Thứ Tư, 15 tháng 1, 2025

Khúc Hồng Thiện "Còn tin ở phía con người"

Khúc Hồng Thiện
"Còn tin ở phía con người"

Tôi lật đi, lật lại tập thơ “Còn tin ở phía con người”, tác phẩm mới nhất của Khúc Hồng Thiện vừa ra mắt bạn đọc, mà cứ băn khoăn: Các bìa của tập thơ không có một thông tin nào về tác giả như nhiều cuốn sách khác.Mặc dù tập thơ thứ ba này của anh (sau “Chênh chao tích chèo” và “Cùng nhau nhân từ”) ra đời khi anh đã là Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam và Hội viên Hội Nhà văn Hà Nội.
Không chỉ có sáng tác thơ anh còn làm báo và đã cho ra đời những tác phẩm báo chí, văn xuôidày dặn, ấn tượng. Anh đã có những giải thưởng và đang ấp ủ một số dự định mới ở tương lai. Anh còn rất trẻ. Bao nhiêu điều đó anh có thể ghi vào những trang bìa của sách và độc giả cũng cảm thấy bình thường. Điều đáng lưu ý nữa là tại bìa 1 “Còn tin ở phía con người” lần này thì tên tác phẩm, tác giả được in mấy dòng chữ nhỏ ở phía dưới còn tất cả là khoảng trống và hình nửa sau của một con người đầy ẩn dụ.
Ta đã quen đọc những quyển sách mà phần kể lể về tác giả chiếm một số trang quan trọng, nên khi thấy một cách làm khác có người cảm thấy lạ lẫm, nhưng tôi lại thích thú với cách làm của Khúc Hồng Thiện. Chỉ đơn giản: Khúc Hồng Thiện muốn độc giả đọc thơ anh như nó xuất hiện trong tập một cách công tâm, khách quan không cần sự chiếu cố nào về nhân thân tác giả, về quan hệ xã hội, về những lời bình luận của các nhà phê bình tên tuổi.
Với tâm thế đó, tôi đã đọc 36 bài thơ trong tập “Còn tin ở phía con người” của anh.Đến tập thơ thứ ba này, anh đã “Tự họa”: “Tích chèo chênh chao bước ra/ Người đi từ độ cùng ta nhân từ/ Linh ơi non nước hải hồ/ Nhập trong tiếng mõ nam-mô mà hành” (trang 60). Người đọc cảm nhận được sự thủy chung với những gì anh đã trải nghiệm và gắn bó từ những tập thơ đầu. Đó là truyền thống và sự tín niệm của bản thân với dân gian và màu sắc của đạo tu. Tuy thế ở tập thơ này ta thấy: Một Khúc Hồng Thiện đa dạng hơn, cảm nhận đời sống và suy tưởng nhiều hơn. Anh viết về chính anh như trong bài “Tự họa”. Anh còn thú nhận: “Biết mình còn vụng đường tu/vẫn mongngười sống nhân từ cùng nhau” (Lập xuân -trang 5). Anh “Tắm tất niên” cho mình và cả cho thiên hạ theo suy nghiệm của người tu hành.
Anh viết về tình yêu vẫn đằm thắm, ngọt ngào: “tiếng em nhẹ mà buồn, nghe thổn thức/ cứ như là trời đất cũng chơ vơ” (Đêm Đồ Sơn -trang51).  “Có một người con gái”: “Em bẽn lẽn bên hồ liễu rủ/ ta sóng đôi mà xao động trong lòng/một cái khẽ chạm tay mà xanh rờn mặt nước/ nhi nữ nào khiến Hoàn Kiếm mênh mông” (trang 42)…Với  những bài “Ngày luyến linh”, “Mưa Mai”, “Với Huế”, “Sao xa xôi đến lạnh lùng”, “Trăng nhung”… thơ tình yêu của Khúc Hồng Thiện dầy đặc hơn và có phong vị riêng khác rất nhiều những nhà thơ trẻ hiện đại: Không ồn ào mà thầm thì, kín đáo, đắm say nhưng vẫn giữ nếp truyền thống “Là ngày mưa của ngày xưa/ trong như cổ tích tay vừa vòng ôm” (Ngày luyến linh -trang 37). Trong thơ, anh “Trò chuyện cùng con”, anh nói về dòng “họ Khúc ở Hồng Châu” của mình, về người mẹ đã khuất: “Mẹ như vừa ở chợ về/con còn thoáng thấy bên hè đôi quang…” (Mẹ còn tất bật cuối năm -trang 78) tất cả là sự giản dị, thân thuộc đầy sức gợi của một người mẹ đảm đang, tảo tần trong hồn thơ trẻ.
“Còn tin ở phía con người” – tập thơ mới của nhà báo, nhà thơ Khúc Hồng Thiện, NXB Dân Trí-2020
Nhiều người đã nói về thơ lục bát của Khúc Hồng Thiện. Đó không chỉ là thể thơ anh dùng nhiều trong hai tập thơ đầu đời của mình mà người đọc đã nhận ra những gì như là của riêng anh khi anh thực hành thể thơ quen mà lạ này. Đến “Còn tin ở phía con người” cảm nhận đó càng được định vị rõ qua những bài thơ lục bát của tập. Trong 36 bài thì có 23 bài là lục bát. Ở đó, phẩm chất thơ Khúc Hồng Thiện được thể hiệnkhá đầy đủ cả những điểm mạnh và những điều người đọc còn băn khoăn muốn có sự hoàn thiện hơn của thơ lục bát Khúc Hồng Thiện.
Đọc bài “Còn tin ở phía con người”,bài thơ anh lấy làm tên tập thơ, ta thấy một Khúc Hồng Thiện hay nghĩ ngợi,đau đáu trong cảm nhận một cuộc sống không xuôi chiều, giản đơn và nhà thơ cũng không ngần ngại bộc lộ ý tưởng đó qua thơ của mình. Đó là sự đối lập giữa thuận và nghịch, giữa tích cực và tiêu cực, giữa những cái đã, đang và những gì có thể diễn ra trong thì tương lai. Giữa bài, anh đặt câu hỏi : “Còn tin ở phía con người nữa không?”, đến câu gần cuối anh đã viết “Còn tin ở phía con người” cứ ngỡ đây sẽ là câu kết, một câu kết có hậu mà nhiều người sẽ đồng tình. Nhưng không, câu kết còn có dòng 8 chữ nữa “tuy rằng cái bọn đười ươi cũng nhiều”. Có người đọc giật mình vì lời cảnh báo này nhưng đó là sự thật và nhà thơ chỉ ghi lại “những điều trông thấy” trong cuộc sống bề bộn hiện nay mà thôi.
Bài “Lúa trên sân Văn Miếu”cũng là một bài tạo được ấn tượng với người đọc: Từ những bia tiến sĩ, tấp nập những vương tướng, những vinh hoa…ở nơi “cửa Khổng, sân Trình”, Khúc Hồng Thiện nghĩ về “những luống cày”, những “bảng lảng quê nhà khói mây”, những “miền cố hương”, những người “dân mình”…và “Còn bao góc khuất triều đình/ lấp sau rêu đá chình ình nghìn năm/ thế rồi vằng vặc trăng rằm/ soi tên người sáng, tối vằm mặt bia”(Bài đã dẫn –trang 8). Lịch sử với những thăng trầm, sáng tối được nhà thơ cảm nhận bằng cơ sở trực cảm của người dân vùng quê lúa ngàn đời trên nền nông tang đất Việt. Những dòng thơ đang bị đè nặng bởi thời gian và sự suy tưởng lại được nhẹ đi bởi hai dòng thơ kết: “Trên sân Văn Miếu, ô kìa/ bóng người trồng lúa. xong, đi nhẹ nhàng!” (Bài đã dẫn -trang 9). Đúng là Khúc Hồng Thiện, anh luôn kêu gọi và mong muốn những con người của mũ áo vinh hoa hãy “xong rồi đèn sách…lại thương dân mình”.Anh cảm nhận lịch sử bằng con tim nồng ấm của một người trẻ độ lượng.
Bài lục bát viết về Kiều: “Tôi xin an táng…”,của Khúc Hồng Thiện cũng có những dòng thơ đáng suy ngẫm về cái chết của Thúy Kiều ở sông Tiền Đường: “Tiền Đường, Kiều chết thật rồi/ làm gì có chuyện trên giời: hồi sinh”. Ẩn trong cách nói chơi chơi mang tính giễu nhạiấy là những điều làm nhà thơ day dứt từ bao năm nay: “đời Kiều đã chết bao lần/ giải oan bạc mệnh còn luân hồi về”, “Kiều đã chết dưới trăng thề cùng Kim”, “Bao lần sóng đánh mặt duềnh/ Sở Khanh rồi đến Thúc Sinh lập lờ/ Từ Công lâm trận sa cơ/ Em còn sống để mà mơ tưởng gì”. Như thế là Kiều đã chết nhiều lần rồi: Đó là cái chết của sự trinh trắng, của sự yêu thương say đắm với mối tình chàng Kim… và lần này ở sông Tiền Đường “Thôi lần này quyết ra đi/ dòng sông xanh mát Kiều về thảnh thơi/ mười năm năm mấy cuộc đời/ tôi xin an táng cho người tôi thương.” Một sự cảm thương đầy trắc ẩn với thân phận nàng Kiều của hơn hai trăm năm trước.
Ở bài “Sóng đôi một đoạn với Kiều”, anh đồng cảm, sẻ chia sâu sắc với Nguyễn Du và nàng Kiều: “Tóc xanh cho đến bạc đầu còn yêu” và sông Tiền Đường không chỉ là nỗi đau buồn của những người xưa mà còn là sự trăn trở,vấn vương, thương cảm của những người thời nay “Tuy không phải sóng Tiền Đường/ Mà hong tóc rối hồn vương đến giờ” (trang 16).
Ngay cả trong cảm quan, nhà thơ trẻ Khúc Hồng Thiện cũng vẫn trung thành với truyền thống nhân ái, vị tha của ông cha và đặc biệt anh đã sử dụng thơ lục bát một cách nhiệt thành và tận tâm. Trong thơ Khúc Hồng Thiện, lục bát được thể hiện trôi chảy từ trái tim cảm nhận, nghĩ suy đến tưởng tượngmà tự nhiên ra nhịp, ra vần… người đọc không nhận ra một sự khiên cưỡng nào. Cách gieo vần tự nhiên, sử dụng ngôn ngữ thông dụng, có khi đến hồn nhiên chân mộc, dân dã đời thường.
Thơ lục bát Khúc Hồng Thiện luôn giữ được hai căn cốt cơ bản: Trên 6, dưới 8; vần ở chữ 6 câu sáu và chữ 6 câu 8. Bây giờ nhiều người có huynh hướng chặt câu thơ lục bát làm nhiều đoạn. Chỉ 14 chữ mà có tới 4,5 dòng thơ, nếu không có vần thì người đọc có thể nhầm tưởng với các câu thơ bậc thang của thơ tự do thời hiện đại. Thực chất, sự xuống dòng bậc thang đó chính là nhịp của thơ lục bát. Lục bát trong ca dao và đặc biệt là Truyện Kiều của Nguyễn Du, bằng các cặp đôi 6/8 đều đặn với trên ba ngàn câu vẫn có đủ khả năng diễn tả tất cả những trạng thái của đời sống và những cung bậc tình cảm của con người qua cách sử dụng từ ngữ, nhịp điệu ở từng dòng thơ. Khúc Hồng Thiện luôn giữ cho mình vốn truyền thống lục bát đấy.
Thơ lục bát Khúc Hồng Thiện vẫn cho phép tác giả mở rộng biên độ của cảm xúc, suy tưởng qua việc sử dụng từ, nhịp trong các câu 6/8: “Hình như từ ấy vẫn thềm/ trăng biêng biếc bạc/ nhung mềm mại nhung/nắm tay còn những thẹn thùng/ sang đường, run quá! Ngập ngừng…Thủ đô” hoặc “mộng năm nao, mộng năm nào/ cậy thanh xuân, kệ. ngã nhào cũng yêu” (Trăng nhung-trang33) Hay: “Trên sân Văn Miếu, ô kìa/ bóng người trồng lúa. xong, đi nhẹ nhàng!”. Ngắt nhịp trong từng dòng thơ rất linh động, không gò bó giúp cho lục bát của Khúc Hồng Thiện diễn tả được cả những suy nghĩ, cảm xúc tươi mới của tâm hồn người trẻ…
Tuy nhiên, lục bát của Khúc Hồng Thiện có đôi chỗ mộc mạc, mang dáng vẻ của ngôn ngữ đời thường, nếu chịu khó suy nghĩ, chọn lọc, tính mỹ cảm của ngôn ngữ thơ sẽ được trau chuốt hơn.Thí dụ, nói về Kiều ở sông Tiền Đường anh viết: “chẳng biết bơi, cố trẫm mình/ không chết thì cũng hóa thành nói điêu” (trang 13) hoặc có câu thơ như văn xuôi “Bỗng dưng giá đất lên cao/ Thủ đô liền sáp nhập vào Hà Tây” (Thăng Long cứ tưởng-trang 20). Đó là những “hạt sạn nhỏ” trong một tập thơ của nhà thơ trẻ.
Tôi hi vọng nhà thơ Khúc Hồng Thiện sẽ tự điều chỉnh và tiếp tục hồn thơ dân tộc qua truyền thống lục bát của ông cha để thể thơ này luôn là mới trong thời đại có nhiều xu hướng cách tân thơ. Đọc “Còn tin ở phía con người” của anh, tôi tin Khúc Hồng Thiện sẽ làm được điều mà nhiều độc giả yêu mến anh chờ đợi.
Hà Đông, 17/2/2021
Thanh Ứng
Theo https://vanvn.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Tiểu thuyết Những người mở đường của Hồ Thủy Giang nhìn từ đặc điểm thể loại

  Tiểu thuyết Những người mở đường của Hồ Thủy Giang nhìn từ đặc điểm thể loại Huyền thoại về 61 chiến sĩ thanh niên xung phong Đại đội 915 ...