Thứ Tư, 18 tháng 9, 2024

Anh bộ đội người Hy Lạp Kostas Sarantidis

Anh bộ đội người
Hy Lạp Kostas Sarantidis

Người đàn ông Hy Lạp ấy đã từng là chiến sĩ Quân đội Nhân dân Việt Nam, kháng chiến chống Pháp suốt chín năm ở chiến trường khu Năm. Bản thân câu chuyện đời ông đã là một huyền thoại sống trên đất nước Hy Lạp thần thoại.
Quãng đời ở Việt Nam
Kostas Sarantidis đăng lính lê dương của Pháp tháng 8-1945 thì ngày 6-2-1946 được đưa sang Sài Gòn “để tước vũ khí của phát xít Nhật”. Nhưng chỉ sau bốn tháng đi từ Sài Gòn lên Đà Lạt rồi xuống Phan Thiết, Phan Rang, nhất là chỉ ở Phan Thiết có hai tháng, Kostas đã tận mắt thấy nhiều tội ác do bọn lính lê dương gây ra cho dân lành Việt Nam. Anh lính trẻ Hy Lạp mới mười tám tuổi, chưa hiểu đời, nhưng thấy rõ rằng quân đội Pháp đang làm những việc tàn bạo. Cùng với anh bạn đồng hương Merinos, Kostas bắt đầu tìm cách bắt mối với Việt Minh.
Sau một thời gian, anh phát hiện ra có những điều không bình thường ở cô vợ người Việt của một gã trung úy Pháp. Ban đầu anh nghĩ cô Lily ấy là gái làm tiền nên chỉ trêu chọc. Dần dần thấy cô là người nghiêm túc, anh bắt đầu tìm cách liên hệ. Một hôm Kostas vờ ốm, đòi đi khám bệnh. Lily cũng xin phép tên quan hai ra phố để sắm đồ, thực ra là dẫn Kostas đến quán cơm bà béo ở Phan Thiết để gặp cán bộ Việt Minh bí mật. Người cán bộ đã nói cho anh hiểu về cuộc cách mạng giải phóng dân tộc, về tinh thần chống ngoại xâm và lòng yêu chuộng tự do của người dân nước Việt. Kostas nói: “Người Hy Lạp chúng tôi cũng phải đấu tranh bốn trăm năm chống ách ngoại xâm. Hy Lạp cũng là một dân tộc yêu chuộng tự do. Hãy cho tôi chiến đấu bên các bạn”.
Nhưng đường dây liên lạc chưa kịp nối thì Lily phải theo chồng dời đi nơi khác. Sau này Kostas nghe nói ở Phan Thiết, Lily bị lộ và bị quân giặc giết hại.
Một thời gian sau, ở Mũi Né, Kostas được giao canh gác một người tù tên là Lê Trung Biên. Ngày 4-6-1946, anh đã tổ chức cho Biên cùng 25 người khác và chính mình trốn khỏi trại, mang theo một súng máy, hai tiểu liên, hai súng trường và hơn 10.000 viên đạn. Sau hai ngày, họ gặp được chi đội 1 do đồng chí Nguyễn Dân chỉ huy. Chính Nguyễn Dân là người đầu tiên tiếp nhận Kostas vào quân đội và đặt cho anh cái tên Việt: Nguyễn Văn Lập.
Đường binh nghiệp của Kostas bắt đầu ở Quảng Ngãi, từ chiến sĩ, anh trở thành trung đội trưởng rồi được giao làm tổng giám thị trại tù bình Âu – Phi số 3. Kostas đã viết một cuốn hồi ký (trong tổng số năm cuốn hồi ký bằng tiếng Hy Lạp) về trại tù binh này. Ở lời nói đầu, Kostas nói rõ lý do khiến mình cầm bút viết: “Mặc dù ba mươi năm đã trôi qua, tôi vẫn không bao giờ quên những gì đã diễn ra ở trại tù binh số 3 tại Quảng Ngãi. Nhưng trong những năm ấy, tôi đã đọc những bình luận xuyên tạc của báo chí Âu – Mỹ, đã xem phim ảnh nói về tù binh Pháp và Mỹ ở Việt Nam. Vì là người Hy Lạp duy nhất đã chứng kiến tận mắt các sự kiện ấy, tôi thấy mình có nhiệm vụ phải góp phần dựng lại sự thật. Có những phim như Người đưa thư ra trận, Người săn hươu và các phim tương tự đã bóp méo sự thật, coi tù binh là nạn nhân của những tên đao phủ dã man. Thế mà chính tù binh lại không hề xác nhận điều đó. Trái lại, cho đến nay, nhiều người trong số họ vẫn biết ơn điều kiện sinh sống trong các trại tù binh ở Việt Nam”. Chính Kostas, còn gọi là sếp Linh, và các giám thị người Việt đã tự tay chăm sóc nhiều tù binh Âu – Phi mắc bệnh hiểm nghèo bằng các thứ thuốc thảo mộc, cứu sống họ trước những cơn bão lũ trong rừng. Viên đại úy Bertrand sau khi bình phục đã ôm lấy Kostas mà nói: “Sếp Linh, tôi không biết anh là ai, tôi không biết quốc tịch của anh, cũng không biết Chúa lòng lành nào đã đưa anh tới đây. Nhưng dù anh là ai đi nữa, nếu mai sau anh tình cờ qua nước Pháp, mời anh tới thăm tôi. Nếu còn sống, tôi sẽ vui mừng lắm, nếu không, người nhà tôi chắc chắn sẽ biết anh đã làm gì và sẽ đền ơn anh”. Sau này, Kostas có đi thăm thú đây đó, nhưng đáng tiếc là chẳng nhớ địa chỉ của những tù binh ngày ấy. “Có lẽ người ta không sao hiểu được rằng dù tôi có làm được đôi chút thì không phải tôi làm để mong đền đáp, mà chính vì tôi đã được những người kháng chiến Việt Nam dạy dỗ như vậy”.
Tại cảng Quy Nhơn năm 1954, toàn bộ tù binh của trại số 3 đã được trao trả, khỏe mạnh và vui vẻ. Khi ấy xảy ra một sự cố: những cô y tá người Pháp õng ẹo đi phát cho mỗi tù binh một bộ quân phục mới, vít cổ họ xuống để ôm hôn và bảo họ cởi bỏ quách bộ bà ba đen sạch sẽ trên người, ngay trước mắt ủy ban Kiểm soát Quốc tế và các nhà báo. Dù đang phát cuồng lên vì những cái hôn, không một tù binh mới được trao trả nào chịu làm như vậy. Trước khi xuống tàu, họ cầm những chiếc khăn do thanh niên và phụ nữ địa phương tặng để vẫy bà con đứng trên bờ và hô to bằng tiếng Việt: “Chào đồng bào”.
Cũng trong năm 1954, Kostas tập kết ra Bắc, là sĩ quan quân đội phục vụ tại sân bay Gia Lâm. Về sau, anh chuyển ngành, làm phiên dịch tiếng Đức tại nhà máy in Tiến Bộ. Như mọi người lính sau chiến tranh trở về với đời thường, Kostas không đòi hỏi được biệt đãi, không nề hà một công việc gì, dù đó là việc lái xe ở mỏ thiếc Tĩnh Túc (Cao Bằng), hay ở mỏ than Na Dương, Lộc Bình (Lạng Sơn)… Rồi có khi lại thấy anh xuất hiện trong những vai Tây mũi lõ mắt xanh ở một số bộ phim, như phim Người chiến sĩ trẻ về anh hùng Cù Chính Lan.
Năm 1965, Kostas hồi hương, mang theo người vợ Việt Nam và ba người con, một trai tên Thành và hai gái là Bạch Tuyết và Bạch Nga. Kostas kể rằng khi lấy vợ ở Việt Nam, anh chỉ đăng ký kết hôn cho đơn giản. Nhưng khi về Hy Lạp, hai người phải làm lễ cưới ở nhà thờ chính thống, cả ba đứa con cũng có mặt. Về sau họ còn sinh thêm một con gái, đặt tên là Tự Do. “Thế là từ đó tôi phải xa tổ quốc thứ hai của mình, xa quân đội, xa nhân dân Việt Nam. Nhưng dù xa cách, lòng tôi luôn hướng về Tổ quốc, nhớ đồng bào miền Trung, nhớ các bạn, các chiến sĩ, nhớ rừng núi, nhớ chiến khu miền Trung, từ Ninh Thượng đến chiến khu 6…”
Một chuyến hành hương
Từ cuối năm 1994, Kostas hay viết thư cho tôi. Ông buồn vì không được mời về dự lễ kỷ niệm 50 năm thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam. Ông ghi khắc trong tim ngày lễ ấy và ngay từ năm 1992 đã gửi thư cho đại sứ quán Việt Nam tại Pháp (kiêm nhiệm Hy Lạp) và nhiều cơ quan khác để đề đạt nguyện vọng. Có hàng trăm chiến sĩ người châu Âu từng tham gia kháng chiến chín năm, nay cùng một mong muốn như ông. Tuy nhỡ mất dịp kỷ niệm quân đội, Kostas lại tiếp tục gửi đơn thư, hy vọng được mời về Việt Nam vào dịp kỷ niệm 50 năm thành lập nước.
Bất ngờ sáng 1-9-1995, ông tìm đến nơi tôi làm việc tại Hà Nội. Chờ mãi, không nhận được thư trả lời của những cơ quan có trách nhiệm, ngày Quốc khánh lại đang đến gần, ông vội vàng đi mua vé máy bay bằng khoản tiền tiết kiệm được trong năm năm qua. Phải đợi mất bốn ngày ở Bangkok mới nhận được visa vào Việt Nam.
Tác phẩm của Kostas Sarantidis viết về Việt Nam
Suốt ngày hôm ấy, ông và tôi chia làm hai ngả, đến một số cơ quan để xin một tấm giấy mời dự lễ Quốc khánh 2-9. Ông tìm đến những bạn chiến đấu cũ: một vị tướng và một ông đại tá thì đã mất. Một ông đại tá khác thì nghe nói đã về hưu. Tôi tìm hỏi cả những cơ quan không quen biết như Hội Cựu chiến binh, Ủy ban Việt kiều… nhưng hóa ra là không đúng chỗ. Ông an ủi tôi: “Không sao, bác là khách không mời. Nhưng nói thế không đúng, bác về với quê hương mình thì đâu cần phải lễ nghi mời mọc. Ngày mai bác sẽ dậy sớm, đến quảng trường cùng xem diễu hành với đồng bào”.
Sáng 2-9, Kostas mang theo máy quay phim để quay lễ kỷ niệm Quốc khánh. Giữa đám đông dân chúng, ông không chọn được góc độ ưng ý. Thế là vài hôm sau, ông đến Đài Truyền hình Việt Nam, nhờ in giúp cho một băng hình để đem về giới thiệu với con cháu và bạn bè ở Hy Lạp. Ông phấn khởi vì đã quen biết thêm một vài cán bộ ở Đài Truyền hình. “Bạn cũ nhiều người đã khuất, nhưng lần này bác lại có thêm bạn mới. Hy vọng rằng năm năm sau, nếu còn khỏe và đủ tiền để về thăm Việt Nam, bác sẽ còn được gặp họ và được giúp đỡ nhiệt tình như vậy”.
Tìm lại đứa con trai
Đó là điều ông Kostas – Nguyễn Văn Lập nhờ nhắn gửi trên báo chí. Trong lời nhắn gửi tìm thân nhân này hóa ra lại có một câu chuyện khác.
Năm 1947, là bộ đội pháo 12,7ml bảo vệ bờ biển Quảng Ngãi, Kostas thành hôn với chị Huỳnh Thị Sơn là cán bộ kháng chiến xã Phổ Hòa, huyện Đức Phổ. Chị Sơn có một đứa cháu gọi bằng cô ruột tên là Huỳnh Quang Thái và cặp vợ chồng mới cưới nhận cháu làm con nuôi. Năm 1954, họ tập kết ra Bắc, mang theo cháu Thái bảy tuổi, đã được đổi tên là Nguyễn Văn Thái cho phù hợp với tên họ của cha nuôi là Kostas – Nguyễn Văn Lập.
Thái được gửi vào trường học sinh miền Nam ở Hải Phòng. Chị Sơn làm y tá trưởng ở nông trường Phủ Quỳ, Nghệ An. Còn Kostas là bộ đội phục vụ trong C47, E354 tại Sân bay Gia Lâm.
Gia đình họ không thoát được cơn biến động của cải cách ruộng đất. Chị Sơn bị bắt giữ, bị quy oan. Kostas khi ấy đã chuyển sang ngạch dân sự, được tổ chức cơ quan gọi lên thông báo những chuyện nghiêm trọng về người vợ.
Năm 1957, khi anh đã lấy vợ khác và người vợ đang mang thai thì chị Sơn tìm về Hà Nội. Sau chủ trương sửa sai, chị được phục hồi. Chị ôm lấy người vợ mới của Kostas mà khóc. Rồi chị bỏ đi đâu mất, mang theo cả cháu Thái.
Mãi về sau, Kostas nghe nói chị Huỳnh Thị Sơn làm việc tại bệnh viện phong Quỳnh Lập, Nghệ An. Còn người con nuôi tên là Thái thì không được tin tức gì.
Về thăm quê hương Việt Nam lần ấy, Kostas Sarantidis – Nguyễn Văn Lập ghé lại Quảng Ngãi, Phan Thiết là những nơi có nhiều kỷ niệm thời kháng chiến. Nhưng ông vẫn chưa tìm được người con nuôi.
Những vần thơ mộc mạc
Tôi quen ông bắt đầu từ những câu thơ ông đưa cho tôi đọc. Ông viết mấy chục bài thơ bằng tiếng Việt, giãi bày nỗi nhớ Việt Nam, nhớ đồng đội, nhớ những người mẹ kháng chiến… Những bài thơ ông đem đánh máy, tự tay điền dấu tiếng Việt vào, nhưng vẫn lẫn lộn nhiều dấu. Khi không gặp gỡ trực tiếp được nữa, ông gửi thơ qua đường bưu điện. Quen biết ông hai chục năm rồi, tôi vẫn nhớ nhất bài thơ đầu tiên ông đưa cho, cùng những dòng kỷ niệm xung quanh bài thơ ấy.
“Năm 1952, ở tỉnh Quảng Nam. Cùng với hai đồng đội, tôi đóng quân tại căn nhà lá nhỏ nhất ở cuối làng. Chủ nhà là một bà già nét mặt rám nắng, nhăn nheo vì thiếu đói và công việc đồng áng nặng nhọc. Bà đón chúng tôi nồng nhiệt như mẹ đẻ, dang rộng đôi cánh tay gầy guộc. Bà coi là vinh dự khi chúng tôi nhận đóng quân trong ngôi nhà tranh tồi tàn này, và đôi mắt trũng sâu trào nước mắt – nước mắt của niềm vui sướng. Gạt nước mắt, bà đi lấy ấm, nấu chè xanh, múc nước nghi ngút bốc hơi bằng chiếc gáo dừa, mời chúng tôi uống. Khi bà chăm chú nhìn và nhận thấy là mũi tôi không tẹt, da tôi không vàng, mà tôi lại là một người ngoại quốc da trắng, bà sững lại. Bị bất ngờ, bà mất bình tĩnh, bát nước chè xanh rơi khỏi tay. Tôi cảm thấy rõ những giọt nước mắt nóng hổi của bà thấm ướt má tôi, trái tim bà đập nhịp với trái tim tôi. Vâng, bà đã ôm tôi như ôm đứa con đẻ, và tôi, trong giây lát, tôi cũng cảm thấy như đang trong vòng tay mẹ đẻ. Như vậy bằng một cách riêng, bà đã biểu lộ lòng biết ơn đối với tôi, tuy là người nước ngoài, nhưng cùng chia sẻ nỗi đau, cùng chiến đấu cho tự do…”
Nhớ mẹ
Tôi có được một người mẹ chiến sĩ là mẹ nuôi ở Quảng Nam. Tôi muốn tặng những người mẹ (trong thời gian kháng chiến 1946-1954) bài thơ tiếng Việt này để tỏ lòng biết ơn những người mẹ Việt Nam.
Ơi tỉnh Quảng Nam
Nơi tôi chiến đấu bao năm
Tại đó có mẹ chiến sĩ
Sau bao nhiêu năm chia ly
Tôi lại bỗng nhớ mẹ hiền
Mẹ ấy nuôi tôi kháng chiến
Dù tôi là người ngoại quốc
Tập kết ra Bắc xa vắng hai năm
Bao giờ trở về Quảng Nam?
Tuy con nay đã về nước xa mẹ
Trên trời dưới đất con thề
Không bao giờ quên mẹ hiền
Đã nuôi con kháng chiến
Mẹ ấy đã hơn mẹ tôi
Cơm nuôi, quần áo cho tôi
Hai mắt nhìn tôi, miệng cười
Mẹ tôi tận tình, hiền vui
Tuổi con nay đã nhiều
Mẹ sống hay chết, chẳng hiểu?
Lòng con ao ước ngày về
Trời ơi, có được ngày gặp mẹ?
Người nào gặp được mẹ tôi
Báo giúp tôi gửi cho mẹ đôi lời.
Cuối năm 1997, Kostas – Nguyễn Văn Lập gửi tặng tôi cuốn hồi ký Tại sao tôi hàng Việt Minh, Nhà xuất bản Quân đội Nhân dân ấn hành năm 1997. Đây là cuốn hồi ký thứ hai của ông được dịch ở Việt Nam, cuốn trước là Ở một trại tù binh cũng cùng nhà xuất bản, năm 1989. Thế là cuốn sách đã đi một vòng Hà Nội – Hy Lạp – Hà Nội, tình thương nhớ của ông cũng đã đi nhiều vòng như vậy trong hơn nửa thế kỷ qua. Ông nói rằng chi phí mỗi chuyến về Việt Nam là số tiền tiết kiệm trong năm năm trời. Năm 1995 ông đã về nước, “vậy nếu trời còn cho khỏe mạnh, năm 2000 tôi sẽ trở lại Việt Nam”.
Nhưng không phải chờ đến năm năm, năm 1998 ông đã về Việt Nam để gặp lại người con lưu lạc mấy chục năm. Bạn bè của ông và người đọc đã lần theo địa chỉ của ông mà tôi chủ ý ghi rõ trong những bài báo trên Tuổi Trẻ – Thành phố Hồ Chí Minh, Báo ảnh Việt Nam, Quốc Tế, Văn Nghệ… để thông báo giúp ông tìm kiếm anh Nguyễn Văn Thái (Huỳnh Quang Thái). Ông gửi cho tôi tấm ảnh ngày hai cha con hội ngộ, kèm lời đề tặng: “Tặng cho cháu Thái để nhớ bác Lập, người đã tìm được con nhờ có cháu”.
Mấy dòng ghi thêm, khi nghe tin bác Nguyễn Văn Lập qua đời tại Hy Lạp ngày 25-6-2021:
Khoảng năm 2000-2002, tôi không nhớ chính xác, tôi nhận được điện thoại của anh Huỳnh Quang Thái, cháu của người vợ đầu của bác Lập, đồng thời là con nuôi. Tôi có đến gặp anh khi anh làm việc tại một cửa hàng điện máy ở phố Kim Ngưu, Hà Nội. Như tôi đã kể, nhờ báo chí đưa tin, bạn bè tìm giúp, bác Lập đã tìm lại được người con nuôi của mình. Sau đó tôi đi công tác xa, anh Huỳnh Quang Thái hình như đã trở về Nam và chúng tôi mất liên lạc.
Hà Nội, 4/7/1998
Hồ Anh Thái
Nguồn: Rút từ tập Họ trở thành nhân vật của tôi, NXB Thanh Niên,
NXB Hội Nhà văn, NXB Trẻ tái bản nhiều lần
Theo https://vanhocsaigon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bùi Giáng - Thi sĩ của mùa xuân vĩnh cửu

Bùi Giáng - Thi sĩ của mùa xuân vĩnh cửu Bùi Giáng có một mùa xuân vĩnh cửu, bởi đơn giản chính ông tự xưng mình là “trung niên thi sĩ”. T...