Thứ Tư, 15 tháng 1, 2025

Áp lực của phê bình và đề xuất giải pháp tiếp tục thúc đẩy sự phát triển phê bình văn học hiện nay ở Việt Nam

Áp lực của phê bình và đề xuất giải pháp
tiếp tục thúc đẩy sự phát triển phê bình
văn học hiện nay ở Việt Nam

Mỗi tác phẩm văn học, nghệ thuật ra đời như là một đối tác mới của nhà nghiên cứu, phê bình, hay nói rộng hơn là người tiếp nhận. Các tác phẩm mới có giá trị nghệ thuật ẩn chứa trong nó những điều kiện để sẵn sàng tiếp xúc với đời sống phê bình.
Chính bản thân các tác phẩm có giá trị thực sự đã tiềm ẩn những khả năng để quá trình tiếp nhận được thực hiện. Tuy vậy, trong thực tế cũng từ một tác phẩm văn học, nghệ thuật hay cũng một nhóm, một trào lưu văn học, nghệ thuật đó nhưng lại có sự tiếp nhận, sự đánh giá không giống nhau đối với những nhà phê bình, những người đọc khác nhau. Sự khác biệt này thể hiện rõ trong diễn trình tiếp nhận các tác phẩm văn học, nghệ thuật nổi tiếng trên thế giới (và cả ở Việt Nam) qua mỗi thời kỳ, ở kiểu dạng người tiếp nhận này và người tiếp nhận khác trong xã hội, cả ở giới tính nam và nữ. Nhà phê bình cũng là một trong những kiểu người đọc có số lượng ít so với các kiểu người đọc khác nhưng rất quan trọng trong quá trình khám phá bản chất đích thực của tác phẩm. Cùng một thế hệ nhưng quan điểm của người tiếp nhận cũng không thống nhất, cùng một người đọc nhưng trải qua thời gian, ý kiến của họ sẽ thay đổi, điều chỉnh khi nhìn nhận, đánh giá một tác phẩm.
1. Áp lực của phê bình văn học
Vậy tại sao tác phẩm văn học lại có thể đem lại những sự hiểu, sự cắt nghĩa khác nhau? Nếu xem xét vấn đề này từ hình thức ngôn ngữ đặc trưng của văn học rõ ràng là vẫn không thể lý giải hết mà phải đặt nó trong mối quan hệ từ hình thức đọc đặc trưng, từ tầm đón đợi của chủ thể tiếp nhận. Tầm đón đợi cũng là một trong những áp lực của nhà phê bình khi tiếp xúc với một tác phẩm văn học, nghệ thuật mới. Cụ thể, yếu tố nào đã tạo nên những cách hiểu, cách đánh giá, phê bình khác nhau về tác phẩm? Cái gì đã chi phối những cách cắt nghĩa phong phú và đa dạng về tác phẩm văn học, nghệ thuật như vậy? (Thực tế này cũng đã xảy ra nhiều lần trên thế giới, ở hầu hết các tác phẩm nghệ thuật nổi tiếng, kể cả các tác phẩm nổi tiếng ở lĩnh vực hội họa, âm nhạc, điêu khắc, điện ảnh, sân khấu…). Có nhiều yếu tố tác động và luôn tiềm ẩn khả năng tạo nên áp lực đối với các nhà phê bình trong quá trình tiếp nhận như văn hóa, xã hội, giai cấp, chính trị, các mối quan hệ cá nhân, phẩm chất đạo đức, trí tuệ, học vấn, phương pháp tiếp cận tác phẩm… nhưng trong lí luận văn học, các nhà Tường giải học và Mỹ học tiếp nhận còn đưa ra khái niệm tầm đón đợi để giải thích điều này.
Khái niệm tầm đón đợi văn học (literarische Erwartungshorizont) được Hans Jobert Jauss [7] đưa ra trong công trình Lịch sử văn học như là sự khiêu khích đối với khoa học văn học. Đây là khái niệm có vị trí quan trọng trong toàn bộ hệ thống quan niệm của Hans Jobert Jauss tập trung ở hai nội dung chính là tính nghệ thuật và tính lịch sử của văn học. Trong đó tính lịch sử của văn học là vấn đề trọng tâm trong quan điểm của H.J.Jauss cần được các nhà nghiên cứu, phê bình văn học quan tâm trong quá trình tiếp nhận tác phẩm. Để giải thích thuật ngữ tầm đón đợi trong một vài dòng ngắn gọn là điều rất khó. Bởi nó có thể thu hẹp phạm vi mong muốn hoặc đi chệch hướng của các học giả thuộc trường phái tiếp nhận văn học. Tác giả Huỳnh Vân cho rằng “Theo cách hiểu của Jauss, tầm đón đợi là “tầm đón đợi của kinh nghiệm thẩm mỹ”…, là vốn kiến thức, là sự hiểu biết có sẵn về văn học của người đọc. Hệ quy chiếu của sự đón đợi này bao gồm sự hiểu biết trước về thể loại, hình thức và hệ đề tài của các tác phẩm đã biết trước đó và sự đối lập giữa ngôn ngữ thi ca và ngôn ngữ thực tiễn, tức là bao gồm toàn bộ những yếu tố nằm trong phạm vi của văn học” [8]. Còn theo nhà nghiên cứu Trương Đăng Dung, “Thông thường, một tác phẩm khi xuất hiện hoặc là đáp ứng những đón đợi của công chúng (như thị hiếu, lí tưởng thẩm mỹ, các chuẩn mực giá trị); hoặc là ngược lại, nó đòi hỏi sự thay đổi tầm đón đợi lúc tiếp nhận. Xét từ quan điểm mỹ học tiếp nhận, cái khoảng cách thẩm mỹ ngày càng nhỏ thì tác phẩm càng đạt tới trình độ văn học “gây hứng thú thưởng thức”. Sự thay đổi thường xuyên tầm đón đợi cho thấy vẫn có thể điều chỉnh một cách cơ bản khoảng cách giữa công chúng tiếp  nhận và tác phẩm văn học” [2, tr.151]. Tuy nhiên, ở đây chúng tôi muốn nhấn mạnh vấn đề chính cần lưu tâm của khái niệm là: mỗi người đọc, trước thời điểm đọc tác phẩm, họ đã có sẵn một tầm đón, hay nói cách khác là một ngưỡng tiếp nhận. Đó chính là một hệ quy chiếu thuộc về kinh nghiệm văn học của người tiếp nhận, là tầm hiểu biết về văn học, là nhu cầu, trình độ thưởng thức kết tinh từ kinh nghiệm sống, hứng thú, quan điểm và lý tưởng thẩm mỹ của người đọc. Từ thuật ngữ này, nhà nghiên cứu Trương Đăng Dung dịch là tầm đón đợi (một số nhà nghiên cứu khác dịch là “tầm đón nhận”, “chân trời chờ mong” hay “chân trời chờ đợi”, “ngưỡng tiếp nhận”). Trong quan niệm về tầm đón đợi, cần đề cao hơn tính chủ động của người tiếp nhận khi đối diện với văn bản. Ứng dụng trong nghiên cứu, phê bình văn học nghệ thuật, tầm đón đợi thể hiện ở sự hiện diện của một công chúng người tiếp nhận đặc trưng cho mỗi thời kỳ, mỗi  thế hệ có vai trò chi phối sự tiếp nhận của những người đọc khác qua thời gian. Bởi một tác phẩm có giá trị thật sự, cho dù có trải qua những thăng trầm như thế nào thì cuối cùng nó vẫn bộc lộ đúng bản chất, ý nghĩa mà nó có. Từ trong lịch sử, điều này đã được khẳng định bởi các hiện tượng văn học lớn. Chẳng hạn Bá Dương, nhà văn hiện đại nổi tiếng của Trung Quốc, từng viết cuốn Người Trung Quốc xấu xí gây xôn xao dư luận Trung Quốc hồi thập kỷ 80. Sau khi ra đời, cuốn sách đã bị cấm lưu hành một thời gian, bởi tác phẩm bị xem như là một tiếng nói bôi nhọ người Trung Quốc, nhưng hiện nay nó đã được đưa vào danh mục cuốn sách tham gia bình chọn mười cuốn sách gây ảnh hưởng nhất đến người Trung Quốc thế kỷ XX do mạng Tân Lãng tổ chức. Hoặc sự khác nhau cơ bản trong tiếp nhận ở giai đoạn trước và sau ở cuốn tiểu thuyết Fanny của Feydean và tiểu thuyết Bà Bovary của Flaubert, hoặc trường hợp Hamlet của William Shakespeare… Ở Việt Nam, thời kỳ đầu của Thơ mới cũng có hiện tượng này, tuy nhiên có điều khác hơn là Thơ mới bị phê phán ở điểm lãng mạn tiêu cực. Vậy liên quan đến vấn đề này, áp lực của nghiên cứu phê bình văn học thể hiện trong thực tiễn như thế nào?
Trong thực tế, đối với những tác phẩm văn học có giá trị thật sự, có khả năng tồn tại vượt thời gian, vượt không gian thì những phát hiện đầu tiên, những quan điểm mới trong nghiên cứu, phê bình không phải lúc nào cũng nhận được sự đồng thuận của tác giả và những người đọc liên quan khác ngay lập tức. Bởi quy luật là chân lý khoa học không dễ tìm được sự đồng hành ngay khi mới xuất hiện. Tuy nhiên nếu nhà nghiên cứu, phê bình xác định đúng giá trị tác phẩm, tìm ra được chân lý mới trong tác phẩm có ý nghĩa gì đối với con người thì đó luôn là điều cần thiết và ích lợi cho quá trình phát triển của khoa học văn học và nghệ thuật. Và điều này càng quan trọng hơn, đầy thứ thử thách hơn với những nhà phê bình “không muốn sự bình yên của trí tuệ” [2, tr.155]. Hành trình sống của một tác phẩm thực sự được bắt đầu khi nó được đọc, được xem, được nghe, được nhận diện giá trị. Thông thường, một tác phẩm khi xuất hiện hoặc là đáp ứng những đón đợi của công chúng có liên quan đến các vấn đề như thị hiếu, lý tưởng thẩm mỹ, các chuẩn mực giá trị, hoặc ngược lại nó đòi hỏi sự thay đổi tầm đón đợi lúc tiếp nhận. Sự thay đổi thường xuyên tầm đón đợi cho thấy có thể điều chỉnh khoảng cách thẩm mỹ giữa người tiếp nhận và tác phẩm. Tác phẩm có giá trị không chỉ đưa đến hình ảnh về sự tồn tại xã hội của một thời đại nhất định  mà còn tác động trở lại xã hội nữa. Ấn tượng thẩm mỹ xuất hiện ở tầm đón đợi của người đọc, can thiệp đến cái nhìn thế giới và thái độ sống của anh ta. Tác phẩm có ảnh hưởng nhiều đến người tiếp nhận nhất là khi ẩn chứa khả năng khơi dậy được ý thức phê bình mới mẻ trong người đọc, liên quan đến các mã kí hiệu ngôn ngữ và tầm đón đợi riêng của  người tiếp nhận. Tác phẩm văn học, nghệ thuật có giá trị bền vững qua mọi thời gian, mọi không gian, khi mới ra đời thường có khả năng tác động lớn đến cách nhìn và chuẩn mực đánh giá cũ của người tiếp nhận, hướng người tiếp nhận tiếp xúc với những mã kí hiệu mới trong quá trình tiếp nhận. Mặt khác trong quá trình nghiên cứu, phê bình, tính chất cộng đồng, sự diễn giải cộng đồng luôn gắn bó mật thiết với các hiện tượng văn học. Bản chất của sự diễn giải là quá trình bất tận, là cuộc chiến chiến chiếm hữu và loại bỏ các giá trị. Chính vì vậy, ý kiến của các nhà phê bình thực sự càng quan trọng trong quá trình diễn giải của cộng đồng người đọc đó. Hơn nữa, nghiên cứu phê bình luôn bị chi phối bởi một tập hợp các quy chuẩn thẩm mỹ, nó có thể và cần được điều chỉnh tùy theo tính chất đặc thù của chủ thể tiếp nhận qua mỗi thời kì, mỗi vùng miền, mỗi người đọc cụ thể. Khó có thể nhận diện đúng giá trị của một tác phẩm văn học, nghệ thuật mới với giới hạn của tầm đón đón đợi cũ ở nhà phê bình.
Ngoài ra các vấn đề trên còn có một yếu tố đầy uy lực đứng sau quá trình phê bình, đó là tác động tư duy truyền thống của dân tộc. Ai cũng cần truyền thống để đến với hiện đại, ai cũng đang ở trong truyền thống dù có không hiểu về truyền thống là như thế nào. Truyền thống không giống như chiếc áo khoác của chúng ta, mà giống như da chúng ta. Chúng ta biết rõ về nó nhưng không thể thoát ra khỏi bộ da của mình. Thậm chí truyền thống luôn bám theo nhà phê bình trong quá trình đọc tác phẩm. Ở tầng sâu lắng nhất của tính lịch sử là sự có mặt của truyền thống. Truyền thống chỉ có ý nghĩa nếu được sử dụng cập nhật, tức là nó cần các yếu tố để hòa nhập với hiện tại, nếu không truyền thống chỉ là kỷ niệm chết. Truyền thống lịch sử và phê bình văn học, nghệ thuật là hai hiện tượng gắn bó chặt chẽ với  nhau. Nhiệm vụ của nhà phê bình trong quá trình cắt nghĩa văn bản là phải tìm được truyền thống, thậm chí phải thấy được yếu tố kế thừa của truyền thống là gì. Không nên hiểu truyền thống là cái thông điệp đạo đức xã hội được đúc kết nào đó, không nên đồng nhất truyền thống với tác dụng giáo dục của tác phẩm. Truyền thống vô ý thức hơn, nó cần những giây phút thầm lặng nghiêm túc của nhà phê bình, chứ không phải cứ có tác phẩm mới nào ra đời là vội rộn ràng bình tán sôi nổi vì những mục đích khác ngoài mục đích khoa học và nghệ thuật, trong một thời gian ngắn, để rồi tác phẩm bị quên lãng vì có giá trị thật sự. Khó để giải mã hết giá trị của tác phẩm mới nếu chỉ dựa vào tầm đón đợi truyền thống.
Trước thực trạng phát triển của văn học Việt Nam hiện nay, nhà phê bình không nên chỉ quan tâm đến những tác phẩm lớn, nổi bật. Họ cần có trách nhiệm giúp các thế hệ sau cảm nhận được quá trình phát triển của Văn học Việt Nam trong mối tương quan với văn học các nước. Mọi thành công hay thất bại của các nỗ lực trong sáng tác hay phê bình đều có giá trị ở điểm giao nhau, có khả năng hòa trộn với nhau, giúp chúng ta nhìn thấy rõ sự liên tục, gắn kết trong quá trình phát triển của văn học, nghệ thuật. Vì vậy, phê bình cần có cái nhìn toàn cảnh về quá trình phát triển của văn học Việt Nam. Trong quá trình đó, nếu chỉ dừng lại ở việc đề cao tính nội tại của văn bản nghệ thuật thì đời sống văn học nghệ thuật sẽ nảy sinh những giới hạn mới, nhưng nếu chỉ bằng lòng với các yếu tố tiểu sử, tư tưởng, nội dung tác phẩm, xem tác phẩm là phát ngôn tư tưởng thuần túy của nhà văn theo kiểu suy diễn thô thiển thì cũng gây ra những hậu quả đáng tiếc. Chính vì vậy nhà phê bình phải xem tác phẩm như là những cấu trúc kí hiệu đang chờ được giải mã khó có lần cuối.
Phê bình cần có sự chính xác của khoa học nhưng trong nghiên cứu phê bình, khả năng để đạt được tính chính xác của khoa học đôi khi không phụ thuộc vào các phương pháp khoa học. Mỗi tác phẩm có tính độc lập tương đối, tính đặc sắc riêng biệt, liên hệ phức tạp với trực giác của mỗi người tiếp nhận. Sự chứng giải bằng các phương pháp khoa học đôi khi làm mất đi tính riêng biệt của tác phẩm và giảm giá trị cảm xúc trực giác của người tiếp nhận. Bên cạnh đó, đôi khi phương pháp phê bình được sử dụng thô thiển, thường đánh đồng mọi giá trị với nhau cho nên trong thực tế có thể làm cho các tiêu chuẩn giá trị tác phẩm trở nên không còn ý nghĩa. Tác phẩm có giá trị đối với nhà phê bình này nên nó được đọc một cách tích cực nhưng có thể không có giá trị so với nhà phê bình khác nên cùng tác phẩm đó nhưng không được đọc. Nếu nhà phê bình chỉ đánh giá độc đoán hoặc chỉ phê bình theo ấn tượng chủ quan có thể sẽ dẫn đến những giới hạn khác. Chẳng hạn, Hoài Thanh là nhà phê bình ấn tượng có nhiều đóng góp trong nghiên cứu Thơ mới ở Việt Nam, nhưng không phải tất cả những đánh giá, những “ca ngợi” của ông đều đúng với các tác phẩm. Đối tượng của nhà phê bình phải là một tác phẩm có tính độc lập tương đối, không lệ thuộc vào cảm xúc của nhà phê bình nhưng ngược lại chỉ trong quá trình đọc thì những phẩm chất giá trị mới xuất hiện. Trong thực tế chúng ta chỉ phê bình, đánh giá được giá trị tác phẩm sau khi đã đọc nó và có thể xem xét trong mối liên hệ với những kết quả đọc của các nhà phê bình khác. Thậm chí trong cùng một thời điểm để viết một bài báo đưa ra ý kiến đánh giá về tác phẩm, người đọc cũng mâu thuẫn với chính họ. Thực tế này có cả ở những nhà phê bình nổi tiếng. Ví dụ trường hợp Hoài Thanh, từ những nhận định mang cá tính riêng của một nhà phê bình, ông được xem là hiện tượng thành công đột xuất trong nghiên cứu, phê bình Thơ mới. Mặc dù vẫn còn nhiều vấn đề về giá trị nghệ thuật của Thơ mới chưa được tác giả nói hết nhưng Thi nhân Việt Nam vẫn được xem là công trình tiêu biểu nhất theo phương pháp phê bình ấn tượng. Thực ra trong hoàn cảnh những cuộc đấu tranh giữa thơ cũ và thơ mới xảy ra khá kịch liệt như vậy, chỉ cần cẩn thận thu thập, hệ thống những bài thơ hay như ở phần sau của công trình này cũng là một việc làm đáng trân quý rồi. Tuy nhiên chỉ với ấn tượng chủ quan, nhà phê bình không đủ sức bao quát hết những vấn đề lớn của sáng tác văn học, nó có thể dẫn tư duy văn học đến với gần với việc trình giải kinh nghiệm theo chủ nghĩa chủ quan. Tất cả những đánh giá về Thơ mới nếu bao hàm một quá trình kinh nghiệm tất yếu sẽ dẫn đến những đề cao hoặc hạ thấp giá trị văn học quá mức. Hoài Thanh đã đánh giá đúng: “vườn thơ của người – Hàn Mặc Tử – rộng rinh không bờ bến, càng đi xa càng ớn lạnh” [5, tr.179]. Nhưng ông còn nói rằng “Tôi nghe những người ca tụng Hàn Mặc Tử. Trong ý họ, thi ca Việt Nam chỉ có Hàn Mặc Tử. Bao nhiêu thơ Hàn Mặc Tử làm ra họ đều chép lại và thuộc hết…Bài thơ đã biến thành bài kinh và người thơ đã trở nên một vị giáo chủ” [5, tr.179]. Những đánh giá theo kiểu chủ quan như thế này thường không có căn cứ xác thực. Mặc dù trong ý thức, Hoài Thanh muốn đề cao thơ Hàn Mặc Tử, nhưng thực chất lời bình đã làm giảm giá trị Thơ mới. Nếu theo cách đánh giá chủ quan này, thơ Hàn Mặc Tử chỉ có giá trị như một bài kinh, còn tác giả chỉ là một vị giáo chủ. Như vậy phải chăng cách nhận định này đã hạn định giá trị ý nghĩa của Thơ mới?  Nhìn chung trong đánh giá về mỗi nhà thơ, Hoài Thanh đều có xu hướng ca ngợi kiểu như vậy. Mặt khác “Thị hiếu thẩm mỹ của Hoài Thanh chỉ dừng lại thẩm mỹ lãng mạn mà chưa vượt sang được tưởng tượng và siêu thực như chính bản thân Thơ mới. Vì vậy, một mặt ông đưa vào Thi nhân Việt Nam rất nhiều những nhà thơ lãng mạn bàn nhì, bàn ba, mặt khác sập cửa trước mũi các thi tài tượng trưng lớn như Đinh Hùng, Phạm Văn Hạnh, Nguyễn Xuân Sanh. Và chính ông, Hoài Thanh cũng nhiều lần thừa nhận mình không tìm được lối vào cổng chính của thơ Bích khê, Chế Lan Viên, Hàn Mặc Tử, bởi không thấy nó hay” [6, tr.89]. Tuy vậy, Thi nhân Việt Nam vẫn được xem là một công trình nghiên cứu, phê bình xứng đáng cho các thế hệ phê bình sau học tập. Vậy vì sao bằng lối phê bình Ấn tượng, Hoài Thanh vẫn chiếm được lòng mến mộ của người đọc, vẫn đứng vững cho đến nay? Có lẽ bởi ấn tượng ở Hoài Thanh không chỉ dừng lại ở trực giác, ở những phán đoán tức thì mà còn gắn với sự tinh tường và lịch lãm của một người đọc và quan trọng hơn là nữa là phê bình văn học của ông gắn với tư tưởng triết học, với các hệ tư tưởng và chân lý bền vững của các tôn giáo. Hoài Thanh là một nhà phê bình văn học không chỉ có khả năng phát hiện tác phẩm văn học mà còn giúp tác phẩm sống đời sống của cái đẹp một cách mãnh liệt và tinh tế trong lòng dân tộc. Có thể xem đây là minh chứng sống động nhất về vai trò to lớn của phê bình văn học, nghệ thuật trong tiến trình lịch sử văn học dân tộc. Tuy nhiên xét về sự đa dạng của các trường phái phê bình văn học thì  Hoài Thanh cũng chỉ là đại diện của một kiểu phê bình văn học mà thôi. Ngay chính Hoài Thanh cũng đã tự mâu thuẫn trong quá trình đánh giá Thơ mới. Sau 1945, đã có lúc ông phủ nhận những ý kiến của mình trong Thi nhân Việt Nam. Tình hình này cũng xảy ra tương tự với thực tiễn nghiên cứu phê bình văn học ở Việt Nam đối với một số tác phẩm của Hàn Mặc Tử, Vũ Trọng Phụng, Nguyễn Huy Thiệp, Hoàng Cầm  và gần đây là Nguyễn Du, Nguyễn Trãi, Nguyễn Ngọc Tư…
Thực chất thì đối với phần lớn tác phẩm nghệ thuật thực sự, giá trị cơ bản là nó để lại gì?. Nhưng tìm thước đo sự thật này ở đâu? Ý kiến của nhiều khoa học thậm chí cả ý kiến của các nhà tâm lý học, các bác sĩ thần kinh, kể cả phân tâm học cũng không giải quyết được gì nhiều lắm. Lâu nay ở Việt Nam, thường dùng thuật ngữ phê bình văn học, nghệ thuật đi liền nhau. Thực trạng này có thể tạo ra mấy xu hướng:
– Chú ý phê bình văn học hơn các loại hình nghệ thuật khác nên dẫu sao so với các loại hình nghệ thuật khác thì số lượng các công trình phê bình văn học vẫn nhiều hơn. Trong khi đó, theo quy luật phát triển nghệ thuật nói chung, đối với một đất nước đang phát triển, thì sự so sánh, tổng hợp thành tựu sáng tác và cả nghiên cứu phê bình tác phẩm nghệ  thuật ở tất cả các loại hình xem ra dễ hội nhập với quá trình phát triển của thế giới hơn.
– Nhầm lẫn khái niệm phê bình văn học và phê bình văn học, nghệ thuật. Thực chất là hai lĩnh vực nghiên cứu có phạm vi, đối tượng có liên quan nhau nhưng không giống nhau.
– Thuật ngữ phê bình văn học, nghệ thuật có ảnh hưởng đến tâm lý của người sáng tác theo kiểu “ai sống trên lưng nhà thơ”. Ở những đất nước phát triển, khoa học văn học được xem có phát triển hay không thường được xem xét ở tất cả các lĩnh vực liên quan như: Sáng tác văn học, Phê bình văn học, Lí luận văn học (Trong đó có nghiên cứu điều kiện tồn tại của tác phẩm văn học như sự ra đời và điều kiện ra đời của tác phẩm, quy luật thuộc về cấu trúc, cấu trúc bên trong tác phẩm, gồm tư tưởng, nghệ thuật, hành động, cốt truyện, mâu thuẫn, tính cách); Nghiên cứu hệ thống logic cùng những vấn đề phương pháp luận của khoa học văn học và các lĩnh vực khác nữa như Lịch sử văn học, Thư mục văn học, Thị trường văn học… Tác phẩm có sống được qua thời gian, không gian hay không không là nhờ vào quá trình tiếp nhận, nhờ vào quá trình nỗ lực nâng cao tầm đón đợi của người đọc. Tuy nhiên, ở Việt Nam, tâm lý của người sáng tác và phê bình thường có mấy xu hướng sau:
1. Đối với người sáng tác: Sợ và ngại/không thích chữ “phê bình” vì ngay bản thân từ phê bình theo tâm lý người Việt chỉ để nói những điều chưa tốt. Nó chỉ xuất hiện nhiều lần trong các cuộc họp chi bộ, đảng ủy hoặc trong họp tổng kết cơ quan…Phê bình hiểu theo nghĩa này là kiểm điểm hoặc bị chê. Tâm lý này thường có đối với người sáng tác. Nhưng biểu hiện tâm lý này không phải là bản chất của sáng tác, không phải là bản chất của nghiên cứu, phê bình văn học và càng không phải là phương thức tồn tại của tác phẩm văn học, nghệ thuật.
2. Đối với nhà nghiên cứu: nhầm lẫn khái niệm phê bình và nghiên cứu, phê bình hoặc cố tình nhầm lẫn nên khi đánh giá tác phẩm thường chỉ khen một chiều hoặc chê một chiều tùy theo tầm đón đợi của mỗi người tiếp nhận nên hậu quả hoặc là tâng bốc, quảng cáo tác giả hết mức, hoặc chê tác giả đến tận cùng khiến họ nhụt chí tới mức không muốn viết tiếp. Trong khi đó, quy luật của sáng tác hoàn toàn khác với quy luật của nghiên cứu phê bình và càng khác với quy luật tiếp nhận văn bản nghệ thuật. Đó là chưa kể đến tâm lý “ôm rơm nặng bụng” của người Việt Nam ở nhà phê bình. Nghĩa là thái độ “đóng cửa” đối với các sáng tác không liên quan gì đến nhà phê bình nhìn từ góc độ xã hội. Nghiên cứu phê bình vì vậy vừa phải có trách nhiệm nhận diện đúng giá trị tác phẩm vừa biết chọn lọc tác phẩm, vừa có kỹ năng tiếp nhận, vừa có kỹ năng đào thải những văn bản nghệ thuật không có giá trị, vừa có trách nhiệm khích lệ sự sáng tạo của người sáng tác. Ở nước ta cũng có một số ít tác giả vừa có những tác phẩm ấn tượng ở cả lĩnh vực nghiên cứu, phê bình, lí luận và sáng tác nhưng có lúc chính họ cũng từng nói “Đã có thời tôi không muốn trở thành nhà phê bình văn học, vì tôi không muốn các nhà văn bất tài phải buồn và đau khổ. Riêng sự bất tài của họ cũng đủ làm họ bất hạnh lắm rồi, có nên làm cho họ bất hạnh thêm? Tôi tự hỏi như vậy và với thời gian tôi đã hiểu chính tôi mới là người bất tài trong lĩnh vực phê bình văn học. Vì thế, tôi rất cảm phục các nhà phê bình có tài và trung thực. Vai trò của các nhà phê bình rất quan trọng trong đời sống văn học…Các nhà nghiên cứu, phê bình văn học chân chính là những nhà văn hóa có khả năng “bắt mạch” và “cứu sống” nền văn học dân tộc…Họ phải là những nhà khoa học có trái tim  nghệ sỹ, giàu tâm huyết” [1, tr. 73, 74]. Nhà phê bình (kể cả người sáng tác cũng chính là nhà phê bình đầu tiên về tác phẩm của mình) không phải chỉ chăm chú quan tâm những tác phẩm mình đã yêu thích mà cần phải có trách nhiệm với nền văn học, nghệ thuật của một dân tộc, một đất nước, trong tương quan với các giá trị của nhân loại. Hay nói cách khác họ phải biết nghe nhiều ý kiến khác nhau về mọi vấn đề. Nhà phê bình thực sự không phải là người làm công tác quảng cáo đơn thuần như quảng cáo sản phẩm hàng hóa thực dụng trên thị trường. Họ cũng không phải là chuyên gia phải thừa hành nhiệm vụ đọc như kiểu để giám sát sáng tác một cách máy móc theo những khuôn khổ định sẵn, họ cũng là người phải biết loại trừ những vụ lợi vật chất không cần thiết, không liên quan đến giá trị của sáng tác nghệ thuật. Nhưng mặt khác họ cũng phải nắm được những ưu thế và bất lợi của các yếu tố này có tác động mạnh mẽ như thế nào trong quá trình phát triển của văn học, nghệ thuật. Trong quá trình đó, cần phải hiểu tồn tại của nghệ thuật không thể chấp nhận những nhà nghiên cứu phê bình hời hợt.
3. Khi xuất hiện một tác phẩm mới, có thể tác phẩm đó có hiệu ứng tức thời nhưng cũng có những tác phẩm có giá trị chỉ có hiệu ứng tốt, chậm hơn, khi gặp được người đọc có tầm đón đợi tương ứng hoặc vượt lên tầm đón đợi của tác giả. Vì vậy không phải bất cứ tác phẩm nào khi mới xuất hiện cũng cần thiết phải “phê bình” ngay hay phải đánh giá ngay thông qua các hội đồng lập tức mà nên có thời gian thẩm định hợp lý thông qua sự biến chuyển của đời sống tiếp nhận tác phẩm. Tác phẩm có đời sống tiếp nhận phong phú càng có giá trị bền vững qua mọi thời đại. Ở Việt Nam, các sáng tác của Nguyễn Du, Nguyễn Trãi, Hàn Mặc Tử, Vũ Trọng Phụng… hay sáng tác của Nguyễn Huy Thiệp, Hoàng Cầm, Nguyễn Ngọc Tư… gần đây được nhìn nhận thêm giá trị từ góc nhìn tâm phân học và tình yêu, hay từ lịch sử, chính trị học… cũng đã cho thấy rõ thêm sự thú vị của đời sống tiếp nhận tác phẩm nghệ thuật và vai trò của nghiên cứu, phê bình trong việc xác định bản chất giá trị của tác phẩm văn học, nghệ thuật.
Trước thực tế này, tôi thiết nghĩ, ở Việt Nam, các nhà nghiên cứu cần chú ý đến phương pháp nghiên cứu so sánh phức hợp trong phê bình nhằm mở rộng phạm vi nghiên cứu đến các tác phẩm nghệ thuật ở các loại hình nghệ khác như: Sân khấu, điện ảnh, âm nhạc, điêu khắc, hội họa… Đây là cách bù lấp khoảng trống nghiên cứu phê bình các sáng tác nghệ thuật ở các loại hình nghệ thuật khác ở nước ta thời gian qua, đồng thời vừa cho thấy quy luật phát triển chung của nghệ thuật ở Việt Nam, vừa xác định rõ đặc trưng quy luật phát triển loại hình văn học khác với các loại hình nghệ thuật khác. Nghiên cứu so sánh phức hợp đã trở thành một trong những đối tượng của những cuộc tranh luận trong nghiên cứu khoa học xã hội. Các ý kiến xung quanh những cuộc tranh luận theo xu hướng này đều tập trung để trả lời cho câu hỏi: Khoa học xã hội có cần đến phương pháp so sánh phức hợp hay không? Cũng như các ngành thuộc khoa học xã hội và nhân văn, nghiên cứu văn học, nghệ thuật cũng mang tính lịch sử, tính lý luận – mỹ học. Nó vận dụng chủ nghĩa duy vật lịch sử và chủ nghĩa duy vật biện chứng, một trong những cách biểu hiện quan trọng nhất của ý thức xã hội để hiểu bản chất và lí giải các quá trình, các hiện tượng của nó. Những môn như  âm nhạc và nghệ thuật tạo hình cũng phản ánh ý thức con người, xã hội và chúng ta cũng cần phải soi sáng các quá trình và các hiện tượng của chúng bằng phương pháp đó như đối với văn học. Lợi ích của việc so sánh phức hợp được thể hiện ở chỗ nó hỗ trợ được đến mức nào trong việc xem  xét sự phản ánh hiện thực của các phân môn trong khoa học xã hội nhân văn theo chủ nghĩa duy vật lịch sử và chủ nghĩa duy vật biện chứng. Như vậy, nghiên cứu so sánh giúp chúng ta có mối liên hệ biện chứng rộng lớn hơn. Vấn đề ở đây là nghiên cứu phê bình văn học, nghệ thuật ở Việt Nam không có nghĩa là bước ngoặt hay là sự chuyển hướng sang một phương pháp hoặc một quan điểm nào khác mà có nghĩa là mở rộng phạm vi nghiên cứu từ trước tới nay; và cũng có thể là một khả năng mới để nắm bắt các mối liên hệ giữa các loại hình tác phẩm văn học, nghệ thuật.
Những năm gần đây, nghiên cứu phê bình văn học, nghệ thuật thường được thể hiện qua con đường cơ bản là đăng tải trên nhiều loại báo, tạp chí, hoặc trang web, kỷ yếu hội thảo. Đã có tạp chí Lí luận, phê bình văn học, nghệ thuật nhưng số lượng bài được đăng và số báo phát hành trong năm vẫn còn có nhiều giới hạn. Mặt khác nói Lí luận, phê bình thì liên quan đến nhiều bộ môn nghệ thuật khác nhau. Xét ở một phương diện khác, để chuyển tải hết đời sống nghiên cứu, phê bình văn học, nghệ thuật ở Việt Nam ở tất cả các bộ môn nghệ thuật vào một tạp chí cho đầy đủ, có tương quan trong đánh giá, thẩm định… thì cũng không phải việc dễ dàng. Đó là chưa nói đến các khâu khác có liên quan để có một ấn phẩm khoa học tốt.
Thêm một thực trạng nữa là bên cạnh những công trình nghiên cứu phê bình văn học có quy mô từ các viện nghiên cứu, các trường đại học thì thực tế cho thấy, từ một góc độ nào đó, việc nghiên cứu phê bình văn học vẫn còn mang tính đơn lẻ, phong trào, có khi là do bắt buộc. Đa số các tác phẩm phê bình mới, có tiếng nói cá nhân thường do cá nhân tự bỏ tiền ra in và công bố để sách và các bài viết được công khai rộng rãi. Còn một số các công trình nghiên cứu, phê bình khác từ các trường đại học thì thường để vào thư viện, đôi khi không có ai đọc ngoài người viết và vài ba người trong hội đồng thẩm định. Do yêu cầu bắt buộc mỗi giảng viên ở trường Đại học ít nhất trong mỗi năm phải có 01 công trình khoa học. Các công trình nghiên cứu phê bình văn học, nghệ thuật như vậy ngược lại có được đầu tư kinh phí của nhà nước khá lớn nhưng cuối cùng cũng chỉ để nằm im lìm trong kho, do nhiều lí do khác như kinh phí hạn hẹp, chất lượng các công trình chưa đảm bảo để in ấn rộng rãi… Nếu có hẳn một điều tra xã hội học về số lượng các công trình nghiên cứu phê bình kiểu này ở các trường, viện nghiên cứu, tôi nghĩ thì ở nước ta chắc là không ít hơn sáng tác. Chính vì vậy, việc tổng kết thành quả của nghiên cứu phê bình văn học, nghệ thuật không nên chỉ dựa vào số lượng các tác phẩm đã được công bố trong năm mà cần xem xét ở mức độ ảnh hưởng, tác dụng của nó như thế nào đối với đời sống văn học, nghệ thuật.
Vậy áp lực của phê bình văn học muốn tồn tại vừa như là một phân ngành của khoa học văn học vừa như là một nghệ thuật đòi hỏi nhà phê bình phải có ý thức về giới hạn tầm đón đợi, biết rèn luyện, nỗ lực để nâng cao tầm đón. Điều này giúp nhà phê bình không chỉ nhấn mạnh nội dung xã hội trong tác phẩm, hay chỉ khai thác tiểu sử, chân dung tác giả; hay bình luận một cách đơn giản theo kiểu cảm thụ ấn tượng, phê bình một chiều theo cảm hứng; hoặc cực đoan cho rằng phương pháp phê bình của cá nhân mình là đúng nhất…mà còn góp phần hạn chế tối đa kiểu phê bình theo kiểu mạt sát nhau trên các phương tiện truyền thông. Nếu không hiểu điều này, ở nước ta sẽ liên tục xuất hiện tình trạng mới hôm qua nhà phê bình nọ được xem là nhà nghiên cứu, tiến sĩ, giáo sư đáng kính…thì ngay hôm sau hoặc có thể vài giây sau bị gọi là thằng này thằng kia, bà này, bà nọ…chỉ do một sơ suất nhỏ nào đó trong quá trình phê bình hoặc do sự đố kỵ từ mối quan hệ cá nhân riêng tư nào đó đứng ngoài văn bản nghệ thuật, mà xét đến cùng, mục đích của sáng tác, hay nghiên cứu, phê bình thì cũng để giúp cho đời sống văn học, nghệ thuật có giá trị hơn.
Các công trình nghiên cứu, phê bình không phải chỉ nói được ảnh hưởng của tác phẩm mà còn phải chỉ ra đúng bản chất giá trị của tác phẩm. Một thực tế thường xảy ra là: đôi khi chúng ta có thể biết được các số liệu có giá trị về cấu trúc của tác phẩm văn học, về hệ thống ký hiệu ngôn ngữ, hoặc phong cách, kết cấu của tác phẩm nhưng những vấn đề về sự ra đời, về các mối liên quan nhau giữa các tác phẩm qua các thể loại thì vẫn là bí ẩn đối với chúng ta. Nghiên cứu, phê  bình văn học phải đặt trong mối quan hệ liên đới với các loại hình nghệ thuật khác như âm nhạc, hội họa, điêu khắc, điện ảnh, sân khấu…Đồng thời từng hiện tượng văn học, nghệ thuật cũng phải được xem xét trong mối liên hệ, đối chiếu với các hiện tượng tương đồng và khác biệt của những thành tựu văn học ở các nước. Bởi chúng ta không thể hiểu đặc trưng của văn học nếu không có kiến thức về lịch sử, triết học, kinh tế và các vấn đề xã hội liên quan khác. Theo Suête Itvan, “việc nghiên cứu nền văn học của những nước châu Á, châu Phi, Mỹ – latinh vừa ra khỏi tình trạng thuộc địa và nửa thuộc địa cũng được tiến hành bằng phương pháp nghiên cứu phức hợp, nghiên cứu văn học song song với nghiên cứu dân tộc học, lịch sử âm nhạc” [4, tr.229]. Đây là một trong những ý kiến cần cho những người có liên quan đến nghiên cứu, phê bình văn học, nghệ thuật hiện nay ở nước ta. Thực chất, đây là hướng nghiên cứu liên ngành vốn đã xuất hiện từ lâu trong đời sống văn học thế giới; song những năm gần đây, khuynh hướng này được quan tâm nhiều trong nỗ lực gắn kết văn học với các vấn đề bên trong và bên ngoài nó: văn học với các loại hình nghệ thuật (hội họa, âm nhạc, điện ảnh, sân khấu…), văn học với các loại hình ý thức xã hội (triết học, khoa học, tôn giáo, đạo đức, kinh tế…), văn học với các ngành khoa học (y học, vật lí, toán học, tâm lí học, xã hội học, lịch sử, dân tộc học…). Việc đặt ra vấn đề có phương pháp nghiên cứu so sánh phức hợp hay không trong phê bình văn học, nghệ thuật không có gì là mới mẻ nhưng đối với thực trạng phê bình ở nước ta hiện nay thì đây cũng là một yếu tố cần quan tâm sâu sắc hơn. Tất nhiên còn nhiều áp lực khác nữa liên quan đến phẩm chất, bản lĩnh, tài năng, trách nhiệm, tồn tại… của nhà phê bình, trong phạm vi bài viết này, chúng tôi chỉ giới hạn một số vấn đề khái quát có liên quan đến áp lực về tầm đón đợi của nhà phê bình.
2. Những đề xuất khác liên quan đến quá trình phát triển phê bình văn học hiện nay
Với những vấn đề liên quan đến áp lực tầm đón đợi trong phê bình, căn cứ vào thực tiễn nghiên cứu phê bình văn học nói riêng và các loại hình nghệ thuật khác nói chung ở Việt Nam những năm gần đây, chúng tôi có mấy đề xuất như sau:
2.1. Giải pháp xây dựng hệ thống chuẩn giá trị thẩm mỹ
– Nghiên cứu phê bình văn học, nghệ thuật cần phải mở ra và nắm bắt được những mối liên hệ rộng lớn hơn, mới hơn. Phải có sự đối chiếu, so sánh giữa các hiện tượng văn học, nghệ thuật giữa các nước trong khu vực, xác lập những sự trùng hợp và khác biệt, từ đó tiến tới lý giải được bản chất của giá trị văn học, nghệ thuật Việt Nam trong mối liên hệ theo quy luật phát triển của văn học, nghệ thuật các nước.
– Để hiểu sâu sắc hơn giá trị và ý nghĩa của tác phẩm văn học, Không chỉ so sánh, mà còn đặt văn học trong mối quan hệ với các loại hình nghệ thuật, để thấy khả năng có thể chuyển hóa/chuyển thể lẫn nhau giữa chúng, đặc biệt văn học và âm nhạc, văn học và hội họa, văn học và sân khấu, văn học và điện ảnh… Đặc biệt cần chú ý hơn đến quy luật tồn tại và giá trị của những tác phẩm văn học đã được phổ nhạc, được sân khấu hóa, được dựng thành phim, hoặc được minh họa bằng các tác phẩm hội họa. Bởi đây là con đường hội nhập nhanh nhất có thể trong lĩnh vực nghiên cứu, phê bình văn học nghệ thuật.
– Cần xuất phát từ thực tế thành tựu và giá trị đặc trưng của văn học khi nghiên cứu ảnh hưởng và sự ảnh hưởng lẫn nhau giữa các hiện tượng văn học trong mối liên hệ với các loại hình nghệ thuật khác. Khi đặt văn học trong mối quan hệ này sẽ còn những vấn đề gì nảy sinh mới, người nghiên cứu cần xác định rõ bản chất giá trị của tác phẩm văn học trong mối quan hệ này là gì. Hiện nay, hướng nghiên cứu liên ngành, liên văn bản, lý thuyết chuyển thể đang nhận được sự quan tâm của nhiều người. Một số công trình của Đào Lê Na, Lê Thị Dương, Nguyễn Nam, Nguyễn Văn Hùng, Nguyễn Văn Thuấn… theo hướng nghiên cứu liên văn bản, lý thuyết chuyển thể văn học sang điện ảnh hiện nay ở Việt Nam là rất cần thiết .
– Thực hiện những công trình nghiên cứu có quy mô nhằm đánh giá chất lượng các tác phẩm văn học, nghệ thuật của dân tộc nhưng không nên xem xét từng trào lưu, hiện tượng riêng lẻ chỉ giới hạn trong khuôn khổ của nền văn học, nghệ thuật Việt Nam. Bởi trong thực tế có những tác phẩm vốn đã quen thuộc với tâm lý người Việt Nam nhưng khi được xem xét trong phạm vi rộng hơn trên toàn cầu đôi khi chúng thay đổi chức năng và ý nghĩa, hoặc cũng có thể được đất nước sử dựng nó chuyển sang các mục đích khác ngoài mục đích nghệ thuật. (Đặc biệt là những tác phẩm văn học hiện đại, hậu hiện đại có khả năng sân khấu hóa, điện ảnh hóa như hiện nay).
– Công tác quảng bá, giới thiệu, đưa văn học Việt Nam ra thế giới và đưa văn học thế giới vào Việt Nam những năm gần đây đã có những bước tiến quan trọng. Một vài tác phẩm văn học Việt Nam đã được dịch, giới thiệu ra nước ngoài, có tác phẩm đạt giải thưởng uy tín như Nỗi buồn chiến tranh, Cánh đồng bất tận… nhưng vẫn cần quan tâm hơn nữa đến công tác dịch thuật, quảng bá tác phẩm văn học, nghệ thuật và liên quan đến chúng là các công trình nghiên cứu phê bình. Các công trình nghệ thuật kiểu tác phẩm và dư luận hiện nay cũng cần được chú ý hơn. (Về cả chiến lược đầu tư tài chính và khâu tổ chức cộng đồng dịch thuật).
– Nên có những công trình nghiên cứu phê bình có tính tổng hợp khác với cách tổng hợp theo số lượng của các tác phẩm, và cần phải chú ý đến cả chất lượng của quá trình tiếp nhận, lịch sử tiếp nhận các tác phẩm văn học. Nếu cần thiết có thể bổ sung hoặc đặt vấn đề viết lại lịch sử  văn học của Việt Nam qua lịch sử tiếp nhận tác phẩm chứ không chỉ dừng lại ở lịch sử ra đời tác phẩm và liệt kê số lượng tác phẩm theo mốc thời gian. Lý do là có nhiều văn bản tác phẩm được in trên sách, báo, tạp chí…để cuối cùng các báo, tạp chí ấy nằm im trong kho sách hoặc trong các thư viện thì cũng trở nên vô nghĩa; bởi như vậy thì tên vẫn luôn được nhắc lại trong lịch sử văn học, nghệ thuật nhưng thế hệ sau lại không thể biết đến giá trị cụ thể của nó. Quá trình so sánh diễn ra trong nghiên cứu về lịch sử tiếp nhận các tác phẩm văn học, nghệ thuật giữa các đất nước cũng nên được chú ý hơn về yếu tố chuẩn đánh giá là như thế nào? Về vấn đề này, nhà nghiên cứu Quy tắc của nghệ thuật – Pierre Bourdieu, khi nghiên cứu về Luật và vấn đề các giới hạn văn học đã nhận định: “Một trong những thử thách trung tâm của những sự đối đầu văn chương (v.v) là sự độc quyền tính chính thống văn chương, nghĩa là trong số nhiều điều thì sự độc quyền của quyền được nói bằng uy tín xem ai được phép tự coi là nhà văn (v.v.) hay thậm chí được phép nói xem ai là nhà văn và ai có đủ thẩm quyền để nói ai là nhà  văn; hay nếu thích, sự sự độc quyền của quyền lực vinh danh các nhà sản xuất hay các sản phẩm” [3, tr.368].
– Cần nghiêm túc trong việc xác định giá trị và thực hiện việc xây dựng hệ thống chuẩn cơ bản trong phê bình văn học. Vấn đề này từ những năm 1970 đã được nhà nghiên cứu Henrức Markiêvích (Ba Lan) đặt ra một cách nghiêm túc trong các hội nghị khoa học quan trọng và được các công sự của ông phát triển thêm sau đó [4, tr.243]. Mặt khác đây cũng là vấn đề nhiều nhà nghiên cứu phê bình lí luận quan tâm, bàn luận nhiều nhưng vẫn “trăm người mười ý” chưa có văn bản kết luận cụ thể.
2.2. Giải pháp đầu tư chương trình đào tạo, đầu tư xây dựng đội ngũ giảng viên tham gia bồi dưỡng, chiến lược sử dụng đội ngũ viết phê bình trong và ngoài nước.
Ở Việt Nam đã từng có nhiều cuộc hội nghị bàn thảo về vấn đề tình hình nghiên cứu phê bình văn học, nghệ thuật, nhất là trong phê bình văn học. Một số tác giả đã có nhiều ý kiến có giá trị quan trọng như: Hoàng Ngọc Hiến, “Tăng cường tính chính xác trong khoa nghiên cứu văn học”; Đặng Thanh Lê, “Một số vấn đề về phương pháp luận khoa học hiện nay với nghiên cứu văn học”; Nguyễn Đăng Mạnh, “Vài suy nghĩ về phê bình văn học”; Phong Lê, “Phê bình – khoa học và nghệ thuật”; Nguyễn Huệ Chi, “Vấn đề phân kỳ văn học sử Việt Nam”; Trương Đăng Dung, “Sự phát triển văn học trong tương quan các giá trị”…và nhiều ý kiến khác bàn về nghiên cứu, phê bình của các tác giả Phương Lựu, Trần Đình Sử, Phan Trọng Thưởng, La Khắc Hòa, Đỗ Lai Thúy, Lê Ngọc Trà, Huỳnh Như Phương, Trịnh Bá Đĩnh, Nguyễn Đăng Điệp, Lý Hoài Thu, Bích Thu, Lưu Khánh Thơ, Chu Văn Sơn. … Bên cạnh đó còn có sự góp mặt của đội ngũ các nhà phê bình trẻ đầy tâm huyết như Đoàn Ánh Dương, Hoàng Đăng Khoa, Hoàng Thụy Anh, Phan Tuấn Anh, Mai Anh Tuấn, Nguyễn Mạnh Tiến, Trần Thiện Khanh, Nguyễn Thanh Tâm, Đoàn Minh Tâm, Thái Phan Vàng Anh, Nguyễn Văn Thuấn… đã cho thấy đã đến lúc Việt Nam cần chú ý hơn đến việc đầu tư chương trình, xây dựng đội ngũ giảng viên, học viên tham gia bồi dưỡng kiến thức về phê bình văn học, nghệ thuật một cách bài bản, có chiến lược. Thêm nữa, khoảng trống của những công trình nghiên cứu phê bình các tác phẩm nghệ thuật ở các loại hình khác bên cạnh văn học cũng cho thấy chúng ta nên quan tâm hơn đến điều  này.
Hiện nay, những công trình lí luận của các học giả nước ngoài có nội dung kiến thức cơ bản liên quan đến lĩnh vực nghiên cứu phê bình văn học, nghệ thuật đã được dịch ra tiếng Việt. Các tác giả và công trình quan trọng có thể kể đến như: R.Oenléc và A.Oaren: Văn học và nghiên cứu văn học, Phạm Xuân Nguyên dịch; Boorrix Yarhô: Những giới hạn của tính khoa học trong văn học, Lê Xuân Giang và Trương Đăng Dung dịch; V. Kôzinốp: Liệu có thể có thi pháp cấu trúc không?, Mai Huy Bích dịch; J.M.Lốtman: Nghiên cứu văn học cần phải trở thành khoa học, Tuấn Ảnh dịch; M. Bakhtin: Một số vấn đề khi nghiên cứu văn học quá khứ, Vương Trí Nhàn dịch); Kơpexi Beelo – Bônhowhoi Gabô: Suy ngẫm về phương pháp luận nghiên cứu văn học, Lê Xuân Giang dịch; Roman Jakobson: Những vấn đề nghiên cứu văn học và ngôn ngữ học, Đặng Thanh Lê dịch; A. Beghiasvili: Những giới hạn của khoa nghiên cứu văn học cấu trúc, Mai Huy Bích dịch; H.Markievich: Giá trị và đánh giá trong khoa học văn học, Vương Anh Tuấn dịch; Pierre Bourdieu: Quy tắc văn bản nghệ thuật, Sự sinh thành và cấu trúc văn chương, Phùng Ngọc Kiên, Nguyễn Phương Ngọc dịch và nhiều công trình dịch của Trương Đăng Dung có liên quan đến kiến thức khoa học cơ bản cần cho nhà nghiên cứu phê bình văn học, nghệ thuật như: Nhiruê Loiốt  – Lý luận văn học như là siêu khoa học; Xi mông giơn – Các phê bình mới và xã hội học; Kalanixoi Tibô, Về khái niệm thời kỳ văn học; Sueete Itvan – Những nguyên lí của so sánh phức hợp; Martin Heidegger – Trên đường đến với ngôn ngữ; Roman Ingarden – Tác phẩm văn học; Hans Robert Jauss – Lịch sử văn học như là sự khiêu khích đối với khoa học văn học;  Lajos Nyírő – Trường phái Hình thức Nga; György Lukács –  Đặc trưng của cái thẩm mỹ; György Lukács – Nghệ thuật và chân lý khách quan; Christopher Caudwell – Ảo ảnh và hiện thực… cùng với các công trình dịch thuật khác như  Tiểu luận của Milan Kundera; Hoàn cảnh hậu hiện đại – Lyotard; Lý luận văn học – Wellek và Warren, Mimesis – Auerbach, Đông phương luận, Văn hóa và chủ nghĩa bá quyền – Said; tuyển dịch Lý luận, phê bình văn học thế kỉ XX (Lộc Phương Thủy chủ biên); Nghệ thuật như là thủ pháp (Đỗ Lai Thúy chủ biên); Cấu trúc văn bản nghệ thuật, Kí hiệu học văn hóa – Iu. Lotman… Đó là chưa kể đến các trước tác triết học, tâm lí, mỹ học liên quan đến văn học được tái bản, dịch thuật: phân tâm học, hiện sinh, nữ quyền…và những công trình những năm gần đây của các nhà nghiên cứu Phương Lựu, Lê Ngọc Trà, Trần Đình Sử, La Khắc Hòa, Đỗ Lai Thúy, Huỳnh Như Phương… rất cần được phân nhóm, chọn lọc, biên soạn, in ấn, phát hành lại và làm tài liệu học tập nghiêm túc cho các thế hệ nghiên cứu, phê bình trẻ hiện nay và cả về sau.
Một vấn đề nữa là cần quan tâm hơn đến đội ngũ tham gia nghiên cứu. Ngoài các cơ quan như viện  nghiên cứu, báo, tạp chí, sở văn hoá thông tin…thì các trường Đại học, Cao đẳng, Trung cấp chuyên nghiệp là nơi có nhiều người có tiềm năng tham gia nghiên cứu phê bình văn học, nghệ thuật. Bởi một trong những tiêu chí của giảng viên Đại học là vừa giảng dạy, vừa nghiên cứu. Mỗi năm ít nhất bắt buộc tối thiểu họ phải có một bài báo khoa học theo chuẩn giảng viên. Họ là những người được đào tạo cơ bản. Tuy vậy, một phần công trình nghiên cứu của giảng viên và sinh viên ở trường Đại học sau khi nghiệm thu xong thường được để ngay ngắn trên giá sách, chỉ được công bố trong phạm vi khu vực trường nên chất lượng cho các công trình nghiên cứu phê bình văn học, nghệ thuật vẫn còn là vấn đề cần quan tâm.
Hệ thống lý thuyết của chuyên ngành lí luận văn học, mỹ học, phê bình văn học, nghệ thuật trên thế giới có liên quan đến những người làm công tác nghiên cứu phê bình là phong phú và đa dạng. Nhưng ở Việt Nam chỉ đào tạo chính quy người viết văn (sáng tác) chứ chưa có một ngành học, hay chương trình bài bản, chính quy để đào tạo đội ngũ nhà phê bình văn học, nghệ thuật. Đồng thời với nó thì đội ngũ giảng viên (ai sẽ là người đủ chuẩn và chuẩn như thế nào để dạy cho các nhà phê bình cũng là vấn đề cần chú ý).
2.3. Giải pháp tạo không gian nghiên cứu cho các nhà phê bình
Cũng như các lĩnh vực khác trong khoa học văn học, nếu sáng tác là cuộc chơi tinh thần tinh túy nhất của con người, thì phê bình cũng là hành trình ngao du thú vị không thể là không tồn tại trong đời sống văn học, nhất là với không khí dân chủ, đôi khi tự do quá “chớn” trong sáng tác văn học, nghệ thuật ở Việt Nam hiện nay. Sự phong phú, đa dạng của thể loại trong sáng tác văn học, nghệ thuật cũng là vấn đề có ảnh hưởng lớn đến nghiên cứu phê bình. Từ khoảng năm 2000 đến nay, nói riêng về văn xuôi, mỗi năm đã có khoảng hơn một trăm tác phẩm của hơn năm chục nhà văn viết văn xuôi của Việt Nam. Mỗi cuốn sách cũng đã có từ 150 trang đến 500 trang gồm tiểu thuyết, truyện ngắn, tản văn, tạp văn, bút ký v.v…Tuy nhiên các tác giả gây được ấn tượng sâu sắc cho người đọc không nhiều. Trong suy nghĩ của người đọc văn xuôi Việt Nam có ấn tượng hiện nay đang đồng hành với người đọc vẫn là: Nguyễn Huy Thiệp, Nguyễn Ngọc Thuần, Hồ Anh Thái, Nguyễn Ngọc Tư và một số tác giả nhận được sự quan tâm của giới nghiên cứu và cộng đồng độc giả phổ thông: Nguyễn Xuân Khánh, Nguyễn Bình Phương, Phan Thị Vàng Anh, Nguyễn Thị Thu Huệ, Lê Minh Khuê, Dạ Ngân, Y Ban, Võ Thị Hảo, Nguyễn Việt Hà, Nguyễn Đình Tú, Thuận, Nguyễn Nhật Ánh… Còn số lượng tác phẩm thuộc thể thơ từ năm 2000 đến nay thì khó để thống kê hết nhưng tác phẩm gây hiệu ứng đáng kể cho người đọc những năm gần đây không nhiều, có thể kể đến một số tác giả như Nguyễn Quang Thiều, Vi Thùy Linh, Insara, Phan Hoàng, Mai Văn Phấn, Trương Đăng Dung, Hữu Thỉnh… Như vậy, nên chăng là chính từ người sáng tác đã phải có ý thức tự chọn lọc khi quyết định công bố các tác phẩm thơ của mình. Họ phải là người đầu tiên biết tôn trọng người đọc trong quá trình sáng tác và công bố tác phẩm. Từ đó, các nhà quản lý cần có những kế hoạch phân công nhiệm vụ cụ thể hơn cho từng cơ quan có hoạt động liên quan đến công tác nghiên cứu phê bình, tùy theo đối tượng tác phẩm, có định hướng mở rộng đối tượng nghiên cứu phê bình trên các loại hình tác phẩm nghệ thuật khác nữa ngoài văn học và có liên quan đến văn học. Ngoài việc chú ý đến các sáng tác mới ra đời, cần quan tâm hơn đến việc nghiên cứu, phê bình các tác phẩm quen thuộc; những tác phẩm đã được lựa chọn đưa vào chương trình phổ thông các cấp học từ mẫu giáo đến đại học ở nước ta. Bởi đây chính là những tác phẩm có số lượng công chúng đọc đông nhất, trong sáng nhất, phải đọc nhiều lần nhất và cần có sự hỗ trợ định hướng cách giải mã tác phẩm một cách khoa học từ các nhà phê bình.
2.4. Cần cụ thể hóa các tiêu chí liên quan đến các chế độ kinh phí đầu tư cho nghiên cứu phê bình, chính sách đãi ngộ, hệ thống, phân cấp, vinh danh các giải thưởng cho các công trình phê bình có giá trị thực sự.
Từ trong lịch sử cũng đã có không ít các nhà nghiên cứu phê bình văn học, nghệ thuật vì sự đam mê của mình mà có sự lầm đường lạc lối. Cũng đã có một số nhà nghiên cứu vì sự phát triển của khoa học văn học, nghệ thuật mà bị xã hội hiểu nhầm này nọ dẫn đến kết cục cuộc đời buồn thảm và ngược lại. Chính vì vậy, việc cụ thể hóa các tiêu chí liên quan đến các chế độ kinh phí đầu tư cho nghiên cứu phê bình, chính sách đãi ngộ, hệ thống phân cấp, phương pháp vinh danh các giải thưởng cho các công trình có giá trị, cơ chế hoạt động tự do học thuật…cho các nhà nghiên cứu, phê bình văn học, nghệ thuật là cần thiết. Trách nhiệm này có sự liên quan đến nhiều tổ chức xã hội nhưng vai trò tham mưu chính của Hội đồng Lí luận, phê bình văn học, nghệ thuật trung ương là rất quan trọng trong các khâu tổ chức đào tạo đội ngũ (Vừa là đội ngũ các nhà Lí luận phê bình trẻ, vừa phải đào tạo và tự đào tạo lại các nhà lí luận phê bình các thế hệ trước để bắt kịp với tình hình nghiên cứu phê bình văn học, nghệ thuật các nước trong giai đoạn hiện nay). Khâu tổ chức hội nghị hội thảo hàng năm của Hội đồng lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật, khâu in ấn, công bố nội dung các bài viết khoa học ở các tạp chí chuyên ngành có uy tín; hoạch định các chiến lược, chính sách hoạt động cho phù hợp, xây dựng tiêu chí chấm điểm các công trình bài bản, xếp giải, khen thưởng cho các công trình nghiên cứu, phê bình… cũng là một trong những phương pháp hữu ích, cần quan tâm chuyên nghiệp hơn nữa, phù hợp với sự phát triển của phê bình văn học, nghệ thuật của Việt Nam trong thực tiễn hiện nay, trong tương quan với các nước đang phát triển.
Nói chung, trong thực tế còn có nhiều yếu tố tác động tạo nên áp lực đối với các nhà phê bình, trong bài viết này, chúng tôi chủ yếu ứng dụng quan điểm của Mỹ học tiếp nhận để phân tích vấn đề này. Muốn thúc đẩy sự phát triển của phê bình Việt Nam theo hướng hiện đại phải có nhiều giải pháp phối hợp khác nữa. Tất cả những giải pháp trên đây muốn thực hiện tốt luôn cần có sự song hành của  chính ý thức, nhu cầu, trách nhiệm, khát vọng nội tại của nhà phê bình. Đây là yếu tố có tính căn cốt, quyết định. Họ cần phải được đào tạo bài bản, tích lũy kiến thức và kinh nghiệm, trau dồi, nâng cao phẩm chất đạo đức của nhà phê bình để có thể đáp ứng được yêu cầu thực tiễn, nhất là trong bầu khí quyển văn hóa mới hiện nay. Đề xuất những giải pháp liên quan đến quá trình phát triển phê bình văn học trên đây của chúng tôi mong muốn góp phần xây dựng môi trường học thuật nghiên cứu phê bình văn học nghệ thuật đúng nghĩa, phù hợp điều kiện hiện tại của Việt Nam.
Tài liệu tham khảo:
[1]. Trương Đăng Dung, Sự phát triển của văn học trong tương quan các giá trị – Từ văn bản đến tác phẩm văn học, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội,1998. [2]. Trương Đăng Dung, Tác phẩm văn học như là quá trình, Nxb Khoa học Xã hội, 2004. [3]. Pierre Bourdieu, Quy tắc của nghệ thuật – Sự hình thành và cấu trúc của trường văn chương, Phùng Ngọc Kiên, Nguyễn Phương Ngọc dịch, Nxb Tri thức,  2018. [4]. Henrức Markiêvích, Giá trị và đánh giá trong khoa học văn học, sách Các vấn đề của khoa học văn học, Nxb Khoa học Xã hội, 1990. [5]. Hoài Thanh, Hoài Chân, Thi nhân Việt Nam, Nxb Văn học, Hà Nội,1995. [6]. Đỗ Lai Thúy, Phê bình ấn tượng, Nxb Văn hóa thông tin, Tạp chí Văn hóa nghệ thuật, 2006. [7]. Hans Robert Jauss: (1921-1997) là người chịu ảnh hưởng sâu sắc từ hai triết gia Martin Heidegger và Hans Georg Gadame. [8]. Huỳnh Vân, Vấn đề tầm đón đợi và xác định tính nghệ thuật trong mỹ học tiếp nhận của Hans Robert Jauss, – https://phebinhvanhoc.com.vn/.
23/2/2021
Mai Thị Liên Giang
Theo https://vanvn.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Tiểu thuyết Những người mở đường của Hồ Thủy Giang nhìn từ đặc điểm thể loại

  Tiểu thuyết Những người mở đường của Hồ Thủy Giang nhìn từ đặc điểm thể loại Huyền thoại về 61 chiến sĩ thanh niên xung phong Đại đội 915 ...