Thứ Hai, 16 tháng 9, 2024

Nhà văn Abdulrazak Gurnah: Viết văn là công việc trường kỳ và có phần khắc nghiệt

Nhà văn Abdulrazak Gurnah: Viết văn
là công việc trường kỳ và có phần khắc nghiệt

Nhà văn đoạt Giải thưởng Nobel Văn học 2021 Abdulrazak Gurnah sinh năm 1948, tại hòn đảo Zanzibar nằm phía Đông Tanzania. Nơi ấy có những vườn cọ dừa xanh rờn, khu nuôi rùa với những con rùa có tuổi đời mấy trăm năm, những cảng xuất khẩu nô lệ sang châu Mỹ tựa những hang cọp với những dây xích khổng lồ và hầm song sắt, vẫn còn đó những chứng tích…
Giải Nobel Văn học ở Thụy Điển và giải Nobel Hòa bình ở Na Uy là hai giải thưởng quốc tế đáng chú ý nhất hàng năm. Giải thưởng thường được công bố vào ngày thứ 5 lúc 13h từ “cánh cửa nổi tiếng” của Viện Hàn lâm Thụy Điển, tại tòa nhà Börshuset trên phố cổ Stockholm.
Người ngạc nhiên nhất trong năm nay không ai ngoài chính nhà văn Abdulrazak Gurnah, khi ông đang cầm một cốc trà nóng mới pha trong bếp, còn vợ ông đang đưa các cháu đi chơi ngoài sở thú. Ông nói: “Tôi nghĩ đó là trò đùa, tất cả quả là tuyệt vời”. Người ngạc nhiên thứ hai, là ông chủ của Nhà xuất bản Celenders tại thành phố Lund của Thụy Điển: “Tôi xuất bản hai cuốn của Abdulrazak Gurnah, “Thiên đường” và “Món quà cuối cùng”, sách vẫn còn tồn trên giá”…
Abdulrazak Gurnah sinh năm 1948, tại hòn đảo Zanzibar nằm phía Đông Tanzania. Nơi ấy có những vườn cọ dừa xanh rờn, khu nuôi rùa với những con rùa có tuổi đời mấy trăm năm, những cảng xuất khẩu nô lệ sang châu Mỹ tựa những hang cọp với những dây xích khổng lồ và hầm song sắt, vẫn còn đó những chứng tích…
Khắp đảo Zanzibar thường dậy lên mùi gia vị, các loại củ quả, hương thảo phong phú. Người Ấn Độ, người Ả Rập và người Ba Tư đã di cư sang đây từ những thế kỷ trước. Cho đến ngày nay có thể nói, đảo vẫn buồn như một bản du ca. Vẫn còn đó như từ xa xưa những bé trai nghèo bán rong dọc biển, đủ các loại thức ăn, từ thịt gà nướng đến tôm cá mực nướng. Chiều vàng ngả bóng trên những tòa nhà nửa kiến trúc đông phương, nửa phong cách Ả Rập như trong “Ngàn lẻ một đêm” với những cánh cửa trạm trổ tinh tế cao và kín mít.
Abdulrazak Gurnah có nét mặt nghiêm nghị nhưng dễ gần, với giọng nói khẽ khàng nhưng khúc triết. Ông nhập cư sang Anh Quốc vào cuối thập kỷ 1960. Lấy bằng tiến sỹ tại đại học Kent và trở thành giáo sư môn ngữ văn và văn học tại trường đại học Kent, Canterbery, Anh Quốc. Ngôn ngữ mẹ đẻ của ông là tiếng Swahili nhưng tác phẩm của ông viết bằng Anh ngữ. Ông tâm sự: “Tôi rời quê hương năm 18 tuổi, nỗi nhớ nhà dằn vặt, không có ngành nghề gì trong tay, nhưng đến giờ tôi vẫn nghĩ sự lựa chọn của tôi lúc ấy là đúng”.
Cuốn tiểu thuyết đầu tay của ông nhan đề “Ký ức một cuộc hành trình” xuất bản năm 1987. Trước đó ông đầu tư rất nhiều công sức mà vẫn bị các nhà xuất bản từ chối. Tiểu thuyết “Thiên đường” ra mắt năm 1994, gây sức đột phá. Ngôn ngữ tác phẩm của ông bay bổng, giàu chất thơ, mang đậm dấu ấn lịch sử về thời thuộc địa hóa Hồi giáo trước thời thuộc địa hóa châu Âu. Các tác phẩm của Abdulrazak Gurnah thường mở ra trước mắt người đọc hình ảnh những con người trong dòng di tản và lạc lõng trong xã hội đương đại. ”Họ là những con người bị nhổ bật khỏi gốc rễ và lang thang trên khắp các lục địa” (The Guardian). ”Họ thiếu thốn rất nhiều thứ nhưng cũng có nhiều thứ để cho lại.” (Lời tác giả).
Theo công bố của Viện Hàn lâm Thụy Điển, Abdulrazak Gurnah được trao giải Nobel danh giá với lý do “sự tiếp cận văn học, không khoan nhượng và đầy vị tha, phản ánh những hệ quả của chủ nghĩa thực dân và số phận những người tị nạn đang lưu vong giữa các nền văn hóa và lục địa”. Sự lựa chọn giải lần này được nhiều nhà phê bình văn học Thụy Điển đánh giá tích cực, chiếu sáng một tiềm năng văn học, thân phận con người trong làn sóng di dân, tị nạn ít được biết tới, bị áp bức, đầy ải và miệt thị, được miêu tả hết nhạy cảm, tác giả đề cập trực tiếp tới vấn đề di cư ở Đông Phi. Abdulrazak Gurnah như đã hóa thân vào nhân vật của mình, có thể nói, cái nhìn của ông dù tàn nhẫn nhưng đầy yêu thương và yêu thương một cách tàn nhẫn.
Khi các nhà báo phỏng vấn ông sau khi trao giải, ông không ngại chỉ trích chính quyền sở tại chưa có chính sách thỏa đáng với những người nhập cư: “Họ đến đây với tuổi trẻ, nghị lực và tiềm năng nhưng bị coi như một gánh nặng đè lên xã hội và kinh tế”. Ông là một trong không nhiều nhà văn đề cập đến toàn cầu hóa, tình trạng vô gia cư, kỳ thị dân tộc, những vấn nạn của người nhập cư. “Ở châu Âu người ta dựng lên những hàng rào dây thép gai nhưng chính ông lại chỉ đường cho chúng ta xuyên qua những hàng rào ấy” (Stefan Helgsson, Dagens Nyheter).
Abdulrazak Gurnah đã sinh sống ở Anh Quốc 50 năm nhưng tiểu thuyết của ông thường nói về quê hương Tanzania, về tuổi thơ nghèo đói, cơ cực của ông. Biển luôn là đề tài hiện hữu trong các tác phẩm. Ông có dịp trở về quê hương gặp người cha trước khi cha ông mất năm 1984.
Sáng tác của ông chia làm hai giai đoạn: thời kỳ viết về ký ức trên đảo Zanzibar và thời kỳ viết về sự lạc lõng, bị đẩy ra khỏi xã hội. Viết văn với ông là công việc trường kỳ và có phần khắc nghiệt. Ông đã sáng tác 10 cuốn tiểu thuyết, một số truyện ngắn và tiểu luận, Tiểu thuyết gấn đây nhất ra mắt 2020 “Afterlives”. Hiện nay ông đã nghỉ hưu, ngoài viết, sở thích của ông là làm vườn, nấu ăn, vui thú cùng gia đình và xem bóng chày (cricket). Số tiền giải thưởng 10 triệu cu-ron Thụy điển ông không hề nghĩ tới, ông đùa rằng số tiền đó ông có thể giúp ông trở một tay đua xe cỡ bự.
Điều đáng mừng cho nhà xuất bản Celanders, đường dây điện thoại đã liên tục nóng lên từ khi Giải Nobel Văn học 2021 được công bố, “Chính những nhà xuất bản nhỏ lại phát hiện ra tài năng văn học lớn”, bà Dorotea Blomberg hết sức hài lòng về kết quả này. Việc trao giải thưởng năm nay sẽ thực hiện bằng hình thức trực tuyến. Hy vọng năm sau ông có thể sang Thụy Điển dự yến tiệc Nobel lộng lẫy tại tòa nhà Thị chính Stockholm và yết kiến Quốc vương Kung Carl XVI Gustaf. 
10/10/2021
MIMMI DIỆU HƯỜNG BẺGSTRÕM
Theo https://vanhocsaigon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  ​ Thanh tẩy Phần I Ra trông coi đền, chị Yến được ở ngay tại hậu điện. Chị ăn cơm tù hơn hai mươi năm rồi nhưng nếu gặp chị ở ngoài ...