoạn tái hồi Kim Trọng, lúc này chàng Kim được thuyên chuyển từ nhiệm sở Lâm Chuy đến huyện Nam Bình:
Kim thì cải nhậm Nam Bình [南平市]
Chàng Vương cũng cải nhậm thành Phú Dương
[Truyện Thúy Kiều, sđd trang 196]
Nam Bình là tên huyện, tại miền trung tỉnh Phúc Kiến; hiện nay gọi là Nam Bình thị, với diện tích 26.300 km2, dân số gần 3 triệu người. Chàng Kim và gia đình nàng Kiều, từ Nam Bình ngược lên  tỉnh Chiết Giang, dò la tin tức về nàng Kiều và may mắn được hội ngộ với nàng tại thảo am của sư bà Giác Duyên:
Giác Duyên lên tiếng gọi nàng,
Buồng trong, vội dạo sen vàng bước ra.
Trông xem đủ mặt một nhà,
Xuân già còn khỏe, huyên già còn tươi.
Hai em phương trưởng hòa hai,
Nọ chàng Kim đó là người ngày xưa!
(Truyện Thúy Kiều, sđd trang 198)
Rồi mọi người trong gia đình trở về Nam Bình, nơi nhiệm sở của Kim Trọng. Nếu đi đường bộ, noi theo quốc lộ ngày nay, con đường [màu tím] từ sông Tiền Ðường [1] đến Nam Bình [2]  theo hướng tây nam, dài khoảng 400 km. Tại nơi đây Thúy Kiều, cùng với em Thúy Vân, đều làm vợ Kim Trọng; phải chăng đất Nam Bình sẽ  cho nàng cuộc sống an bình sau mười lăm năm lưu lạc?
Bản đồ hành trình từ sông Tiền Ðường đến huyện Nam Bình.
Chú thích:
[1] Sông Tiền Ðường
[2] Nam Bình thị
[3] Tỉnh Chiết Giang
[4] Tỉnh Phúc Kiến
[5] Thượng Hải
Hồ Bạch Thảo
Theo http://www.bichkhe.org/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Dấu ấn văn hóa Trung Hoa trong truyện ngắn Lỗ Tấn

Dấu ấn văn hóa Trung Hoa trong truyện ngắn Lỗ Tấn Lỗ Tấn là nhà văn lớn có vai trò đặt nền móng cho văn học hiện đại Trung Quốc, từng được...