Chủ Nhật, 28 tháng 4, 2024

Ngôi nhà lợp gỗ Pơmu

Ngôi nhà lợp gỗ Pơmu

Sương đã buông xuống con đường ngược núi dốc mặt ngựa Tà Nhì Chù mà ông Mùa A Ly còn ngồi trên phiến đá cuối rẫy ngô. Hai bàn tay đen đúa cấu vào nhau gỡ hết những dự định đã đóng đinh vào đầu bây giờ rơi lở tở như đất giắt kẽ móng.
Việc gì ông cũng cố làm cho bằng được, kể cả tự mình dựng lại ngôi nhà lợp gỗ pơ mu đã phủ lớp rêu phong nhưng việc đưa người đàn bà thứ hai bước qua bậc cửa để làm chủ cái bếp lửa sao mà khó lắm thay. Tiếng vạc gọi nhau vang thung sâu. Đấy, ngay cả chúng đi kiếm mồi cũng có bầy có bạn, còn ông cứ lùi lũi một mình. Nắng mưa phả lên dáng hình, lên quần áo người đàn ông hơn năm mươi tuổi nhàu nhĩ hơn quả sơn tra khô, nếu như đứng nép vào tảng đá, người qua đường khó phát hiện được. Khi còn trẻ, ông Ly là tay thợ săn giỏi nhất Tà Nhì Chù, phát súng kíp nhắm con nai ở xa nấp trong cây lá rậm, các dây thòng lọng tết bằng lông đuôi ngựa bẫy chim dính liên tiếp. Bữa mèn mén thường xuyên có thịt gà rừng, gà gô, tu bát rượu ngô khé cổ, làm nổi cục yết hầu ương ngạnh, bộ ngực đỏ vâm rắn chắc. Cánh tay của chàng trai Ly khi đó gân nổi cuồn cuộn đã nhấc bổng cô gái Mẩy vắt lên vai, tủm tỉm trong chiến thắng, rẽ đám con trai túm tụm ở chợ tình tiếc ngẩn ngơ, phăm phăm ngược lên con đèo dốc mặt ngựa về nhà. Đêm đó, lửa đỏ rực bếp, men tình chếnh choáng say. Ông sang tận Phiêng Chải thưa chuyện với bố mẹ bà Mẩy khi hai người đã ngủ với nhau được bảy ngày. Dẫn cưới hai cặp bò, bế cô vợ xinh đẹp lên ngựa, ông Ly vui sướng thúc ngựa ngược gió qua suối vượt đèo, vòng tay xiết chặt người yêu thầm hứa với trăng sao cả đời sống với nhau không xa rời. Dắt vợ qua bậc cửa vào trình ma họ Mùa, căn nhà lợp gỗ pơ mu rộn ràng tiếng chúc phúc, bát rượu va lách cách. Cả bản đêm đó chất một đống lửa to, già trẻ gái trai say cùng rượu thịt, tiếng khèn bè chiết từng lời yêu thương, váy hoa xòe quay tít dưới ánh trăng. Lần lượt, sáu đứa con ra đời, lăn lóc cùng bí đỏ, củ sắn lớn lên, có chân chạy nhảy khắp khe suối, vạt nương. Bà Mẩy vẫn mặt tròn căng, má ửng vỏ quả đào, cặp vú nẩy trong lần áo thêu viền theo gót ông sớm tối ngoài nương. Cho đến một ngày, bà bỏ ông mà đi.
Mùa đông năm ấy, băng giá phủ xuống Tà Nhì Chù. Bếp thúc củi từ sáng đến tối, sân không một bóng người. Nước ngoài chum đóng từng khối tê buốt. Đàn bò nhốt trong chuồng, khua chuông leng keng, ậm ò đòi ăn. Bà Mẩy cùng cô con út gùi quẩy tấu cỏ già về vứt vào cho chúng rồi quay ra dặn chồng:
– Lát nữa ông xách cho bò xô nước nhé. Mưa rét nên bọn nó khát nước hơn.
 Bà bảo con gái vào nhà sưởi lửa và giắt con dao vào thắt lưng, hai tay xuýt xoa, gạt nước sương trên đôi má đỏ, thở làn khói trắng, một mình chống gậy đi xuống dốc trơn trượt. Ông Ly hớp ngụm rượu ngô, nhìn theo dáng đẫy đà của vợ nghĩ bụng. Hai tuần đi dựng nhà giúp em chú, tối nay mà được ôm bà ấy ngủ thì không lo rét nữa. Ở Tà Nhì Chù, nhà nào cũng dự trữ củi mới chống chọi được qua mùa đông. Bản ở trên đỉnh núi, quanh năm gió lộng, mây trắng bao quanh. Trước nhà ai cũng vậy, củi cành xếp trên củi bổ, đống từng đống to, cao ngang người. Rừng còn nhiều cây già, lắm củi khô, chỉ sợ không có sức mà gùi. Vậy nhưng, đến tối, ông Ly chẳng thấy vợ về, ánh đèn dầu leo lét buồn thiu. Mưa mỗi lúc một nặng hạt. Giá mà, chiều nay, ông nhanh chân theo váy bà thì đâu đến nỗi. Mâm cơm nguội ngắt, mấy đứa con co cụm trên chiếc phản kê sát bếp lửa. Cả bản Tà Nhì Chù đốt đuốc đi tìm bà Mẩy. Tiếng gọi, tiếng hú vang rừng núi. Đáp lại chỉ là tiếng vọng dội trong thung sâu. Khi trời tang tảng sáng, ông Ly thấy cuộn dây lanh của vợ ở trên vách núi, đầu kia trùng theo một vết trượt dài. Bà Mẩy ngã vực. Người ông Ly như trên mây, hồn vía lạc trôi theo tiếng khóc não nề của các con, tiếng cười khùng khục của các ông già khi có rượu ngấm. Ngày đưa bà Mẩy ra đồng, trời mưa rả rích. Mặt ai nấy đỏ lên vì rượu bốc, vì gió quất. Tiếng trống thúc vào ngực ông buốt nhói. Người ta rải những tấm vải lanh vào quan tài, đặt bà Mẩy nằm xuống đó, lại phủ nhiều lớp vải lên trên, đậy tấm ván lại và lấp đất. Thế là từ đó, ông không được ngắm vợ thêu váy nữa. Đêm không được thủ thỉ nhỏ to, rúc vào bộ ngực tròn căng ấy mà mơ mùa khèn, ngắm váy thêu sặc sỡ phơi trên bờ rào ngập tràn hoa cải. Nhìn đứa con gái út nằm mơ quờ tay nấc ưng ức, mũi ông Ly cay xè. Trong đầu ông, bà đang cười tươi tắn, tay thoăn thoắt se lanh. Mười năm trôi qua, các con lần lượt lấy vợ, gả chồng, ra ở riêng, mình ông trong căn nhà lợp gỗ pơ mu ấy trống hoang hoải. Ông lầm lì cuốc nương trồng ngô, vào rừng lấy củi, hôm không nghĩ ra được việc gì thì ngồi thần ở phiến đá cuối rẫy đến tối mịt mới đứng dậy. Những hôm đi chợ phiên bán lợn, bạn bè giới thiệu cho người bà con xa mong ông có đôi có cặp nhưng ông bặm môi, lắc đầu. Hớp rượu nghẹn trong cổ, đắng nghét.
Cánh hoa đào lắc rắc rơi trên những mỏm đá xám, đứa bé nằm trong địu thích thú nhoẻn miệng cười ê ô nói chuyện với các ngón tay xinh. Tia nắng hiếm hoi xiên qua khe núi, hắt lên khuôn mặt người mẹ trẻ đang gập người chọc lỗ tra ngô trên sườn dốc. Tiếng chuông bò leng keng trong thung sâu. Ông Ly đi qua đầu rẫy đưa mắt nhìn một lượt rồi thả hồn theo đám mây trắng xốp trườn dần lên đỉnh núi. Dưới khúc cua vắt lên đèo, đôi nam nữ mới lớn đang kéo co nhau. Họ diện bộ quần áo mới, tươi như mầm cỏ mới nhú còn đọng hạt sương đêm. Ô kìa, anh con trai đã ôm được cô gái, họ nhìn trước nhìn sau rồi dắt nhau rẽ xuống rừng hoa đào. Bây giờ, bọn trẻ ưng bụng nhau nhanh lắm. Hồi của ông, bao nhiêu bài khèn môi mới có người chịu lắng nghe và thổi câu trả lời. Nhưng còn phải khoe tài lẻ cho bọn con gái thích, nhắm ai má ửng hồng, bụm miệng e thẹn mà thừa cơ bắt đi. Ông Ly rẽ sang con đường mòn ra mỏm đá trông về hướng Phiêng Chải. Đằng trước, có một người đàn bà đang thất thểu bước. Ông tò mò bám theo sau cả một đoạn dài cũng không bị phát hiện. Bà ta ngồi vắt vẻo trên mỏm đá, bưng mặt khóc rưng rức. Hai vai gầy rung lên. Dưới chân là vực sâu hun hút. Trên này, đá chênh vênh như cái u ở lưng con bò, sương mù quẩn kín chân. Người đâu mà lười thế, khăn vấn lệch cả sang một bên. Tóc rối xổ ra không khác nào tổ chim đã ra ràng. Ngồi ở đó không cẩn thận khi đứng lên sây sẩm mặt mày thì lộn cổ chết mất xác. Nhưng lại gần mới lên tiếng thì bà ta bay hết hồn vía mất. Sẵn có cái cây gậy trong tay. Ông Ly gõ xuống đá. Bà ta thấy động, quay đầu lại, đưa tay áo chùi mặt. Tay kia len lén giấu đi nắm lá xanh.
– Ngồi ở đấy muốn chết à.
Bà ta không đáp, vội vàng đứng dậy, toan đi. Ông Ly đã nhìn thấy nắm lá ngón trong tay bà ta liền lao vào giành lấy, ném mạnh ra xa. Nắm lá rơi lả tả. Bà ta òa khóc nức nở. Ông quát:
– Có chết thì đi về nhà mà chết. Chồng con khỏi mất công đi tìm. Tưởng chết rồi thì người còn sống sung sướng lắm à. Hồn không về Giàng được đâu.
Bà ta khóc to hơn. Khuôn mặt méo xệch sang một bên, rám đen, trông thật thảm hại. Ông Ly run rẩy nhớ lại cái ngày mẹ ông ngã vật trên tấm phản, mắt trợn trừng trừng, nắm lá ngón còn ở trên tay. Giàng ơi! Những cuộc cãi vã ào đến nhanh như cơn lũ quét dưới thung sâu, bao nhiêu tốt tươi tan tác xuống tận hang cùng ngõ hẻm, chỉ để lại xác xơ và nước mắt. Bố ông đâu có độc ác gì? Chỉ là bệnh tật làm bà đau đớn quá. Nhà đông con. Đường tương lai thì trông thăm thẳm. Bà không muốn mình là cơn lũ cuốn trôi đi miếng cơm manh áo, cuốn sạch đàn bò, đàn lợn và cả căn nhà lợp gỗ pơ mu ấy của họ Mùa. Nhưng bà đâu biết rằng, con trai bà khi nhìn thấy đôi mắt mở trừng hướng về phía mặt trời ấy luôn ám ảnh cảnh chia lìa đột ngột. Cơn ác mộng bủa vây ông Ly hằng đêm. Vậy mà, số phận còn cướp cả người vợ thân thương. Tiếng quạ kêu ngang trên đầu ba tiếng. Lúc này, ông mới để ý những vết bầm tím trên cổ bà ta, cả đuôi mắt còn nguyên một vết xước dài. Ông muốn bỏ đi, nhưng đôi chân cứ mắc vào tiếng khóc như những sợi lanh vô hình vướng víu, càng gỡ càng rối. Tiếng khóc của người đàn bà dội vào ngực ông tức tối như tiếng trống lệnh ngày đưa bà Mẩy ra rìa núi. Ông thấy mình cục cằn quá mới dịu giọng dỗ dành:
– Ai chả khổ? Bước đường cùng thì vào hang đá ở.
Rồi ông kéo tay người đàn bà, xăm xăm đi xuống dốc. Đến ngã ba đường, lúc nhìn thấy những mái nhà ở phía xa xa, bà ta khựng lại, ông Ly kéo thế nào cũng không được. Bà kể một hơi về thằng con trai nghiện hút bán hết mọi thứ đáng tiền trong nhà, cả tấm lợp nó cũng cậy đinh vác đi xuống chợ cho người ta mua lại lợp chuồng bò. Thân xác của mẹ nó gầy hơn cây ngô trên mỏm đá mà róc ra làm thịt hay nấu cao bán được thì nó cũng tống nốt. Nó lên cơn vật thuốc, đã bao lần cầm cây gậy giáng lên lưng bà cho rơi tiền ra. Hôm qua, sau khi đã tẩn một trận đòn lên thân thể người đứt ruột đẻ ra mình vẫn không có nổi một đồng, nó vớ con dao sáng quắc, bà vùng chạy ra khỏi nhà. Dù gì, cô con dâu sớm đã kịp ôm cháu của bà theo người đàn ông khác. Bà cũng yên lòng theo người chồng đi sớm theo cánh tiên nâu.
– Ông Ly à, đón bà ấy về còn có cái gác chân, còn có người bưng thau nước giúp rửa mặt. Giờ người ta là cái cây bị bật gốc, phải dựa vách đá may ra cố thêm vài mùa trăng nữa chứ?
– Ầy dà, bốn mươi rồi, khô đét dưới nắng ở chợ. Tao chỉ sợ đem về lại phải dọn đống xương khô. Vải lanh không đủ trải chỗ nằm à.
Hai ông bạn già vỗ vỗ vào vai ông Ly như thế khi buông bát thắng cố xuống phản, đứng dậy kẹp mớ bao tải vào nách rồi dật dệu bước đi vào chợ. Nhìn người đàn bà dúm dó bên vệ đường bán mấy nắm lá khuối và vài nhánh phong lan, lòng ông quặn thắt. Ông không dám xuất hiện trước mặt bà khi chưa đưa ra được lựa chọn. Bà Dí- Người đàn bà được ông cứu trên mỏm đá hình u bò nghe được những lời sóng sánh men cay ấy thì ngoảnh đi nơi khác. Ông Ly để bà ấy ở trong hang núi đá về lâu về dài không ổn. Bữa no bữa đói, hang lạnh, tối tăm. Thân là đàn bà, một mái nhà che nắng che mưa không có, còn chẳng bằng con bò, ngày ăn cỏ no, tối về nằm nệm rơm trải  phản. Ông Ly chọn mua miếng thịt lợn, cuộn tròn trong bao tải dứa rồi xăm xăm đi về. Thằng Dí- con trai cả của ông từ đâu lù lù đứng chắn trước mặt.
– Bố à. Vào đây con hỏi cái này.
 Đôi mắt ông Ly chùng xuống. Nó chẳng bao giờ hỏi ý ông. Nhưng hôm nay, nó đón đường gọi bố ra góc chợ ngồi thì biết là có việc to lắm:
– Bố đón bà ấy về nhà ở cùng đi. Người ta đi theo bố đưa cơm vào hang đã mách đến tai vợ chồng cái Dinh, nó hầm hầm sang nhắc con tìm cách đuổi bà ấy đi khỏi Tà Nhì Chù. Nó làm thế cũng vì sợ bố mang tiếng với mọi người thôi. Nhưng con nghĩ bố cũng cần người nấu cơm, giặt giũ, bà ấy cần chỗ ở.
Ông Ly ngẩn người ra một lúc rồi gật đầu, vỗ vỗ vào vai thằng con trai. Nó đã lớn thật rồi. Cơ ngơi của nó ở trong thung lũng đủ rộng rãi và thoáng đãng để đón khách dưới xuôi lên nghỉ ngơi trong mùa du lịch. Thỉnh thoảng nó mới lên thăm ông trên đỉnh Tà Nhì Chù. Được đi học, con chữ làm người ta khôn ra, biết trồng hoa ra tiền, biết biến đá thành cơm no áo ấm, biết dựa vào quê hương của người Mông bao đời mà sống tốt. Nó cũng hiểu nỗi khổ của người già, cái bụng của những người khốn khổ. Cái Dinh đã làm mẹ, trải qua nỗi đau thấu tận gan trời thì sao có thể để một người đàn bà xa lạ vào thế chỗ của người đã sinh ra nó dễ dàng như thế? Bà ta lại còn có đứa con không ra gì. Bố nó già nua chưa đủ khổ hay sao?
Ông Ly leo hết con đèo thì thở cả ra đằng tai. Ôi, đôi chân say mèm bao năm trong men rượu gân guốc nhanh nhão thế này! Mặt trời bây giờ gay gắt hơn trước hay sao ấy, nắng cứ cắn trên đầu ông, bỏng rẫy. Mồ hôi túa ra chảy xuống mắt cay xè. Ông rẽ sang mộ vợ, tán cây pơ mu ở phía trên vách đá không đủ che nắm đất đã phủ cỏ lơ thơ. Xung quanh, đá xám xịt lổn nhổn. Ông xin phép bà cho ông làm một việc là phá bỏ lời thề năm năm nào. Người Mông bấy lâu nay đã hứa là làm. Nhưng chuyện này chắc vợ ông cũng hiểu. Đàn bà với nhau thì càng dễ mủi lòng. Lỡ túm tóc lôi người ta lên giữa dòng nước mà không cho người ta cây gỗ để bám vào thì buông tay ra hóa bằng không. Ông đổ hết chai rượu trước mộ vợ rồi lên phiến đá cuối rẫy ngô ngồi, nhìn về căn nhà lợp gỗ pơ mu nghĩ ngợi đến khi tối mịt.
Từ ngày có bà Dí về ở cùng. Củi khô xếp khối từng khối ở góc sân. Trẻ con đến đánh quay, nô đùa bên bờ rào phơi những chiếc váy hoa sặc sỡ. Ông Ly mua thêm bò về nhốt trong chuồng. Cỏ voi trồng rìa nương ngập lối, non mơn mởn. Bà Dí lấy cỏ trộn với cám, bột ngô và muối cho bò ăn chóng béo. Bếp lửa đỏ rực đêm ngày. Bà Dí ăn được, ngủ được nên đổi da thịt trông thấy. Hôm nay, cái Dinh đem con từ Phiêng Mường sang chơi. Ông Ly đi nương cắt cỏ. Áng chừng vợ chồng cái Dinh sắp đến, bà  Dí vội vàng thu dọn váy áo vào lù cờ, lập cập ngó trước nghiêng sau đi náu mình trong hang đá. Bà sắp sẵn rượu thịt trên mâm, đậy lồng bàn lại, vừa nhón chân ra cửa thì một cánh tay lẳng khẳng túm luôn cổ áo bà, bộ răng vàng khè cười hềnh hệch:
– Trốn kĩ thế nhỉ? Vượt năm quả núi đến tận đây ăn ngon mặc đẹp tưởng thằng này không biết ơ! Giàng có mắt đấy. Chà chà, cơm rượu thơm phức thế này chốc phải làm bữa mới được. Tiền đâu, đưa đây cho tao!
Cơn ác mộng tưởng như đã bị trôi theo mùa lũ vừa rồi dưới thung sâu kia ấy vậy mà giờ lại hiện ra trước mặt người đàn bà tội nghiệp. Hắn dùng đôi tay dài ngoẵng túm lấy tóc mẹ mình lôi đi xềnh xệch, ép sát vào bức tường đá. Mấy đứa trẻ con đang chơi vội vàng bỏ chạy tan tác. Bà Dí ú ớ kêu. Cái thằng con của bà đã lần mò được đến tận đây. Nó không còn là con người nữa. Bà đẻ ra con hổ rồi. Nó lấy hai tay bóp cổ người mẹ khốn khổ, bà lắp bắp mãi, cuối cùng cũng bật được thành tiếng:
– Mày… thích tao chết thì đẩy tao… xuống kia là xong. Mày đánh người ta… thì họ…. không tha cho mày… đâu.
Bà Dí nhắm mắt lại chờ đợi. Chết đường chết chợ chẳng cần mời thầy làm ma, chẳng cần trai bản phải mất công đào mấy thước đất đặt tấm ván lót chỗ nằm. Bà cứ rơi xuống dưới vực sâu thăm thẳm ấy, nắng sẽ hong xác bà cho đủ bảy ngày bảy đêm, cơn mưa rừng sẽ cuốn trôi tất cả xuống dòng suối đổ về sông rộng, hồn bà sẽ bay về chỗ Giàng. Bà chỉ sợ nó giết mình xong là châm lửa đốt căn nhà lợp gỗ pơ mu này mất. Cái tính của nó bà, nó lạ gì.
– Gô cổ nó lại, đem nó xuống nộp cho cán bộ xã.
Bà Dí bị đẩy ngã ra nền đất, xây xẩm mặt mũi. Khi hoàn hồn lại, đã thấy mấy thanh niên lực lưỡng trong bản trói trật cánh khuỷu thằng con không có tính người  ấy dẫn xuống con dốc mù bụi. Ông Ly lật đật chạy lại đỡ bà. Miệng không ngừng an ủi:
– Không sao, không sao rồi. Tay va vào đá chảy nhiều máu thế. Dinh ơi, lấy cho tao một nắm thuốc nào.
Cái Dinh răm rắp làm theo. Cũng may hai vợ chồng nó đến kịp lúc. Thằng cháu của ông đang chơi cù nhanh trí lẻn ra nương gọi ông về. Hú hồn. Tí nữa thì…
Mọi người vào cả trong nhà, ông Ly sau khi ôm hôn hai đứa cháu, rót rượu mời con rể thì không thấy con gái đâu.  Ông ra cửa nhìn tìm, thấy cái Dinh đi nhặt lù cờ lăn long lóc ở bên bờ rào đá, nhặt cả cái túi bóng buộc nắm váy áo của bà Dí. Bà Dí ngồi nép mình bên góc bếp. Khi thấy cô gái cầm túi đồ của mình vào trả thì lắp bắp đến đỡ lấy, run rẩy ôm bọc váy áo, thanh minh:
– Tôi… định đi rồi nhưng bị….
Cái Dinh ôm lấy bà Dí, ghé tai nói thì thầm câu gì đó rồi rủ bà vào buồng. Ông Ly không nghe rõ, chỉ biết rằng, căn nhà lợp gỗ pơ mu từ hôm ấy trở đi luôn có một người đàn bà nhóm lửa.
25/6/2023
Hoàng Thị Hiền
Nguồn: QĐND cuối tuần
Theo https://vanchuongphuongnam.vn/ 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Cái còn lại hóa cái không

Cái còn lại hóa cái không Nhà thơ Tạ Bá Hương vừa được kết nạp hội viên Hội Nhà văn Việt Nam năm 2022. Anh tốt nghiệp Khóa 7 Trường Viết v...