Chủ Nhật, 28 tháng 4, 2024

Tiếng chuông chùa Tử Đằng

Tiếng chuông chùa Tử Đằng

Gần đây, cả thế giới xôn xao bàn luận về tiếng chuông có màu sắc của chùa Tử Đằng. Không một học giả uyên bác, một cao tăng đắc đạo nào lý giải được hiện tượng kỳ bí ấy. Nhưng tôi hiểu vì sao tiếng chuông chùa lại có những sắc màu huyền ảo đến như vậy…
Những chiều Chủ nhật, khi lũ trẻ chúng tôi đi lang thang tìm sim chín, bắt ếch ngoài nghĩa địa dốc Lim thường gặp một người đàn ông cao lớn, đạp xe loạng choạng vào nghĩa địa. Ông ta vứt chiếc xe chỏng chơ, rồi vác cái cuốc, xách một bọc to, trong đó có nhiều bọc nhỏ, đi liêu xiêu và hát. Đó là một bài hát hết sức kì quái, chưa từng nghe thấy ở đâu, cứ lặp đi lặp lại một điệp khúc ghê rợn, nhất là khi nó vang vọng ở một nơi đầy âm khí. Gặp hôm có mưa dầm, chao ôi, những lời hát ấy lạnh như những con rắn chết ai đó thả vào trong ngực áo lùng nhùng, càng chạy càng thấy kinh hãi:
Bé con chui ra từ một cái lỗ
Rồi lại chui vào một cái lỗ
Đừng sợ và đừng khóc
Rồi sẽ hóa chồi non
Mong đừng để trâu bò nhai rau ráu
À í a…
Ông lão có cái mũi to đỏ chót như quả cà chua chín ấy đặt cái bọc to xuống, bổ mấy nhát cuốc đào một cái hố bằng miệng thúng, rồi thả từng bọc nhỏ vào đấy, miệng thầm thào. Vào đây. Nằm đây nhé. Ngoan nào. Mả bố bọn người lớn. Đú cho lắm vào. Rồi tòi bé ra. Bé nằm đây. Đất mát lắm. Chỉ lo bọn giun đục mắt bé thôi…
Cứ chôn xong một bọc, ông ta lại bẻ một cành sim, cắm lên. Xong việc ông ta chùi tay vào đít quần, rút trong túi ra một chai rượu nhỏ, ngửa cổ làm một hơi cạn sạch, rồi lại liêu xiêu đạp xe, vừa đi vừa hát khúc hát ghê rợn kia. Bọn trẻ chúng tôi vừa vặt sim chín, mua đất nhai ngấu nghiến, vừa theo dõi ông lão. Hôm đầu tiên bắt gặp hình ảnh quái dị này, chúng tôi tò mò đến bới một hố đất nông choèn, mở tấm vải xô trắng ra rồi hét lên mà chạy, trong đó là một đứa bé chừng sáu, bảy tháng tuổi, tím tái, mắt vẫn mở trừng trừng. Chúng tôi bỏ chạy tán loạn, xuống đến chân đồi vẫn còn tim đập chân run. Tôi về nhà kể cho bố mẹ nghe, bố tôi thở dài, mãi mới lên tiếng:
– Sao bây giờ người ta ác thế. Con lớn lên hãy ghi nhớ một điều. Con người ai cũng có nhược điểm, có sai lầm nhưng không bao giờ được ác. Nếu ác thì sớm hay muộn thôi, người không hại thì trời sẽ hại.
Ông cứ lặp đi lặp lại điệp khúc ấy, nhỏ dần rồi kết thúc bằng một tiếng nấc. Bố tôi là giáo viên dạy văn, ông nói sâu xa lắm, lúc ấy tôi chỉ hiểu lờ mờ, mãi sau này tôi mới thấm thía những lời răn dạy của bố.
Còn mẹ tôi thì bảo:
– Lũ thanh niên bây giờ rửng mỡ, quan hệ bừa phứa, rồi hậu quả đến mới biết. Mà có hồn ma thật đấy, nó chẳng báo oán cho mà xem…
Bố tôi nhăn mặt:
– Bà mê tín vừa vừa thôi. Hồn ma nào. Nói thế là tiêm nhiễm cho con cái…
Thực ra lúc ấy, lời cha mẹ với tôi chỉ như gió thoảng qua tai. Nhà tôi nghèo nhất trong cái xóm này. Bọn trẻ trâu chúng tôi không lang thang ra tìm kiếm ngoài nghĩa địa, lấy cái gì mà ăn. Nghĩa địa đã vài trăm tuổi, mồ mả san sát. Ngôi mộ cũ vừa bốc xong chỉ vài hôm sau được sửa sang lại, một chiếc quan tài đỏ chót khác đã được đặt xuống. Tôi nghĩ nghĩa địa như cái quán trọ, các hồn ma thay nhau vào ngủ trọ trước khi bay lên trời. Sát kề nghĩa địa có một dòng suối quanh năm nước đen ngòm, các loài cá ở đây to và hung dữ khác thường. Tôi thường ra câu ở đấy, buổi nào cũng mang về một giỏ nặng. Nhưng tôi bị một vố nhớ đời, hôm ấy, trước khi về, tôi mở nắp giỏ ra ngắm thành quả lao động của mình, bất ngờ một con cá gáy lao vụt lên, cắn chặt vào má, đau gần chết, mãi tôi mới rứt được con cá ra và đập chết nó, nhưng má tôi mất một miếng thịt bằng đồng xu. Khi nhìn xuống suối, hàng trăm mắt cá trợn trừng nhìn tôi căm giận.
Tôi bỏ câu cá, đi hái sim để ăn và bán. Lạ một điều, khắp nghĩa địa này bạt ngàn những cây sim cằn cỗi, hoa tím nhạt nhẽo, cho quả nhỏ tí chát xít nhưng thỉnh thoảng có những vạt sim cao lớn, hoa tím ngắt, quả to và ngọt vô cùng. Tôi sung sướng lần theo những vạt sim quanh năm tươi tốt ấy, vặt quả, vừa ăn vừa bỏ vào túi bạt đeo bên mình. Bỗng tôi sởn gai ốc, bụi sim trước mặt bật khóc nức nở, bụi sim sau lưng lại cười khanh khách. Tôi co giò định bỏ chạy thì hàng chục bụi sim đã di chuyển đến, tạo thành vòng tròn, quây kín lấy tôi. Tôi nằm ngửa ra đất, run bắn, mồm há hốc mà không sao kêu được. Kì lạ thay, những cây sim ấy như một lũ trẻ con nghịch ngợm, chúng dùng cành lá cù vào nách, ngoáy lỗ mũi, véo tai, rồi chúng tha cho tôi.
Tôi ngất xỉu vì sợ hãi, lúc tỉnh dậy trời đã chuyển sang chiều muộn, nghĩa địa hoang lạnh, chỉ có gió buồn bã trườn mình qua những lùm cây. Ông lão chôn thai nhi lại bậm bịch cuốc đất, đào hố, vừa làm vừa cất tiếng hát. Xong việc, ông ta ngồi phệt xuống đất, không uống rượu như mọi khi mà cầm chai rượu rưới xuống đất, lầm bầm điều gì không rõ. Thấy lạ, tôi rón rén lại gần:
– Ông ơi. Sao ông lại chôn bọn trẻ con? Ông không kinh à?
Ông ta ngẩng mặt nhìn tôi, gương mặt khô quắt sần sùi như mặt quỷ, vừa giống quả đu đủ héo vừa giống củ riềng già phơi nắng lâu ngày, từ hai hốc mắt đùn ra hai giọt nước to và trong. Ông trả lời tôi bằng một giọng trầm lạ lùng:
– Ta trả nợ cho mình…
Bất ngờ ông ta khóc tu tu. Rồi từ những lời kể đứt quãng, tôi mới biết khi trẻ tráng, ông là một gã trai phong tình lãng tử, làm nhiều cô gái có bầu rồi bắt họ phá thai. Có một lần say rượu, chếnh choáng về, qua cổng bệnh viện bỗng có đến mấy chục đứa trẻ sơ sinh người bê bết máu cứ bám lấy ông mà gào khóc, cào cấu. Đau và sợ nhất là có một đứa ôm lấy mặt ông. Khi nhìn xuống thì thấy ruột gan nó lòng thòng. Ông gào lên bỏ chạy. Một chiếc ô tô lao tới. Hơn ba tháng sau rời bệnh viện về nhà, gương mặt ông biến dạng khủng khiếp, nửa mặt người, nửa mặt quỷ…
Ông cứ lẩm bẩm kể không đầu không cuối như thế, hình như không phải kể với tôi mà kể với những linh hồn nào đó, vô hình, đang bay lượn trên cái đầu đầy sẹo rúm ró, nổi những cục to bằng quả mận tím ngắt.
– Thế giờ nhà ông ở đâu? Ông đừng uống rượu nữa. Bố cháu bảo uống rượu hại gan mau chết lắm.
– Ta không có nhà. Ta ở nhờ nhà xác của bệnh viện.
Ông ta đặt tay lên ngực thở dốc, rồi bỗng hét toáng lên làm tôi sợ chết khiếp. Tôi toan bỏ chạy thì ông ta cầm tay tôi:
– Cháu đừng sợ, ta không hại cháu đâu. Mà ta còn dám hại ai. Ta là thằng khốn nạn. Nhưng cháu ơi, ta kể chuyện đời ta cho cháu vì còn một lí do khác. Cháu không ở lâu với dương thế đâu. Tay cháu lạnh lắm. Trên đầu cháu có một quầng sáng lúc mờ lúc tỏ. Ta còn nhìn thấy trái tim cháu như một ngọn nến đang khóc ròng ròng…
Thế rồi ông lão quỳ xuống, vái tôi ba vái, rồi bò đến bên mấy gốc sim đang thổn thức. Ông ta ôm lấy mấy bụi sim, chúng vùng vằng, mấy chiếc lá bé xíu như những bàn tay xinh màu xanh cứ nhè mặt ông mà tát. Cuống cuồng ông thè lưỡi ra liếm từ gốc lên ngọn, chả biết đá sắc hay gốc cây sần sùi làm lưỡi ông bị xẻ đôi, máu tươi ròng ròng. Nhưng kì lạ thay, máu tươi rỏ vào bụi sim làm lá xanh, hoa tím thoắt chuyển sang màu hồng thắm. Rồi ông ta cứ thế bò đi. Vây quanh ông là lũ chó của xóm tôi, chúng gầm ghè như nhìn một đối thủ đang tranh giành miếng ăn. Ông lão giống như một con chó khổng lồ run rẩy bò trong hoàng hôn đỏ rực với cái lưỡi bị chẻ đôi lòng thòng trước miệng. Đêm ấy tôi không ngủ được, người lên cơn sốt lúc nóng lúc lạnh. Bữa cơm chiều, ăn gì cũng nôn thốc nôn tháo. Mẹ tôi thở dài bảo, không khéo thằng bé bị ma ám. Bà lấy cành dâu làm roi, nhúng vào nước tiểu, quất tôi hơn chục cái. Tôi không thấy đau mà chỉ buồn ghê gớm, dù không biết vì sao.
Gần sáng mệt quá thiếp đi, tôi thấy mấy chục đứa trẻ sơ sinh ngồi quanh giường nhìn tôi chằm chằm, chúng khóc mà nước mắt chảy ra đỏ như máu. Một đứa có vẻ lớn nhất bọn bảo tôi:
– Chúng em đói khát lắm. Anh thương chúng em thì mang về chôn ở gốc sấu ngoài cổng. Thi thoảng, anh cho chúng em ít gạo muối. Còn các bạn đã nhập vào đồi sim thì các bạn đành ở đấy. Nếu đưa cả về đây thì đông quá, anh chẳng nuôi nổi đâu…
Tỉnh dậy, mồ hôi lạnh toát đầm đìa, tôi bàng hoàng không biết là mơ hay thực. Nhưng cũng từ hôm ấy, cứ chiều tối, tôi ra nghĩa địa đào bới, đem những xác thai nhi vừa chôn về vùi ở gốc sấu ngoài cổng. Cây sấu vụt lớn nhanh, lá xanh mướt quanh năm, quả sai lúc lỉu, chỉ có điều quả không chua mà trở nên mặn chát. Thi thoảng, tôi cắt giấy màu làm thành những chiếc áo bé xíu, rồi hóa cho bọn trẻ. Tội nghiệp, khi bị đem chôn bọn trẻ đều trần truồng, giờ có nhiều áo mới, chúng tranh nhau rồi hớn hở bay lượn khắp nơi, trông như một đàn bướm khổng lồ nhiều màu sắc. Cứ chiều tối, chúng bám lúc lỉu trên vòm cây, cây sấu như ra một loài quả lạ có hình dáng của các em bé sơ sinh, loại quả ấy thi thoảng lại khóc thét làm mấy bà đi đường chạy văng dép guốc, vừa chạy vừa kêu cứu.
Tôi lại ra nghĩa địa hái sim, sim chín mọng và to lạ thường. Những vạt sim cao vọt lúc cười, lúc khóc, lúc hát véo von. Gần gũi lâu ngày, tôi hóa dạn dĩ không thấy sợ hãi nữa. Nghe những bụi sim thầm thì, tôi hay lẩn thẩn nghĩ. Sao bây giờ người ác nhiều thế! Con giết mẹ, vợ giết chồng, một thằng rõ đẹp trai chặt người yêu làm mấy khúc. Có cách gì để con người đỡ ác đi không?
Có một hôm đang hái sim, tôi gặp một đôi trai gái cùng ông lão ngoài nghĩa địa. Ông lão bảo, rõ ràng bảy đứa trẻ gây đẻ non vào hôm ấy, tôi chôn ở chỗ này mà, tôi đặt tên chúng theo số thứ tự, giờ hình như đã hơn ba trăm đứa rồi.
Cô gái trẻ cắm hương, khói thơm bay vòng tụ thành một dấu hỏi to tướng phía trên đầu cô, vừa khóc vừa khấn:
– Con yêu ơi. Con thông cảm cho mẹ. Mẹ chưa thể sinh con ra làm người được. Mẹ đành bỏ con. Con ở đâu thì về nhận quà của mẹ.
Quay lại phía chàng trai, cô giục:
– Anh rải tờ giấy báo, bày hoa quả, bánh kẹo, tiền vàng ra đi. Sao cứ đứng như trời trồng thế. Con anh đấy. Anh không xót à?
Chàng trai vừa bày một mâm lễ xuống mặt đất, vừa lủng bủng:
– Vẽ chuyện. Mới có bảy tháng. Nó biết cái quái gì…
Bỗng một cơn gió mạnh hất tung cả mâm lễ vào mặt chàng trai. Vạt sim cũng rít lên ghê người, hàng trăm quả sim chín lao vun vút vào chàng trai và cô gái. Nhựa sim đỏ nhoe nhoét như máu tươi. Cả hai chạy khỏi nghĩa địa. Ông lão dắt xe đạp cũng chạy quáng quàng, rơi cả chai rượu trong túi. Rượu đổ ra hòa với nhựa sim chín trở thành một vũng máu tươi lênh láng trên mặt đất. Tôi khóc rồi chạy đến ôm chầm lấy một bụi sim, cây lá vẫn rùng rùng. Tôi khóc cho những đứa trẻ chưa được làm người, khóc cho chính mình vì bất lực… Giá như tôi có tiền tôi sẽ xây một ngôi nhà khổng lồ đưa các cụ già nghèo khổ, các em bé mồ côi về nuôi dưỡng. Bên cạnh đó tôi xây một miếu thờ thật to, gọi linh hồn phiêu bạt, vật vờ đầu đường xó chợ, bờ sông, cho họ ăn uống. Khi nước mắt tôi rỏ xuống bụi sim, những nụ hoa tím bỗng bật nở, rồi tỏa mùi hương rất giống mùi thơm của da thịt em bé.
Thấy tôi suốt ngày ra nghĩa địa, mặt lúc nào cũng ngây ngô, đờ đẫn, lúc cười lúc khóc một mình, cha mẹ tôi lo lắm. Ông bà đều cho rằng tôi bị ma làm. Một sáng Chủ nhật, cha mẹ tôi dắt tôi lên chùa Tử Đằng gặp sư trụ trì, mong lão cao tăng đuổi tà ma, trả lại sự hồn nhiên và tinh khôn cho tôi. Khi vào đến cổng chùa, tôi quay lại thấy hàng trăm linh hồn trẻ sơ sinh bay theo, í ới:
– Anh vào đi. Bọn em không vào được, đợi ở ngoài này thôi. Đừng bỏ bọn em nhé…
Bước qua mảnh sân đầy rêu xanh, qua cửa chùa, người tôi bỗng ấm lạ thường. Sư trụ trì đã gần trăm tuổi lặng lẽ nhìn tôi. Nghe cha mẹ tôi trình bày xong câu chuyện kì dị về tôi và bày tỏ ước nguyện nhờ Phật pháp xua đuổi tà ma hại người, sư trụ trì khẽ khàng nói:
– Ta hiểu rồi. Hai con ra ngoài, đến chỗ lầu chuông, thỉnh ba hồi chín tiếng rồi ngồi niệm Phật. Ta muốn nói chuyện riêng với cháu bé này.
Sư trụ trì nhìn tôi hồi lâu, đặt bàn tay lên đỉnh đầu tôi. Tôi thấy một luồng hơi ấm kì diệu chạy từ đỉnh đầu xuống đến gót chân. Sư khẽ nói:
– Cháu có lòng nhân từ. Những oan hồn của trẻ sơ sinh theo cháu đông lắm, chúng đang đứng đợi ở cổng chùa. Cháu có muốn cứu vớt chúng không?
– Cháu muốn lắm mà không biết làm thế nào.
– Cháu có duyên với nhà Phật. Nếu cháu và gia đình đồng ý hãy đến tu tập tại đây.
Về đến nhà, nghe tôi trình bày ước nguyện muốn đi tu và thuật lại lời khuyên của sư trụ trì, cha mẹ tôi phản đối quyết liệt. Vài hôm sau, thấy tôi định trốn nhà ra đi, họ xích chân tôi vào cột nhà. Cũng từ hôm ấy, tôi không ăn không uống. Đêm cuối cùng tại nhà cha mẹ, tôi nằm thiêm thiếp, mơ thấy những đóa hoa vô ưu phát sáng hào quang. Trên nóc nhà, những tàu cọ được kéo ra, những đứa bé sơ sinh xúm quanh lỗ nhỏ để nhìn xuống. Nước mắt chúng rỏ xuống làm đứt tan dây xích. Tôi thấy mình nhẹ bẫng, chui qua lỗ nhỏ ấy, cùng bầy trẻ bay ra nghĩa địa. Lúc ấy, tôi biết mình chết rồi. Trước khi bay đi, tôi thu hết tinh lực vào ba giọt nước mắt rỏ xuống trán cha, mẹ và đứa em gái đang ngủ say. Hình như trong mơ, mẹ tôi vẫn còn khóc nấc, thương thằng con trai bị ma ám. Không phải đâu mẹ ơi, quả đất này có quá nhiều khổ đau và nước mắt. Hai bàn tay con bé quá, không làm gì được. Trong mơ, cha tôi vẫn lẩm bẩm đọc thơ, những vần thơ ông viết mà gửi mãi không báo nào đăng:
Người tốt thường đau khổ
Kẻ ác vẫn nhởn nhơ
Không còn nơi ở ẩn
Thanh cao đứng khóc òa
Còn đứa em gái mơ mộng của tôi. Môi em tóp tép và cười, má phúng phính hồng rực, chắc là mơ thấy đang được ăn bánh ngọt. Hãy ngủ ngoan và mơ thật đẹp. Anh sẽ phù hộ cho cả nhà mình thật khỏe, thật vui. Lòng em thơm thảo như hoa bưởi, tươi mát như giếng khơi nhà mình em nhé…
Mặt đất bỗng phập phồng, bàn chân đặt xuống sao mát quá, đất ôm lấy chân, mơn man ve vuốt tôi. Cả bọn trẻ con bay về phía ngôi chùa cổ. Ngôi chùa nằm trong một rừng hoa tử đằng bạt ngàn, quanh năm hoa rực rỡ, thơm và ngọt lịm như kẹo mạch nha. Tôi chạy theo hương hoa, cắn từng miếng rồi ngậm thật lâu trong miệng. Chúng tôi không vào chùa được mà chỉ bay vòng quanh. May mắn thay đúng lúc đó chú tiểu thỉnh chuông. Những tiếng chuông mềm mại như lụa. Tôi cùng bọn trẻ ùa vào, ôm chặt tiếng chuông, reo hò, cười hát. Từ hôm ấy, tiếng chuông của chùa Tử Đằng trở nên có màu sắc. Mỗi khi được thỉnh, âm chuông vang xa. Mỗi âm mang một sắc màu, tùy thuộc vào chiếc áo mà chúng tôi mặc hôm ấy. Muôn ngàn âm thanh, muôn ngàn màu sắc dệt thành những tấm lụa dịu dàng phủ lên cảnh vật, tạo thành những bức tranh muôn hồng nghìn tía.
Chùa Tử Đằng trở thành một danh thắng thu hút khách thập phương. Các nhà khoa học mang rất nhiều máy móc hiện đại đến đo bức xạ, sóng âm, đo quang phổ… nhưng tất cả đều không lí giải nổi. Họ đến hỏi sư trụ trì, người nhắm mắt chắp tay niệm Phật. Chỉ đến khi tiếp một thiền sư, thi sĩ nổi tiếng từ Ấn Độ sang thăm, đáp lại câu hỏi về tiếng chuông chùa, sư trụ trì mới ung dung khoan hòa đọc một bài kệ:
Tiếng chuông tai nghe thấy
Màu chuông mắt nhìn thấy
Yêu thương trong tiếng chuông
Thì có màu gì vậy?
Nhặt bao nhiêu nước mắt
Kết thành đóa sen yêu
Hoa khóc ai nhìn thấy
Hỏi sắc hoa chi nhiều?
LỜI BÌNH CỦA NHÀ VĂN HỒ THỦY GIANG
Truyện ngắn Nguyễn Đức Hạnh thường mang yếu tố kỳ ảo cùng các nhân vật nghịch dị.
Chúng ta đã biết, văn chương kỳ ảo Đông/Tây, cổ điển/ hiện đại, hậu hiện đại có sự khác biệt. Ở các tác phẩm kì ảo cổ điển luôn được tác giả cũng như người đọc xác tín đó là những nhân vật hoàn toàn hoang đường, không có thật trong đời sống thực tại. Nhưng với văn chương hiện đại, hậu hiện đại lại khác. Các yếu tố hoang đường được đặt bên cạnh cái thực và mọi khoảng cách đã được san phẳng. Các tác giả mặc nhiên thừa nhận và cũng có ý thức làm cho người đọc coi cái kì ảo hoàn toàn bình đẳng với các yếu tố thực, là cái thực một cách đương nhiên. Đó là sự khác nhau căn bản giữa văn chương huyền ảo cổ điển với văn chương huyền ảo hiện đại, hậu hiện đại mà nổi lên là văn chương hiện thực huyền ảo Mỹ la tinh.
Năm 2022, Nhà văn Nguyễn Đức Hạnh đã cho xuất bản tập truyện ngắn “Tiếng chuông chùa Tử Đằng”, phương pháp sáng tác rất gần gũi với khuynh hướng huyền ảo Mỹ la tinh. Hơi khác một số truyện ngắn trong tập, “Tiếng chuông chùa Tử Đằng” tuy vẫn cách viết mới, nhưng lại có phần nghiêng về lối kỳ ảo cổ điển. Trong truyện ngắn này, tác giả đã tạo dựng hai không gian truyện (ảo và thật), hai kiểu nhân vật (âm và dương) được khu biệt khá rõ nét. Các nhân vật ảo là những linh hồn của những đứa trẻ của một thời nạo thai ào ào do hưởng ứng phong trào “sinh đẻ có kế hoạch” cùng lối sống bừa bãi, vô trách nhiệm của con người; các nhân vật “bố tôi”, “mẹ tôi”, “ông lão chôn thai nhi”, “sư trụ trì”… là những nhân vật thật. Nhân vật “tôi’ – cậu bé ở xóm Nghĩa Địa như một cầu nối thông linh giữa hai không gian, hai cõi âm/ dương.
Với lối viết nhằm đưa đến cho người đọc một tâm lí sợ hãi, có thể xếp truyện ngắn “Tiếng chuông chùa Tử Đằng” theo khuynh hướng truyện kinh dị, ít nhiều mang màu sắc Liêu trai. Nhân vật ông lão chôn thai nhi, là nhân vật thật nhưng rất quái dị “có cái mũi đỏ chót như quả cà chua chín”, “Nửa mặt người, nửa mặt quỷ”, luôn xuất hiện ở nghĩa địa với những “bài hát hết sức kỳ quái, chưa từng nghe thấy ở đâu, cứ lặp đi lặp lại một điệp khúc ghê rợn, nhất là khi nó vang vọng ở một nơi đầy âm khí. Gặp hôm có mưa dầm, chao ôi, những lời hát ấy lạnh như những con rắn chết ai đó thả vào trong ngực áo”. Nhưng những linh hồn “những đứa trẻ chưa kịp làm người” mới thực sự làm cho người đọc rùng mình, ám ảnh.
Chúng nhiều đến nỗi bám víu và hóa vào cả một rừng sim. Xin dẫn một đoạn tác giả miêu tả nhân vật “tôi” trong rừng sim ở nghĩa địa: “… Bỗng tôi sởn gai ốc, bụi sim trước mặt bật khóc nức nở, bụi sim sau lưng cười khanh khách. Tôi co giò định bỏ chạy thì hàng chục bụi sim đã di chuyển đến, tạo thành vòng tròn vây kín lấy tôi. Tôi nằm ngửa dưới đất, run bắn, mồm há hốc mà không sao kêu được. Kì lạ thay, những cây sim ấy như một lũ trẻ con nghịch ngợm, chúng dùng cành lá cù vào nách, ngoáy lỗ mũi, véo tai, rồi chúng tha cho tôi…”.
Thật đáng sợ! Nhưng sợ cũng là một cảm xúc thẩm mỹ, có thể mang đến cho người đọc những cảm thức về nhân sinh. Ta thường gặp trong “Tiếng chuông chùa Tử Đằng” những chi tiết nghệ thuật xối vào trái tim người đọc một cảm giác rùng rợn trong đau đớn như thế.
Tuy nhiên, cần phải thống nhất một điều thuộc về cốt lõi của văn chương: dù được viết theo khuynh hướng, phương pháp nào thì cái cuối cùng vẫn phải hướng tới bản chất con người trong các giá trị nhân văn.
Truyện ngắn “Tiếng chuông chùa Tử Đằng” đã chở mang những giá trị nhân đạo sâu sắc. Toàn truyện toát lên một không khí xót xa, đầy bi kịch, đồng thời cũng là tiếng nói phẫn nộ của lương tri. Người đọc khó cầm được nước mắt khi đọc đoạn nói về tình thương, sự giao cảm của nhân vật “tôi” với những linh hồn thai nhi: “Thỉnh thoảng tôi cắt giấy màu làm thành những chiếc áo bé tí xíu, rồi hóa cho bọn trẻ. Tội nghiệp, khi bị đem chôn bọn trẻ đều trần truồng, giờ có nhiều áo mới, chúng tranh nhau rồi hớn hở bay lượn khắp nơi, trông như một đàn bướm khổng lồ nhiều màu sắc. Cứ chiều tối chúng bám lúc lỉu trên vòm cây, cây sấu như ra một loài quả lạ có hình dáng của các em bé sơ sinh, loại quả ấy thi thoảng lại khóc thét làm mấy bà qua đường chạy văng guốc dép, vừa chạy vừa kêu cứu…”.
“Tiếng chuông chùa Tử Đằng” là tiếng chuông cảnh tỉnh, không chỉ với riêng ai mà cho toàn nhân loại trên trái đất đầy thiện, ác, xót xa này.
Ngoài ra, về nghệ thuật, “Tiếng chuông chùa Tử Đằng” còn là một truyện ngắn được thể hiện theo cảm hứng thơ, cũng là một quan niệm thẩm mỹ của truyện ngắn hậu hiện đại. Một “bài thơ” đầy bóng tối và nước mắt.
Một nhà lý luận văn học phương Tây thế kỷ 20 đã gọi văn chương kinh dị là những “bông hoa đen”.
Sự xuất hiện những “bông hoa đen” chính là sự góp mặt của một loài hoa hương sắc lạ cho một nền văn chương trên đà đổi mới.
27/6/2023
Hồ Thủy Giang
Nguồn: Văn nghệ Thái Nguyên
Theo https://vanchuongphuongnam.vn/ 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Cái còn lại hóa cái không

Cái còn lại hóa cái không Nhà thơ Tạ Bá Hương vừa được kết nạp hội viên Hội Nhà văn Việt Nam năm 2022. Anh tốt nghiệp Khóa 7 Trường Viết v...