Thứ Ba, 30 tháng 4, 2024

Gửi trăng về núi

Gửi trăng về núi

Con trúng tuyển rồi mé à!
Tôi chạy về ôm chầm lấy cổ mé như một đứa trẻ lên ba, nước mắt rơi xuống vai của bà. Cứ thế, tôi khóc trong vui sướng. Pá hắng giọng, ngẩng đầu lên nhìn hai mé con hồi lâu rồi lại cắm cúi với tập sách thuốc. Nội cười khà khà:
– Thằng này được! Thằng này được!
Giấy thông báo ngày giờ tôi đến đoàn văn công của tỉnh. Người ta đã chú ý tới giọng hát Then, ngón đàn tính của tôi. Mười tám tuổi, chàng thanh niên chỉ muốn làm vó ngựa phi qua được dãy Phja Gào để xuống cánh đồng Tổng Chúp. Nơi ấy có gió lộng đủ để đưa giọng hát lên cao, đến tận trăng rằm. Mé là người cầm tay dạy ngón đàn tính đầu tiên. Đôi tai biết nghe những cung vang và trong vắt. Đàn hay thì hát cũng hay. Lấy hơi thật sâu, lời then cổ ngấm vào máu, khi tiếng tính tính tình bật lên là nhả chữ tuôn câu.
“Điếp căn slíp vằn tàng nhằng xẩư.
Bấu điếp căn lườn tẩư lườn nưa tó nhằng quây”
(Yêu nhau mười ngày đường gần lắm.
 Không yêu nhau nhà trên nhà dưới cũng còn xa).
Tôi vẫn thua mé ở khoản lên dây đàn. Học hết trường huyện, trong khi các bạn mải yêu đương, mải vào nam lập nghiệp thì tôi đi thi. Tôi xuống tỉnh thi hát. Lần đầu tiên đặt chân đến thị xã, mọi thứ đều hấp dẫn đôi mắt. Mê hát thì thi thôi chứ có quen biết ai đâu. Đứng trên sân khấu lớn, tôi phiêu theo dòng Then chảy đến tận cùng của cảm xúc. Mọi người vỗ tay tán dương. Tim tôi như muốn nhảy ra khỏi lồng ngực. Cũng như đêm hôm nay, trở mình mấy lần, tôi vẫn thấy bên kia buồng, đèn dầu vẫn sáng, mé cũng không ngủ được. – Đừng làm gì quá sức nhé Xuân? Mày lành thế dễ bị lợi dụng à. Tôi cười, hứa với mé sẽ tự chăm sóc bản thân. Khoác tay nải lên vai, bản chìm trong sương trắng, chỉ có con dốc đầy hoa dã quỳ bung cánh vàng rực đưa chân chàng trai trẻ.
Tập truyện ngắn của Hoàng Thị Hiền
Tôi theo đoàn văn công đi lưu diễn phục vụ bà con người Tày trong và ngoài tỉnh, phục vụ các đơn vị bộ đội biên phòng. Đi đến đâu, các bà, các mé, các chị đều đến xem chật kín sân. Dần dần, tên tuổi của tôi được nhắc đến, trở nên quen thuộc. Băng thu thanh phát trên sóng đài, người đi rẫy đem theo ngâm nga. Những chồng thư hâm mộ ngày càng cao, có nhiều cô gái bóng gió về tình cảm với tôi nhưng vì công việc nay đây mai đó, tôi e ngại và không viết thư hồi âm được nhiều. Mãi sau, đơn vị tôi kết nghĩa với đoàn văn công của sở công an, tôi đã gặp em. Người con gái có gương mặt tròn mịn, đôi mắt to, trong veo với hàng mi cong, làn da trắng và đôi môi trái tim đầy hấp dẫn. Em song ca với tôi trong buổi tối đốt lửa trại. Cả hai ngại ngùng bắt gặp cái nhìn lén của nhau. Người tôi như bị “chài”. Thằng Đức ở cùng phòng lo lắng về điều đó nên đã đẩy tôi vào chỗ rửa chân dưới nhà sàn để “giải” nhưng có thấy linh nghiệm đâu? Hôm nào, tôi cũng lấy cớ gì đó để một mình đạp xe ngang qua cơ quan em, được nhìn em từ xa, chào em rồi mới về. Nhiều bức thư tôi viết về ước mơ, bằng thơ với câu từ đưa đẩy kẹp đầy dưới gối nhồi bông gạo. Tôi chưa biết con gái thích được tặng gì. Tôi chiều lòng hộ tống các chị cùng cơ quan đến những nơi mua sắm chủ yếu để tìm ra món đồ mà một nửa thế giới thích. Em cũng có cảm tình với tôi. Em viết thư rất ngắn. Đa phần nhờ tôi chép lời bài then về bộ đội. Có lần bí quá, không tìm thêm được bài nào nữa, tôi mầy mò tập đặt lời rồi lồng vào khuông nhạc. Nhờ giọng hát của em, bài hát dựa trên chất liệu dân ca Tày Nùng đầu tiên của tôi được nhiều người khen ngợi. Em ẵm giải nhất cuộc thi của cơ quan tổ chức. Tôi được nghỉ năm ngày phép, em hẹn về quê nhau chơi. Tôi ở nhà với mé lên rẫy,  đến ngày thứ hai thì nhớ em quá, bèn xin phép:
– Pá mé cho con sang nhà bạn con chơi nhé? Nhà bạn ở huyện Nguyên Bình.
Mé bảo:
– Xuân ơi, mày đã đi chơi xa thế bao giờ đâu?
– Con đi nhờ xe anh Tùng, mé à. Với lại, đã hứa với người ta rồi mà không đến thì ngại lắm né.
Mé xếp bánh gai làm quà vào tay nải, chọn thêm bộ quần áo Tày để phòng lúc mưa gió còn có mà thay. Tôi chỉ nghĩ đến em. Lòng mong gặp nàng càng sớm càng tốt. Pá mé em đón tôi từ đầu bản. Họ hỏi về con đường tôi đã trải qua. Kể về những ngã ba có thể đưa bước chân chàng thanh niên bản lạ đến những đâu những đâu. Tôi vâng vâng dạ dạ mà chả nhớ được gì trong đầu ngoài con suối có những tảng đá lớn gối nhau chạy vào khe núi. Thung lũng phía tây nuốt mặt trời vào bụng. Bản Phia Thin chìm trong biển mây. Những tia nắng cuối cùng dệt tấm tơ lung linh màu sắc. Em đứng đợi tôi đầu nhà sàn. Chân chạm mây. Trông em như nàng tiên tôi từng nghe ông nội kể bước ra từ truyện Ò Pjạ vậy. Tôi ước rằng em không có cánh bay về trời mà sẽ ở bên mình mãi mãi. Bữa cơm thịt gà canh gừng, rượu ngô men lá đủ để mọi người hiểu về nhau. Tôi xin phép đưa em đi dạo. Hôm ấy là ngày mười sáu tháng bảy. Trăng sáng vằng vặc. Cả núi rừng ngập trong ánh sáng bàng bạc. Gió ở đây cũng lộng như cánh đồng Tổng Chúp, đưa hương bồ kết, lá “slổm lồm” từ mái tóc suôn dài của em đến bện chặt hồn tôi. Em nhanh nhẹn bước lên những tảng đá lớn và cất tiếng lượn. Tôi đáp lại say sưa cùng đất cùng trời. Khi đã khuya lắm rồi, tôi mới dám cầm tay em, thơm nhẹ vào má em. Cả hai vừa ngượng ngùng vừa hát đối đáp, nhẹ chân theo ánh trăng về nhà. Tôi ở lại Phja Thin ba ngày. Lên rừng lấy củi, hái nấm. Xuống suối bắt cá nấu canh măng chua. Pá mé sốt ruột, ra chợ phiên bắn tin cho người quen nhắn tôi về. Làm con trai mới lớn, con không nên ở nhà người ta lâu như thế? Pá ghi giấy bảo vậy. Tôi biết cả nhà lo lắng liền xin phép đưa em về ra mắt gia đình. Pá mé em đồng ý. Em vận bộ chàm mới nhất, đeo vòng bạc theo tôi băng rừng đi đường tắt về hướng dãy Phja Gào. Đi bộ suốt một ngày dài, hai đứa mệt nhoài. Chiều tối, khi vừa đặt chân đến đầu bản Nà Dưởng, tôi bắt gặp cánh đồng lúa Vì Pất mẩy hạt, trĩu bông. Các chị, các bá trông thấy đôi trẻ liền ồ lên, kháo nhau:
– Trông thằng Xuân kìa, đẹp trai mắt sáng. Nó sắp cho cả bản uống rượu vớ.
– Cô gái ấy xinh quá. Hai đứa rất xứng đôi.
– Ới, Xuân ơi! Vợ cháu đấy à?
Em đỏ bừng mặt, lí nhí chào theo tôi. Mây xuống huyền ảo. Có con chim lẻ bạn đi tìm bầy. Tôi cũng mong có người ở bên tâm sự sớm hôm. Tối ấy, em ngủ trong buồng. Mé ôm thằng Đông sang gian bên với cái Hạ, cái Thu. Tôi nằm ngoài sàn. Cách nhau một bức liếp mà nghe tiếng em trở mình cả đêm.
Rồi, chiến tranh biên giới nổ ra trên quê hương khi cả bản còn trong không khí tết. Tôi ôm súng ra mặt trận, không quên đem theo cây đàn tính làm bạn. Chỉ vài ngày, đồi núi bị đạn xới tung, gốc sim nát nhừ, lộ từng rãnh đất màu đỏ ối. Cảnh chia ly, chết chóc diễn ra trước mặt. Trong hang đá, những lúc nhớ nhà, nhớ em, tôi đem đàn ra đánh. Đồng đội thưởng bằng tràng vỗ tay, bánh lương khô bẻ nửa. Pá mé kịp theo bản sơ tán vào dãy Phja Gào chưa? Em giờ ở nơi nào? Thị xã chắc cũng đã sơ tán rồi. Bức thư dài chưa kịp gửi cho em vẫn nằm yên trong túi áo ngực. Mỗi lần nhớ về đôi mắt trong veo ấy, tôi lại mong chiến tranh mau kết thúc. Một buổi trưa, sau khi tiểu đội đã tiêu diệt một tốp địch đi về phía hang trú ẩn của bà con sau dãy Lam Sơn, tôi được lệnh đi trước dò đường tìm đến nơi tiếp đạn thì một loạt đạn nổ vang. Địch đánh hơi thấy tổn thất nên đến chi viện. Tôi quay lại cùng đồng đội dụ chúng sang hướng nam, chỉ bắn một viên đạn làm hiệu. Rừng rậm lại im ắng như thường. Bọn địch cay cú bắn loạn xạ và quăng lựu đạn uy hiếp. Tôi thấy tay mình bỏng rát và không biết gì nữa. Khi tỉnh lại, cô bác sĩ bảo tôi đừng cử động. Mảnh đạn đã được lấy ra khỏi cánh tay trái. Chợt, tôi nghĩ đến đồng đội và dò hỏi. Mọi người vẫn an toàn.
 – Khu thị xã bị bom đạn, thương vong nhiều quá. – Cô bác sĩ vừa tiêm vừa cập nhật tin tức cho bệnh nhân.
 – Các đồng chí phải ăn giỏi, uống thuốc đúng giờ. Sức khỏe hồi phục mau còn đi đánh giặc nữa đấy.
Tôi muốn mình lành lặn nhanh, để cầm súng, để làm việc nhà vào ngày nghỉ, để vác những tải thuốc cho pá băm nhỏ, kê đơn đi chữa bệnh gần xa, quan trọng nhất là để cầm được đàn. Địch ngày càng thua đau đớn. Khi cánh tay tôi dần hồi phục thì thị xã được giải phóng. Gia đình tôi bình an. Mọi việc xây dựng và sản xuất diễn ra bình thường. Tôi đã đánh được đàn và bắt đầu những ngày dò la tin tức của em. May mắn, một người bạn cho hay em vẫn còn ở lại thị xã cách chỗ tôi làm việc không xa. Ngay trưa hôm đó, vừa tan tầm, tôi đạp xe đến nơi em đóng quân. Sau khi nghe trình bày lý do, anh công an gác cổng lắc đầu bảo:
– Xin lỗi anh, ở đây không có ai tên là Mây Chiều.
Mặc cho tôi nằn nì, anh ấy cũng khăng khăng vậy. Cả buổi, tôi ngồi ở ghế đá bờ hồ đối diện đợi. Chỉ cần được nhìn thấy em thôi. Em bình an là đủ. Nếu có thương nhau thì không cần nói nhiều lời. Lần lượt mọi người chào nhau ra về. Khi cánh cổng sắt chưa kịp khép lại, bóng áo trắng và mái tóc tết bím quen thuộc hiện ra. Tôi bật dậy, nhoai người định chạy tới, tay vẫy ra hiệu, miệng chưa kịp mở lời gọi thì nàng đã yên vị trên đuôi xe Đờ- rem chạy vào phố. Mãi sau, tôi mới biết anh gác cổng hôm đó là người yêu của nàng. Không phải chiến tranh đã làm lạc đường thư mà chính lòng người chia làm nhiều dòng chảy. Tôi gặp nàng sau cánh gà của buổi biểu diễn. Nàng nói lời chia tay. Nàng bảo người ta đã ướm ngày. Hỡi ôi. Họ đã bàn tính với nhau từ khi nào mà chỉ có mấy tháng thôi, cây chuối rừng tươi chặt về làm đuốc cũng cháy. Tôi mất em từ đấy.
Cuộc sống thời bao cấp ở quê tôi không hề dễ dàng. Mé cặm cụi trên thửa ruộng bậc thang mùa gối mùa, việc đi rừng, việc bản cũng dồn lên vai. Công điểm thấp mà miệng ăn vẫn vậy. Gạo không với tới ngày giáp hạt. Pá đi chữa bệnh lắm hôm về tay không. Người nghèo như nhau. Tiền nợ. Bệnh nặng thì cần thuốc. Mà hẹn trả thì không biết đến bao giờ. Pá đánh điện gọi tôi viết đơn nghỉ việc về nhà đi buôn da bò, da trâu theo ông nhưng tôi không chịu. Biết tính con, pá không nói lần hai. Nhưng tôi phải cưới vợ. Một cô gái buôn bán sành sỏi từng giúp pá tìm được mối hàng. Tôi chấp nhận. Đeng không đẹp, không dịu dàng. Gái vùng biên mang nét rắn rỏi của nắng gió. Cưới nhau xong, lại mặt nhà ngoại ba ngày, tôi xuống thị xã làm. Tan sở, tôi đứng dựa cửa hút thuốc, mắt nhìn về phía cơ quan công an tỉnh. Đức bắt gặp liền bảo:
– Người ta bụng to rồi đấy ông nội. Cô đơn thì đem vợ xuống đây, đêm hôm bầu bạn. Ông bỏ thuốc lá đi, là ca sĩ kị nhất khói thuốc nhé.
– Em quen ở một mình anh à. Với lại, ở tập thể dễ phiền lắm.
– Ông thế nào tôi biết hết. Giờ chưa yêu vợ nhưng sau này có con cái, có duyên nợ thì sẽ có tình cảm thôi.- Đức bỏ điếu thuốc cháy dở trên miệng tôi gí xuống gạt tàn. – Mối tình đầu là điếu thuốc cháy dở. Ông không tỉnh sẽ bị bỏng môi.
Tôi khỏa lấp nỗi buồn bằng những đêm soạn nhạc, đặt lời cho các làn điệu: Cọi, pựt lằn, then… Những bài hát mang âm hưởng dân ca Tày đã giăng nốt nhạc kín quyển sổ. Tôi thể hiện nỗi lòng mình trong những buổi lưu diễn. Đeng biết bụng dạ tôi. Em đến thăm chồng vài lần rồi mải mê làm tròn bổn phận một nàng dâu cả trong gia đình. Khi biết tin Đeng có thai. Tôi về nhà xin phép pá mé cho em xuống thị xã ở cùng. Bỏ ra khoản tiền dành dụm, hai vợ chồng mua lại căn nhà nhỏ ở cuối ngõ phố, ven sông Bằng. Đeng ngày ngày đi chợ Xanh buôn bán. Tối nào tôi cũng ra phụ. Minh Thanh chào đời. Con bé giữ được chân mẹ nó ở nhà. Việc buôn bán gác lại cho đến khi Minh Thanh vào lớp một. Một hôm, Đeng bảo:
– Em thấy hay là anh nghỉ việc, ra cửa khẩu buôn mía đường với em. Có bà ở Nam Định lên nhà mình rủ mấy lần mà em chưa dám quyết.
 – Còn con thì sao, em?
– Minh Thanh về với ông bà nội. Nó đi học xa trường hơn nhưng có người đưa đón. Cô Hạ sắp lấy chồng nên còn rảnh. Bao giờ, cô ấy cưới hẵng tính tiếp.
– Nhưng ai sẽ kèm nó học? Anh không đồng ý.
– Đấy chỉ là cái cớ thôi. Anh suốt ngày đàn đàn hát hát. Anh lười làm ăn. Tôi hỏi anh, ai chả thích tiền? Người ta ngồi trên chum vàng vẫn mơ mình đào được hố lớn. Anh không có chí hướng. Tôi làm tất cả cũng vì tương lai cái gia đình này cả.
Đeng lớn tiếng. Minh Thanh sợ hãi nhìn bố mẹ cãi nhau. Tôi nhìn con, không nói gì nữa mà bỏ ra bờ sông cho cơn giận nguôi ngoai. Đeng bỏ về nhà ngoại. Lần nào giận nhau cũng thế, em ôm con đi rồi tự về. Nhưng lần này, Minh Thanh không chịu theo mẹ. Ba ngày sau, Đeng về. Em chìa tờ giấy trước mặt tôi và nói:
– Một là anh bỏ làm văn công đi buôn với em. Hai là kí đơn ly hôn. Anh chọn đi.
Tôi nhìn con gái, nhìn em, nhìn cây đàn treo trên vách. Lần đầu tiên tôi khóc. Tôi giận dữ kí vào tờ giấy. Đeng không để ý đến thái độ của tôi. Em vào buồng thu dọn quần áo và đi thẳng. Lúc ấy, Minh Thanh đang đi học. Tôi chẳng có gì níu giữ lại được Đeng. Tính em thẳng như ruột ngựa. Nói là làm. Cây đàn tính treo trên vách. Những chiếc tua đàn rủ xuống mông lung. Ba dây tơ mềm mại thẳng tưng. Tôi cầm xuống và bật những nốt đứt quãng. Buổi chiều đón con, Minh Thanh hồn nhiên hát bài: Lúc ở nhà. Tôi đạp xe thong dong qua nhiều con phố. Con bé thích thú vì được bố chở đi chơi. Nó không biết lòng tôi đang chua xót. Thường thì, tôi rẽ chợ xanh cho con chơi với vợ để mình dọn dẹp hàng nhưng lần này, tôi đạp xe qua cầu, vòng sang khu pháo đài cho Minh Thanh ăn quà. Có tiếng xe máy đi chầm chậm, cũng rẽ vào quầy bánh áp chao.
– Ấy dò, anh Xuân. Em nhận ra dáng anh lúc qua cầu cơ. Vợ bỏ hay sao mà hai bố con đi ăn quán tạm bợ thế này?
Tôi quay lại thì thấy Mây Chiều. Giọng em vẫn cao vút như ngày nào. Nhưng giờ em không vận quân phục. Váy trắng xếp ly sang trọng. Thấy tôi ngượng ngùng, em cười khanh khách:
– Em đùa đấy thôi. Anh về lại mất ngủ. Nói thật nhé, may mà hồi ấy em không lấy anh. Không thì giờ vẫn đi xe đạp cọc cạch thế này.
Tôi chữa gượng bằng cách mời em ngồi và hỏi lảng:
– Em nay xong việc sớm thế, mới năm giờ.
 – Em xin ra khỏi ngành rồi. Chồng em cũng thế. Giờ, anh ấy làm cai khu khai thác vàng. Anh tính, thời thế thế thời, ai biết kéo thì no, biết co thì ấm.  Anh cũng nên vậy đi.
Tôi chua chát. Miếng bánh áp chao vữa dần trong miệng. Sao giờ em như thế, Mây Chiều ơi?
Từ ngày mẹ bỏ đi, Minh Thanh không rời tôi. Khổ thân con bé, hết giờ học cứ lang thang ở cơ quan chờ bố cùng về. Những hôm theo đoàn đi diễn ở xa, tôi nhờ cô giáo chủ nhiệm đón giùm hoặc đem cả con đi theo. Tiền nong ít ỏi, những ngày cuối tuần, tôi vỡ bãi đất hoang sau căn nhà nhỏ ở ven sông Bằng trồng thêm rau cỏ. Có ngày hết gạo, tôi mớ dây lang đem ra chợ bán cho người chăn lợn, sáng tác thơ kiếm nhuận bút bằng bút danh mới. Đêm lạnh, con bé ngủ tròn như con mèo trong lòng bố, chỉ còn một mình với trăng tròn vành vạnh treo lơ lửng trên dòng sông bàng bạc sương, tôi ước gì bẻ đôi vầng trăng ấy, gửi một nửa về núi tạ lỗi với pá mé, tổ tiên. Đứa con trai không chịu về quê yên phận. Một nửa tôi thả trôi theo dòng nước về xuôi. Tôi ước mình sẽ xuôi về một nơi xa, để quên đi ngày tháng không suôn sẻ này. Có nhiều người đàn bà lỡ dở cảm thấu được hoàn cảnh của tôi. Họ mạnh dạn bày tỏ mong muốn được cùng tôi chắp nối duyên nợ. Nhưng, tôi từ chối. Minh Thanh cũng mỏng manh như dây đàn mà tôi nâng niu. Con bé dẽ bị gợi lại kí ức về mẹ bằng những câu hỏi của các bà hàng xóm. Họ vô tình thôi, nhưng lời nói đôi khi còn sắc hơn dao. Tôi xin phép cơ quan cho chuyển công tác đến một tỉnh xa. Chấp nhận mức lương ít ỏi, làm nhân viên cũng được miễn sao đánh đàn và hát. Dần dần, tôi thăng chức lên làm quản lý, có tiếng tăm trở lại. Tôi đi bước nữa với cô giáo chủ nhiệm Minh Thanh. Con bé là người ủng hộ đầu tiên. Giang Tiên lặng lẽ như một nốt nhạc trầm. Em bảo:
– Khi nào chúng mình nghỉ hưu thì rời thành phố về quê anh, anh nhé?
Tôi hỏi:
– Anh chỉ sợ em chê buồn như núi.
– Anh chả là núi còn gì? Mặt lúc nào cung có nét khói sương.
Chúng tôi có với nhau một cậu con trai đặt tên là Minh Sơn. Pá mất. Mé cũng khuất núi. Tôi ít về quê hơn. Thằng bé say mê ngoại ngữ. Minh Thanh thành thiếu nữ thì biết tất cả nhạc cụ nhưng con bé quyết định học ngành kinh tế và đi du học. Một lần điện về, nó hỏi:
– Bao giờ thì bố chịu ở nhà? Mỗi lần lưu diễn xa, mẹ Tiên buồn lắm.
Tôi cười, tìm lời lẽ trả lời con bé tinh nghịch:
– Khi nào con chịu về núi.
– Ôi không. Bố chẳng bảo ngày xưa ước mơ vượt được đỉnh Phja Gào còn gì? Con cũng thế. Đại dương đủ rộng để khám phá. À, hôm nay con gặp đồng hương ở nước ngoài này, bố nhé. Chúng con nói chuyện, cùng ở trong kí túc, mà tuyệt vời hơn là mẹ bạn từng là đồng nghiệp của bố đấy?
– Vậy sao con?
Con bé lại lém lỉnh:
– Bố không tò mò cô ấy là ai sao? Nhưng giờ gia đình bạn ấy khó khăn lắm. Bố bị bắt vì tội buôn ma túy. Mẹ gánh cả đống nợ, công việc không ổn định. Con giúp bạn ấy tìm việc làm thêm ở tiệm giặt ủi, góp tiền đóng học phí nữa bố ạ.
– Mẹ bạn ấy là ai vậy con?
– Cô ấy là Mây Chiều!
Tôi dập máy đứng lặng người. Mây Chiều ơi! Lẽ nào là em? Người từng bỏ kiếp cầm ca, bỏ cả nghề vinh quang để theo con đường nhung lụa bây giờ lại gặp cảnh ngộ như thế. Em cười nhạo tôi, quên hết lời hứa hẹn trong cánh thư học trò. Tôi vội tìm số điện thoại người quen ở cơ quan cũ thì thấy đúng như con gái nói. Mây Chiều bươn trải đủ mọi nghề sau khi số tài sản kếch xù mà chồng đem về bị niêm phong vì làm ăn phi pháp. Một mình em nuôi ba đứa con.
Tôi đăng kí về quê một chuyến. Sau khi qua nhà thắp hương cho pá mé, tôi về thị xã tìm Mây Chiều. Từ xa, em đứng bán xôi dưới một gốc cây bàng ở cổng trường tiểu học. Nếu không có cô bạn thân của em chỉ, chắc chắn tôi không nhận ra. Nét kiêu sa  chỉ còn trong kí ức ở quán bánh áp chao ngày nào. Lấy cớ chưa ăn gì, tôi tiến lại gần mua một gói xôi. Chiều nhanh chóng nhận ra tôi. Em không nói nên lời. Tôi ngỏ ý mua hết để chia cho anh em đi cùng đoàn đang đợi ở khách sạn. Đến chiều, tôi tìm đến nhà, em lí nhí mời tôi vào uống nước. Vài câu hỏi xã giao. Chúng tôi ngồi lặng lẽ ở hai góc bàn trúc, chén nước chè đã nguội từ lâu. Mãi sau, Chiều mới mở lời:
– Em không có gì đáng để nói nữa. Xin lỗi anh! Trong tay em không có gì cả.
Tôi đáp:
– Em còn các con. Cố gắng giữ gìn sức khỏe để lo cho chúng. Nếu có gì khó khăn thì điện cho anh.
Em gật đầu. Quay đi gạt nước mắt. Trước khi ra về, tôi thấy chiếc đàn tính treo trên vách. Nó không hề phủ bụi như những quyển sách làm giàu xếp trên kệ. Tôi lén để lại chút tiền khi em ra trước mở cổng. Tôi gửi xe ở khách sạn, lang thang dọc bờ sông Bằng khi trăng đã lên. Trăng sáng vằng vặc. Ngọn lau phất phơ trong gió như cảnh ở Phja Thin năm nào. Mây Chiều cất tiếng hát:
– Em theo con suối mát.
Anh theo con suối trong.
Gặp nhau ở câu hát
Yêu nhau như vầng trăng
– Nàng ơi còn sợi nhớ
Dệt hồn anh nẻo về
Trăng buồn tìm mây ngủ
Người đã quên lời thề
Người ta đâu dễ quên nhau bao giờ? Chỉ là không thể cầm tay mà đi chung con đường như những tháng ngày tươi đẹp. Tôi quên khuấy rằng mình đã ngỏ lời vào một đêm trăng khuyết để bây giờ khi trăng tròn vành vạnh lại muốn bẻ làm đôi: Nửa gửi về núi. Nửa thả dòng xuôi!.
15/5/2023
Hoàng Thị Hiền
Theo https://vanchuongphuongnam.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Cái còn lại hóa cái không

Cái còn lại hóa cái không Nhà thơ Tạ Bá Hương vừa được kết nạp hội viên Hội Nhà văn Việt Nam năm 2022. Anh tốt nghiệp Khóa 7 Trường Viết v...