Thứ Tư, 15 tháng 1, 2025

Xấp vải lãnh của mẹ

Xấp vải lãnh của mẹ

Cứ mỗi lần sắp tết, tôi vừa vui lại vừa buồn, vui với niềm vui trong đôi mắt hồn nhiên của các cháu nhà tôi sau mỗi chiều tan học, khi về nhà quây quần bên ông bà với bao nhiêu ước ao được nội ngoại mua sắm tết cho mình. Tuổi thơ tôi vẫn đầy ắp sự hồn nhiên đáng yêu ấy, cho dù thời đó chiến tranh tang tóc với biết bao đau buồn bao phủ khắp cái làng quê nhỏ bé nơi tôi sinh ra, cất tiếng khóc chào đời.
Còn nhớ, cứ mỗi chiều dắt đàn bò về sau ngõ xóm, nhìn ánh nắng vàng đổ xuống mái hiên le lói chất chứa biết bao mong ước sẽ được mẹ sắm cho bộ đồ tết để sáng mùng một diện vào chạy ra đường khoe cùng bè bạn. Mỗi lần nhớ đến ngày mẹ tôi sắm đồ tết cho con, lòng tôi se thắt lại. Vì tôi đâu biết mẹ tôi một đời với đôi gánh tảo tần, buổi sáng chợ trên, chiều chợ chiều vẫn không đủ tiền đong gạo nuôi con ăn học. Vậy mà từng đêm nằm bên mẹ trong cơn mớ ngủ tôi vẫn ôm mẹ dặn dò về bộ đồ tết và đôi dép mềm dẻo còn thơm phức mùi nhựa mới.
Còn nhớ trận lụt năm Giáp Thìn,1964, năm ấy tôi vừa tròn mười tuổi. Tôi theo mẹ trên một chuyến ghe từ thượng nguồn sông Vu Gia xuôi về Hội An, mang theo năm bảy buồng chuối và đâu vài quả mít chín hái trong vườn, chủ yếu là mẹ mang xuống phố để bán kiếm tiền mua sắm đồ tết cho mấy anh em tôi. Ai ngờ đêm hôm ấy khi chiếc ghe vừa đến chân cầu Câu Lâu thì gió bão đầy trời, nước lớn như thổi. Ghe chìm, mẹ con tôi phải tấp vào bờ lánh nạn…Và, có ai ngờ trận lụt kinh hoàng năm ấy đã cướp đi biết bao nhiêu mạng người, nhà cửa trôi bềnh bồng trên sông Thu Bồn mà sau này khi lớn lên tôi mới hiểu hết nỗi đau tang thương của biết bao gia đình sau cơn đại nạn này. Tôi không có ý định kể lại chuyện tai họa năm Giáp Thìn, chuyện này dân quê tôi ai chẳng biết. Tôi chỉ muốn nhắc đến những kỷ niệm về mấy buồng chuối và vài quả mít của mẹ tôi năm ấy. Mẹ đã ôm tôi khóc trong cơn gió rít từng hồi, không phải vì gió lạnh, cũng chẳng phải vì đêm nay đói rét, mà chỉ vì đâu còn gì để mẹ tôi mua sắm đồ tết cho con.
Và đêm ấy mẹ ôm tôi ngồi khóc ròng trong cơn bão lũ, nước trên sông Thu Bồn đục ngầu, chảy cuồn cuộn bèo bọt đầy sông, nước ngập tràn đến chân cầu Câu Lâu. Hai mẹ con trong gió mưa phải đi tìm nhà ông cậu để trú ẩn trong khi gió bão gầm xé tơi bời. Nếu câu chuyện đến đó tạm dừng thì chẳng có gì đáng nói. Suốt đêm đến sáng, bao nhiêu tiếng la khóc trôi từ trên nguồn ra biển, bao nhiêu căn nhà, súc vật cuốn theo dòng nước lũ bềnh bồng đen đúa, nỗi đau xé trời này không có giấy bút nào tả cho hết. Vậy mà câu chuyện về mẹ con tôi cho đến bây giờ vẫn còn nóng ran trong ngực và khi tôi ngồi viết những dòng này, tôi không cầm được nước mắt. Làm sao tôi hiểu hết được tình mẹ, nhất là những bà mẹ nghèo thời chiến tranh cơ cực, cho đến tận bây giờ tôi mới hiểu ra, mới thấm thía cái “giá rét trên từng manh chiếu vá/ mẹ chừa bên ráo để con lăn”, càng thương mẹ một đời “héo hon cả thời thiếu nữ/ đi biển một mình đêm sóng dữ/ cho con lành lặn giấc mơ”!
Bây giờ xuân sắp về rồi, các cháu nhà tôi tha hồ nghĩ đến ông bà sẽ sắm cho mình bao nhiêu quần áo đẹp, những món đồ chơi đắt tiền như xe điều khiển, máy chơi game, các đồ điện tử đủ trò. Đó là chưa nói đến nhiều trẻ con nhà giàu, cha mẹ chúng còn mua cho các cháu cả iPhone, iPad. Ngay cả ở vùng quê nghèo bên con sông Vu Gia của tôi ngày xưa, các tiệm chơi điện tử giờ cũng mọc lên như nấm. Nhìn những cô bé, cậu bé mới học cấp 1 bấm máy tính, iPad nhoay nhoáy làm tôi càng nhớ lại hình ảnh chân chất ngu ngơ của tuổi thơ mình, một khoảng cách rất xa của nhiều thế hệ xưa nay, cái được mất của mỗi thời, bút mực viết đã nhiều mà đâu dễ gì kể ra cho hết. Càng nhớ tôi càng thương mẹ, nhớ những buồng chuối, những quả mít trôi bềnh bồng trên sông hôm ấy. Nhớ nhất vẫn là những giọt nước mắt của người mẹ nghèo khốn khó ở quê chẳng biết tìm đâu ra đồng tiền để sắm cho các con bộ đồ vui tết. Làm sao những đứa bé lớn lên trong thời đại này hiểu được cái cảm giác của một cậu bé như tôi theo mẹ trên chiếc thuyền trôi xuôi từ thượng nguồn về phố Hội để được mẹ sắm cho đồ tết mới.
Còn nhớ như in một lần đến chợ Hàn trong cái tiết trời se lạnh của tiết lập xuân năm ấy, tôi háo hức theo mẹ từ quê ra phố để bán mấy món hàng nông sản rẻ như bèo mua sắm tết, đúng là một cảm giác hạnh phúc vô bờ khó tả. Mới vừa tròn năm tuổi, lần đầu tiên tôi thấy được chợ Hàn to rộng. Phiên chợ ngày tết đông vui, nhộn nhịp cảnh bán mua. Cái không khí tết len lỏi khắp phố phường, hiển diện qua tấm áo mới của trẻ thơ, tấm khăn quàng cho người già và cả nét vui, mừng lẫn lo âu của những bà mẹ quê. Tôi cứ đứng ngắm nhìn rồi chạy lon ton theo các bạn trẻ cùng tuổi với áo quần nhiều sắc màu, đứng nhìn theo thèm chảy nước miếng, ai ngờ tôi lạc mẹ đứng bơ vơ giữa chợ. Nhớ mấy cho vừa, nhớ sao cho hết thời thơ ấu cơ hàn thiếu thốn của thế hệ chúng tôi, có phải vì thế mà trong suốt cuộc đời mình, tôi đã mang theo hình ảnh cái làng quê khốn khổ của mẹ tôi đi khắp bốn phương trời. Ít ra tôi cũng thầm biết ơn văn chương đã lưu giữ những cảm xúc sâu nặng một thời mà tuổi thơ tôi thất thểu, bơ vơ.
Nhớ gì con cũng không quên được mẹ ơi, làm sao có thể quên cái tết năm Giáp Thìn đau thương ấy. Làm sao quên được bộ đồ mẹ may cho con mặc tết bằng chính xấp vải lãnh đen mà cậu Mười tặng cho mẹ may quần. Đến giờ con mới hiểu hết ý nghĩa của tình mẫu tử, đó là tình yêu thiêng liêng mà mỗi người con phải lưu giữ suốt cuộc đời mình. Những buồng chuối và mấy quả mít chín hái trong vườn năm ấy nếu mẹ mang đến chợ Hội An thì con trai mẹ đâu phải mặc tết bằng xấp vải quần của mẹ. Con nhớ mãi, hình ảnh cậu bé năm lên mười mặc bộ đồ pyrama đen bóng chạy lon ton trên khắp đường làng với niềm tự hào kiêu hãnh, bởi dù nghèo khó đến mấy năm nào mẹ cũng sắm đồ tết cho con. Và, đến giờ con mới hiểu hết ý nghĩa của tình mẫu tử, cảm thấu đến vô bờ tấm lòng của những người mẹ nghèo thường thương yêu các con hơn chính cả bản thân mình!.
24/2/2021
Nguyễn Ngọc Hạnh
Theo https://vanvn.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Tiểu thuyết Những người mở đường của Hồ Thủy Giang nhìn từ đặc điểm thể loại

  Tiểu thuyết Những người mở đường của Hồ Thủy Giang nhìn từ đặc điểm thể loại Huyền thoại về 61 chiến sĩ thanh niên xung phong Đại đội 915 ...