Chủ Nhật, 15 tháng 9, 2024

Nhà văn trinh thám lừng danh Georges Simenon: Viết khỏe, yêu mạnh

Nhà văn trinh thám lừng danh
Georges Simenon: Viết khỏe, yêu mạnh!

16 tuổi bỏ dở trung học để đi làm báo và 17 tuổi đã in cuốn tiểu thuyết đầu tiên. Người khai sinh ra nhân vật thanh tra Maigret đã trở thành hình tượng kinh điển của dòng văn học trinh thám thế kỷ XX. Làm việc với một công suất hiếm có đến mức đã viết được tới gần 300 tiểu thuyết với nhiều bút danh khác nhau. Đó là nhà văn Pháp ngữ gốc Bỉ Georges Simenon. Ông qua đời vào ngày 4.9.1989, tại Lausanne, Thụy Sĩ. Các tác phẩm của ông đã được in tới hàng triệu bản.
Học văn ở đời
Georges Simenon Georges Joseph Christian Simenon sinh ngày 13.2.1903 tại Liège (Bỉ) trong một gia đình viên chức. Cha ông làm việc trong công ty bảo hiểm, đồng thời cũng cho thuê một số căn phòng trong ngôi nhà mà gia đình mình đang ở. Môi trường đông đúc và đa dạng của những người thuê nhà đã trở thành nguồn tư liệu phong phú để sau này ông viết nên những tác phẩm bất hủ của mình.
Simenon khi còn nhỏ từng học ở trường dòng Tên nhưng không bao giờ là người quá mộ đạo. Năm 1919, chàng trai trẻ đã rời khỏi trường mà không buồn trả thi để đi làm cho tòa soạn báo Gazette de Liège. Công việc của một phóng viên đã giúp cho Simenon ngay từ lúc đó đi vào nghiên cứu kỹ lưỡng cuộc sống đô thị và ngay từ lúc đó, Simenon đã bắt đầu suy nghĩ về những ý tưởng nghệ thuật đầu tiên. Vốn tính tình phóng túng, nhà văn tương lai đằm mình rất sâu vào những sinh hoạt đêm của thành phố, lăn lộn với nhiều giới khác nhau ở Liège.
Năm 1919, Simenon đã hoàn thành tác phẩm lớn đầu tiên của mình “Trên cây cầu xạ thủ“, được xuất bản vào năm 1921. Năm 1922, sau khi người cha qua đời, Simenon cùng người vợ đầu tiên, nữ họa sĩ Ligy, chuyển sang Paris sống và viết văn, làm báo. “Kinh đô ánh sáng” càng khiến cho nhà văn giàu nhiệt huyết và trí tưởng tượng tung hoành bút lực và tìm kiếm được nhiều tư liệu làm nghề.
Tới năm 1927, Simenon đã là một nhà văn được nhiều người biết tới. Với bút danh Georges Sim, ông đã làm “ngập lụt” các tòa soạn báo và báo chí bằng những phóng sự của mình cũng như những truyện ngắn và tiểu luận. Trung bình mỗi ngày ông viết khoảng 80 trang sách và cùng một lúc cộng tác với 6 nhà xuất bản. Khi một ông chủ xuất bản định ra một tờ báo mới, ông này đã tổ chức một thủ thuật quảng cáo mới: thách Georges Sim trong vòng 5 ngày với một khoản thù lao cực kỳ hậu hĩnh ngồi trước công chúng hoàn thành một tiểu thuyết mới để in lên ấn phẩm mới đó. Để làm việc này, Simenon sẽ được đưa vào một hộp kính đặt gần rạp hát Moulin Rouge để hàng ngày đánh máy chữ. Ý tưởng này độc đáo đến mức đã trở thành tin đồn khắp nơi và biến Simenon thành huyền thoại vì có người cứ xưng xưng kể rằng chính mắt mình nhìn thấy Georges Sim ngồi đánh máy chữ “như điên” trong hộp kính. Thực ra, kế hoạch đó đã không trở thành hiện thực. Ấn phẩm mới đó chỉ tồn tại được vài ngày thì phá sản…
Tình cờ và bền vững
Trong những năm 1928 tới 1935, Simenon đi du lịch rất nhiều trên thuyền buồm Ostrogoth, tới khắp nước Pháp, tới cả Bỉ và Hà Lan, lên Biển Bắc tới tận Bremen  và Wilhelmshaven. Ông thích làm việc trên thuyền buồm và sống cùng sông nước. Trên đường trở về, ông lại tới miền Bắc Hà Lan, neo tại thành phố Delfzijl và chính ở đó ông đã sáng tạo ra nhân vật thám tử Maigret mà về sau đã trở thành một hình tượng kinh điển của dòng văn học trinh thám thế kỷ XX. Cuốn tiểu thuyết đầu tiên có thanh tra Maigret được xuất bản năm 1929, giúp Simenon khởi hành vào bất tử, mặc dầu hiện giờ tác phẩm này “Pietr le Letton” ít ai còn nhớ tới.
Ông chủ nhà xuất bản Feyar, người mà Simenon đã mang tới giới thiệu cuốn tiểu  thuyết trinh thám đầu tiên của mình, theo nhận xét của nhiều người, rất nhạy trong việc tiên đoán thành công hay thất bại của các bản thảo khi được in thành sách. Thế nhưng, trong trường hợp của Simenon, ông Feyar đã bị “bé cái nhầm”.
Simenon về sau nhớ lại trong tập tự truyện “Tôi đọc” của mình rằng, đọc bản thảo xong rồi, Feyar đã thốt lên: “Không hiểu anh đã viết cái quái gì ở đấy thế? Tiểu thuyết của anh không giống truyện trinh thám đích thực. Tiểu thuyết trinh thám phát triển như một ván cờ tướng: độc giả cần phải có đủ mọi dữ kiện. Nhưng trong sách của anh thì lại không có cái gì như thế cả. Và cả viên thanh tra của anh cũng không hoàn thiện – không còn trẻ và không có duyên. Cả nạn nhân lẫn kẻ sát nhân đều không khiến người đọc có cảm tình hay mất cảm tình. Mọi sự đều kết thúc thật buồn. Không có tình yêu, không có đám cưới. Không rõ là anh định lôi cuốn độc giả bằng cách nào?”.
Tập tiểu thuyết đầu tiên về thanh tra Maigret được Simenon viết trong 6 ngày, các cuốn khác thì ông hoàn thành trong 5-6 tháng. Tổng số tiểu thuyết về Maigret lên tới trên dưới 80 cuốn. Thanh tra Maigret cũng có mặt trong gần 30 truyện ngắn của Simenon. Hình tượng vị thanh tra này đã được độc giả yêu thích đến mức ngay khi nhà văn còn sống, tại thành phố Delfzijl, nơi ông nghĩ ra nhân vật chính của mình, đã dựng tượng đồng thanh tra Maigret. Trong lễ khánh thành tượng, thị trưởng thành phố đã trao cho Simenon giấy khai sinh trong đó ghi: “Jules Maigret, nơi sinh: Delfzijl; năm sinh: 1929; cha: Georges Simenon; Mẹ: Không rõ…”.
Dẫu các vụ việc mà thanh tra Maigret phải làm án không có cái nào giống cái nào nhưng trong tất cả các tiểu thuyết về ông đều có đặc trưng là sự sử dụng tiết kiệm những phương tiện miêu tả, không khí bí ẩn, sự tinh tường và mối quan tâm không ngừng nghỉ đối với con người, lắm khi được nâng lên tới đỉnh điểm. Những nhân vật là những người mang trên mình các tên họ lừng danh nhưng đã bị suy đồi, những kẻ tư sản hợm hĩnh, những tên lừa đảo độc đáo, những kẻ ngông cuồng, tức là mọi tầng lớp xã hội đều được miêu tả trong sách của Simenon với sự giàu có chi tiết tầm cỡ Balzac.
Nhiều tác phẩm trong chùm tiểu thuyết về thanh tra Maigret đã được chuyển thể thành phim. Một trong những diễn viên thủ vai thanh tra Maigret thành công nhất là ngôi sao điện ảnh Pháp Jean Gabin…
Viết không mệt mỏi
Trong những năm 30 của thế kỷ trước, Simenon thường là viết mỗi tháng một tiểu thuyết và mỗi ngày một truyện ngắn. Buổi sáng, ông ngồi vào bàn cẩn trọng gọt khoảng hai chục cây bút chì rồi dùng chúng để viết, hết cây bút chì này tới cây bút chì khác. Ông cũng không bao giờ một ngày lại hút cùng một cái tẩu thuốc và vì thế, đã có cả một bộ sưu tập tẩu thuốc lên tới hơn 200 cái. Thứ thuốc mà ông nhét vào tẩu là tổng hợp của nhiều loại sợi thuốc lá hiếm có khác nhau nhưng đều sáng màu, do hãng Dunhill sản xuất riêng cho ông.
Các tập sách tra cứu về đường sá, bản đồ đường sắt, các tập atlas luôn ở cạnh bàn làm việc của ông để giúp ông có thể nạp vào trang văn của mình những chi tiết phong phú và chuẩn xác, đến mức như thể đó là các tiểu thuyết tư liệu. Những thứ còn lại thì do cảm hứng và tài năng tạo nên.
Tính trung bình, Simenon chỉ cần khoảng từ 3 ngày tới 11 ngày cho một cuốn tiểu thuyết. Thậm chí ông viết ra chúng còn tốn ít thời gian hơn là để đánh máy lại chúng.
Đường đời không thẳng
Thái độ của nhà văn trong chiến tranh thế giới thứ hai được coi là khó hiểu. Một số người còn cho rằng Simenon là một nhân vật hợp tác với nước Đức Quốc xã vì có một số tác phẩm của ông được người Đức chuyển thể thành phim. Thực hư đến đâu thì không rõ nhưng sau chiến tranh, các tác phẩm của Simenon đã bị cấm in trong 5 năm.
Theo một số nguồn tin, chính Simenon cũng đã không cho phép nước Đức Quốc xã in các tác phẩm của ông. Và khi đó, Simenon rời Paris sang Bắc Mỹ, sống ở Quebec, Florida, Arizona. Những khổ ải của con người trong thời gian chiến tranh đã được Simenon miêu tả trong không chỉ một tác phẩm.
Năm 1952, Simenon trở thành viện sĩ Viện Hàn lâm Hoàng gia Bỉ. Năm 1955, ông trở về Cannes, Pháp cùng người  vợ thứ hai rồi chuyển về Laussane, Thụy Sĩ sống cho tới lúc qua đời.
Mặc dù chính những tiểu thuyết trinh thám về thanh tra Maigret đã mang lại cho Simenon danh tiếng thế giới nhưng ông lại cho rằng, các tác phẩm chính yếu của ông là những tiểu thuyết tâm lý, hay như ông nói, những tiểu thuyết “khó”, như “Đoàn tàu”, “Rác bẩn trên tuyết”, “Đoàn tàu đi từ Venice”, “Tổng thống“. Trong những cuốn tiểu thuyết này bộc lộ sự phức tạp của thế giới, của các quan hệ giữa con người với nhau.
Cuối năm 1972, Simenon quyết định sẽ không viết tiểu thuyết nữa và để dang dở tác phẩm “Oscar”. Cuốn tiểu thuyết cuối cùng của ông về thanh tra Maigret là  “Maigret et monsieur Charles” (Maigret và ông Charles), xuất bản năm 1972.
Những năm cuối đời, Simenon viết hàng loạt các tập tự truyện như “Tôi đọc”, “Thư gửi mẹ”, “Những người đơn giản”, “Gió Bắc, gió Nam“. Trong tập tự truyện “Những ghi chép riêng tư” (1982), Simenon tiết lộ về một tấn bi kịch trong gia đình ông (việc cô con gái Marie Jo tự vẫn năm 1978 và  những lý do mà theo ông, đã khiến cô tự tìm lấy cái chết).
Đa đoan nhưng bình ổn
Simenon rất dễ phải lòng phụ nữ, đến mức gần như tai tiếng. Có nguồn tin cho rằng, chính ông đã khoe là ông đã biết tới 100 phụ nữ (?!).
Ba lần lấy vợ nhưng cuộc sống gia đình của Simenon vẫn có thể được coi là ổn thỏa. Người vợ đầu tiên của ông, nữ họa sĩ Tigy chỉ sau vài năm chung sống đã sinh cho ông một người con trai Marc. Tuy nhiên, hai nghệ sĩ trong một gia đình là hơi nhiều nên họ đã chia tay nhau.
Trong cuộc hôn nhân thứ hai với nữ thư ký người Canada, Denyse Ouimet, ông đã có ba người con: John, Mary-Georges và Pierre. Ouimet trẻ hơn ông 17 tuổi, nhưng không phải điều đó đã trở thành nguyên nhân khiến hai người không chung sống với nhau tới cuối đời. Đơn giản là vì Simenon đã gặp được người phụ nữ Italia trẻ hơn ông tới 23 tuổi tên là Teresa.
Mặc dầu thế, bà Denyse Ouimet đã không chấp thuận ly hôn với Simenon nên nhà văn đành phải sống theo kiểu tình ngay nhưng lý chưa ngay với người phụ nữ cuối cùng của đời mình từ năm 1973 cho tới ngày nhắm mắt xuôi tay. Bà Teresa không sinh cho Simenon thêm một người con nào cả. Tuy thế, như chính Simenon nói, bà Teresa đã có vai trò quan trọng nhất trong cuộc đời nhà văn, giúp ông hiểu thế nào là tình yêu và hạnh phúc gia đình đích thực.
Gia sản mà Simenon để lại được đánh giá ở mức hàng trăm triệu USD. Phần lớn gia sản này được ông di chúc cho người vợ thứ hai. Người phụ nữ cuối cùng chung sống với ông được nhận ngôi nhà ở Laussane, nơi họ cùng sống với nhau từ năm 1973. Những người con khác của nhà văn cũng được ông di chúc lại một phần tài sản.
Các bút danh của Simenon: G. Sim; Georges Sim; Jacques Dersonne; Jean Dorsage; Georges – Martin Georges;  Jean du Perry; Gaston Vialis; Christian Brulls; Luc Dorsan; Gom Gut…
27/11/2021
Phương Hà
Theo https://vanhocsaigon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  ​ Thanh tẩy Phần I Ra trông coi đền, chị Yến được ở ngay tại hậu điện. Chị ăn cơm tù hơn hai mươi năm rồi nhưng nếu gặp chị ở ngoài ...