Thứ Tư, 15 tháng 1, 2025

Chiếc khẩu trang - Tản văn của Huỳnh Như Phương

Chiếc khẩu trang - Tản văn
của Huỳnh Như Phương

Vào những ngày cuối năm, một vài tờ báo lớn trên thế giới thường bình chọn nhân vật của năm (Person of the Year). Đó có thể là một nhân vật hoạt động chính trị – xã hội nổi bật trong năm, người gây ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của một đất nước, thường được in chân dung trang trọng trên bìa báo. Đó cũng có thể là một tập thể có nhiều đóng góp tích cực cho đời sống chính trị, kinh tế, văn hóa thế giới trong năm.
Khác với đời sống xã hội bình thường, trong đời sống văn chương, khái niệm “nhân vật” không chỉ áp dụng cho con người mà cả cho đồ vật và thú vật, chẳng hạn nhân vật chiếc giường trong truyện ngắn Xuân Diệu, những cái ghế trong kịch E. Ionesco, con chó sói trong tiểu thuyết của Tch. Aitmatov… Theo tinh thần đó, các nhà văn có thể dựng nên những “nhân vật” có tính cách, tâm hồn từ những sự vật của thế giới hằng ngày có quan hệ trực tiếp hay gián tiếp đến cuộc sống con người.
Hiểu theo nghĩa rộng, một trong những nhân vật – đồ vật xuất hiện xuyên suốt trong đời sống nhân loại năm 2020 chính là chiếc khẩu trang. Vốn chỉ thông dụng ở những xứ sở ô nhiễm môi trường hay trong những nơi làm việc độc hại, từ khi coronavirus khởi phát ở Vũ Hán (Trung Quốc) rồi trở thành đại dịch, chiếc khẩu trang đồng hành với đời sống con người, từ Đông sang Tây, từ thành phố hoa lệ đến thôn quê hẻo lánh, từ người trẻ trong học đường đến người già trong nhà dưỡng lão… Vượt qua những e ngại và thành kiến ban đầu, nay chiếc khẩu trang đã chinh phục tuyệt đại đa số nhân loại như là một “vị cứu tinh” trong đại dịch Covid-19, ít nhất là cho đến khi vaccine chủng ngừa căn bệnh này được sử dụng phổ biến trên toàn cầu.
Chiếc khẩu trang trước hết là một sản phẩm y tế, nhằm bảo vệ sức khỏe con người. Đeo khẩu trang là để lập lá chắn bảo vệ bản thân, gia đình và xã hội. Đeo khẩu trang cũng là cách góp phẩn giảm gánh nặng của y, bác sĩ và nhân viên y tế trong tình trạng quá tải của các bệnh viện; cũng như đội nón bảo hiểm không phải vì sợ cảnh sát giao thông phạt tiền mà vì sự an toàn của chính mình và cộng đồng. Đeo khẩu trang cũng phải đúng cách như đội mũ bảo hiểm thì mới hiệu quả. Ở một số điểm du lịch nước ngoài, người ta còn đeo khẩu trang cho các pho tượng danh nhân để khuyến khích du khách làm theo.
Từ một sản phẩm y tế, chiếc khẩu trang trở thành một hiện tượng giao tiếp xã hội. Đeo khẩu trang là một cách thể hiện thái độ ứng xử với tha nhân, với không gian công cộng. Cũng là “mask” như cái mặt nạ trong hội hóa trang, nhưng khẩu trang chỉ che miệng và mũi, vẫn còn để hở đôi mắt, vầng trán, mái tóc để nhận ra một hình ảnh. Người ta vẫn có thể nhận ra nhau qua ánh mắt lấp lánh niềm vui để động viên nhau hay buồn rầu ứa lệ trước cảnh người thân bị cách ly, thậm chí lìa đời mà không thể tiễn đưa. Giao tiếp qua trung gian chiếc khẩu trang đòi hỏi những thay đổi nhất định: giọng nói tăng âm, ánh mắt biểu cảm, khoảng cách cần thiết, cử chỉ linh hoạt để thu hút người đối thoại… Cách đeo khẩu trang nói lên tính kỷ luật và ý thức cộng đồng của con người. Người cẩn trọng đeo khẩu trang chỉ chạm vào sợi dây, không chạm vào mặt vải và thay mới hằng ngày; người cẩu thả đeo cho lấy có, dùng một khẩu trang vải nhiều ngày liền mà không giặt sạch. Năm qua nước ta thành công trong chống dịch, ngoài những biện pháp quyết liệt như giãn cách xã hội, cách ly tập trung, có phần nhờ nâng cao ý thức cá nhân trong việc sử dụng khẩu trang.
Trong hoạn nạn, chiếc khẩu trang trở thành một hiện tượng văn hóa, thể hiện tình gia đình, tình  đồng bào, tình nhân loại. Mỗi khi con bước chân ra khỏi nhà, mẹ luôn nhắc đeo khẩu trang dù con tỏ vẻ khó chịu. Nghe thành phố khan hiếm khẩu trang, một người cha từ quê đem vào cho con cháu một hộp khẩu trang mà vợ chồng ông mua để dành lâu nay. Bạn bè gặp nhau quanh bàn cả-phê, khi về tặng nhau một hộp khẩu trang, thật là thương mến. Công đoàn cơ quan tìm cách liên hệ công ty may mặc mua khẩu trang giá chính thức để phân phối cho đồng nghiệp. Bà con người Việt định cư ở nước ngoài dành thì giờ may khẩu trang tặng người dân sở tại như một cách chia sẻ khó khăn. Khi một địa phương trở thành tâm dịch, ngành y tế các địa phương khác sẵn lòng giúp đỡ bằng cách chi viện đội ngũ y bác sĩ, thuốc men, dụng cụ xét nghiệm và cả khẩu trang. Nước ta là nước đang phát triển, khó khăn đủ bề, nhưng trong đại dịch cũng cố gắng gửi sang các nước láng giềng, các đối tác – cường quốc những kiện khẩu trang như món quà thiết thực để bày tỏ tình liên đới.
Năm qua sản xuất khẩu trang đạt tiêu chuẩn quốc tế giúp tạo công ăn việc làm cho công nhân giữa lúc ngành may mặc lao đao vì xuất khẩu hạn chế. Chiếc khẩu trang trở thành một tiêu điểm trong thương mại và kinh tế: những phi vụ xuất khẩu thành công, những cú “lật kèo” hợp đồng để kiếm lời, những tranh chấp hàng hóa giữa các công ty, thậm chí giữa các quốc gia. Sản xuất và tiêu thụ khẩu trang trở thành một lĩnh vực chứng tỏ mua ngay bán thật hay làm hàng giả hàng dối trong tình cảnh khó khăn chung. Mấy tháng đầu năm biết bao gia đình phải chạy đôn chạy đáo tìm mua khẩu trang, trong khi có những lô hàng khẩu trang đầu cơ tích trữ để nâng giá, những xe hàng khẩu trang phi mậu dịch lặng lẽ chuyển qua biên giới.
Điều thú vị nữa là chiếc khẩu trang trở thành một yếu tố, một tác nhân của đời sống chính trị thế giới. Hơn một năm trước không ai hình dung trong các hội nghị quốc tế long trọng, các nguyên thủ quốc gia phải phát biểu và che giấu nụ cười sau chiếc khẩu trang, ngay cả trước ống kính của hàng trăm nhà báo. Nước nào có chính sách đúng đắn, phù hợp trong việc sử dụng khẩu trang thì góp phần giảm thiểu số ca tử vong vì dịch bệnh và tăng thêm uy tín cho người lãnh đạo. Một ứng cử viên mà ứng xử tùy tiện, thậm chí đùa bỡn vô trách nhiệm với cái khẩu trang thì chắc chắn mất điểm với cử tri. Trái lại, ứng cử viên đàng hoàng, cẩn trọng khi đeo khẩu trang ở chỗ đông người sẽ thêm sức thuyết phục lá phiếu của cử tri. Ở Mỹ thời gian qua, khẩu trang trở thành phương tiện vận động bầu cử, khi trên mặt người đeo có hình lá cờ hay tên ứng cử viên.
Thật vậy, chiếc khẩu trang cho thấy sự đa dạng của xã hội loài người. Tùy khả năng tài chính và sở thích, người ta sử dụng khẩu trang y tế, khẩu trang một lớp hay nhiều lớp, khẩu trang dùng một lần hay nhiều lần. Để giảm nhẹ sự căng thẳng khi đeo khẩu trang, người ta có sáng kiến may vải bằng nhiều loại chất liệu và nhiều màu sắc khác nhau, lại trang trí bằng những bông hoa, những hình vẽ đẹp mắt. Mỹ học ứng dụng phát huy thế mạnh trong trường hợp sáng chế ra những “khẩu trang nghệ thuật” này. Sự chọn lựa màu sắc trên khẩu trang cũng có thể cho thấy tính cách và tâm trạng người dùng như cách chọn y phục: giản dị hay cầu kỳ, kín đáo hay phô trương, buồn đau hay hớn hở. Hai mặt khẩu trang là hai mặt của cuộc đời này: bề ngoài là nguy cơ, có thể bám đầy vi khuẩn; bề trong phải giữ cho sạch sẽ, an toàn. Nhưng cũng có thể ngược lại: bên trong là một ổ vi trùng phải cần có lá chắn để bảo vệ người tiếp xúc ở bên ngoài. Có một chuyện kỳ thú là một cộng đồng người ở Hasnon, phía đông nam thành phố Lille ở miền bắc nước Pháp, đã treo khẩu trang hàng ngày như phơi áo quần lên các “cây chữa bệnh” để xua đuổi mầm bệnh như xua đuổi tà ma.
Sự lên ngôi của chiếc khẩu trang cũng có mặt tiêu cực của nó và kéo theo những hệ lụy cho cuộc sống con người. Người có thu nhập thấp nay phải thêm một khoản chi phí trong ngân sách gia đình vì mua sắm khẩu trang. Chiếc khẩu trang tự nhiên làm lộ thêm ra sự phân hóa giàu nghèo. Đeo khẩu trang thời gian dài có thể làm ngộp thở những người bị bệnh hô hấp mãn tính, nhất là khi đi máy bay. Người chạy xe máy ngoài đường gặp phiền phức khi chiếc khẩu trang làm hơi nước bay lên thành màn sương che mờ kính đeo mắt, ảnh hưởng đến tầm nhìn. Phiền phức nhất là đeo khẩu trang khi ăn uống: nhiều thực khách vỉa hè từng bị phạt tiền oan vì không thể vừa ăn vừa đeo khấu trang. Để khắc phục bất tiện này, một công ty của Israel sáng chế ra Eatmask là loại khẩu trang có thể điều khiển tự động mở ra khép vào khi miệng tiếp xúc với thức ăn, tuy cách sử dụng phức tạp có thể làm giảm hứng thú của “đệ nhất khoái”. Rồi việc vất bỏ khẩu trang đã qua sử dụng phải tính thế nào, thu gom hay tiêu hủy như rác thải y tế, chai ni-lông, túi nhựa để không làm hủy hoại môi trường. Nghĩ vậy nên Hiệp hội Art of Change 21 kêu gọi đeo khẩu trang Maskbook làm từ vật liệu tái chế.
Ai cũng mong vaccine ngừa coronavirus sớm được phân phối cho tất cả mọi người để cái thời mà chiếc khẩu trang là nhân vật chính sẽ qua đi. Con người càng chung tay bảo vệ môi trường, cương quyết đóng cửa những chợ động vật hoang dã như ở Vũ Hán, thì nguy cơ đại dịch sẽ giảm bớt. Chiếc khẩu trang trở lại vai nhân vật phụ, chỉ để tránh khói bụi ngoài đường, đã là một thử thách trong sinh hoạt rồi. Hãy cho nó vào túi áo giữa không gian trong lành nơi công viên, trường học, giáo đường, tự viện để “thở vào, tâm tĩnh lặng/ thở ra, miệng mỉm cười”.
Biết đến bao giờ câu chuyện cái khẩu trang mới trở thành đề tài của một thời xưa cũ, chỉ còn gặp trong bệnh viện hay trong phòng triển lãm “cổ vật” như bây giờ người ta triển lãm sổ gạo, tem phiếu thực phẩm của thời bao cấp?.
25/2/2021
Huỳnh Như Phương
Nguồn: Báo Người Lao Động Xuân Tân Sửu 2021
Theo https://vanvn.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Tiểu thuyết Những người mở đường của Hồ Thủy Giang nhìn từ đặc điểm thể loại

  Tiểu thuyết Những người mở đường của Hồ Thủy Giang nhìn từ đặc điểm thể loại Huyền thoại về 61 chiến sĩ thanh niên xung phong Đại đội 915 ...