Thứ Năm, 19 tháng 9, 2024

Tôi yêu và ước muốn cống hiến cho quê hương Gò Dầu - Tây Ninh

Tôi yêu và ước muốn cống hiến
cho quê hương Gò Dầu - Tây Ninh

Nhà thơ, nhà giáo Trần Nhã My tên khai sinh là Trần Thị Thanh Nhã, sinh ngày 20.1.1979 ở xã Thạnh Đức, huyện Gò Dầu, tỉnh Tây Ninh. Vừa dạy học Anh văn vừa sáng tác văn học, chị đã xuất bản các tập thơ: Dỗi, Mảnh vỡ không lời, Huyễn hoặc ngày em và được trao Giải Tác giả trẻ của Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam 2012, Giải B của Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam 2015, Giải Nhì Giải thưởng Xuân Hồng của tỉnh Tây Ninh 2016.
Đồng thời, với khả năng tổ chức, quản lý của mình, nhà thơ Trần Nhã My còn được bầu làm Ủy viên Ban Chấp hành Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Tây Ninh, Chi hội trưởng Chi hội Văn học và Văn nghệ dân gian, Phó Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật huyện Gò Dầu.
Bằng uy tín, năng lực, sự nhiệt thành và những đóng góp thiết thực cho địa phương, nhà thơ Trần Nhã My, tức Trần Thị Thanh Nhã đã được tín nhiệm giới thiệu tham gia ứng cử Đại biểu Hội đồng Nhân dân huyện Gò Dầu và Đại biểu Hội đồng Nhân dân tỉnh Tây Ninh nhiệm kỳ 2021-2026. Nhân dịp này chúng tôi có cuộc trao đổi với chị…
* Thưa nhà thơ, trong cuộc bầu cử Đại biểu Quốc hội khóa XV và Hội đồng Nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026, chị là ứng cử viên Đại biểu Hội đồng Nhân dân cả cấp huyện và cấp tỉnh. Cảm tưởng của chị ra sao trước sự kiện này?
– Tôi rất vinh dự, tự hào khi được Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh Tây Ninh, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc huyện Gò Dầu, các cử tri nơi tôi sinh sống và nơi công tác đã tín nhiệm giới thiệu tôi là ứng cử viên Đại biểu Hội đồng Nhân dân huyện Gò Dầu và Đại biểu Hội đồng Nhân dân tỉnh Tây Ninh nhiệm kỳ 2021-2026. Là một giáo viên ngoại ngữ cấp trung học cơ sở, một văn nghệ sỹ của Hội Văn học nghệ thuật tỉnh, tôi coi đây là một sự kiện quan trọng.
Hội đồng Nhân dân là cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương, là những người đại biểu của dân, chịu trách nhiệm trước nhân dân trong công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước. Ông cha ta đã đổ biết bao máu xương giành độc lập cho dân tộc, xây dựng tự do hạnh phúc cho nhân dân, để nhân dân có quyền công dân của mình. Đại biểu Quốc hội và Hội đồng Nhân dân là những người thay mặt nhân dân, đại diện ý chí và nguyện vọng của nhân dân nói chung và các cử tri nói riêng để thực hiện sứ mệnh đó. Thế nên, để trở thành đại biểu của dân là vinh dự lớn lao nhưng trách nhiệm cũng nặng nề.
Cảm xúc của tôi là vui tươi, phấn khởi và rất hồi hộp. Tôi yêu tha thiết nơi chôn nhau cắt rốn Gò Dầu và cả Tây Ninh, có thể đây sẽ là cơ hội tôi được góp phần cống hiến nhiều hơn nữa cho quê hương mình. Tình yêu và ước muốn cống hiến cho quê hương đối với tôi sẽ không bao giờ mất đi, kể cả khi tôi không trúng cử.
* Thật đáng quý trước tình cảm chân thành chị dành cho quê hương. Để trở thành Đại biểu Hội đồng Nhân dân cần nhiều yếu tố, kể cả sự may mắn. Hy vọng chị sẽ được nhân dân Gò Dầu và Tây Ninh tín nhiệm. Nếu trúng cử thì những công việc nào chị sẽ ưu tiên tiến hành trong chương trình hành động của mình?
– Nếu là Đại biểu Hội đồng Nhân dân, tôi sẽ tích cực tham gia đóng góp vào những quyết định chủ trương, biện pháp quan trọng của huyện và của tỉnh trên các lĩnh vực kinh tế – xã hội, quốc phòng – an ninh, đồng thời giám sát thực hiện tốt các kế hoạch phát triển đó, nhất là trên lĩnh vực văn học nghệ thuật và giáo dục đào tạo. Hội đồng Nhân dân có hai chức năng, đó là chức năng Quyết định và chức năng Giám sát. Căn cứ vào lĩnh vực hoạt động của mình tôi sẽ tham mưu, đề xuất cho các cấp chính quyền có những quyết định sát đúng để phát triển sự nghiệp sự nghiệp giáo dục, văn học nghệ thuật theo đúng nguyện vọng, nhu cầu cuộc sống hiện tại của nhân dân.
* Xin chị nói rõ hơn về chương trình, kế hoạch đó…
– Vâng. Là Ủy viên Ban Chấp hành Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Tây Ninh, Chi hội trưởng Chi hội Văn học và Văn nghệ dân gian, Phó Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật huyện Gò Dầu, tôi đặc biệt chú trọng đến sự phát triển văn học của huyện Gò Dầu nói riêng và của tỉnh Tây Ninh nói chung. Tôi sẽ cùng Ban lãnh đạo Hội Văn học nghệ thuật tỉnh, huyện đưa hoạt động văn học, nghệ thuật của tỉnh lên tầm cao mới, góp phần xây dựng đời sống văn hóa, tinh thần, nâng cao mức hưởng thụ văn hóa của nhân dân.
Hội Văn học nghệ thuật phải là trung tâm đoàn kết, mái ấm của anh chị em văn nghệ sĩ; là nơi ươm mầm, tiếp sức, sản sinh những tác phẩm văn học, nghệ thuật đạt chất lượng cao; kích thích phát triển tài năng sáng tạo của anh chị em văn nghệ sĩ, nhất là giới trẻ. Muốn vậy, phải có nhiều giải pháp thiết thực như cải tiến chế độ sinh hoạt hội; tổ chức các chuyến đi thực tế sáng tác; tăng cường giao lưu học hỏi, trao đổi nghiệp vụ; nâng cao chất lượng tạp chí văn nghệ; tổ chức các cuộc hội thảo, giới thiệu tác giả tác phẩm; quan tâm chăm sóc hội viên… Từ đó phục vụ tốt hơn nữa các nhiệm vụ chính trị – xã hội của huyện và của tỉnh, góp phần “xây dựng và phát triển văn hóa con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước” theo Nghị quyết 33-NQ/TW của BCH TW Đảng Khóa XI.
Trần Nhã My là cô giáo luôn nghiêm chỉnh trong tà áo dài quyến rũ
* Thế còn lĩnh vực giáo dục đào tạo? Trên cương vị là giáo viên ngoại ngữ, chủ nhiệm lớp, chị sẽ làm gì khi trở thành đại biểu Hội đồng nhân dân?
– Tôi sẽ tham mưu, đề xuất cho các cấp chính quyền, trực tiếp là Ban giám hiệu xây dựng và thực hiện tốt kế hoạch phát triển giáo dục, đào tạo nguồn nhân lực hàng năm của địa phương. Mục tiêu là nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện ở các cấp học, nâng dần tỉ lệ học sinh tốt nghiệp THPT hằng năm. Thực hiện phân luồng học sinh THCS, đẩy mạnh công tác xã hội hóa giáo dục, có cơ chế chính sách phù hợp với con em gia đình chính sách, gia đình khó khăn. Hạn chế đến mức thấp nhất số lượng học sinh bỏ học; ngăn chặn và đẩy lùi các tệ nạn xã hội xâm nhập học đường. Chú ý đến giáo dục đạo đức, giáo dục kỹ năng sống cho học sinh; vấn đề nâng cao sức khỏe thể chất, tinh thần cho thanh thiếu niên. Xây dựng xã hội học tập. Thực hiện dạy thật, học thật và thi thật, kết quả thật đúng như chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Tóm lại, nếu trở thành Đại biểu Hội đồng Nhân dân, tôi sẽ làm tròn chức năng, nhiệm vụ trên cương vị mới đó. Tham gia đầy đủ, có trách nhiệm các kỳ họp Hội đồng Nhân dân, các buổi giám sát…; đóng góp tích cực trong việc xây dựng và thực hiện các Nghị quyết của Hội đồng, nhất là trên lĩnh vực giáo dục – đào tạo và văn hóa, văn học nghệ thuật. Luôn luôn đi sâu đi sát quần chúng, lắng nghe, thấu hiểu tâm tư nguyện vọng của cử tri. Đồng thời phản ánh trung thực những vấn đề bức xúc, những đề xuất, kiến nghị và nguyện vọng chính đáng của cử tri tới các ngành chức năng, các cấp có thẩm quyền. Giữ mối liên hệ chặt chẽ với cử tri; thực sự là cầu nối giữa cử tri với Hội đồng Nhân dân. Làm tốt chức năng giám sát, tham mưu, đề xuất những ý kiến, kiến nghị để thực hiện tốt chức năng quyết định của Hội đồng Nhân dân.
* Hiện nay cùng lúc chị đảm đương khá nhiều công việc, vậy thời gian chị dành cho gia đình và trang viết như thế nào?
– Tôi đặc biệt quan tâm việc xác định mục tiêu và lên kế hoạch cụ thể cho từng công việc. Vì vậy, với tôi thời gian cho học tập, làm việc, gia đình và sáng tác rất rạch ròi.
* Nhà thơ Trần Nhã My đã có 3 tập thơ xuất bản, được nhiều bạn đọc yêu mến. Trong số tác phẩm của mình, nếu chọn 3 bài thơ ưng ý nhất, chị chọn những tác phẩm nào?
– Tôi vẫn đang trên đường học hỏi, tìm kiếm, khám phá, sáng tạo cái mới. Tôi không bao giờ tự mãn. Nếu nói ưng ý nhất trong thời gian gần đây thì tôi có bài “Chim trao trảo bay về”; “Rừng Rong hát” và “Ngẫm ở tuổi 40”. Những bài thơ này chủ yếu ca ngợi tình yêu quê hương gắn với sự hy sinh của các anh hùng cách mạng. Và tình yêu đối với cha mẹ đã sinh tôi ra, nuôi nấng dạy dỗ tôi trưởng thành.
NGẪM Ở TUỔI BỐN MƯƠI
Hai bảy tuổi mẹ sinh con trai đầu lòng đúng lúc quân Pol Pot càn quét
hai năm sau, con gái ra đời mẹ làm tròn bổn phận nàng dâu
bà nội bảo mới hai con thật quả là hiu hắt
phải từ bốn mới bằng nửa nội khi xưa
Mẹ sinh em, rồi thêm em nữa
ba gánh nhọc nhằn trên những thửa đậu, mía, mì đong gạo nấu cơm
mồ hôi đổ trổ màu lưng áo
chiếc xe đạp trành cót két kêu thương
Ba mẹ quyết con phải cầm bút cho bõ tháng ngày vác cuốc, làm nương
rời vòng tay yêu thương
những cánh chim lần lượt bay đi tìm tổ ấm
đếm trên tay những lần về bên ba mẹ
Tuổi bốn mươi, tóc con đã bắt đầu điểm bạc
ba mẹ bước vào tuổi hạc mong manh
con mới ngộ ra những điều được mất
thương yêu lắm những bậc sinh thành
CHIM TRAO TRẢO BAY VỀ
Gió đồng bưng rì rào kể chuyện
gò Trao Trảo ngày chưa xa lắm
năm một chín bảy ba
các chiến sĩ vượt đồng chưa kịp
trời sáng
mượn tán rừng tràm trú ẩn chờ đêm
Tiểu đoàn lọt tầm ngắm một kẻ săn chim
bom pháo ầm trời trong phút chốc
bầy trao trảo tan tác
từ năm đó chẳng dám bay về
Cánh chim tung trời mang theo huyền thoại
những người lính cụ Hồ
không biết các anh ở chốn nào trên bản đồ chữ S
tên các anh được viết bằng dấu chấm hỏi
Những người lính trẻ
cùng một ngày giỗ, không biết ngày sinh
tay anh ở gốc cây tràm
chân ruộng lúa
tâm hồn anh vút mãi trời cao
Mang theo lời thề và những khát khao
vùng trời đỏ rực ánh vàng sao
thế hệ trẻ ngày nay tiếp bước
ngày không xa
chim trao trảo bay về…
RỪNG RONG HÁT
Lời thề từ Rừng Rong vang vọng núi sông Phương Nam
khói nhang trên bàn thờ tổ quốc tỏa lan trời rộng
ba mươi Tết Ất Dậu
hai mươi bảy thanh niên khắp nơi tề tựu
Trong khu rừng vắng 
bác nông dân mang cặp gà 
phụ nữ với hoa quả vườn nhà
các cụ già góp chén rượu ngon, vài đòn bánh tét
cùng chung nhau chứng kiến
Dưới lá cờ tổ quốc
những trái tim tươi trẻ của các anh các chị chung nhịp bước tiến công
một lòng giết giặc
sắt son lời thề thà chết cho tự do độc lập còn hơn sống đời nô lệ
Lời tuyên thệ
khắc vào tâm
mang theo trên suốt những nẻo đường đánh giặc
hai mươi bảy cái tên bia đá khắc
khắc vào đâu khí thế sục sôi trong huyết quản những anh hùng?
Rạng rỡ chiến công
trang quốc sử hào hùng lưu lại
lời hiệu triệu năm xưa vang mãi
thôi thúc bao thế hệ lên đường
Rừng Rong yêu thương
một thời cha anh oanh liệt
cho hôm nay 
tiếng hát ngân lên da diết
đất nước thanh bình xanh thắm một Rừng Rong… 
Nhà thơ Trần Nhã My là người năng động, thân thiện được giới văn nghệ sĩ quý mến
* Dự định sắp tới cho việc sáng tác và xuất bản sách của chị?
– Tôi đang có 2 tập bản thảo sắp in trong thời gian tới. 1 tập thơ và 1 tập truyện. Tất cả đều xoay quanh chủ đề tình yêu quê hương đất nước con người Tây Ninh.
* Hiện nay Tây Ninh là “vùng trắng” không có ai là Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam. Phải chăng Tây Ninh không có những cây bút xứng đáng hay vì lý do nào khác, thưa chị?
– Theo đánh giá chủ quan, tôi không nghĩ rằng Tây Ninh chúng tôi không có cây bút xứng đáng để kết nạp hội viên Hội Nhà văn Việt Nam. Còn vì lý do nào khác thì tôi dành câu trả lời cho những người có trách nhiệm.
* Xin cảm ơn chị đã tạo điều kiện cho chúng tôi thực hiện cuộc phỏng vấn này. Chúc chị trở thành Đại biểu Hội đồng Nhân dân trong cuộc bầu cử ý nghĩa này và thực hiện tốt chương trình hành động, kế hoạch công tác của mình.
– Rất cảm ơn các anh các chị đã quan tâm tạo điều kiện để tôi có cuộc trả lời phỏng vấn này.
22/5/2021
Tân Phú
Theo https://vanhocsaigon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Nghề Waxing Đúng là đi một ngày đàng, học một sàng khôn. Cuối tuần vừa rồi tớ được dẫn đi giải ngố. Mới phát hiện ra tại Paris kinh đô...