Thứ Tư, 25 tháng 9, 2024

 

Nhà thơ Hoài Anh: Văn và đời

“Nói Hoài Anh là nhà thơ là nói cho gọn. Ông còn là nhà văn, nhà nghiên cứu, phê bình văn học, nhà báo nữa. Đây là những cái “nhà” đúng nghĩa, đẹp, sang trọng, lịch lãm, không ai có thể hiểu khác đi được. Ông còn tuyển dịch thơ Anh, Pháp, thơ Đường”.

Năm 1995, tôi ở căn phòng gần hai chục mét vuông gầm cầu thang tầng trệt chung cư 190 Nam kì khởi nghĩa, quận 3, Sài Gòn, nơi mà cả ngày không có một chút ánh sáng trời. Nghe anh bạn cùng chung cư mách rằng nhà thơ Diệp Minh Tuyền đang rao bán căn phòng lầu 6, tôi mua luôn. May quá, vì căn phòng lầu 6 của tôi có hai láng giềng rất tin cậy và nổi tiếng: Căn bên trái cầu thang là phòng vợ chồng Nhà thơ Lê Giang- Nhạc sĩ Lư Nhất Vũ, rẽ phải là phòng Nhà thơ Hoài Anh, rồi đến phòng tôi.

Nói Hoài Anh là nhà thơ là nói cho gọn. Ông còn là nhà văn, nhà nghiên cứu, phê bình văn học, nhà báo nữa. Đây là những cái “nhà” đúng nghĩa, đẹp, sang trọng, lịch lãm, không ai có thể hiểu khác đi được. Ông còn tuyển dịch thơ Anh, Pháp, thơ Đường. Gần đây nhất là hai tác phẩm Bảy thế kỷ thơ tình Pháp (NXB Tổng hợp Đồng Nai, 2001) và Một trăm bài thơ Đường (NXB Đồng Nai, 2001). Trước năm 1975, khi chưa vào định cư Sài Gòn, ở Hà Nội, ông còn viết cả kịch, chuyển thể kịch bản cải lương. Năm 2003, ông được giải A về nghiên cứu phê bình của Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam. Tờ Tuổi trẻ Chủ nhật TP. Hồ Chí Minh có hồi nhờ ông giữ mục Nhịp cầu tri thức. Đó là chuyên mục giải đáp những câu hỏi cắc cớ của bạn đọc, kiểu tại sao lại gọi là con ông cháu cha mà không gọi là con cha, cháu ông. Hồi đó chưa có cái công cụ tìm kiếm Google như bây giờ…

***

Một bữa nọ Hoài Anh tặng tôi tập thơ tình Thơ – Thư (NXB Trẻ, 2002). Tôi mở sách ngẫu nhiên, trúng ngay bài thơ Đêm, vỏn vẹn hai câu:

Tôi bị ban ngày đánh tử thương

Nhắm mắt vào đêm tôi sống lại.

(Đêm, trang 94)

Phải nói Hoài Anh bị chữ nghĩa hành hạ. Chữ nghĩa như một thứ bùa ngải, thứ thuốc gây nghiện, một con ma ở trong người ông. Ông làm việc như một cái máy từ 9 giờ đêm đến 5-6 giờ sáng hôm sau, nhiều ngày liền như thế. Đêm khuya thức dậy, bao giờ tôi cũng nghe tiếng cóc cóc từ cái máy chữ cổ lỗ sĩ của ông. Ông dùng mẩu bút chì, cán bút bịt giẻ chọc nhoay nhoáy xuống các phím chữ, kiểu mổ cò. Ông bảo gõ bằng các ngón tay nhanh mệt tim lắm, đánh thế này đỡ hơn. Tôi nhìn những tập bản thảo của ông, toàn là những tờ giấy người ta đã dùng một mặt. Nét chữ ông gõ đậm nhạt không đều, có đoạn ông phải dùng bút mực dặm lại, rất khó đọc. Nghe đâu, ông nhặt ở nhà in thứ mực người ta loại bỏ về nhuộm lại các băng mực để dùng.

Hoàn cảnh ông khá đặc biệt. Ông ở một mình, ăn uống, sinh hoạt, đi lại hoàn toàn theo tùy hứng văn chương.

Có bận tôi hỏi ông:

– Bác sinh hoạt giờ giấc ăn uống như vậy, làm sao đảm bảo sức khỏe?

Ông bảo:

– Quen, quen rồi. Cơm thì nấu nồi điện, một lon gạo ăn cả ngày mới hết. Đói lúc nào ăn lúc ấy. Thức ăn thì hâm lại. Ăn bao nhiêu đâu em.

Ông chỉ có một chiếc tủ áo bằng gỗ cũ mọt, cánh cửa đã xệ, để chứa sách. Chiếc giường một duy nhất cũng chất đầy sách. Còn ông thì ngủ không cần mùng trên chiếc salon rách, thiếu một chân, kê bằng một chồng gạch. Có lẽ ông là người duy nhất ở Việt Nam không coi tivi, nghe đài. Mỗi sáng đi làm qua phòng ông, tôi thấy ông cởi trần nằm cò queo, cửa mở toang. Ông chỉ khóa cửa khi xuống phố.

Nhưng ông cũng ít xuống phố. Hình như ông cũng ít bè bạn thì phải. Ấy là tôi nghĩ thế, vì ít thấy khách tới thăm ông. Thời buổi @ này, một người không thích ăn nhậu, đàn đúm chỗ đông người, không thích đăng đàn diễn thuyết, không thích tranh luận văn chương, hồn nhiên với cái nghèo như ông thì ít bạn cũng là cái sự không có gì lạ.

Ông hồn nhiên đến độ không biết một mớ rau muống, một kí gạo giá chừng bao nhiêu. Ông đến chợ đưa tiền ra, người ta trả lại bao nhiêu, đòi thêm bao nhiêu, kệ, ông cứ xách gạo muối lững thững đi bộ về nhà.

Khả năng đi bộ của ông có thể sánh ngang với nhà văn Sơn Nam. Hoài Anh không biết đi xe đạp, càng không biết đi xe gắn máy. Ông còn giỏi hơn ông Sơn Nam ở môn leo lầu. Gần 70 tuổi, ông lên 6 tầng lầu một mạch, có người lắc đầu le lưỡi. Trong nhiều lí do ít người tới thăm ông, có thể thêm lí do người ta ngại leo sáu tầng lầu cũng có. Ông không có máy điện thoại bàn, không dùng điện thoại di động, ai dám khẳng định là leo lên tới nơi sẽ gặp được ông.

Đã có những vị khách nhiệt tình lên phòng ông rồi lặng lẽ gài lại mảnh giấy ở cửa. Có người sang phòng tôi để gửi lại lời nhắn cho ông. Mãi sau này tôi mới biết vài người siêng leo lầu ấy là những đầu nậu sách. Họ siêng vì thích làm việc với người cả tin, cả nể, không bao giờ to tiếng như ông. Tôi đã từng nhìn thấy những cuốn sách trinh thám, sách truyện kinh dị, truyện không nên đọc đêm khuya, ông dịch từ tiếng Pháp, tiếng Anh, có thể do các đầu nậu ấy in chăng.

Một bữa tôi bảo ông:

– Em sẽ nối từ máy để bàn nhà em thêm một máy sang nhà bác để bác dùng cho tiện.

Ông vui lắm. Nhưng lại sinh ra một cái bất tiện khác, ấy là ông luôn để kênh máy nên nhiều cuộc gọi đến cho ông và cả cho tôi không nhận được.

Lần khác tôi sang nhà ông chơi, ông than phiền máy bơm nước bị hư từ hôm qua, không có nước pha trà. Thôi chết, tôi chạy vội về kéo ống dọc hành lang phía sau nhà, từ bồn nước nhà tôi đến cái chum của ông. Chỉ một loáng, chum đầy nước.

Tôi bảo ông:

– Bác cứ dùng thoải mái, hết thì mở khóa vòi đầu ống này nhé.

Vậy mà một ngày sau tôi sang, đột nhiên ông hỏi:

– Máy bơm nhà em cũng hư à?

Tôi chạy vội ra chum nhà ông. Khô queo. Chao ơi, ông vắt cái ống dẫn nước lên sào phơi, cao hơn bồn nước nhà tôi gần cả mét rồi mới thõng đầu vòi xuống chum. Thế này thì thôi rồi, tôi… chịu ông.

Ấy thế mà nói đến thơ văn thì ông không hề đãng trí tí nào. Trông ông hoạt hẳn lên, thông thái lạ thường. Ông như một cuốn từ điển sống. Các tác giả lớn Đông Tây kim cổ ông nói vanh vách. Vốn kiến thức phong phú ông có là do tự học hoàn toàn, không hề kinh qua trường lớp nào cả. Ông bảo việc tự học với ông, giống như lượm mót, chậm nhưng chắc chắn, tùy nhu cầu, sở thích mà lựa chọn, nhặt nhạnh cất giữ làm của để dành. Kiến thức giảng đường khuôn phép thật, nhưng bắt buộc phải học rất nhiều điều không thiết thực, phải học thuộc lòng. Thi cử xong rơi vãi vô khối.

Ông bảo năm 1946, ông theo kháng chiến lúc chưa đủ tuổi, phải khai tăng. Vậy mà khi trở về tiếp quản Thủ đô 1954, ông đã trở thành Nhà thơ với những câu thơ hay bât ngờ. Ngay cả bây giờ cũng vẫn là những câu thơ mới lạ, hiện đại:

Một người bạn tôi gặp trong đêm ấy

Ra phố mua một bao thuốc lá

Chín năm sau anh mới trở về nhà

 

Ta mang ba mươi sáu phố phường đi kháng chiến

Chín năm rừng lòng vẫn nhớ Thủ đô.

***

Hoài Anh là người đa tài và có một sức sáng tạo nghệ thuật dồi dào bền bỉ hiếm có. Ông đã xuất bản chín tập thơ, ba tập tiểu luận phê bình văn học, trong đó đáng nể nhất là cuốn Tiểu luận Chân dung Văn học( NXB Hội Nhà văn,2001). Ông viết trong sáu năm ròng( 1995–2001), gồm 1500 trang, với 114 chân dung văn học, từ Trương Vĩnh Ký giữa thế kỷ 18 đến Lê Anh Xuân, Nguyễn Mỹ thời kháng chiến chống Mỹ. Cuốn sách là nguồn tư liệu phong phú, rất cần thiết cho những người yêu mến văn học sử nghiên cứu, tra cứu.

Năm 2006, ở tuổi bảy mươi, Hoài Anh đã làm sửng sốt bạn đọc. Nhà xuất bản Văn học đã lập kỷ lục in liền một lúc 16 tập tiểu thuyết về đề tài lịch sử của ông( Trong tổng số 20 tập). Ông bắt đầu viết bộ tiểu thuyết đồ sộ này từ năm 1965. Thế là 20 thế kỷ lịch sử dân tộc Việt Nam được ông viết lại, mỗi cuốn ứng với một thế kỷ. Bắt đầu từ thế kỷ thứ nhất, thời Hai Bà Trưng đến cuối thế kỷ thứ 20, thời đổi mới.

Bốn mươi lăm năm, già nửa đời người ông theo đuổi đến kiệt sức để hoàn thành một bộ tiểu thuyết lịch sử có một không hai. Tự nhiên tôi chợt nhớ đến câu “Hữu xạ tự nhiên hương” mà cám cảnh cho hoàn cảnh của ông. Ngày nay, mọi sản phẩm dù tối ưu đến đâu, một chương trình nghệ thuật dù hàn lâm đến đâu, nhà sản xuất kinh doanh cũng dành ít nhất 20-30% trong tổng số tiền đầu tư cho quảng cáo. Sự quảng cáo giống như một trận đánh, nên người ta mới hay dùng cụm từ Chiến dịch quảng cáo. Vậy mà tôi chưa được nghe dư luận khen chê, cũng chưa được biết có một cuộc hội thảo tầm cỡ, qui mô nào của ngành văn, ngành sử về tác phẩm này của Hoài Anh cả. Đó là một thiệt thòi cho những tài năng như ông và cho cả bạn đọc nữa.

***

Có một anh bạn nhà thơ đã lớn tuổi, rất ”mê” Hoài Anh, gọi điện cho tôi hỏi rằng:

– Ông đã nhận được phiếu thăm dò chỗ ông Hữu Thỉnh gửi đề cứ các nhà văn vào danh sách Giải thưởng Nhà nước, Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật chưa? Nếu nhận rồi thì ông phải nhớ đề cử ông Hoài Anh đấy nhá.

Hai hôm sau anh bạn này lại gọi tôi bảo:

– Ê ông ơi, họ khen thưởng ông Hoài Anh thì họ sang trọng lên ấy chứ. Nhưng khen Hoài Anh bây giờ cũng như không. Tai ông ấy điếc đặc củ tỷ rồi, nghe thấy cái quái gì nữa đâu. Khổ!…

Sài Gòn, 20/3/2011

Vũ Duy Chu

Theo https://vanhocsaigon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Nhà thơ Đỗ Trọng Khơi: Một tấm gương tự học Nhìn hình ảnh nhà thơ Đỗ Trọng Khơi ngồi trên xe lăn, tôi thường liên tưởng đến nhà vật lý l...