Thứ Ba, 17 tháng 9, 2024

Đọc - Ghi và viết theo phương pháp của Nguyễn Hiến Lê

Đọc - Ghi và viết theo
phương pháp của Nguyễn Hiến Lê

Học giả Nguyễn Hiến Lê (1912-1984) là một trong những gương mặt văn hóa tiêu biểu của Sài Gòn. Ông là nhà văn, dịch giả, nhà nghiên cứu, nhà giáo dục và hoạt động văn hóa độc lập, có 120 tác phẩm sáng tác, biên soạn và dịch thuật thuộc nhiều lĩnh vực. Cách đọc và viết của Nguyễn Hiến Lê đáng để hậu thế học tập qua tài liệu sau đây…
Đọc và viết là nếp sống hằng ngày của Nguyễn Hiến Lê. Buổi sáng, sau điểm tâm, công việc mở đầu ngày làm việc là đọc chứ chưa phải viết. Đọc hết nửa buổi, mới ngồi vào bàn. Chiều cũng vậy. Còn cả buổi tối chỉ dành cho sự đọc. Sách nào mua về cũng đọc, dù chán cũng ráng mà đọc, để biết qua nội dung “trừ loại chưởng của Kim Dung”.
Những nơi đọc sách luôn để sẵn cây bút chì và cục gôm (tẩy). Đọc thấy chỗ nào đáng chú ý, cần xem lại hoặc ghi chép thì đánh dấu vào trang. Đọc xong chương nào, giở lại xem những đoạn có đánh dấu, ghi ngay những điều cần nhớ hoặc suy nghĩ, bình luận của mình.
Về mặt này, ông có điểm giống văn hào Ernest Hemingway: “Điều lớn lao nhất là sống, là làm công việc của mình – Hemingway nói – là nhìn, học và hiểu. Rồi lúc ấy mới viết, sau khi đã biết được một điều gì đấy, sau chứ không phải trước”.
Những người cầm bút đều biết, viết không phải lúc nào cũng là một thú vui. Đối với Nguyễn Hiến Lê, “dù không có hứng cũng đúng giờ ngồi vào bàn viết, viết bừa vài câu, nửa trang, rồi hứng tự nhiên tới”. Có thấy cách làm việc của ông, mới hiểu tại sao ông trước tác được nhiều như vậy. Nhà thơ Quách Tấn uyên thâm cổ văn từng ngạc nhiên: Riêng việc Nguyễn Hiến Lê đọc sách cũng đã khó có người bì kịp, chứ đừng nói đọc rồi còn viết.
Một đặc điểm nổi bật trong phương pháp làm việc của Nguyễn Hiến Lê là ghi chép. Ông ghi cẩn thận, không mệt mỏi, thường là tại chỗ qua mỗi chuyến công vụ khi còn làm công chức (mà ông gọi là “đi kinh lý”) hoặc những lần chuyển dịch vì việc riêng. Từ khi bắt đầu cầm bút, ông đã có thiên hướng viết du ký, đi đến đâu ông cũng chịu khó ghi chép cảnh đẹp, tục lạ, cổ tích… Trở về nhà, ghi ngay lại cảm tưởng cả chuyến đi. Văn phong của ông lưu loát.
Hãy đọc lại một đoạn ông viết bảy mươi năm trước về cái ga xép Lăng Cô, nay là điểm du lịch khởi sắc ở miền Trung, nhất là từ khi hoàn thành đường hầm Hải Vân: “… Từ trên cao nhìn xuống, nó y hệt một bức tranh thủy mặc của Trung Hoa. Một cù lao nhỏ ở gần bờ, bằng phẳng, trồng toàn dương, có chùa có nhà, có ghe đánh cá và lưới đánh cá phất phơ dưới gió. Một cây cầu dài nối với bờ. Những buổi chiều mây ngũ sắc in trên mặt nước, những chiếc ghe giương buồm ra khơi, hay những đêm trăng sóng bạc nhấp nhô vạch một đường sáng tới một đảo nào ở chân trời mù mịt, ngồi ở góc đường đầu cầu này mà ngắm trời nước…”.
12/7/2021
Phan Quang
Nguồn: Trích từ bài Cách tìm hiểu và tự học của học giả Nguyên Hiến Lê
Theo https://vanhocsaigon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

XXXXPhiên bản 2

Phiên bản 2 CHƯƠNG 15 Khi anh trở về làm cảnh sát khu vực phường Đường Tàu thì em đã thành một con lưu manh thực thụ rồi. Sau vụ đốt chợ...