Thứ Ba, 17 tháng 9, 2024

Trần Quang Long trong một quãng đời tôi

Trần Quang Long
trong một quãng đời tôi

Mùa hè năm 1964, sinh viên Sài Gòn và sinh viên Huế tổ chức trại hè chung ở khu rừng thông Đại học Đà Lạt. Tôi giới thiệu Trần Quang Long với Quỳnh Như. Tôi không ngờ hai người này lại chịu nhau. Suốt cả thời gian trại, ngoài giờ hội thảo, giao lưu, hai anh chị dắt nhau dạo trên đồi thông tâm sự. Họ nói với nhau những gì có lẽ Lê Tử Thành (nay là giáo sư luận lý), Trần Anh Tuấn (nay là luật sư), Lê Văn Mỹ (hiện định cư bên Hoa Kỳ) biết rõ hơn tôi. Về sau, Trần Quang Long hướng về Mặt trận Giải phóng sớm tôi nghĩ có một phần do ảnh hưởng của Tôn Nữ Quỳnh Như…
Lớp Việt Hán khóa 1962 – 1965 Đại học Sư phạm Huế chỉ có 16 người mà đã có 4 người làm thơ và đã xuất bản thơ hoặc có thơ đăng trên các báo, tạp chí ở Huế và Sài Gòn. Bốn người đó là Nguyễn Đình Niên (tức Tường Phong, tác giả Trăng phương Đông), Nguyễn Văn Đồng (bút danh Hà Nguyên Thạch), Trần Quang Long (bút danh Thiên Nhất Phương, Cao Trần Vũ, Trần Hoàng Phong, Thảo Nguyên) và tôi – Nguyễn Đắc Xuân (bút danh Tâm Hằng). Do đó ngoài tình bạn đồng song, tôi và Trần Quang Long còn là bạn thơ nên có những gắn bó hơn nhiều bạn khác. Khi nổ ra cuộc vận động của Phật giáo Huế chống chế độ Ngô Đình Diệm (8.5.1963) hai chúng tôi lại là những sinh viên đầu tiên của lớp Việt Hán bỏ học đi tham gia tranh đấu. Rồi cùng ở tù. Rồi cùng vui mừng thấy chế độ Ngô Đình Diệm sụp đổ dưới chân mình. Qua năm 1965, Trần Quang Long tốt nghiệp Đại học Sư phạm được bổ vào Quy Nhơn dạy học, tôi ở lại lớp tiếp tục làm sinh viên tranh đấu. Dù không còn chung một môi trường, không hẹn nhau… nhưng chúng tôi vẫn gặp nhau trong cuộc đấu tranh chống Thiệu – Kỳ, chống Mỹ sau đó. Rồi không ngờ, hai chúng tôi là những sinh viên Đại học Sư phạm đầu tiên tham gia kháng chiến. Tôi thoát ly ở Huế năm 1966, Trần Quang Long ra bưng ở Tây Ninh năm 1968. Ngoài chuyện đời, vô tình tôi với Trần Quang Long lại có một chút quan hệ gia đình. Tôn Nữ Quỳnh Như – người vợ vô cùng trìu mến của Trần Quang Long, có bà con xa với tôi. Và chính tôi là người đã giới thiệu Quỳnh Như với Long trong dịp tham dự Trại hè Đà Lạt năm 1964. Chỉ tiếc là khi hai người đó thành vợ thành chồng ở Sài Gòn thì tôi lại đang xuôi ngược Trường Sơn, không chứng kiến được hạnh phúc ngắn ngủi của hai người. Đến khi tôi gặp lại (cuối năm 1975) thì chỉ còn Quỳnh Như và hai năm sau đó Quỳnh Như cũng đi theo người chồng liệt sĩ. Một chuyện tình quá bạc mệnh.
***
Nhà Long ở đường Huỳnh Thúc Kháng (Hàng Bè), thuộc gia đình khá giả, theo đạo Tin Lành. Long có khuôn mặt giống như diễn viên điện ảnh Mỹ James Dean (1931 – 1955), nên anh cũng cắt tóc đờ-mi cua để cho giống James Dean hơn. Đang lúc thịnh hành triết học hiện sinh nên bọn sinh viên văn chúng tôi lúc ấy sống hơi “bụi” một chút. Năm vào học Sư phạm (1962) Long mới 22 tuổi nhưng trông rất già dặn. Không rõ Long biết yêu từ năm mấy tuổi và biết làm thơ từ bao giờ chứ khi vào học chung với tôi thì Long đã có cả một xấp thơ tình, trong đó có bài Nghiêng nón rất nổi tiếng. Bọn tôi gọi đó là loại “thơ ghẹo gái”. Hình ảnh những cô gái được Trần Quang Long ghẹo ngày xưa còn sống mãi trong thơ Long. Nhiều người ngày nay đi tìm chúng tôi xin sao lại để làm kỷ niệm một thời.
Lúc đó tụi tôi đứa nào cũng chạy theo tình, nhưng không ai khát tình bằng Long. Hình như cái khối tình trong Long quá nặng nên Long sống mà không có nhiều tình là mất thăng bằng. Những đêm thành phố Huế có lễ lạt gì thì Long đạp xe đi suốt đêm theo một cô nàng nào đó. Ngày mai đến lớp thế nào Long cũng rút trong túi áo ra một bài thơ mới.
Buổi đầu, Trần Quang Long trong mắt tôi chỉ là một anh chàng sinh viên sính thơ lãng đãng thế thôi.
Qua tháng 5 năm 1963, Giám mục Ngô Đình Thục nhúng tay vào việc thúc đẩy người em làm tổng thống ra lệnh cấm treo cờ Phật giáo giữa ngày lễ Phật đản 2507, phật tử phẫn nộ vây quanh Đài phát thanh Huế đòi nghe cuốn băng lễ Phật đản có nội dung phản đối lệnh cấm treo cờ. Giám mục Thục đang ăn dở bữa tiệc ở nhà riêng tại Phủ Cam nghe Phó tỉnh trưởng Nội an Đặng Sĩ báo cáo dân chúng đang bao vây Đài phát thanh, ông liền khoát tay ra lệnh “Dẹp! dẹp!”. Đặng Sĩ tức tốc về Quân vụ thị trấn lấy xe bọc thép chở lính ra Đài phát thanh nổ súng dẹp dân theo lệnh Giám mục Thục. Không rõ vô tình hay cố ý, chiếc xe bọc thép đi đầu xông vào đám đông như vào chỗ không người có kẻ dòng chữ Ngô Đình Khôi – tên người anh cả của anh em nhà họ Ngô, làm Tổng đốc Quảng Nam dưới thời Pháp thuộc và đã bị giết hồi đầu Cách mạng Tháng 8.1945. Cuộc nổ súng cán người rất man rợ này giết chết 9 thiếu niên và làm bị thương hàng trăm người khác. Để chạy tội với dư luận trong và ngoài nước, anh em ông tổng thống họ Ngô và chính quyền dưới tay ba miệng một lời hô hoán “Plastic của Việt Cộng” đã gây ra sự chết chóc đó. Ngang ngược một cách trắng trợn. Cuộc vận động của Phật giáo chống chính quyền Diệm nổ ra. Tôi là sinh viên phật tử nên dấn thân ngay. Trong một cuộc tuyệt thực đấu tranh rất căng thẳng tại chùa Từ Đàm hồi cuối tháng 5-1963, bỗng dưng tôi thấy Trần Quang Long xuất hiện với Hoàng Phủ Ngọc Phan. Tôi vừa ngạc nhiên vừa hết sức vui mừng. Ngạc nhiên vì có bao giờ tôi nghe Long nói đến chuyện mâu thuẫn với chế độ Diệm đâu mà nay anh đi tham gia chống chế độ Diệm!
Mấy ngày hôm sau tôi bị bắt, rồi Long cũng bị bắt và bị nhốt chung với chúng tôi tại Hội trường Nha Công an. Trong những ngày nằm trong tù tôi mới biết Long đi chơi trong đêm Phật đản đã vô tình chứng kiến được cuộc tàn sát dân lành của anh em ông Ngô Đình Diệm và anh hết sức phẫn nộ trước luận điệu tráo trở của chính quyền “đổ tội” cho “Plastic của Việt Cộng” đã gây ra vụ giết người ở Đài phát thanh Huế. Long tham gia tranh đấu để chống lại tội ác và sự tráo trở đó chứ không phải vì một lý do nào khác. Long bảo tôi: “Trước hoàn cảnh như thế, bọn mình có một chút học vấn làm sao lại có thể đứng ngoài được hả ông?”.
Trong thời gian ở trong tù chúng tôi không có giấy viết nên làm thơ rồi lẩm nhẩm đọc cho nhau nghe, rồi cùng nhau sửa chữa. Thính giả nghe thơ chúng tôi là các bạn tù, trong đó có nhiều người cũng chính là các “nàng thơ” như chị Tịnh Nhơn (Hiệu trưởng trường Đồng Khánh), Mệ Sen (tức Công chúa Lương Linh – con gái vua Thành Thái), Lan “chị” hay Lan “cười” (tức Thái Thị Kim Lan, sinh viên ban Triết, nay là Tiến sĩ dạy triết học ở Munchen – Đức), Lan “em” hay Lan “khóc” (sinh viên Cán sự Y tế, bị bạn trêu là khóc, nhớ nhà cũng khóc), Phạm Thị Xuân Quế (sau đỗ bác sĩ, nay đã hưu trí)… Những thơ trong tù của Long bây giờ còn có thể sưu tập được là các bài Đêm tình xanh, Khi em nằm ngủ, Quà của mẹ, Thu cảm thông, Chiều mưa trong tù…
Ngày 1.11.1963, tướng lĩnh quân đội Việt Nam Cộng hòa đảo chánh Ngô Đình Diệm thành công. Ngày 2.11.1963 anh em Ngô Đình Diệm bị hạ sát, toàn bộ phật tử sinh viên học sinh tranh đấu được giải thoát ra khỏi các nhà tù trên toàn lãnh thổ miền Nam. Chúng tôi ra khỏi tù, nhiều người có cảm giác như vừa chết đi sống lại. Mười ngày sau, tướng Dương Văn Minh – đứng đầu cuộc đảo chánh – cho tàu bay ra Huế đón đại diện sinh viên học sinh tranh đấu Huế vào Sài Gòn để nghe kể chuyện đảo chánh và đi tham quan con đường “gặt bão” của anh em Ngô Đình Diệm.
Người tình “đỏ”
Trong dịp vào Sài Gòn theo lời mời của lãnh đạo cuộc đảo chánh 1.11.1963, chúng tôi có nhiều cuộc giao lưu với sinh viên tranh đấu Sài Gòn. Qua giọng Huế của họ, tôi biết được nhiều sinh viên gốc Huế như Nguyễn Hữu Đống (sinh viên Đại học Kiến trúc, người cùng họ với bà mẹ lớn của tôi), Lê Hữu Bôi (có bà con với Hòa thượng Thích Tịnh Khiết), Nguyễn Hy Văn (cháu nội của cụ Nguyễn Văn Mại, cháu gọi cha Thích – thầy dạy Hán văn của tôi – bằng bác ruột) và đặc biệt là Tôn Nữ Quỳnh Như (sinh viên Đại học Kiến trúc, con gái của Giáo sư Tôn Thất Dương Kỵ). Đặc điểm của dân Huế là gặp nhau hỏi ngay chuyện họ hàng, dây mơ rễ má ở Huế ra sao. Và khi hỏi thì thế nào cũng phát hiện được quan hệ bà con, không gần thì xa, không xa thì cũng học sinh Đồng Khánh, Quốc Học v.v… Nhờ cái thói quen ấy mà tôi phát hiện được cô em gái Quỳnh Như (bà nội của Quỳnh Như là em bạn dì với ông nội tôi).
Quỳnh Như có phong cách riêng nên bất cứ ai mới gặp cô lần đầu là đã nhớ ngay. Cô để tóc thề, khuôn mặt bầu, đeo kính cận, đầu thắt một chiếc băng đô to bản trông rất “aimable” (dễ thương – chữ của Tống Nhạn). Nhưng khi cô phát biểu thì rặt một chiều lý luận mác xít. Ai nói năng loạng quạng, Quỳnh Như quạt cho một trận ngay. Quạt đến cùng, không khoan nhượng. Tôi tìm hiểu vì sao cô em Quỳnh Như lại “đỏ” đến như vậy, các bạn ở Sài Gòn bảo tôi: “Cứ xem tư tưởng của ông Dương Kỵ viết trong các sách sử của ông ra sao thì các cô con gái của ông cũng như thế!”. Có người hỏi tôi: “Ông không biết Quỳnh Như là chắt ngoại của tướng Trần Xuân Soạn – cánh tay phải của lãnh tụ Cần Vương Tôn Thất Thuyết à?”. Con dòng cháu giống, thảo nào!
Mùa hè năm 1964, sinh viên Sài Gòn và sinh viên Huế tổ chức trại hè chung ở khu rừng thông Đại học Đà Lạt. Tôi giới thiệu Trần Quang Long với Quỳnh Như. Tôi không ngờ hai người này lại chịu nhau. Suốt cả thời gian trại, ngoài giờ hội thảo, giao lưu, hai anh chị dắt nhau dạo trên đồi thông tâm sự. Họ nói với nhau những gì có lẽ Lê Tử Thành (nay là giáo sư luận lý), Trần Anh Tuấn (nay là luật sư), Lê Văn Mỹ (hiện định cư bên Hoa Kỳ) biết rõ hơn tôi. Về sau, Trần Quang Long hướng về Mặt trận Giải phóng sớm tôi nghĩ có một phần do ảnh hưởng của Tôn Nữ Quỳnh Như.
Vụ án “Bài thơ Hồi kết cuộc”
Nhớ lại chuyện làm thơ chống giặc trong giai đoạn 1964 – 1965 tôi không thể quên được sự kiện vụ án bài thơ Hồi kết cuộc của Trần Quang Long.
Vào cuối thu năm 1964, phong trào mang tên Hội đồng nhân dân cứu quốc đấu tranh ở Huế rất sôi động. Phong trào làm chủ thành phố giống như một vùng tự trị. Bên cạnh báo Tranh đấu, báo Lực lượng của Hội đồng nhân dân cứu quốc, của sinh viên học sinh, lực lượng giáo chức Huế có thêm tờ báo Dân do thầy giáo Trần Ngọc Anh – người Quảng Nam, làm chủ nhiệm(1) rất được độc giả ưa thích.
Trong lúc nhân dân Huế đang đấu tranh ở thành phố thì ở quận Hương Thủy, cách Huế non mươi cây số về phía nam, quân Giải phóng tiến công chớp nhoáng vào một cơ quan hành chánh của địch và bắt đi một số người. Địch phản công làm cho một số nông dân, du kích và quân Giải phóng hy sinh. Để vừa tố cáo “Phong trào đấu tranh ở đô thị tạo điều kiện cho Việt Cộng hoạt động ở nông thôn” vừa khoe thành tích “diệt Cộng” của chúng, quận Hương Thủy cho kéo xác những người chết phơi trên đường cái và bắt ép đồng bào đến xem để khoe “thành tích chiến thắng” của chúng. Nghe tin, Trần Quang Long đến xem tận hiện trường và hết sức phẫn nộ. Anh đã nghiêm khắc lên án tội ác này bằng bài thơ Hồi kết cuộc ký tên Cao Trần Vũ đăng trên số 3 báo Dân như sau:
 
Hồi kết cuộc
 
Những tử thi ngổn ngang
Không còn nhìn ra mặt
Cũng không có áo quần
Nằm chung một dải đất
Nghèo đói và lầm than
Bà mẹ già chống gậy
Nước mắt chảy hai hàng
Thưa, đây người Cộng sản
Thưa, đây người Quốc gia?
Mẹ cúi đầu tức tưởi
Không, đây người Việt Nam
Cùng sống chung một làng
Cùng con chung một mẹ
Này tóc đen máu đỏ
Này mũi tẹt da vàng
Này súng đạn ngoại bang
Ngoài khu vườn đã cháy
Lũ trẻ đi đào khoai
Như những con chó đói
Mắt đã mờ tương lai
Đàn kên kên đổ xuống
Thú vật và loài người
Nào ai nhìn ra ai.        
8.1964
Cao Trần Vũ
Bài thơ phát hành được một tuần thì được tạp chí Văn học ở Sài Gòn đăng lại nguyên văn nhưng chụp thêm một cái mũ là “Hồ sơ Cộng sản”. Việc làm của bọn chỉ điểm văn nghệ gợi được sự chú ý của chính quyền tay sai. Tướng Nguyễn Chánh Thi, nổi tiếng võ biền thô lỗ lúc ấy vừa làm đại biểu chính phủ Sài Gòn tại miền Trung, vừa làm Tư lệnh vùng I chiến thuật, chụp lấy cơ hội ấy để làm nhục Trần Quang Long và ông chủ nhiệm báo Dân. Thi ký giấy mời Trần Quang Long và thầy giáo Trần Ngọc Anh đến Tòa Đại biểu chính phủ (số 5 Lê Lợi ngày nay) hỏi chuyện. Gặp Long, Thi đốp ngay một câu:
– Anh là sinh viên Sư phạm, lãnh học bổng mỗi tháng một ngàn rưởi, sao anh lại ăn cơm Quốc gia đi thờ ma Cộng sản? Báo chí Sài Gòn người ta tố cáo anh, anh thấy sao?
Long đáp:
– Thưa thiếu tướng, báo chí Văn học ở Sài Gòn được nhà nước cho giấy, họ muốn viết, muốn in gì lại không được. Còn thơ tôi làm như thế nào chắc thiếu tướng đã đọc rồi và có gì sai sự thực đâu!
…Ngày xử án Trần Quang Long, sinh viên học sinh Huế và tiểu thương chợ Đông Ba kéo đến đứng chật cả trong và ngoài Pháp Đình(2). Nếu Tòa án xử bằng luật riêng thì quần chúng sinh viên sẽ ra tay ngay. Các quan tòa vì lệnh mà phải xử chứ trong thâm tâm họ cũng đã khâm phục nội dung yêu nước của bài thơ. Họ luận tội rồi cho luật sư bào chữa, cuối cùng Tòa tuyên bố Trần Quang Long trắng án. Chúng tôi hết sức hả dạ. Nhưng dầu sao Trần Quang Long cũng đã ở tù 6 tháng rồi (gần 180 ngày). Bài thơ 23 câu, tính ra mỗi câu thơ 5 chữ Trần Quang Long đã phải ngồi non 8 ngày tù. Và đó là hồi kết cuộc của bài thơ Hồi kết cuộc.
Cuộc tranh đấu không cân sức
Đầu tháng 3.1966, bọn “tướng trẻ” Thiệu – Kỳ được Mỹ tin dùng để ổn định chính quyền ở Sài Gòn giúp cho Mỹ leo thang chiến tranh. Thiệu – Kỳ bắt đầu tập trung quyền lực, tỉa gọt bớt những tướng lãnh không ăn cánh. Giới Phật giáo ở Huế tranh lấy cơ hội, đấu tranh đòi Thiệu – Kỳ phục hồi vai trò lãnh đạo của các tướng tá đã tham gia đảo chánh 1.11.1963 (chủ yếu là tướng Dương Văn Minh, Trần Văn Đôn, Lê Văn Kim, Tôn Thất Đính); sinh viên học sinh Huế nhập cuộc nêu lại những khẩu hiệu chống Mỹ, chống chiến tranh đã bị dẹp bỏ một cách tức tưởi hồi mùa thu năm trước. Nhân dân Huế thành lập Hội đồng nhân dân tranh thủ cách mạng, sinh viên thành lập Hội đồng sinh viên tranh thủ cách mạng… chiếm đài phát thanh, ra báo tranh đấu rầm rộ hơn cả mùa thu năm 1964. Để đương đầu với bàn tay sắt máu của Mỹ – Thiệu – Kỳ, sinh viên Huế thành lập Đoàn Sinh viên quyết tử, học vũ trang, vận động binh lính Cộng hòa bỏ ngũ tham gia các đoàn nghĩa binh. Vào trung tuần tháng 4.1966, phong trào đấu tranh ở Huế dội đến các tỉnh phía bắc và phía nam Huế. Ở Quy Nhơn, thầy giáo Trần Quang Long liên lạc với phong trào ở Huế, anh tập hợp quần chúng tổ chức lực lượng tranh đấu với tên gọi Lực lượng Bảo vệ văn hóa dân tộc Quy Nhơn và Trần Quang Long được bầu làm Chủ tịch. Do thiếu lực lượng hậu thuẫn, trong lúc đó các tổ chức đảng phái chống Cộng đông, quân đội Cộng hòa thuộc Vùng II chiến thuật lại hùa theo Thiệu – Kỳ nên tổ chức tranh đấu của Trần Quang Long mới ra đời đã bị đàn áp dữ dội. Long bị đánh bằng báng súng gãy chân và bị bắt cùng với 118 người khác. Sau đó, sinh viên học sinh bỏ học, tuyệt thực liên tục để đòi trả thầy trả bạn của họ. Một thành viên tranh đấu với Long trốn thoát và bí mật chạy về báo tin dữ với phong trào ở Huế. Các tổ chức đấu tranh ở Huế viết báo, nói trên đài phát thanh, gởi kiến nghị đòi chính quyền Vùng II và chính quyền Quy Nhơn phải thả Trần Quang Long. Tướng Vĩnh Lộc thấy giữ Trần Quang Long không có lợi nên trả tự do cho anh nhưng đưa anh lên Cheo Reo, tách anh ra khỏi môi trường tranh đấu ở miền Trung. Sau đó nhờ gia đình và người yêu Tôn Nữ Quỳnh Như vận động, anh được đổi vào Cần Thơ và từ đó tôi đứt liên lạc với Long.
Đàn áp thành công phong trào đấu tranh ở Quy Nhơn, bọn Thiệu – Kỳ lần lượt kéo quân ra thanh toán phong trào ở Đà Nẵng và cuối cùng dìm phong trào đấu tranh ở Huế trong máu. Trần Quang Long vào Cần Thơ được ít lâu thì ở Huế ba chúng tôi là Hoàng Phủ Ngọc Tường, Hoàng Phủ Ngọc Phan và Nguyễn Đắc Xuân phải lần lượt rời Huế ra chiến khu dọc Trường Sơn. Ba năm tranh đấu ở đô thị (1963 – 1966) không đi đến đâu nhưng nó đã là một trường học rèn luyện tinh thần yêu nước cho tuổi trẻ Huế nói riêng và tuổi trẻ các đô thị miền Nam nói chung, mở ra thời kỳ đấu tranh đô thị sinh động chưa hề có trên thế giới.
Cuối năm 1967, cách mạng ở Huế tổ chức Mặt trận Liên minh các lực lượng dân tộc – dân chủ và hòa bình thành phố Huế, anh Hoàng Phủ Ngọc Tường được cử giữ chức Tổng thư ký, tôi từng làm Đoàn trưởng Đoàn Sinh viên quyết tử nên được phân công làm Ủy viên Thanh niên. Và, thật bất ngờ trong thời gian mở ra chiến dịch Xuân 1968 trên toàn miền Nam, một buổi tối, tôi nghe trên Đài phát thanh Giải phóng đưa tin các thành viên trong Mặt trận Liên minh các lực lượng dân tộc – dân chủ và hòa bình Việt Nam do luật sư Trịnh Đình Thảo làm Chủ tịch có nhà thơ Trần Quang Long làm một ủy viên. Lúc đó tôi mới biết Trần Quang Long đã thoát ly. Không ngờ hai anh em tôi trong lớp Việt Hán Đại học Sư phạm Huế trước đây nay lại có mặt trong một tổ chức cùng tên và cùng một mục tiêu tranh đấu.
Ngậm ngùi
Mãi đến năm 1971 tôi về công tác ở Bắc sông Truồi, liên lạc được với Huế và tôi nhận được tin từ Phong trào Sinh viên học sinh rằng Trần Quang Long đã hy sinh cùng với nhà văn Trần Triệu Luật tại vùng chiến khu rừng núi Tây Ninh. Sau này tôi mới biết cụ thể Trần Quang Long qua đời vào ngày 11-10-1968 nhằm vào lúc chiến trường Thừa Thiên Huế đang hết sức khó khăn. Thật ngậm ngùi. Hồi còn đi học Trần Quang Long hâm mộ James Dean và muốn mình giống James Dean. James Dean mất lúc mới 24 tuổi (1931 – 1955). Một cái chết yểu. Không ngờ Trần Quang Long cũng chết yểu giống như James Dean. Chết lúc mới 27 tuổi (1941 – 1968). Cũng là một cái chết yểu. Chỉ có khác một chút là ý nghĩa của hai cái chết khác nhau: James Dean chết vì một tai nạn xe hơi còn Trần Quang Long – chết vì sự nghiệp giải phóng dân tộc thống nhất đất nước.
Cuối năm 1974, tôi được ra Hà Nội chữa bệnh và đi dự Đại hội Sinh viên quốc tế lần thứ 11 tại Hungary. Nhân thể tôi tìm đến thăm ông Dương Kỵ – nhạc phụ của Trần Quang Long và là chú của tôi.
Tôi lại nhớ 9 năm trước, ông Dương Kỵ cùng với bác sĩ thú y Phạm Văn Huyến, ký giả Cao Minh Chiếm là những thành viên tích cực của Phong trào Hòa bình năm 1965. Phong trào này bị chụp mũ Cộng sản. Ngày 19.3.1965, chính quyền Sài Gòn giao cho Nguyễn Chánh Thi ở vùng giới tuyến tổ chức trục xuất ba nhà yêu nước qua cầu Hiền Lương (Bến Hải) ra miền Bắc. Chính quyền Sài Gòn và tên tướng võ biền Nguyễn Chánh Thi thực hiện hành động thô bạo ấy tưởng rằng sẽ làm cho ba vị hoảng sợ và xin ở lại. Không ngờ ba vị đã rất vui vẻ bước qua con sông chia đôi đất nước để ra miền Bắc lên đài phát thanh, viết báo tố cáo tội làm tay sai Mỹ của chính quyền Sài Gòn một cách hiên ngang. Sau này viết hồi ký, Nguyễn Chánh Thi tự nhận việc thả người ra miền Bắc lúc ấy là một sự dại dột của chính quyền Sài Gòn và của chính bản thân ông ta.
Gặp Giáo sư Dương Kỵ tại nhà khách của chính phủ (61 Nguyễn Du, Hà Nội), sau vài câu thăm hỏi sức khỏe, ông vội vàng hỏi ngay chuyện học hành và tranh đấu của Trần Quang Long – nhà thơ yêu nước đã cưới con gái ông lúc ông vắng nhà. Ông rất tự hào có một người con rể như thế và hết sức thương tiếc Long đã hy sinh quá sớm. Ông Dương Kỵ cho tôi biết các đồng chí trong “R” đã thu thập được tập thơ Long viết trong rừng và đã chuyển cho ông. Ông vừa viết bài giới thiệu và NXB Giải phóng sắp cho xuất bản. Đó là tập Thưa mẹ, trái tim mà nhiều bạn đọc còn giữ đến hôm nay.
Chú thích:
(1) Sau này tôi mới biết cái tên báo Dân ra đời từ cuối thời kỳ Mặt trận Dân chủ (1936 – 1939) do ông Phan Đăng Lưu – một đồng chí lãnh đạo Đảng Cộng sản đứng đầu.
(2) Di tích Tam Tòa thời quân chủ, sau 1975 làm cơ quan Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế, nay là văn phòng cơ quan Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế (23 Tống Duy Tân, Thành nội Huế).
20/7/2003
Nguyễn Đắc Xuân
Theo https://vanhocsaigon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

XXXXPhiên bản 2

Phiên bản 2 CHƯƠNG 15 Khi anh trở về làm cảnh sát khu vực phường Đường Tàu thì em đã thành một con lưu manh thực thụ rồi. Sau vụ đốt chợ...