Chủ Nhật, 15 tháng 9, 2024

Nhà thơ Thôi Hữu: Nhân cách và số phận

Nhà thơ Thôi Hữu:
Nhân cách và số phận

Thôi Hữu đến với cách mạng như một lẽ sống, ôm ấp tình yêu văn chương và lấy nghề làm báo như một công cụ hoạt động đắc dụng nhất.
Thôi Hữu sinh ra và lớn lên ở một làng quê Thanh Hóa (huyện Hoàng Hóa). Đang giữa tuổi học trò, sự hiểu biết cho ông thấy ông có một khoảng trống vắng đến thiệt thòi của tình ruột thịt. Từ lúc lọt lòng mẹ, ông đã không được một lần bú dòng sữa mẹ và không được lớn lên dưới một mái ấm gia đình ruột thịt thực sự. Hoàn cảnh đó khiến ông sớm tự lập. Học xong Thành chung, ông vào Huế học trường kỹ nghệ thực hành, ra làm thợ điện và hoạt động trong Đoàn thanh niên phản đế. Được điều ra Hà Nội hoạt động thời kỳ tiền khởi nghĩa, ông bị giặc Pháp bắt giam ở Hỏa Lò. Trong Hỏa Lò ông được bổ sung vào BCH Đảng bộ thành phố. Để có thể dễ dàng vượt ngục, ông đã dùng dao cứa vào cổ mình để được đưa xuống nhà xác. Từ nhà xác, ông cùng một số đồng chí chui cống ra ngoài tìm bắt mối lại với Tổ chức và là Thành ủy viên phụ trách phong trào vùng ngoại thành phía Tây Hà Nội.
Trong Tự truyện, nhà văn Tô Hoài kể:
… “Một sáng, có người đến tìm tôi. Nước da ngăm ngăm, mắt nhìn sâu thẳm, đôi mày rậm đen sẫm. Trông anh hao hao quen. Chỉ lạ là cái áo dài không nhận ra. A, nhớ rồi, Giới. Lâu không gặp, mà đã lâu cũng không biết tin về Giới.
Năm trước, anh Lê Hữu Kiều giới thiệu Giới với tôi. Sau đọc báo “Bạn đường”, tôi yêu tư tưởng mới trong những bài và thơ anh viết ký tên Thôi Hữu, cũng như tôi mê những chữ rất mới của Trần Mai Ninh.
Vào ngồi trong nhà, Giới bỏ mũ ra, Đầu Giới trọc tếu. Đoán được điều tôi phân vân. Giới vừa nói, vừa mỉm cười, vẫn đùa như mọi khi:
Mình mới chui cống Hỏa Lò ra đây. Cho ở nhờ vài ngày, tóc mọc khá một tí đã nhé.
Vài hôm sau, Giới hay đi, chốc lại về. Có khi lâu hơn. Có khi không ăn cơm nhà. Tôi đoán Giới dạo quanh, nhưng không hỏi. Một hôm, Giới đang đọc sách thì anh Trần Độ đến.
Anh Độ đến đưa cho tôi bản chỉ thị của Thường vụ Trung ương ngày 12.3.1945: “Nhật Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta”. Anh Độ bảo chúng ta sẽ họp thảo luận bàn chỉ thị quan trọng. Ai cũng mong một cái gì to lớn sắp đến, từ hôm đảo chính Nhật.
Giới đi không thấy về…”
Cuộc kháng chiến lần thứ nhất bùng nổ, ông được phân công viết báo, sáng lập và lãnh đạo một số tờ báo như Hồn nước (tiền thân của báo Tiền Phong), Sự thật (tiền thân của báo Nhân Dân), Thủ Đô (tiền thân của báo Hà Nội mới), Vệ quốc quân (ngày nay là báo Quân đội nhân dân).
Cũng như các đồng nghiệp lứa ông hồi ấy, Thôi Hữu đến với cách mạng như một lẽ sống, ôm ấp tình yêu văn chương và lấy nghề làm báo như một công cụ hoạt động đắc dụng nhất. Bài Viết văn, ông cho đăng ở tờ Bạn đường ngày 16.4.1941, đó là lời băn khoăn của người cầm bút trong một câu hỏi lớn về nghề văn: “Sáng tác làm gì nếu chỉ bồi thêm một nước vôi nhợt nhạt lên muôn nghìn lớp vôi khác như một pho tượng quá thời”. Tiếp đến cũng trên Bạn đường tháng 5.1941, bài viết Vài trang nhật ký đã lộ mở rõ hơn một cách nhìn, một quan niệm sáng tác muốn hòa nhập tích cực tấm lòng ông với cuộc đời nghèo khổ người lao động, thể hiện rõ trách nhiệm với ngòi bút sau này.
Ý nguyện đã nhiều lần ông trình bầy với đoàn thể là được viết, ý nguyện đó, khi cách mạng đến đã chắp cánh cho ông, ông hăm hở với chức năng của một phóng viên mặt trận, có mặt ở hầu hết các chiến dịch lớn, ghi chép và tích lũy. Một số bạn bè, một số đồng nghiệp của ông nói rằng nét nổi bật trong tính cách của ông là rất năng nổ, rất ham đi các chiến dịch và ham viết. “Lúc nào cũng hăm hở thèm đi, thèm viết” (Thép Mới). Có thể nói ông là người của bộ đội. Trên tờ Vệ quốc quân, ông cùng với Thâm Tâm, Trần Đăng, rất được độc giả bộ đội yêu mến. Ông cùng bộ đội có mặt ở hầu hết các chiến dịch lớn: Việt Bắc thu đông 47, Đông Bắc cuối 48, Đông Bắc thu đông 49, Lại Đông Bắc thu đông 50, Tây bắc hè 49. Trong những trang nhật ký ít ỏi còn sót lại những địa danh ghi ở đó cho thấy ông thường xuyên đi về những lũng, những bản có bộ đội đóng quân. Đi đến nơi nào là ông ghi chép ngay. Ông đi với bộ đội công binh lên Tam Đảo để giúp dân địa phương tiêu thổ kháng chiến. Trong một bức ảnh để lại nay đã ố vàng, hình ông mờ mờ ngồi trên một tảng đá, đang cắm cúi ghi chép, cuốn sổ nhỏ đặt trên đùi. Bài thơ Tam Đảo phá hoại chắc đã ra đời khi đó, cũng như bài Lên Câm Sơn được viết khi ông cùng bộ đội lên giải phóng vùng này. Trong nhật ký ngày 25.10.1949, ông nói là viết xong ba chương tiểu thuyết về bộ đội, nhưng rồi đọc lại thấy “hỏng”, và ông kiên quyết bỏ đi. Ông bảo: “Không nên biến tiểu thuyết thành một trường thiên phóng sự”. Trong ký ức của gia đình, con gái ông cũng ghi lại: “… Trong cái túi dết mà bố tôi luôn đeo bên mình có rất nhiều tài liệu chép tay. Tôi đã thấy bà tôi cất vào trong bồ đựng thóc những quyển vở nhỏ chỉ bằng bàn tay, giấy ố vàng và chi chít chữ. Lúc đó tôi còn quá nhỏ, chẳng có ý thức gì về những trang viết bố để lại – đó là những trang nhật ký mà bố tôi đã cặm cụi tích lũy trong liên miên các nẻo đường công tác và chiến dịch. Về sau, có lần nhà bà tôi bị cháy, chắc một phần những nhật ký đó cũng bị cháy theo”.
Bạn đồng nghiệp với Thôi Hữu ngày đó thuật lại rằng “mỗi lần anh ở mặt trận về, mọi người lại học được cái say sưa, cái lo lắng của anh. Say sưa sự sống và chiến đấu và lo lắng làm thế nào thể hiện sự sống và chiến đấu để góp phần đưa văn nghệ lên cho xứng đáng với cuộc kháng chiến của nhân dân”. Với tấm lòng trăn trở và sự nhập thế tích cực vào đời sống kháng chiến, Thôi Hữu đã nhanh chóng trở thành một trong những người thực sự là chiến sĩ cầm bút. Ông viết báo, viết văn, làm thơ và đánh giặc, tất cả đều rất nhiệt thành, cái nhiệt thành đáng yêu của một thời có thể nói là chất lãng mạn cách mạng đầy ắp trong người.
Là một cây bút chủ lực của tờ Vệ quốc quân và tờ Sự thật những năm Việt Bắc, ngòi bút của Thôi Hữu đi vào nhiều lĩnh vực của kháng chiến, ông viết thật cảm động và những ngày Bác Hồ ra nước ngoài tìm đường cứu nước, về Nam Bộ kháng chiến, đặc biệt là hình ảnh anh bộ đội luôn có một vị trí xứng đáng, và thực sự đã là nhân vật trung tâm trong cảm hứng sáng tạo của ông. Cùng với Trần Đăng, ông là một trong số không nhiều người viết gần gũi, gắn bó với bộ đội nhất. Đi vào sau địch (đăng trên tờ Vệ Quốc Quân tháng 12.1948) và Tù binh trên đường số 4 (đăng trên Tạp chí văn nghệ tháng 12.1950 và 1.1951) là những bút ký được ông viết khá sinh động và có tiếng vang trong lòng người đọc. Theo Nguyễn Huy Tưởng kể lại thì bài thuyết trình của ông trong hội nghị Văn nghệ bộ đội 1949 “thật bổ ích và làm cho cả hội nghị vui từ đầu đến cuối”.
Thôi Hữu viết báo nhưng ông lại làm nhiều thơ hơn. Trước những năm 40, ông đã có hàng chục bài thơ in trên tờ Bạn đường xuất bản ở Thanh Hóa và nhiều bài thơ khác còn lưu giữ trong những người ruột thịt của ông. Thơ ấy là  nhiệt huyết của một thanh niên học sinh mới bước vào đời, nhiều chí nguyện và ước mơ đẹp. Quạnh hưu, Chiều thu, Y hè… là những bài thơ như thế; nó báo hiệu ở người thanh niên này một điều gì không bình lặng, trăn trở đấy nhưng không do dự ngập ngừng. “Say sưa ve nổi khúc hòa vui/ Nhựa ứ đầy căng quả chín muồi / Lòng tôi máu thắm mê màu đỏ/ Và những phương trời chói nắng mơ”.
Sau những cảm khái buổi đầu, không ít nồng nàn và lãng mạn của một tâm hồn trai trẻ muốn được mở ra, được đón nhận, thơ ông nhanh chóng vào cuộc, chấp nhận ngay cái hiện thực đời sống như chính ông, người cán bộ cách mạng đã chấp nhận. Đoàn quân hải ngoại, Có những bài thơ đăng trên Sự thật tháng 8 và tháng 9.1941, có thể xem như thơ ông đã chuyển qua một chất lượng mới trong nội dung cảm xúc và nghệ thuật biểu hiện. Vào cuộc kháng chiến, đi sát đời sống, nhất là đời sống bộ đội, thơ ông đằm thắm hơn trong một chiều sâu suy nghĩ, và cũng hoàn chỉnh hơn về câu từ, phong phú hơn về nhịp điệu. Những bài như Lời cô lái đò, Mùa cốm mới, Đi tuần, Lên Cấm Sơn… từ hơn ba chục năm nay vẫn được coi là những bài thơ hay trong dòng thơ kháng chiến và luôn có mặt trong các tập tuyển và sách học của nhà trường. Mỗi lần đọc lại những bài thơ đó tôi càng có thêm ấn tượng dễ chịu về một giọng điệu thơ rất tự nhiên và linh hoạt của thơ kháng chiến mà ông cũng như Hồng Nguyên, Trần Mai Ninh v.v… đã mang đến cho người đọc. Xen kẽ những câu thơ như kể, như nói, như là trần thuật, như là không định làm thơ, là những câu thơ, đoạn thơ mà giọng điệu nhiều phóng khoáng và hồ hởi như chỉ ngày ấy mới viết được như thế:
… Tiếng hát lừng vang trong gió núi
Ngày vàng ngân giọng trẻ ê a
Ở đây bản vâng rừng u tối
Bộ đội mang theo ánh chói lòa
Ở đây những mặt buồn như đất
Bộ đội cười lên tươi như hoa.
(Lên Cấm Sơn)
Là những câu thơ xinh xắn, được chuyển nhịp khi thì tự do tung tẩy, khi thì lục bát mịn màng có sức lắng gợi như lời ru:
Ba người từ vọng gác
Bước lên trên mặt đê
Ngước nhìn ra bốn phía
Ánh trăng chây tràn trề
… Họ đi dè dặt
Bờ đê quanh co
Bóng tre hiu hắt
Sáng vàng lô nhô
Giang sơn bát ngát trời cao lộng
Bóng họ trong đêm: những điểm mờ
… Hãy bình tâm đi nhé
Hãy ngủ yên giấc lành  
Ngày mai còn dậy sớm
Đi thăm lúa đồng hanh
Đêm nay đã sắp sang canh
Có người lính nép trăng xanh đi tuần
(Đi tuần)
Và còn nhiều sáng tác khác của ông, đặc biệt là mảng thơ tình, cùng những ghi chép, nhật ký đã dần dần được phát hiện và in trên báo. Thật tiếc cho văn nghệ và báo chí cách mạng còn rất non trẻ của chúng ta ngày ấy vừa được bổ sung thêm đội ngũ những người như ông, đã chịu ngay những thiệt thòi, hao hụt. Lần lượt chỉ trong một, hai năm, từ Thâm Tâm, Trần Đăng, Trần Mai Ninh và cả Thôi Hữu nữa đã ngã xuống dở dang giữa độ đường văn nghệ cách mạng vào cuộc mới và tài năng các ông, người đang sung sức, người nhiều hứa hẹn.
Hy sinh giữa lúc tuổi đời còn rất trẻ (năm ấy ông mới 29 tuổi), cái tuổi ấy lại đăt vào một đời văn mà ông hằng ôm ấp và đang triển khai song song với công việc cách mạng hàng ngày mới càng thấy vô cùng tiếc thương và trân trọng. Báo Sự thật, cơ quan Trung ương của Đảng, nơi ông công tác trước lúc hy sinh đã viết những dòng tiếc thương ông: “Từ nay, đồng chí Giới hay đồng chí Tấn (những tên khác của Ông), người bạn trẻ khiêm tốn, điềm đạm, ham học, bao giờ cũng sẵn sàng giúp đỡ anh em, đã từng đấu tranh trong thanh niên, trong quân đội, khi ở nhà tù, khi nơi tiền tuyến, khi giữa thủ đô, khi miền biên giới, đã vắng bóng trên con đường tiến chung của thế hệ mới”.
Con người đến với cách mạng sôi nổi, nhiệt tình, dám chấp nhận mọi hy sinh, ngay cả cái chết khi phải đối mặt với kẻ thù, con người giầu nghị lực và “rất đàn ông” ấy (chữ của Tô Hoài), theo ký ức của Tô Hoài, lại là người “hay có những phút giây buồn thăm thẳm, nhất là vào những đêm khuya một mình anh khẽ đọc thơ, giọng đọc trầm buồn” như bâng khuâng một cái gì không có của riêng mình. Thế rồi khi phải ra đi, một lần ra đi vĩnh viễn và sớm sủa đến không ngờ, phần mộ ông, do một sao nhãng và thất thoát nào đó của đời sống kháng chiến, đã bao nhiêu năm không còn địa chỉ cho những người ruột thịt. Ở đây, nếu nghĩ rằng cái chết là lẽ công bằng cuối cùng mà con ngươi có được thì thực tình với Thôi Hữu vẫn có một cái gì bi thương, một nốt trầm bi thương hơn tất cả các đồng chí, đồng nghiệp của ông hồi đó. Cái bi thương này ngẫm như phải có để bổ sung thêm vào cuộc đời khá đặc biệt của ông.
Nhưng rồi… một chút gì như có hậu ở đời vẫn không mất hết; vẫn quay về an ủi những người ruột thịt cùng bạn bè, đồng nghiệp của ông… Hình như có một cái gì đích thực của con người toát lên ở nơi đây, toát lên từ khuôn mặt quen thuộc từ tấm ảnh ông vẫn treo ở gia đình và in trên báo; tấm ảnh vừa được truyền vào đá dựng trên mộ ông. Cái đích thực con người gặp lại hôm nay quý giá đến chừng ở nghĩa cử một cụ già, cụ Soạn, đã gần 80 tuổi nói trong hơi thở xem ra đã yếu lắm rồi. Ngày Thôi Hữu hy sinh ở phân viện 5 quân y, cụ là người khâm niệm mai táng. Và cũng chính cụ khắc tấm bia bằng gỗ ghi tên tuổi ông nhà báo có tên là Tân Sắc. Từ lúc đó đến vừa rồi, cụ có biết đâu Tân Sắc ấy chính là ông Tấn (bí danh hoạt động cách mạng) và cũng chính là nhà thơ Thôi Hữu mà gia đình và cơ quan đang đi tìm mộ. Sau 42 năm, phần đất và phần mộ Thôi Hữu đã nhiều biến đổi nhưng cánh đồng và sườn đồi có tên là “nhà báo” ấy, tên tuổi ông và mảnh đất mai táng ông từ gốc cây dẻ lui xuống hơn một mét ấy thì không bao giờ mai một trong trí nhớ và tấm lòng cụ. Thực lòng chúng tôi và gia đình nhà thơ đều không khỏi giật mình cho cái điều may mắn vẫn còn lại được đó là cụ Soạn tuy yếu lắm rồi nhưng vẫn còn sống để làm người “hoa tiêu” cho cơ quan báo Nhân Dân và gia đình đi tìm mộ nhà thơ. Đưa hài cốt nhà thơ về nghĩa trang liệt sĩ, cụ Soạn thực sự yên tâm khi thấy còn nguyên cả bộ cúc áo bộ đội lúc hy sinh cụ nhớ ông nhà báo vẫn mặc trên người khi đi chiến dịch Trung Du, hôm đó, 6.12.1950, ông bị đạn của giặc từ máy bay bắn xuống.
Ngày xưa Thôi Hữu lên Cấm Sơn để viết về bộ đội và ông đã có bài thơ Lên Cấm Sơn nổi tiếng. Hôm nay ông lên nằm yên nghỉ vĩnh viễn trên một quả đồi ở Vô Tranh cách Cấm Sơn hàng trăm cây số nhưng vẫn là đất của chiến khu Việt Bắc năm nào. Thế là, sinh ra và lớn lên ở một làng quê Thanh Hóa, nhưng từ khi đi hoạt động cách mạng, ông vào Huế, ra Hà Nội rồi lên Việt Bắc thì Thái Nguyên lại là mảnh đất có rất nhiều gắn bó với cuộc đời ông. Trên thực tế, Thái Nguyên là quê  hương thứ hai của ông, của vợ ông và các con ông bởi suốt những năm kháng chiến chống Pháp, cái khái niệm “gia đình” đã gắn liền với mọi nẻo đường đi mà ông và bà đã từng đi trên chiến khu Việt Bắc, và đến khi ông hy sinh, đến nay đã 71 năm, nơi yên nghỉ cuối cùng của ông không ai chọn mà vẫn là Thái Nguyên, cửa ngõ của Việt Bắc ngày nào.
Có lẽ ở đây cần được nói thêm một ý này: với Thôi Hữu, gia đình, quê hương đều rất ngắn ngủi đi qua cuộc đời ông nhưng bạn bè, đồng chí, đoàn thể, cơ quan biết nhiều về ông, biết kỹ về ông, đó là điều thực sự may mắn, quý giá còn lại được. Điều quý giá đó đã góp phần hoàn chỉnh thêm gương mặt, nhân cách một người cầm bút, một nhà thơ, nhà báo trong nền văn nghệ báo chí cách mạng của ta buổi đầu chế độ mới.
Nhà thơ Thôi Hữu tên thật là Nguyễn Đắc Giới, sinh năm 1921, bút danh: Thôi Hữu – Tân Sắc, quê quán: Hoằng Hóa – Thanh Hóa
Ông tốt nghiệp Thành Chung rồi vào Huế học trường Kỹ nghệ thực hành và hoạt động trong Đoàn Thanh niên phản đế.
Năm 1943 được kết nạp Đảng. Sau đó được điều ra Hà Nội, bị bắt ở ga Nghĩa Trang; bị kết án tù ở Hỏa Lò. Tại đây, được bổ sung vào thành ủy Hà Nội. Sau một thời gian hoạt động trong tù, ông cùng một số đồng chí vượt ngục ra ngoài, sau đó được giao phụ trách phong trào ngoại thành phía Tây (Bưởi, Nghĩa Đô) thời tiền khởi nghĩa.
Thôi Hữu là một trong những người sáng lập báo Hồn Nước (tiền thân của báo Tiền Phong, báo Thủ Đô (Tiền thân của báo Hà Nội mới), báo Vệ quốc quân (Tiền thân của báo Quân đội Nhân dân), và báo Sự Thật (Tiền thân của báo Nhân Dân). Thơ của ông được đăng sớm nhất trên tờ Bạn đường ở Thanh Hóa, trước và sau năm 1940. Sau năm 1945, làm báo ở Hà Nội rồi lên Việt Bắc, ông tiếp tục làm thơ, viết bút ký, phóng sự. Bài thơ Lên Cấm Sơn là điển hình của thơ kháng chiến, được in ở rất nhiều tập tuyển. “Tuyển tập Thôi Hữu” (gồm thơ, văn xuôi và bài viết của đồng nghiệp) đã được NXB Văn học in năm 2000.
Nhà thơ Thôi Hữu hy sinh trên đường đi chiến dịch Trung Du năm 1950. Ông được công nhận là liệt sĩ – Lão thành cách mạng và được tặng Huân chương Độc lập hạng 3.
20/12/2021
Phạm Ngọc Luật
Nguồn: Văn Nghệ số 50/2021
Theo https://vanhocsaigon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  ​ Thanh tẩy Phần I Ra trông coi đền, chị Yến được ở ngay tại hậu điện. Chị ăn cơm tù hơn hai mươi năm rồi nhưng nếu gặp chị ở ngoài ...