Thứ Năm, 19 tháng 9, 2024

Ở trung ương cũng có những tay văn nghệ rất "Địa phương" và ngược lại

Ở trung ương cũng có những tay văn nghệ
rất "Địa phương" và ngược lại

Để giúp các nhà văn và bạn đọc có cái nhìn sâu rộng hơn bức tranh toàn cảnh đời sống văn học nghệ thuật cả nước, nhất là văn học, Ban Biên tập Vanvn mở chuyên đề đối thoại, phỏng vấn những người đang giữ vai trò lãnh đạo các hội văn học nghệ thuật địa phương trong mối tương quan, chia sẻ với Hội Nhà văn Việt Nam.
Mở đầu chuyên đề này là cuộc đối thoại của nhà văn Nguyễn Tham Thiện Kế với nhà thơ Hải Thanh – Chủ tịch Hội VHNT tỉnh Vĩnh Phúc, một địa phương có bề dày truyền thống văn học, quê hương của nhiều tên tuổi nổi tiếng trên văn đàn. Sâu sắc và hóm hỉnh khi trả lời về những vấn đề của đời sống văn nghệ Vĩnh Phúc, Chủ tịch Hải Thanh còn có những tâm tư chua chát: “Văn nghệ vốn bạc bẽo vô cùng. Không có hội viên thì không có hội. Có hội rồi thì hội viên chửi hội không thiếu câu gì. Chửi thì do hội có lỗi, hoặc là không thoả mãn hội viên, nhiều vấn đề lắm. Nhưng hội có phải cơ quan giải quyết chính sách đâu. Trước mặt thầy giáo, ai cũng là học trò. Trước mặt sĩ quan, ai cũng tiểu tốt. Thực, có muốn ai hơn mình đâu. Hội viên không tìm ra đường nào “sang trọng” hơn thì cứ hội mà nhắm”… 
* Nhà văn Nguyễn Tham Thiện Kế: Thưa nhà thơ Hải Thanh, ông là Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam và hiện đảm trách Chủ tịch Hội VHNT tỉnh Vĩnh Phúc. Vậy ông có bao giờ gặp khó trong ứng xử công việc của một nhà thơ chuyên nghiệp khi lãnh đạo cơ quan văn nghệ đa ngành mang xu hướng bán chuyên nghiệp?
– Nhà thơ Hải Thanh: Người xưa nói: “Một nghề cho chín, hơn chín mười nghề”. Nói khó thì ai cho làm; nói dễ thì ai cho ăn. Thực tế, nhiều khi phải “đo lọ nước mắm, đếm củ dưa hành” mới thấy mình không làm được việc gì ra tấm ra món. Lâu nay, người ta quen nhắc đến cụm từ “chuyên nghiệp hoá”, đằng này một nghề còn chưa “chín” lại phải lăng xăng mấy việc bếp núc, ỏm tỏi, um xiên. Thành ra, cái gì cũng biết mà không biết cái gì. Nhiều người khuyên bảo, chỉ cốt vui. Nhưng nghĩ lại, trong một sự vui thì vô số nỗi niềm. Nói chung là nó nhạt.
* Giữ chức Phó Chủ tịch Hội VHNT từ năm 39 tuổi, rồi Chủ tịch Hội niên khóa thứ 2 – hẳn ông có nhiều nghiệm sinh đáng giá. Vậy ông có thể tỏ bày việc lãnh đạo một cơ quan văn nghệ thì người thủ trưởng cần những phẩm chất đặc biệt nào khác với những cơ quan nhà nước khác?
– Tôi nghĩ tất cả là ở sự chân thành. Người Việt có câu: “Trăm cái lý không bằng tí cái tình”. Nhà nước thì có “thần linh pháp quyền”. Cái “anh” văn nghệ này, pháp quyền nó khó nghe, khó vào. Nên tôi cứ nghĩ và hành xử, “gieo” sự chân thành thì ít nhiều cũng “gặt” được sự chân thành. Đơn giản thế thôi.
Quan là quan, hề là hề, không có “quan hề” đâu. Cứ rạch ròi như thế.
* Mặc nhiên từ trước đến nay vẫn tồn lưu ý kiến phân biệt văn nghệ trung ương và văn nghệ địa phương. Theo ông, sự chia thứ bậc như thế có sở cứ nào không? Nguyên do là do đâu? Thời của mạng 5G và sự tận tâm đổi mới của toàn thể dân tộc hy vọng sẽ san lấp được khoảng chênh không trong lĩnh vực văn nghệ giữa các vùng miền với thủ đô?
– Cách nghĩ của người Việt ta nó thế. Trung ương bao giờ cũng to hơn địa phương. Mà đã Trung ương rồi thì không địa phương làm gì nữa. Thực tế, xưa nay, danh nhân đều xuất thân ở xó làng. Có người thành đạt ở phố không dám nhận quê sinh của mình cơ mà. Chỉ vì nhẽ, cảm thấy nó nhỏ mọn, bị thiên hạ coi khinh. Nhưng hiện thực văn chương trớ trêu, thường những giải thưởng văn học, nghệ thuật danh giá lại thuộc về những tay địa phương chính hiệu. Thế giới cũng thế. Nó cần sự tử tế, sự hay, sự lay thức, chứ không phải chuyện mấy anh ngồi trong tủ kính lý luận suông. Chia vùng miền là mấy anh nhà quê ngụ cư thành phố, chứ thực thủ đô cũng chỉ là cái làng to. Ở trung ương cũng có những tay văn nghệ rất “địa phương” và ngược lại…
* Nếu phải so sánh sự phát triển VHNT Vĩnh Phúc trước kia và khi Vĩnh Phúc đã hóa rồng về kinh tế thì ông sẽ có nhận định thế nào? Phải chăng, giàu mạnh là sự bảo đảm cho văn học nghệ thuật thăng hoa? Ví như việc Tạp chí Văn Nghệ Vĩnh Phúc chi trả nhuận bút một truyện ngắn là 2,5 triệu, một bài thơ 1 triệu đồng?
– Tôi nhớ nhà thơ Hữu Thỉnh hay nói câu này: Sự vĩ đại của loài người, sau phát minh ra lửa là phát minh ra cái bánh xe. Nhưng bánh xe không có lực đẩy hoặc sức kéo thì cũng chỉ là đống sắt gỉ.
Vĩnh Phúc phát triển, an sinh xã hội được quan tâm, trong đó văn nghệ cũng được “thơm lây”. Rồng, rắn thế nào, tôi chưa dám nói, nhưng tiền là sự kích thích nhiều bề. Với văn nghệ sĩ, họ còn cảm thấy đó là sự trân trọng. Nhưng vấn đề cuối cùng là tài năng. Tôi có thể đặt hàng nhiều tiền cho một tác phẩm, anh có dám cả quyết tác phẩm của anh hay hay không. Cái này phải bình tĩnh, không vội vã như tăng trưởng nóng được. Ai lại có thứ lý luận xây nhà rồi mới xây nền móng bao giờ. Tiền cũng không đủ mạnh với những cái nhìn thiển cận.
* Ông không chỉ đi hết ngôi làng đã sinh ra mình, thông thuộc, yêu thương cả tỉnh Vĩnh Phúc mà còn bay vượt biên giới Việt; đã xuất bản chín tập sách trong đó có bảy tập thơ và hai tập văn xuôi. Giả dụ với một bạn đọc lần đầu biết đến các sáng tác của mình, ông khuyên bạn đọc ấy, tìm hiểu tác phẩm nào của ông trước hết, để nắm bắt nhanh nhất những gì ông gửi gắm?
– Tôi không dám khuyên nhủ gì đâu, nhưng luôn nghĩ: Cái cố kết của ta là Nhà – Làng – Nước. Tôi cứ lần mò theo đường ấy mà đi. Dở, hay chưa bàn. Nhưng như trên đã nói, tất cả là sự chân thành. Để tôi đọc anh nghe bài thơ nhé:
CHỢT NGHĨ
 
Đứa trẻ từ trường về khoe sách mới
Cả cuốn sách đầy sắc màu, nhưng không có một dòng về quê, về mẹ
Tôi tần ngần đứng ngóng trời xa
 
Tôi tần ngần đứng ngóng trời xa
Những mẹ
Những quê
Vời vợi
 
Gió to sóng cả
Về đâu những chuyến đò đầy?
* Tôi đã đọc tập tản văn “Nhà sau lưng phố” – NXB Phụ Nữ, 2017. Một giọng trầm khắc khoải về sự đô thị hóa của làng xã Vĩnh Phúc. Chấp nhận và tiếc nuối. Những câu chữ như nét bút lông trực họa, đủ phác vô số ký họa khiến người ta đau lặng. Văn xuôi và hội họa, dung chứa thơ. Tại sao vậy? Tại sao ông viết tập tản văn này. Ông có thể kể lý do không?
– Tôi nghĩ chẳng riêng Vĩnh Phúc đâu, làng nào cũng thế. Tôi có lần nói, “giữ làng là giữ nước từ xa”, rồi đã được in thành sách. Nhưng mấy ai đọc đâu. “Nông thôn mới” là một chủ trương tốt nhưng làm biến dạng làng quê với những suy nghĩ thô thiển hạ tầng thì thật đáng tiếc.
Tôi viết tập này là để kêu cứu bản sắc văn hoá Việt, vừa để giải toả nỗi lòng, chứ không có ý ngăn trở hay bảo thủ gì đâu.
Phát triển theo quy luật. Nhưng căn cốt phải giữ. Mất là không lấy lại được. Không thể áp tư duy nhiệm kỳ vào đời thực, nguy hiểm lắm.
Thời ông Nguyễn Bính, mới có “áo cài khuy bấm” mà cảm thấy tan nát hết con người. Giờ, cả đại công trường, không lo lắng sao được. “Quê già phố xá thì non/ Làm cho lũ trẻ lon ton bỏ nhà”. Tôi viết câu thơ ấy cũng lâu rồi.
* Trong bảy tập thơ, ông thuộc được bao nhiêu bài? Nếu cần tuyển những bài thơ hay, câu thơ hay trong bảy tập ấy, tự ông có thể tập hợp được bao nhiêu câu? Xin một vài dẫn dụ?
– Không ít người làm thơ nói không bao giờ nhớ thơ mình. Tôi lại khác, rất nhớ thơ mình, thế mới lạ. Anh thử xem, cầm tập sách của tôi, anh xướng tên bài nào, tôi đọc bài ấy, đảm bảo không vấp váp gì. Vợ tôi còn ca ngợi tôi có trí nhớ tốt. Chỉ tiếc là vợ, con tôi không nhớ nhiều. Chúng bảo, nhớ cái khác quan trọng hơn là thơ tôi.
Còn hay hay dở là ở ngoài kia, trong này nói sao được. Nói về mình, và ca ngợi mình, thừa – và vô duyên lắm.
Nhà thơ Hải Thanh đối thoại với nhà văn Nguyễn Tham Thiện Kế
* Quan sát danh sách Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam của Vĩnh Phúc từ: Ngô Linh Ngọc, Ngô Văn Phú, Phùng Cung, Cầm Giang, Trần Đình Hiến, Hữu Thỉnh, Vũ Duy Thông, Ngân Vịnh, Trương Vĩnh Tuấn, Thái Vượng, Xuân Mai, Quách Liêu, Hà Đình Cẩn, Nguyễn Hữu Hà, Đăng Bảy, Phan Trọng Thưởng, Nguyễn Ngọc Tung, Nguyễn Đăng Sâm, Nguyễn Nhuận Hồng Phương, Nguyễn Văn Dân, Đỗ Hàn, Dương Kiều Minh, Nguyễn Hoàng Sơn, Nguyễn Hòa Bình, Lâm Quý, Hoàng Tá, Vũ Đình Minh, Trần Khoái… Ông có nhận xét gì? Ngoài vài trường hợp hội viên đã khuất, phải chăng độ tuổi của Hội viên Nhà văn Việt Nam ngày càng già hóa? Hội VHNT Vĩnh Phúc có chiến lược phát triển hội viên trẻ kế cận không chỉ cho địa phương mà còn là nguồn cung cho các hội chuyên ngành trung ương? 
– Tôi vốn nhút nhát, anh kể tên các vị ấy làm tôi ngại ngùng. Sự nghiệp văn chương Vĩnh Phúc và nỗ lực đóng góp cho sự nghiệp văn học của nước nhà là công lao của tiền bối, cá nhân tôi chưa định hình được mình cơ mà.
Ấy là những người thành danh và thành quả lao động không mệt mỏi của họ đã được trân trọng ghi nhận. Tôi mở ngoặc: Phải hy sinh nhiều lắm đấy. Nhưng thực tế bây giờ, có nhiều bác về hưu mới nảy nòi, đốc chứng làm thơ, viết văn. Đương nhiên, “gừng càng già càng cay”, nhưng cái “nghề” này, không phải ai cũng tới bến. Theo đuổi, chèo lái cả đời không tới được nữa là… Nhưng các bác ấy, tự xưng là anh hùng một thuở, đánh Pháp, đánh Mỹ, rồi lãnh đạo sản xuất, lại nhiều năm tuổi Đảng nữa, “nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, cương vị nào cũng xuất sắc”, làm thơ khó gì. Có bác một năm ra 4 – 5 tập, bìa cứng, giấy tốt, chuẩn như điều lệ hội, nên đã góp phần quan trọng làm già hoá văn chương.
Còn nói về lớp trẻ. Cái nghề này nghiệt ngã và không hấp dẫn. Cả lợi và danh. Hằng năm, Hội VHNT Vĩnh Phúc cũng có bỏ công, bỏ tiền đào tạo, nhưng kết quả… các cháu giữa đường bỏ cuộc, hoặc… đi không bao giờ về nữa.
* Nhà thơ Hữu Thỉnh, về nghĩa nào đó thì hiện tại là một trong những nhà thơ anh cả của Hội Nhà văn Việt Nam, sinh ra ở Vĩnh Phúc, trưởng thành từ Vĩnh Phúc. Thơ và phong cách lãnh đạo của Hữu Thỉnh ảnh hưởng bao trùm cả nước trong hai thập kỷ. Từng là nhà thơ trẻ được Hữu Thỉnh quan tâm dìu dắt, vậy ông có thể kể một vài câu chuyện về người “anh cả” mà ông cho là sâu sắc, trong lĩnh vực thơ và công tác quản lý không chỉ với cá nhân ông mà còn cả với phong trào VHNT của địa phương?
– Nhà thơ Hữu Thỉnh đến và đi như gió thoảng. Ông là con người của công việc mà. Riêng cái đoạn người ta kéo ông chụp ảnh đã tốn kém thời gian. Nên, tiếng là “đồng hương” nhưng mấy khi được trò chuyện, mà có nói thì cũng câu được câu chăng. Có thể ông đã “quan tâm dìu dắt” tôi, nhưng tôi chưa cảm nhận được thấu. Ông còn mải lo nhiều việc lớn lao khác, tôi không phải “hiện tượng” để ông quan tâm. Nhiều người cứ nghĩ tôi “đồng hương” nên nhận được cái ân huệ ấy. Không có mà. Có lẽ chỉ sau khi tôi được cử làm Uỷ viên Đoàn Chủ tịch Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam, cách đây chừng 5-6 năm, ông mới nhớ chính xác tên tôi. Nhưng lòng tôi, và thực tế – bất kể khi nào, tôi cũng trân trọng ông – một nhà văn hoá, một sư phụ về văn chương, đúng nghĩa. Tôi sẵn sàng phục vụ ông vô điều kiện, nhất là từ khi ông thôi chức Chủ tịch Hội Nhà văn, Chủ tịch Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam. Quê tôi tự hào về ông, nhưng với phong trào địa phương, ông không “đầu tư” nhiều đâu. Bằng chứng là phải đến chục năm, Vĩnh Phúc mới có 01 người được kết nạp Hội Nhà văn Việt Nam cơ mà. Tôi nghĩ, ai cũng cảm thông, chia sẻ với ông, vì ông là người của công chúng, người của quốc gia, cả quốc tế nữa.
* Soi sử cận đại và hiện đại Vĩnh Phúc từng là trung tâm với vai trò của những cá nhân lãnh đạo tạo cảm hứng trong cách mạng giải phóng đất nước như Nguyễn Thái Học… Kim Ngọc trong đổi mới nông nghiệp, Trịnh Đình Dũng trong công nghiệp hóa… Vậy ông có kỳ vọng VHNT Vĩnh Phúc một ngày đẹp trời cũng là trung tâm của vùng thủ đô Tây Bắc?
– Ai chả kỳ vọng về một tương lai tươi tốt. Quê nào cũng xưng “địa linh nhân kiệt”, nhưng mỗi nước thì khó khăn. Tin tưởng nhất là “hào kiệt đời nào cũng có”. Nhưng ở đâu? Cây ở rừng khác, ở công viên khác. Một khi đã công viên hoá thì dẫu có ngày đẹp trời thì mọi thứ cũng như nhau thôi. Với lại, tượng đài nào cũng đều ở trong lòng dân chứ không phải ý chí của ai lãnh đạo. Anh hỏi trung tâm trung tiếc gì, tôi không hình dung nổi và chưa dám có ý nghĩ lớn thế đâu. Đã là nhà thơ, còn lo bếp núc văn nghệ cũng đủ mệt rồi.
* Hội VHNT Vĩnh Phúc từng tự hào có đội ngũ văn nghệ sĩ tên tuổi bao trùm nhiều lĩnh vực và nay thế hệ tiếp nối cũng không kém phần thành tựu. Trong đó sự đóng góp của các hội viên chuyên ngành trung ương có vai trò như thế nào với một hội văn nghệ địa phương? Ví như vai trò của Hội viên Nhà văn VN ở Vĩnh Phúc chẳng hạn?
– Các bác thành đạt ở Trung ương mấy khi về quê. Lúc trẻ ít về, khi già lại kêu bệnh tật. Cũng có người về, đưa mấy hộp quà, nói vài câu thương nhớ, bắt tay giật giật liên hồi… thế là đi. Mà nói gọn, mấy ông nhà văn cũng quan liêu lắm. Bây giờ hỏi giá thóc bao nhiêu là chịu. Nông dân xịn mà thờ ơ với cội rễ. Hoá ra văn nhân toàn chuyện trên giời. Tôi có lần hỏi một giáo sư: Một ngày ông nhớ mẹ ông mấy phút (?). Ông nghĩ một lát rồi gục xuống. Ông không trả lời một ngày ông không nhớ đến mẹ ông một phút nào.
Về hưu mới viết văn làm thơ, lại to tiếng bảo đấy là “sân chơi sang trọng”, rồi lại in mấy câu thương thương nhớ nhớ chẳng vào đâu, nghe nó thế nào. Nhưng một khi là tiền bối, mấy ai động đến làm gì.
Nhưng nói thế lại thành ra bạc bẽo. Văn nghệ vốn bạc bẽo vô cùng. Không có hội viên thì không có hội. Có hội rồi thì hội viên chửi hội không thiếu câu gì. Chửi thì do hội có lỗi, hoặc là không thoả mãn hội viên, nhiều vấn đề lắm. Nhưng hội có phải cơ quan giải quyết chính sách đâu. Trước mặt thầy giáo, ai cũng là học trò. Trước mặt sĩ quan, ai cũng tiểu tốt. Thực, có muốn ai hơn mình đâu. Hội viên không tìm ra đường nào “sang trọng” hơn thì cứ hội mà nhắm.
* Nhà thơ Tản Đà từng ở dốc Láp theo đường chim bay cách cơ quan Hội VHNT Vĩnh Phúc chừng 500 mét. Ông có biết chính xác địa chỉ ngôi nhà thi nhân từng ngụ chứ? Theo ông nếu không tiên tửu thì Tản Đà liệu có thơ hay đến thế không?
– Chả có rượu thì làm thơ thế nào được. Có người còn tự hào bảo: Tôi làm được tác phẩm này là do rượu. Không sai. Nhưng sau đấy là nát gan và nát nhà, không ai có thể cứu rỗi.
Tôi có xem bức tranh biếm của Hoàng Đạo vẽ Tản Đà vừa dạy học vừa uống rượu, với lời thuyết minh “Tản Đà: Các ngài muốn hỏi tôi cách làm thơ ru? Khó gì đâu: Tửu nhập thi xuất!” – đăng trên Phong Hoá.
Còn về cụ Tản Đà, tôi có đọc một số tư liệu, biết có thời cụ ở Vĩnh Yên, cả Vĩnh Tường nữa đấy. Mang máng ở cây số 2, đường lên Tam Đảo. Trong “Giấc mộng con” cũng có nói. Tôi không dám chắc đâu. Nhưng đọc cụ có bài thơ chống tham nhũng. Là nhân một vụ kiện tranh chấp gia tài, Tuần phủ Vĩnh Yên lúc đó đã ăn của đút hai ngàn rưởi đồng. Tôi chỉ nhớ câu: “Cũng bởi thằng dân ngu quá lợn/ Cho nên quân nó dễ làm quan”. Nói ra điều này nhạy cảm lắm. Ở ta, cái gì cũng nhạy cảm.
Còn đây là bài thơ tôi nhớ kỹ:
ĐÊM XUÔNG PHỦ VĨNH
 
Đêm xuông vô số cái xuông xuồng
Xuông rượu, xuông tình, bạn cũng xuông!
Một bức màn con coi ngán nỗi
Một câu đối mảnh nghĩ dơ tuồng!
Một vừng giăng khuất đi mà đứng
Một lá mành treo quấn lại buông
Ngồi hết đêm xuông, xuông chẳng hết
Chùa ai xa điểm mấy hồi chuông…
* Ông hẳn xem hoặc đọc vở kịch “Trận thắng trong làng” của Trần Quốc Phi nhỉ? Vấn đề văn hóa làng xã, dòng họ đã được Trần Quốc Phi bàn và phẫu tích trước cả “Mảnh đất lắm người nhiều ma” của Nguyễn Khắc Trường hơn 20 năm. Ông có ý kiến gì trường hợp Trần Quốc Phi – thành viên sáng lập Hội Văn nghệ Vĩnh Phú – là Phú Thọ và Vĩnh Phúc bây giờ?
– Tôi hay xem chèo lắm. Mỗi buổi đi làm về, tôi thường mở chèo cổ ra xem. Cứ xem là tự nhiên nhẹ hết cả người.
Vở kịch của cụ Phi, tôi phải mất nhiều thời gian mới sưu tầm được một cuốn. Tôi cho trưng bày trong tủ sách của cơ quan.
Tôi nhỏ người, lại ít kinh nghiệm sống, không dám lạm bàn về các bậc tiền bối. Nhưng tôi chắc chắn điều rằng, các cụ xưa, ngoài gánh vác việc làng việc nước, còn là những diễn viên thực sự ưu tú. Họ truyền cảm hứng tới dân bằng nghệ thuật; phục vụ nhân dân, tâm huyết, hoàn toàn không vụ lợi. Dân gian vẫn còn lưu truyền, trân quý nhiều lớp diễn, xếp trò của các cụ Lý Mầm, cụ Trùm Thịnh, cụ Chánh Chắt, cụ Phó Khai, cụ Đoàn Bảng… Những danh nhân này tuyền trong dân gian, có thể tôi không nhớ chính xác. Chỉ có điều đáng lưu ý là các cụ về già, ai cũng nguyên chức “cụ”, dân không ai gọi “thằng”. Đến bốn, năm đời sau, người ta vẫn bảo cháu chắt cụ ấy, hoàn toàn không có sự khinh miệt. Đời thì thiếu gì cái nọ cái kia, nhưng các cụ diễn tất cả bằng tấm lòng. Mỗi lần nghe là thảng thốt.
Cụ Phi là người thực tiễn, chả gì qua mắt được cụ đâu. Tôi nghe có nhiều giai thoại về cụ, vui lắm và quyết liệt lắm. Nhưng chỉ dám đứng từ xa lễ vọng. Cụ là lãnh đạo tỉnh, là người có công sáng lập Hội Văn nghệ Vĩnh Phú, có sự kiện gì, dịp nào tôi cũng đến thắp hương…
* Ồ, Vĩnh Phúc còn một văn nhân đặc sắc nữa từng lưu bước sáng tác ở xưởng vẽ tại cây số 3 đường lên Tam Đảo – Họa sĩ Lưu Công Nhân. Danh họa vẽ nhiều tranh đẹp về Vĩnh Phúc. Chẳng hay, bảo tàng tỉnh hoặc cá nhân người Vĩnh Phúc có sưu tập bức tranh nào của danh họa không?
– Với tôi, và chắc không ít người, Lưu Công Nhân là cỡ “mét”. Ông ở chỗ ấy hơn chục năm, một mình. Tôi cũng có ý định mua lại căn nhà cô đơn của ông nhưng đận ấy không có tiền, còn trẻ con quá thể. Tôi nhớ có lần ngồi với ông ở đoạn đường tàu chiều Khai Quang, uống Whisky ngâm sâm, ông ấy bảo: Ngắm đồng lúa đi, sau này không có nữa (!). Nghĩ thấm buồn.
Tôi vinh hạnh được ông vẽ cho cái chân dung và cái bìa thơ. Tôi ngồi trong cái bếp buổi tối mất điện, ông vẽ tôi như không có trời, không có đất. Lúc điện sáng lên, tôi mới nhận ra “tác phẩm” chính mình, chỉ ú ớ nói được câu: Sao ông tài thế. Ông lẳng lặng lấy trong xó nhà cái sọt rác, ở đấy có bao tờ nháp vẽ tôi.
Tôi biết rõ, ở Vĩnh Yên và Việt Trì có mấy người hằng năm ông gửi thiệp chúc tết bằng tranh. Rồi ký hoạ cho nhiều người, chuyện này dài lắm.
Rồi ông về Nam, mang theo cả căn bệnh parkison. Từ bấy không còn được gặp nhau lần nào nữa. Nghe báo chí nói ông tặng nhiều tranh để làm từ thiện. Tôi ngơ ngẩn tiếc. Tiếc là Vĩnh Phúc không có bức tranh nào của ông. Tôi và mấy anh Vĩnh Phúc có giữ lại được mấy cái, nhưng bé tí, chủ yếu là phác thảo thôi.
* Cùng một dải đất, cùng một truyền thống văn nghệ, Phú Thọ đã có nhà tưởng niệm Phạm Tiến Duật, và dựng tượng Bút Tre. Vĩnh Phúc có ý dự án nào đề xuất đến việc lưu giữ những địa chỉ văn hóa của Tản Đà, Trần Quốc Phi, Lưu Công Nhân và một số nhà văn nhà thơ tên tuổi khác, đã đóng những sáng tác không chỉ làm sáng đẹp Vĩnh Phúc và còn cho cả nước?
– Cá nhân tôi đã nghĩ kỹ và đề xuất với lãnh đạo tỉnh xây tượng đài Trần Nguyên Hãn, Nguyễn Thái Học, Kim Ngọc… Tỉnh vui lắm, nhưng nghe nói lại vướng mắc ở đâu đó. Có đận người dân bức xúc bảo, dân tự nguyện đóng góp, không lấy đồng nào của nhà nước mà lo. Vẫn không được. Rồi lại cũng chẳng biết đâu mà lần.
“Đầu xuôi đuôi lọt”. Cái trước không nổi, cái sau thế nào. Tôi đã đề nghị một hai trường hợp, danh nhân rõ ràng, số má hẳn hoi. Tỉnh cũng vui lắm, nhưng lại vẫn mắc đâu đó, cho dù cải cách hành chính đã nhiều năm được báo chí ca ngợi rầm rầm.
* Ở Vĩnh Phúc có tới hai cơ sở chăm lo đến lao động sáng tạo của các nghệ sĩ: Nhà sáng tác Tam Đảo và Đại Lải. Hầu như đoàn sáng tác nào đến địa phương cũng có màn chào hỏi giao lưu với Hội VHNT Vĩnh Phúc. Văn nghệ Vĩnh Phúc quảng giao hay coi đây là một cơ hội trao đổi kinh nghiệm sáng tác? Ông đã bao giờ cảm thấy mệt mỏi vì giao tiếp chưa?
– Cả hai, nhưng nói thật, cũng rất mệt. Nhà thơ Hữu Thỉnh có lần hỏi tôi: Năm qua, văn nghệ Vĩnh Phúc làm được những gì? Tôi bảo, nổi bật nhất là tiếp khách. Ông ngớ người không hiểu. Tôi nói thẳng, Bí thư hỏi, tôi cũng báo cáo như thế. Thì mỗi tháng, bình quân mỗi Nhà sáng tác 2 trại, ai cũng bảo đến Vĩnh Phúc lần đầu, mà tiếng tăm thu nhập của Vĩnh Phúc kinh khủng lắm. Thôi thì văn nghệ, có gì đâu ngoài chữ Tình.
* Hội VHNT Vĩnh Phúc đã làm rất tốt công tác phong trào chăm sóc các hội viên đặc biệt là các hội viên cao tuổi, như thăm hỏi, trợ giúp công bố tác phẩm những năm qua. Vậy riêng ông hoặc Hội có tham vọng nâng cao chất lượng xuất bản phẩm hơn nữa. Đặc biệt là bà đỡ cho những tác phẩm xứng tầm với sự phát triển giàu đẹp của Vĩnh Phúc hôm nay?
– Nhuận bút, hỗ trợ hằng năm, hỗ trợ giải thưởng, rồi gần đây làm cơ chế đặt hàng. Làm hết mình. Tôi quan điểm, phong trào cũng là nhiệm vụ chính trị, nhưng tôi ưu tiên hỗ trợ chiều sâu. Nói gọn là, tôi muốn làm cái gì đó ra tấm ra món, xứng với đồng tiền bát gạo của nhân dân. Nhưng chao ôi, khó quá. Toàn nghệ sĩ nhớn mà không có tác phẩm nhớn. Tranh khôn. Ai cũng nhận mình khôn cho nên thế gian này vẫn luôn tồn tại và tiềm ẩn những cuộc cãi vã. Mà cãi vã thì không phải là văn chương. Không phải văn chương thì làm phong trào. “Phong trào tạm lắng, phong trào lại lên”. Vui là chính, chả mất lòng ai. “Hàng đầu không biết đi đâu/ Đi đâu không biết hàng đầu cứ đi”. Thế mới khổ.
Còn hy vọng, kỳ vọng thì nhiều lắm. Nhưng thiết nghĩ, phải qua “bước nhảy” mới có tác phẩm “đỉnh cao” theo tư tưởng của Marx.
* Ông thường đọc thơ của những tác giả nào của thế hệ mình? Vì sao ông lại có sự lựa chọn đó?
– Câu hỏi này vừa khó lại vừa khách sáo quá, nhưng tôi cũng thực lòng mà nói rằng, tôi không có nhiều thời gian để đọc thơ của mọi người đâu. Tôi có nhiều sách báo được tặng, cả mua, rồi đặt hàng. Đấy là chưa kể trên mạng, ê hề chợ. Nhưng đọc không hết, không tới. Tân cổ điển, hậu hiện đại, phê bình sinh thái… tôi thấy cứ mang mang. Từ lâu, tôi đã thuỷ chung với “các cụ”. Hôm nào tôi cũng đọc hoặc nghe kinh điển, cả Ta, Tây lẫn Tàu, nhẩm đến thuộc. Nhưng cũng không được bao nhiêu. “Càng học càng dốt” mà.
* Trân trọng cảm ơn ông. Chúc nhà thơ Hải Thanh và văn nghệ Vĩnh Phúc có những “bước nhảy” vươn tới tầm cao hơn!.
Nhà thơ Hải Thanh họ và tên khai sinh là Bùi Xuân Thanh, sinh năm 1970, quê quán xã Nghĩa Hưng, Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc. Cử nhân báo chí. Hội viên: Hội Nhà văn Việt Nam, Hội Nhà báo Việt Nam, Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam.
– Tác phẩm chính đã xuất bản:
* Bến trăng (Tập thơ, NXB Thanh niên, 1994)
* Bến thu xưa (Tập thơ, NXB Thanh niên, 1998)
* Lênh đênh những con đò số phận (Tập ký, NXB Thanh niên, 2000)
* Tự thanh (Tập thơ, NXB Hội Nhà văn, 2005)
* Con đường không có vết chân (Tập thơ, NXB Hội Nhà văn, 2006)
* Thượng huyền (Tập thơ, NXB Văn học, 2009)
* Tự thanh II (Tập thơ, NXB Văn học, 2012)
* Tự thanh 3 (Tập thơ, NXB Quân đội nhân dân, 2017)
* Nhà sau lưng phố (Tập tản văn, NXB Phụ nữ, 2017).
– Giải thưởng văn học:
* Giải Khuyến khích, Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam, 2005.
* Đồng Giải B, Giải thưởng VHNT Vĩnh Phúc 5 năm lần thứ I (1997-2000),  lần II (2001-2005), lần III (2006-2000), lần IV (2011-2015).
– Suy nghĩ về nghề văn:
Từ thuở nhỏ, tôi đã thầm mơ ước lớn lên làm nhà văn, để được viết những gì đẹp nhất về cuộc sống, về con người. Ấu thơ tôi làm sao biết được đó là một nghề nhọc nhằn, và theo chữ của cụ Phan Bội Châu là “lập thân tối hạ”. Nhưng đã mang lấy nghiệp, tôi cứ chuyên cần khai khẩn lối đi. Và trước những cô đơn đầy ắp, tôi đã viết. Viết là một nhu cầu tự thân.
Hầu như tất cả nỗi niềm đầy vơi, ấm lạnh trong cuộc đời đều làm tôi trăn trở. Nhưng tôi nghĩ chậm và viết chậm, trong khi cái mới, cái hay luôn thôi thúc mỗi ngày.
Suốt năm tháng dài, tôi cũng chỉ quẩn quanh ở làng. Trong không gian nhỏ hẹp ấy, tôi luôn tự nhủ: Đi đến tận cùng của làng này sẽ bước sang làng khác.
8/4/2021
Nguyễn Tham Thiện Kế
Nguồn: Vanvn.vn
Theo https://vanhocsaigon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Quân Tử Báo Cừu, Thập Niên Bất Vãn Lôi sinh ra ở một làng chài, gần cảng biển thuộc nước Vệ. Là chàng trai khôi ngô, tuấn tú, vốn có t...