Thứ Hai, 29 tháng 4, 2024

Chiếc khố của đàn ông Việt có gì đặc biệt

Chiếc khố của đàn ông
Việt có gì đặc biệt?

Trang phục của nam giới Việt phù hợp với thời tiết nóng ẩm, và thuận tiện trong sinh hoạt. Chiếc khố đã xuất hiện từ lâu đời và được sử dụng phổ biến ở nông thôn.
Người phương Tây đã miêu tả những người chèo thuyền quấn một chiếc khăn che hông, thực ra đó là đóng khố. Trong nhiều tranh vẽ của người phương Tây, thì cảnh người đàn ông Việt đóng khố mình trần không hiếm, và khố là trang phục duy nhất mang trên người.
Thời tiết nóng ẩm, công việc chân tay vất vả, người lao động không có gì phải ngượng khi chỉ mang mỗi chiếc khố che bộ phận sinh dục. Nhưng chiếc áo dài tới gót cũng là một y phục phổ biến mặc trong lúc cần trang trọng, và tất cả tài liệu đều nhấn mạnh rằng không một ai dám đứng trước vua quan nếu không mặc chiếc áo dài.
Khố thường được nhuộm thâm, có thể hiểu là đen hay nâu đen, còn cả lính lẫn dân thường thì độc một sắc nâu nếu bận quần áo. Có người cho rằng quần đùi xuất hiện muộn, và người Việt không biết may quần đùi, trong khi đóng khố thì tốn vải hơn rất nhiều.
Một chiếc khố thường dài đến 12 m, với khổ vải 35,40 cm, cá biệt có chiếc khố dài đến 25 m và được thêu thùa rất đẹp. Đóng khố là một thứ văn minh riêng chứ không phải vì không biết may mặc.
Quần đùi có thể rách khi lao động. Những chiếc quần đùi rách tươm cũng đã được trông thấy vào thế kỷ 18. Đối với lính thì trang phục cũng giản đơn như dân, nhưng quần chỉ ngắn đến đầu gối, áo chỉ dài quá hông, có lẽ cho gọn gàng khi chiến đấu, đầu đội nón nhọn và chân đi đất.
Theo mô tả của người phương Tây thì cả dân lẫn lính đều không biết gì đến giầy và tất. Người dân thường đội những chiếc nón nhọn, hoặc rộng vành bằng lá gồi hoặc bện bằng rơm. Màu nâu y phục thay đổi dần khi vào Đàng Trong. Vài hình vẽ cho thấy người Đàng Trong ăn mặc kiểu thức không khác mấy Đàng Ngoài, nhưng đầu có quấn một chiếc khăn lớn bằng vải trắng, áo và quần cũng trắng, hoặc nâu nhạt, hoặc đen.
[…] Từ thời vua Minh Mạng có chiếu chỉ cấm phụ nữ không được mặc váy ra đường. Lúc đó câu ca: “Chiếu vua Minh Mệnh ban ra/ Cấm quần không đáy người ta hãi hùng“. Tất nhiên lệnh cấm này không có tác dụng nhiều trong sinh hoạt làng xã, vả lại phụ nữ nông thôn cũng thường không đi xa quá ngôi làng của mình, trong trường hợp phải đi chợ thì họ mượn quần của chồng.
Quần áo bình dân trong thế kỷ 19 có thay đổi chút ít, ở Nam bộ vài kiểu áo cài bằng khuy thắt vải, cổ thấp có hai túi sườn do người Hoa mang đến. Nông dân Nam bộ may bộ bà ba đen cho cả đàn ông lẫn đàn bà, và quấn chiếc khăn đầu rìu theo kiểu người Khmer, lúc nóng thì vắt khăn lên vai, khi gánh gồng thì buộc khăn vào bụng.
Ở Bắc bộ, dân vẫn mặc thuần đồ nâu, lối may không khác kiểu miền Nam cho lắm. Vào mùa đông, nông dân Bắc bộ hoặc khoác thêm chiếc áo tơi bằng lá gồi kết rất dày có thể che cả mưa, hoặc mặc thêm một hai chiếc áo cánh, tức là độn ba chiếc áo giống nhau, còn dân thành thị may những chiếc áo bông vỏ áo bằng lụa hoặc sa tanh đen.
Phần lớn vẫn đi chân đất, đêm đắp chiếu, chăn… Chiếc nón tam giác của đàn ông được cải tiến thành chiếc nón của đàn bà tới mức sau này nó trở thành thời trang của phụ nữ. Sự may đo cẩn thận, tuy kiểu thức không khác nhiều, làm cho vẻ dân thành thị mặc gọn gàng hơn nông dân, trong khi nông dân vẫn tự cắt may hoặc may đồng loạt bởi một thợ làng.
Mọi phụ nữ đều vấn khăn vành, trẻ con thường húi trọc để lại một hoặc ba chỏm, đến cuối thế kỷ 19 đàn ông bắt đầu cắt tóc ngắn. Người để trần đóng khố ra đường thưa dần.
19/6/2023
PV
Nguồn: Zing
Theo https://vanchuongphuongnam.vn/ 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Cái còn lại hóa cái không

Cái còn lại hóa cái không Nhà thơ Tạ Bá Hương vừa được kết nạp hội viên Hội Nhà văn Việt Nam năm 2022. Anh tốt nghiệp Khóa 7 Trường Viết v...