Thứ Năm, 26 tháng 9, 2024

Đi tìm màu tím hoa sim - Đứa bé đẻ rơi và bài thơ tình thế kỷ

Đi tìm màu tím hoa sim - Đứa bé
đẻ rơi và bài thơ tình thế kỷ

Đã 10 năm hương hồn nhà thơ Hữu Loan dạo chơi đồi hoa sim cùng cô gái bé nhỏ của mình, nhưng những dòng thơ tình của ông vẫn làm thổn thức biết bao trái tim…
“Nàng có ba người anh đi bộ đội
Những em nàng
Có em chưa biết nói…
Một chiều rừng mưa
Ba người anh trên chiến trường Đông Bắc
Được tin em gái mất
Trước tin em lấy chồng”.
Đã 10 năm hương hồn nhà thơ Hữu Loan dạo chơi đồi hoa sim cùng cô gái bé nhỏ của mình, nhưng những dòng thơ tình của ông vẫn làm thổn thức biết bao trái tim.
Chiều cuối xuân nhạt nắng, từ TP Thanh Hóa, chúng tôi đi chừng 30km về trung tâm huyện Nga Sơn, từ xa đã dễ dàng nhận thấy ngọn núi Vân Hoàn sừng sững vươn lên giữa đồng bằng.
Đẻ rơi cửa chùa
Chùa Vân Lỗi nép bên sườn núi quay hướng ra sông Mã, nằm cách đường vào thôn Vân Hoàn chừng vài chục bước chân. Được xây dựng từ thế kỷ XIV thời nhà Trần, vách núi của ngôi chùa từng mang tên Sùng Nghiêm Tự này vẫn còn in dấu nhiều bài thơ do tiền nhân để lại.
Nhưng không chỉ thế, 104 năm trước, nơi đây còn gắn liền với sự ra đời của một nhà thơ tên tuổi khá đặc biệt trong văn học Việt Nam: Hữu Loan.
Đứng trên những bậc đá cheo leo lên chùa, ông Nguyễn Hữu Dũng, người sãi giữ chùa, nở nụ cười thân thiện mời chào.
Khi nghe chúng tôi hỏi thăm về thi nhân Hữu Loan, ông đã “khoe” ngay: “Tôi gọi nhà thơ là chú, bố tôi với nhà thơ là anh em chú bác ruột. Hồi xưa, ông ấy được đẻ loi (đẻ rơi) ngay cánh đồng trước chùa đây chứ đâu”.
Ông Dũng vừa nói vừa hướng ra đồng cói xanh xanh trước chùa, phía xa là con sông Mã hiền hòa uốn lượn. Câu chuyện ra đời của Hữu Loan được người sãi giữ chùa 76 tuổi kể đã lan truyền rất lâu ở làng. Ban đêm, sư trụ trì Sùng Nghiêm Tự bỗng thấy một vầng sáng vàng lóe lên phía trên núi Vân Hoàn.
Rạng sáng hôm sau, một người phụ nữ đang làm đồng phía trước chùa lên cơn đau đẻ bất ngờ. Bà lê vào tới thềm chùa thì sinh rớt người con ngay ở đó. Sư trụ trì ngày ấy đã nói với người phụ nữ rằng đứa bé con bà rất đặc biệt, hẳn sau này sẽ hơn người. Đứa bé đó chính là nhà thơ Hữu Loan.
Cậu bé lớn lên với trí thông minh học đâu nhớ đó càng khiến nhiều người làng tin vào “điềm trời”. Dù nhà nghèo Hữu Loan vẫn được cha mẹ cho theo con đường ăn học. Để rồi năm 1938, 22 tuổi, con đường học vấn của Hữu Loan đã tỏa sáng khi ông đỗ “tú tài Tây” tại Hà Nội, thời ấy rất hiếm người đạt tới được.
Chỉ cần có bằng cấp này là đủ để tìm việc trong một cơ quan hành chính đương thời. Nhưng cơ hội ấy chưa bao giờ nằm trong ý định của Hữu Loan. Sau khi có bằng tú tài Tây, ông hành nghề dạy học ngay trên quê hương mình.
Trong Địa chí Thanh Hóa (tập II, Nhà xuất bản Khoa Học Xã Hội, 2004) vẫn còn ghi tên Hữu Loan là một trong số các giáo viên cao đẳng tiểu học vốn khá hiếm hoi vào thời kỳ đất nước chưa giành được độc lập.
Bài thơ khóc vợ trên đường hành quân
Cũng trong thời kỳ làm giáo viên tại Thanh Hóa, Hữu Loan đã có cơ duyên gặp người vợ đầu tiên trong đời mình, để sau đó làng thi ca Việt Nam xuất hiện những vần thơ bất hủ.
Trong suốt hành trình chúng tôi theo tìm hiểu về Hữu Loan, câu chuyện về xuất phát điểm của bài thơ được rất nhiều người kể lại gần như nhau.
Hồi đó ở số 48 Phố Lớn (Trần Phú, Thanh Hóa ngày nay), bà Tham Kỳ (tức Đái Thị Ngọc Chất, vợ ông Lê Đỗ Kỳ, chánh thanh tra Đông Dương về canh nông) mở cửa hiệu tạp hóa bán nhiều loại giấy bút, sách vở.
Bà Tham Kỳ là con ông Đái Xuân Quảng (một cử nhân Hán học, từng làm tri huyện), nên giỏi Hán ngữ lẫn Pháp ngữ, đam mê thơ phú, thuộc nhiều tác phẩm văn học cổ như Truyện Kiều, Chinh phụ ngâm khúc…
Thời gian ở Thanh Hóa học tú tài, Hữu Loan vẫn thường xuyên lui tới cửa hiệu của bà Chất để thỏa mãn niềm đam mê sách vở. Bà Chất rất quý mến chàng trai con nhà nghèo hiếu học, đã mời Hữu Loan về kèm dạy học cho ba người con trai của mình.
Lần đầu tiên Hữu Loan về nhà bà Chất, con gái thứ tư của bà vẫn còn là một cô bé còn rất nhỏ.
Bẵng đi một thời gian, khi đã là thầy giáo đang dạy Trường Alexandre de Rhodes do nhà thờ Công giáo ở Thanh Hóa lập, Hữu Loan lại được bà Chất mời về nhà dạy cho chính người con gái này, lúc đó đã là cô bé Lê Đỗ Thị Ninh 8 tuổi. Một thời gian sau, Hữu Loan tham gia kháng chiến.
Ông Nguyễn Hữu Đán, con trai út Hữu Loan, tâm sự: “Bố tôi kể rằng sau ngày độc lập 2-9-1945, khi đang làm tuyên huấn, cụ đã diễn thuyết vận động nhân dân ủng hộ cách mạng trong Tuần lễ vàng ở Thanh Hóa. Mẹ Ninh lúc đó vô tình thấy cụ đang diễn thuyết; là con nhà giàu đeo nhiều nữ trang, đã tháo hết ủng hộ cách mạng.
Về nhà, mẹ giải thích chuyện không còn vàng bạc với người mẹ là bà Tham Kỳ, rằng: “Mẹ ơi, hôm nay con gặp anh Loan. Anh đọc diễn văn Tuần lễ vàng trước bao nhiêu người, anh thông minh, giỏi lắm mẹ ạ”. Là phụ nữ biết “bệnh” tương tư, người mẹ hiểu rõ tâm tình của cô con gái hay nhắc đến anh Loan”.
Cũng chính bà Chất đã kết duyên cho mối tình đầu đời của Hữu Loan. Sau tiêu thổ kháng chiến, khi bà Chất đưa những người con của mình về sơ tán ở ấp Thị Long, Nông Cống (cách TP Thanh Hóa chừng 30km), Hữu Loan đã xin về phép và có một đám cưới giản đơn nhưng đầy hạnh phúc. Một đám cưới chân thật như lời thơ của ông:
“Ngày hợp hôn
Nàng không đòi may áo cưới
Tôi mặc đồ quân nhân
Đôi giày đinh bết bùn đất hành quân
Nàng cười xinh xinh
Bên anh chồng độc đáo.
Tôi ở đơn vị về
Cưới nhau xong là đi!”.
Để rồi ba tháng sau đó, người vợ qua đời trong đau đớn.
Một trong những người ở cùng Hữu Loan trong kháng chiến lúc bấy giờ là nhà thơ Vũ Cao đã từng viết lại thời khắc đau thương nhất của Hữu Loan: “Trong một quán nhỏ ở Thanh Hóa, anh báo tôi biết cái tin đột ngột: Lê Đỗ Thị Ninh vừa mất. Bàn tay anh cầm cốc nước run lên bần bật, nước bắn tung tóe xuống bàn, mặt anh tái xanh”.
Và những đau đớn ấy theo suốt đường hành quân xa, những vần thơ bất hủ cứ thế theo dòng cảm xúc của nhà thơ tài ba ra đời.
Bài thơ sau thời gian “truyền tụng ngầm”, lần đầu tiên được Nguyễn Bính cho đăng trên báo Trăm Hoa. Không ít ý kiến “quy kết” bài thơ là “thứ văn chương ủy mị, mang tư tưởng tiểu tư sản”, được xem là nguyên cớ để Hữu Loan rời báo Văn Nghệ về quê lao động, thồ đá nuôi con.
Ở miền Nam, tác phẩm Màu tím hoa sim được các nhạc sĩ tài hoa như Phạm Duy, Anh Bằng, Dzũng Chinh phổ nhạc, làm thổn thức biết bao trái tim. Đến năm 2004, Màu tím hoa sim được một công ty ở TP.HCM mua tác quyền với giá 100 triệu đồng…
Trích đoạn Màu tím hoa sim:
… Một chiều rừng mưa
Ba người anh trên chiến trường Đông Bắc
Được tin em gái mất/ trước tin em lấy chồng
Gió sớm thu về rờn rợn nước sông
Đứa em nhỏ lớn lên ngỡ ngàng nhìn ảnh chị
Khi gió sớm thu về cỏ vàng chân mộ chí
Chiều hành quân qua những đồi sim
Những đồi sim dài trong chiều không hết
Màu tím hoa sim tím chiều hoang biền biệt
Nhìn áo rách vai tôi hát trong màu hoa
Áo anh sứt chỉ đường tà
Vợ anh mất sớm mẹ già chưa khâu…
Người em trai “nàng thơ” kể suốt mấy chục năm trời gia đình không ai dám đọc dám nghe bài thơ Màu tím hoa sim vì nó quá thật, gợi sự “rờn rợn”, đau đớn, tiếc thương.
Đi tìm màu tím hoa sim - Chị xoáy theo dòng nước
Người em trai ‘nàng thơ’ bảo rằng, suốt mấy chục năm trời gia đình không ai dám đọc dám nghe bài thơ Mầu tím hoa sim vì nó quá thật, gợi sự ‘rờn rợn’, đau đớn, tiếc thương: “Lấy chồng thời chiến binh/ Mấy người đi trở lại/ Nhỡ khi mình không về/ thì thương người vợ chờ bé bỏng chiều quê… Nhưng không chết người trai khói lửa/ Mà chết người gái nhỏ hậu phương…”
Tìm về “nàng thơ”
Từ TP Thanh Hóa, chúng tôi tìm về ấp Thị Long, huyện Nông Cống – nơi được ghi nằm lại của “người vợ chờ bé bỏng chiều quê”. Bất ngờ qua điện thoại, ông Nguyễn Hữu Đán bảo: “Mẹ già tôi không nằm ở Nông Cống. Mẹ đang nằm ở nghĩa trang làng Định Hòa ở TP Thanh Hóa, cũng là quê của bà”.
Làng Định Hòa thuộc phường Đông Cương, nằm cách cầu Hàm Rồng vắt qua sông Mã non ba cây số đường chim bay.
Tìm đến nhà thờ họ Lê Đỗ, ông thủ từ Lê Đỗ Dạng giới thiệu say sưa về ngôi nhà thờ cổ ba gian chạm trổ công phu được làm từ thời Khải Định, là nhà thờ cổ hiếm hoi, gần như duy nhất còn lại trong vùng.
Bên bảng phả hệ treo trên bức tường, ông diễn giải rằng ngài tổ Lê Thành đến đất Định Hòa lập ấp từ mấy trăm năm trước, vốn là công thần nhà Lê Trung hưng được ban quốc tính nên con cháu về sau lấy họ Lê Đỗ. Bảng phả hệ thể hiện người cha Lê Đỗ Kỳ đời thứ 17, bà Ninh đời 18.
Nằm cách khu dân cư Định Hòa một cánh đồng rộng trồng nhiều hoa hồng và rau màu tươi tốt, nghĩa trang họ Lê Đỗ với hàng trăm ngôi mộ xếp theo thế thứ.
Phần mộ “nàng thơ” nằm ở dãy thứ sáu, tấm bia ghi rõ: “Mộ chí bà Lê Thị Ninh, đời thứ 18, sinh năm 1932, tạ thế 29-4-1949”. Sau thắp hương, ông Dạng dẫn chúng tôi vào làng để tìm gặp ông Lê Đỗ Tùng, trưởng ban điều hành dòng họ.
Ông Tùng là cán bộ về hưu, không biết có người trong họ vốn là “nàng thơ” dù ông rất thích bài thơ Mầu tím hoa sim. Ông “hi vọng” nhiều thông tin sẽ nằm trong gia phả mà mình lưu giữ.
Chúng tôi lần giở bản gia phả trong sự hồi hộp, bỗng “bắt phải vàng” ở đời thứ 18, mục 238, ghi rõ rành: “Lê Thị Ninh, tức Lê Đỗ Thị Ninh (1932-1948, giỗ ngày 29-5), cha: Lê Đỗ Kỳ, mẹ: Đái Thị Ngọc Chất, chồng: Nguyễn Hữu Loan (nhà thơ, 1916-2010), mộ ở làng Định Hòa”.
Thông tin trong gia phả dù vài độ lệch về ngày tháng nhưng khẳng định rõ phần mộ kia chính xác là “người vợ chờ bé bỏng chiều quê” của thi sĩ tài hoa Hữu Loan.
Ám ảnh người chị xoáy theo dòng nước
Nhờ ông Tùng, chúng tôi liên lạc với ông Lê Đỗ Bình – em trai “nàng thơ” – và chốt cuộc hẹn tại Hà Nội. Ngồi trên phiến đá xanh trước đền Ngọc Sơn bên hồ Gươm, ông kể nhiều về một thời loạn lạc tứ tán.
Từ đầu năm 1947, tiêu thổ kháng chiến, ngôi nhà lớn ở Thanh Hóa bị giật sập, cả gia đình sơ tán lên ấp Thị Long sinh sống, nơi người bố có trang trại rộng chừng 5-7 mẫu.
Đến đoạn giọng ông chùng nghẹn xuống, nhắc hình ảnh người chị xoáy trôi theo dòng nước mấy chục năm nay vẫn mãi trong tâm trí mình.
“Sông Chuồng hôm ấy trong mùa nước dữ, chảy xiết, dâng cao. Mẹ tôi cùng chị Ninh đưa quần áo ra bến giặt, tôi và hai đứa em nữa cũng theo sau. Chị Ninh không may bị trượt chân, tôi nhìn thấy chị bị dòng nước xoáy cuốn vào và đưa đi.
Mẹ tôi la hét gọi người đến cứu nhưng vì dân ở cách xa, không ai nghe thấy. Mãi lúc sau, một thanh niên xuống vớt chị lên, cách chỗ trượt chân khoảng chừng trăm mét. Mẹ tôi bất thần không biết gì nữa” – ông Bình kể.
Bà Đái Thị Ngọc Chất tang trùng tang, đau đớn tột cùng bởi người mẹ ruột sống cùng mình cũng qua đời trước đó không lâu. Bà cho an táng con gái cạnh người mẹ.
Mãi đến năm 1967, bà sai ông Bình về Thị Long tìm mộ mẹ và con gái đưa về cải táng đầu làng Định Hòa. Sau này khi Trường CĐ nghề Công nghiệp Thanh Hóa xây dựng, phần mộ bà Ninh tiếp tục được dời đến nghĩa trang gia đình.
Trong câu chuyện dài, ông nhớ mãi hình ảnh người chị gái có “khuôn mặt khá bầu, người hơi đậm, thấp và nhỏ nhắn” và ngậm ngùi vì di ảnh duy nhất bị thất lạc trong chiến tranh.
Sau đợt cải cách ruộng đất 1954, ông Bình tìm về Vân Hoàn ở cùng anh rể hơn 1 tháng mới ra Hà Nội.
Ông nhớ mãi Hữu Loan hồi đó “suốt ngày đọc sách, rồi đi ra đi vào, viết lách làm thơ. Thỉnh thoảng anh đưa tôi đi về mấy xóm chài xem họ xiếc tép, làm cá. Cái thời cơm gạo khó khăn, hai anh em ăn toàn khoai lang”.
Sau đó không lâu, khi Hữu Loan đang làm báo Văn Nghệ, ông Bình cũng tìm đến nhà anh rể gần Văn Miếu – Quốc Tử Giám ở lại 2 tuần để chờ một người anh từ chiến khu trở về.
Năm 1985, ông Bình lại về thăm anh rể ở Vân Hoàn, giai đoạn bài thơ Mầu tím hoa sim “đã công khai, nổi tiếng như cồn”. Ông kể: “Anh Loan bảo tôi: “Người ta sẽ đến đây tìm mộ nàng thơ Mầu tím hoa sim. Tôi muốn đưa mộ bà Ninh về Vân Hoàn này”.
Tôi trả lời anh rằng chị gái đã bị di dời nhiều lần, nay đã mồ yên mả đẹp. Vả lại anh bây giờ đã yên bề gia thất, mười người con sum vầy, có người chăm sóc. Đưa chị về đây cũng cô quạnh lắm, chẳng nên chút nào”.
Gia đình “nàng” không dám nghe bài thơ
Ông Bình kể khi còn sống, mẹ không bao giờ cho nghe bài thơ Mầu tím hoa sim. Hễ ai đọc lên là bà khóc. Mãi sau khi mẹ qua đời (1987), anh em trong gia đình mới đọc và nghe các bài hát phổ thơ, vậy mà không lần nào không rơi nước mắt.
“Bây giờ chúng tôi già rồi, “trơ” ra rồi, vậy mà đọc còn thấy đau xót lắm, bởi vì anh Hữu Loan viết tình cảnh rất thật. Ba người anh đi bộ đội, người em chưa biết nói đều có.
Còn đồi sim, trong trí nhớ tôi hồi ấy nơi trang trại ở vùng bán sơn địa Thị Long, màu tim tím cứ trải dài đến tận núi. Rồi những hình ảnh mẹ tôi “ngồi bên mộ con đầy bóng tối”, “bình hoa ngày cưới thành bình hương”… tất cả đều thật hết” – dừng kể, ông khẽ đọc những câu thơ trong nỗi buồn miên man.
Câu chuyện gia đình Hữu Loan lẫn gia đình “nàng thơ” Mầu tím hoa sim cho biết rằng Hữu Loan luôn thương, kính và biết ơn người mẹ vợ Đái Thị Ngọc Chất.
Tuy nhiên, theo ông Bình, có lẽ vì lý do hai bên có những điều khác nhau nên ít liên lạc. Đến khi người mẹ mất ở Hà Nội, gia đình ông cũng không báo.
Khi biết tin, Hữu Loan đã làm đôi câu đối vừa thể hiện dâng mẹ, vừa ẩn ý trách cứ: “Rể khôn đền, gái ngắn phận sao đền, ơn cứu, ơn mang, ơn đoán giữa một tương lai nhân cách/ Sống khó gặp, chết vì sao không gặp, khóc nguồn, khóc núi, khóc ai cùng đương đại loạn thiên lương”.
Mà không buồn sao được, những đoạn trong Mầu tím hoa sim viết thật đến mức… rờn rợn về bối cảnh, về người mẹ và về ba người anh “biết tin em gái mất trước tin em lấy chồng”.
Đó là anh đầu Lê Đỗ Khôi (liệt sĩ trong trận Điện Biên Phủ), anh kế Lê Đỗ Nguyên (tức trung tướng Phạm Hồng Cư, nay 94 tuổi, đang ở Hà Nội) và Lê Đỗ An (nguyên phó Ban Dân vận Trung ương Đảng).
Về “những em nàng” là Lê Đỗ Khang, Lê Đỗ Bình, Lê Đỗ Thái và “em chưa biết nói” là Lê Thị Như Ý (lúc ấy chưa đầy 2 tuổi, đang là giáo viên về hưu ở Hà Nội)…
Đi tìm màu tím hoa sim - Khí phách sau những vần thơ tình thổn thức
Những người bạn văn của Hữu Loan kể rằng ông từng làm ‘quan to’ ở Thanh Hóa và có ‘công việc sang trọng’ ở báo Văn Nghệ, hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, nhưng cả hai lần ông bỏ ngang về quê bởi cá tính bộc trực, quyết liệt của mình.
Tham gia thành lập chính quyền
Trước Cách mạng Tháng 8, năm 1936, Hữu Loan tham gia nhiều phong trào chống Pháp tại quê nhà cho đến năm 1943 thì làm phó chủ tịch Ủy ban Khởi nghĩa Nga Sơn.
Lịch sử Đảng bộ xã Nga Lĩnh ghi giai đoạn cuối năm 1942 – đầu năm 1943: “Các đồng chí Nguyễn Hữu Loan (làng Vân Hoàn) và Phạm Minh Thanh (xã Nga Thanh ngày nay) là cán bộ Việt Minh đang hoạt động tại thị xã Thanh Hóa đã trở về địa phương xây dựng tổ chức Việt Minh. Hai đồng chí đã tích cực vận động giác ngộ, kết nạp được một số hội viên cứu quốc như các đồng chí… Đầu năm 1943, tại làng Vân Hoàn thành lập được tổ chức Việt Minh do đồng chí Nguyễn Hữu Loan phụ trách”.
Tài liệu này cũng chú thích rất cụ thể: “Đồng chí Nguyễn Hữu Loan là người làng Vân Hoàn (Nga Lĩnh) lúc này là giáo viên và là cán bộ Việt Minh dạy học tại thị xã Thanh Hóa. Do cơ sở Việt Minh bị lộ, đồng chí đã trốn khỏi sự vây ráp của kẻ thù về địa phương tiếp tục hoạt động”.
Trong nạn đói khủng khiếp gây chết hàng loạt tại Thanh Hóa, tổ chức Việt Minh tại Vân Hoàn do Hữu Loan đứng đầu đã vận động lý trưởng không thu thuế nhà nghèo, chỉ thu thuế những nhà giàu nhưng không nộp lên trên.
Tài liệu Đảng bộ xã ghi: “Đồng chí Nguyễn Hữu Loan đã dẫn đầu đoàn đại biểu của làng Vân Hoàn lên huyện đấu tranh đòi khất thuế… Tổ chức Việt Minh tại các làng phát động phong trào kiên quyết cứu đói cho dân bằng mọi hình thức như vận động nhà giàu cho dân vay thóc, kêu gọi mọi người đồng tâm bớt sữa, góp gạo nấu cháo cứu đói… do đó đã kịp thời giúp nhân dân thoát khỏi nạn đói”.
Hữu Loan cũng tích cực tham gia lãnh đạo các hoạt động tại địa phương chuẩn bị cho tổng khởi nghĩa giành chính quyền. Một đội tự vệ cứu quốc cấp xã ở Nga Lĩnh lúc đó được thành lập gồm 71 đội viên, riêng làng Vân Hoàn của Hữu Loan tham gia đến 30 người.
Cách mạng Tháng 8 thành công, Hữu Loan tham gia thành lập chính quyền, làm ủy viên văn hóa trong Ủy ban lâm thời tỉnh Thanh Hóa, được xem tương đương chức phó chủ tịch tỉnh phụ trách các ty: Giáo dục, Thông tin, Thương chính và công chính. Nhưng rồi ông “bỏ ngang” về quê Vân Hoàn, Nga Sơn trong sự bất ngờ của nhiều người.
Nhà thơ Nguyễn Văn Túy – phó chủ tịch thường trực Hội VHNT Thanh Hóa – nói: “Hồi đó do bất đồng quan điểm nên ông bỏ ngang về quê chứ chẳng hề bị kỷ luật gì”.
Ông Túy biết chuyện, bởi khi làm chánh văn phòng hội, ông nhận nhiệm vụ đi “xác minh lý lịch” để khôi phục lương hưu cho Hữu Loan giai đoạn từng làm việc ở báo Văn Nghệ.
Gặp gỡ nhân chứng và tâm sự với Hữu Loan, ông cho biết: Thời ấy, Hữu Loan nằm trong ban vận động quyên góp ủng hộ cách mạng Tuần lễ vàng. Người dân đóng góp vàng bạc rất nhiều nhưng có người trong bộ phận quản lý có dấu hiệu biển thủ, Hữu Loan đã thẳng thừng lên tiếng rồi chỉ mặt từng người dẫn đến bất đồng, sau đó ông bỏ về quê.
Rời báo Văn Nghệ
Sau khi tiếp quản thủ đô 1954, Hữu Loan ra Hà Nội làm biên tập cho báo Văn Nghệ, đến năm 1957 thì tham gia thành lập Hội Nhà văn VN.
Nhà văn Hoàng Quốc Hải nêu thực tế thời Hữu Loan làm báo Văn Nghệ, vào Hội Nhà văn VN: “Hội nhà văn hồi ấy sang trọng lắm, ai mà hội viên Hội nhà văn được coi như “siêu nhân”, thậm chí đi đâu cũng được bí thư tỉnh ủy tiếp”.
Vậy mà Hữu Loan lại bỏ công việc nhiều người mơ ước ở Hà Nội về quê Nga Sơn lao động thồ đá. Nhiều người cho rằng ông bỏ về quê vì “liên quan đến vụ Nhân văn – Giai phẩm”.
Ngay ở quê Vân Hoàn, theo lời người con Nguyễn Hữu Vũ, nhiều cán bộ chính quyền địa phương gọi thẳng họ là “con (của nhà văn) Nhân văn – Giai phẩm”.
Trên thực tế, thi sĩ Mầu tím hoa sim liên quan thế nào với phong trào văn nghệ này và vì sao ông lại từ bỏ “công việc sang trọng” về quê?
Nhà văn Hoàng Quốc Hải – người khá nhiều lần gặp gỡ Hữu Loan – cho rằng: “Hữu Loan không bị án kỷ luật gì. Ông bỏ việc sang trọng về quê là do khí phách nhà thơ can đảm, dám chịu trách nhiệm việc mình làm, dám nói thẳng với cấp trên về vấn đề gay cấn của xã hội”.
Tương tự, nhà thơ Nguyễn Văn Túy khẳng định: “Trong toàn bộ lý lịch của cụ Hữu Loan không hề bị một cái kỷ luật gì hết. Cụ không (tham gia) Nhân văn – Giai phẩm, mà do bất đồng quan điểm với một số cá nhân ở trong Hội nhà văn của ông, thì ông bỏ về”.
Khôi phục lương hưu
Theo nhà thơ Nguyễn Văn Túy, chính nhờ không có kỷ luật gì trong lý lịch nên Hữu Loan được khôi phục lương mức chuyên viên 3 về hưu. Ông kể khi tiến hành làm hồ sơ, “cái tính gàn của cụ” làm ông bao phen khổ sở.
Hồi đó, vì giận một người con không nghe lời cụ mà “nghe theo cán bộ chính quyền”, cụ nhất quyết không ký vào hồ sơ nếu có tên người con này: “Tôi viết tên con ông ấy, ông không ký. Cuối cùng, tôi gửi lại hồ sơ cho ông Kiều Vượng (lúc ấy là đại diện báo Văn Nghệ ở miền Trung – NV).
Ông Vượng lại phải ra Hà Nội nhờ ông Hữu Thỉnh. Ông Hữu Thỉnh lại phải vào thuyết phục ông ấy thì ông mới ký. Nó khó khăn đến mức độ như thế chứ không phải dễ”.
Chưa hết, ông Túy kể tiếp nhà thơ Hữu Loan còn đòi được truy lĩnh lương cả giai đoạn bỏ việc về quê: “Tức là cụ bỏ cụ về nhưng cụ đòi truy lĩnh mấy chục năm trời. Tôi bảo không được đâu”.
Ông Túy giải thích thêm với nhà thơ rằng chế độ lương hưu dựa trên tiền đóng góp bảo hiểm một phần của cá nhân và của cơ quan trong giai đoạn làm việc. Lúc đó ông cụ mới ký vào hồ sơ…
Thi sĩ lãng mạn mà khí phách
“Tôi thân với Hữu Loan ở Thanh Hóa trong thời gian Trường Bưởi (Chu Văn An) Hà Nội sơ tán về tỉnh này. Đến hồi giành chính quyền năm 1945, chúng tôi vẫn liên lạc với nhau dù tôi hoạt động ở Hà Nội, còn Hữu Loan tham gia ở quê nhà là chính.
Phải khẳng định anh thông minh, giỏi tiếng Pháp và đọc nhiều thơ tác giả Pháp, nên bài Mầu tím hoa sim của anh vừa diễm lệ ái tình vừa có phong cách hiện đại, bi tráng của thơ tình phương Tây” – ông Hoàng Giáp (tức Hoàng Tấn Anh, nguyên tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn pháo binh 523, sư đoàn 304 tham chiến ở Điện Biên Phủ) kể lại.
Từng nhắc nhiều về các bạn Hữu Loan, Quang Dũng, Văn Cao, ông Hoàng Giáp đã tâm sự rằng những tên tuổi này đều có tác phẩm để đời và “lên bờ xuống ruộng” vì một thời bị quy kết “ủy mị tiểu tư sản”. Trong đó, Hữu Loan là người “nóng tính” nhất mà có lẽ dùng đúng từ là “khí phách”.
Tài hoa, trong sáng, nhưng cuộc đời Hữu Loan lại rất lận đận, khó khăn và bị hiểu nhầm.
Có lẽ, không ai tìm thấy một “cái tội” nào trong lý lịch Hữu Loan, nhưng ông vẫn “bị tội” trong suy nghĩ của một số người, dù rằng rất nhiều người mến mộ tài năng và tính cách ngay thẳng của ông.
Đi tìm màu tím hoa sim - Yêu nhau cởi áo cho nhau
Sau nỗi đau của lần hôn nhân thứ nhất và để lại cho đời áng thơ làm thổn thức hàng triệu con tim Mầu tím hoa sim, duyên số lại đưa đẩy nhà thơ Hữu Loan đến với người vợ thứ hai và cũng là “nàng thơ” của tác phẩm Hoa lúa trứ danh: Phạm Thị Nhu.
Bà Nhu sinh cho Hữu Loan 10 người con và cùng ông vượt qua bao gian khổ, thăng trầm đến những ngày cuối đời.
Một dạ theo chồng
Bà Phạm Thị Nhu sinh năm 1935, thua Hữu Loan 19 tuổi.
Kể về cơ duyên gặp nhau của bố mẹ mình, ông Nguyễn Hữu Đán, người con thứ tám, cho biết: “Khoảng năm 1952, bố tôi về dạy học ở chỗ Trường THPT Mai Anh Tuấn, huyện Nga Sơn bây giờ. Trong số học trò của cụ còn có anh trai họ của mẹ tôi. Nhà ngoại tôi lúc trước là địa chủ, đất đai ở vùng Nga Sơn nhiều lắm”.
Sau cải cách ruộng đất, gia đình bà Nhu ly tán, bà phải đi chăn bò ở vùng quanh trường. Mỗi lần thả bò, bà Nhu cùng mấy người bạn mục đồng tranh thủ tới lấp ló ngoài cửa lớp để nghe Hữu Loan dạy. Những lời thơ từ người thầy điển trai làm mê mẩn cô gái 17 tuổi.
Sau này kể lại với con cháu về những ngày đầu thấy Hữu Loan đứng trong lớp giảng Kiều, ngâm thơ, bà Nhu cho hay “nhiều đêm liền không ngủ được mà cứ thấy hình ảnh ông ấy đứng ngâm thơ”.
Bà Nhu không ngờ rằng đôi mắt trong veo của mình cũng được nhà thơ để ý.
“Cụ lấy mẹ tôi vào năm 1953, đến năm sau thì sinh anh cả tôi là Nguyễn Hữu Cương”, ông Đán kể đến đây thì chậm rãi ngâm những câu thơ đầu trong bài Hoa lúa của bố mình viết tặng mẹ:
“Em là con gái đồng xanh
tóc dài
vương hoa lúa
Đôi mắt em mang chân trời quê cũ
giếng ngọt
cây đa
Anh khát tình quê ta trong mắt em thăm thẳm
Nhạc quê hương say đắm trong lời em
từng lời…”.
Thời điểm bà Nhu sinh người con trai đầu lòng, Hữu Loan đang ra Hà Nội để làm việc ở báo Văn Nghệ.
“Lúc ấy bà sinh con xong bị đói, chẳng có chi mà ăn, cứ thế nhịn đói. Mấy hôm sau bố tôi mới về. Rồi sau đó bố đưa vợ con ra Hà Nội, xin cho mẹ tôi vào làm ở chỗ Nhà máy Dệt kim Đông Xuân. Bà làm ở đó một thời gian cho đến khi bố tôi bỏ về Thanh Hóa, bà lại ôm con theo về.
Cả đời bà, ông đi đâu bà theo đó, chẳng khi nào trách ông một lời”, ông Đán kể tiếp.
Làm bánh bán chui
Năm 2013, khi Hữu Loan mất được ba năm, bà Nhu cũng đi theo chồng.
“Bà làm bánh ướt, bún mộc từ khi về lại thôn Vân Hoàn sinh sống, cho đến năm bố tôi mất bà mới nghỉ, ngót nghét cũng 50 năm”, ông Nguyễn Hữu Vũ, người con thứ tư, nói khi dẫn chúng tôi về thăm mái nhà xưa đang thờ bố mẹ mình.
Từ ngày ông bà mất, nơi đây cũng không còn ai ở, chỉ còn tiếng chim xanh véo von trên những tán nhãn che mát cả mảnh vườn nhỏ. Trong căn nhà cũ kỹ phía bên lối phải từ cổng đi vào, cái bếp nơi bà Nhu nấu bánh lúc sinh thời vẫn còn đó.
Cái cối đá để xay bột do tự tay nhà thơ Hữu Loan đục đẽo cho vợ mình làm bánh vẫn còn nằm ở góc sân. Lâu không sử dụng, cả mặt cối phủ đầy đất, có cả những mầm cỏ lún phún mọc phía trên.
“Phải những năm 1980 bà mới có bếp để nấu, chứ trước đó nữa toàn là nấu chui, bán chui cả”, ông Vũ cười nhớ lại cả tuổi thơ khốn khó của mình. Ông Vũ vẫn nhớ như in thời “ngăn sông cấm chợ”, vài ba đồng tiền thồ đá của nhà thơ Hữu Loan không bõ bèn gì so với cả chục miệng ăn.
Tối đến, nhà thơ phải lần mò trong đêm phụ vợ mình xay bột, làm bánh.
Bà Nhu tráng bánh ướt ngon có tiếng trong vùng. Nhưng để có bánh bán cho khách không phải là chuyện dễ.
“Thời đó không có dầu ăn, muốn tráng bánh phải có mỡ lợn. Mà bị cấm sản xuất, giết mổ, chỉ còn cách lén lút nuôi lợn trong một chuồng kín không cho ai biết. Đến khi lợn lớn, phải chọn đêm tối, phải tống đầu lợn vào một bao gai đầy tro và ớt để nó sặc không kêu được rồi dìm xuống ao cho chết hẳn.
Mổ cả con lợn cũng trong bóng tối, không dám thắp đèn vì sợ người ta biết”, giọng ông Vũ run run khi đứng bên ao cá trong vườn. Mặt nước ao cá trong veo, yên tĩnh, nhưng ông Vũ như soi vào đó cả trời ký ức khổ ải.
Có được miếng mỡ, mỗi lần làm bánh phải dùng lá cây bít những lỗ quanh nhà kẻo sợ hương thơm mỡ phi hành bay xa. Mỗi khi bà Nhu tráng bánh, con cái lại phải thay nhau đứng canh chừng trước cổng. Làm ra mẻ bánh, trong khi chồng đi thồ đá thì bà Nhu lại phải “canh bán”.
“Làm bánh ra không dám để trong nhà, sợ người ta vào là bắt luôn cả cối đá, xoong nồi làm bánh. Bà phải đem ra đồng giấu. Bà làm bánh, ủ bún ngon nhất làng nên người ta cứ tới hỏi mua. Ai mua thì sai anh em chúng tôi lén đưa đi giao, lấy tiền về”, ông Vũ kể thêm.
Hữu Loan đã chọn cách sống cùng khổ bằng lao động chân tay, để có chút niềm vui là tri thức của mình không bị áp đặt, lệ thuộc. Còn bà Nhu cả đời khổ ải theo chồng, có lẽ chỉ có niềm vui duy nhất là vun vén được cho chồng con.
Ông Vũ xúc động tâm sự về người mẹ mà ông mang khuôn mặt “như đúc”: “Tính bà cũng bộc trực, ông hay nói bà thiếu tế nhị vì bà thấy cái gì cũng hay nói thẳng. Nhưng chúng tôi chưa bao giờ thấy bà cãi ý ông.
Bà chăm sóc chồng con hết lòng bằng cách đơn giản nhất là kiếm cái quần cũ sửa lại cho ông mặc, tằn tiện lo rau cháo, nhường hết cho chồng con có cái ăn hằng ngày”.
Hữu Loan cũng rất mực yêu vợ. Những năm không còn phải chịu cảnh bán bánh chui, rổ rá phải vá chằng vá đụp, người trong làng chiều chiều vẫn nghe ông bà vừa cùng xay bột vừa hát dân ca.
“Mãi về già sau này khi đã 90 tuổi, cụ vẫn thường hay khen nịnh mẹ tôi đẹp. Bà nghe thích lắm, lúc nào ông khen bà cũng cười tít mắt”, ông Vũ cười kể, rồi bất giác ông nhìn lại cái cối đá mà khi xưa bố mẹ cùng nhau xay bột, ngâm lên những câu thơ cuối trong bài Hoa lúa.
Ông Vũ cho biết mẹ mình yêu chồng hết mực nên cũng có một tính là… rất ghen. “Bà ghen ác (dữ) lắm! Mấy cô nhà thơ, cô giáo ngưỡng mộ cụ, hay tới thăm và trò chuyện thân mật với cụ là bà ghen hết.
Có đợt cụ chụp hình với một nhà thơ nữ, bà ghen quá lấy kéo cắt cái hình nhà thơ nữ vứt đi. Thỉnh thoảng nghe ông khen người vợ trước tốt đẹp thế này thế kia, bà cũng đánh tiếng ghen. Chuyện bà ghen, cả hội văn nghệ hay lui tới thăm cụ sau này đều biết”, ông Vũ cười kể.
“… Trai thôn Thượng, gái thôn Đoài hai bên gặp gỡ
Cầm tay trao một miếng trầu
Yêu nhau cởi áo cho nhau
Về nhà dối mẹ qua cầu gió bay…”.
Bài thơ Hoa lúa được Hữu Loan sáng tác năm 1955, đề dành tặng bà Phạm Thị Nhu.
Theo lời chính tác giả kể lại với người nhà, bài thơ vừa được viết, nhà thơ Nguyễn Bính lúc bấy giờ đã trả nhuận bút 15 đồng để đăng trên báo Trăm Hoa.
6/4/2020
Thái Lộc - Sơn Lâm
Nguồn: BÁO TUỔI TRẺ
Theo https://vanhocsaigon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

XXXXBông hồng Đà Lạt

Bông hồng Đà Lạt Trước khi vào Võ Bị, tôi cũng đã nhiều lần ở Đà Lạt, ra trường đi đánh giặc khắp mọi miền đất nước, từ cao nguyên xuống đ...