Thứ Tư, 25 tháng 9, 2024

 

Nhà văn Nguyên Hùng: Người lưu giữ ký ức bi hùng đất phương Nam

Vùng đất mới phương Nam là một pho tư liệu quý báu cho nghiên cứu, sáng tác văn học. Nếu như nhà văn Sơn Nam là người đi sâu vào ký ức khẩn hoang mở đất thì nhà văn Nguyên Hùng lại chú tâm vào lịch sử hào hùng và bi tráng từ thời Nam Bộ kháng chiến để dựng nên nhiều bộ tiểu thuyết đồ sộ. Đáng tiếc, cách đây vừa tròn 15 năm, ông đã đột ngột ra đi khi bao dự định còn dang dở…

“Người Bình Xuyên” yêu nước và dấn thân “trường văn trận bút”

Nhà văn Nguyên Hùng là một trong những gương mặt văn học tiêu biểu Nam Bộ cùng thế hệ và gắn bó mật thiết với những tên tuổi: Sơn Nam, Lý Văn Sâm, Dương Tử Giang, Kiều Thanh Quế, Viễn Phương, Thẩm Thệ Hà, Tô Nguyệt Đình, Bằng Giang, Lê Vĩnh Hòa, Trang Thế Hy, Thiếu Sơn, Vũ Hạnh, Trường Xuân Trúc, Kiên Giang, Ngọc Linh, Lưu Nghi,… Họ là những nhà văn yêu nước, chủ yếu xuất thân kháng chiến ở bưng biền, có lúc hoạt động công khai cùng nhau trên mặt trận văn hóa ở Sài Gòn đương đầu với đối phương dưới hình thức báo chí và văn học…

Nhà văn Nguyên Hùng lớn hơn tôi đúng 40 tuổi. Khi vào đại học tôi đã được đọc tác phẩm Người Bình Xuyên của ông xuất bản năm 1985 và tái bản ba năm sau đó. Tôi thích thú bộ truyện tư liệu lịch sử với đầy ắp những nhân vật giang hồ nghĩa hiệp của Nam Bộ thời chín năm chống Pháp mà trước đó tôi chưa từng biết. Lớp sinh viên chúng tôi hồi ấy cũng nhờ Nguyên Hùng mà được biết rõ hơn những sự kiện bi hùng và những nhân vật nghĩa khí kỳ lạ bước ra từ vùng đất mới phương Nam gần nửa thế kỷ trước, như: Hai Trí, Ba Dương, Bảy Trân, Tám Nghệ, Mười Trí, Bảy Viễn, Hai Vĩnh, Hai Trọng, Năm Lửa, Mười Lực, Ba Nhỏ,… Chính diện có. Phản diện có. Những nhân vật độc đáo xuất thân từ nhiều thành phần khác nhau, chủ yếu là giới giang hồ trước cách mạng, đã hoà mình vào dòng thác kháng chiến cứu nước của dân tộc. Thành công từ tác phẩm này mà nhà văn Nguyên Hùng được mệnh danh “Người Bình Xuyên”!

Đến khi tôi tốt nghiệp đại học bước vào làng báo làng văn, một trong những đề tài tôi quan tâm là chiến tranh với đại diện là các tướng lĩnh, nhất là ở chiến trường Nam Bộ. Và tôi được gặp nhà văn Nguyên Hùng cũng như nhiều cây bút lão làng Sài Gòn bằng xương bằng thịt ở đời thường chứ không chỉ văn chương. Khác với sự hình dung của tôi, cứ ngỡ ông như những nhân vật giang hồ bặm trợn, cao to, mặt đằng đằng sát khí, không ngờ ông lại hiền lành, nhỏ thó, chơn chất như lão nông miệt vườn ngơ ngác giữa thành phố đô hội.

Nhà văn Nguyên Hùng còn có bút danh Thùy Lê Anh, tên thật Mạc Đăng Thân, thuộc dòng dõi Mạc Cửu, Mạc Thiên Tích lừng lẫy đất Hà Tiên. Ông sinh 19-4-1927 tại Côn Đảo trong một gia đình công chức nghèo đông con, do cha làm quản lý các trạm xăng của Công ty Shell nên thời ấu thơ của ông xê dịch nhiều nơi khắp Nam Kỳ lục tỉnh, rồi được cha gửi lên Sài Gòn học trung học tại trường Pétrus Ký. Mang dòng máu văn chương họ Mạc, nên ông rất say mê đọc sách báo và bắt đầu võ vẽ tập viết lách. Và như bao thanh niên học sinh yêu nước lúc ấy, Nguyên Hùng đã xuống đường tham gia Tổng khởi nghĩa Cách mạng tháng Tám năm 1945.

Nước nhà độc lập chưa được bao lâu, quân Pháp tái xâm lược, đánh chiếm Sài Gòn và Nam Bộ, Nguyên Hùng vào bưng biền tham gia kháng chiến. Cũng từ đây ông bước vào con đường cầm bút, làm báo Chống Xâm Lăng, cơ quan ngôn luận của Đảng bộ thành phố Sài Gòn – Chợ Lớn. Đầu năm 1948, ông được điều chuyển về làm việc tại Sở Thông tin Nam Bộ đóng ở chiến khu Đồng Tháp Mười. Ông là học viên khoá báo chí đầu tiên được đào tạo trong căn cứ kháng chiến Nam Bộ, do nhà yêu nước Nguyễn Văn Thu từ Pháp về phụ trách giảng dạy. Đến tháng 7-1948, chàng phóng viên trẻ họ Mạc được cử về Biên Hòa, gắn bó Chiến khu Đ của thi tướng Huỳnh Văn Nghệ gần 5 năm. Nhờ thời gian này ông đã lưu giữ tư liệu, ấp ủ viết tiểu thuyết.

Đất nước bị phân chia hai miền sau Hiệp định Geneva đình chiến 1954. Nguyên Hùng cùng một số cây bút khác từ bưng biền được tổ chức phân công về Sài Gòn tiếp tục hoạt động báo chí công khai, góp phần đấu tranh hiệp thương thống nhất nước nhà. Ông viết bài cho nhiều tờ báo như Lẽ Sống, Nhân Loại, Duy Tân, Dân Ta, Dân Tiến, Thời sự miền Nam,… Thời kỳ tờ Nhân Loại chuyển sang cho các cây bút xuất thân kháng chiến tổ chức ấn hành, Nguyên Hùng – Thùy Lê Anh nhờ sớm có giấy tờ cá nhân hợp pháp nên được mời đứng tên thư ký tòa soạn một thời gian. Ông và Trường Xuân Trúc mỗi người tiên phong đóng góp 500 đồng cho quỹ làm báo. Từ diễn đàn này nhiều cây bút tài năng đã có cơ hội thể hiện, nhiều tác phẩm có giá trị đã trình làng tạo nên diện mạo riêng cho dòng văn học yêu nước ở miền Nam, góp phần vào cuộc đấu tranh vì sự nghiệp thống nhất đất nước. Khi chính quyền Ngô Đình Diệm ráo riết tiến hành chính sách “tố cộng, diệt cộng” đã bắt giam 11 nhà báo và 3 trí thức ở Sài Gòn từng tham gia kháng chiến chống Pháp, trong đó có Nguyên Hùng.

A group of men standing together

Description automatically generatedĐoàn nhà văn TPHCM đi thực tế ở An Giang mùa thu năm 2000, từ trái sang: Phan Hoàng, Lưu Trùng Dương, Trần Thanh Giao, Nguyên Hùng, Ngọc Linh, Thanh Giang.

“Nguyễn Bình đã tạo ra không biết bao nhiêu Kinh Kha, Nhiếp Chính Việt Nam”.

Năm 1975, đất nước thống nhất, nhà văn Nguyên Hùng tiếp tục ở lại sống và sáng tác tại TPHCM. Ngoài ký ức bản thân, ông cất công đi sưu tầm tư liệu, gặp gỡ các nhân chứng thời Nam Bộ kháng chiến để dựng nên các bộ tiểu thuyết tư liệu lịch sử.

Sự thành công của tác phẩm nổi tiếng Người Bình Xuyên đã mở đầu cho hàng loạt tiểu thuyết tư liệu lịch sử khác của nhà văn Nguyên Hùng viết về thời kỳ chín năm chống Pháp ở Nam Bộ: Sư thúc Hòa Hảo, Đường xuyên Tây, Nữ kiệt miền Tây, Qua bến, Nguyễn Bình huyền thoại và sự thật, Dương Quang Đông xuyên Tây, Ung Văn Khiêm – Anh Ba nội vụ, Bảy Viễn – thủ lĩnh Bình Xuyên, Chiến khu Đ của tôi, Chém vè giữa làng báo Sài Gòn,… Tinh thần yêu nước, ý thức lưu giữ mỏ vàng lịch sử, niềm đam mê lao động sáng tạo văn học của ông rất đáng ghi nhận. Tác phẩm của nhà văn Nguyên còn được chuyển thể sang dàn dựng trên sân khấu, phim ảnh mà tiêu biều nhất là bộ phim nhiều tập Dưới cờ đại nghĩa do hai đạo diễn Nguyễn Tường Phương và Phương Nam chuyển thể từ tiểu thuyết Người Bình Xuyên.

Ngoài tác phẩm Người Bình Xuyên thì tiểu thuyết lịch sử Nguyễn Bình huyền thoại và sự thật của nhà văn Nguyên Hùng cũng gây cho tôi nhiều sự thích thú. Tác phẩm này xuất bản lần đầu năm 1995, thời điểm mà tư liệu về Trung tướng Nguyễn Bình, người được mệnh danh “Lưu Bá Thừa của Việt Nam”, còn rất ít được biết đến. Nhà văn Nguyên Hùng đã bỏ công nhiều năm để sưu tra tư liệu, gặp gỡ các nhân chứng còn sống như các nhà cách mạng Trần Văn Giàu, Hà Huy Giáp, Ung Văn Khiêm, Nguyễn Văn Trân, Nguyễn Thị Thập, Dương Quang Đông, thi tướng Huỳnh Văn Nghệ, các tướng lĩnh Trần Văn Trà, Phan Trọng Tuệ, Tô Ký, Đào Sơn Tây, Bùi Cát Vũ, Nguyễn Hồng Lâm, Lê Thành Công, Đại tá Hồ Thị Bi, các thủ lĩnh quân sự Nam Bộ thời kỳ đầu chống Pháp tái xâm lược như Huỳnh Văn Một, Huỳnh Kim Trương, Mai Văn Vĩnh, Dương Văn Hà, Nguyễn Văn Lung, Hứa Văn Yên, Thanh Sơn, Võ Cương, Nguyễn Danh Khôi, Lương Văn Trọng,… và đặc biệt là phu nhân của tướng “độc nhãn” Nguyễn Bình là bà Hoàng Thị Thanh để kịp thời phỏng vấn, ghi chép, chắp nối và tái hiện hình ảnh vị danh tướng có công lao lớn trong việc thống nhất các lực lượng vũ trang Nam Bộ thời kỳ “hỗn quân hỗn quan” buổi đầu kháng chiến chống Pháp tái xâm lược. Ông đã dành nhiều tâm huyết và tình yêu đối với danh tướng huyền thoại này.

Tiểu thuyết Nguyễn Bình huyền thoại và sự thật của Nguyên Hùng là một dấu ấn trong đời sống văn học và lịch sử bấy giờ. Miêu tả lại thời điểm đầu năm 1948 khi Tư lệnh Nam Bộ Nguyễn Bình được phong trung tướng đầu tiên nước ta, ông viết: “Điện phong trung tướng cho Nguyễn Bình tới Nam Bộ tạo một niềm phấn khởi cho toàn thể quân và dân miền Nam. Ai nấy đều hồ hởi vì Trung ương thấy công lao của vị phái viên Trung ương đã giữ được miền Nam trong những năm cuồng phong bão tố, bẻ gãy được mũi nhọn viễn chinh của danh tướng Leclerc đã từng giải phóng nước Pháp và dẫn đầu Sư đoàn 2 thiết giáp thừa thắng xốc tới vượt hai sông Rhin và Danube góp phần đánh bại quân Đức hung hãn của Hítle. Dưới sự lãnh đạo tài ba của Nguyễn Bình, các bộ đội địa phương được tập hợp lại, chánh qui hoá, đi vào nề nếp, đặt trọng tâm đánh Tây lên trên hết, dẹp bỏ những tị hiềm cá nhân kiểu thập nhị sứ quân. Thống nhất được các bộ đội giang hồ mà đứng đầu là Bình Xuyên là một thành công lớn không ai phủ nhận được. Kế đó là sáng kiến tuyệt vời: đào tạo binh chủng tinh nhuệ luồn sâu đánh hiểm, đột nhập vào thành phố Sài Gòn – Chợ Lớn là hang ổ của địch, ngày đêm khuấy rối, rải truyền đơn, ném lựu đạn, làm cho địch ăn không ngon, ngủ không yên, biến thiên đàng thành địa ngục”.

Không chỉ là văn chương, đó còn là một xác thực lịch sử được Nguyên Hùng dày công tìm hiểu, nghiên cứu, tái hiện.

Nhà văn Nguyên Hùng dựng truyện theo tiểu thuyết chương hồi cổ điển, nên gây hấp dẫn, lôi cuốn, làm cho độc giả vừa đọc hết chương này phải tò mò đọc chương tiếp “hồi sau sẽ rõ”. Văn phong ông giản dị, ít trau chuốt. Chữ nghĩa mộc mạc gần với ngôn ngữ nói của người phương Nam. Cách kể chuyện mạch lạc dễ hiểu. Nhân vật và sự kiện hầu như là người thực việc thực đã bước tự nhiên vào tác phẩm. Chính điều ấy tạo nên nét đặc sắc riêng của văn chương Nguyên Hùng, một gương mặt độc đáo của văn học Nam Bộ cuối thế kỷ XX. Chẳng hạn khi dựng lại chiến công của lực lượng công tác nội thành, có thể xem là tiền thân của biệt động Sài Gòn, do tướng Nguyễn Bình sáng lập, ông so sánh: “Thời Chiến Quốc bên Tàu chỉ có một Kinh Kha, một Tào Mạt, một Chuyên Chư, một Dự Nhượng, một Nhiếp Chính, một Cao Tiệm Ly mà để lại cho ngàn đời sau những trang sử hào hùng. Nhưng với sáng kiến lập 10 Ban Công tác Thành, Nguyễn Bình đã tạo ra không biết bao nhiêu Kinh Kha, Nhiếp Chính Việt Nam”.

1/5/2020

Phan Hoàng

Nguồn: VĂN NGHỆ 4/2020

Theo https://vanhocsaigon.com/ 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Nhà thơ Đỗ Trọng Khơi: Một tấm gương tự học Nhìn hình ảnh nhà thơ Đỗ Trọng Khơi ngồi trên xe lăn, tôi thường liên tưởng đến nhà vật lý l...