Thứ Năm, 19 tháng 9, 2024

Thơ La Quốc Tiến - Một cú sốc liệu pháp cần thiết

Thơ La Quốc Tiến - Một
cú sốc liệu pháp cần thiết!

La Quốc Tiến quê ở Hậu Nghĩa tỉnh Long An, từng là sinh viên Đại học Vạn Hạnh. Năm 1972 mùa hè đỏ lửa, anh bị động viên khóa 4/42 tại Đồng Đế, sau về Mỹ Tho lấy vợ và từ mảnh đất nầy anh chí thú làm ăn, viết văn, làm thơ.
Thử hình dung một ngày của La Quốc Tiến: “Sáng, Tiến chở vợ ra bến xe cổng thị xã bằng chiếc Honda dame cũ mèm. Vợ Tiến là cô giáo, nghỉ dạy học, bỏ bánh kẹo từ Mỹ Tho lên miệt Cai Lậy. Xong, trở về, ghé quán Ba Thượng, chơi với tôi. Ba giờ chiều, chạy ù về nhà nấu cơm, rồi ra bến xe rước vợ. Hai vợ chồng cơm chung hủ hỉ”  (Nhớ La Quốc Tiến – Đoàn Xuân Thu).
Em Út Sáu Phượng nói với con gái: “Bác Hai Tiến xem như là cha của ba đó. Ông mang đôi boots, áo đóng thùng oai phong lắm, nón đội lệch và trong cái túi hộp ngay đùi lúc nào  cũng có một tập thơ!”
La Quốc Tiến từng đoạt Giải nhì Cuộc thi Thơ của Báo Văn Nghệ năm 1991 và Giải nhất Cuộc thi Thơ Đồng bằng sông Cửu Long năm 2000 với chùm thơ (Mùa nước nổi, Trên một góc phố cổ Gò Công, Nợ bút nghiên). Anh viết văn, làm thơ đăng rải rác các báo, tạp chí, nhưng không lưu trữ. Cô em gái của La Quốc Tiến, là La Thị Hương Xuân cho biết: “Từ những bản thảo viết tay và nhiều nguồn sưu tầm khác nhau, tuy gặp khó khăn nhưng chúng tôi biên soạn lại. Một vài câu chữ không chính xác hoàn toàn (vì bút tích bị mờ theo thời gian). Và sau nhiều năm, chúng tôi vui mừng vì có thể tập hợp lại một cách trọn vẹn nhất những gì mà anh trong “cuộc thăng trầm”, tung hoành ngang dọc 55 năm để lại cho người yêu thơ. Dưới ngòi bút bình dị, đời thường, rất miền Tây có đôi phần ngông nghênh. Hãy lắng lòng và cảm nhận chiều sâu về tâm hồn cùng với sự “đời” đã làm nên hồn thơ anh luôn sống mãi trong lòng chúng tôi. Đã 17 năm anh La Quốc Tiến rời cõi tạm (2004 – 2021), chúng tôi sưu tầm và cho ra đời tập thơ nầy – cũng là ước nguyện sinh thời của anh và những hoài niệm của gia đình về anh”.
Trước năm 1975 anh có làm thơ, những dòng thơ tuổi ngọc, thơ mộng: Bây giờ đã cuối năm/ Viết dài dòng gửi nhỏ/ Xin em làm cơn gió/ Thổi đời ta… lạnh tanh . (Bài cuối năm gửi nhỏ).
Anh làm nhiều thể loại thơ 5 chữ, lục bát, thơ văn xuôi nhưng để lại ấn tượng mạnh, sâu sắc nhất là các bài thơ tự do. Ở đây anh bộc lộ được giọng thơ hào sãng, đầy chất nhân sinh, phóng khoáng của dân sông nước miền Tây Nam bộ. Tiêu biểu là bài thơ Lục Vân Tiên thọ nạn giữa rừng, đăng trên Báo Văn Nghệ (Hội Nhà văn Việt Nam) gây dư luận văn chương sôi nổi một thời, nhà văn Nguyễn Đức Thọ từng gọi La Quốc Tiến là Lục Vân Tiên… phà Rạch Miễu.
Có một lão già mù ăn xin ngân nga các đoạn Lục Vân Tiên
trên những chuyến phà ngang Rạch Miễu
Có một gã thanh niên say rượu ghếch chân lên thành lan can đứng tiểu
Có cô con gái móc bóp lấy chiếc gương soi và tô lại mặt mình
Cùng lúc lão già mù bắt đầu ngân nga
“Trước đèn xem truyện Tây Minh…”
Có đứa bé gái mải mê với chiếc chong chóng giấy màu sặc sỡ
Có một bà già thọt chân gánh bó củi dừa ngồi than thở chuyện củi nặng… đường lầy… gạo đắt
Có gã trung niên vận jean ngồi nhóp nhép kẹo cao su
Có những chị bạn hàng thản nhiên bóc vỏ những trái chuối
nhét vào cổ chú gà tơ đến nỗi trợn trừng
Không có ai
cam đoan là không ai hay tin
“Lục Vân Tiên đang thọ nạn giữa rừng”
để tỏ chút âu lo cho con người trung nghĩa
Tôi móc gói thuốc ra
tôi hút
điếu thuốc đen tắt ngóm nửa chừng
mẹ nó! Thuốc dỏm
Phà vẫn chạy
máy vẫn nổ
sóng vẫn vỗ
tôi dựa vào ghế ngủ gà ngủ gật
khi giật mình mở mắt
lại nghe:
“Lục Vân Tiên đang thọ nạn giữa rừng”
Đây là đoạn phim chiếu chậm, lập lại nhiều lần, gây ấn tượng thảng thốt về sự vô cảm của mọi người trước cuộc sống.
Rừng ở đâu mà dày thế nhỉ?
trên chuyến phà tôi đi
dường như cũng có một khóm rừng
mà những cái cây sao mà trơ trọi
những cái cây đã phai mất hơi rừng
Phà vẫn chạy khàn giọng
lão già mù vẫn ngân nga
gã thanh niên say rượu vẫn càm ràm điều gì như là oan ức
cô gái vẫn tiếp tục soi gương
như cố khám phá một điều gì đang lẩn trốn trên khuôn mặt
đứa bé gái đã ngủ
chiếc chong chóng vẫn xoay
bà già thọt chân vẫn ngồi than thở
gã trung niên vẫn làu bàu với kẹo cao su
những con gà tơ vẫn ngủ gà ngủ gật
sau khi nuốt xong bữa tiệc chiêu đãi cuối cùng…
Và lời cảnh tỉnh thật đau đớn:
Không có ai
cam đoan là không ai hay tin
“Lục Vân Tiên đang thọ nạn giữa rừng”
Thơ La Quốc Tiến có tứ lạ, dồn nén vào các câu cuối bài làm người đọc bàng hoàng:
Hú ba hồn
bảy vía Nguyễn Chi ơi!
Hú khan khan như nhấp rượu không mồi!
(Hú khan khan…!)
Người đều bảo: “Hãy để ta tự tay mài mực
Các con múc cho thầy gáo nước
Ta cần rửa và lau mặt
Trước khi soi vào nghiên gương mặt của mình”
Cụ Đồ gọi đó là chút nợ bút nghiên
(Nợ bút nghiên)
Có nhiều câu chuyện văn nghệ lan man về La Quốc Tiến được anh em kể vui bên các cuộc nhậu, bàn cà phê. Anh thường qua Bến Tre lấy kẹo dừa ở các lò về cho vợ bỏ mối, ghé nhà Trang Thế Hy, mải mê bàn chuyện thơ, anh huyên thuyên độc chiếm “diễn đàn”, nhà văn đàn anh bèn đưa tẩu thuốc vố cho anh hút. Một cách cắt ngang thật gọn, nhẹ nhàng. “Hai nhà thơ lính tăng hai bên gặp nhau sau cuộc chiến”  Hữu Thỉnh –  La Quốc Tiến trong một tiệc nhậu ở Bến Tre mới nhìn ra nhau, lúc trước từng đối đầu trên một chiến trường khốc liệt. Có lần điểm sách tập thơ “Truông gió” của tôi trên báo Ấp Bắc, anh chê lục bát của tập thơ quá xoàng. Bẵng đi thời gian 6 tháng, anh nghe bài nhạc Trương Quang Tuyến phổ hai câu lục bát “Tôi về mỏi cánh chuồn chuồn/ Vô tình chạm phải mùi hương năm nào”. Anh vội vàng đi xe đò lên Sài Gòn tìm tôi “nhậu một trận đã đời” và xin lỗi vì nhận xét vội vàng. La Quốc Tiến thế đấy, thẳng thắn, trung thực, ngang tàng, hết lòng sống chết với thơ!
Nhà thơ Octavio Paz viết: “Giữa điều tôi nhìn thấy và điều tôi nói ra/ Giữa điều tôi nói ra và điều tôi lặng thinh/ Giữa điều tôi lặng thinh và điều tôi mơ mộng/ Giữa điều tôi mơ mộng và điều tôi quên lãng:/ Là thơ”. Điều nầy rơi đúng vào trường hợp thơ La Quốc Tiến, anh có nhiều bài chạm đúng mạch đời sống làm cho người đọc rúng động:
Tôi về Gò Công
Ngày vừa xiêu xiêu khu phố cổ
Chiều đã mốc meo mái ngói âm dương
Dây leo nở hoa ngó xuống
sân đình
Tôi soi bóng thấy mặt mình oan khuất
Chợt nghi ngờ cả hồ nước trong xanh
Có phải tôi mang niềm lưu tán...
ngậm mồm con hổ đá
vẫn phục trước đền chờ ngoạm phiến trăng non.
(Gò Công và tôi)
Và bài thơ tặng riêng cho con gái La Thảo Nguyên thật cảm động:
Khi con ra đời,
Dù nhà chật chội
Ba vẫn căng thêm một sợi dây,
Phơi riêng cho con những áo, khăn, tã lót
Ba gọi đó là: Dây phơi hạnh phúc
Vì hạnh phúc thường mau cũ lắm con ơi!
Ba căng sợi dây
Như thảo thông điệp đến mọi người
Rằng có thêm một sự sống đang căng ra mà sống
Ba không hiểu lúc ba mẹ ra đời
Ông bà có căng cho sợi dây hạnh phúc
Và sợi dây mong manh kia
Vẫn còn hay đã đứt
Nhưng sự sống luôn tiếp nối
Nên bây giờ…
Ba một đầu – mẹ một đầu
Căng lại sợi dây hạnh phúc cho con.
(Sợi dây hạnh phúc)
Thật bất ngờ khi anh khái quát: “Làm thơ chân chính giống như biết đặt cái lu sâu trong lòng đất / Biết âm cái lòng mình sâu trong nỗi đau khổ của nhân dân” (Làm thơ và hứng nước).
Bạn sống như thế này, được bảo bọc, trong một thế giới mong manh, và bạn tưởng rằng bạn đang sống… Và rồi bạn phát hiện ra rằng bạn không thật sự đang sống, bạn chỉ đang ngủ đông…Đơn điệu, buồn chán, chết chóc. Hàng triệu triệu người sống như thế (hoặc chết như thế) mà không hề hay biết. Họ làm việc trong các văn phòng. Họ lái xe hơi. Họ đi dã ngoại với gia đình. Họ nuôi dạy con cái. Rồi một liệu pháp sốc xảy ra, một con người, một quyển sách, một bài hát, và nó thức tỉnh họ và cứu họ khỏi sự chết. (Anaïs Nin, The Diary of Anaïs Nin).
La Quốc Tiến, mất ở tuổi 55, vì bệnh ung thư gan, lúc sức sáng tạo đang độ sung sức. Đọc lại tập di cảo thơ của La Quốc Tiến, đúng là một cú sốc liệu pháp cần thiết, giúp mọi người nhận ra mình và yêu thương cuộc sống hơn bất cứ lúc nào khác.
TRẦN HỮU DŨNG
Chùm thơ La Quốc Tiến
LỤC VÂN TIÊN THỌ NẠN GIỮA RỪNG
Có một lão già mù ăn xin ngân nga các đoạn Lục Vân Tiên
trên những chuyến phà ngang Rạch Miễu
Có một gã thanh niên say rượu ghếch chân lên thành lan can đứng tiểu
Có cô con gái móc bóp lấy chiếc gương soi và tô lại mặt mình
cùng lúc lão già mù bắt đầu ngân nga
“Trước đèn xem truyện Tây Minh…”
Có đứa bé gái mải mê với chiếc chong chóng giấy màu sặc sỡ
Có một bà già thọt chân gánh bó củi dừa ngồi than thở chuyện củi nặng… đường lầy… gạo đắt
Có gã trung niên vận jean ngồi nhóp nhép kẹo cao su
Có những chị bạn hàng thản nhiên bóc vỏ những trái chuối nhét vào cổ chú gà tơ đến nỗi trợn trừng
Không có ai
cam đoan là không ai hay tin
“Lục Vân Tiên đang thọ nạn giữa rừng”
để tỏ chút âu lo cho con người trung nghĩa
Tôi móc gói thuốc ra
tôi hút
điếu thuốc đen tắt ngóm nửa chừng
mẹ nó! Thuốc dỏm
Phà vẫn chạy
máy vẫn nổ
sóng vẫn vỗ
tôi dựa vào ghế ngủ gà ngủ gật
khi giật mình mở mắt
lại nghe:
“Lục Vân Tiên đang thọ nạn giữa rừng”
Rừng ở đâu mà dày thế nhỉ?
trên chuyến phà tôi đi
dường như cũng có một khóm rừng
mà những cái cây sao mà trơ trọi
những cái cây đã phai mất hơi rừng
Phà vẫn chạy khàn giọng
lão già mù vẫn ngân nga
gã thanh niên say rượu vẫn càm ràm điều gì như là oan ức
cô gái vẫn tiếp tục soi gương
như cố khám phá một điều gì đang lẩn trốn trên khuôn mặt
đứa bé gái đã ngủ
chiếc chong chóng vẫn xoay
bà già thọt chân vẫn ngồi than thở
gã trung niên vẫn làu bàu với kẹo cao su
những con gà tơ vẫn ngủ gà ngủ gật
sau khi nuốt xong bữa tiệc chiêu đãi cuối cùng…
Không có ai
cam đoan là không ai hay tin
“Lục Vân Tiên đang thọ nạn giữa rừng”
QUÀ TẶNG VỢ
Rượu ngà say anh đi chợ Tết
Cũng chen chân mua chiếc lược sừng
Tóc thiếu phụ sợi dòn chải rụng
Đưa anh gợi nhớ thuở tình nhân.
ĐƯA MẸ…
Hai đường ray cỗ xe goòng
Quến người hớp đóa lửa hồng về tro
Hóa thân qua ải cửa lò
Sắc – không cậy nhát củi khô bạch đàn
Con lần gậy trúc hoang mang
Mai lên nhúm MẸ tro tàn kẽ tay…
Cỏ chát còn luống heo may
Lòng con quặn biển xót ngày đồng chung
Luân hồi bon cỗ xe rung
Mẹ khăn san phất phập phồng khói nâu.
NỢ BÚT NGHIÊN
Về Ba Tri nghe người làng đồn rằng
Cụ Đồ Chiểu dù sớm mù đôi mắt
Về già, tai lại còn bị điếc
Nhưng mỗi khi muốn viết
Người đều bảo: “Hãy để ta tự tay mài mực
Các con múc cho thầy gáo nước
Ta cần rửa và lau mặt
Trước khi soi vào nghiên gương mặt của mình”
GÒ CÔNG VÀ TÔI
Tôi về Gò Công
Ngày vừa xiêu xiêu khu phố cổ
Chiều đã mốc meo mái ngói âm dương
Dây leo nở hoa ngó xuống sân đình
Tôi soi bóng thấy mặt mình oan khuất
Chợt nghi ngờ cả hồ nước trong xanh
Có phải tôi mang niềm lưu tán
Về đây cũng không giáp mặt mình! 
Gò Công ơi!
Chuyện cũ
tích xưa
ngậm mồm con hổ đá
vẫn phục trước đền chờ ngoạm phiến trăng non
HÚ KHAN KHAN…!
Có vài chiếc lá rụng nghịch mùa
Như mấy cánh cò ma trên mộ người uổng tử
Sông Bảo Định chiều nay cả gió
Hú ba hồn
bảy vía Nguyễn Chi ơi!
Hú khan khan như nhấp rượu không mồi!
NHỚ CAO NHU THẦN
Người một đời chỉ tạ bông mai
Nửa kiếp phù sinh ô hô!
Nhát chém
Người nguyện “luân giao cầu cổ kiếm”
Lại gục bởi đao trành
Xót cội bông gầy vườn cũ
rùng mình
rụng nhón một đài xanh
NGÀY XUÂN ĐỌC LẠI THƠ CHẾ LAN VIÊN
“Lửa đã cháy ở phòng bên…”
Chế viết dịp nào?
Lúc thời thường kiêng rượu
Lại chớ hề huyễn tưởng
Chớ hề nghe thiên cổ hú: “Hoan ơi!” đêm trở gió
Lửa chắc nhoen từ sắc hoa đào?
Ngày xuân ngún tựa dây cháy chậm
Chẳng mài kiếm – Đặng Dung
Chẳng nốc rượu múa gươm – ấm Hiếu
làm thơ
làm thơ
chữa cháy!
“bất hoặc” chưa qua Chế bạc sém mái đầu
di cảo dày phơ phất bông lau!
Thời gian con nước chảy xuôi ư!
hái hoa tầm xuân sao quay lộn ngược
Khởi hành ngày N.
hôm sau cộng hay trừ một?
nghinh xuân một mình nhà thơ ngủ gật
chấm công ư! Eo óc tiếng gà…
Sớm mai ra vườn
ngắt một nhành cỏ cú
chợt điếng lòng cỏ đắng Xuân chưa.
HOA THÁNG 13
Tháng chạp tháng giêng hoa nở rộ
Miền ngực tôi cây lá chẳng theo mùa
Hồn hoa quả tôi bày mâm tĩnh vật
Mà tay dao em đã bén lòng chưa?
Tạ thu rồi bông trang mới hé
Hồn hoa ai cắm được trong bình
Hoa – cuộc hành trình trong xứ đẹp
Hồn nép khuỷu tay em – tôi mút nụ hoa quỳnh
Như đóa hồng nhung ngày giáp hạt
Bông hoa nào có chỉ thay cơm
Nhưng Đốt tìm gì mà lao mình ra đêm băng tuyết
Cái đẹp hắt hơi trong trạm xá nỗi buồn
Của đáng tội những bông hoa thổn thức
Canh ba – canh tư gió vẫn se mình
Răng ngô non có nhớ thời lưu ngọc
Em có tin một đóa quỳnh sẽ nở trong đêm?
Bông hoa tháng 13 rồi sẽ tạ
Hồn hoa em biết tử và sinh
Cái đẹp cuối cùng mà hoa mong tới được
Hãy mở tim em làm chiếc độc bình.
MỒ HÔI GỐM
1. Trời trở gió. Nàng – cô gái mỗi sáng đẩy xe qua ngõ nhà tôi. Chuyến xe lỉnh kỉnh nào cà ràng, hoả lò, bình bông, siêu nước… những món lạc thời loại sản phẩm không màn hình nào tiếp thị. Nàng cất tiếng rao, giọng rao gợi nhớ nhánh sông dài doi, vịnh mà người lớn, kẻ nhỏ hụp xuống trồi lên tay nâng tay bợ đất. Đất phơn phớt màu ngà.
2. Nàng có màu da của gốm nung hơi quá lửa. Khuôn mặt nàng chìm khuất, trộn lẫn vào mớ mẻ rang nồi đất rồi chợt lung linh tạo tác nên không gian gốm tinh khôi. Nàng với chiếc cổ cao gợi dáng độc bình loại chỉ cắm bông dân dã vườn quê mới đẹp.
3. Tôi hỏi mua hoả lò, siêu nước nàng cười. Răng hạt lựu ánh lên sắc lửa hẳn màu lửa lò nung – “Chú hai ơi! Chú mua sắc thuốc?”. Có phải tôi muốn “sắc” lại một thời chẳng mấy xa nhưng biết mau quên là đạo sống của thời hiện đại. Mà thôi! Sao lại trách…
4. Đêm trở gió. Tôi trở giấc hình như sớm nay mũi nàng tươm giọt mồ hôi long lanh như giọt ngọc trên cánh mũi vũ nữ da màu nhưng trong giấc chập chờn vẫn đượm vị mặn mồ hôi.Mồ hôi muối của bao kiếp cần lao đã nung đời nhập vô linh  hồn gốm.
14/5/2021 
La Quốc Tiến
Theo https://vanhocsaigon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  ​ Nhà Trọ Paris Những nơi ta đã đi qua, nơi nào cũng là kỉ niệm. Mỗi tòa nhà cổ của Paris có mùi và âm thanh đặc trưng không tìm thấy ...