Thứ Tư, 15 tháng 1, 2025

Trâu ơi ta bảo trâu này

Trâu ơi ta bảo trâu này!

Nhà tôi không làm nghề nông nên tuổi thơ không phải chăn trâu cắt cỏ. Tuy vậy, con trâu chăm chỉ của ruộng đồng chẳng hề xa lạ với tôi. Có một bài ca dao, tôi nghe từ thời bé đến bây giờ vẫn còn văng vẳng bên tai: “Trâu ơi ta bảo trâu này/ Trâu ăn no cỏ, trâu cày với ta/ Cấy cày vốn nghiệp nông gia/ Ta đây, trâu đó ai mà quản công“. Những vần ca dao nôm na gắn liền với con vật đầu cơ nghiệp của người nông dân năm nắng mười sương ấy hình như đã bị chìm khuất trong sự ồn ả của cuộc sống đang đô thị hóa ngày càng nhanh hiện nay.
Nói đúng ra, thì so với trước đây, trâu bây giờ được nhàn hơn. Ở nhiều nơi, sức kéo được thay bằng máy, trâu không phải nai lưng kéo cày cực nhọc nữa nhưng cái khổ nhục truyền kiếp của nó thì vẫn còn đó. Nghĩ mà thương con vật hiền lành, gần gũi với ruộng đồng này khi nó bị ví von với sự dốt nát, kém hiểu biết của người nào đó, kiểu “ngu như trâu” hay “gãy đàn tai trâu”.
Trâu nào có ngu. Dẫu chẳng được đến lớp một buổi nào, chẳng có học hàm học vị gì sất nhưng nó cũng biết thế nào là phận sự. Trâu an nhiên với cuộc sống của mình; ăn cỏ, ăn rơm, lúc kéo cày lúc kéo xe, khi làm sân đậu cho lũ cò lũ sáo, khi thong thả lim dim nhai lại dưới bóng tre làng. Ai đã từng thấy trâu nghếch mặt lên trời, nghê ngác cười khi nghe tiếng sáo véo von của trẻ mục đồng  chắc sẽ không bao giờ mỉa mai rằng gảy đàn tai trâu. Trâu yêu tiếng sáo trúc, sáo diều vi vu của bát ngát đồng quê.
Nghĩ mà thương trâu, tưởng được đổi đời khi ít bị kéo cày, kéo xe nào ngờ sự sống lại bấp bênh hơn bởi con người sáng tạo thêm nhiều món ẩm thực từ con vật vai u thịt bắp này. Thịt trâu Yên Bái, Phú Thọ… cũng là đặc sản như thịt mèo (tiểu hổ) Hải Phòng, như gà Mạnh Hoạch Hải Dương, dê núi Ninh Bình… Chẳng thà kẽo kẹt kéo cày, kéo xe theo nhịp tắc tắc họ họ, vắt vắt diệt diệt của người còn hơn bị biến thành món thịt nướng cuốn lá lốt khoái khẩu của họ. Và, bi tráng thay những Ông Trâu Đồ Sơn giờ phút bước lên đài vinh quang cũng là lúc án tử hình được thực thi. Trâu chiến thắng và trâu chiến bại đều bị xẻ thịt, thử hỏi có bi kịch nào xót xa hơn thế. Những con trâu chọi sau những ngày được chủ chăm bẵm nuôi nấng kỹ càng, trơn da mượt lông, sau trận huyết chiến oai hùng trong sự hò reo cỗ vũ của hàng nghìn người bỗng biến thành món bồi dưỡng tinh lực khí huyết của kẻ nhiều tiền. Những con vật tai lá mít, đít lồng bàn, sừng cánh ná, niềm tự hào của người nông dân thời con trâu đi trước cái cày theo sau không còn giữ ví trí đầu cơ nghiệp nữa. Có vẻ như trâu chưa biết điều đó, nên chi vẫn thung dung chậm rãi gõ móng trên đường làng đã đổ bê tông đến lò mổ hay hùng hục lao vào những trận chiến nảy lửa để mua vui cho con người. Đừng trách trâu nhiều, bản năng của nó vốn hiền lành dễ sai bảo, nó sẵn sàng hi sinh cuộc sống vì con người.
Viết đến đây bỗng dưng muốn khóc vì chợt nhớ đến con trâu của bạn tôi thời chiến tranh phá hoại của Mỹ. Để tránh bom đạn, bố mẹ cho chúng tôi sơ tán về vùng nông thôn. Tôi ở nhờ trong nhà thằng Tẹo. Nhà nó có con trâu đực vạm vỡ nhưng sừng lại bị tật, một cái cong cong cánh ná, một cái cụp xuống bên tai. Thằng Tẹo và tôi đặt tên cho nó là con Cụp Xoè. Con Cụp Xoè cày bừa rất giỏi và hiền lắm. Chiều chiều, tôi thường theo thằng Tẹo ra đồng chăn trâu. Tiếng là chăn nhưng chúng tôi có dẫn dắt gì nó đâu. Cứ thả nó ra bãi cỏ cùng với lũ trâu bò trong xóm. Bọn con nít chúng tôi túm túm lại bày trò chơi mê mải. Con Cụp Xoè chăm ăn lắm, miệng nó gặm cỏ sườn sượt, thi thoảng mới ngẩng đầu lên nghênh nghênh nhìn trời và nhìn chúng tôi. Cũng có lúc nó giả quên, bước sang ruộng lúa xanh mướt nhưng chỉ cần thằng Tẹo kêu “Cụp” thì nó lại trở về bãi cỏ ngay. Đi ra đồng, trở về nhà, tôi và Tẹo đều cưỡi trên lưng Cụp Xoè. Nó đủng đỉnh bước đi, móng gõ vào đường làng cồm cộp. Thú nhất là khi được tắm cho Cụp Xoè. Đắm mình trong làn nước mát của dòng mương, Cụp Xoè lim dim mắt nằm yên cho chúng tôi  kỳ cọ. Đôi mắt ươn ướt đen của nó nhìn chúng tôi thật thân thiết. Một lần, thầy giáo ra đề văn “Em hãy tả lại con trâu nhà mình” tôi đã tả ngay Cụp Xoè và được thầy cho 9 điểm. Hôm trả bài, thầy đọc bài của tôi cho cả lớp nghe, đến đoạn tả cặp sừng “ một cái cong lên trời như cánh cung, một cái cụp xuống nom thật buồn cười” lũ bạn kêu ầm lên “thằng Quý tả con trâu của thằng Tẹo”. Nhưng, thật buồn, Cụp Xoè đã sớm chia tay Tẹo và tôi, ra đi mãi mãi. Trong một trận bom Mỹ ném vào làng ban đêm, Cụp Xoè bị mảnh bom chém vào đầu. Tôi và thằng Tẹo ôm lấy cái đầu đầm đìa máu của Cụp Xoè khóc nức nở.
Tuổi thơ đã xa vời vợi. Quá nửa đời người rồi, cớ chi tôi vẫn còn xao xác nhớ đến nhiều kỷ niệm bé con. Thằng Tẹo vào bộ đội năm 1973 và đã hy sinh ở cửa ngõ Sài Gòn trong chiến dịch mùa xuân 1975.Trong hồi ức của tôi vẫn còn in đậm cái dáng cao cao gầy gầy cùng với nước da cháy nắng của Tẹo cùng với hình ảnh con Cụp Xoè thân thiết của chúng tôi. Làm sao tôi quên được những hoàng hôn chạng vạng đồng quê, tôi và Tẹo ngồi trên lưng Cụp Xoè ê a đọc: “Trâu ơi ta bảo trâu này/ Trâu ăn no cỏ trâu cày với ta…”
Cụp Xoè ơi, nơi cõi xa xôi nào đó mày còn nghe tiếng tao gọi “Trâu ơi ta bảo trâu này…”!.
23/2/2021
Nguyễn Hữu Quý
Theo https://vanvn.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Tiểu thuyết Những người mở đường của Hồ Thủy Giang nhìn từ đặc điểm thể loại

  Tiểu thuyết Những người mở đường của Hồ Thủy Giang nhìn từ đặc điểm thể loại Huyền thoại về 61 chiến sĩ thanh niên xung phong Đại đội 915 ...