Thứ Tư, 25 tháng 9, 2024

 

Nhà thơ Nguyễn Trọng Hoàn với khát khao về miền trong trẻo

Đến bây giờ thì tôi không sao nhớ được tôi đã quen nhà thơ Nguyễn Trọng Hoàn khi nào. Lâu quá rồi. Có thể là đầu những năm 80 của thế kỷ trước, khi tôi không ít lần đến đọc thơ cùng sinh viên ở trường Đại học sư phạm I Hà Nội, nơi ông là sinh viên khoa Văn ở đó.  Sau này, cùng ở Hà Nội nên chúng tôi hay gặp nhau hơn. Nhất là vào những dịp họp hành, sinh hoạt văn chương ở Hội nhà văn. Nguyễn Trọng Hoàn là người mô phạm, trầm lắng, chu đáo và khiêm nhường. Ông không bao giờ xuất hiện ở nơi chốn ồn ào của văn giới. Ở đâu ông cũng ăn mặc thật chỉn chu, tóc tai gọn gàng, trên tay bao giờ cũng xách một chiếc cặp nhiều sách vở cứ như thể ông đang chuẩn bị bước vào giảng đường.  

Mấy năm gần đây, ông hay gọi tôi và nhà thơ Lương Ngọc An ăn trưa cùng. Những bữa cơm ba người, đôi khi cũng có những người khác nữa (phần nhiều là học trò của ông hay một ai đó đang nhờ cậy ông việc gì) luôn luôn ở một căn phòng riêng khuất được đặt trước trong một nhà hàng đông người. Ở đó chúng tôi vừa uống bia, vừa luận bàn văn chương, chữ nghĩa, cuộc đời. Chính trong những buổi đó tôi mới hiểu ông đã viết những bài thơ ra sao và thơ ca quan trọng với ông như thế nào. Cũng qua đó tôi mới hiểu những công trình khoa học và những dự án sách giáo khoa đã tiêu tốn năng lượng và sức lực của ông thật nhiều. Chính trong những buổi đó tôi được biết ông đã giúp đỡ không ít người về công việc khổng chỉ ở ngành giáo dục của ông. Và, cũng chính trong những buổi đó tôi có chút chạnh lòng thương ông vì rất ít buổi ông rành rang ngồi ăn uống một cách vô tư thoải mái. Đa số các bữa ăn của ông không trọn vẹn. Hoặc là ông đến muộn hoặc là ông phải đi sớm. Tôi biết, người mà khi ăn uống bị thúc ép vội vàng như thế là người có số khổ. Số phận con người nó thế mình biết thế nào mà thay đổi được.

Nguyễn Trọng Hoàn sinh năm 1963, tuổi Quý mão, tại Ân Thi, Hưng Yên. Ông nổi tiếng rất sớm và là một thi nhân khá kín tiếng. Sự nổi tiếng của Nguyễn Trọng Hoàn rất bền bỉ. Không bùng nổ ồn ào và cũng không lắng chìm hẫng hụt. Những tập thơ nối tiếp nhau ra đời và ngày càng tôn cao tên tuổi của một nhà thơ. Ông có một khả năng làm việc và một ”năng lượng văn chương” thật sự đáng nể. Ông không chỉ làm thơ, viết văn, viết kịch bản phim, nghiên cứu, lý luận phê bình mà còn biên khảo và viết sách giáo khoa. Ngoài ra, ông còn là cán bộ quản lý cấp vụ ở một Bộ quá nhiều việc và trực tiếp tham gia đào tạo đại học và sau đại ở các trường đại học và học viện. Rất nhiều thạc sĩ và tiến sĩ ngữ văn hiện nay là học trò của ông. Tôi đã gặp không ít các học trò ấy và thấy người nào cũng tỏ lòng kính trọng và ngưỡng mộ thầy Hoàn.

Về thơ, ông có thơ in khi còn là học sinh. Khi là sinh viên, ông rất nổi tiếng với những bài thơ tình sinh viên véo von, ngọt ngào, trong trẻo. Khi in Sắc cỏ tình yêu (1990), ngay tác phẩm đầu tay, thơ ông đã ghi dấu ấn khá rõ nét trên văn đàn hồi đó. Một giọng thơ mới mẻ, trong trẻo, tinh tế, hết mực chân thành và yêu đời. Sau đó, ông đều đặn xuất bản các tập thơ tiếp theo: Và em khi ấy (1994), Thả diều (1997), Huyền cầm (1997), Gió và nhớ (1999), Màu áo thuở ban đầu (2000), Ngẫu cảm (2002), Tam ca (2007), Cánh diều khao khát (2012), Bến quê (2012), Năng lượng của sự có mặt (2016), Phút rành rang sống chậm (2019). Chưa đến 30 năm ông đã xuất bản 12 tập thơ, nghĩa là trung bình chỉ hơn hai năm ông đã cho ra đời một tập thơ. Một sức sáng tạo hết sức bền bỉ và một năng lượng thơ thật sự dồi dào. Mỗi một tập thơ ra đời, lại đánh dấu những khám phá mới của thơ ông và không ngừng khẳng định một xu hướng tìm tòi, bứt phá giầu cảm xúc, thật trong trẻo và gắn liền với những giá trị tinh hoa của thơ ca đương đại. Thơ Nguyễn Trọng Hoàn ngắn gọn, cô đọng, hàm xúc nhưng không giản lược, thô thiển, sống sượng mà dạt dào cảm xúc và tươi nguyên đời sống.

Cùng với thơ, với tư cách một nhà khoa học, một tiến sĩ văn chương, sự nghiêp nghiên cứu, phê bình và biên soạn của ông cũng thật sự đồ sộ. Trong giới nghiên cứu một tác giả (chưa già) có đến hơn hai mươi tác phẩm khoa học được xuất bản là thật sự hiếm. Trong đó, có những cuốn sách được đánh giá cao được, giải thưởng lý luận phê bình. Có thể nêu tên một số cuốn sách tiêu biểu là: Rèn luyện tư duy sáng tạo trong dạy học tác phẩm văn chương (2001), Tiếp cận văn học (2002), Nguyễn Minh Châu – về tác giả, tác phẩm (2002), Rèn kỹ năng cảm thụ thơ văn cho học sinh tiểu học (2002), Đọc hiểu ngữ văn 6,7,8,9 (2002-205), Năng lượng của văn chương (2018)… Tôi biết còn một số cuốn sách do ông chủ biên hoặc viết chung mà ông mang bút danh là những cuốn sách được bạn đọc săn tìm và đã được tái bản cả chục lần.

Là một người đa tài và ham việc, ông đã thành công trên nhiều lĩnh vực hoạt động sáng tạo của mình. Nhưng theo tôi, thơ ca mới là tâm huyết của đời ông. Thơ với ông là ”năng lượng của sự có mặt” của ông giữa cuộc đời này. Thơ Nguyễn Trọng Hoàn là một giọng thơ duy mỹ, trong sáng, mong manh, giầu cảm xúc nội tâm và trầm mặc ưu tư. Ông có một giọng thơ trong trẻo đặc sắc riêng biệt. Thơ ông như ngọn gió sớm mai trong vắt dịu dàng miên man cùng ta. Ông luôn thủ thỉ tự nói với chính mình. Ta luôn gặp trong thơ ông những cụm từ: ”Thôi, thế nhé”, ”Ừ, có thể”, ”Ừ, thế nhé”, ”Ừ áo mũ sơ sài, ừ sẽ lạnh”… Thơ ông luôn luôn độc thoại và tự vấn bản thân mình. Thơ Nguyễn Trọng Hoàn chính là sự khám phá nội tâm. Vì thế, dù trong thơ ông xuất hiện rất nhiều vùng đất, địa danh cả trong và ngoài nước nhưng những địa danh ấy, những đến và đi, gặp gỡ và chia ly ấy, những vui buồn ấy chỉ là cái cớ để ông rung động, cảm nhận và giãy bày bản thân mình. Một bản thân vô cùng nhậy cảm và thật dễ tổn thương. ”Thế mà vẫn Tokyo yên tĩnh/ nghe nắng dâng trong ngực bồi hồi” (Yên tĩnh Tokyo), ”Tạm biệt nhé, những hàng phong vô tư/ mùa lá rụng từng phiến vàng thổn thức// muốn nói điều gì mà sao không thể/ thôi cũng đành lỡ hẹn với Paris” (Paris tạm biệt), ”Mịt mùng xứ lạnh đêm trắng tuyết/ Đường phố quạnh hiu nỗi xa nhà” (Newcastle đêm trắng), ”Cái ngày ngỡ đầy thì lại rất vơi/ lúc ngỡ thảnh thơi lại bao bận rộn/ Như trái tim từ lâu ngỡ ổn/ Chợt nhận biết rằng thật ra rất đau…” (Âm độ Seoul)…

Trong lời đề từ tập thơ mới nhất (2019), ông viết: ”Ý nghĩa ăn phải bùa thiên di/ Trước bộn bề giấy trắng/ Cô đơn và thầm lặng/ Thời gian đâp cánh liên hồi” (bản thảo). Hình như ông mơ hồ cảm nhận về những định mệnh của đời người. Những định mệnh ấy dẫn dắt và thúc bách ta một cách vô hình mà ta không sao cưỡng lại được. Đời người thì ngắn ngủi mà thời gian thì cứ ”đập cánh liên hồi”. Có lần ông chợt thốt ra: ”Hình như mình cũng dễ vỡ, hình như mình cũng mong manh” (Hình như mình cũng). Thực ra thì trong thơ, ông rất mong: ”Anh là đồng bãi/ Anh là dòng sông/ Gã nhà quê ngờ nghệch” (Nói thật), và, ”Chỗ của tôi là sớm mai lảng bảng/ Là cuối ngày xơ xác mọi người quên” (Cảm ơn em, vì tôi không khác được). Sự mỏng manh dễ vỡ ấy là một nỗi ám ảnh bảng lảng khắp các trang thơ, suốt các tập thơ của ông. Phải chăng đó là góc khuất bí ẩn trong tâm hồn ông. Một sự cô đơn từ trong sâu thẳm. ”Chớp một cánh chim trời/ chiều minh mang gió nổi… Cứ ngỡ chiều an phận khép làn mi/ Thế mà đêm chong chong thế mà ngày cơn cớ/ Lại ước hẹn những nẻo đường dở dang/ tự hẹn mình sao xác với mình thôi” (Và cơn có những gì đã an phận); ‘‘Mình với mình thôi và mình với/ Giờ thứ hai lăm sau phía chân trời” (Giờ thứ hai lăm); ”Anh đi mãi đến giờ không kịp nghỉ/ Bao nhiêu năm phía trước một kiếp người” (Bản thảo).

Có lẽ do linh cảm về sự mong manh, ngắn ngủi và thoáng chốc của cuộc đời và của chính mình, nên thơ ông thường hiển hiện một ước vọng, một giấc mơ ”sống chậm”. Được sống thư thả, nhàn hạ như chính mình, cho chỉ riêng mình, cho những người yêu dấu nhất. Tên tập thơ cuối cùng xuất bản trước khi ông đi xa nói với ta điều ấy. Đó là, ”Phút rành rang sống chậm“. Không chỉ tên tập thơ, nhiều bài thơ cũng mang tâm thế ấy: “Miền Tây chầm chậm”, ”Nhẩn nha điện thoại đời đầu”, ”Tháng giêng đọc chậm”,  ”Phút sống chậm cùng một câu hát cũ”, “Và biểu cảm phút rành rang sống chậm”… Và, ở rất nhiều trang thơ, tâm thế khát khao sống chậm ấy luôn xuất hiện. ”Trôi lang thang trong nỗi nhớ mịt mùng/ Hoa xoan ngát tháng giêng vào tím biếc/ Gót nhỏ chân trần đường xa biền biệt/ Mươn mướt mưa phùn sóng sánh cỏ non tươi/ Tháng giêng say hương bưởi ướp bên trời/ Bước líu ríu vương nói cười qua ngõ/ Mây thiếu nữ nghiêng dòng sông cửa ngỏ/ Nắng ngập ngừng biêng biếc gió ươm tơ’‘ (Tháng giêng đọc chậm); ”Mà cuộc đời đôi khi rất giời ơi/ Có những giời ơi ngẫu nhiên lại vô cùng thú vị/ Trổ hoa trái mùa chắc gì cây vô lý/ Như những lúc bới về  miền ký ức trong veo” (Và biểu cảm phút rành rang sống chậm); ”Dễ gì trong đời một khoảng xanh êm/ một làn hương mỏng manh một lần gió lá/ Vừa mới như quen vừa sao chợt lạ/ nơi hồn ta lắng lại một khúc thức sen hồ” (Một phía Hồ Tây); ”Mùa hạ lúc nào thiêm thiếp cầm tay/ run rẩy hết khung trời huyền thoại/ Rồi cũng đến nghẹn ngào thu lá vẫy/ Với mơ hồ dắt díu nhưng mê cung” (Phút sống chậm cùng một câu hát cũ). Đọc tập thơ Phút rành rang sống chậm ta mới chợt hiểu ”sống chậm” chính là khao khát của ông được sống như thế trong khi ”thời gian đập cánh liên hồi”. Tiếc rằng ông chứa kịp đến được tháng ngày mà mình cho phép mình được quyền buông bỏ để sống theo đúng mong ước của mình.

Khác với rất nhiều nhà thơ, Nguyễn Trọng Hoàn vẫn giữ gìn được và luôn nâng niu cái cậu bé của thời ấu thơ. Cái cậu bé sinh ra và lớn lên trong một gia đình đông con ở một làng quê nghèo bên bờ sông Hồng. Cậu ta có một tuổi thơ thần tiên ở quê hương yêu dấu. Cậu ta được sống bên mẹ và những người thân yêu nhất. Cái cậu bé thường biến nhà thơ thành “Gã nhà quê ngờ nghệch’‘ ở nơi đô hội ấy, nhưng cậu ta lại quý giá vô cùng đối với người làm thơ. Không có những ”cô”, những ”cậu” ấy thì mọi nhà thơ sẽ bơ vơ vong bản. Thơ ca của họ sẽ hoang toàng không có nơi chốn trở về. Nguyễn Trọng Hoàn may mắn có được cậu bé ấy trong suốt đời thơ của mình. Đúng y như cây cối, mỗi khi xuân về lộc biếc và lá non lại tua tủa mọc ra – đó là lũ trẻ con ẩn náu trong cây già mỗi năm lại xuất hiện. Những bụp non, lá non lại hồn nhiên xôn xao ríu rít cùng gió xuân, nắng sớm. Nguyễn Trọng Hoàn cũng thế, mỗi khi cầm bút cái tâm hồn trong sáng, hồn nhiên, vô tư lự của cậu bé thời thơ ấu lại hiện về và những câu thơ duy mỹ, trong sáng, run rẩy, mong manh lại tuôn trào những nỗi niềm trắc ẩn và nỗi nhớ mẹ, nhớ quê hương da diết..

Đọc thơ ông ta thấy, gần đây, cái cậu bé ấy thật ráo riết. Cậu ta không ngừng năn nỉ, thôi thúc và giục giã ông trở về. Trở về với mẹ, trở về với quê hương bản quán, trở về với miền cổ tích, trở về với một thiên đường chưa xa đang dần dần biến mất. Đó phải chăng là phản xạ tự nhiên của những người sinh ra ở quê lên sinh sống ở nơi đô hội quá nhiều áp lực. Hay, đó tiếng nói từ sâu thẳm nhắc nhở rằng thời gian của ông trên cõi đời này không còn nhiều nữa. Ông phải thực hiện cái khát khao của ông, sớm trở về với mẹ, với quê hương, với tuổi thơ, trở về với miền trong trẻo và với chính mình. ”Ngôi nhà nhỏ/ Và mảnh vườn cổ tích/ Liếp nhiếp trứng gà trứng vịt tuổi thơ/ Từ trong mơ, mở mắt ra là chúng con thấy mẹ” (Mẹ ơi, con ước); ”Thốt nghe làn hương thầm thì gió sương/ Ngan ngát bình minh lam lũ chân trần roi rói khung toan nét cọ/ Tép tôm vó rọ nơm chài/ Lũ chuồn chuồn cào cào châu chấu bạn bè túm năm tụm bảy/ thiên đường trốn học la cà ở đó/ Ngực ngái hăng mùi cỏ/ Trời chiều diều sáo dặt dìu bay bổng cánh đồng chân đề/ thả bùa mê những giấc mơ lật từng trang huyền miền cổ tích/ Tiếng gõ lanh canh rẽ tinh mơ gọi sóng sách mạn thuyền/ Mái hiên rực nắng mùa hè ngóng se se mùa đông lưu luyến/… Mẹ dắt bước đi/ Em chờ bước đến” (Nhẩn nha điện thoại đời đầu).

Thơ Nguyễn Trọng Hoàn ăm ắp nỗi nhớ quê, nỗi khát khao trở lại tuổi thơ, trở về miền trong trẻo và đã truyền đến người đọc những tình cảm chân thành và hết mực thiêng liêng. “Vị bùn hoai xộc lên thân thuộc/ thoạt tiếng ”quê” – sống mũi đã cay nồng” (Miền thơ ấu); ”Ta chập chững suốt chặng đường mơ khát/ kể từ khi trong vắt một miền đời…/ Bước chân trần bập bõm đường mưa/ với háo hức của chuồn kim cánh mỏng/ Diều nhớ trời xanh con thuyền nhớ sóng// ta dại khờ, mê đắm tin yêu” (Thư ngỏ gửi tuổi thơ ấu); ”Ríu rít sẻ nâu, trong khiết tiếng chim ri/ khung trời tuổi thơ xanh rờn cổ tích/ Nắng với mưa, oi nồng và buốt giá/ mộc mạc hồn làng mẹ nuôi tôi lớn lên” (Đêm quê)

Nỗi khát khao về với mẹ, về với quê hương, về với miền trong trẻo ấy đã biến mỗi khi có dịp rảnh rang để trở về là ông lại như con trẻ reo lên thật hồn nhiên, thật đáng yêu. Cái cậu bé ấu thơ trong ông lại hiện nguyên hình: ”Cuối năm rồi về với mẹ thôi!/ Mình của những ngày chân trần trong veo háo hức rộn ràng đón tết/ Những ngày hồn nhiên ngự trị độc tôn thiên đường thơ ấu tí tách bếp lửa nồi bánh trưng nghi ngút/ Mẹ yêu ơi con đang mong từng phút/ Mai về quê nơi cất giữ báu vật miền cổ tích/ Được sà vào lòng mẹ cùng thơm phức gốc mùi  tắm gội thuở ban sơ…” (Cuối năm, trà một mình). Đó thật sự là niềm hạnh phúc vô bờ bến của nhà thơ. Một niềm hạnh phúc thật sự đơn sơ và trong sáng. Đó là niềm hạnh phúc mà cả hành trình thơ của ông đeo đuổi khát khao. Thơ Nguyễn Trọng Hoàn đó là niềm khao khát về những gì trong trẻo nhất, tốt đẹp nhất, tử tế nhất và yêu dấu nhất của cuộc đời này.

Bây giờ thì ông đã đi xa rồi. Như ông đã nói: ”Người đã về phía hun hút lặng thinh/ Người đã mải mê không hẹn mùa trở lại/ Một dòng sông. Một dòng sông chảy mãi” (Và dẫu biết cuộc đời ngoài cửa sổ). Còn biết nói gì với ông được nữa.

14/5/2020

Nguyễn Linh Khiếu

Theo https://vanhocsaigon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Nhà thơ Đỗ Trọng Khơi: Một tấm gương tự học Nhìn hình ảnh nhà thơ Đỗ Trọng Khơi ngồi trên xe lăn, tôi thường liên tưởng đến nhà vật lý l...