Thứ Năm, 19 tháng 9, 2024

Một bàn tay… góp gói nhân tình

Một bàn tay… góp gói nhân tình

(Nén hương cho cậu tôi - Người đã khuất
Và xin bàn tay tử tế cho người còn sống. Em tôi…)
Lần lữa mãi giữa những ngày sống vội cho kịp việc, rồi cũng có ngày chậm lại, tôi về thăm quê ngoại Điện Bàn, xứ Quảng. Trời nắng như thiêu. Không khí như ngưng đọng. Liệu con người có rơi vào vô cảm? Đẹp như sông Bưởi (Thanh Hóa) cũng nhuốm màu ô nhiễm. Biển Bắc Trung Bộ cá trôi trắng trời. Đời sông. Đời người. Liệu con sông Thu Bồn quê tôi, từ nguồn Chiên Đàn xuôi hướng Hội An, qua Cửa Đại hòa mình vào biển… giờ biết thế nào rồi…
Hà Đức Trọng, cậu tôi, nhà thơ Thu Bồn – người mang tên dòng sông quê hương… như dòng sông cuộn xiết (Ngô Thế Oanh) chảy qua dặm dài ba miền đất nước, lúc lắng đọng thâm trầm nói lời Tạm biệt: Con sông dùng dằng con sông không chảy – Sông chảy vào lòng nên Huế rất sâu… Ừ, sông chảy vào lòng…, mới đó thoắt đã mười ba năm (17.6.2003), thắp nén hương thơm. Để lại 68 mùa xuân.
Sông đã về trời… Người đã về cõi vĩnh hằng nhưng trái tim dường như vẫn rong ruỗi không yên. Trên bàn thờ, bức chân dung cậu tôi – vẫn đau đáu một nỗi niềm rất lạ.
Nhiều lúc tôi tự hỏi, “Cậu ơi! Đã bao nhiêu năm trôi qua, người cũng đã về với đất bụi. Cậu còn vương vấn gì mà ánh mắt cứ sâu thẳm, buồn hiu”. Câu hỏi vang lên rồi rơi vào tĩnh lặng. Lòng tôi xa xót, thấy thương đến nao lòng người cậu của mình.
Người một thời – trong bão lửa vừa mang nỗi đau chiến tranh vừa gánh nỗi buồn thân phận – vẫn cất tiếng hát Bài ca chim Chơ rao nóng bỏng mạch nguồn sinh lực và Badan khát mang trái tim thảng thốt đến vô tư. Đến bây giờ trái tim vẫn khát – Một đời xanh như thể chẳng vì ai.
Bạn văn chỉ cốt, Nguyễn Chí Trung có lần hỏi trái tim khát – một đời xanh ấy: – Đất badan khát là khát mặt trời hay khát nước. Và Thu Bồn đăm chiêu, nói nhỏ như gửi gắm một nỗi buồn, một niềm riêng tư “- Khát tình người!”. Sự đăm chiêu lặng buồn xanh riêng ấy đã chưng cất và thăng hoa bao tác phẩm đẹp lúc sinh thời. Giờ trong hoàn cảnh thực – thực đến trớ trêu đau lòng mà ít người biết rõ của nỗi niềm khó nói đã được dự cảm ấy… vẫn còn lặng buồn trong mắt người đã khuất.
Trái tim mãnh liệt và mềm yếu của Thu Bồn đau một lẽ rất đời. Người vợ ông một đời thương yêu và tin tưởng, người hôm qua còn gào khóc vật vã bên quan tài, nói những lời làm ông tiếc nuối không nỡ rời xa. Vậy mà, đất nằm chưa khô, trái tim còn thảng thốt,…  người đàn bà ấy đã gửi vội di ảnh ông ở chùa, bán không thương tiếc ngôi nhà ông đã gầy dựng với bao kỉ niệm, đẩy linh hồn ông vật vờ ra khỏi mảnh đất ngấm vị ngọt của rượu, của thơ, của những niềm vui ông chắt chiu, dành dụm. “Anh chung thủy vô cùng và cũng thay đổi vô cùng. Như một nghịch lý nhưng thật biện chứng, song là một nghịch lý biện chứng bi thảm” (Nguyên Ngọc). Người chịu chơi cuối cùng – Người lãnh đủ cuối cùng (Ngô Thế Oanh). Nhà thơ chuyên cần và phóng túng – Người đàn ông khờ khạo Thu Bồn,… biết bao giờ khép lại nỗi đau vô cùng?
Xin gửi lên trời xanh giọt nước mắt khóc cho “Người viết Trường ca”… Thu Bồn hãy yên nghĩ, những tri âm, tri kỷ, bạn bè, người thân, đặc biệt những người lính một thời cùng cậu vào sinh ra tử,… họ không bỏ Thu Bồn. Cậu của cháu ơi! Tất cả tấm lòng đều hướng về cậu với sự quan tâm, yêu thương, trân trọng. Nỗi niềm mà cậu luôn đau đáu, đứa con trai duy nhất – Hà Băng Ngàn, cũng là nỗi niềm chung của tất cả những tấm tình bè bạn gần xa. Tự nhiên, tôi lại miên man suy tưởng về chủ nghĩa hoài vọng và tình yêu tuyệt vọng, về Giọt nước mắt đầu tiên (The first Tears) của đứa trẻ lang thang-đứa trẻ mồ côi-em tôi). Rồi chợt nhớ, hình ảnh bi thương, đứa con trai tài hoa, khờ khạo Băng Ngàn ngày vuốt mắt tiễn cha: “Hãy để tóc ba tự nhiên là đẹp!”. Như một quy luật, mái tóc người ra đi không còn đói màu đen … Nhưng mái tóc đứa con tình yêu mang nỗi đau chiến tranh như một chứng tích vẫn đói một tình thương bao dung, một bàn tay cứu rỗi thiết thực, như một lẽ tự nhiên. Lời thơ con khóc ba vẫn còn khắc trên phiến đá hoa cương: Cha đã ra đi một cuộc đời – Vầng trăng chỉ khuyết một mảnh thôi.
Ôi vòng đời! Giữa rừng ngày nào, Thu Bồn đã kết thúc bài thơ viết vội vàng để kính tặng người cha đau khổ: Đôi cánh đau thương liệng mãi phía chân trời – Con ghi hết lời thơ trên báng súng. Chim én mùa xuân mang hòa bình, tình thương đã về những 40 năm… Đứa con Băng Ngàn tuổi giờ đã lớn quá nửa kiếp người mà vẫn như một cậu bé lặng côi không biết ghi hết lời thơ đời mình cho cha để lại vào đâu. Đập tan nát những niềm đau – Ta mang thế sự nhân tình ta chơi!
Sinh thời, Thu Bồn mang nỗi đau ám ảnh chất độc còn chôn chặt trong mình, di căn cho hai con Thảo Nguyên và Băng Ngàn là nỗi đau lớn nhất đời ông. Thu Bồn muốn dùng tình thương cứu chuộc, đổi lấy sự sống cho con. Vậy mà đau đớn, bất lực! Ông dồn hết tâm lực cho những đứa con tinh thần, hiến trọn mình cho thơ, những tác phẩm tuyệt vời để lại cho đời trân trọng. Chất độc da cam đã mang đi Hà Thảo Nguyên khi tròn trăng 16. Còn Hà Băng Ngàn – đứa con bằng xương bằng thịt của đời ông vẫn còn đó – một sinh mệnh Người không tự cứu được mình vẫn ngây ngô như đá lặng đơn côi. Cần gọi lại sự sáng suốt của lẽ phải, sự tỉnh thức của lương tri, sự góp tay của những tấm lòng tử tế, ân nghĩa, bao dung. Tử tế cho người đã khuất, cầm lòng vậy, đành lòng vậy. Nhưng còn phải tử tế cho người còn sống, cho giọt máu đau mang nặng kiếp người.
Tất nhiên nói như cách nói của L. Tônxtôi, hạnh phúc thì như nhau mà nỗi đau chẳng ai giống ai. Nhưng xin đừng vì một Bạch Huệ, vì lẽ gì không rõ mà không trọn nợ, quên tình nghĩa, đối xử bất công với Băng Ngàn, đứa con duy nhất của cậu – người hằng ngày phải đối diện với bệnh tật, mưu sinh, với cuộc sống khốn khó… mà đau lòng nghe cậu. Lời nói thật là lời đau dứt ruột. Dù lỗi đạo, âu cũng phút nguyện cầu. Mọi cặp mắt đều hướng về em ấy. Mọi trái tim đều yêu thương em ấy. Băng Ngàn sẽ không lẻ loi. Lời cuối cùng trong 14 điều răn Phật dạy: An ủi lớn nhất của đời người là bố thí. Hiểu biết và tình thương làm nên hành động đọng thiện lành.
Cuốn sách cuối cùng của vòng đời Thu Bồn là Đánh đu cùng dâu bể… trước quãng trường văn học tượng trưng cho trái tim ràn rụa, đau khổ và tràn đầy hạnh phúc của tôi…, Vòng đời đã mang hoa nguyệt quế. Dòng sông mãi trôi. Sắc hạ bồi hồi.
Chơ Rao ơi, yên nghĩ! “Gói nhân tình” xin gửi lại trần gian!!!.
28/4/2021
Lê Thị Thu Hà
Theo https://vanhocsaigon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Nghề Waxing Đúng là đi một ngày đàng, học một sàng khôn. Cuối tuần vừa rồi tớ được dẫn đi giải ngố. Mới phát hiện ra tại Paris kinh đô...