Thứ Hai, 29 tháng 4, 2024

Văn hào Nga Anton Tsekhov: Niềm yêu không thỏa

Văn hào Nga Anton Tsekhov:
Niềm yêu không thỏa

Không ai biết trong đời mình, một nhà văn đã từng yêu bao nhiêu người. Nhưng chúng ta có thể biết, nhà văn ấy đã từng đau đớn vì những ai trên tình trường. Với văn hào Nga Anton Tsekhov, nhận định này càng đúng. Ông từng nổi tiếng thế giới với những truyện ngắn và kịch về tình yêu. Tuy nhiên, cho đến phút cuối cùng của cuộc đời, Tsekhov vẫn chưa viết xong nổi tác phẩm nhiều dư vị nhất của mình: mối tình giữa ông với nữ nghệ sĩ sân khấu Olga Knipper.
Lần đầu tiên Tsekhov nhìn thấy người vợ tương lai là vào năm 1898. Khi đó, ông tới xem vở diễn Sa hoàng Fiodor Ioannovich trên sân khấu của Nhà hát nghệ thuật hàn lâm Mátxcơva (MKHAT) mà hai tên tuổi lẫy lừng Stanislavsky và Nemirovich – Danchenko vừa lập ra.
Ấn tượng còn lại trong lòng nhà văn đa cảm về vở diễn như sau: “Tôi cảm thấy khá xúc động với giọng điệu trí thức của vở diễn và hơi hướng của một thứ nghệ thuật đích thực phảng phất từ sân khấu, dẫu rằng những diễn viên tham gia không phải là những tài năng lớn. Chân thành, thanh cao, tử tế – thật thú vị, thậm chí trong họng còn cảm thấy nghèn nghẹn. Nếu tôi ở lại Mátxcơva, có lẽ là tôi sẽ phải lòng nàng Irina ấy”. Irina, hoàng hậu của ông vua chập mạch Fiodor là vai của nữ nghệ sĩ vừa bước vào tuổi tam thập Olga Knipper trên sàn diễn MKHAT hôm ấy.
Tsekhov, lúc đó 38 tuổi, vẫn còn ở trong tình trạng sức khoẻ chưa đến nỗi nào dù ông đã bị mắc bệnh lao. Bác sĩ chữa bệnh cho ông, Isaak Naymovich Altsshuller, kể lại rằng, Tsekhov “vẫn giữ được vẻ ngoài khá hồ hởi, và dẫu đi lại hơi bị cóm róm một chút nhưng dáng vẻ vẫn tương đối thanh thoát. Chỉ có những nếp nhăn hiện lên ở khóe miệng và góc đôi mắt, cái nhìn đôi khi mỏi mệt, và nhất là hơi thở dốc mỗi khi phải bước lên cao một chút cùng những cơn ho độc địa mới làm lộ ra căn bệnh quái quỷ”.
Bệnh lao đã không cho phép Tsekhov sống ở Mátxcơva nên ông đã rời khu trang trại ngoại ô Malekhovo, xuống Yalta tạo dựng “tổ ấm” mới của mình với cái tên “Ngôi nhà trắng”. Xa mặt mà chẳng cách lòng, trong nỗi nhớ thành phố Mátxcơva thân thuộc, Tsekhov bỗng thấy thích thú với hình ảnh người vợ ngoan hiền nhẫn chịu của Sa hoàng Fiodor trên sàn diễn MKHAT và dần dà, từ chỗ yêu nhân vật Irina, ông cũng bắt đầu quyến luyến người diễn viên đã tạo dựng nên nhân vật đó…
Lửa đổ thêm dầu là việc người em gái Maria của Tsekhov lại gửi thư khuyên ông “nên làm quen với Olga Knipper, vì đó là một phụ nữ rất thú vị”. Số là, Maria cũng rất mê sân khấu, mà Olga Knipper lúc đó đang được lãnh đạo MKHAT là Danchenko “sủng ái”. Maria hy vọng rằng, nếu anh trai mình gây được cảm tình với “ái nữ” của Danchenko thì mình cũng sẽ có thể nhờ nói đôi lời với ông để ông lưu tâm và dành cho vai diễn nào đó đáng kể. Về sau, Maria đã rất ân hận vì mình đã hành động như thế…
Tsekhov đến với Olga  Knipper thoạt đầu cũng chỉ là chơi chơi thôi. Nhà văn viết thư gửi cho nàng luôn với giọng hơi hài hước: “Xin chào, trang cuối cùng của cuộc đời tôi, người nữ diễn viên vĩ đại của đồng quê Nga!”. Olga Knipper được mời tới khu trang trại Melikhovo và nàng đã ở chơi tại đó ba ngày với những dự tính xa xôi…
Mùa hè năm 1899, hai người cùng đi du lịch tàu thủy từ Novorosisk tới Yalta, rồi từ đó lại trở về Mátxcơva. Bỗng nhiên, tại đây, Tsekhov được nghệ sĩ Vishnievsky, đồng hương của ông, cũng đang làm tại MKHAT, kể lại lời Olga diễn tả về nỗi thất vọng khi đi du lịch cùng ông. Tsekhov cảm thấy kinh ngạc khi biết Olga đã than thở: “Người đang ngồi tại đây chỉ là cô Knipper bất hạnh, một nghệ sĩ đầu và tim rỗng tuếch, lại còn đầy những vết quầng thâm hằn dưới đôi mắt láu lỉnh”.
Ông không hiểu nổi, tại sao Olga lại nói với đồng nghiệp của mình về ông bằng cái câu: “Đừng kể với tôi về cái cụ chết tiệt đó nữa”. Ông có làm gì nên tội đâu?! Hóa ra là, Olga Knipper rắp tâm “hạ gục” ông nhưng ông lại dửng dưng, không tỏ tình với nàng. Thế là để “kích động” nhà văn, Olga Knipper đã làm như vô tình nói với người đồng hương của ông rằng, cô đang dan díu rất mặn nồng cùng Danchenko (cái thói kích động tình yêu rất đàn bà này tới nay vẫn có người áp dụng!).
Thế nhưng, cuộc trăng hoa đó từ lâu đã còn là bí mật với ai nữa đâu, kể cả với Tsekhov. Nhà văn vốn có những mối giao lưu bằng hữu với gia đình Dancheko, biết rõ cả hai vợ chồng họ nên ông cũng không quá quan tâm tới “cuộc tình công vụ” giữa Danchenko với Olga Knipper. Và chính ông lúc đó cũng chỉ định quan hệ với  cô một cách “hoa lá cành” thôi.
Với một nữ diễn viên tỉnh táo và đầy tính toán như Olga Knipper, nếu được trở thành hôn thê của một nhà văn lớn, một kịch tác gia như Tsekhov thì đó sẽ là một công giải quyết luôn nhiều việc. Chính vì thế nên nàng đã bày tỏ dồn dập những mối quan tâm của mình đối với nhà văn đang đau yếu. Tsekhov thoạt đầu nhìn mọi sự như một hoạt cảnh mới có thể giúp ông quên được bệnh tật. Thế nhưng, cái duyên dáng tới ma mị của một nữ diễn viên bẩm sinh đã dần dà làm cho nhà văn lớn trở nên quyến luyến nàng hơn.
Sau chuyến du diễn của MKHAT xuống Yalta với các vở Cậu Vabnia và Hải âu của ông, Olga Knipper đã trở lại sống với Tsekhov tới cả tuần. Và nàng đã làm được một việc “kỳ vĩ” (!): từ chỗ chỉ coi mối quan hệ giữa hai người là chuyện chơi bời, Tsekhov đã thực sự đam mê nàng, bỏ qua cho nàng không ít vụ trăng hoa nghệ sĩ – khi ta yêu, ta hay tìm đủ mọi lý lẽ để bào chữa cho những điểm yếu của ý trung nhân.
Trở về Mátxcơva, nàng nhận được những lá thư mà Tsekhov gửi tới với lời mở đầu đã mang hới hướng âu yếm: “Olga thân yêu của tôi! Niềm vui của tôi, xin chào em!”. Mọi sự cứ thế mà ngày một thắm thiết. Tuy nhiên, nếu Tsekhov vì nhiều lý do không muốn công khai hóa mối quan hệ giữa hai người bằng một đám cưới thì Olga Knipper lại vô cùng muốn được mang họ của ông.
Nàng viết cho ông: “Em cứ nghĩ mãi về anh, về bản thân mình và về cả tương lai nữa… Chúng ta ít nói với nhau về tương lai quá, mà mọi sự lại cứ  chẳng rõ ràng gì cả… Anh có thấy như vậy không?”. Tsekhov không thấy như vậy vì ông mải sáng tác. Lúc đó, ông đang mải mê viết tác phẩm sân khấu bất hủ của mình, kịch bản Ba chị em. Vai chính trong vở kịch này ông muốn dành cho chính Olga Knipper…
Trong khi đó, nàng lại luôn luôn làm ông phiền nhiễu bởi những trò giận dỗi rất đàn bà. Nàng trách ông hững hờ, bỏ rơi nàng… Những lá thư nàng viết cho ông khi đó đầy những hờn tủi: “Anh biết không, ở Mátxcơva người ta ai cũng quấn lấy em mà hỏi. Họ cứ nghĩ là anh và em đã làm lễ đính hôn trong nhà thờ rồi. Họ tới chúc mừng gia đình em, làm ai cũng ngớ người ra…”.
Rồi trong lá thư tiếp theo, Olga Knipper tuyên bố rằng nàng sẽ không xuống Yalta nữa “vì em không biết mình xuống đó với tư cách gì”. Tsekhov có lẽ là cáu lắm nên mới trả lời: “Em yêu à, em không muốn xuống thì thôi, anh không ép em đâu”. Viết thì viết vậy nhưng ông thực sự đã cảm thấy gắn bó với nàng: “Hãy giữ gìn sức khỏe, em yêu, đừng giận anh, đừng phản bội anh!”.
Chao ôi, một nhà văn hiểu tâm hồn con người như thế mà khi yêu vẫn trở nên ngây thơ: làm sao một nữ nghệ sĩ như Olga lại có thể chung thủy với người tình ở xa của mình?! Tuy nhiên, có lẽ ông cũng không quá coi trọng những lúc “thân xác làm chủ tâm linh” của Olga. Thậm chí, có lúc ông còn viết đùa cợt trong thư: “Em ít viết thư cho anh rồi, điều này chứng tỏ là em đã chán anh. Còn nhiều người khác tán tỉnh em nữa. Thế cũng được, em giỏi lắm, gái ạ!”.
Trong một cuộc gặp gỡ với nhà văn  Ivan Bunin, Tsekhov cứ trăn trở: “Này ông, liệu ông có thể cưới một nữ nghệ sĩ làm vợ được không?”. Bunin biết bạn đồng nghiệp định nói tới ai nên tế nhị không trả lời…
Tình yêu quả thực quái ác, ngay cả một người anh minh như Tsekhov cũng đã có lúc không biết mình phải ứng xử như thế nào với cô nghệ sĩ oái oăm nhất của đời mình. Ngày 7.1.1901, Tsekhov viết thư cho Olga Knipper: “…Anh nhận được một lá thư nặc danh nói rằng em ở thành Piter mê ai đó tới ngất ngây. Chuyện này thì chính bản thân anh từ lâu cũng đã nghi rồi… Anh yêu em mà… Em hãy nhớ điều đó…”.
Olga trả lời: “Em hay phải lòng giai và phản bội anh ở mọi nơi mọi chỗ,- điều này đúng. Nhưng vì thế em là con người và là phụ nữ”. Tsekhov cay đắng đáp lại: “Em phản bội anh thường xuyên, như em viết, vì em là con người và là phụ nữ. Thôi cũng được, cứ phản bội đi… Anh già rồi, không thể không phản bội anh. Điều này anh hiểu rất rõ…”.
Tệ hại vậy nhưng cuối cùng thì Tsekhov cũng vẫn không tránh khỏi cuộc hôn nhân mà thực tâm có lẽ ông không muốn. Ma lực của Olga Knipper đã làm mụ mị nhà văn đang ngày một đau yếu. Có điều, sau đám cưới chỉ có hai tháng thôi, ông đã buồn bã viết: “Ta hiện đang phải sống cô đơn, hệt như khi ta một mình trong mộ”… Cô em gái Maria của ông đã rất ân hận vì cô đã từng góp tay vào để Tsekhov làm quen thân với Olga Knipper. Còn nhà văn Ivan Bunin hay tin Tsekhov đã làm đám cưới, thốt lên: “Sự tự sát này tồi tệ hơn tất cả!”.
Tình yêu, ngay cả của một văn hào như Tsekhov, cũng không thể làm thay đổi được bản chất trăng hoa của một nữ nghệ sĩ như Olga Knipper. Hai người sống như vợ chồng ngâu: Tsekhov dưỡng bệnh ở Yalta, còn Olga ở lì tại Mátxcơva, ngay cả khi tình hình sức khoẻ của chồng trở nên nguy kịch cũng không buồn bỏ việc xuống chăm sóc.
Lý do thì nhiều, có thể nàng bận thực, nhưng có thể là nàng đã không được Danchenko, vị thủ trưởng hay ghen, cho phép (có những ông sếp nghệ thuật như thế, không muốn cưới nghệ sĩ dưới quyền làm vợ nhưng lại muốn bắt họ “thủ tiết” với mình như vợ!)…
Không có gì lạ là sức khoẻ của Tsekhov giảm sút nhanh chóng với một người vợ như Olga Knipper. Tuy nhiên, ông vẫn làm việc. Mùa hè năm 1903, Tsekhov bắt tay vào viết Vườn anh đào theo yêu cầu rất khẩn thiết của MKHAT và của cả Olga Knipper. Lúc này bệnh ông đã rất nặng. Vậy mà vợ ông cứ giục giã: “Anh ơi, cả Mátxcơva đang chờ vở kịch mới của anh, anh hãy viết nhanh lên!”.
Vườn anh đào thêm một lần mang lại vinh quang cho MKHAT và cả Olga Knipper. Còn Tsekhov thì đã gần đất xa trời: ông đã vắt sạch cả tâm hồn và thân xác cho những tham vọng và tội lỗi của vợ mình. Tháng 4/1904, theo lời khuyên của bác sĩ gia đình, Olga Knipper cực chẳng đã phải đưa chồng mình sang Đức dưỡng bệnh. Nhưng mọi sự đã trở nên quá muộn màng…
Ngày 15.7.1904, gần một giờ đêm, Tsekhov chợt mở mắt và yêu cầu gọi bác sĩ tới. Bác sĩ người Đức bước vào. “Tôi đang hấp hối”- nhà văn nói bằng tiếng Đức. Vị bác sĩ liền tiêm một liều thuốc an thần cho ông và gọi mang sâmpanh tới. Văn hào Nga cầm ly rượu đầy lên và mệt mỏi mỉm cười: “Lâu rồi tôi không uống sâmpanh”.
Ông làm một hơi cạn ly, rồi nằm nghiêng về phía bên trái và thiếp đi… Lúc đó đã là ba giờ sáng… Không ai nhớ là có giọt nước mắt nào lăn trên má Olga Knipper hay không…
26/5/2023
Huyền Anh
Nguồn: Van.vn
Theo https://vanchuongphuongnam.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Cái còn lại hóa cái không

Cái còn lại hóa cái không Nhà thơ Tạ Bá Hương vừa được kết nạp hội viên Hội Nhà văn Việt Nam năm 2022. Anh tốt nghiệp Khóa 7 Trường Viết v...