Chủ Nhật, 15 tháng 9, 2024

Vũ Thanh Lịch và những trầm tích văn chương

Vũ Thanh Lịch và những
trầm tích văn chương

Đánh thức dấu xưa chuyện cũ, gọi dậy những linh hồn ngụ trong các lớp trầm tích, gợi về một nét phong tục tập quán, nhắc lại những tên đất, tên người, những triều đại đã tỏa bóng lên trang sử dân tộc… truyện ngắn của Vũ Thanh Lịch là một nẻo về chầm chậm, giàu suy tư, giàu cảm xúc và đan cài không ít ý tưởng giấu sau hình tượng, chuyện kể.
Vũ Thanh Lịch là tác giả đoạt giải nhất Cuộc thi truyện ngắn “Lửa mới” (2018-2019) của Tạp chí Văn Nghệ Quân Đội với tác phẩm Nhà Thánh.
Tuy nhiên, không phải đến lúc ấy công chúng văn học mới biết đến Vũ Thanh Lịch. Trước đó, chị đã xuất bản 6 tập sách (Trú rét-2013, Đi qua đồng cói-2015, Chân núi có một con đường-2015, Đánh thức trái tim-2017, Người hát gọi mặt trời-2018, Má đào-2019).
Năm 2021, Vũ Thanh Lịch đánh dấu hành trình văn chương của mình bằng tập truyện ngắn Nhà Thánh với 12 tác phẩm dày dặn. Có thể nói, đây là tập truyện kết tinh được những đặc sắc về nghệ thuật và bút pháp của Vũ Thanh Lịch, đồng thời cũng thể hiện khá rõ những bận tâm thường trực của chị đối với các vấn đề của đời sống văn hóa, lịch sử, xã hội, con người trên vùng đất quê hương Ninh Bình.
Bìa tập truyện ngắn Nhà Thánh của Vũ Thanh Lịch.
Nhà văn Vũ Thanh Lịch hiện là Trưởng phòng Quản lý di sản văn hóa, Sở Văn hóa và Thể thao Ninh Bình. Có phải vì thế mà trong những truyện ngắn của chị, người đọc nhận ra những câu chuyện ẩn mình trong di sản, trầm tích trong dân gian, trong lịch sử, trải qua hàng nghìn năm? Không hẳn là một mối liên hệ nhân quả tất yếu, nhưng với Vũ Thanh Lịch, đó là cơ hội, là duyên may bởi chị được tiếp cận với một kho tàng giàu có làm chất liệu cho văn chương nghệ thuật.
Đánh thức dấu xưa chuyện cũ, gọi dậy những linh hồn ngụ trong các lớp trầm tích, gợi về một nét phong tục tập quán, nhắc lại những tên đất, tên người, những triều đại đã tỏa bóng lên trang sử dân tộc… truyện ngắn của Vũ Thanh Lịch là một nẻo về chầm chậm, giàu suy tư, giàu cảm xúc và đan cài không ít ý tưởng giấu sau hình tượng, chuyện kể. Chẳng hạn, ở truyện Thần cây thị là một cấu trúc xuyên không của quá khứ và hiện tại, trong đó tâm điểm là những mối tình không thỏa nguyện, hóa mình vào cổ thụ, vào cỏ cây, tượng đá để tiếp tục nuôi dưỡng những khát khao chờ đợi. Cây đa, cây thị (hoặc cây gạo) trong cách nói dân gian được diễn dịch một cách khác đi, như là nơi trú ngụ của những linh hồn vẫn đang sống với tình yêu muôn thuở của mình.
Ở những truyện ngắn khác, ta bắt gặp bóng dáng một số nhân vật lịch sử. Không làm lại công việc của người viết sử, Vũ Thanh Lịch xây dựng các nhân vật của mình bằng da thịt của người, với những buồn vui, hạnh phúc, khổ đau trong nhịp sống hằng ngày. Không tách rời những vận động đa chiều trong tinh thần nhân vật, dẫu là vua quan, tướng lĩnh, công chúa hay người hầu, lính gác… đều được tác giả khắc họa bằng điểm nhìn thật gần, rất giàu giá trị nhân văn (Mây vờn trên đỉnh Mã Yên, Má đào).
Cũng có khi, người đọc dừng lại để nhớ hoặc hình dung ra một phong tục xưa (giỗ thành hoàng, hội làng), một không gian xưa, một nền nếp xưa… Ẩn trong gương mặt bình thản của tượng Phật, Thánh; ẩn trong một nếp đình chùa rêu phong cổ kính; dưới một tán cổ thụ bao dung, bên một rặng cúc tần, trên lối đi thân quen chứng kiến bước chân bao thế hệ dân làng… là văn hóa, là ký ức và cũng là những dâu bể soi bóng giữa dòng thời gian (Bãi Thè Lẽ, Phố Cối, Cổng chùa, Nhà Thánh, Tiếng chuông đền Diềm…). Không chỉ thế, từ những tình huống truyện, từ những chi tiết, nhân vật gắn với quá trình biến cải của không gian văn hóa làng quê, các tác phẩm của Vũ Thanh Lịch cũng ẩn chứa thông điệp về sự đổ vỡ, mai một, thậm chí là tha hóa, trá hình của các hoạt động tâm linh, tín ngưỡng làm nhức nhối, đau buồn cả thánh thần và những người dân quê lương thiện.
Một thế mạnh trong bút pháp truyện ngắn của Vũ Thanh Lịch là khả năng tượng trưng hóa. Đây là một chìa khóa quan trọng mở vào thế giới nghệ thuật của Vũ Thanh Lịch. Tượng trưng hóa tạo nên các biểu tượng. Các biểu tượng đặt cạnh nhau, xếp chồng lên nhau hoặc va đập với nhau trong cấu trúc không gian truyện là cơ sở cho các khả năng tạo nghĩa và khả năng diễn giải. Và như thế, các mã nghệ thuật trong tác phẩm của Vũ Thanh Lịch không hề đơn giản và đơn nghĩa.
4/11/2021
Nguyễn Thanh Tâm
Nguồn: Báo Quân Đội Nhân Dân
Theo https://vanhocsaigon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  ​ Thanh tẩy Phần I Ra trông coi đền, chị Yến được ở ngay tại hậu điện. Chị ăn cơm tù hơn hai mươi năm rồi nhưng nếu gặp chị ở ngoài ...