Thứ Năm, 19 tháng 9, 2024

May mắn chúng ta còn có Nguyễn Huy Thiệp

May mắn chúng ta
có Nguyễn Huy Thiệp

Đối với tôi, nói đến Nguyễn Huy Thiệp đầu tiên phải khẳng định ông là người của Việt Nam nói chung chứ không phải chỉ là nhà văn của một giai đoạn, gắn bó với một hoàn cảnh cụ thể.
Trong văn học Việt Nam đương thời, Nguyễn Huy Thiệp đứng một mình, đứng riêng một chỗ. Nguyễn Huy Thiệp viết do ông thấy tự mình phải viết và không viết không được.
Viết đúng về cái ác chính là khơi dòng cho sự nhân hậu
Người ta sớm thấy toát ra trong các truyện ngắn của ông những ý đại loại như “cuộc đời thật là xấu, không đáng tin, nhưng không tin thì làm sao mà sống nổi”, “cuộc đời rất buồn nhưng cuộc đời vẫn rất đẹp.”
Đọc Tướng về hưu, Không có vua… thấy Nguyễn Huy Thiệp đã rất lõi đời, nhìn đời thấy không có gì đáng sống, nhưng người ta vẫn phải sống với nó. Về sau đọc Nguyễn Thị Lộ hay Sang sông thì lại thấy Nguyễn Huy Thiệp vẫn còn có cái bình thản tin đời, tin cả cái hào sảng trong sáng của đời.
Ông hồn nhiên suy nghĩ chứ không cố tỏ ra triết lý, tỏ ra sâu sắc. Cũng tức là không cố tỏ ra hiểu đời mà thật đã rất hiểu đời.
Ông sống với tư tưởng của muôn đời khi đề cập đủ chuyện nào  vấn đề thiện và ác, làm người thế nào, nào câu hỏi cuộc sống là tốt đẹp hay đáng phỉ nhổ…
Bao giờ câu trả lời của Nguyễn Huy Thiệp cũng song trùng, vừa thế này vừa thế kia, như bản chất của vật chất vừa là sóng vừa là hạt, cuộc đời vừa đáng yêu vừa đáng ghét, vừa đáng phỉ nhổ vừa đáng trân trọng.
Ngay trong một truyện ngắn con người hiện ra “nhếch nhác toàn tập” như Không có vua thì câu người ta nhớ nhất là câu “Thương lắm” của cô Sinh, ở cuối truyện.
Trước Nguyễn Huy Thiệp, người viết văn viết báo ở ta luôn luôn bị môi trường hoạt động của mình chi phối, người nọ nhìn người kia mà sống và làm nghề. Chúng tôi thường trông đàn anh của mình viết rồi viết theo, không vượt được hoàn cảnh.
Nguyễn Huy Thiệp chẳng nhìn ai cùng thời, ông sống với các nhà văn lớp trước từ Nguyễn Du, Nguyễn Trãi, Tú Xương trở đi tới Nam Cao, Nguyễn Bính, Vũ Trọng Phụng… Rõ ràng Nguyễn Huy Thiệp đối thoại, trò chuyện với rất nhiều đấng bậc, những người làm vẻ vang cho văn học Việt Nam, những nhà văn thực sự.
Phần lớn nhà văn hiện nay bắt đầu là những chiến sĩ văn nghệ, với vai đó họ là những công chức cần thiết cho xã hội. Về sau một số họ lại thường tuyên bố chỉ làm văn nghệ cho vui. Nhưng theo tôi trước sau họ vẫn không phải là “làm” văn học.
Hoặc nói chính xác hơn họ không làm thứ văn học có thể tiếp nối được dòng mạch mà những nhà văn lớn của Việt Nam đã tạo ra được trong lịch sử, thứ văn học của muôn đời.
Trước khi Nguyễn Huy Thiệp xuất hiện, văn học thường xa lạ với các vấn đề trừu tượng nhất là các vấn đề nhân bản. Đến Nguyễn Huy Thiệp, những phạm trù của muôn đời như chuyện thiện và ác trong con người lại là ngón sở trường của ông.
Khi thấy Nguyễn Huy Thiệp viết về cái ác thì người ta kêu ầm lên rằng không nên làm thế, không cần viết về cái ác mà nghệ thuật chỉ viết về cái thiện là đủ thậm chí cho viết về cái ác là tội lỗi.
Nguyễn Huy Thiệp không thể làm khác. Hình như trong thâm tâm ông cảm thấy cần viết về cái ác, phải làm thế mới đẩy lùi nó đi được.
Cái ác trong văn Nguyễn Huy Thiệp dai dẳng, bao trùm. Và viết về cái ác chính là cái nhân hậu của Nguyễn Huy Thiệp, lòng nhân hậu của những nhân vật lớn, cái nhân hậu xa lạ với khuôn mẫu sự nhân hậu đương thời. Đó là sự nhân hậu lặn sâu bên trong.
Lòng tin của ông vào con người không bao giờ mất. Ông yêu thương con người bắt đầu bằng sự phê phán, ông miêu tả hết cái nhếch nhác, tầm thường, cái khốn nạn, cái không đáng yêu của cuộc đời, nhưng chính bằng cách đó ông lại làm cho người ta hiểu và yêu đời hơn và có thể làm người tốt hơn.
Nhiều người hiện nay cũng viết về cái ác nhưng không có cái tâm của ông nên không thể đạt hiệu quả như ông.
Không thay đổi theo thời
Nguyễn Huy Thiệp lạ lắm, ông sống hòa hợp với các đồng nghiệp mà hình như vẫn đứng ngoài giới nhà văn đương thời và có lẽ điều đó cắt nghĩa được vì sao Nguyễn Huy Thiệp chịu đựng giỏi được như thế.
Tôi không thấy ai, trong suốt cuộc đời làm nghề, có tài chịu đựng được như Nguyễn Huy Thiệp. Bao lần tôi cứ tưởng ông gục ngã song ông vẫn đứng vững.
Ông vượt qua được những tàn bạo của đời có lẽ cũng vì ông sớm đạt được cái đạo là biết sự nổi tiếng của mình phải trả giá rất nhiều. Một thứ bản năng thiêng liêng mách bảo ông phải chấp nhận những đau khổ  thì mới phải đạo, và Nguyễn Huy Thiệp đã không đầu hàng.
Xã hội hiện nay thù ghét nhiều cá tính sang trọng, tiêu diệt nhiều lối suy nghĩ chính trực. Con người chen cạnh nhau ràng buộc nhau nhiều quá, do đó giống nhau quá.
Nhưng Nguyễn Huy Thiệp viết không để chen cạnh ai, không viết để lấy giải thưởng. Ông chỉ là ông một cái tôi của từng trải và các loại tri thức học vấn thứ thiệt. Nên nhớ ông từng là giáo viên lịch sử.
Tôi vẫn nghĩ, thật may mắn cho mình được sống cùng thời với Nguyễn Huy Thiệp. May mắn chúng ta còn có Nguyễn Huy Thiệp.
VƯƠNG TRÍ NHÀN
11/4/2021
Thiên Điểu
Nguồn: TTO
Theo https://vanhocsaigon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Quân Tử Báo Cừu, Thập Niên Bất Vãn Lôi sinh ra ở một làng chài, gần cảng biển thuộc nước Vệ. Là chàng trai khôi ngô, tuấn tú, vốn có t...