Thứ Ba, 30 tháng 4, 2024

Tiếng gọi lúc nửa đêm

Tiếng gọi lúc nửa đêm

Miền Bắc lúc này trời vào đông. Màn mưa phùn li ti đọng thành những hạt kim sa lấp lánh trên nhành thạch lựu. Mùi mục ải ngai ngái của đất xốp lâu ngày gặp mưa cuộn lên từng chập. Từ vô số mà run đùn ra một lớp sương khói mỏng tang, nhẹ nhàng thoát lên khỏi mặt đất.  
– Ngọc! Ngọc ơi!
– Anh Thuận! Đúng anh rồi.
Cô ôm lấy vai người đàn ông đấm thùm thụp vào ngực. Người đàn ông hơn bốn mươi năm qua cô khắc khoải tìm kiếm. Cảm xúc vỡ òa, miền ký ức xót xa trong ngôi nhà năm gian ùa về xối xả.
Xóm Hồ. Người đàn bà ấy bao nhiêu đêm chong đèn bện tiếng thở dài, tự trói mình nỗi nhớ về anh. Mỗi khi thấy bầy nhạn dắt díu nhau, sải những đường dài đi tránh rét. Từ góc sân đôi mắt mệt mỏi dõi lên khoảng xa xăm nói bâng quơ như thể nói với chính mình: “Thằng Thuận sắp về rồi”. Tiếng nấc giật khục đu nỗi buồn sâu thẳm.
– Người ta bảo anh chết rồi!
– Chết ư?
– Không đúng!
– Anh còn sống! Còn sống!
Chiếc ba lô cũ kĩ rung lên bần bật. Từ hai khóe mắt ngân ngấn những giọt nước, bộ quần áo màu xanh lá cây bạc thếch. Lỉnh kỉnh cạnh xanh tuya là bình bi đông đã móp, đôi giày vải ngấm màu thời gian rệu rã.
Anh trước mặt sao lại vời vợi xa thế kia. Là mơ hay thật? Nhưng không! giọng anh vẫn ấm áp:
– Thầy U đâu rồi em?
– Anh về nhà cửa trống trơn, vắng lắm.
– Thầy U chết cả rồi! Còn ai nữa đâu.
– Sao giờ này anh mới về?
Câu trả lời như lưỡi dao xuyên thấu tim. Thuận ngồi thụp xuống. Đâu đó trong khoảng không, tiếng vọng đặc lại: U ơi! Thầy ơi!…
Anh đã ngủ lại bờ sông lâu quá. Quãng thời gian đủ để làm thay đổi mọi thứ. Thay đổi từ một cô bé Ngọc xinh xắn thành một người phụ nữ khắc khổ ưu tư, lấm tấm sợi bạc trên đầu.
Lũ chim non có còn nghe tổ tiên nhắc về cậu bé năm nào cài lại tổ cho chúng buổi vào đông? Có chăng chỉ còn cây trẩu già đứng lặng nỉ non về quãng ngày xa vắng.
Hai anh em ngồi ở bậu cửa, ánh đèn đổ lại từ phía sau, Ngọc giật thót khi chỉ có một bóng của mình. Khi còn bé cô được người già kể lại “là người phải có bóng, yêu tinh thì không có lông mày”. Rõ anh cô là ma rồi. Ma thì đã sao, ma anh mình mà. Ngọc xích lại gần anh thêm chút nữa. Mặc cho hơi lạnh chạy dọc sống lưng.
– Anh ở đâu?
– Xa lắm!
– Đừng tìm anh ở Trường Sơn. Chỗ anh ở trên thoải đồi, mùa này bạt ngàn hoa dại.
Ngọc đã từng lang thang khắp những ngôi nhà vô danh, rồi trở về trong vô vọng. Khoảng thiếu hụt mỗi khi tết về. Nụ cười anh trên khung ảnh tươi đến xé lòng. Bao kỉ niệm tuổi ấu thơ đội mũ rơm đi học tránh bom bi lại rõ mồn một. Lần này anh về thật rồi. Là anh bằng xương bằng thịt. Cô nắm chặt tay anh như thể sợ anh vụt mất.
– Anh phải đi rồi.
– Đừng đi anh Thuận.
– Không kịp nữa rồi. Đi tìm anh nhé! Bên dòng sông…
Tiếng con mực mơ ngủ oẳng lên vài tiếng. Cô ngồi bật dậy, mặt cổ vã vượi mồ hôi. Nước mắt nhòa nhoẹt đôi gò má, cánh cửa sổ mở toang, nhành thạch lựu vẫn lấp lánh. Hình ảnh Thuận còn nóng hổi thị giác. Khuôn mặt anh hốc hác, khiến lòng cô chùng lại: Lẽ nào…
Bảnh mắt Ngọc dở quyển lịch tính tính nhẩm nhẩm, rồi vội vàng dắt xe dặn với lại: “Ba bố con ở nhà tự cơm nước. Em về bên anh Bình xem đã chuẩn bị đồ cúng mai giỗ anh Thuận chưa?”. Mua ít hoa quả chạy một mạch về nhà, Ngọc thắp hương lẩm rẩm nói với Thầy U điều gì đó rất lâu.
– Mai mới là ngày giỗ chú ấy.
– Em biết!
– Lần này là thật.
– Em sắp tìm thấy rồi.
– Cái con này. Mày nói không đầu không cuối. Ai hiểu.
– Em tìm thấy chỗ anh Thuận nằm rồi.
Lần nào cũng vậy. Rõ thật là… Anh cả lục đục lôi tập giấy tờ cũ mèm ngả màu vàng ố. Cố chắp nối lại mọi thông tin, rồi thừ ra: “Chắc gì tìm được nó, ngày tao về tuyển quân. Qua đơn vị nó, mà có biết nó đi chuyến đó đâu. Bom đạn tránh tao mà lại không chừa nó. Bao giờ mới đưa được nó về đoàn tụ”. Vừa dứt lời bát hương vụt lên một ngọn lửa màu xanh lam ù ù như reo lên rồi tạnh luôn. Hai anh em nhìn nhau, không biết là Thầy U về hay Thuận về. Ngày trước, khi U còn sống chắc chắn sẽ nói: “các cụ có linh, lửa reo là mừng đấy”.
Tiếng Thuận đêm nào cũng văng vẳng bên tai: “Đi tìm anh nhé”. Còn nhớ khi còn bé. Mỗi lần đến bữa cơm, gọi là cơm chứ toàn khoai, với sắn. Thi thoảng có nắm gạo bỏ vào. Các anh thường nhường cho cô em củ khoai nào dính nhiều hạt cơm nhất, giờ không còn cảnh đói khổ thì chạnh lòng cho người năm cũ.
Chuyến tàu xuôi miền Trung hun hút trong chiều lá đổ.
Lần theo địa chỉ mông lung. Ngọc xuống xe nhằm hướng thoải đồi cô cho là đúng. Đêm xuống đầy đầu. Lẫn vào tóc vào mặt, len cả vào suy nghĩ. Ánh trăng trải đầm đìa một màu bàng bạc bên dòng triều thủy. Tự đáy sông sóng ngầm khằm khặp, phía xa lô nhô khóm lục bình như bóng người ì oạp, nước sông tứa luênh đỏ đôi bờ. Ngọc hoảng loạn, càng chạy càng mù lối, đâu đâu cũng va vào xác đồng đội của anh mình. Cô thất thanh gọi dồn dập: “Anh Thuận! Anh Thuận ơi! Anh ở đâu?”. –  Xác đồng đội của anh cô ngày càng chất cao hơn quả đồi rồi. Cô gào khóc thảm thiết gọi tên anh, cuối cùng cũng có một bàn tay kéo cô đi. Là anh Thuận. Thứ chất lỏng chết chóc nhuộm đỏ gần hết bộ quần áo màu xanh của anh. Vừa chạy anh vừa xoay người che cơn mưa đạn cho Ngọc. Miệng không ngừng trách cứ: “Sao em vào nơi đó? Nguy hiểm quá”.
Thì ra, Ngọc lạc chân vào khung của vòng sinh tử bên bờ sông Thạch Hãn. Giây phút đó triệu triệu nơron bị hủy hoại mỗi phút. Ngọc đã trải qua một hiện thực tàn khốc đến độ không một ước lệ ngôn từ quân sự nào có thể diễn tả nổi.
Đồng hồ không đếm thời gian hai anh em chạy bao lâu nữa. Cứ thế cho đến khi dừng lại là một thoải đồi nở trắng bạt ngàn hoa dại. Hoa tinh khiết như tâm hồn của tuổi mười chín hai mươi, căng tràn sức trẻ. Anh mở bình bi đông còn chút nước đưa cho Ngọc uống: “Em thấy không, đây là sông Bến Hải đó”. – Ngọc thả mắt theo phía tay anh chỉ. Dòng sông đẹp như mơ, một dải lụa xanh dài tít tắp, hai bên bờ vàm cỏ óng mượt.
Phía bên kia, người đàn bà buông lòa xòa sợi cước ôm lấy lòng sông thả từng đài sen bồng bềnh theo dòng nước. Nhờ đài sen đó mà anh mới có chuyến hành hương thăm nhà. Những chiếc thuyền bằng đài sen đẹp quá.
Một chiếc từ từ dạt lại phía hai anh em.
– Xuống đi.
– Không được, sẽ chìm mất.
– Ta sẽ nâng con! Cứ đi, đừng sợ.
– Bà là ai?- Tiếng cười váng cả mặt sông.
– Ta là mẹ của những đứa con tội lỗi.
– Những đứa con lầm đường lạc lối.
– Những đứa con gây lên cuộc huynh đệ tương tàn.
– Chúng là con ta và ta phải cứu vớt linh hồn chúng.
Người đàn bà khỏa mạnh xuống mặt nước,  rắc thứ hương trầm ấm nóng. Từ những vệt hương nổi lên những đốm nhỏ li ti yếu ớt. Những linh hồn tù ngục khổ đau. Người mẹ tội nghiệp cô đơn đằng đẵng những đêm dài thấp thỏm, chờ đợi. Có nỗi đau nào giống nỗi đau nào. Có cuộc chia cắt nào không nhuốm màu đau đớn, chết chóc.
Bao bí mật hàng ngàn số phận còn nằm sâu dưới đáy. Lúc hiền hòa trong xanh vậy thôi. Lúc lại cuồn cuộn thủy dâng. Dù vết thương liền da song ngàn sau vẫn âm ỉ đau nỗi đau chia cắt.
– Lên bờ thôi!
– Trời lạnh quá, đốt lửa đi anh.
Lửa cháy rừng rực mà hơi lạnh càng tăng. Cơn buồn ngủ đánh sập. Ngọc tự nhủ trong mơ hồ. Phải thức không được ngủ. Chỉ cần cô nhắm mắt lại thì không ai có thể đánh thức cô được nữa.
“Cố lên.  Lạnh quá”. Thuận vội vàng lấy mảnh dù choàng lên người cho Ngọc.
– Kia là chỗ anh. Đây là thằng Huân quê Thái Bình. Đây là Tạ quê Bắc Ninh. Eng quê Thanh Hóa…
–  Sao không ai chịu về nhà? Ở đây lạnh lắm anh Thuận”.
Anh cô không trả lời. Lặng lẽ nét mặt u buồn. Cả đồi hoa dại như ướp hương dìu dịu. Nỗi nhớ quê hương da diết thắm trên từng cánh hoa. Thuận nhớ Thầy U, nhớ các anh chị, các em mình. Trong đó có một phần anh nhớ Đức cô người yêu học cùng trường Y. Ngày nhập ngũ theo lệnh mật. Anh lặng lẽ chạy qua hàng râm bụt nhìn chị đang giặt đồ. Lời tạm biệt chị bị nén lại, anh đi. Qua mỗi nơi dừng chân. Anh tranh thủ viết thư cho chị.
– “Ngày…tháng…năm…
Đức thân yêu! Ba tháng huấn luyện đã qua. Bọn anh chuẩn bị lên đường rồi”
– Ngày…tháng…năm…
Thầy U kính mến!
Đơn vị của con đã tiến gần tới sào huyệt của địch rồi. Đêm nay cỏ cây thức cùng con vào trận đánh. Thầy U và gia đình giữ gìn sức khỏe. Chiến thắng con sẽ trở về”
– Ngày…tháng…năm…
Đức thân yêu! Tích tắc vừa điểm giao thừa. Tiếng súng thay tiếng pháo. Thời gian gấp gáp lắm rồi. Trận đánh chiều nay nhiều người chết quá. Trạm phẫu của anh hy sinh quá nửa. Nếu anh không về em đừng buồn nhé. Yêu em.”
– Thầy U kính mến!. Đức thân yêu! Ngày mai giải phóng rồi…
May mắn thì có lá đến được tay chị. Còn lại bị bom đạn trận mạc thiêu đốt. Có lần anh quân bưu vừa chất đầy ba lô thư từ của lính trận. Trên đường di chuyển chưa được bao xa thì bị bom của địch tấn công. Thế là anh ôm cả một trời nhớ thương của anh em đi cùng. Mọi thứ đều vội vã, gấp gáp. Một cái tích tắc thôi có khi chẳng thấy nhau nữa rồi.
Thức dậy ở một nơi không đầu không cuối. Phải đi bộ rất lâu Ngọc gặp được người dân nơi đây mới hay mình đang ở một xã của huyện Gio Linh, tỉnh Quảng trị. Nơi ngày xưa anh trai cô cùng bao lớp trai trẻ quên thân xác chốn này. Từ ngày anh ra đi chưa một lần quay lại. Khấp khởi hy vọng anh em gặp nhau Ngọc ứa nước mắt lật từng nghĩa trang liệt sĩ.
Vùng đất Quảng Trị linh thiêng ôm ấp bao hình hài còn nhuộm mùi khói lửa. Từng nhành lau ngọn cỏ, đồi cây khe suối. Đâu đâu trên từng tấc đất cũng nghe tiếng thở của các anh.
Ngày đầu tiên Ngọc tìm khắp nghĩa trang Gio Linh. Đây là nơi yên nghỉ của một nghìn sáu trăm ba mươi tư linh hồn bất tử. Bia mộ theo hàng trang nghiêm tăm tắp. Xót xa thay trong hơn một nghìn bia đá. Thì chỉ vẻn vẹn ba trăm năm mươi chiến sĩ có tên tuổi địa chỉ. Còn lại chỉ là khoảng trống không. Ngọc hi vọng sẽ gặp được anh. Hi vọng ấy ngày càng mong manh quá. Cô lết bước chân sang hàng bia mộ vô danh, đi qua từng hàng. Ngôi mộ nào cô cũng thấy thân quen như máu thịt. Phía cuối hàng mộ thứ hai, Ngọc bất chợt gặp người lính già đang bẻ nắm cơm, chia từng nhúm muối vừng thành phần nhỏ: “chúng mày ăn đi” – chiếc khăn mùi xoa chốc lại lau lau quệt quệt ngang mặt, khuôn mặt chằng chịt vết sẹo dọc ngang, ai biết vết thương lòng đã liền hay vẫn đang rỉ máu. Ngọc lặng lẽ đứng bên cạnh ông hồi lâu. Cơn xúc động lắng xuống ông mới cất giọng khàn khàn: “Cô tìm người thân à, là chồng hay người yêu?” – “Dạ! là anh trai – “Thấy chưa?” – “Vẫn chưa ạ”. Không hỏi gì thêm, nét mặt trầm ngâm, ông với cây đàn ghi ta mang theo, bấm mấy đầu ngón tay thô cằn vào sợi dây căng nức. Bản nhạc vang lên lúc nhẹ nhàng, lúc réo rắt tựa vết dao cứa vào da thịt.
Chiều dần trôi về phía cuối trời, người lính già ngót chừng bảy mươi gầy nhỏng. Ông và Ngọc hai thế hệ, hai khía cạnh khác nhau, trên cùng một không gian và thời gian. Một là người trực tiếp chứng kiến và chôn cất bạn mình. Một là mông lung giữa mù khơi sa mạc trận, tìm kiếm một cách vô định.
–  Anh Thuận ơi! Anh ở đâu giữa trăm ngàn bia đá vô danh kia?
Câu trả lời đáp lại chỉ là những làn sương hương bay bảng lảng. Tấm lưng hơi gù của người lính già ấy khuất dần vào nẻo vắng.
Đêm Thành Cổ tịch u trầm mặc. Từ Động Ông Do vọng về vi vút tiếng gió hú. Nghe như tiếng Bộ Đội Giải Phóng Quân gọi nhau. Ngọc thao thức lạ. Người lính già lúc chiều ám ảnh mãi tâm trí Ngọc. nếu anh cô còn sống chắc cũng gần bằng tuổi chú ấy. Thời gian xói mòn tuổi trẻ của người còn sống, nhưng càng xanh thêm cho những nụ cười hai mươi.
Phía đông Bắc bộ năm ấy mưa rơi nhiều. Chàng trai trẻ cả chiều kỳ cục đóng lại cái cầu ao cho chắc chắn. Khâu lại cái gầu múc nước cho lành lặn. Kê lại bàn học ngăn nắp cho em gái rồi dặn dò đủ thứ.  Thầy rít xong mấy hơi thuốc lào. Ngó chừng thấy U nó chưa về thì trầm ấm nhưng dứt khoát.
– Anh đi chân cứng đá mềm. Việc đã định anh nghỉ sớm.
– Còn U?
– Anh yên lòng mà đi, Thầy sẽ lựa lời nói với U anh.
Canh ba, chó đầu thôn cắn rách tai. Sợ U tỉnh giấc, anh khẽ luồn qua cửa trái, lối cửa không kêu ken két khi mở.
Ba lô mũ tai bèo, anh chững chạc khẩu súng đeo vai, nhận lệnh lên đường.
Đằng sau gốc trẩu, U anh hai tay giữ chặt miệng. Khi đoàn quân đi thật xa thì cả đìa rừng bên thung như bị đốn đổ bởi tiếng “ Con ơi!“ vụt ra khỏi cuống họng.
Bốn năm sau vào ngày im ắng tiếng bom. Tin báo tử đưa về, Thầy giấu U loanh quanh cả buổi sáng. Chiều đài phát thanh ở thôn oang oang đọc tên chiến sĩ hi sinh. Quần ống thấp ống cao, chân lấm lem bùn đất, U hớt hải chạy về. Ngọc không bao giờ quên khuôn mặt U lúc ấy, cầm tờ giấy Thầy đưa nuốt từng chữ. “Giấy báo tử Trần Đình Thuận. Sinh năm 1950, thuộc Tiểu đoàn 9, Đại đội 10, Trung đoàn 66, Hy sinh ngày 13/11/1972”. U đọc đi đọc lại đến mười mấy lần vẫn không tin nổi. Lũ quạ có ngày nào không xuất hiện chí chóe đâu. Vậy mà đêm ấy thay nhau rú lên những âm thanh khủng khiếp. Thầy dằn lòng mời nước bà con chòm xóm đến chia buồn trong lễ truy điệu. Ôi! chiến tranh. U chờ anh từ ấy.
Gối đầu lên dốc ngày mệt nhọc. Ngọc lại nghe văng vẳng tiếng gọi bên tai:
– Ngọc ơi! Anh đây!
Choàng dậy, vậy là tìm thấy anh rồi. Vẫn bộ quần áo bạc thếch. Nét mặt anh vui hơn. Dáng dong dỏng gầy gò. Tuyệt nhiên không thấy anh đeo ba lô nữa. Có lẽ chỗ anh gần đây rồi, gió nhẹ phất phơ đủ rung mấy sợi tóc gáy. Ồ gió đùa, gió hát,  gió mơn man trên những quầng sáng, lúc ẩn lúc hiện.
– Anh Thuận! Anh ở chỗ nào?
– Thôi! Đừng tìm nữa Ngọc ơi. Em tới được đến đây anh mãn nguyện rồi. Linh hồn anh đã ấm lại. Lại đây, anh dắt em đi thăm cao điểm chỗ anh.
Theo chân anh đi khá xa tới một cánh đồng, cạnh một thoải đồi không cao lắm.
Trạm phẫu cuối cùng Thuận chốt ở đó. Những bệnh nhân nặng phải sơ cứu rồi chuyển tuyến trên. Thuốc men thiếu thốn. Các thương binh hầu như phải tự mình trải qua phẫu thuật không tê không mê. Tự tay anh đã ôm không biết bao nhiêu chiến sĩ hy sinh do vết thương quá nặng. Đôi khi chỉ kịp thì thào: “Đồng chí nhắn mẹ là tôi không về nữa nhé”. Mà đâu kịp nói tên, địa chỉ. Cuộc chiến mang tính hủy diệt dã man. Thách thức mọi ý niệm về đạo đức của đế quốc Mĩ.
Gục đầu vào vai anh, tim Ngọc thắt lại sau mỗi câu chuyện anh kể. Trước mỗi cuộc tiến công. Trạng thái diễn biến liên tục và cực kỳ phức tạp. Ổn định nhanh tâm lý, tinh thần. nhất là thời khắc phải đối mặt với gian khổ, với bom đạn và cả nỗi sợ hãi… cuộc giằng co, giành giật với địch từng mép rào mỏm đá… Các anh thường khoán nhau dứt khoát như một mệnh lệnh: “Mày đi cấm được chết” như bồi thêm ý chí, động cơ phải chiến đấu và phải sống.
Cậu bé kia trẻ quá. Chắc vẫn đang đi học – Ngọc ước chừng cậu ta khoảng mười sáu mười bảy. Nụ cười trong veo, ngồi vắt vẻo bên gốc cây đổ chắn lối.
– Sao cậu ngồi đó?
– Tôi chờ người nhà đến đón.
– Cậu không nhớ đường về nhà ư?
– Có chứ! Nhưng phải có người đưa qua sông.
Chờ có thế, cậu ta nhảy tót theo chân hai anh em. Luôn mồm kể cậu ta đã chết như thế nào. Từ bắt đầu mảnh đạn xỉa qua mạng sườn. Đến đoạn ruột lòi ra phải lấy bát úp lại.  Mặt cậu ta đỏ bừng lên,  khi kể đến đoạn, lúc nhìn thấy vầng hào quang sáng chói tiến ngày một gần hơn. Biết mình sẽ chết mà còn tiếc cái thân thể èo uột không lành lặn. Nhịp tim đuối dần. Cố nằng nặc hỏi về mùi da thịt đàn bà. Cậu lính trẻ bên cạnh lắc đầu rồi phán đại: “Chắc da nhẵn như vỏ khẩu súng này. Chỉ khác là thơm và mềm hơn thôi”. – Rồi cậu đi ngay trên tay người bạn mình với khái niệm mơ hồ về đàn bà.
Họ còn quá trẻ. Trước lúc biết yêu đương họ đã cầm súng lên đường. Rung động chuyện yêu thương chỉ truyền tai nhau rồi bỏ túi.
Bất chợt cậu gục mặt xuống. Hai tay siết chặt vào nhau đến trầy xước: – Không biết bố mẹ em còn không? Em trai em nữa. Ngày em đi nó mới tròn mười tuổi
Nếu không ai tìm và cầu siêu cho thì em mãi ở lại nơi này không siêu thoát được. Cậu bật khóc tu tu. Trên tay Ngọc ngọn lửa đã tàn.
Bà cụ giã giã rồi vắt, thứ lá có mùi thơm dìu dịu như cỏ rừng.
– Uống đi con cho khỏi lạnh.
– Bà là ai? Là người hay là ma?
– Người hay ma thì cũng phải ấm cái bụng đã.
– Ta thấy con nằm gục phía chân đồi. Và giờ thì con biết rồi đấy.
Mình mẩy ê ẩm. Ngọc không nhớ mình đã đi đến đây bằng cách nào. Bà cụ kỳ lạ cứ lom khom làm việc như không để ý đến ánh mắt dò xét của Ngọc. Quan sát một hồi không thấy có gì bất thường ngoài chính giữa căn nhà là hai cái lư hương. Bên trái là chín cái chén. Bên phải ba mươi mốt cái chén xếp ngăn nắp xung quanh. Còn lại mọi thứ đều giản dị mộc mạc như chính bà cụ.
Những chuyến đi lạc vẫn thường xảy ra ở đây cụ không lấy làm lạ.
Cụ đã sống ở đây gần mười thập kỷ. Dân làng gọi cụ là cụ Nhất. Có lẽ do cụ có nhiều cái nhất. Nhiều tuổi nhất,  nhiều con nhất, biết nhiều chuyện nhất.
Hôm nay mười tư. Cụ loay hoay nâng nâng đặt đặt ba mươi mốt bông hoa như thể nâng chính các con mình. Cụ lặng lẽ đặt lên từng ngôi mộ khuyết danh.mMùi hương thơm phảng phất.  Không ai, kể cả cụ biết danh tính quê hương bản quán người dưới âm phần. Chỉ biết họ chết trong một trận càn quét của giặc. Cụ và song thân đã chôn cất họ. Những ngôi mộ rất linh thiêng. Người trong thôn đi xa về gần đều ra thưa gửi. Hễ nhà nào động thổ, dựng nhà làm việc lớn thành tâm cầu khẩn thì việc ắt thành. Còn không thì xuôi ngược mãi không xong.
Người đàn bà nhỏ thó cần mẫn chăm sóc những ngôi mộ vô chủ kia,  ai biết cụ từng có tám người con,  trai gái chưa kể chồng. Họ cũng nằm đâu đó trong lòng đất. Trong cuộc chiến chưa về.
Trăng tròn vành vạnh, treo trên đỉnh cây nêu. Tiếng kèn lá vi vút dưới mỏm đá. Nghe quen quá. Đúng kèn lá của anh cô rồi. Tiếng kèn ngày bé mỗi khi theo chân U lên núi, hay ra đồng lại cất lên. Anh có nhiều tài lẻ. Hay nói hay cười.
Ngọc lần theo lên mỏm đá thì tiếng kèn dừng lại: “Sao anh ác vậy! Không cho em đón anh về”. Im lặng nhìn về phía xa xăm. Anh thấy hình ảnh U đứng đợi sau lũy tre. Thấy các em nhỏ trong thôn tung tăng nhảy chân sáo đến trường. Thấy cánh cò rập rờn trên đồng lúa khai hoa, yên ả.
– Em nhìn thấy vầng sáng cạnh ngôi sao xanh kia không? Anh sắp phải đi rồi.
– Anh ơi! Em cất công đường xá xa xôi vào đây những mong mang được hài cốt của anh về quê. Anh chỉ nơi anh nằm để em hoàn thành tâm nguyện.
Anh quay lại nắm tay em gái mà rằng: em đến là thấy anh rồi, đừng tìm nữa em gái. Lòng yêu nước. Yêu tự do và sự tự tôn của dân tộc đã khiến các anh như bức thành đồng để chở che và hứng chịu tất thảy. Cái giá của sự tự do phải đổi bằng sự hy sinh rất lớn. Hàng ngàn vạn anh linh các anh nằm lại nơi này vì sự bình yên. Thì đây cũng chính là nhà là quê hương. Anh vẫn sống trong tiềm thức của em đấy thôi. Thắp cho Thầy U nén nhang báo cáo tình hình của anh cho Thầy U an lòng. Gửi lời tới các anh các chị ở quê giữ gìn sức khỏe, cả em nữa em gái.
Chuyến đi này thành công hay thất bại.  Sự hoan hỷ bình thản của người về cõi siêu sinh. Và tâm trạng hỗn độn của kẻ đi tìm.
Một lần nữa Ngọc cúi đầu chào mảnh đất Quảng Trị. Mảnh đất bi tráng được ví “tấc đất là tấc máu” của các anh đổ xuống. Anh trai của cô cùng với các đồng đội đã trở thành bất tử. Hơn bốn mươi năm qua, anh vẫn sống trong trái tim của gia đình người thân bạn bè. Có lẽ thế nên chăng anh không muốn trở về với hình hài hiện tại. “Cây ơi! Suối ơi! Nơi nào giấu anh. Nếu là cây xin hãy che bóng mát. Nếu là suối thì hãy hát ru anh… ru anh ngàn năm”.
 Bức thư của chị Đức người yêu anh ở quê nhà, nếu không bị khối u não quái ác hành hạ, thì giờ này chị cũng đang có mặt nơi đây. Trước hôm đi chị sang nhà dặn dò nếu tìm được mộ anh nhớ đọc cho anh nghe. Trong đó có chép lại đoạn thơ anh gửi cho chị khi bắt đầu vào trận đánh.  Hừng hực ước mơ về một tương lai tươi sáng.
“Xé toạc ải sương mù
Anh hành quân buổi sớm 
Rét đầu đông vừa chớm
Ba lô đầy ánh sao
Anh gửi lên ngàn cao
Tuổi thanh xuân mơ ước
Hành trang anh tiếp bước
Là màu xanh quê hương
Lúa ngô say đồi nương
Có hình em ở đó
Lời thì thầm của gió
Nhắc ta về chuyện xưa
Chùm hoa nhỏ đung đưa
Bên rừng hương thơm ngát
Lòng vui anh lính hát
Chim rộn ràng đàn ca”.
Đã có những ngày như thế. Sự sống với cái chết liền kề. Tình yêu quê hương đất nước làm cho tinh thần của các anh lạc quan, ý chí không gục ngã.  Đứng trước một dân tộc nhỏ bé,  tinh thần khổng lồ,  ý chí sắt đá. Khiến cho kẻ thù vỡ ra điều bất khả tri bấy lâu.
Giờ thì anh tự đọc nhé.
Tàn tro bay trong hạ huyền. Chắc nơi đó anh đang ngậm cười dõi theo chuyến tàu mượt đường ray ra Bắc.
23/5/2023
Huyền Nhung
Theo https://vanchuongphuongnam.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Cái còn lại hóa cái không

Cái còn lại hóa cái không Nhà thơ Tạ Bá Hương vừa được kết nạp hội viên Hội Nhà văn Việt Nam năm 2022. Anh tốt nghiệp Khóa 7 Trường Viết v...