Thứ Ba, 30 tháng 4, 2024

Lê Lựu - Nhà văn của những tiếng cười

Lê Lựu - Nhà văn
của những tiếng cười

Bản thân Lê Lựu đã là một nhân vật lớn trong bất kỳ một cuốn tiểu thuyết nào của các tác giả khác, xung quanh con người và cuộc sống của ông đã dệt nên bao giai thoại khiến cho người đọc, người nghe cười đến ngả nghiêng, và đương nhiên ông luôn là nhân vật của chính bản thân ông.
Trong các cuộc đàm đạo văn chương chính thức và bán chính thức, chúng tôi thường đặt cho nhau một câu hỏi giả định rằng: nếu vì một lý do bất khả kháng nào đó, anh chỉ được phép cứu vội 10 cuốn tiểu thuyết đương đại của các nhà văn Việt Nam thì anh sẽ chọn những cuốn nào? Mỗi người đều có những đáp án riêng của mình, nhưng có một sự đồng thuận khá cao khi những cuốn tiểu thuyết “Thời xa vắng” của Lê Lựu; “Số đỏ” của Vũ Trọng Phụng; “Nỗi buồn chiến tranh” của Bảo Ninh và “Mảnh đất lắm người nhiều ma” của Nguyễn Khắc Trường luôn được ưu ái chọn lựa.
Và nhiều khi tôi cứ lẩn thẩn suy nghĩ rằng, nếu như nền văn học nước nhà trong nửa cuối thế kỷ 20 không xuất hiện nhà văn Lê Lựu thì sẽ ra sao nhỉ? Tất nhiên là sẽ không có “Người về đồng cói”; “Sóng ở đáy sông”; “Thời xa vắng”; “Hai nhà”… Vâng nếu không có những cuốn sách ấy thì hình như sẽ có một sự thiếu vắng rất đáng kể của nền văn học nước nhà, mà sự thiếu vắng lớn hơn đó chính là thiếu vắng sự hiện diện của bản thân nhà văn Lê Lựu trong đời sống văn học của chúng ta.
Bản thân Lê Lựu đã là một nhân vật lớn trong bất kỳ một cuốn tiểu thuyết nào của các tác giả khác, xung quanh con người và cuộc sống của ông đã dệt nên bao giai thoại khiến cho người đọc, người nghe cười đến ngả nghiêng, và đương nhiên ông luôn là nhân vật của chính bản thân ông. Khi đã dám đưa chính mình ra để làm nhân vật, để mà đắp lên mình bao “chiếc mặt nạ” để cho người đời khóc cười với mình thì phải là một người có bản lĩnh và tài năng xuất chúng bởi chưng rằng tâm lí chung của con người là “xấu che tốt khoe”, nhưng Lê Lựu thì không thế.
Đã từ lâu trong giới phê bình học thuật thường hay than vãn rằng văn học Việt Nam quá thiếu vắng sự hài hước, các nhà văn Việt Nam viết nghiêm túc quá, điều đó đúng nhưng bản thân chúng tôi xét thấy chưa đủ, liệu có phải chăng chúng ta đang quan niệm hài hước phải là tiếng cười bật ra đầu môi? Cũng giống như làng hài kịch nước nhà hiện nay cũng lắm tiếng cười đấy chứ, họ còn tự phong cho nhau là ông hoàng, vua hài… nhưng những tiếng cười “cù nách” chỉ có giá trị nhất thời và đem lại tiếng cười quá dễ dãi cho lớp người bình dân, nếu cứ kéo dài mãi thì chẳng góp được ích lợi gì trong việc nâng cao trình độ kiến thức thưởng thức nghệ thuật của quần chúng, còn tiếng cười của những nghệ sĩ hài thuở trước như Trịnh Thịnh, Trịnh Mai… nó còn sống lâu bền với thời cuộc. Vì tiếng cười ấy mang đầy hàm lượng trí tuệ. Tiếng cười có thể không đến ngay và luôn, nhưng tiếng cười còn ở mãi trong mỗi người xem khi nghĩ đến. Và xét cho đến tận cùng thì hình như tiếng cười từ những bi kịch mới là tiếng cười đọng lại sâu nhất trong lòng người đọc. Chúng tôi thấy được điều ấy ở trường hợp của Lê Lựu.
Trở lại tiếng cười trong tác phẩm văn học, mỗi khi nhắc đến yếu tố này, người ta nghĩ ngay đến “Số đỏ” của Vũ Trọng Phụng, đúng là mỗi câu văn của Vũ Trọng Phụng trong “Số đỏ” luôn gây cho người đọc những tiếng cười với những trạng huống khác nhau, cười đấy và buồn đấy, cười đấy rồi khinh đấy, cười đấy rồi khóc đấy… Nhưng tiếng cười của Vũ Trọng Phụng là tiếng cười “của một ai đó ở ngoài tác giả” điều đó cũng tốt nhưng hình như nó vẫn chưa thấm bằng tiếng cười của Lê Lựu và Nam Cao (ở đây chúng tôi không so sánh về giá trị nghệ thuật của tác phẩm cũng như tài năng của các tác giả). Sở dĩ có nhận định như vậy là vì hình như toàn bộ tác phẩm của Lê Lựu, ông đều “mổ bụng mình ra cho thiên hạ xem”, những nhân vật chính trong những sáng tác của Lê Lựu đều là những Lê Lựu ”phẩy” mà hiện hình lên trang sách. Ông đã biến mình thành nhân vật của chính mình, đưa cái dị mọ nhôm nhoam của chính mình ra để diễu và người đọc qua nhân vật của ông đã soi chiếu lại đời sống, soi chiếu lại chính mình và xã hội đương thời.
Trường hợp này cũng xuất hiện ở nhà văn Nam Cao như nhà văn Tạ Duy Anh đã từng nhận định: “Theo tôi, nếu đọc thật kĩ, sẽ thấy Nam Cao mới thực là nhà văn hài lớn nhất của văn chương Việt. Dám mang mình ra để cười nhạo, biến mình thành nhân vật hài rồi lồng vào đó sự phê phán thời đại, chưa bao giờ là dễ dàng với bất cứ người cầm bút nào”. Nhưng qua khảo sát chúng tôi thấy, cái sự “triệt để” ở Nam Cao vẫn chưa bằng Lê Lựu, nếu xem tác phẩm “Chí Phèo” là đỉnh cao của sự nghiệp văn chương Nam Cao thì ở đó chúng tôi thấy vẫn còn mờ nhạt thậm chí là thiếu vắng hình bóng của Nam Cao và còn ở nhiều tác phẩm khác của ông cũng thế.
Nhưng chúng ta thử ngẫm lại xem, Lê Lựu đậm đặc trong từng tác phẩm của ông, mà tác phẩm nào cũng có cái để cười, có cái để mà đau, mà suy ngẫm. Đọc Lê Lựu ở từng câu, từng chữ thì sẽ ít gây cười, nhưng ở những chi tiết, những trường đoạn và sau khi đọc kỹ, ngẫm kỹ sẽ gây cười. Ví dụ như chuyện của anh Sài trong “Thời xa vắng” chẳng hạn. Theo sự chỉ đạo của tổ chức – mà thực chất là một anh “đại diện” tổ chức – là Sài phải “kiên quyết cắt đứt quan hệ với người mình yêu để “thực sự yêu vợ”. Hay đoạn viết về buổi họp gia đình, bữa cơm khi nhà có khách, đám ma ông đồ trong “Thời xa vắng” được miêu tả sống động và hài hước, tạo được một không khí “nhà quê” rất đặc trưng Lê Lựu. Trong truyện “Đại tá không biết đùa”, Đại tá Hoàng Thủy để rèn luyện con, ông đã yêu cầu Công an huyện cho Tùy đi tập trung cải tạo, tự xin hoãn đi học đại học ở nước ngoài để làm công nhân, bắt con phải từ bỏ tình yêu với cô gái đã từng yêu một người khác vì cho rằng “người ta đã bỏ được người thứ nhất cũng dễ dàng bỏ đến người thứ một trăm”.
Bìa tiểu thuyết “Hai nhà” của nhà văn Lê Lựu
Lê Lựu có biệt tài đưa cái hồn nhiên, dân dã vào trong tác phẩm và đặt tên nhân vật, tạo tình huống để có tiếng cười, mặt khác, ông cũng có tài khi đưa vào tác phẩm những nhân vật ngớ ngẩn, duy ý chí, cứng nhắc rập khuôn “ngu, ác một cách hồn nhiên” để tạo cho người đọc những tiếng cười thâm sâu mà chua chát. Hay tình huống ông Tâm tốt tính, hiền lành nhưng nhu nhược. Một ông Địa thâm trầm nhưng hèn hạ và độc ác ngấm ngầm trong “Hai nhà”. Thực chất hai ông chính là hai mặt của một con người, nhưng cái trớ trêu ở chỗ dù hiền lành hay độc ác thì cuối cùng cũng bị những người đàn bà lừa cho trắng mắt, dù dân gian có câu: “Đàn ông nông nổi giếng khơi/ đàn bà sâu sắc như cơi đựng trầu”. Lê Lựu đưa ra một phản đề để người đọc suy ngẫm và cười và đau, cười chua chát cho nhân tình thế thái, cho đạo lý, có tình yêu, tình nghĩa vợ chồng…
Từ trước tới nay khi nhắc đến Lê Lựu, không hiểu vì sao người đọc và cả các nhà nghiên cứu thường ít nhắc đến cuốn tiểu thuyết “Hai nhà” của ông. Theo cái sự đọc của chúng tôi, nếu đọc và ngẫm kỹ, chính tiểu thuyết “Hai nhà” là “tập hai” của “Thời xa vắng” dù tất cả các nhân vật đều khác tên, khác tuổi. Nhưng khi đọc ta sẽ thấy Tâm trong “Hai nhà” chính là Sài trong “Thời xa vắng”. Tâm và Sài đều đánh mất bản thân, đều nín nhịn, chiều chuộng vợ và cuối cùng đều bị phản bội. Kết cục của Tâm là hai đứa con mà anh dốc lòng chăm bẵm đều không phải con đẻ của anh, cay đắng hơn, đứa con của một người bạn thân chết oan trong trò gian dâm của vợ anh. “Hai nhà” và “Thời xa vắng” đều dần mở ra những ô cửa sổ để người đọc khám phá căn nhà rộng lớn có tên Lê Lựu, tựu trung lại là những bi kịch do chính con người tạo ra, những bi hài kịch do lòng hận thù, ích kỷ, tham lam, dâm đãng, vô văn hóa của chính con người.
Cũng có thể do cái bóng của “Thời xa vắng” quá lớn nên đã chen mất “Hai nhà” chăng? Hay vì văn phong của “Hai nhà” khác với văn phong của Lê Lựu vốn có? Trong “Hai nhà” là một Lê Lựu lọc lõi, sâu cay và lạnh lùng một cách triệt để, một Lê Lựu dám dấn thân đi đến tận cùng của cái ác, cái giả trá và lật lọng? Mà người đời thì vốn thích ấm áp và vị tha? Có phải vì những điều trên mà “Hai nhà” ít được nhắc đến? Chúng tôi vẫn tìn rằng đến một ngày nào đó, nếu bạn đọc đọc kỹ cuốn tiểu thuyết “Hai nhà” của nhà văn Lê Lựu sẽ nhìn được thêm một mặt vốn khuất lấp của chính Lê Lưu.
Tuy nhiên, nếu đọc văn học mà tin một trăm phần trăm nhân vật là tác giả thì quả là mới đọc ở con mắt chứ chưa đọc bằng cái đầu, nhưng trường hợp của Lê Lựu thì mới chỉ đọc bằng con mắt cũng đã dễ nhận ra, còn nhận ra bao nhiêu phần trăm thì tùy thuộc ở bạn.
6/5/2023
Nguyễn Thế Hùng
Theo https://vanchuongphuongnam.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Cái còn lại hóa cái không

Cái còn lại hóa cái không Nhà thơ Tạ Bá Hương vừa được kết nạp hội viên Hội Nhà văn Việt Nam năm 2022. Anh tốt nghiệp Khóa 7 Trường Viết v...