Thứ Hai, 29 tháng 4, 2024

Khi đàn ông vào bếp

Khi đàn ông vào bếp

Xưa nay việc bếp núc là việc của đàn bà. Người đời thường nói vậy, còn đàn ông là trụ cột trong gia đình phải lo những việc lớn, to tác hơn để đảm bảo kinh tế cho gia đình đủ ăn và từng bước khá giả hơn.
Điều ấy thiết nghĩ không sai, nhưng chưa hẳn đã đúng. Có lẽ vì vậy, nhưng đàn ông vào bếp cũng rất thú vị và cảm thấy rất ý nghĩa khi tự đi chợ và nấu những bữa ăn ngon hợp khẩu vị cho các thành viên trong gia đình thưởng thức, góp phần tạo cho gia đình thêm đầm ấm, hạnh phúc và chia sẻ cùng người vợ yêu thương của mình, tạo cho vợ có thời gian để làm tốt hơn việc cơ quan hay kinh doanh và cảm thấy bình đẳng, không nghĩ mình là người giúp việc hay osin trong gia đình.
Thật ra đàn ông vào bếp thường xuyên như phụ nữ thì không có thời gian lo cho công việc của mình và cũng không nên tranh công với vợ. Vì bổn phận của người phụ nữ tốt, đảm đang là thực hiện đúng các tiêu chí của người xưa thường nói: “công dung ngôn hạnh”. Chỉ bốn chữ thôi, nhưng chứ đựng nội hàm rất rộng, không phải ai cũng có thể làm tốt câu danh ngôn trên, vì còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Để giúp cho người phụ nữ yêu thương gắn bó trăm năm với mình có điều kiện thuận lợi nhất có thể, thực hiện tốt chức năng trên, thì người chồng phải biết động viên, chia sẻ và phải bằng việc làm cụ thể của mình, có như vậy mới tạo điều kiện cho người vợ có trách nhiệm hơn với gia đình và cảm thấy thật sự hạnh phúc khi được phục vụ chồng, con mà không có cảm giác như người giúp việc.
Khi đàn ông vào bếp là những lúc đàn ông đã làm xong việc của cơ quan giao cho mình, hoạch bố trí sắp xếp được thời gian hợp lý, khoa học để có thời gian làm việc và tranh thủ đi chợ, vào bếp tự tay mình chế biến những món ăn mà mình và gia đình thích đơn giản nhưng hợp khẩu vị, thì bữa cơm ấy thật ngon và ý nghĩa.
Nếu những người đàn ông vụng về hơn không biết nấu nướng, thì có thể phụ giúp cùng vợ rửa chén bát, nấu những bữa ăn cho gia đình, vi dụ như khi vợ và chồng cùng đi làm về trưa, vợ đã tranh thủ đi chợ mua thức ăn rau, cá, thịt …để nấu bữa trưa trong thời gian ngắn, chồng nên cắm cơm, phụ lặt rau, xắt thịt…cùng với vợ, để nhanh chóng có bữa trưa kịp thời gian và còn có chút ít thời gian nghỉ ngơi để chiều cùng đi làm. Chồng giúp vợ nội trợ sẽ làm cho người vợ cảm thấy tâm lý phấn chấn được chia sẻ, vui vẻ và hạnh phúc hơn khi chồng cùng vợ gánh gác trách nhiệm công việc của gia đình. Đây là một trong những yếu tố giúp cho gia đình thêm gắn kết và hạnh phúc. Người Việt thường nói: “cơm không lành thì canh không ngọt” cũng không nằm ngoài việc chồng đùn đẩy hết trách nhiệm gia đình cho người vợ. Khi người vợ làm quá sức, thì làm sao có thể không cáu gắt, gia đình làm sao có thể vui vẻ, hoà thuận
Với tôi, ngoại trừ những ngày đi công tác xa thì không thể giúp vợ nội trợ công việc gia đình. Còn khi công tác ở gần được về nhà là tôi luôn chủ động trong công việc để bố trí thời gian hợp lý đi chợ hay vào bếp nấu cơm và chế biến một số món ăn cho gia đình, cũng đơn giản không cầu kỳ, nhưng được vợ và các con không chê ba nấu dở, thậm chí còn có lời khen …
Có nhiều người quan niệm cho rằng, đàn ông vào bếp là thấp kém không nên, tạo cho vợ nhác lười và ỉ lại, nhưng với tôi không nghĩ vậy. Vi thời nay phụ nữ cũng như nam giới ai cũng phải đi làm nhà nước hoặc tư nhân không chỉ đàn ông mới là người tham gia công tác xã hội, phụ nữ cũng như vậy. Cho nên không nên giữ khái niệm, quan niệm xưa cũ là phụ nữ chỉ lo nội trợ trong gia đình. Đàn ông cũng nên tạo cơ hội cho chị em phụ nữ và người vợ của mình có cơ hội phấn đấu thăng tiến vì hiện nay đang tiến đến bình đẳng giới.
Gia đình là tế bào của xã hội, xã hội muốn phát triển văn hoá, văn minh thì đòi hỏi các thành viên trong gia đình phải có sự đoàn kết thống nhất hay nói đúng hơn gia đình hoà thuận êm ấm. Chính vì vậy vai trò của người đàn ông trong gia đình là rất quan trọng, không thể để cho một mình người vợ gánh vác, người chồng cần phải chung tay kể cả việc nội trợ trong gia đình, nhằm góp phần tạo cho gia đình hạnh phúc ấm êm và góp phần đóng góp cho xã hội phát triển.
Khi người đàn ông vào bếp mới thấy được công việc chợ búa bếp núc cũng không phải đơn giản, cần phải chịu khó biết tính toán thời gian hợp lý, biết chi tiêu phù hợp thì mới có bữa ăn hợp khẩu vị và đảm bảo dinh dưỡng, hợp vệ sinh, giúp cho sức khoẻ tốt hơn, để làm việc, cống hiến và hưởng thụ.
Một đầu bếp giỏi chưa chắc đã tạo ra những món ăn ngon, nhưng để có những món ăn ngon chắc chắn phải được chế biến từ đầu bếp giỏi. Hiện trên thế giới có 10 đầu bếp nổi tiếng nhất thế giới thì đã có 9 người là đàn ông. Chính vì lẽ đó, đàn ông vào bếp là chuyện bình thường. Chỉ có điều đàn ông có chịu vào bếp để giúp vợ lo cơm nước hay không. Với riêng tôi, được vào bếp được nấu những món ăn mà mình thích và hợp khẩu vị cho các thành viên trong gia đình là việc làm nhỏ nhưng rất thích, không câu nệ mình là đàn ông, không thấy mất đi hình ảnh của đấng trượng phu như một số người quan niệm.
Làm bất cứ việc gì có thể trong khả năng của mình là nhằm góp phần xây dựng mái ấm gia đình hạnh phúc. Khi người đàn ông vào bếp chắn chắn rằng tìm nụ cười trên khuôn mặt người vợ sẽ dễ dàng hơn và những cử chỉ, lời nói nhẹ nhàng trìu mến của vợ dành cho chồng sẽ luôn hiện hữu, ngọn lửa tình yêu sẽ được thắp hồng bốn mùa trong năm nhất là những mùa đông giá lạnh; không phải mỏi gối đi tìm. Vậy nên tôi luôn duy trì việc làm đầu bếp gia đình nhỏ của mình khi thời gian cho phép.
18/6/2023
Võ Văn Thọ
Theo https://vanchuongphuongnam.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Cái còn lại hóa cái không

Cái còn lại hóa cái không Nhà thơ Tạ Bá Hương vừa được kết nạp hội viên Hội Nhà văn Việt Nam năm 2022. Anh tốt nghiệp Khóa 7 Trường Viết v...