Thứ Năm, 26 tháng 9, 2024

Trần Sơn Nam với Thuở trầm tư

Trần Sơn Nam với Thuở trầm tư

Trần Sơn Nam làm khá nhiều thơ, dự định in thành 5 tập: Thuở trầm tư, Thuở tìm em, Thuở Nam Vang, Thuở mồ côi, Thuở loạn ly. Năm 1990, với sự trợ giúp cả kinh tế và biên tập của Nguyễn Tiến Toàn, Nhà xuất bản Văn nghệ TP Hồ Chí Minh mới in được tập Thuở trầm tư. Hàng trăm bài thơ khác sau khi tác giả mất đã thất lạc…
Ngày19.2.2014, sau nghi lễ đưa di hài nhà văn Nguyễn Quang Sáng vào lò thiêu ở nghĩa trang Đa Phước, huyện Bình Chánh, TPHCM, chủ doanh nghiệp xe lăn Kiến Tường Nguyễn Tiến Toàn ngồi trên xe lăn đưa tôi và nhà thơ Nguyễn Duy vào sâu giữa nghĩa trang dân chúng Đa Phước, tìm thăm một người bạn chung. Quay đi quay lại mấy vòng, cuối cùng cũng tìm tới được một ngôi mộ, có ghi:
“Đại úy TRẦN SƠN NAM
Sinh 01.01 AL 1938
Quê quán: Vụ Bản – Nam Định
Từ trần: 06.7.2005. Thọ 68 tuổi
Các cháu đồng lập mộ”
Sau 1975, trong khi nhiều gia đình quân nhân được đoàn tụ, thì từ Phòng Văn nghệ Quân đội ở nhà số 4 – Lý Nam Đế, Trần Sơn Nam được điều về làm trợ lý ở Phòng Chính trị Quân đoàn IV, những năm đơn vị sang giúp nước bạn Campuchia đánh dẹp bọn diệt chủng Pol Pot – Ieng Sari. Người vợ bao năm gắn bó, có dịp đi học nước ngoài, rồi nói lời chia tay. Con trai duy nhất Trần Nam Sơn còn nhỏ theo cha vào Sài Gòn, nhiều năm tá túc nhà các bạn bè của bố. Là người có chí và cũng tài hoa, lớn lên chịu khó học hành, giỏi võ thuật, Trần Nam Sơn tốt nghiệp Khoa Ngữ văn Đại học Tổng hợp TPHCM nhưng rồi bị tai nạn mất đột ngột. Có lẽ đó là lý do bia mộ Đại úy – nhà thơ Trần Sơn Nam lại do các cháu phụng lập!
Trần Sơn Nam học Khoa Ngữ văn Đại học Tổng hợp Hà Nội trên tôi mấy khóa. Tốt nghiệp, về dạy ở Trường Văn hóa Quân đội, chuyên về văn học và mỹ học. Đầu những năm 1970, anh về công tác ở Phòng Văn nghệ Quân đội.
Trước và sau 1975, ngoài nghiệp vụ chuyên môn, Phòng Văn nghệ Quân đội còn là nơi tập họp một lực lượng khá đông văn nghệ sĩ mặc áo lính. Các nhạc sĩ Nguyễn Đức Toàn, Trọng Loan, Huy Du, Vũ Trọng Hối,… các anh Huy Thục, Doãn Nho, Lương Ngọc Trác, Nguyên Nhung, Trần Chương… vốn biên chế ở Đoàn Văn công Tổng cục Chính trị nhưng thường gắn bó ở đây. Phía hội họa có các anh Quang Thọ, Dương Viên, Huy Toàn, Văn Đa, Thanh Tâm, Phạm Lực. Một bộ phận chuyên về huấn luyện văn nghệ quần chúng cho các Quân khu, Quân đoàn, Sư đoàn, có các anh Phạm Sĩ Lộc, Nguyễn Hùng, Mộng Lục, Phác Văn, Trần Du, Thái Minh Viên,.. Anh Mộng Lục hy sinh tháng 2.1979, khi đang theo một đơn vị ở Lạng Sơn thì gặp cuộc chiến tranh xâm lược của bọn bành trướng Bắc Kinh… Trưởng phòng là các nhà văn Xuân Thiêm, Đại Đồng, rồi Lê Bá Súy. Ngày trước, nhà phê bình Nhị Ca cũng vốn là người của cơ quan này.
Ở Tạp chí Văn Nghệ Quân Đội, chủ yếu là biên tập viên phần văn, thơ nên phần nhạc, thường nhờ các anh bên Phòng Văn nghệ Quân đội chọn bài: các bản nhạc đăng hàng tháng thường do các nhạc sĩ Trọng Loan, Vũ Trọng Hối chọn; các bài về hội họa phải nhờ các họa sĩ đọc để bảo đảm tính chính xác về chuyên môn, ngoài phần minh họa. Có năm đăng bài về tranh tết truyền thống, đặt bài một cây bút ở Viện Mỹ thuật đàng hoàng, nhờ họa sĩ Văn Đa đọc hộ, anh phát hiện ra ông này lẫn lộn tranh Đông Hồ với tranh Hàng Trống! Nội dung các số Văn Nghệ Quân Đội bao giờ cũng phải qua phòng văn nghệ đọc trước.
Nhiều năm, Trần Sơn Nam theo dõi mảng văn học, nên anh quen và kết thân với khá nhiều văn nghệ sĩ trong và ngoài quân đội, đặc biệt các cố nhân của nhà số 4. Trong một bài viết, nhà thơ Thu Bồn có kể lại chuyến đi Quảng Trị vào mùa hè đỏ lửa năm 1972. Đoàn gồm Thu Bồn, Anh Vinh, Liên Nam, Doãn Nho, Vương Trí Nhàn, Văn Thảo Nguyên và Sơn Nam. Trong chuyến đó, Trần Sơn Nam và Vương Trí Nhàn bị thương ở Thành cổ Quảng Trị.
Có làm thơ, nhưng chủ yếu là một người yêu thơ, ngâm thơ khá hay, nên nhiều bài thơ của Hoàng Cầm, Phùng Quán,… thuở chưa in thành sách, Trần Sơn Nam đã thuộc nằm lòng. Và đó là cái vốn tài sản riêng của người Trợ lý văn nghệ Quân đoàn khi xuống các đơn vị chiến đấu ở khắp các mặt trận Campuchia hồi ác liệt nhất cho đến ngày Phnôm Pênh được giải phóng. Những vần thơ về quê hương, đất nước, những mối tình không trọn vẹn, những địa danh quê nhà được tha thiết gọi trong nhiều bài thơ làm say lòng bao nhiêu người lính tình nguyện hàng ngày chịu đựng đói, thiếu, bệnh tật, hy sinh, để giải cứu một đất nước vốn nổi tiếng vì những công trình tôn giáo, mà sức người hiện đại không thể nào làm được đang bị tàn phá, giết chóc một cách khó hiểu.
Nhiều đoàn văn nghệ sĩ trong và ngoài quân đội, khi sang thăm bộ đội tình nguyện được Trần Sơn Nam đưa đón và giới thiệu một cách nhiệt tình. Là chỗ quen biết từ ở số 4 Lý Nam Đế, mấy lần được nhà văn Nguyễn Chí Trung bố trí sang nước bạn bằng trực thăng, tới nơi, bọn tôi thấy vững tâm khi được Trần Sơn Nam dẫn đường, từ lo nơi ăn, chốn ở, chương trình làm việc.
Đặc biệt, những ngày đầu, khi Thủ đô Phnôm Pênh vừa được giải phóng, dân chúng chưa về nhiều, an ninh còn lộn xộn, Trần Sơn Nam vẫn đưa chúng tôi đi thăm Trường Tuôn Sleng một trung tâm tra tấn và giết người man rợ, chỉ riêng đầu lâu chất kín mấy gian nhà. Hàng ngàn ảnh chân dung những người bị giết. Mọi nhận xét về nhân tướng học đến đây đều bất lực, bởi biết bao gương mặt rạng rỡ, những vành tai to nặng, những ánh mắt tươi vui đều chung một kết cục thê thảm, những làng quê xơ xác không bóng người. Hoàng cung hoang lạnh, chỉ có vài tượng vàng , gạch vàng lát điện bị đánh cắp,trở đi trở lại mấy lần, đến nổi tôi như thuộc lòng để giới thiệu cho bạn bè mỗi khi có bạn bè mới qua. Nơi đến còn là một vài cở sở sản xuất vải, thủy tinh,… vừa được khôi phục, thăm nhà riêng nhiều vị lãnh đạo cao cấp trong chính quyền mới, mà ai cũng đối với anh gần gũi và thân thiết. Như Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Bou Thoong, Bộ trưởng Bộ Văn hóa Keo Chăn đa, tác giả Quốc ca của Nhà nước mới. Gặp họ, tôi lại nhớ đến cuối 1970, chuyển quân trên đường Trường Sơn, thỉnh thoảng chúng tôi lại gặp một đoàn cán bộ Campuchia về nước. Nước da nâu đậm, ai cũng hồng hào, béo đẹp. Ngoài balô to đùng, ai cũng có súng ngắn, đồng hồ Pôn rốt rất phong lưu. Vậy mà chỉ mấy năm sau hàng ngàn cán bộ này đã bị loại bỏ, bị giết trong một chủ trương thanh trừng, mà phía ta không làm sao bảo vệ được. Nhà văn Nguyễn Quốc Trung bấy giờ còn ở đơn vị, là một người nhiệt tình, biết lắm chuyện, nhưng với Quốc Trung thì chuyện thật và chuyện bịa (tưởng tượng) là rất khó phân biệt.
Nhà thơ Trần Sơn Nam và doanh nhân Nguyễn Tiến Toàn
Những năm sau khi dẹp yên bọn Pol Pot, có một số người Việt chạy sang làm ăn ở Campuchia. Thời còn bao cấp, kinh tế Việt Nam khó khăn, hy vọng sang xứ sở mới sẽ đổi đời. Nhưng nhiều người sau một thời gian thất bát, lại len lõi trở về. Trong những người đó, có Trung úy Việt Nam Cộng hòa Nguyễn Tiến Toàn, nhiều năm sau 1975 đi cải tạo về đã là bạn thân của nhiều anh em văn nghệ Sài Gòn. Khi đưa cả gia đình sang Phnôm Pênh làm ăn, anh gặp và chơi thân với Trần Sơn Nam. Nhưng anh bộ đội quân Tình nguyện cũng chẳng giúp gì được cho bạn. Sau mấy năm làm ăn thất bát, vốn có hai con gái, nay thêm một con trai, Tiến Toàn lại chia gia đình ra mấy mũi để vượt biên, trở về Sài Gòn. Khi Nhà nước bắt đầu Đổi mới, Tiến Toàn đã tìm ra cách làm ăn riêng, là bao thầu các thùng Conex (công-te-nơ) chất đầy các kho bãi để làm các mặt hàng công cụ… Một lần vào bệnh viện, chứng kiến gần chục thương binh tranh nhau hai chiếc xe lăn, Tiến Toàn đã nảy ý nghí quyết làm xe lăn. Từ đó đã ra đời hãng xe lăn Kiến Tường, không chỉ nuôi sống gia đình, mà còn tạo công ăn việc làm cho hàng ngàn học sinh, sinh viên, phần lớn ở quê nhà Phú Yên. Nhiều năm, hãng Kiến Tường đã có 78 loại xe lăn, phục vụ cho các đối tượng thương tật khác nhau. Xe lăn địa hình của Kiến Tường từng lọt mắt những chuyên gia hàng đầu về xe lăn của thế giới, và họ đã mua để xuất khẩu đến 47 quốc gia. Hai cô con gái ngày nào đi bán vé số, thuốc lá lẻ, nhiều lần bị giật dọc, giờ cô chị đã là tiến sĩ ngành y có tiếng ở Hoa Kỳ, cô em phụ trách nhân sự một Đại học quốc tế. Cậu con trai, sinh những ngày loạn lạc, sau khi du học về đã thay cha làm Giám đốc Công ty xe lăn Kiến Tường.
Dông dài lạc đề một chút là vì Nguyễn Tiến Toàn còn là một người viết văn. Cuộc đời chìm nổi qua hai thời kỳ trước sau 1975, được kể lại trong nhiều tập sách đã xuất bản. Cũng hiếm ai được như anh, nhiều chuyện yêu đương, tình cảm mà thường nhiều người phải dấu diếm thì anh lại không né tránh. Chỉ ít nói là những gì, khi đã có của ăn của để, anh hào hiệp giúp bạn bè, các cháu học sinh, những người khuyết tật, khó khăn. Trong mấy người đó, có nhà thơ Thu Bồn, và đặc biệt là Trần Sơn Nam. Quân hàm thấp, gà trống nuôi con, lại mê bạn bè với rượu chè những ngày chiến trận, không chỉ con mà cả cha, như câu thơ Thu Bồn: Túi rỗng, nhiều phen bạn đỡ đần.
Trần Sơn Nam làm khá nhiều thơ, dự định in thành 5 tập: Thuở trầm tư, Thuở tìm em, Thưở Nam Vang, Thuở mồ côi, Thuở loạn ly. Năm 1990, với sự trợ giúp cả kinh tế và biên tập của Nguyễn Tiến Toàn, Nhà xuất bản Văn nghệ TP Hồ Chí Minh mới in được tập Thuở trầm tư. Hàng trăm bài thơ khác sau khi tác giả mất đã thất lạc. Còn lại trong Thuở trầm tư chỉ có 31 bài với lời đề đầu sách: Xin dâng Thơ Thuở Trầm tư này tới Cha Mẹ tôi, Nhân dân tôi, Thầy dạy tôi, Anh em, bạn hữu và đồng đội của tôi!
Khác với tâm lý người lính những năm kháng chiến chống Mỹ, mục đích chiến đấu, kẻ thù trước mặt là rõ ràng. Phải một thời gian, chịu nhiều tổn thất cả về sinh mạng quân và dân, chúng ta mới xác định được kẻ thù mới. Ngay cả khi đó, người lính tình nguyện ra trận vẫn trăm mối ngổn ngang: Vì sao và tại đâu mà sinh ra một chế độ diệt chủng kỳ lạ, ngoài sức tưởng tượng thông thường như thế? Mặt trận mới, không có hậu phương lòng dân trực tiếp, kẻ thù luôn ở thế chủ động, với trang bị ,vũ khí hiện đại, sự hy sinh của chiến sĩ ta có lúc rất lớn. Thuở trầm tư là một cách gọi tên tâm thế của người lính Tình nguyện.
Mẹ cho tôi/ Tình Yêu cuộc sống/ Cha cho tôi/Đạo lý làm Người/Thầy và Thánh hiền cho tôi /Suy tư và Hy vọng Thế sự Nhân tình cho tôi/Buồn đau và lo âu//….Cuộc sống như thùng Thuốc nổ/Tôi suốt đời mộng mơ/Thời gian như Dòng Thác đỗ/ Tôi suốt đời trầm tư (Trầm tư ).Con đánh giặc nơi xa,/ Gạo sấy, lương khô,rau núi, củ rừng/ Nhớ đến cơm mà thèm chao chát,/Sức trai trẻ dễ dàng vượt qua ngày tháng Đói,/Chỉ thương Mẹ da mồi , tóc sương,/còm cõi nắng mưa/tất tả ruộng xa đồng vắng,/ đói run chân Cơn Giáp hạt Quê Nhà…(Hạt gạo).
31 bài thơ trong Thuở trầm tư nói nhiều về tình quê, tình mẹ, tình bạn bè, đồng đội. Và một chút riêng tư: Một tình yêu không còn giữ được. Đây là nét mới phát sinh trong tình hình đất nước về cơ bản đã có hòa bình, đang xây dựng,và ổn định cuộc sống. Nhưng, vì nhiệm vụ quốc tế, hàng vạn chiến sĩ tình nguyện vẫn tiếp tục chịu đựng gian khổ, hy sinh rất lớn để giúp nước bạn láng giềng đánh đuổi bọn diệt chủng. Một sự hy sinh không dễ được san sẻ. Nên khá nhiều lứa đôi đã không níu giữ được nhau. Niềm đau này được thể hiện trong những bài thơ ít câu, ít chữ như cố nén nhịn cho người đi. Phải chăng đây là một thể hiện phẩm chất cao thượng của một thế hệ người chiến sĩ đã trưởng thành qua nhiều năm chiến tranh.
9/4/2020
Ngô Thảo
Theo https://vanhocsaigon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  ​ Vực Thẳm Tân đẩy khẽ cửa bước vào. Trong nhà hoàn toàn yên lặng. Xa xa trước mặt khung sáng mơ hồ của chiếc cửa sổ mở ra sân là khoả...