Thứ Tư, 15 tháng 1, 2025

Bông liễu mong manh trong bão

Bông liễu mong manh trong bão

Cuốn tiểu thuyết xinh xắn này (Nàng Kim Liên ở trấn Tây Môn của Diêm Liên Khoa, Minh Thương dịch, NXB Hội Nhà văn 2018, chưa đầy 200 trang in khổ 13,5 x20cm) viết theo lối “chuyện cũ viết lại” khá phổ biến trong văn học Trung Quốc như lời nhận định của người dịch ở lời giới thiệu đầu sách.
Nàng Kim Liên trong bộ tiểu thuyết “Kim Bình Mai” vốn “đóng đinh” trong đầu óc độc giả cổ kim là một người phụ nữ có nhan sắc nhưng lẳng lơ, cuối cùng chết thảm cũng bởi sự lẳng lơ đó. Thế nhưng, dưới ngòi bút “viết lại” của Diêm Liên Khoa, nàng Kim Liên mang một thân phận khác hẳn, trong một bối cảnh khác hẳn, Và cũng là một thân phận đầy bi kịch trong cõi người ngổn ngang, hỗn loạn.
Nếu nàng Kim Liên của Kim Bình Mai có đời sống hôn nhân đầy sóng gió (ban đầu có chồng là Võ Đại, anh trai Võ Tòng, nhưng bị Tây Môn Khánh lập mưu giết chồng đoạt vợ nên nàng trở thành thiếp của hắn. Khi Tây Môn Khánh chết, Kim Liên lại thông dâm với con rể của Tây Môn Khánh; sau đó bị vợ cả của Tây Môn Khánh phát giác và đuổi khỏi nhà. Cuối cùng, nàng bị Võ Tòng, em trai chồng cũ giết chết), thì nàng Kim Liên ở trấn Tây Môn của Diêm Liên Khoa cũng vậy, mặc dù là sóng gió ngầm. Kim Liên ở trấn Tây Môn lấy chồng không phải vì tình yêu. Người chồng xấu xí và bệnh tật dù cho bà mối đến hỏi cưới thì Kim Liên vẫn không mảy may rung động, cho dù cô chỉ là một sơn nữ nghèo khó, ở sâu trong vùng núi, còn nhà Đại Lang chồng cô lại ở ngay phố Lưu, giàu có và sầm uất hơn nhiều. Cô thích Nhị Lang, em của Đại Lang. Nhưng người hỏi cưới Kim Liên không phải Nhị Lang. Nhị Lang chỉ đến năn nỉ Kim Liên nhận lời lấy anh trai mình, với lời hưa “anh ấy sẽ đối tốt với cô, tôi cũng sẽ đối tốt với cô nữa… tôi sẽ kính cô như kính mẹ mình… cô nói gì cũng theo ý cô hết”. Chỉ vì những lời của Nhị Lang mà Kim Liên đồng ý làm vợ Đại Lang, để sau đám cưới mới cay đắng nhận ra rằng Đại Lang không chỉ xấu xí mà còn không có khả năng đàn ông, lại đã qua một đời vợ. Nhưng nỗi cay đắng ấy bay qua rất nhanh khi bên cạnh Kim Liên còn có Nhị Lang, một chàng trai trẻ trung, nhiều ước vọng, đẹp đẽ và hết lòng tốt bụng, tôn kính với cô. Tình cảm của Kim Liên với Nhị Lang, lúc thầm kín, lúc trỗi lên mãnh liệt, mà đỉnh điểm nhất là khi Đại Lang vắng nhà đi chữa bệnh nơi xa, chỉ còn Nhị Lang với Kim Liên. Nàng không ngần ngại bộc bạch nỗi lòng mình với Nhị Lang: “Tôi nói cho chú biết, tôi vì nhắm đến chú mới lấy anh chú. Tôi không quan tâm bệnh của anh chú có khỏi không, chỉ cần chú một đêm tôi sẽ không luyến tiếc khi gả vào nhà chú, tôi sẽ hết lòng hết dạ đối tốt với anh chú, sẽ cùng anh chú yên tâm sống cuộc sống bình thường… Tôi không phải người đàn bà hư hỏng, sau khi tôi nhìn thấy chú lần đầu, không kìm được lòng yêu thích chú, mới chịu gả đến nhà anh em chú đây (…) Tôi vì chú mới gả cho anh chú”. Nhưng Nhị Lang một mực chối từ tấm chân tình ấy. Nguyên nhân anh ta đưa ra thật hợp lý và hợp đạo: “Chị thích em, từ đáy lòng em cảm ơn chị, cả đời em sẽ luôn ghi nhớ chị trong lòng, nhưng chị em ta không thể. Chị là chị dâu của em. Khi em đi học, ah đã đi nhặt bìa các tông trên phố bán lấy tiền đóng học phí cho em, khi Tết đến anh không năm nào có thêm áo mới, nhưng anh thà không ăn không uống, mỗi khi Tết đến đều mua quần áo mới cho em”.
Tiểu thuyết “Nàng Kim Liên ở trấn Tây Môn” của Diêm Liên Khoa, Minh Thương dịch, NXB Hội Nhà Văn, 2018
Bi kịch không bắt đầu từ khi Kim Liên đi lấy Đại Lang. Cũng không bắt đầu từ khi Kim Liên phát hiện ra Đại Lang không có “khả năng đàn ông”. Bi kịch bắt đầu từ lúc Nhị Lang từ chối tình cảm của Kim Liên. Nếu nàng Kim Liên trong Kim Bình Mai chỉ gợi lên trong người đọc hình ảnh một người đàn bà lẳng lơ, dâm dục, bất chấp đạo lý thì nàng Kim Liên của Diêm Liên Khoa lại chứa đựng nỗi đau không nói thành lời. Nỗi đau của tình yêu vô vọng. Nỗi đau của sự bẽ bàng. Nỗi đau của người đàn bà đẹp và đa đoan, đã gạt bỏ mọi ngại ngần, e ấp để dũng cảm sống thực với tình cảm của mình, dám đánh đổi cả cuộc đời để lấy một đêm bên người mình yêu nhưng vấp phải bức tường ngăn sừng sững, lạnh lùng. Bi kịch ấy đã giết chết một Kim Liên ngây thơ, mơ mộng, giàu cảm xúc, chỉ còn lại một Kim Liên lạnh lùng và rã rời trong những tính toán khôn ngoan.
Bước ngoặt của truyện cũng bắt đầu từ bi kịch đó. Đại Lang sau khi được chữa khỏi bệnh lại đột tử trong đêm ân ái vợ chồng đầu tiên với Kim Liên. Nhà chỉ còn Kim Liên và Nhị Lang. Phố Lưu nơi Kim Liên và Nhị Lang sinh sống chuẩn bị trở thành thị trấn và Nhị Lang ôm mộng trở thành trưởng đồn công an của trấn, mà việc đó chỉ có trưởng thôn quyết định được. Kim Liên dùng mọi “kế” để giúp Nhị Lang, từ việc kết thân với vợ trưởng thôn để tâm sự, không nề hà hầu hạ bà đến việc làm lá thuốc thật hợp khẩu vị để biếu trưởng thôn… Làm những điều đó cho Nhị Lang không còn vì tình yêu với Nhị Lang. Không phải để hy vọng Nhị Lang nghĩ lại mà có chút tình cảm với mình. Kim Liên làm điều đó trong lòng kiêu hãnh, chứng tỏ được khả năng vượt trội của mình. Mình có thể làm được những việc mà Nhị Lang không thể làm được. Nhị Lang nhờ Kim Liên mà thỏa nguyện, rồi muốn tiếp tục thỏa nguyện leo cao hơn nữa, anh ta chấp nhận lấy Nguyệt Nhi, cô con gái xấu xí nhà trưởng thôn, như một lời thách thức với Kim Liên, cho dù Nhị Lang không mảy may yêu Nguyệt Nhi. Bi kịch của Kim Liên vắt từ biến cố này sang biến cố khác. Nàng bàng hoàng nhận ra mình chỉ là một thứ phương tiện trong tay Nhị Lang. Khi thuyết phục nàng lấy Đại Lang, là Nhị Lang muốn kiếm cho anh mình một người vợ vừa xinh đẹp lại vừa chịu thương chịu khó, coi như trả món nợ cốt nhục ân nghĩa với anh. Kim Liên phải hy sinh cả cuộc sống của mình cho Nhị Lang báo đáp anh trai mình. Đến khi nàng không đáp ứng yêu cầu của Nhị Lang một cách vô điều kiện, thì Nhị Lang thản nhiên tự chọn một con đường, dù biết sẽ là sự chà đạp lên Kim Liên: cưới Nguyệt Nhi. Đến khi “chủ nhiệm Lý trên địa khu không đồng ý phố Lưu trở thành thị trấn, nhưng chủ nhiệm Lý thiếu một bảo mẫu”, trưởng thôn đã dỗ dành Kim Liên “cháu theo ông ấy đi đến nhà ông ấy ở Lạc Dương giúp đỡ một thời gian, ông ấy sẽ đồng ý phố Lưu chúng ta trở thành thị trấn”.
Và Kim Liên đồng ý lên đường!
Những tưởng nàng tìm được tình yêu bên chủ nhiệm Lý, người đàn ông đã ly hôn vợ. Nhưng đau xót thay, khi cô vợ cũ bỗng dưng ghen tuông một cách vô lối, quay lại nhà mắng chửi Kim Liên, thì chủ nhiệm Lý cũng không vòng tay bảo vệ cô, chỉ vì “bố bà ta là phó bí thư thị ủy, mẹ bà ta kinh doanh ở Thẩm Quyến, kinh doanh lớn đến mức nói một câu là có thể mua được cả cái huyện này (…) nếu em không đi ngay, bà ta sẽ trăm phương nghìn kế điều anh từ Lạc Dương đi vùng sâu vùng xa, điều đi rồi còn giáng anh hai cấp (…) Anh sắp được điều lên chính cục rồi, điều lên chính cục anh sẽ làm trong phòng tổ chức thị ủy, nếu không phải em, e rằng vợ anh không đồng ý tái hợp với anh, bà ấy không tái hợp với anh, anh khó có thể được điều tới cấp chính cục, khó có thể điều tới phòng tổ chức cán bộ”.
Ván bài đã ngửa!
Một lần nữa Kim Liên ngây thơ chỉ là phương tiện cho kẻ khác mưu cầu danh lợi. Nàng chia tay chủ nhiệm Lý trong nước mắt để về lại phố Lưu, nay đã thành thị trấn Lưu. Ngày nàng đi, trưởng thôn hứa hẹn: “cháu đi thì cháu giúp được cả thôn, cả thôn ai cúng kính trọng cháu. Ngay cả trưởng thôn ta cũng phải kính trọng cháu” “dù thế nào thôn cũng sẽ chăm sóc cháu”. Nhưng ngày nàng về, tất cả mọi người đều ngoảnh mặt, ngay cả trưởng thôn cũng miễn cưỡng hỏi han một hai câu rồi phóng xe đi như chạy trốn. Lúc đó, Kim Liên mới thực sự cảm thấy “nỗi lạc lõng bắt đầu phủ ngập tim nàng, giống như buổi sớm ngày đông mở cửa, sương mù đặc quánh và mù mịt vây lấy người nàng (…) Kim Liên hiểu rằng nàng không sai khi phát hiện ra tim nàng như có thứ gì vừa mất. Nàng không biết rốt cuộc là mất đi thứ gì, nhưng nàng biết thứ đó cực kỳ quý giá, nàng vốn giấu kín nó trong tim, nhưng không hiểu vì sao nó đã đột ngột mất rồi, đã biến mất như vĩnh viễn không thể nào tìm thấy”. Lạ lùng thay, người không ngoảnh mặt, lạnh nhạt với Kim Liên lúc này là Nhị Lang. Anh ta tha thiết “chị dâu, em không đi nữa đâu, đêm nay em ngủ ở đây”. Tất cả những lý lẽ về luân thường đạo lý mà Nhị Lang từng nói với Kim Liên, khi cô thổ lộ lòng mình, đã được Kim Liên nhắc lại đầy mỉa mai với Nhị Lang trong giờ khắc đó. Nhị Lang không để tâm mà quyết định “mua” chị dâu bằng được. Đoạn thoại ngắn ngủi mà có sức bùng nổ của một trái bom, công phá nốt chút niềm tin mỏng manh của Kim Liên với cuộc sống này:
“Kim Liên nói:
Đừng bôi nhọ danh dự của nhà chú, chú quên tiền đồ của chú rồi à.
Nhị Lang nói:
Em cho chị tiền có được không?
Kim Liên nhìn chết lặng vào khuôn mặt bị bóng đêm làm cho mơ hồ của Nhị Lang:
Chú nói gì?
Nhị Lang nói:
Chỉ cần chị để em ở lại đây một đêm, chị cần bao nhiêu tiền cũng được”
Bao nhiêu đạo lý xưa kia Nhị Lang viện dẫn chỉ là cái cớ để che đi những toan tính dài lâu cho địa vị mà anh ta tìm cách chiếm đoạt bằng được. Khi đã có trong tay địa vị mà mình mơ ước, anh ta quay lại muốn chiếm đoạt Kim Liên, không bằng những lời chót lưỡi đầu môi thì bằng tiền: “Em một đêm cho chị một vạn đồng chị còn muốn em làm gì nữa hả chị?”
Sợi dây mỏng manh ràng buộc Kim Liên với phố Lưu, với cuộc sống, với thế giới này đã đứt!
Kim Liên lặng lẽ biến mất khỏi thị trấn!
Không ai biết nàng đi đâu!
Biến mất như nàng chưa từng xuất hiện! “Giống như bông liễu bay đi không còn nhìn thấy nữa”
Nàng là một bông liễu! Một bông liễu mong manh và tội nghiệp giữa cuộc sống khốc liệt toàn bão tố. Những cơn bão tranh giành quyền lực. Những cơn bão âm mưu, toan tính mối lợi về mình. Những cơn bão chà đạp lên hết thảy tình yêu, đạo lý, niềm tin, mơ ước…
Diêm Liên Khoa có lối viết kiệm lời, kiệm lời đến tối đa. Bởi vậy mỗi con chữ hàm súc có sức bùng cháy bất ngờ. Nàng Kim Liên ở trấn Tây Môn không chỉ là thân phận của một con người cụ thể mà là nỗi day dứt quặn thắt về thân phận của tình yêu, của cái đẹp và niềm tin trong thế giới mà quyền lực và vật chất ngạo nghễ lên ngôi. Nếu mở đầu truyện là hình ảnh mùa xuân ấm áp, tươi đẹp đến với dãy núi Bá Lâu và phố Lưu trong đôi mắt trong trẻo và đầy mơ mộng, tin yêu của cô thiếu nữ Kim Liên, thì cuối truyện, hình ảnh Kim Liên rã rời trở lại thị trấn Lưu dắt tay  Vận Ca – đứa trẻ mồ côi tội nghiệp, người duy nhất đón cô khi cô trở về – đi vào hoàng hôn đầy ám ảnh và chua xót. Chương cuối cùng của truyện chỉ vẻn vẹn hai trang rưỡi, không nhắc gì đến Kim Liên, chỉ miêu tả cảnh thu hoạch lúa mạch đầy vất vả của Ngân Liên – em gái Kim Liên cùng bố mẹ ở sâu trong núi Bá Lâu. Ước mơ lớn nhất của Ngân Liên chưa đầy mười bảy tuổi là lấy được một tấm chồng trên thị trấn giống chị gái mình “tìm được nhà chồng ở thị trấn rồi, con và chị sẽ đón bố mẹ lên trấn ở, chúng ta sẽ không trở về trong núi này nữa”. Cuộc sống trong núi đầy khó khăn vất vả khiến Ngân Liên mơ đến cuộc sống khác ngoài thị trấn. Liệu Ngân Liên có phải là bông liễu nữa chuẩn bị rời cội để lại bị cuốn vào cơn lốc kim tiền, quyền lực như bông liễu Kim Liên?
Kết truyện để ngỏ mà xa xót vô cùng!
Diêm Liên Khoa có lối kể chuyện bằng ngôn ngữ dòng ý thức nhân vật, đi từ ngoại cảnh vào sâu tâm trạng, lột tả những dằn vặt, quằn quại một cách tinh tế và hàm súc. Ngoại cảnh nào cũng là một mảnh tâm trạng của nhân vật, từ cơn gió, mảnh trăng, ánh đèn đường đến tiếng dế kêu, nhành dương liễu… Ngôn ngữ ấy gợi rất ít mà tả rất nhiều. Cho nên đọc không thể nhanh được. Đọc ít mà ngẫm nhiều. Gần 200 trang sách nhỏ xinh mà gói ghém bi kịch lớn của thời đại!.
Hải Dương, 17/2/2021
Nguyễn Thị Việt Nga
Theo https://vanvn.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Tình yêu trong truyện Kiều của Nguyễn Du từ góc nhìn nữ quyền luận

  Tình yêu  trong truyện Kiều của   Nguyễn Du từ góc nhìn nữ quyền luận  Từ trong lòng xã hội phong kiến, khi mà quan điểm Nho giáo đang thố...