Thứ Tư, 25 tháng 9, 2024

Lê Phong000000

Lê Phong

Một chút mơ màng của Thế Lữ
“Trên đời thực chất không có đường, người ta đi mãi thì thành đường” - đấy là câu nói của văn hào Trung Quốc Lỗ Tấn. Con đường của văn học trinh thám Việt Nam hiện đại cũng bắt đầu bằng cách như thế, mà một trong những người đặt bước chân đầu tiên để vạch đường là Thế Lữ.
Văn học chữ quốc ngữ Việt Nam hiện đại bắt đầu hồi đầu thế kỷ 20 bằng việc tiếp biến từ văn học nước ngoài. Thay cho thói quen đọc tiểu thuyết bằng văn vắn, tiểu thuyết văn xuôi trong giai đoạn phôi thai này của chữ quốc ngữ thoạt đầu mô phỏng, phóng tác dựa trên nhửng cốt truyện Tàu. Đến khi người Pháp đã đặt được hệ thống cai trị tương đối ổn định ở cả ba miền Bắc, Trung, Nam của nước Việt Nam và rảnh tay thực hiện chủ trương khai hóa văn minh bằng văn hóa thì văn học Pháp cũng như phương Tây bắt đầu tràn vào đời sống người Việt.
Thế nên cũng dễ hiểu khi những trí thức, nhà văn Việt Nam bắt đầu sử dụng phương pháp Việt hóa các cốt truyện của văn học phương Tây để xây dựng những tác phẩm văn xuôi dài hơi. Đọc các tác phẩm của Hồ Biểu Chánh như Chúa tàu Kim Quy có thể thấy hơi hướng Bá tước Monte-Cristo của Alexandre Dumas, Cay đắng mùi đời gần như phản chiếu Không gia đình của Hector Malot, còn Ngọn cỏ gió đùa phảng phất Những người khốn khổ của Victor Hugo...
Đến văn học trinh thám mà Thế Lữ Là người mở đường, sự tiếp biến này mang một bước chuyển mới: không còn dựa trên những cốt truyện có sẵn nữa mà bắt đầu sáng tạo ra những hình tượng văn học của riêng mình, cho dù những hình tượng này vẫn còn bị ảnh hưởng bởi các hình mẫu trong văn học phương Tây.
Hai truyện vừa tựa đề là “Phóng viên trinh thám” và “Những nét chữ” tập hợp chung lại thành tập Lê Phong của Thế Lữ, tiêu biểu cho xu hướng này.
 
Năm 1936, nhà văn Phạm Cao Củng viết và xuất bản Vết tay trên trần, có thể coi là cuốn tiểu thuyết trinh thám đầu tiên của văn học Việt Nam hiện đại. Một năm sau, Thế Lữ viết “Phóng viên trinh thám” và “Những nét chữ”.
Cả Phạm Cao Củng lẫn Thế Lữ đều chịu ảnh hưởng mạnh mẽ của những bậc thầy viết truyện ly kỳ, trinh thám thế giới như Edgar Allan Poe, Conan Doyle. Cả chàng thám tử Kỳ Phát của Phạm Cao Củng lẫn chàng phóng viên trinh thám Lê Phong của Thế Lữ đều mang đậm dáng nét của thám tử Sherlock Holmes.
Thậm chí trong “Phóng viên trinh thám” và “Những nét chữ”, nhân vật phóng viên Lê Phong tuyên bố thẳng là mình dùng phương pháp suy luận của Sherlock Holmes để truy tìm thủ phạm. Bộ đôi Lê Phong-Văn Bình trong hai truyện này cũng là một sự mô phỏng bộ đôi Sherlock Holmes-bác sĩ Watson trong serie truyện của nhà viết tiểu thuyết trinh thám lừng danh nước Anh Conan Doyle.
Hai truyện vừa của Thế Lữ đều có kết cấu giống như các tiểu thuyết trinh thám thời kỳ đầu của Conan Doyle, khi xác chết xuất hiện ngay từ những trang đầu tiên. Công việc sau đấy của nhân vật chàng phóng viên điều tra Lê Phong là sử dụng phép suy luận duy lý, kết nối những hiện tượng rời rạc, phân tích logique tâm lý để tìm thủ phạm.
Kết cấu của “Phóng viên trinh thám” cũng là một trong số những mô thức quen thuộc của truyện trinh thám phương Tây: một vụ giết người trong mật thất. Còn “Những nét chữ” liên quan đến một hình thức hấp dẫn của trinh thám hiện đại: mật mã.
Nhưng dẫu cho có mang kết cấu cũng như mô thức quen thuộc của văn học trinh thám phương Tây thì truyện về chàng phóng viên điều tra Lê Phong vẫn là những câu chuyện trinh thám An Nam. Thế nên hai truyện vừa này vẫn mang đậm dấu ấn Việt Nam.
Nói cách khác, những trải nghiệm cá nhân của Thế Lữ đã ánh xạ vào trong hai truyện vừa “Phóng viên trinh thám” và “Những nét chữ” một cách rõ nét, mang lại cho hai truyện cái phong vị văn chương và đời sống của chính Thế Lữ.
Những năm tháng tuổi thiếu niên, Thế Lữ phải rời xa mẹ sống cùng gia đình bên nội ở vùng rừng núi Lạng Sơn, khi ấy hãy còn hoang sơ heo hút, đã mang lại những chi tiết bí hiểm có hơi hướng “đường rừng”, với Phủ Lạng Thương, những người khách buôn lậu qua biên giới với con dao giết người của người Thổ, Mán... trong “Phóng viên trinh thám”.
Bài thơ chứa đựng mật mã trong “Những nét chữ” giúp tác giả của “Nhớ rừng”, một kiện tướng trong phong trào Thơ mới, trổ tài sáng tác kết hợp với... nói lái, một dạng mật mã sơ khai của người Việt!
Cũng không thể không tính đến việc khi sáng tác hai truyện vừa này, Thế Lữ đã có một thời gian dài làm báo, hết Phong Hóa sang đến Ngày Nay, những cơ quan ngôn luận của nhóm Tự Lực Văn Đoàn mà Thế Lữ là một trong những người sáng lập. Còn gì tuyệt hơn khi kết hợp giữa công việc làm báo, một nghề nghiệp mà nhiều người mơ ước ở thời buổi ấy, với công tác điều tra truy tìm thủ phạm đầy ly kỳ hấp dẫn của những vụ án mạng hay tự tử!
Thế Lữ đã gửi gắm chút mơ màng của mình vào những ký ức ấu thơ, sự hấp dẫn của bí mật trong những dòng thơ tình hay vào hình tượng chàng phóng viên tài giỏi Lê Phong như vậy.
Mà biết đâu đấy, cũng có thể là chút mơ màng của Thế Lữ, rằng nước Việt vẫn có thể có những nhà trinh thám đại tài, nào kém cạnh gì Sherlock Holmes của nước Anh!
 
Ở thời điểm vào thập niên 30 của thế kỷ trước, chắc chắn chẳng mấy ai có cơ hội đọc hết được toàn bộ 4 đoản thiên tiểu thuyết và 56 truyện ngắn về nhân vật thám tử Sherlock Holmes của Conan Doyle. Bây giờ có điều kiện đọc lại thì đó vẫn là câu chuyện của người ta. Còn đọc Lê Phong, người đọc hôm nay đọc lại trinh thám An Nam thuở ban đầu, để có thể mơ màng cùng Thế Lữ...
Yên Ba Tháng 12-2015
I - Phóng viên trinh thám
một cách xin việc kỳ khôi
Ngày nào cũng vậy, cứ đúng mười một giờ sáng là anh ta đã có mặt trong phòng khách tòa báo. Anh ta nói là muốn giáp mặt ông chủ nhiệm để hỏi về một việc cần lắm. Việc cần ấy, chúng tôi đã biết: anh ta muốn xin làm một phóng viên.
Ông chủ nhiệm tiếp anh ta có một lần, rồi bảo tôi:
- Ít ra họ cũng phải hiểu rằng ở đây có thừa người rồi, phóng viên không phải là người khó kiếm đến thế.
Hôm sau, anh ta lại đến, rồi hôm sau nữa: lần nào ông chủ nhiệm cũng không có nhà. Nghĩa là ông chủ nhiệm vẫn có nhà, nhưng không muốn anh ta quấy rầy mãi.
Chúng tôi hễ cứ thấy đồng hồ đánh mười một tiếng lại nhìn nhau cười. Xuống phòng khách ngó xem thì tôi đã thấy anh ta ngồi vẫn cái mũ trong tay, hỏi tôi một cách lo ngại:
- Hôm nay hẳn ông chủ lại đi vắng?
- Vâng, ông ấy vừa mới ra xong.
Anh ta mím một bên mép rồi đứng lên thong thả bước ra, ngừng lại toan hỏi tôi một câu, nhưng bỗng đội mũ đi thẳng.
Sau cùng anh ta không đựi ở phòng khách nữa, lên đứng ngay ngoài cửa tòa soạn, đợi có người vào là vào theo liền. Anh ta vừa mới nói:
- Thưa ông...
Thì ông chủ nhiệm ngắt lời:
- Thưa ông, người ta không bao giờ nên tự tiện quá đến thế. Ở đây không phải là một cửa hàng.
- Nhưng đây là một tòa báo.
- Nhà báo không phải để mở cửa cho hết thảy mọi người.
Anh ta khẩn khoản:
- Vâng, tôi biết thế là đường đột quá, nhưng xin ông biết cho rằng tôi muốn làm phóng viên, mà nhất là trong tòa báo ông. Người ta cần phải chọn mặt mà gửi vàng. Tôi muốn đem tài của tôi dùng cho báo ông trước nhất...
- Nhưng tôi biết tài ông to đến bực nào?
- Ông cứ dùng thử xem.
- Dùng thử xem!... (ông chủ nhiệm đã thấy nóng tai). Không, chúng tôi không thiếu người, ông có lòng muốn giúp, xin cảm ơn. Nhưng tôi không... tôi chưa thể nhận ông được.
Trong lúc ông chủ nhiệm cau mày cúi xuống đọc những bản thảo trên bàn thì anh ta lại nói:
- Tôi chắc ông sẽ vừa lòng khi thấy những việc tôi làm sau này... Ông cứ giao việc cho tôi xem... Mà nếu ông cần biết ngay học thức của tôi...
Không nhịn nữa, ông chủ nhiệm nói gọn một câu:
- Thưa ông... tôi đi vắng.
Chàng thiếu niên sẽ mỉm một nụ cười mai mỉa, nét mặt vẫn tươi tỉnh, cúi chào chúng tôi, rồi quay ra.
Ông chủ nhiệm lắc đầu:
- Con người kỳ khôi đến thế là cùng. Nhưng thôi, thoát nợ.
 
Sáng hôm sau, chúng tôi không thấy anh chàng đến nữa. Bị cự tuyệt một cách rõ ràng như thế, tất nhiên anh ta biết không còn hy vọng gì.
Chiều hôm ấy, đáng nhẽ không còn việc gì phải làm ngay, chúng tôi lại bận hơn các buổi khác. Bài vở của số báo sau đã đưa sắp chữ cả, bỗng được tin bị bỏ gần hết những mục quan trọng (hồi ấy, ty kiểm duyệt vẫn còn).
Ông chủ nhiệm vừa càu nhàu vừa lục những bài dự phòng ra coi lại. Nhưng vẫn không đủ. Đang lúc chia tay mỗi người một việc cùng nhau cặm cụi viết lấy viết để, thì cửa tòa soạn bật mở, chàng thiếu niên hôm qua bước nhanh vào.
Ông chủ nhiệm giơ hai tay lên một cách chán nản toan sừng sộ hỏi thì người kia nhoẻn miệng cười. Tức mình, ông để mặc chàng ta đó, đứng dậy gọi người thư ký vào toan cự, thì chàng ta can:
- Lỗi đó ở cả tôi. Tôi xin ra ngay. Nhưng xem chừng ông bận lắm thì phải.
- Tôi chẳng bận gì hết. Nhưng...
- Không hè gì. Nêu ông vội, xin cứ cho tôi biết... Hay để cho tôi cùng viết đỡ các ông này cho chóng xong.
Chàng ta nói rất dịu dàng, miệng tươi cười rất thực thà, khiến ông chủ nhiệm cũng phải nguôi giận.
- Nếu vậy, ông ngồi xuống đó, viết cho tôi ba cột về việc chủ hiệu cầm đồ lừa đảo... Ông biết việc ấy chứ?
- Biết.
- Nhưng ông có biết tôn chỉ của báo tôi không đã?
- Định làm cho một tờ báo lại không biết tôn chỉ báo ấy sao!
- Được, ông thuật về việc này qua loa thôi, còn thì phải công kích dữ.
- Tôi hiểu.
- Một giờ nữa phải viết xong.
Bốn mươi phút sau, người thiếu niên đã đưa cho ông chủ nhiệm ba tờ giấy đặc chữ.
Ông chủ nhiệm cầm lấy đọc một lần, hơi gật đầu. Đó là triệu chứng hay.
Ông ký bức điện tín người ta vừa đem vào, đọc nốt trang sau cùng, sửa qua mấy chữ viết không được rõ.
Đọc xong, ông lấy bút chì xanh viết mấy chữ lên cạnh trang nhất, đứng nhìn người thiếu niên bằng đôi mẳt gườm gườm, nhưng không có vẻ ác cảm.
Anh ta se sẽ hỏi:
- Thưa ông, bài tôi biết...
- Không tồi lắm. Nhưng ông nhất định làm phóng viên cho báo tôi?
- Vâng... Sao?
- Vậy ngay bây giờ ông có thể đi Bắc Ninh được không?
- Đi điều tra?
- Phải, mà phải đi rất nhanh. Người ta mới bắt được một tụi buôn thuốc phiện lậu rất quan trọng.
Vẻ mặt người thiếu niên bỗng sáng lên, đôi mắt long lanh như con chó săn thấy con chim vừa rơi xuống. Anh ta nói một cách sung sướng cảm động:
- Buôn thuốc phiện lậu? Một bài tường thuật bất kỳ ai cũng phải chú ý! Ồ! Ông cho tôi đi nhé, làm phóng viên là nghề của tôi.
Lập tức anh ta nhận tiền, xem giờ xe chạy Bắc Ninh, biên mấy chữ vào sổ tay, rồi nhảy ra ngoài không kịp chào chúng tôi. Tám giờ tối hôm ấy anh ta cũng có mặt ở tòa báo.
- Trời! Tôi ngốc quá, không bảo các ông đưa máy ảnh. Nhưng không hề gì!
Chúng tôi hỏi:
- Thế nào? Cuộc phóng sự?
- Ghê gớm lắm, có thể hay lắm được. Đây là những notes [1] còn đây là những ảnh vẽ phác mấy người phải bắt. (Vừa nói anh vừa đưa cho chúng tôi xem mấy cái mặt người vẽ rất linh hoạt trong quyển sổ tay). Phải, thật là một bài phóng sự rất “cừ”. Tôi cảm ơn ông phúc tinh phóng viên của tôi, cảm ơn cả ông chủ nhiệm. Tôi sẽ cho lên báo những cái ẩn tình mà ít người biết đến.
Rồi ngay lúc ấy, anh ngồi vào bàn, rút một tập giấy, nói mấy câu chuyện phiếm, rồi chăm chú viết như người đã quen việc với chúng tôi.
Từ đó, anh là một tay giúp việc lanh lợi của tờ báo Thời thế về phần phóng sự. Anh làm một cách rất chăm chỉ, rất chu đáo, lương tâm nhà nghề là một điều thiêng liêng nhất đối với người con trai này. Anh ta lại nhanh nhẹn, vui vẻ ít ai bằng. Nói chuyện có duyên, rất hay pha trò. Cách nói chắc chắn, gọn gàng, ngọt ngào khiến anh dễ làm cho người ta tin, người ta nghe theo, và khi luận bàn thì cả đến những điều ngụy biện của anh, người ta cũng cho là phải.
Phương sách Sherlock Holmès
Người thiếu niên ấy tên là Lê Đình Phong. Anh ta bỏ chữ Đình đi để gọi cho tiện. Người tầm thước, ăn mặc thường, nhưng gọn ghẽ; giá chải chuốt thêm ít nữa thì ra dáng lịch sự ngay. Nét mặt đều, tự nhiên, thường tươi. Trán cao, tóc để dài đằng sau, đôi mắt to, sáng, linh động, khiến người ta cứ trông đôi mắt anh cũng nhận được ngay trong đám đông người.
Anh có một cách nhìn người rất lạ lùng. Nhìn không lâu, nhưng đôi mẳt sắc sảo như hai luồng quang tuyến soi tận vào trong tầm trí người ta. Khi anh mỉm cười, đôi mắt dịu dàng, thì anh có một vẻ nhã, thiệp, đáng mến, khiến cho những người lãnh đạm nhất cũng có cảm tình với anh.
Ngoài ra, Lê Phong còn hai đặc tính rất đáng chú ý: là tài quan sát tỉ mỉ và cách làm việc khác thường.
Anh đi tới đâu, hoặc qua chỗ nào cũng vậy, bao giờ cũng đưa mắt nhìn khắp một lượt. Thế là đủ cho anh ta thu được các cảnh, vật, cử chỉ, dáng điệu một cách rất rõ ràng.
Một hôm đi chơi với tôi ở gần chùa Láng, anh bỗng nói:
- Hai anh chị đứng đây nói chuyện thực nên thơ. Nhưng biết nhau chưa được lâu lắm.
Tôi hỏi:
- Anh chị nào?
- Một “công tử” với một “tiểu thư” đứng bên cái bụi cây này chứ ai?
Nhưng tôi trông quanh quẩn không thấy bóng người nào hết. Phong nói:
- Họ đưa nhau đi chỗ khác rồi.
- Nhưng sao anh biết?
Anh cười:
- Vì tôi cùng một trường với Sherlock Holmès.
Rồi vừa chỉ xuống chân vừa nói tiếp:
- Ở chỗ này trông ra cảnh chiều đẹp đẽ, tôi với anh cũng thích đứng ngắm, nữa là người đa tình. Tôi có ý tưởng ấy, lại trông thấy dưới cỏ một chút tàn với gần đó một mẩu thuốc lá thơm... hẳn có một người đứng đây, một anh con trai... một chàng “công tử” với một cô con gái. Vì chàng “công tử” đứng một mình thì không bao giờ chịu táy máy ngắt những lá dâm bụt kia vứt bừa bãi xuống như thế: đó là thói quen của một người con gái, một người con gái không được bạo dạn lắm đứng ở bên cạnh tình nhân. Anh để ý chút nữa thì thấy cả vết gót giày đàn bà in lên lối đi vào trong chùa... chỗ ấy đất hơi ẩm.
Chúng tôi theo con đường nhỏ, lững thững rẽ vào chùa thì quả nhiên thấy một người thiếu niên đứng nói chuyện với một người thiếu nữ đang vẩn vơ nhìn cái cung bát giác ở giữa sân chùa.
Một lần khác ở tòa soạn, Phong hỏi một người chạy giấy:
- Bác ở nhà báo Khoa học đến đây hẳn?
- Vâng.
- Mà vừa rồi, bác suýt bị nạn phải không? Bác suýt đâm vào một cái xe nứa?
- Vâng. Ông cũng ở đấy vừa rồi ư?
- Không.
Phong mỉm cười, thu hưởng lấy cái kính phục của người chạy giấy và của chúng tôi.
Lúc hắn bước ra, anh đủng đỉnh nói:
- Tôi đã bảo tôi hay theo phương pháp phân đoán của Sherlock Holmès.
“Phương pháp ấy thần tình lắm, nhưng cắt nghĩa ra rồi, thì ai cũng cho là chẳng có gì. Đây này: trước hết, tôi biết anh ta có đến báo Khoa học, là vì anh ta là người chạy giấy của một nhà báo mà có qua đường Ngọc Hà. Đường Ngọc Hà là một con đường đất hơi đo đỏ, mà trận mưa buổi sáng làm lầy lội lên. Anh này đi xe đạp qua, thế nào chẳng có mấy giọt bùn đỏ bẳn lên quần áo? Vả trông giày anh ta cũng đủ biết ít ra có một lần anh ta xuống xe ở giữa đường Ngọc Hà. Anh ta gần đến đây thì suýt bị nạn xe. Cái đó cũng không khó đoán. Mặt anh ta lúc mới vào đây trông xanh xám, nhưng đứng một lúc thấy tươi lên dần, đôi mắt vẫn còn có ý hốt hoảng. Tôi chắc anh ta vừa gặp một sự nguy kịch, chẳng hạn suýt bị nạn xe. Trông vai áo anh ta thấy một vết đất thẳng, nhìn xuống vành mũ cũng thế, tôi chắc hẳn anh ta đạp vội, lại đãng trí, tránh không kịp một cái xe bò chở nứa đi trước mặt (vì nứa thì hay có đất bám và chất lên rất cao) nhưng hú vía không đâm thẳng vào xe, anh ta chỉ bị sướt qua một cái mạnh”.
Những điều chúng tôi cho là kỳ dị, không ai ngờ, khi anh phân giải ra đều tầm thường lắm. Tuy thế, chúng tôi vẫn phục anh là một người có kỳ tài. Còn Phong cũng như nhà trinh thám nước Anh, thường cũng lấy lời khen của người khác làm một sự vinh hạnh. Tuy nó nhỏ nhưng đủ làm cho người ta vui lòng. Vì thế, có dịp nào trổ tài, anh cũng không bỏ.
Nhưng một chuyện làm cho chúng tôi phục anh nhất hồi anh mới vào Thời thế, là một chuyện mất tiền ly kỳ xảy ra ở tòa báo mà chính anh khám phá ra.
Một bài tính rất dễ
Mười giờ tối hôm ấy, Lê Phong nhảy ba bực thang một, sầm sầm chạy lên nhà báo, đẩy cửa tòa soạn reo lên:
- Chào mọi người! Các anh nên mừng đi!
Anh ta đặt máy ảnh lên một chỗ, thu gọn đám giấy trên bàn chủ nhiệm, ngồi ghé lên đó, vừa cười vừa nói:
- Tôi được một tin quan trọng lắm. Tôi liền đi ngay lập tức, một giờ đi, nửa giờ điều tra, một giờ về. Thế là bài của tôi xong. Đây này (anh giở mấy trang sổ tay chữ viết nguệch ngoạc đưa ra). Tôi viết ngay tại trận, rồi ngồi trên ô-tô lượt về lại viết nữa. Các anh cho “sắp” ngay đi!
Bỗng anh ngừng lại, nhìn từ ông chủ nhiệm Trần Đăng đến ông chủ bút Văn Bình, rồi đến ông trợ bút ở phòng bên cạnh bấy giờ cũng có mặt ở đó. Anh giương mắt hỏi:
- Có việc gì mà các anh trông có vẻ nghiêm trọng quá thế?
Trần Đăng trỏ xuống tập giấy bạc để trên những giấy má:
- Việc này.
- Lành hay dữ?
- Không lành lắm... Nhưng cái tin quan trọng của anh có báo nào biết nữa không?
Phong cười:
- Có. Nhưng chưa biết ngay, sớm ra cũng đến mai, nghĩa là biết vì Thời thế cho họ biết.
Ông chủ nhiệm xem qua “bài” của Phong rồi đưa cho ông trợ bút:
- Anh làm ơn bảo người thư ký đánh máy ngay làm ba bản, cho họ xếp chữ ngay một, sáng mai đưa kiểm duyệt sớm, độ chín giờ thì cho lên khuôn...
Rồi ngảnh lại nói với Phong:
- Còn việc không lành vừa xảy ra là việc mất hai chục bạc.
“Trước khi anh vào đây không đầy năm phút tôi đem soạn lại số tiền 300 bạc dưới trị sự đưa lên chiều hôm nay. Sực nhớ ra một việc cần, tôi phải sang phòng bên với Văn Bình, lúc trở lại thì thấy mất hẳn một tờ giấy bạc hai chục tôi chặn dưới cái thước này cùng với những tờ khác. Cửa tòa soạn không khóa, nhưng vẫn đóng. Tôi chỉ vắng đây có hơn một phút, mà quyết rằng lúc đó, trong này không có ai”.
Lê Phong chau mày hỏi:
- Việc mất tiền này, những thợ in dưới nhà biết chưa?
- Chưa. Vì tôi vừa thấy mất thì anh đến.
- Bọn thợ in có ai hay lên đây không?
- Ai cũng lên được đây, nhưng thường thì chỉ một vài người thợ chính xếp chữ xong đưa bản in thử lên cho chúng tôi chữa.
- Thế còn những người chạy giấy?
- Họ về cả rồi, duy có ít thợ in phải ở lại đến nửa đêm để làm cho xong những việc cần kíp.
- Anh làm ơn cho gọi mấy người vẫn lên đây cho tôi hỏi.
Ông chủ nhiệm vừa sắp mở cửa thì Lê Phong cản lại ngay. Anh đưa mắt trông đây đó một lượt, nhìn thẳng về một phía như để tìm ý kiến, răng cắn hết môi dưới lại cắn lên môi trên. Anh đứng lên giơ tay đưa về phía giữa bàn làm như muốn với một vật gì, cúi xuống cạnh bàn xem xét rất kỹ một hồi lâu, rồi lại lom khom đi từ chân bàn ra phía cửa. Tới đó, anh ngừng lại, vặn cái vặn cửa mấy cái, gật đầu lẩm bẩm như nói một mình:
- Tiếc rằng chỉ mất có hai chục bạc thôi! Giá là một cái án mạng thì thú quá.
Anh mỉm cười, lấy thuốc lá hút, thọc tay vào túi quần, đi đi lại lại trong phòng, chốc chốc lại đứng nhìn cái địa đồ, cái bảng giấy hay bức tranh, rồi sau cùng đến đọc những chữ nhỏ trên quyển lịch treo trên tường một cách chăm chú.
Chúng tôi chưa hiểu những trò ấy có kết quả gì, thì bỗng Phong mở cửa ra ngoài, đến ba phút sau mới trở lại. Anh xoa hai tay vào nhau, đủng đỉnh lại gần bảo chúng tôi:
- Tìm thấy hai chục bạc không khó một li nào, vì tôi đã thấy rồi; nhưng tôi muốn cho người ăn cắp phải thú nhận nữa kia. Vậy anh làm ơn xuống nhà in, đừng cho ai biết chi hết, trông người nào thấp bé, nhanh nhẹn, ngón tay nhỏ, ngắn và bẩn nhất thì gọi riêng lên đây.
Một chốc, ông chủ nhiệm lên cùng với hai người thợ in trẻ tuổi:
- Người thấp bé nhanh nhẹn thì tôi thấy có hai người này...
- Không hề gì. Nãy tôi quên không nói rõ rằng hắn đi giày cao su, tóc rẽ bên... mặt mũi sáng sủa, lông mày hơi thưa.
Anh vừa nói vừa nhìn trừng trừng vào mặt một người thợ in mà anh vừa mô tả.
- Người ấy chính là người lấy hai chục bạc đó. Anh có nhận là đã lấy hai chục bạc trên bàn này không?
Người thiếu niên cãi:
- Thưa ông, quả tôi không biết gì về việc tiền nong trên này. Từ lúc đến sở, tôi có lên đây bao giờ đâu?
- Được lắm, anh không cần phải thú nhận vì tôi, tôi biết cả rồi. Để tôi nói cho anh nghe xem có đúng không.
“Hồi gần mười giờ, anh xếp xong một bát chữ rồi đưa bản in thử lên đây. Trước khi mở cửa, anh nhìn qua bức màn the căng ở cửa kính này, không thấy có ai, anh cứ lẳng lặng vào không gõ cửa. Anh toan để bản in lên đó rồi xuống thì trông thấy tập giấy bạc giữa bàn. Trông trước, trông sau thấy vẳng người, anh liền đứng sát cạnh bàn, đưa tay trái ra rút lấy một tờ giấy hai chục. Anh sợ ra gặp người nhận được anh thì sợ bại lộ mất, nên anh giấu tiền đi một chỗ không được kín lắm, nhưng nghĩ ra được chỗ ấy cũng đáng khen đấy. Anh định việc xong xuôi anh sẽ lên lấy sau.
“Anh ra ngoài, sắp xuống thang thì anh nghe thấy người chạy lên, anh vội vàng tắt cái đèn trước kho giấy đi, rồi đứng ẩn vào bên trong cửa kho giấy. Người chạy lên là tôi. Tôi cũng vô tình không để ý đến ngọn đèn tắt ở trên lối đi... mà ai cũng có thể vô tình như tôi được.
“Nhưng không may cho anh là tôi chỉ vô tình có một chút thôi. Tôi vào đây chỉ trong mười phút đồng hồ là biết rõ được cái cử chỉ của anh... Vậy bây giờ, anh chỉ có việc lại chỗ giấu tiền ấy đưa ra đây là xong”.
Người thợ in như bị đôi mắt của Lê Phong thôi miên, mặt tái mét đi, hai tay nhem nhuốc những mực in nắm cái mép áo the để cho khỏi run. Hắn ta tỏ ra vẻ hối hận lắm, vừa mới bắt đầu nói:
- Thưa ông, tôi thực lấy làm...
Thì Phong ngắt lời:
- Vô ích. Tôi hiểu rồi, anh cứ lấy tiền ra đây là êm chuyện.
Người thợ in liền thong thả đi tới quyển lịch treo gần cửa, ngảnh nhìn chúng tôi một cái và rút tờ giấy bạc gap tư giắt vào đó đưa cho Phong.
Phong cười:
- Từ nay, nếu anh muốn ăn cắp tiền thì phải rửa hết những mực in ở tay kia đi. Anh cũng là người mau trí khôn, nhưng anh chưa phải tay ăn cắp thực thụ.
 
Sau đó 15 phút, khi chúng tôi phải hỏi Phong tại sao anh khám phá việc vừa rồi nhanh chóng đến thế, thì anh hơi nhún vai:
- “Khám phá” là một tiếng to quá, vì việc này có gì là khó đâu? Những vết tay bẩn trên bàn, trên nắm cửa, trên quyển lịch kia rõ ràng như những lời tố cáo. Các anh chỉ để ý một chút cũng thấy được như tôi. Còn như biết được người thợ in đứng nấp trong kho giấy cũng dễ lắm. Các anh ra đây mà xem.
Chúng tôi theo anh ra, đến gần cái kho giấy, xế trước cửa tòa soạn và ở về bên kia lối đi. Cái kho giấy này nhỏ, hẹp gần bằng cái cửa kho, không có cánh, trong đó chỉ để lọt một cái tủ lớn chia làm nhiều ngăn; tủ này dùng để xếp những báo chí cũ và những bản thảo không đăng hoặc đăng rồi.
Ngọn đèn mà anh bảo người thợ in tắt đi lúc trước bây giờ đã sáng. Anh chỉ vào một góc tủ nói:
- Các anh hãy nhìn kỹ những tấm bìa lớn để chìa ra ngoài mấy ngăn giấy này... Mép bìa riêng một phía ngăn bên kia, trông nhàu gãy một cách khác thường, nhất là ở hai ngăn giữa. Thể nghĩa là tất phải có một người đứng nép vào đó. Mà người đó không được cao lớn lắm, vì cái vết tay hắn áp vào tường kia không cao quá nửa thước tây. Thường thường thì một người vội vàng sợ hãi đứng nép vào một nơi, cánh tay bao giờ cũng duỗi thẳng, áp bên mình, như để tìm cách thu nhỏ mình lại.
Thấy chúng tôi khen cái tài xét đoán của anh thì Lê Phong chỉ bĩu môi, nói đùa:
- Đã có gì gọi là tài, tôi mong còn có những việc ly kỳ bí mật hơn để bắt cái trí cỏn con của tôi phải làm việc hơn một chút nữa. Chứ những việc tầm thường như việc vừa rồi, bất kỳ ai cũng tìm ra được. Làm một cái tính cộng có nhẽ còn khó hơn thế. Lúc nãy tôi làm bộ nghĩ ngợi, dò xét, chỉ là để cho câu chuyện có vẻ to tát và để “lòe” các anh một tí đấy thôi.
Lê Phong làm việc
Lê Phong thường bảo tôi:
- Ở cái nước Nam thái bình này, làm phóng viên thực là một nghề nhàn hạ. Những chuyện rắc rối, kịch liệt xảy ra ở đâu kia, chứ ở đây thì không. Tôi vẫn thiết tha mong ước có một ngày tốt kia, đeo máy ảnh bên mình, chạy hết từ chỗ nguy hiểm nọ đến chỗ nguy hiểm kia, tìm biết được những việc bí ẩn phi thường, lật được những mặt trái “chưa xuất bản bao giờ” để phô lên mặt báo.
Bởi vì anh ưa điều bí mật, nguy hiểm, không phải riêng vì lòng ham mạo hiểm. Anh ta chỉ nghĩ đến công chúng của tờ báo anh ta giúp việc thôi. Cho nên, về phương diện nhà nghề, Lê Phong có đủ các điều tranh giành, ganh tị. Một tin gì lạ mới xảy ra mà có một phóng viên báo khác biết trước cũng đủ làm cho anh ta buồn bực mất mấy giờ đồng hồ. Anh ta sẽ cầm tờ báo kia lên, nhắc đi nhắc lại luôn mồm:
- Quái, một việc như thế này mà sao mình chưa biết!
Rồi một lát nữa:
- Họ biết trước, nhưng họ viết tồi lắm. Giá ở tay mình thì... Ồ! Nhưng không can! Bây giờ cũng chưa muộn lắm, ta vẫn có thì giờ chuộc lại cái tội ghê gớm của ta.
Thế là anh ta đứng ngay lên, lấy sổ tay, lấy xe đạp, cắm cổ phóng đi như người đi báo tin nhà cháy; rồi sau đó một giờ hay nửa buổi, hay cả một ngày, tùy theo việc điều tra lâu hay chóng, anh ta lại về tòa báo viết một bài tường tận về cái việc đã qua. Cố nhiên là một việc quan trọng.
Hồi nhà báo chưa nhất định giao những việc điều tra quan trọng và phái anh đi các nơi xa, Phong chỉ đi làm những việc nhỏ ở Hà Nội và chung quanh đấy.
Phong tự đặt cho mình cái tên giản dị là “người ngoài phố”, vì suốt ngày, trừ những lúc rất chóng, khi năm phút, khi nửa giờ, anh cắm cúi ngồi viết ở tòa soạn, còn thì anh lang thang ở các vỉa hè Hà Nội, hoặc ngồi trong tòa án, hoặc đọc những tờ trình ở một vài Sở Cảnh sát, hoặc ngồi ăn lạc rang hay dí dỏm hỏi chuyện mấy đứa trẻ bán báo bên hồ Gươm. Quyển sổ tay nhét trong túi rút ra luôn, và cái bút chì không mấy khi được nghỉ việc.
Cảnh sát, trẻ bán báo, trẻ bán các quà vặt với phu xe là mấy hạng người phần nhiều quen biết anh. Có lần, tôi lại thấy anh chào hỏi cả mấy tay đón bạc cho các sòng ở các ngõ hẻm. Phong nói:
- Tôi quen họ cũng chưa đủ. Trong bọn họ lại có người coi tôi là bạn thân nữa kia. Đối với hạng nào, tôi cũng dùng một cử chỉ, một thái độ thích hợp. Có điều tôi kiêng kỹ nhất là không để họ biết mình làm báo bao giờ. Họ là những nguồn tin tức rất nhanh chóng cho tôi, giao tiếp với họ có ích không biết là chừng nào, nhưng phải khéo coi chừng không thì rất nguy hiểm.
Anh lại kể cho chúng tôi nghe những lúc len lỏi trong những tiệm thuốc phiện lậu, những sòng bạc rất kín đáo và nhiều phen suýt bị bắt cùng bọn tay chơi. Một lần, anh đã bị người ta nhầm là có tùng đảng với du côn. Lại một lần khác, trong một hàng cơm rất bẩn ở phố Hàng Buồm, một bọn phu xe uống rượu say gây chuyện đánh nhau với anh, anh phải nhảy đập vỡ ngọn đèn treo mới thoát nạn.
Anh có cách cải trang rất khéo và rất nhanh chóng để dễ đi quan sát các chỗ tối tăm bí hiểm ở Hà Nội, có đủ các thứ tiếng sống sượng, tục tĩu của đủ các hạng người hạ lưu.
Một buổi tối kia, muốn làm chúng tôi ngạc nhiên, anh để cả bộ quần áo thợ nguội đi vào tòa soạn. Anh vụng về bỏ cái mũ “cát kết” xuống, hỏi một cách đột ngột:
- Tôi muốn hỏi ai là chủ nhiệm với ai là chủ bút ở đây?
Chúng tôi lấy làm lạ toan trả lời thì anh ta lẳng lặng đi vào, ngồi xuống ghế giở một tờ báo ra coi và nói:
- Báo của các ông xoàng lắm! Toàn những tin chó chết là tin chó chết. Nhưng không hề gì.
Nói đến ba tiếng “không hề gì” thì anh ta phì ra cười và chúng tôi cũng vừa nhận được mặt. Ông chủ nhiệm Trằn Đăng cau mày hỏi:
- Làm gì mà phải giở những trò ấy ra thế?
- Làm gì à? Làm một bài phóng sự mới mẻ chứ làm gì. Các anh phải biết, hơn nửa tháng nay, ngày nào tôi cũng thắng bộ này ở lẫn với các ông “nhọ đít” trong các sở máy... Kết quả được một mớ tài liệu trong túi này. Từ số báo sau, anh có thể báo trước bài phóng sự về thợ thuyên của “bản báo phóng viên Lê Phong” và đặt ngay ở trang đầu, cho sang trọng.
- Nhưng anh còn đợi gì mà chưa viết đi?
- Xong hai phằn ba rồi, vì tôi đã có đủ tài liệu...
Sau mấy bài ngắn, Lê Phong bắt đầu được nhiều người chú ý, độc giả Thời thế càng ngày càng ham đọc phóng sự của anh ta. Đến lúc anh được phái đi phóng sự các nơi để làm những cuộc điều tra dài, thì Lê Phong sung sướng như con cá gặp nước.
Hôm anh mang máy ảnh với va-li lên đường tìm cách theo dò bọn buôn thuốc phiện lậu và súng lậu ở Phủ Lạng Thương, anh có vẻ cảm động và trịnh trọng như một chiến sĩ sắp ra trận.
Chúng tôi bắt tay chúc anh “thượng lộ bình an”, thì anh xua tay:
- Một người phóng viên mà “thượng lộ bình an” là một người phóng viên không may. Các anh muốn tôi đi chuyến này không đem được chuyện gì về nói hẳn? Tôi thích các anh chúc cho gặp toàn những sự khó khăn rắc rối, bị bắt cóc nữa càng hay.
Theo lời hẹn thì sau đó hai mươi ngày anh phải về, hoặc gửi bài về trước. Chúng tôi đợi đến ngót bốn tuần lễ cũng không thấy tin tức gì về anh cả.
Rồi một tháng nữa cũng vậy. Đánh ba, bốn cái điện tín hỏi, chúng tôi cũng không thấy trả lời. Có lẽ sự mong mỏi gặp nạn của Lê Phong đã thành sự thực rồi chăng? Có lẽ anh đau yếu chăng? Càng ngày chúng tôi càng lấy làm lo ngại.
Chưa biết tìm cách gì thông tin với anh được, thì bỗng chúng tôi nhận được bức điện tín:
“Thời thế Hà Nội. - Lập tức gửi phái viên lên Phủ Lạng Thương. Án mạng. Quan trọng lắm. Phóng sự tiến hành. Lê Phong”.
Án mạng? Mà ở đâu?
Còn phóng sự tiến hành? Về vụ điều tra buôn lậu hay về án mạng?
Bức điện văn ấy vắn tắt quá, không thể cho chúng tôi biết rõ được. Thì nửa giờ sau, lại một bức điện văn thứ hai:
“Phái viên lên ngay. Cần lắm. Cần lắm lắm. Lê Phong, Phủ Lạng Thương”.
Ông chủ nhiệm đọc xong, nhìn tôi không nói gì. Ông cúi xuống viết một cái biên lai giao cho tôi:
- Anh xuống két lấy tiền rồi đi ngay lên Phủ Lạng.
- Thể còn bài cua tôi viẽt dơ?
- Viết trên xe lửa, trên ô-tô, đâu cũng được, nhưng anh phải đi.
Tôi gật đầu, cầm lấy biên lai rồi xuống.
Bắt đầu câu chuyện
Bức điện tín thứ hai của Lê Phong, chúng tôi nhận được hồi chín giờ sáng. Mười một giờ trưa hôm ấy tôi tới Bắc Giang.
Vừa qua khỏi cầu sông Thao thì một đứa con trai chạy theo xe hơi của tôi gọi rối gọi rít:
- Này đứng lại! Đứng lại đã!
Đứa bé chừng 13, 14 tuổi, ăn mặc như một trẻ bán báo. Xe tôi đứng lại, nó chạy đến vừa thở, vừa hỏi:
- Ông có phải là ông Văn Bình ở Hà Nội lên không?
- Phải. Sao?
- Tôi chờ xe ông từ lúc gần mười giờ. Ông theo tôi ngay, có việc cần lắm.
- Nhưng theo đi đâu? Mà sao anh lại chờ tôi?
Đứa trẻ không nói gì, tìm trong túi một mảnh giấy rồi đưa cho tôi. Tôi đọc thì chỉ có mấy dòng viết bút chì:
“Đừng hỏi lôi thôi. Bảo đứa bé ngồi lên xe đưa đến đây ngay tức khắc. Lê Phong”.
Tôi bảo đứa bé ngồi bên người sốp phơ để chỉ đường. Nó thấy tôi chau mày đọc lại mảnh giấy của Lê Phong thì nhìn tôi một cách tò mò tinh quái. Tôi ngửng lên thì nó nhoẻn miệng cười:
- Ông ấy cho tôi một hào, viết cái giấy này bảo tôi đợi ở đầu cầu, hễ thấy cái xe nào nhỏ, sơn mùi mát tít, số xe 7777 (bốn số bảy) thì gọi lại hỏi ông Văn Bình. Tôi đợi đã lâu, gặp hai cái xe gần giống xe ông, rồi cái của ông mới đến...
Vừa ngảnh nói chuyện với tôi nó vừa luôn mồm bảo người sốp phơ:
- Sắp đến chỗ rẽ. Rẽ tay phải... Tay phải nữa... Rẽ tay trái... Tay phải...
Đến một phố đông, qua một nhà chiếu ảnh, xe dừng lại một hiệu cao lâu khách. Đứa bé nhảy xuống đưa tay mời tôi:
- Ông vào trong này.
- Ở đây à?
- Vâng.
- Thế sao anh bắt xe đi quanh quẩn mãi?
Nó lại cười:
- Để bù lại cái công tôi đứng chờ đợi, trời mưa rét, ngồi trong xe êm ghê, dễ chịu ghê! Kìa, ông ấy đã ra.
Lê Phong chưa tới cửa đã mắng tôi:
- Sao anh không ngủ ở nhà mấy giờ nữa?
Tôi đáp:
- Nhận được dây thép thì xe còn bận, nửa giờ sau mới về nhà báo.
- Thì thuê xe khác không được à?
Anh ngảnh lại cho thêm thằng bé con một hào, kéo tai nó lắc sẽ mấy cái:
- Láu vừa vừa chứ, nhé? Mày định diện ô-tô với ai?
Lúc thằng bé con cầm tiền hí hửng đi khỏi, tôi hỏi Phong:
- Đứa nào thế?
- Một đứa trẻ tôi gặp giữa phố. Dễ thường anh bắt tôi bỏ công việc đợi xe anh hẳn? Tôi phải thuê nó tiền bảo nó đứng đón anh hộ tôi.
Anh kéo tôi qua gian ngoài hiệu cao lâu, đến một căn rộng và ẩm thấp, la liệt những bàn ghế không có người ngồi. Tôi hỏi:
- Anh trọ ở hiệu cao lâu này à?
- Tởm lắm, phải không? Ở đây không có khách sạn nào khác. Nhưng cần gì? Việc cần nhất là anh đến đây. Anh phải giúp tôi.
- Thế còn việc điều tra buôn súng? Sao anh đi lâu thế? Mà sao anh không gửi bài về trước?
Phong không đáp, chỉ mỉm cười và hỏi lại tôi:
- Anh trông tôi thế nào?
- Vẫn như trước, có lẽ hơi sút đi chút đỉnh.
- Thế thì tôi chóng lại người thật. Ba hôm trước anh trông thấy tôi chắc anh phải ngạc nhiên.
- Anh ốm?
- Không! Hơn thế. Tôi suýt bị giết. Nhưng không hề gì, vì bây giờ tôi đang nói chuyện với anh. Tôi đi vào rừng, theo được vết bọn buôn ngang, tìm cách làm quen được với chúng, rồi được cùng với chúng qua các lối bí hiểm từ Lạng Sơn sang Tàu. Nhiều cái hay lẳm, lạ lắm. Nhưng cũng nguy lắm, ba lần suýt bị lính đoan bắt. Chúng nó có người tố cáo. Tôi bị chúng nó ngờ là mật thám, rồi sau cùng, chúng bàn nhau trừ tôi. Tôi trốn được: 15 ngày lẩn lút ở các rừng. Đói, khát, lo, sợ: đủ. Nhưng cũng không hề gì. Phải chịu bằng ấy cái khổ mà đem về được một mớ tài liệu quý thế là tôi hài lòng. Về đến đây, tôi được tin một nửa bọn chúng bị bắt ở Kép, tôi định ở lại xem xét thêm rồi về Hà Nội thì gặp được cái may ghê gớm: một cái án mạng kỳ quái mới xảy ra hồi mười một giờ đêm hôm qua.
Lê Phong châm thuốc lá hút, rồi cùng tôi lại ngồi bên cái bàn vuông bừa bãi những giấy má và bảo tôi:
- Tôi đã đánh bức điện tín thứ ba thông tin vắn tắt cho Thời thế rồi. Trừ báo mình, không báo nào biết chóng được thế. Cả buổi sáng hôm nay cũng chưa có một phóng viên nào đến lấy tin. Phóng viên ở đây làm việc hay tệ. Trưa hôm nay Thời thế phát hành thì Hà Nội đã biết việc này, đến mai thì có bài tường thuật rất kỹ lưỡng. Tôi sướng lắm, vì cái án mạng này rắc rối không biết chừng nào mà kể, Sở Liêm phóng ở đây, có lẽ ở cả Hà Nội lên đầy cũng chưa chắc đã tìm ngay được manh mối. Vậy thì tôi, tôi sẽ tìm. Để tôi kể tường tận cho anh nghe, anh sẽ viết hộ tôi, để tôi có thì giờ tra xét thêm... Anh cũng sẽ giúp thêm tôi nhiều việc khác nữa. Nhưng hãy gượm, tôi đói dữ lắm, để bảo họ đem cơm đã. Anh chưa ăn cơm phải không?
- Chưa.
Lê Phong ăn rất nhanh và rất khỏe, mặt mày hớn hở như đứa trẻ được quà. Nước da hơi xanh của anh hồng dần lên. Mỗi lần hầu sáng đem một món khác vào, đôi mắt lấp lánh và cánh mũi phập phồng ra vẻ thích chí. Anh bảo:
- Cứ nuôi thần xác mười hôm bằng những bữa cơm ông hoàng này là thừa bù lại những ngày nhịn đói ở trong rừng.
Tôi bảo anh kể những chuyện mạo hiểm ấy cho nghe thì anh lắc đầu:
- Không có thì giờ. Anh đọc những bài phóng sự sau sẽ biết. Đọc bằng con mắt độc giả để xem bài tôi có làm họ vui lòng được không. Ồ, nhiều đoạn ly kỳ khiếp lắm. Đây tôi đã viết được một ít có thể đăng được trong bốn, năm kỳ...
Rồi anh lại đưa tôi xem mấy quyển sổ tay lớn và dày, bìa ngoài với giấy trong bị nhàu nát nhiều chỗ. Chữ viết khi bẳng bút chì, khi bẳng bút máy và rất khó đọc. Tôi chỉ nhận được dưới mỗi đoạn lại có ghi ngày tháng và chỗ anh viết: 12 giờ trưa, 8 janvier, trên đường Tuần Muội. - 12 giờ ở nhà người Thổ H, đêm... - 10 giờ, 20 Janvier, viết trong rừng, bên một khóm lửa, vân vân.
- Rồi lại còn những ảnh chụp nữa, Văn Bình ạ. Nhiều lắm, nhiều cái tuyệt lắm. Mà chụp được họ thực khó khăn chẳng kém gì lên cung trăng... Tôi sẽ nói những nỗi khó khăn ấy với những mưu mẹo tôi dùng ở những bài sau này. Bây giờ nói chuyện đến cái án mạng đã.
Lúc ấy, hầu sáng đã mang cà phê tới. Tôi chăm chú ngồi đợi Lê Phong thuật chuyện, thì anh ta lại lẳng lặng, ngả người trên chiếc ghế, gác hai chân lên bàn, lim dim mắt nhìn tôi... Anh có dáng mơ màng của một người nhớ đến những chuyện vui xưa và đang sung sướng hưởng cái thú êm đêm ấy. Tôi giục hai, ba lần, anh mới bỏ chân xuống, ngồi thẳng dậy nhích ghế lại gần chỗ tôi, kéo nốt một hơi thuốc lá cuối cùng, rồi anh bắt đầu nói:
- Cái án mạng này có đủ các điều bí mật của một vụ án mạng lạ lùng ở Âu châu. Thực tôi không thể ngờ được rằng ở nước Nam này lại còn có một chuyện kỳ thú về nghệ thuật giết người đến thế... Bước đầu của tôi trong nghề phóng viên thực là có nhiều cái may không biết ngần nào. Tôi quyết rằng tôi sẽ là người phóng viên thứ nhất để khám phá một cái án mạng kỳ dị nhất.
“Bao nhiêu tâm lực tôi, lý trí tôi, tình cảm, thị hiếu, bản năng, trực giác của tôi đều sôi nổi lên... đều ‘thức tỉnh’ để chăm chú đến việc này.
“Phen này tôi đánh một ván cờ rất lạ với quân giết người mà tôi biết rất là tài tình. Tôi phải thắng, mà thắng một cách... rực rỡ. Nếu không, Văn Bình ạ, nếu không thì tôi không đáng là một phóng viên nữa, tôi sẽ không làm phóng viên nữa, mà không làm phóng viên nữa thì thôi! Đời tôi không còn có nghĩa lý gì!”
Đôi mắt Lê Phong có những tia sáng bất thường. Giọng nói của anh mỗi lúc một nồng nàn thêm nhiều câu rung động bên tai tôi, nghe thiết tha và quả quyết như những lời thề nguyền. Anh yên lặng một lát, nét mặt dịu dần, rồi cười nhìn thẳng vào mặt tôi như để dò xét tình cảm tôi sau khi nghe những lời khẳng khái ấy.
- Đoạn “văn mở đầu” ấy là chỉ nói cho chúng mình nghe với nhau thôi. Nói cho anh rõ tâm sự và lòng mong mỏi của tôi trong khi tìm khám phá cái án mạng này. Bây giờ mới vào bài, anh lắng tai mà nghe.
Rồi Lê Phong bắt đầu kể.
Cái may ghê gớm của Lê Phong
Ăn xong bữa cơm tối hôm trước, Lê Phong xem lại và thu gọn giấy má trên cái buồng nhỏ ở hàng cao lâu An Wing, rồi điếu thuốc lá ngậm bên mép, quyển sổ nhét trong túi, anh lững thững đi trong mấy phố vắng, nghĩ đến bài phóng sự sắp làm sôi nổi “dư luận” nay mai. Phong chưa đi Hà Nội ngay là vì anh còn muốn phỏng vấn mấy người mới bị bắt. Mấy người này là những tay buôn súng đã từng chuyện trò với Phong trong khi anh giả làm một người buôn gỗ trái phép và nhập bọn với họ trong rừng. Anh ngẫm lại những phen mạo hiểm đã qua và cười một mình:
- Bây giờ họ gặp mặt ta, nếu nhận ra được thì cũng khá buồn cười.
Vì họ có lần ngờ cho anh, nhưng chỉ tưởng là người của nhà đoan, chứ không biết anh là một phóng viên nhà báo.
Mưa vẫn lót phớt bay từ buổi sáng, bấy giờ tuy đã tạnh, nhưng mỗi cơn gió thổi lại làm rụng xuống những hạt nước đọng trên các đầu cây. Lê Phong hít thử cái không khí lạnh lùng ban đêm một cách khoan khoái. Dưới ánh đèn điện thưa, mặt đường lấp loáng ở giữa hai dãy nhà im lặng. Tiếng giày của Lê Phong thong thả nện trên bờ hè... Qua mấy phố cùng vẳng tẻ như nhau, anh ta rẽ sang con đường chạy qua nhà ga. Lúc đi tới trước cửa Sở Cảnh sát thì đã quá mười giờ.
Phong chú ý nhìn chiếc đồng hồ đeo tay của anh. Cái mặt kính rạn ra mấy đường cong queo nhắc cho anh nhớ tới những phút nguy kịch anh chạy trốn trong rừng... Bỗng một chiếc xe hơi sấn sổ chạy đến, bùn nước bắn tóe ra làm Phong phải nhảy lánh vào một phía. Phong đang lẩm bẩm mắng anh tài xế thì xe rít lên một tiếng, đứng im lại, rồi cửa xe mở, một người ăn mặc âu phục nhảy ra.
- Không phải chuyện thường.
Phong tự nghĩ thế, rồi mặc kệ hai ống quần bùn bắn, lẻn đứng bên gốc cây gần đó, và nghe.
Người đàn ông kia chạy như một thẳng điên vào đập cửa Sở Cảnh sát. Lúc hắn quay trông ra thì ánh điện soi vào một cái đầu không đội mũ. Phong nhận được một bộ mặt bơ phờ, nhớn nhác, nhưng nét đầy đặn, cái miệng hé mở lấp lánh mấy chiếc răng vàng. Phong bước lại gần. Cửa Sở Cảnh sát mở, người đàn ông liền nắm lấy tay viên cẩm, vừa nói vừa thở mấy câu tiếng Pháp:
- Thưa ông chánh cẩm, nhà tôi vừa gặp một sự ghê gớm lắm. Người em họ vợ tôi vừa mới bị giết... Ông đến mau lên.
Viên chánh cẩm toan càu nhàu, nhưng khi nhận được ra người vừa đến và nhất là khi nghe người ấy nói thì vội vàng mời người ấy vào. Cửa Sở Cảnh sát mới đóng lại được nửa chừng, bỗng ngừng lại. Lê Phong đã đứng đó.
Anh ta thấy vẻ mặt viên cẩm không được nhã nhặn mấy, liền giả vờ sợ hãi vội vàng như người đàn ông lúc nãy, rồi lẳng lặng theo người ấy vào.
- Thế nào? Người nhà ông bị giết thế nào? Lúc mấy giờ?
- Vừa bị giết xong một nhát dao đâm trúng tim, chết ngay lập tức.
- Mà ai giết?
- Tôi không biết. Tôi vừa ở Hà Nội về. Đến cổng thì thấy tiếng vợ tôi kêu, lên đến nhà, chạy sang phòng bên, thì đã thấy Ngung nằm trên vũng máu. Ngung là người em vợ tôi. Cửa ngõ nhà tôi đóng cả. Cửa sổ đóng, cửa phòng khóa. Ngung vẫn ngồi nói chuyện với vợ tôi ở phòng giữa. Mười giờ, vợ tôi sang buồng bên cạnh đi ngủ, bỗng thấy tiếng kêu ghê gớm, chạy sang thì Ngung đã bị giết rồi... Con dao còn cắm ở ngực... Mà trong nhà không có một người nào khác... Tôi sợ quá, vội chạy lên đây báo ông.
- Ông chắc người kia chết thực rồi ư?
- Chắc.
- Được, để tôi gọi điện thoại cho ông dự thẩm với ông thầy thuốc của tòa án, rồi ta đi... À, ông có xe đấy chứ?
- Vâng, ở ngoài kia.
Ông cẩm chỉ vào Phong:
- Thế còn người này?
Người đàn ông giương mắt nhìn Phong rồi nhìn viên cẩm:
- Kìa, tôi tưởng ông này là người trong sở?
Viên cẩm:
- Còn tôi, tôi tưởng là người đi với ông.
Phong liền cúi đầu chào cả hai người, mỉm một cái cười có duyên nhất của anh ta và nói một câu rất lễ phép:
- Thưa các ông, các ông tưởng nhầm cũng phải, vì tôi chưa tự giới thiệu.
Viên cẩm bỗng đùng đùng nổi giận:
- Nhưng mà... ai cho phép ông vào đây?
Lê Phong dịu dàng thưa:
- Ông cẩm có việc bận thế, ai dám xin phép để mất thì giờ của ông... Nhưng mời ông hãy đi đánh điện thoại cho ông dự thẩm với ông đốc tờ đi đã. Việc ấy cần hơn.
- Ồ, ông rõ thực là...
Nhưng ông cẩm đi vào, bảo một người ở bàn giấy trong:
- Ông làm ơn gọi máy nói đến nhà ông dự thẩm ngay cho, nói rằng có việc rất cần, một cái án mạng ở phố... (viên cẩm hỏi người đàn ông) ở phố nào nhỉ?
- Phố Châu Giang.
- Ở phố Châu Giang, nhà ông Léon Yune, chúng tôi đợi ông ở đây để cùng đi. Ông lại báo tin này cho ông đốc tờ biết nữa.
Rồi ngảnh nhìn Phong bằng đôi mắt thù hằn, để sắp sửa nói tiếp câu giận dữ lúc nãy:
- Ông là...
Thì Phong liền đỡ lời:
- Tôi là một người rất kính trọng ông cẩm, đó là một việc. Tôi lại là phóng viên của một nhà báo lớn: báo Thời thế, đó là một việc thứ hai. (Vừa nói, anh ta vừa lấy tấm giấy chứng nhận của nhà báo đưa ra cho viên cẩm xem) Tôi bước chân vào đây có cả hai việc đó, và mong rằng...
- Tôi cũng mong rằng ông ra khỏi đây ngay tức khắc, tôi không cần đến phóng viên.
Lê Phong vẫn giữ nụ cười có duyên.
- Vâng, nhưng nếu tôi không thể có ích cho ông thì xin ông cho phép tôi có ích cho báo của tôi vậy. Tôi muốn điều tra về...
- Ông muốn điều tra thì mai lại đây mà hỏi. Còn đến khám xét là công việc của luật pháp, chứ không phải việc các ông.
- Nhưng chúng tôi muốn giúp luật pháp một phần...
Viên cẩm không thèm nghe Phong nói hết đi thẳng vào bàn giấy sắp mấy tờ giấy để vào cặp. Một lúc lâu ông mới đi ra.
Phong ngảnh lại nói với người đàn ông đứng đó:
- Thưa ông, chúng tôi mong biết rõ sự thực, sự thực tường tận, và mong ông sẽ vui lòng cho chúng tôi được biết rõ về việc này. Tôi sẽ xin hết lòng giúp ông, nếu chúng tôi có thể giúp được...
Nhưng viên cẩm không cho Phong nói nữa, ép anh ta lui ra cửa, thì vừa lúc ông dự thẩm và sau đó gần một phút, ông đốc tờ cũng bước vào.
Viên cẩm thuật qua lời người đàn ông và không quên nhắc đến sự quấy rầy của người phóng viên nhà báo, cho hai người mới đến nghe, rồi cùng vội vã ra xe hơi, mặc Lê Phong ở lại.
Lê Phong buồn bã, đứng nhìn theo họ, còn nghe thấy viên cẩm càu nhàu:
- Ồ, các phóng viên bao giờ cũng thế, mà ở đâu cũng thế!
 
Xe chạy trong năm phút đã đến nhà xảy ra án mạng. Một cái nhà hai tầng rộng lớn, ở lui vào trong sau những dãy nhà thấp hơn và xa đường chừng hai mươi thước. Chung quanh nhà, tường cao vây kín. Xe dừng lại bóp còi đợi cho cái cổng sắt mở rồi đi thẳng vào trong sân.
Ba người Pháp: viên dự thẩm, viên cẩm, viên đốc tờ và người đàn ông đên báo tin lúc nãy cùng lên gác, vào trong một phòng ngủ thì thấy một người thiếu phụ đang ngồi ôm mặt khóc, ở bên giường:
- Người này là vợ tôi. Chỗ em tôi bị giết ở phòng bên cạnh.
Người đàn ông nói rồi đưa mấy người Pháp sang căn phòng bên, nửa là phòng khách nửa là phòng đọc sách. Người chết nẳm trên một cái divan rộng, áp vào một phía tường.
Viên dự thẩm đưa mắt nhìn quanh một lượt, chưa để ý đến cái tử thi vội. Ông đi lại bên cái bàn vuông nhỏ giữa phòng, ngồi xuống, đặt giấy má lên đó rồi nói với người đàn ông:
- Trước hết, chúng tôi cần biết trong nhà có bao nhiêu người? Có ông là ông Léon Yune... tên ông là Léon Yune phải không?
- Vâng, như ông đã biết.
- Ông là dân Hoa kiều?
- Tôi là khách lai.
- Bao nhiêu tuổi, và làm nghề gì?
- Ba mươi sáu tuổi, buôn bán và chủ đồn điền.
- Vợ ông, tên là gì? Bao nhiêu tuổi?
- Đào thị Can, hai mươi chín tuổi.
Ông ta cúi xuống biên chép mấy chữ rồi lại nói:
- Ông làm ơn cho gọi bà Léon Yune sang đây.
Lúc ấy viên cẩm bỗng cau mày xẵng tiếng hỏi một người có mặt đứng ở khung cửa thông sang phòng ngủ.
- Ai cho phép ông vào đây mới được chứ?
Người ấy là Lê Phong.
Lê Phong cười:
- Xin lỗi các ông! Tôi quyết không khi nào làm trở ngại việc các ông, các ông cứ cho tôi là một người khách quan, một người khách quan vô tư, yên lặng như bức tường này là đủ.
Cái cười có duyên của anh, anh lại đem ra dùng một lần nữa để đưa đẩy câu nói của mình:
- Vả lại, cho công chúng biết việc án mạng này với biết tài tra xét và quý danh của các ông, chắc cũng không khiến cho các ông phiên lòng quá.
Ông dự thẩm thấy điệu bộ nhanh nhẹn và láu lỉnh của Lê Phong, yên lặng nhìn anh ta, nhưng đôi mắt của ông không tỏ ra vẻ ác cảm với anh lắm.
Viên cẩm vừa bĩu môi vừa nhún vai; còn viên đốc tờ chỉ nói:
- Mà cho người ta ở đây cũng không có hại gì.
Lê Phong cúi chào ra ý cảm ơn ông đốc tờ:
- Vâng, không những không có hại gì, mà tôi lại giúp thêm các ông được một tay. Trước hết, tôi đã xem qua giúp các ông cái lối đi qua trước cửa ba gian phòng ở trên gác này, và tôi thấy có những vết giày từ đầu thang gác đến cửa buồng ta đương đứng đây. Cửa buồng này khóa. Nên vết giày lại thấy đi từ đó sang cửa phòng ngủ đằng sau tôi...
- Đó là vết giày của tôi (lời người khách lai).
- Vâng, tôi hiểu. Nhưng vết ấy tỏ ra rằng ông nghe thấy tiếng kêu của bà Duỳn đã chực mở cửa phòng giữa, nhưng không được nên mới chạy sang cửa phòng bà...
Viên cẩm vội ngắt lời:
- Thế nghĩa là ông chẳng tìm được cái gì lạ hết. Những điều quan sát trẻ con ấy, ông không cần phải dạy ai. Ông muốn xem thì đứng yên đó, không nói năng, không bàn bạc. Nếu không thì mời ông ra.
Lê Phong lại cúi chào, rồi nhích sang một bên để người thiếu phụ bước vào.
Anh ta đem hết sức tinh tường của đôi mắt trong sáng ra để trông khắp phòng, trông rất nhanh nhưng rất cẩn thận.
- II -
vẫn câu chuyện của lê phong
Tới đoạn chuyện mà tôi thuật ra trên kia, Lê Phong ngừng lại, lấy điếu thuốc lá khác nối theo điếu trước, rồi ngửa cổ phun khói lên trần nhà.
Tôi hỏi:
- Anh làm thế nào đến nhà người khách lai chóng được thế? Bọn kia đi ô-tô kia mà?
- Thì tôi cũng đi ô-tô.
- Ô-tô nào?
- Ô-tô của họ.
Phong cười vì thấy tôi ngẩn ngơ chưa hiểu. Anh nói:
- Con nhà làm báo ít ra cũng phải có một nghìn và một mưu kế trong túi, hay nói một cách giản dị hơn, ít ra cũng phải tinh quái hơn ma. Anh thử nghĩ xem, tôi vì sự tình cờ, trong một đêm tẻ ngắt ở một tỉnh cũng tẻ ngắt như Phủ Lạng Thương này, bỗng dưng gặp ngay một việc khác thường, gặp một cái án mạng mà tôi gọi là “cái may ghê gớm” của tôi, còn cơ hội nào tốt hơn nữa. Tất nhiên là tôi vội vàng nắm lấy cổ nó. Nắm cổ cái cơ hội, đã đành.
“Cho nên khi bọn ông dự thẩm ngồi vào xe, tôi buồn rầu vì không được đi theo họ. Chợt nảy ra một cái ý kiến. Tôi liền nhảy thẳng ba bước, thêm một bước ngang về tay trái: thế là bạn anh đã bám được cái hòm ở đằng sau xe.
“Đi ô-tô bằng cách ấy kể cũng không được sang trọng mấy. Nhưng cần quái gì? Cách nào dẫn được đến chỗ án mạng cũng tốt.
“Tôi rón rén theo họ lên gác mà họ không biết, đứng lại ở cái lối đi ngang trước ba cửa buồng trên đó, nhân thể đi quan sát rồi cẩn thận đi vào trong căn phòng thứ nhất là chỗ vợ người khách lai đương ngồi khóc một mình. Mấy nhà chức trách đang khám xét phòng giữa ở ngay bên cạnh. Bên này, tôi lại đóng vai kịch lúc ở Sở Cảnh sát: nghĩa là trước mặt người thiếu phụ tôi giả vờ làm một người theo ‘quan cẩm’ tới đây. Người thiếu phụ cũng không buồn hỏi xem tôi là ai, nên vai kịch cũng dễ đóng.
“Tôi vừa nghe ngóng, vừa xem xét gian buồng ngủ này một lát, định hỏi người thiếu phụ mấy câu thì bên kia ông dự thẩm đã cho gọi cô ta. Tôi liền bước sang, và vì thế mới thấy bộ mặt ngạc nhiên và khó chịu của viên cẩm.
“Cũng may mà ông dự thẩm không ghét người một nhà báo, lại thấy tôi là một phóng viên không đụt lắm, nên cho phép tôi được theo đuổi cuộc điều tra riêng của tôi. Một lần tôi nghe thấy ông ta nói với viên đốc tờ:
“- Người thiếu niên ranh mãnh này nhắc tôi nhớ tới mấy tay phóng viên bên Pháp.
“Cái cảm tình ấy có ích cho tôi lắm: trước hết viên cẩm bắt đầu nhìn tôi một cách ôn hòa hơn...
“Người thiếu phụ, vợ Lường Duỳn bước vào phòng thì viên cẩm mời cô ta đợi đó. Trong lúc ấy, ông dự thẩm cùng với ông đốc tờ đến khám xét tử thi. Người bị giết trạc độ ngót ba mươi, mặc một bộ pyjama màu da trời, đẫm những máu, nhất là ở phía ngực. Mặt lúc thường có lẽ đều đặn, trắng trẻo, lúc đó trông xanh xám và lộ ra vẻ sợ hãi không biết chừng nào. Vũng máu ở trên sàn gỗ, gần phía đường trong, tỏ ra rằng trước khi người ta đặt hắn lên chiếc divan, hắn đã có lẫn ngã gục xuống đất.
 
 
 
“Hắn bị giết bằng một thứ dao nhọn, chuôi gỗ, mà lúc ấy, ông đốc tờ đã rút ra. Lưỡi dao dài hơn mười phân tây và cắm ngập vào gần hết. Lúc người thầy thuốc lấy kéo cắt mở cái áo pyjama ngoài với hai lần áo pullover và sơ-mi trong ra, thì thấy rõ vết đâm trên ngực người chết. Vết ấy nằm ngang phía dưới vú, rộng chừng hai đốt ngón tay. Ông đốc tờ xem cẩn thận tử thi một lúc lâu, rồi ngửng lên:
“- Không có vết thương nào khác. Người chết bị đâm trúng tim, đâm rất mạnh, vì con dao cắm sâu vào những tám phân. Ông cẩm, ông thử hỏi xem ở trong nhà này có ai biết con dao này không?
“Mọi người đều trả lời không và nói thêm rằng chưa từng trông thấy thứ dao như thế bao giờ.
“Nhưng đối với tôi thì con dao ấy không phải là một vật lạ. Đó là một thứ khí giới nhỏ của người Thổ, Mán đem theo trong lúc đi rừng. Lưỡi dao những lúc không dùng đến, thường tra trong vỏ gỗ ngoài bọc da, hoặc bọc mây ken.
“Tôi xin phép cầm lấy dao xem, bỗng kinh ngạc vô cùng: đằng chuôi dao, tôi đọc thấy bốn chữ nho khắc nông vào gỗ: ‘thần đao bảo mệnh’. Tôi nhớ lại rõ ràng rằng đã có lần trông thấy con dao giống như thế ở tay một người buôn lậu. Trông những nét chữ cứng, tôi lại thấy còn nguyên những vết đất nhét vào. Hai người Pháp thấy tôi có vẻ suy nghĩ, cũng lấy làm lạ. Một người hỏi:
“- Có việc gì vậy?
“Tôi đáp:
“- Nếu đó là sự tình cờ, thì thật là một sự tình cờ rất lạ lùng. Con dao này tôi đã từng trông thấy trong lúc dò theo bọn buôn lậu trong rừng để làm phóng sự... Vậy thì việc án mạng này hẳn có liên can đến bọn ấy. Vừa rồi, bọn chúng bị tố cáo, và một số người bị bắt, vậy có lẽ đây là một việc trả thù... Nhưng đó chỉ ý riêng của tôi, xin các ông cứ tra xét cho cẩn thận”.
Mọi người cùng thấy một cảm giác kỳ dị mới lạ: cái bí mật hình như dần dần ám đến, mỗi lúc một nặng nề thêm.
“Trên mặt mấy người Pháp, tôi thấy có vẻ rất trang nghiêm. Còn người khách lai và người thiếu phụ thì mặt như tái đi, vì lo sợ...
“Khám xét tử thi thì không có một dấu vết tỏ ra đã phải chống cự với một người trước khi bị giết.
“Vả trong phòng, bàn, ghế vẫn có thứ tự; một bộ xa lông nhỏ ở giữa, trên có mấy cuốn tạp chí và hai quyển tiểu thuyết; phía đầu chiếc divan bên tay phải, một cụm hoa tươi cắm trong một cái bình pha lê. Phía tường trong, một chiếc bàn dài và cao, bằng gỗ gụ đen và đánh xi bóng loáng. Bàn kê áp vào trước cái cửa sổ có chấn song sắt, cánh cửa chớp bên ngoài đóng chỉ mở có hai cánh cửa kính bên trong. Đối diện với cửa sổ là cái cửa vào vẫn khóa, mà chìa khóa ở trong vẫn cắm ở lỗ khóa. Bức tường phía trái có một cửa ăn thông sang phòng của Đào Ngung, tôi đã có thì giờ xem qua gian phòng này: cửa sổ cũng đóng và cánh cửa ra ngoài hiên gác cũng khóa. Bức tường bên phải có cửa thông sang phòng ngủ của hai vợ chồng người khách lai.
“Đây tôi phác về cái plan (bình diện) ba gian trên gác cho anh dễ thấy”.
Rồi Lê Phong lấy bút vừa vẽ vừa cắt nghĩa cho tôi xem bức bình diện sau này:
 
A drawing of a house

Description automatically generated
 
“Anh xem đó, thì biết cái án mạng này thực là khác thường. Mà thực là một vụ án mạng, chứ không phải là một vụ quyên sinh. Mấy cuốn tạp chí vui còn mở, để trên mặt cái bàn tròn mà người chết vừa đọc một giờ trước, với hai cốc rượu mùi để trên lò sưởi, tỏ ra rằng người chết không phải là người rắp tâm tự tử. Vả theo lời vợ chồng Lường Duỳn, thì Đào Ngung vẫn là người vui tính, thích sống và không có một điều gì bận lòng qua... Mà nếu muốn tự tử chăng nữa, tất phải chọn những lúc khác.
“Vậy thì con dao kia tự đâu mà cắm vào ngực Đào Ngung? Tự tay ai, mà ai có thể vào được đây? - Bí mật!”
 
Cuộc thẩm vấn
(Tiếp theo lời thuật chuyện của Lê Phong)
Cuộc thẩm vấn làm ngay tại trận rất kỹ càng chu đáo, nhưng sự bí mật càng thấy dày đặc hơn.
Người khách lai khai rằng Đào Ngung không quen biết ai ở Phủ Lạng Thương. Về cuộc đời của Ngung, Lường Duỳn cũng không được biết rõ lắm. Vì tuy Ngung có họ với vợ hắn, nhưng mới biết nhà chị được có từ đầu tháng Sáu, nghĩa là cách đây tám tháng, nhân một hồi vợ Lường Duỳn đi Lao Kay thăm bà con. Từ đó Ngung thỉnh thoảng đến Phủ Lạng ở chơi đôi ba ngày, lần này định ở đó ít lâu để nhờ Duỳn tìm cho một việc. Thấy Ngung là người nhã nhặn, lịch thiệp, nên Duỳn rất có bụng mến, và muốn giúp trong lúc cơ nhỡ. Nhân có ít đồn điền ở Kép, người khách lai đang tìm người giao cho việc coi sóc để khai khẩn thêm, ông ta định rằng trù tính xong mấy việc riêng rồi sẽ đưa Ngung lên Kép để Ngung ở đó cai quản thay cho mình. Hai giờ chiều hôm đó, Lường Duỳn phải đi Hà Nội lập thương ước với đại biểu một hội buôn ở Hồng Kông mới sang: ông ta có giao dịch với những nhà đại thương ngoại quốc. Việc điều đình xong sớm, ông ta không muốn lưu lại ở Hà Nội đến hôm sau theo như lời đã dặn ở nhà, nên ngay tối hôm đó một mình đi xe hơi về ngay. Vừa đến cổng nhà thì đã nghe thấy tiếng vợ kêu, mãi một lát sau, đầy tớ mới thức dậy ra mở cổng. Duỳn đâm bổ lên gác thì đã thẩy Đào Ngung bị giết rồi. Viên cẩm hỏi:
- Lúc ấy mấy giờ?
- Mười giờ hai mươi.
- Thế ra đầy tớ nhà ông đã ngủ cả?
- Phải. Tôi thường cho chúng nó đi nghỉ sớm. Tiếng vợ tôi kêu với tiếng tôi gọi mất đến hai, ba phút mới thấy chúng nó dậy.
- Họ thường ngủ say đến thế kia ư?
- Tôi không gọi chúng nó khuya bao giờ, nên không được biết.
Viên cẩm lại hỏi:
- Lúc ông lên tới đây thì ông đã thấy đầy tớ ông có đứa nào lên đây trước chưa?
- Chưa. Chỉ thấy vợ tôi đang kêu khóc bên tử thi Ngung.
- Ông chắc chứ?
- Chắc. Tôi vừa vực Ngung dậy đặt nẳm lên divan, rồi mới thấy thằng bếp với thằng xe vào. Còn con sen thì vào sau, vợ tôi phải đi đánh thức nó dậy.
- Con sen ngủ ở đâu?
- Ở cái buồng nhỏ trước cửa phòng ngủ chúng tôi.
Lê Phong vẫn lẳng lặng ngồi nghe không bỏ sót lời nào, vừa nghe vừa lấy bút chì ghi chép lấy những chỗ quan trọng. Lúc ấy anh bỗng ngừng lại len một câu nói:
- Xin phép cho tôi hỏi một điều cần lắm. Buồng con sen lúc ấy đóng hay mở?
Người khách lai ngảnh lại hỏi vợ:
- Hình như vẫn đóng, có phải không mình?
Người thiếu phụ gật đầu. Lường Duỳn nói:
- Đóng, nhưng vì buồng ngủ của nó ở trước buồng ngủ của tôi, nên mọi khi gọi đến hai tiếng nó đã tỉnh dậy. Duy có lần này...
Phong toan hỏi thêm, nhưng viên cẩm đã hỏi trước:
- Đầy tớ nhà ông có ai nữa không?
- Không, chỉ có ba người này. Còn một người sốp phơ thì đã ba hôm nay xin phép tôi về quê thăm người nhà ốm nặng. Tôi cầm lái lấy được, nên không phải mượn ai thay.
Lê Phong lại hỏi nữa:
- Ông làm ơn cho biết lúc ông tới vực Ngung thì Ngung còn sống hay đã chết thực rồi?
- Tôi không nhớ rõ.
- Vậy mà đó là điều quan hệ nhất, là vì...
Viên chánh cẩm tỏ ý khó chịu về sự can thiệp của người phóng viên. Ông ta nhún vai nói:
- Điều đó hỏi vô ích. Người chết bị đâm trúng tim, con dao lại đâm rất sâu. Sống thế nào được. Thôi, ông Léon Yune khai thế cũng tạm đủ. Bây giờ chúng tôi muốn nghe lời khai của bà Yune.
Người thiếu phụ không hiểu tiếng Pháp. Lê Phong xin làm thông ngôn hộ và nhân thể để hỏi những điều cần. Anh ta vừa hỏi vừa ngắm cái nhan sắc “mê hồn” (theo lời Lê Phong) đã làm cho anh ta chú ý ngay từ lúc đầu.
Vợ Lường Duỳn có một vẻ đẹp vừa sắc sảo, vừa dịu dàng, đôi mắt sáng ra vẻ rất thông minh, trông lúc nào cũng như ẩn không biết bao nhiêu nỗi buồn sâu xa mà cái thảm trạng đêm hôm đó đã làm tăng lên gấp bội. Giọng nói nhỏ nhẻ, trong trẻo, khi nói, hai bên má phấn hây hây đỏ tuy cái sắc lo sợ đau đớn vẫn chưa phai. Cặp môi thắm, nét môi thanh tú, màu son tươi hơi long lanh dưới ánh đèn.
Lê Phong, trong lúc dịch những câu hỏi của viên cẩm và lúc nghe người thiếu phụ trả lời thường bất chợt thấy lòng anh ta xôn xao lên một cách mới lạ.
Người thiếu phụ thong thả khai:
- Cái cảnh tượng ghê gớm đây thực tôi không ngờ có thể xảy đến một chút nào. Cả em tôi cũng thế, vì trước đó có mấy phút, em tôi vẫn vui vẻ nói chuyện với tôi như thường. Câu chuyện của chúng tôi xoay về việc buôn bán, làm ăn. Nhưng tỏ ra người sung sướng vì gặp được nhà tôi là người sẵn lòng trao cho cậu ta coi sóc việc khai khẩn ruộng đất. Tôi yên lòng vì cậu ta đã biết tu chí, vì trong lúc chị em gặp nhau thì tôi thấy Ngung hay chơi bời. Cậu ta là con bà dì họ tôi, trước buôn bán ở Lao Kay. Dì tôi mất đã lâu, mà từ hồi tôi lấy chồng cũng không có lúc nào thăm hỏi đến các em tôi được.
“Hồi chiều, nhà tôi xuống Hà Nội tuy có dặn quá chín giờ không về thì sáng hôm sau mới về, nhưng chúng tôi cũng ngồi nói chuyện tới nửa đêm, có ý đợi gắng xem, tiện dịp nhắc lại những chuyện cũ... Đến mười giờ tôi thấy mỏi mệt mới đặt rổ khâu đứng dậy, vì tôi vừa nói chuyện vừa đan cho nhà tôi một cái áo len, Ngung cũng sửa soạn đi ngủ. Tôi sang phòng bên vừa toan bỏ áo, bỗng thấy Ngung khẽ kêu lên như thấy một sự kinh ngạc rồi liền đó thét lên một tiêng rất lớn. Tôi run người lên vì sợ, chạy sang xem thì thấy mặt Ngung tái ngắt, hai mắt hoảng hốt, há miệng ra toan nói, nhưng vừa bước về phía tôi một bước thì ngã vật xuống, ngực đã bị con dao đâm tự lúc nào...
“Tôi không còn hồn vía nào, vừa tìm cách nâng đỡ em vừa thất thanh gọi con sen, nhưng không ai thưa, thì một lát thấy còi ô-tô nhà tôi về”.
Viên cẩm hỏi:
- Trong lúc bà sợ hãi, có lẽ hung thủ lẻn ra mà bà không biết được.
Vợ Lường Duỳn đáp:
- Thưa ông, nhà chúng tôi có ai vào được mà bảo rằng lẻn ra... Vả lại tôi biết chắc rằng tôi không thấy một bóng người nào hết...
“Đèn trong này sáng, mà lối ra chỉ có cái cửa thông sang phòng ngủ của tôi...”
Hỏi - Bà chạy sang phòng Ngung có ý ngờ hung thủ ẩn ở đó không?
Đáp - Không, phòng bên ấy tôi biết cửa vẫn khóa. Lúc nhà tôi vào đỡ Ngung, tôi cũng đã chạy sang xem cẩn thận.
H - Bà sang một mình?
Đ - Vâng.
H - Bên ấy cũng vẫn để đèn sáng như bây giờ?
Đ - Vâng.
H - Còn cửa phòng của bà, lúc trước cũng khóa như cửa gian này với phòng Ngung?
Đ - Vâng, nhưng lúc mười giờ là lúc tôi sang toan đi ngủ thì tôi mở khóa ra định thay áo xong sẽ sang phòng rửa mặt. Song cánh cửa vẫn chưa mở ra lần nào. Lúc nhà tôi về thấy khóa cửa phòng này, nên chạy sang do lối cửa bên ấy vào đây.
Lê Phong không dịch câu trả lời ra tiếng Tây vội. Anh ta chăm chăm cái bút chì trên quyển sổ tay, se sẽ len một câu hỏi riêng:
- Lúc ông Duỳn vào đây vực tử thi ông Ngung lâu hay chóng? Điều này tối quan hệ, xin trả lời cho thật đúng.
Người thiếu phụ đáp:
- Tôi sang trông qua một lượt định trở lại ngay thì nhà tôi bảo phải xem cẩn thận các cửa sổ với cánh cửa - cửa sổ chỉ có cái ở đầu giường là mở, nhưng đã có chấn song sắt, người ngoài không thể nào lọt vào được, còn cửa lớn thì vẫn khóa chặt. Tôi lại mở tủ áo bên ấy ra xem cho chắc chắn, nhưng cũng không thấy gì.
Lê Phong - Thế ra chính bà mở tủ?
Người thiếu phụ - Vâng.
L.P - Và đánh rơi một cái áo xuống. Bà có đưa tay vào lục soát một lúc?
N.T.P - Vâng, sao ông biết?
L.P - Vì tôi có xem qua. Nhưng không hề gì. Để tôi cắt nghĩa câu lúc nãy ra tiếng Tây đã.
Viên cẩm lại hỏi:
- Bà có ngờ cho ai là hung thủ không?
Nhưng Lê Phong vẫn theo ý riêng của anh ta dịch câu ấy dài dòng hơn:
- Việc này rắc rối lắm. Em bà bị giết, mà trong nhà chỉ có một mình bà. Các cửa đóng kín. Hung thủ không ra được, mà cũng không có lối vào...
Người thiếu phụ vội nói:
- Thế các ông ngờ tôi giết em tôi?...
Phong se sẽ lắc đầu nhìn người thiếu phụ tỏ vẻ yên ủi:
- Không, nhất là tôi thì không nghĩ thể một tí nào hết... Vì một người như bà có lẽ nào. Song tôi muốn hỏi bà có ngờ cho ai không?
Buồn rầu, người thiếu phụ thưa:
- Tôi biết thế nào mà ngờ cho ai được? Nhưng...
- Xin bà cứ nói, đừng nên giấu một điều gì hết... Bà có ý kiến gì không?
Lúc đó, người thiếu phụ đưa mắt như tỏ ý xin lỗi chồng. Lường Duỳn vẫn chú ý nghe lời khai của vợ, lúc ấy ngồi gần lại và ôn tồn nói:
- Mình có điều gì cứ nói. Sự thực rất cần cho việc tra xét cái án mạng này.
Người thiếu phụ thở dài một tiếng rồi ngảnh lại nói với Lê Phong:
- Thưa ông, lúc nãy tôi thấy ông nói rằng con dao giết em tôi là thứ dao của người đi rừng, nên tôi chợt nghĩ ra... Trước kia, khi chưa được gặp tôi, em tôi cũng là một người theo bọn buôn súng lậu, nhưng bây giờ không còn dính dáng đến việc ấy nữa, vì nguy hiểm nhiều mà cái lợi chia ra không bù lại được với những lúc gian nan. Hẳn bỏ nghề buôn ấy để tìm cách buôn bán vững vàng như mọi người và yên lòng trông cậy ở vợ chồng tôi. Nhưng hắn thường áy náy luôn, hắn sợ rằng bạn buôn trước ngờ cho hắn đem tâm phản trắc. Một vài lần viết thư cho tôi, hắn vẫn nói đến chuyện ấy, song tôi tưởng không nên cho nhà tôi biết rõ là hơn. Lúc nãy tôi thấy ông nói con dao này chính là một thứ dao của bọn họ hay dùng, lại vừa rồi ở tỉnh này có mấy người buôn lậu bị bắt, nên tôi cũng ngờ rằng em tôi bị bọn họ báo thù...
Mọi người đều cho những lời khai ấy là những lời quan trọng nhất trong cuộc thẩm vấn. Nguyên nhân vụ án mạng như đã hé thấy. Lê Phong ra vẻ đắc chí lắm, vì anh ta thấy câu đoán thứ nhất của anh ta không sai.
Hỏi đến bọn tôi tớ nhà Lường Duỳn thì chúng khai không biết một tí gì trước khi nghe thấy tiếng kêu của vợ người khách lai và tiếng còi xe hơi ở ngoài cổng. Chúng lên gác cùng với chủ nhà và quả quyết rằng nếu ở trong phòng có ai chạy ra thì thế nào chúng cũng trông thấy. Trong lúc Lường Duỳn đi báo sở cẩm thì chúng vẫn đứng canh ở cái cửa mở độc nhất, là cái cửa phòng ngủ trước lối thang gác lên. Không một phút nào chúng rời khỏi chỗ đứng canh, mà cũng không thấy qua bóng một người nào lạ.
 
Các nhà chuyên trách mỗi lúc một thấy vụ án mạng thêm kỳ bí hơn lên. Họ dùng các phương pháp nhà nghề khám xét mọi nơi: từng cánh cửa, từng mặt bàn, chân ghế, từng cái song sắt cửa sổ. Họ khiêng cả cái bàn gỗ gụ lớn ra một chỗ để tiện xem xét cái cửa sổ gian giữa là gian xảy ra án mạng. Ngoài hàng song sắt, hai cánh chớp vẫn đóng, cái then sắt dọc vẫn ở trong khớp, họ phải vặn cái nắm mới đẩy được ra. Không! Không có một dấu vết nào của hung thủ để lại. Không những thế, đến cái cách hung thủ dùng để ám sát Ngung một cách nhanh chóng như thế cũng không thể nào đoán ra được. Lê Phong, hai tay chắp sau lưng, không để ý gì đến mấy người Pháp, cứ lò dò nhìn hết xó này đến xó khác, ngắm từ viên gạch lát trên sàn gác đến cái nắm cửa ở mấy cánh cửa buồng.
Anh ta cũng không ra ý cần theo bọn đại biểu cho pháp luật xuống khám xét chung quanh nhà. Đợi lúc trong phòng chỉ còn có ba tên đầy tớ với vợ Lường Duỳn, anh ta liền nhìn vào mặt con sen cười:
- Chị này đã khỏi rức đầu chưa?
Con sen ngạc nhiên thì anh ta đã hỏi luôn:
- Có phải chị rức đầu từ chập tối không? Tôi trông mặt chị tôi biết.
Rồi liếc nhìn người thiếu phụ rưng rưng nước mắt bên cái xác chết, anh ta se sẽ nói:
- Cái liều thuốc ngủ ấy mới công hiệu làm sao!
Thì bỗng thấy người đàn bà biến sắc mặt đi, ngửng lên nhìn trộm Lê Phong. Anh đủng đỉnh châm thuốc lá hút và đủng đỉnh đến bên cái bàn gỗ gụ đen, vừa đi vừa thổi sáo.
Sau nhà, phía dưới cửa sổ, mấy người Pháp đang bàn cãi luôn mồm. Lê Phong mỉm cười đẩy cửa sổ trông ra cái vườn lá cây cao và rậm, ở ngoài bức tường trên lấp lánh những mảnh chai... Anh lim dim mắt, vươn hai tay về đằng sau hít một hơi gió mạnh vào ngực ra chiều khoan khoái lắm.
Bỗng nhiên anh chau mày lại, trừng mắt nhìn thẳng đến ba, bốn phút, rồi ngoắt quay lại đến gần người vợ khách lai. Nhưng thấy bọn con sen với hai tên đầy tớ còn đứng đó, anh liền mượn lấy oai của nhà chuyên trách bảo chúng:
- Thôi, cho cả ba đứa ra đợi ở ngoài kia.
Đoạn, anh ghé xuống bên tai người thiếu phụ, nói một cách rất dịu dàng:
- Thưa bà, trong việc này có rất nhiều ẩn tình... cái ẩn tình thảm đạm... chắc bà cũng như tôi, muốn cho sự bí mật chóng bị khám phá, để trị kẻ gian ác và để hồn oan kẻ thiệt mệnh khỏi phải ngậm hờn. Vậy xin bà giúp tôi, vì chỉ bà giúp tôi được... Xin bà nghĩ kỹ cho.
Lúc ấy, dưới chần thang gác, mấy người đã sắp bước lên. Lê Phong nói tiếp:
- Bà nghĩ kỹ cho... Tôi biết bà quả thực không ngờ đến vụ án mạng này, tôi quả quyết như thế... Song, nếu bà không nói, nói cho riêng tôi biết, thì việc này không thể nào xét ra được...
Tiếng Phong nói rất ôn tồn nhưng đôi mắt Phong nhìn thẳng người thiếu phụ, không chớp. Sau cùng một tay cầm sổ, một tay cầm bút chì, anh hỏi một câu nhỏ, nhưng rất rành mạch:
- Có phải chính bà đã cho con sen uống thuốc ngủ phải không?
Người thiếu phụ giương mắt kinh dị nhìn Phong, chưa nói được câu nào, thì mấy người Pháp và Lường Duỳn đã bước lên. Lê Phong giả tảng chăm chú ghi chép lên quyển sổ.
Cuộc xem xét chung quanh nhà vừa rồi cũng không có kết quả.
Viên cẩm là người quen thấy những việc án mạng lạ lùng, cũng phải nhắc đi nhắc lại một câu:
- Bí mật! Bí mật lắm! Không có một dấu tích nào của hung thủ (vừa nói vừa nhìn cái vết đâm trên ngực người bị giết)... Không có dấu tích nào khác, ngoài con dao với cái vết thương ghê gớm kia... Sự bí mật gần thành ra một việc phi thường, quái dị!
Ông đốc tờ cũng nói:
- Mà nét mặt của người chết tỏ ra hắn đã khiếp sợ quá sức: có lẽ trước khi bị giết, mắt hắn đã trông thấy kẻ thù.
- Nhưng trông thấy ở đâu? Mà hung thủ là ai? Vào đây và ra khỏi đây bằng cách nào? Các ông hẳn không quên rằng chỗ này cửa khóa kín bốn bề, như một cái ngục.
Trong câu nói của viên cẩm, Lê Phong đoán thấy có ý ngờ cho người thiếu phụ. Theo lý luận và những điều quan sát của anh thì vợ người khách lai không phải và không thể là một kẻ giết người được. Anh định rằng nếu luật pháp buộc cho cô ta cái tội ác đó, thì anh, anh sẽ là người phân trần giùm.
Nhưng 15 phút sau, khi các nhà chuyên trách sắp sửa ra về, anh vui mừng vì không thấy họ bắt ai cả.
Viên cẩm ngảnh lại bảo Lường Duỳn:
- Đến sáng mai tôi sẽ cho người đưa tử thi vào cho thầy thuốc khám nghiệm ở nhà thương. Cuộc thẩm vấn về việc này có thể đến hàng tháng may ra mới kết liễu được. Chúng tôi còn cần hỏi đến ông và bà Léon Yune nhiều lần.
Người khách lai trả lời:
- Vợ chồng tôi pháp luật đòi hỏi lúc nào cũng có mặt.
Trước khi bước xuống thang gác, viên đốc tờ còn hỏi đùa Lê Phong:
- Thế nào, nhà phóng viên? Có cần phải bám sau ô-tô để ra không?
Lê Phong cười:
- Thưa ông đốc tờ, tôi còn phải ở lại tra xét riêng cho phần tôi.
- Vậy thì chúc cho ông tìm được nhiều cái lạ
nhé!
- Cảm ơn ông.
- III -
lê phong điều tra
Kể đến đó, Lê Phong lại ngừng, đôi mắt anh mơ màng nhìn tôi một lát rồi lại nói:
- Quả thực ngôi phúc tinh của tôi sáng lắm. Tôi gặp toàn những cái may. Không những tôi tốt số hơn các bạn đồng nghiệp ở nước nhà, tôi lại may hơn các bạn phóng viên bên Pháp hay bên Anh nữa. Anh đọc sách chắc cũng rõ: mỗi khi xảy ra vụ án mạng, công việc thứ nhất của nhà chuyên trách là ngăn việc điều tra của phóng viên.
“Việc tra xét riêng của tôi đã làm gần xong, không phải đợi đến ông đốc tờ hỏi. Mà việc lạ, thì tôi cũng đã tìm thấy nhiều cái lạ hơn những điều quan sát của họ. Thí dụ: tôi thấy một vết hằn in trên cái bàn gụ đen. Cái bàn này kê sát cửa sổ, cao, rộng và dài, mặt bàn vì đánh xi hơi dày, nên vết hằn trông rõ lắm”.
Tôi hỏi:
- Mà vết hằn đó thế nào? Sao anh lại chú ý đến?
- Cần chú ý lắm chứ. Một phần ba sự bí mật tôi có thể khám phá ra được là nhờ ở vết hằn ấy. Đó là một vết... (nói thế nào được nhỉ), một thứ vết in xuống bởi một sức nặng của một người khỏe mạnh: một vết đầu gối của một người quỳ lên - đầu gối của một người đàn ông. Cái vết ấy cho tôi thấy một tia sáng lạ lùng, nhưng tôi cần phải xét nghiệm lại cho cẩn thận đã. Vì, trong một việc như việc này, nếu không hợp các điều quan sát lại để phân đoán, để so sánh thì rất dễ nhầm, mà đã nhầm thì nhầm một cách thô thiển không biết chừng nào.
- Lúc nãy tôi thấy anh hỏi vợ người khách lai về việc cho con sen uống thuốc ngủ. Việc ấy có thực không?
- Thực chứ.
- Nhưng sao anh biết?
- Vì tôi thấy rõ cái vẻ nhọc mệt trên mặt nó và nhất là cái vẻ ngần ngại ngượng ngùng trên mặt người thiếu phụ mỗi khi trông thấy nó. Tôi lại nghe thấy Lường Duỳn khai rằng mọi khi chỉ gọi nó hai tiếng là nó đã dậy. Lần này người thiếu phụ kêu rất lớn, sau lại phải chạy vào đánh thức nó trong cái phòng chứa đồ... Rồi đến lúc tôi hỏi con sen để xem ý vợ Lường Duỳn thì cô ta không giấu được sự kinh ngạc...
- Nhưng mà, tại sao? Tại sao vợ Lường Duỳn lại cần cho con sen ngủ say như thế?
- Tôi cũng đã hỏi người thiếu phụ câu đó. Người thiếu phụ chưa kịp đáp, nhưng tôi cũng đoán được ra rồi. Song tôi còn phải tìm, còn phải ráp bao nhiêu trường hợp lại cho có liên lạc với nhau rồi mới có thể nói quyết được.
“Sáng hôm nay tôi đã đi xem xét chung quanh nhà cửa người khách lai, dò xét một mình thôi, không cho ai biết cả. Tôi lại đến sở cẩm hỏi kết quả sự khám nghiệm của thầy thuốc sau khi mổ tử thi Đào Ngung. Kết quả cũng đúng với lời đoán của tôi: Đào Ngung chỉ chết vì lưỡi dao đâm trúng tim, chết vào hồi mười giờ đêm, bữa cơm chiều ăn vào hồi bảy giờ rưỡi tối. Con dao của hung thủ họ gửi ngay về Hà Nội để Sở Liêm phóng ở đó xem vết tay. Công việc này vừa lâu vừa không có ích cho tôi mấy. Vì tôi muốn rằng việc tra xét của tôi phải rất chóng xong.
“Ngày hôm nay Thời thế đã đăng tin này trước các báo. Đến mai có bài tường thuật rất kỹ lưỡng về vụ án mạng, rồi, chậm lắm, đến chiều ngày kia, trong lúc nhà chuyên trách còn tra vấn theo cái bước chậm chạp như vẫn theo xưa nay, Thời thế đã có kết quả hoàn toàn cuộc điều tra riêng của tôi. Phóng viên Thời thế là người trước nhất biết việc này, phóng viên Thời thế lại là người tìm ra manh mối trước nhất. Điều nguyện vọng của tôi là thế đó. Anh giúp tôi một tay”.
Tôi giương to hai mắt nhìn Lê Phong:
- Tôi giúp được anh? Mà giúp anh để nội trong ba, bốn hôm tìm được ra thủ phạm?
Phong cười:
- Không bắt được thủ phạm, thì cũng tìm ra được ai là thủ phạm và điều cốt yếu là biết được cách hung thủ vào nhà Lường Duỳn một cách bí mật như thế. Anh có nhận rằng hung thủ là một tay giỏi về phép giết người không?
- Ồ, nhưng mà việc bí mật này tìm ra ngay sao được? Mà người giúp anh lại là tôi... tôi thú thực rằng tôi kém về khoa “phân đoán” của anh lắm.
Phong liếc tôi tỏ ra vẻ khinh bỉ một cách khôi hài. Anh vừa cười vừa bảo tôi:
- Anh thú thực cái dốt của mình một cách tự nhiên quá. Nhưng không hề gì. Anh giúp tôi là thế này: anh viết bài tường thuật hộ tôi, viết cho thực khéo, vì đó là cái biệt tài của anh. Còn tôi, tôi chỉ nghĩ, tôi phải nghĩ nhiều lắm, rồi tôi kể cho anh nghe để anh viết. Như thế, tôi rộng thì giờ để làm việc cho nhanh chóng hơn.
“Bây giờ anh ra Sở Thương chính hỏi hộ tôi một việc sáng ngày tôi chưa kịp hỏi. Anh hỏi xem người đến tố cáo bọn buôn súng lậu đến hôm nào, đến lúc mấy giờ, và hình dáng thế nào? Việc này hơi khó làm, nhưng tôi chắc anh cũng khéo dò, không đến nỗi đụt lắm. Lúc trở về, anh ra bến tàu thủy, dặn thằng bé dẫn anh đến đây lúc sáng rằng đúng năm giờ chiều nay phải mua dây chão đến cho tôi theo như lời tôi dặn. Nhà nó ở số 15 bis, bên ngoài có hàng nước, mà tên nó là thằng Hài.
“Xong rồi, anh về viết bài ngay đi, viết để kịp gửi chuyến ô-tô ca sau cùng.”
Nói rồi anh đẩy tôi ra cửa, giục tôi đi. Lúc tôi bước lên cái xe hơi bấy giờ vẫn đợi trước cửa hàng An Wing, anh còn dặn với:
- À quên! Anh qua hiệu ảnh ở đầu phố giục người ta thế nào trước sáu giờ chiều hôm nay cũng phải rửa xong cuốn phim của tôi chụp để gửi về tòa soạn kèm theo với bài.
Ngồi trong xe tôi ôn lại việc án mạng mà Phong đã thuật lại. Từ đầu chí cuối, chỗ nào cũng thấy sự ly kỳ mỗi lúc một tăng lên hoài. Thế mà đối với Lê Phong thì hình như sự bí mật anh biết đã được gần hết. Quả nhiên người con trai này là một anh chàng tự phụ, nếu không thì thực là một người có kỳ tài.
Nghĩ đến việc dò hỏi xem người nào tố cáo bọn buôn lậu là ai, tôi không khỏi thấy khó chịu. Vì Sở Thương chính tất nhiên giữ kín không khi nào đem ngỏ cho bất kỳ ai cũng biết được tính danh người giúp họ. May sao tôi tìm ra được một cách rất chu đáo để hỏi ngay viên chánh Sở Thương chính: Tôi sẽ xưng là người nhà báo đến phỏng vấn ông về bọn buôn lậu, sẽ nói đến cái án mạng mà chắc thế nào ông ta cũng biết, và nhân đó sẽ nói đến Đào Ngung là người bị giết, vì bị nghi là đi tố cáo bọn kia. Rồi tùy cơ mà hỏi thì chắc thế nào cũng biết được những điều Lê Phong muốn biết.
Đến nơi, tôi đã được một tin rất kinh ngạc là: ba người quan trọng trong bọn buôn lậu đêm vừa rồi đã tìm cách trốn được ra.
Tôi hỏi viên chánh đoan về việc bắt họ hôm xưa, thì ông ta nói rằng: Sở Thương chính nhận được một bức thư nặc danh gửi đến cách đó bốn hôm, chứ không có người chỉ dẫn tố cáo như trong mọi việc bắt bớ khác.
Lập tức tôi về chỗ Lê Phong trọ báo cho anh biết, chắc thế nào những tin mới lạ ấy cũng thay đổi được nhiều điều đoán định của anh. Tôi vào hiệu An Wing, thì không thấy Lê Phong đâu cả. Hỏi người khách chủ hiệu thì hắn bảo hình như anh ta lên gác, hoặc ra ngoài phố lúc nào không biết. Tôi cụt hứng, ngồi đợi đến hai mươi phút cũng không thấy anh về. Tôi lấy giấy bút ra để viết bài tường thuật theo lời Lê Phong kể và theo những lời ghi chép trong quyển sổ tay anh đưa cho tôi lúc nãy, nhưng viết chưa được ba trang đã đặt bút xuống: cái việc mấy người bị bắt mới trốn thoát, cứ luẩn quẩn mãi trong trí tôi. Bỗng thấy tiếng ngáy giòn đâu đây, tôi lắng tai nghe, rồi chạy lên gác, mở cửa buồng của Phong thì thấy anh ta đang ngủ một cách bình tĩnh.
Tôi liền nắm lắc anh ta dậy:
- Lê Phong! Lê Phong! Dậy! Dậy mau, một tin quan trọng lắm!
Anh mở một mắt ra nhìn tôi rồi lại nhắm ngay lại, càu nhàu:
- Để người ta ngủ yên một lúc không được à?
- Thế mà bảo việc cần, đùn cho người ta viết rồi đi ngủ. Này, dậy! Một tin quan trọng lắm. Tôi ở nhà đoan về đây.
Phong vươn vai mỉm cười, rồi mở cả hai mắt ra uể oải ngồi dậy. Tôi toan gắt:
- Anh...
Thì Phong cản lại:
- Anh tính suốt đêm hôm qua thức! Phải ngủ chuộc lại mới đủ sức làm việc chứ. Thế nào? Ở sở đoan có hỏi được gì không?
- Một tin rất cần. Ba người bị bắt vừa trốn đêm hôm qua. Ba người buôn lậu.
Tôi kinh ngạc hết sức, vì Phong dửng dưng một cách lạ để đón cái tin của tôi:
- Ừ, thế rồi sao?
- Sao? Việc này hẳn có liên lạc với vụ ám sát chứ sao?
Phong đưa cho tôi bản ráp một bức điện tín:
- Tin nay tôi biết rồi. Tôi đã đánh về tòa báo từ sáng.
- Từ sáng? Thế sao anh không nói chuyện ấy với tôi?
- Nói làm gì? Vì câu chuyện không có dính dáng gì đến việc án mạng hết.
Tôi càng lấy làm lạ:
- Thế thì tôi hiểu sao được. Cái án mạng này ai cũng ngờ cho bọn buôn lậu chủ mưu. Việc lại xảy ra đêm hôm qua, mà cũng trong đêm hôm qua, ba người buôn lậu vượt ngục... Việc càng ngày càng rắc rối thêm...
- Phải, rắc rối đối với anh, đối với cả Sở Cảnh sát nữa. Nhưng đối với tôi thì không! Đó chỉ là một sự tình cờ, một sự ngẫu nhiên cũng như bao sự ngẫu nhiên khác. Lúc tôi thoạt nghe thấy tin ấy, tôi cũng hơi lấy làm lạ, song khi xem xét lại thì tôi không lầm như bọn người chuyên trách và như anh. Bây giờ có lẽ họ hết sức đi lùng bắt ba người kia, còn chính hung thủ lại được thêm một dịp để ở yên ngoài vòng pháp luật.
Tôi nhìn Phong một cách soi mói, tự hỏi không biết có phải đó là những lý luận cốt để kinh hoặc tôi chăng. Nhưng anh vẫn giữ vẻ nghiêm trang, đôi mắt đăm đăm nhìn thẳng, nét mặt quả quyết, anh bảo tôi:
- Không, Văn Bình ạ, anh nên tin tôi, cũng như tôi tin ở trực giác tôi, ở bản năng tôi. Hai thứ này khi cùng đi với lý trí thì giúp ta được nhiều việc khi ta muốn tìm ra sự thực. Con chó săn có cái mũi thính đánh hơi giỏi, thì người xét việc bí mật cũng thế, phải có cái giác quan cho tinh tường. Người ta có phải cứ làm việc bằng lý luận mà thành cả được đâu: người ta phải tưởng tượng, phải cảm xúc nữa. Cái dở của phần nhiều thám tử là biện luận nhiều quá... mà (Lê Phong cười) cái dở của tôi cũng là biện luận nhiều quá về vấn đề trực giác với lương năng. Thà cứ nói trắng ngay rằng tôi biết việc đi trốn với việc ám sát là hai việc khác nhau, có lẽ anh dễ hiểu hơn. Tôi biết thế, vì Đào Ngung bị giết hồi mười giờ đêm, mà mãi hai giờ sáng họ mới trốn được.
- Nhưng sao anh biết họ trốn lúc hai giờ sáng?
- Vì tôi nghĩ ra được một cái mưu nhỏ.
- Tôi không hiểu.
- Có gì? Tôi giả tảng làm một người trong bọn “ngoại công” tính việc đi trốn cho bọn kia. Sáng hôm nay, trong lúc tra hỏi họ, tôi thừa lúc len vào được mấy tiếng lóng nhà nghề học được trong lúc đi rừng. Tôi hỏi họ, họ trả lời, thế là đủ.
Lê Phong nói thế một cách thản nhiên, coi như một việc tầm thường, rồi hỏi tôi:
- Thế còn người tố cáo tôi dặn anh hỏi lúc nãy?
Tôi trả lời:
- Không có người đến tố cáo. Nhà đoan Phủ Lạng chỉ nhận được một bức thư nặc danh.
- Thư nặc danh?
- Phải. Bức thư không viết, nhưng cắt từng tiếng ở một tờ báo quốc ngữ.
Lê Phong ngồi thẳng dậy, đôi mắt sáng quắc:
- Ồ! Hay lắm! Nếu vậy hay lắm, việc của tôi thành được rồi.
Tôi trông vẻ tinh nhanh của anh cũng biết anh để tâm đến việc tôi cho là tầm thường này lắm. Hai tay anh như run lên vì cảm động, tôi hỏi nhưng anh ta không đáp, chỉ nhắc lại câu lúc nãy:
- Việc của tôi thành rồi, tôi không ngờ lại được giản dị đến thế... Đâu? Thế anh có chép lại lời trong bức thư kia không?
Tôi đáp không, vì tôi cho là việc vô ích.
Phong cau mày xẵng tiếng nói:
- Thế thì anh còn biết quái gì nữa. Một điều quan trọng như thế mà không trông thấy. Bức thư ấy sẽ cho tôi biết ai là hung thủ đó, anh nghe không!
- Nhưng thư nặc danh kia mà!
- Phải. Nặc danh, nặc danh, tôi biết lắm! Nhưng cái tên ký không quan hệ gì... Tôi cần biết lời trong thư kia! Lời trong thư, anh nghe không. Nếu xét việc mà cứ thực thà như anh thì không đời nào tìm ra manh mối hết.
Anh đứng phắt dậy, lấy quần áo mặc, vừa mặc vừa lẩm bẩm:
- Ngốc! Mình ngốc thực, sao không nghĩ đến? Một bức thư nặc danh, lại cắt ở nhật trình!
Rồi anh không bảo tôi nửa lời, sầm sầm chạy xuống nhà, nhảy lên ô-tô; tôi theo ra đến cửa chỉ nghe thấy anh dặn người sốp phơ:
- Nhà đoan, mau lên, vội lắm!
 
Hung thủ bị bắt rồi
Nửa giờ sau thấy ô-tô đỗ trước khách sạn An Wing, tôi tưởng Lê Phong về, nhưng trên đó chỉ có thằng Hài, đứa bé đứng đón tôi ở đầu cầu lúc sáng.
Nó mở cửa xe nhảy xuống tất tả chạy vào đưa cho tôi một bức thư:
“Anh Văn Bình! Anh nhớ viết ngay bài tường thuật về ‘Cái án mạng ly kỳ ở Phủ Lạng Thương’ đi. Phải viết cho xong ngay. Việc điều tra của tôi tiến hành mau lắm. Bức thư nặc danh rất có giá trị, tôi nắm được đâu mối dây rồi.
Một tin buồn: bà Lường Duỳn vừa bị thổ huyết và ngất đi hồi lâu. Hiện bà đang năm ở nhà thương, bệnh tình cũng đáng lo. Tôi sẽ đi thăm rồi sẽ đến sở cẩm báo một việc quan trọng.
Thằng bé đưa thư này giúp tôi được mấy việc khá lắm. Một nhà phóng viên tương lai đấy. Anh thưởng cho nó năm hào hộ tôi - Lê Phong”.
Đứa bé nghếch mắt nhìn tôi một cách hóm hỉnh trong lúc tôi đọc thư. Thấy tôi đọc xong, nó liền nói:
- Ông Lê Phong bảo tôi nói với ông rằng, ông phải theo đúng lời ông ý dặn, nhất là câu cuối cùng.
Tôi lườm nó mỉm cười, đưa cho nó năm hào rồi cho nó ra.
- Ông không trả lời ư?
- Không cần.
- Mà ông cũng không hỏi xem tôi giúp ông Phong được những việc gì?
- Hỏi làm gì?
- Thế thì ông chả tò mò tí nào nhỉ?
Tôi bật cười và chú ý đến vẻ thông minh lanh lợi của đứa bé.
- Ừ, thế mày giúp ông Phong được những gì?
- Nhiều lắm chứ. Trước hết, tôi mua hộ ông ấy một cuộn dây chão tốt lạ thường, rồi tôi giúp ông ấy trèo cây đi rình nhà người ta.
- Nhà ai?
- Nhà chú Duỳn. Sau nhà chú ấy có cái cây cao lắm. Ông Phong lấy dây quàng lên cây, rút chặp đôi lại, buộc thòng lọng thắt nút cổ chó, rồi leo lên.
- Lúc nào?
- Lúc ông ấy ở nhà chú Duỳn ra. Chú Duỳn đi vắng. Ông ấy ở trên cây một hồi lâu lắm, rồi xuống vỗ vai tôi... Rồi ông ấy viết cái giấy này để tôi cầm đến đây cho ông...
- Được rồi, em đi ra đi, và đừng nói với ai những chuyện ấy nhé!
- Vâng, ông Phong cũng dặn tôi thế... Bây giờ tôi lại phải đến nhà thương với ông Phong, còn nhiều việc cần lắm.
Đứa bé bước ra, mở cửa ngồi vào ô-tô, nét mặt ra vẻ quan trọng trông đến buồn cười. Nó đi khỏi, tôi đọc lại bức thư của Lê Phong, rồi ngồi viết cho xong bài tường thuật theo như lời anh ta dặn.
Bốn giờ chiều hôm ấy tôi đang viết, bỗng lại thấy đứa bé đến, nó đưa cho tôi một mảnh giấy nhỏ, chữ viết nguệch ngoạc và nói:
- Ông Lê Phong đợi ông ở nhà thương.
Trong giấy chỉ có mấy dòng sau này:
“Dù viết xong hay không, anh cũng đến nhà thương ngay. Hung thủ đã bị bắt rồi, bị bắt bởi tay tôi. Tối hôm nay ta về Hà Nội được”.
Hung thủ đã bị bắt? Mà sau việc án mạng không đầy hai mươi bốn giờ. Tôi không hiểu Lê Phong có những phương pháp thần thánh gì mà khám phá được việc chóng đến thế, hơn nữa, lại bắt được hung thủ, là một điều mà chính anh ta cũng không thể ngờ làm được ngay.
Đến nhà thương hỏi lại Lê Phong thì anh cười bảo tôi:
- Anh ạ, tôi cũng không ngờ chuyện này lại giản dị thế, cái mối bí mật tôi đã gỡ xong cả rồi.
- Xong rồi? Nghĩa là anh đã tìm ra được người giết Đào Ngung?
- Phải.
- Tìm ra cách nó lẻn vào cái phòng cửa kín bốn bề để giết người?
- Phải. Nhưng anh đừng cau mày nhìn tôi một cách dữ dội đến thế?
- Anh lại bắt được hung thủ?
- Tôi không bắt được, vì tôi chỉ là một tay phóng viên. Hung thủ hiện ở trong tay luật pháp.
- Thực?
- Thực chứ!
- Thế hung thủ là ai?
Phong kéo tôi bước qua cổng nhà thương và mắng bỡn tôi:
- Anh khó chịu lắm. Anh hỏi lục vấn tôi nhiều quá. Hẵng vào đây tôi cho anh thấy mặt một người thiếu phụ đẹp hiếm có.
- Ai? Bà Lường Duỳn ấy à?
- Phải, bà Lường Duỳn.
Rồi Lê Phong nhất định không nói gì nữa.
Đến trước một căn phòng rộng, anh nhẹ bước đến bên cửa đứng lại vẫy tôi:
- Đi khẽ chứ, cô ta vừa mới ngủ. Anh trông kia kìa, trên chiếc giường sắt tồi tàn của nhà thương, cô ta có vẻ một vị Hằng Nga đang “nồng say trong giấc quế”. Anh xem, đứng trước sắc đẹp, ai cũng đâm ra nói văn chương.
Tôi gật đầu vì tôi cũng nhận ra người thiếu phụ là đẹp. Mặt cô ta rất đều, nét rất thanh, nước da trắng xanh, nổi trong làn tóc đen lánh ở hai bên gối. Đôi mắt lúc ấy nhắm, không để cho tôi được thấy cái màu đen sâu xa mà Phong thường ca tụng. Trong cái nhan sắc nhọc mệt ấy, tôi thấy có vẻ đau đớn còn trên nét mặt, khiến cho vẻ đẹp như cao quý hơn lên.
Lê Phong se sẽ bảo tôi:
- Có phải không, một người đàn bà đẹp như thế, ai chẳng phải mê đẳm. Chính tôi, tôi cũng thấy cái “quả tim bằng đá” trong ngực này nhiều lần chực tê tái hẳn đi... Không ngờ con người như thế mà mang trong lòng những điều bí mật, với cả một cái thảm kịch nữa. Lúc nãy đến nhà Lường Duỳn, tôi nghe thấy nói bà ta phải vào điều trị ở đây vì thổ huyết, tôi cũng không lấy gì làm lạ lắm. Nhưng bệnh tình xem ra cũng không quá nguy kịch như tôi tưởng, vì tôi đã có dịp phỏng vấn cô ta ở đây.
Rồi, không có liên lạc gì, anh nói ngay sang chuyện khác:
- Anh ra đây tôi bảo. Hiện bây giờ các báo mới biết một phần mười việc án mạng, Sở Liêm phóng cứ theo bước cẩn thận nhưng chậm chạp mà đi thì không bao giờ xét ra được manh mối, những trường hợp vụ ám sát đối với hết thảy mọi người đều có vẻ thần bí, bằng ấy điều đủ làm cho dư luận sôi nổi dẫu việc xảy ra ở một tỉnh nhỏ như đây. Anh phải tính với tôi làm việc cho rất nhanh, rất nhanh anh nghe chưa, để cho cái bí mật dày đặc lạ thường ấy đột nhiên rõ được ngay, đột nhiên bị khám phá ra một cách nhanh chóng cũng lạ thường. Mà khám phá bởi tôi, Lê Phong, phóng viên của Thời thế. Cái danh diện của tôi vì thế sẽ bắt người ta chú ý đến đã hẳn, nhưng điều tôi cần cho người ta biết nhất là Thời thế không những có tin chóng, tin lạ, Thời thế lại còn có những tay làm việc minh mẫn như tôi nữa.
“Cho nên tôi cần phải suy nghĩ dò xét rất chóng để tìm thấy kết quả ngay lập tức. Kết quả thấy rồi: kẻ giết người đã tìm ra rồi, kẻ giết người đã sa vào ‘lưới pháp luật’ như người ta thường nói. Mà hung thủ là ai? Tôi sẽ cho anh biết sau... Vì tôi muốn cho anh theo câu chuyện do những đường ngoắt ngoéo của nó. Nếu cứ thấy rõ các tình thế, các trường hợp như tôi, thời câu chuyện không có chỗ nào hồi hộp cả; mình không hồi hộp thì độc giả của báo mình cũng không hồi hộp, vì thế cho nên tôi không muốn tường thuật, để việc ấy phần anh.
Phong nói tới đó bỗng chăm chú nhìn ra ngoài cổng nhà thương:
- Kìa, ai như ông Lường Duỳn đã đến. Chính ông ta rồi.
Rồi vui vẻ, anh chạy ra cười nói vồn vã:
- Chào ông Lường Duỳn!
 
 
 
Người đàn ông bước vào là một người khỏe mạnh trắng trẻo, nét mặt đầy đặn và tươi, tuy những sự lo âu có làm sút kém đi một chút.
Lường Duỳn đã 36 tuổi theo như lời khai hôm trước, nhưng trông ra dáng chỉ độ 31, 32. Ông ta mặc một bộ âu phục hàng sang cắt rất khéo. Cử chỉ tự nhiên và lịch sự tỏ ra người có học thức và lịch duyệt. Đôi mắt rất nhanh nhẹn, miệng hơi nhỏ, mỗi khi cười nói lại để lộ ra hai cái răng vàng lấp lánh ở khóe môi.
Duỳn bẳt tay Phong và nói:
- Tôi xem ra việc điều tra riêng của ông tấn tới và chu đáo lắm. Ông thực là một nhà phóng viên hoàn toàn.
Phong “vâng” một tiếng nghe rất chướng tai. Anh ta có thói nhận những lời khen một cách không khiêm tốn chút nào hết.
- Vâng, tôi cũng vui lòng rằng không thấy việc này khó khăn mấy. Ông có đến qua sở cẩm đó không?
- Không. Sao? Có việc gì?
- Không. Tôi muốn hỏi xem có chuyện gì lạ không, ông ở nhà đến đây đó chứ?
- Vâng. Tôi lo quá. Nhà tôi không bao giờ lại có chứng thổ huyết với ngất đi như thế. Cái nạn xảy ra đêm vừa rồi thực là một cái khổ lớn cho gia đình tôi.
Thấy người khách lai nhìn tôi ra dáng hỏi, Phong sực nhớ ra, chép miệng nói:
- Tôi vô ý đến thế đấy, chưa giới thiệu được người bạn tôi với ông: ông Văn Bình ở báo Thời thế mới phái lên sáng hôm nay, một người rất chăm chú đến việc này.
Người khách lai bắt tay tôi và tự xưng tên:
- Léon Yune, buôn bán. Thưa ông, tôi hâm mộ báo của các ông lắm, và rất lấy làm hân hạnh được gặp ông.
Câu này ông ta nói bẳng tiếng Pháp, nói đúng âm, nhưng giọng nói hơi văn hoa.
Phong lại nói:
- Chúng tôi vừa đang định tới nhà ông và xin ông một bức chân dung.
Người khách lai ngần ngừ rồi đáp:
- Vâng, tôi vui lòng lắm, song tôi thì không có bức ảnh nào chụp gần đây.
- Không hề gì, vì chúng tôi xin chụp ngay ông ở đây cũng được.
Nói rồi Phong nhảy ra xe hơi lấy máy ảnh vào bấm liền.
Đoạn anh ta lễ phép nói:
- Cảm ơn ông lắm. Bây giờ ông vào thăm bà Duỳn phải không? Vậy tiện đây xin chào ông, chiều hôm nay chúng tôi đi Hà Nội.
Người khách lai ngạc nhiên:
- Tối nay các ông đã xuôi?
- Vâng. Vì việc chúng tôi đến đó là hết. Thôi, xin phép ông.
Lúc Phong ngồi trên xe hơi, tôi hỏi anh:
- Anh bảo hung thủ bị bắt rồi, sao không đưa tin ấy cho ông Duỳn biết.
Anh không đáp, nhìn ra bên đường như chăm chú ngắm cảnh vật buồn tẻ một lát, rồi bỗng ngảnh lại nhìn tôi:
- Anh là đồ gàn! Không phải là tin nào cũng có thể gào lên cho người ta biết được.
- Tôi không hiểu ý anh thế nào cả.
- Vì anh là đồ tồi, chứ sao? Anh đừng hỏi gì tôi nữa, cứ lặng yên lắng tai, mở mắt ra mà nghe, mà xem, mà làm công việc của cái máy thu thanh với cái máy ảnh.
- IV -
manh mối
Việc án mạng này, thực anh khám phá được rồi ư? Tôi vẫn ngờ là anh có ý gì khác...
Phong như đang nghĩ đi đâu, chợt tỉnh dậy:
- Tôi có ý gì được? Anh không tin tài của tôi một tí nào ư?

- Tin. Nhưng lần này tôi thấy cái tài ấy... “ngoa” quá. Phần tôi, tôi chưa thấy nảy ra tia sáng nào. Ba gian phòng, từ cửa lớn tới cửa sổ, đều đóng kín. Cửa sổ lại có chấn song sắt. Đào Ngung ngồi nói chuyện với người chị ở phòng giữa, không có việc gì xảy ra. Bỗng nhiên, trong có ba, bốn phút đồng hồ sau khi người thiếu phụ về phòng mình, Đào Ngung bị một con dao cắm sâu vào ngực. Thế mà không phải là một việc tự sát! Vậy hung thủ vào lối nào để giết người được? Giết rồi, ra lối nào được? Chỉ có cái cửa thông phòng giữa sang phòng ngủ là mở, nhưng lúc ấy, đèn sáng như ban ngày, người thiếu phụ dẫu vô ý đến đâu cũng trông thấy bóng hung thủ chứ. Bảo rằng hung thủ lẻn vào một chỗ trong ba gian phòng rồi thừa lúc Đào Ngung ở một mình phòng giữa nhảy ra đâm chết, đâm xong lại lẻn ẩn một chỗ? Nhưng cũng không xuôi. Trước hết, theo cuộc điều tra, hung thủ không để lại một dấu vết nào, trừ cái vết đầu gối trên cái bàn gần cửa sổ, là một chỗ không ai dại gì lại đến ẩn ở đó. Sau nữa, hung thủ lẻn ra lối nào? Nghe thấy tiếng vợ người khách lai kêu, người nhà đầy tớ đều đâm bổ lên cùng với Lường Duỳn vừa ở Hà Nội về... Hung thủ phải là người có phép biến hóa mới trốn thoát được. Nếu không, thì hung thủ chỉ có thể là...
- Là ai?
- Là vợ người khách lai!
Phong lườm tôi và gắt:
- Vợ Lường Duỳn? Không! Một trăm, một nghìn, một vạn lần không! Người thiếu phụ, không những không là hung thủ một li nào, cô ta lại là người thân yêu Đào Ngung hơn tình ruột thịt nữa.
- Thế nghĩa là?
- Nghĩa là yêu Đào Ngung chứ gì! Là tình nhân của Đào Ngung, anh nghe chưa?
- Ồ, có lẽ nào!
- Có lẽ lắm chứ? Đào Ngung không phải là em vợ Lường Duỳn. Việc gặp gỡ hắn và nhận ra hắn là con bà dì, việc đưa hắn về nhà chơi để nhờ chồng tìm việc cho, đó chỉ là những cách để cho hai người được gần nhau, gần nhau mà tránh được điều nghi kỵ. Điều đó tôi đã ngờ thấy ngay từ lúc giáp mặt người thiếu phụ trong lúc xảy ra án mạng; đến nay, sự ngờ đã thành ra sự thực rồi. Người thiếu phụ lúc ở nhà thương chiều hôm nay, đã thú nhận riêng với tôi hết.
- Nhưng tại sao anh ngờ được cái điều rắc rối ấy chóng đến thế?
- Đó là nhờ ở phép “phân đoán” và nhất là cái trực giác riêng của tôi.
- Tôi không hiểu.
- Anh thì chẳng bao giờ thèm hiểu gì hết. Mà có gì đâu? Tôi trông thấy người đàn bà trẻ tuổi kia, trước hết tôi phải khen phục cái nhan sắc kỳ ảo mà anh đã được thấy... nhưng tôi cũng chú ý đến cách trang điểm của cô ta. Một người đàn bà biết chồng đi vắng mà lại đánh phấn thoa son để khâu vá trước mặt em trai?... Đó, là một điều bất thường... Làm đỏm, vẫn là tính quen của đàn bà, nhưng không phải lúc nào cũng làm đỏm: đó là đầu mối thứ nhất. Nếu các nhà chuyên trách cũng chú ý như tôi lúc xem xét người bị giết, thì thế nào cũng thấy trên mình người ấy còn vướng một sợi tóc nhỏ, dài, khác hẳn với thứ tóc đen lánh, ngắn và cứng của người đàn ông. Không phải nghĩ nhiều cũng biết rằng đó là tóc của người thiếu phụ. Tôi quên không nói cho anh biết rằng vợ Lường Duỳn đêm hôm qua vấn tóc trần. Vậy thì sợi tóc ấy không nhưng nhảy sang cúc áo Đào Ngung được ư? Đó là đầu mối thứ hai. Lường Duỳn đi vắng, đầy tớ ngủ cả dưới nhà, duy có con sen ngủ ở cái buồng chứa đồ trước cửa phòng ngủ của người thiếu phụ. Cho nó uống thuốc ngủ làm gì? Chẳng là để cho câu chuyện ân ái của hai người trong lúc đêm khuya không ai biết đến? Còn gì nữa? Hai ly rượu mùi trên lò sưởi, cái giỏ đan áo để bên Đào Ngung trong lúc hai người còn ở phòng khách, cùng với những điều tôi nhận xét lúc nãy cũng thừa chứng ra rằng trước khi xảy ra án mạng, hai người đã sửa soạn đến những chuyện êm đềm hơn. Nhưng có biết đâu trong lúc ấy có đôi mắt căm tức đang rình hai người từng cử chỉ một?
- Ở đâu?
- Ở trên cây sấu trước cái cửa sổ trông ra sau nhà.
- Nhưng cửa sổ đóng ở bên trong kia mà?
- Cái khôn khéo của hung thủ là ở chỗ đó. Vì người rình trên cây sấu tức là hung thủ. Lúc ấy, cửa đóng, nhưng cái nắm cửa vẫn chưa vặn lại, hung thủ dùng một cái móc sắt dài kéo hé ra một chút đủ để trông thấy cảnh bên trong. Tôi đã có thì giờ xem xét lại cái cây ở phía ngoài tường và xem cả những vết đầu móc sắt sướt trên cửa sổ. Vào khoảng mười giờ đêm là lúc đầy tớ trong nhà ngủ yên cả, người thiếu phụ mới sang bên phòng ngủ trước, thì thừa lúc đó, hung thủ ở trên cây kéo cánh cửa sổ, khiến Đào Ngung nghe tiếng động, kinh ngạc quay ra. Lưỡi dao hung thủ giết Đào Ngung ngay lúc đó.
Tôi ngắt lời Phong và hỏi:
- Nhưng cái cây mà hung thủ ẩn trên đó ở ngoài bức tường, có cách xa cửa sổ không?
- Cách hơn hai thước.
- Vậy làm thế nào hung thủ giết được?
- Anh không xem xiếc bao giờ ư?
- Thế ra hung thủ nhảy từ cành cây bám lấy cửa sổ để đâm chết Đào Ngung?
- Không phải. Anh nên nhớ rằng Đào Ngung mới quay ra thôi, mà từ chỗ vũng máu là chỗ Ngung gục xuống chết cho đến cửa sổ cách nhau những một thước chín mươi. Mà cho rằng Ngung có đi ra phía cửa sổ thì hung thủ cũng không đâm được: cửa sổ có chấn song sắt, mà kề ngay đấy lại có cái bàn. Người chậm chạp đến đâu cũng tránh được... Nhưng đây hung thủ không ra mặt, vẫn lẩn trong bóng lá mà giết Ngung một cách rất nhậy, không tài nào kịp đề phòng.
- Bằng cách gì?
- Nói thế mà vẫn chưa nghĩ ra. Bằng cách phóng con dao vào ngực Đào Ngung, phóng trúng tim; hung thủ quả có con mắt tinh và có tài phóng dao hơn cả nhà nghề trong những phường xiếc... Đây tôi cứ theo cách hành động của hung thủ kể nối cho anh nghe.
“Giết xong Ngung, hung thủ lại lấy cái móc sắt đẩy mạnh cửa sổ vào, leo xuống đất, giấu cái móc vào một chỗ kín mà chỉ riêng tôi tìm thấy vì tôi vẫn có ý tìm. Hung thủ chạy theo cái ngõ nhỏ ở bên cạnh nhà ra đường cái, lúc ấy, trong nhà đầy tớ đã dậy vì nghe tiếng kêu của Lường Duỳn. Hung thủ gọi cổng chạy lên gác, chực vào phòng ngủ bên trái, rồi do lối cửa thông đi sang. Con dao đâm trúng tim, nhưng không sâu lẳm, hung thủ muốn cho người ta ngờ là Đào Ngung bị đâm một nhát rất mạnh, nên vực lấy tử thi, bảo người thiếu phụ sang phòng bên...”
Tôi giương mắt nhìn Lê Phong, toan hỏi nhưng anh lắc đầu, vẫn giữ nguyên cái giọng bình tĩnh và nét mặt thản nhiên nói tiếp:

- Anh đừng ngắt lời tôi vội. “Hung thủ” bảo người thiếu phụ sang phòng bên để tìm... hung thủ. Thừa lúc ấy, hắn ấn sâu con dao vào ngực người chết, nhưng không để lại vết tay trên chuôi dao, vì tay hắn đeo găng; rồi nhanh như cắt, hắn chạy leo lên cái bàn kê trước cửa sổ, vặn nắm cửa lại để cho câu chuyện thành rắc rối thêm. Hung thủ thực là có tài, có mưu trí và lần đâu giết người đã có “nghệ thuật” lắm. Nhưng hung thủ chỉ có một điều khờ là đi thú thực với tôi.
- Thú thực với anh?
Lê Phong chưa đáp vội, mỉm cười để ngắm vẻ ngạc nhiên trên mặt tôi. Một lát anh mới thong thả nói:
- Phải, thú thực với tôi rằng cái vết đầu gối in lên cái mặt bàn gỗ kê trước cửa sổ. Bàn đánh xi dày nên cái vết in cứ chú ý một chút là thấy rõ. Giá Đào Ngung hay một người nào vẫn ở trong nhà từ tối mà tì lên đó thì khó thấy vì quần áo họ khô. Nhưng quần áo của hung thủ lại hơi ướt. Anh lại nên nhớ rằng tối hôm qua, trời lâm râm mưa. Tôi lấy làm lạ rằng trong việc án mạng khôn khéo đến thế, mà hung thủ tính việc vẫn chưa được chu đáo.
- Nhưng hung thủ là ai mới được chứ?
- Câu hỏi của anh khó chịu quá, tôi nói đến thế rồi mà anh còn chưa đoán ra ai?
- Lường Duỳn ư?
- Chứ còn ai nữa? Lường Duỳn, người khách lai lanh lẹn, nhã nhặn mà anh với tôi gặp ở nhà thương vừa rồi. Hung thủ đấy.
- Nhưng sao anh bảo hung thủ bị bắt rồi?
- Đó là một cách nói. Nhưng cũng là một sự thực. Lường Duỳn tin ở cái mưu của mình lắm nên không trốn tránh. Thế thì muốn bắt hắn lúc nào nên lúc ấy, chỉ chờ có đủ chứng cớ nữa thôi. Chứng cớ thì tôi đã cho các nhà chuyên trách thấy một vài điều rồi. Thí dụ như bộ quần áo ướt của hắn. Hôm qua trời mưa, hắn khai rằng: ở Hà Nội về bằng ô-tô, mà ô-tô của hắn thì kín như trong phòng ngủ. Vậy thì tại sao quần áo hắn lại ướt như đã ở ngoài mưa ít ra là hai, ba giờ đồng hồ. Tôi chú ý đến điều ấy ngay từ lúc các nhà chuyên trách khám xét tử thi Đào Ngung, nhưng mãi sau mới thấy điều đó là rất quan trọng. Tôi đem ráp các việc xảy ra lại cho có liên lạc và thấy “những tia sáng” cứ vùn vụt hiện ra... Ngay đêm hôm qua tôi đã biết ba phần tư sự thực rồi, và có thể tố cáo ngay Lường Duỳn, nhưng tôi còn một vài điều vẫn chưa cắt nghĩa ra được: là con dao giết người kia sao lại ở trong tay người khách lai và bọn người buôn lậu có dính dáng đến vụ án mạng này không? Tôi nghĩ đến hai điều đó suốt sáng hôm nay, nhưng chỉ thấy những lẽ rất mập mờ chực hiện ra rồi lại biến mất. Bỗng cái tin anh đem ở nhà đoan về làm tôi tỉnh ngộ ra... “Ánh sáng của sự thực”, nói theo giọng văn chương, nảy ra một cách rất rõ ràng, rất chói lọi: Lường Duỳn cũng là một tay buôn lậu, hành động ở trong bóng tối và biết được các đường lối và ngày trở về của bọn buôn súng với thuốc phiện lậu ở bên Tàu. Hồi đi điều tra, tôi có nghe nói đến mấy tay đại phú thương đứng đầu cho bọn này, nhưng không ngờ rằng trong những tay ấy Lường Duỳn đây chính là một tay trọng yếu. Con dao kia Duỳn thiếu gì cách lấy được? Ngày, giờ của bọn đi rừng thì chỉ có người đã giao thiệp với chúng mới biết được: nên Duỳn mới viết thư, hay nói cho đúng, mới cắt lời trong báo, làm một bức thư nặc danh chỉ dẫn cho nhà đoan. Người khách lai tại sao tố cáo họ? Đó chỉ là một lối lợi dụng các trường hợp một cách tinh khôn: Duỳn biết rằng Đào Ngung trước cũng là một tay buôn lậu, nên có ý cho nhà chuyên trách ngờ rằng hắn bị giết là vì bọn buôn lậu trả thù cho mấy người bạn bị Ngung tố cáo. Hắn tính việc này có lẽ lâu lắm, vì có lẽ hắn chú ý giết Đào Ngung đã lâu... Giết vì ghen, vì biết rằng Đào Ngung mà trước hắn tưởng là em vợ mình, nay chỉ là một người tình địch của hẳn. Cái ghen như thế mới ghê gớm, không sôi nổi, không tăm tiếng, khoan thai trầm tĩnh hơn cái ghen của Hoạn Thư. Duỳn muốn triệt một người được vợ mình yêu, nhưng không muốn cho vợ biết chính mình là thủ phạm. Cái giận trong lòng được hả, mà đối với vợ cũng như đối với pháp luật, hắn vẫn là người tử tế như thường. Tôi thú thực rằng phải là một người thông minh, học thức lắm mới có những thủ đoạn như thế”.
Tôi hỏi:
- Bây giờ anh định ra sao?
- Bây giờ ấy à? Về chỗ trọ của tôi thu xếp va-li, rồi đến hiệu ảnh lấy mấy bức ảnh tôi chụp và đưa họ rửa, rồi về Hà Nội với anh.
- Ồ! Về ngay à?
- Việc của mình thế là xong, còn ở làm gì nữa?
- Thế còn Lường Duỳn?
- Hắn bị bắt hay không là tùy theo cuộc điều tra thứ hai của các nhà chuyên trách. Mà theo ý tôi thì cũng chỉ chiều nay hoặc sáng mai là xong. Tôi đã cho họ biết cả sự thực. Còn mình thì chỉ có việc mau về nhà báo cắm đầu mà viết bài tường thuật... và... đợi đến một vụ án ly kỳ hơn.
 
Chú thích:
[1] Những điều ghi chép qua.
II - Những nét chữ
bức thư tình
Hôm đó tôi đẩy cửa bước vào thấy Lê Phong, bạn tôi, đang ngồi trước bàn giấy, một tay cầm cái kính hiển vi lớn đang soi từng nét chữ trên một bức thư màu xanh.
- Lê Phong làm gì đấy?
- Đọc thư của một cô.
- Của một cô?
- Ừ.
Tôi hỏi:
- Mà lại phải đọc bằng kính hiển vi?
Phong gật đầu và lại chăm chú làm cái việc kỳ khôi ấy mãi.
Không, anh ta không có ý đùa nghịch.
Vẻ mặt rất nghiêm trọng, trầm mặc, Phong như đang để hết tinh thần vào cả bức thư. Cái bản năng của con nhà nghề lại thấy rõ rệt phát lộ ra, tuy rằng ít lâu nay anh không có việc gì bí mật phải khám phá hết.
Lê Phong không được dịp làm phóng viên như trước, vẫn lấy làm bực dọc. Anh bèn đi viết tiểu thuyết cho đỡ buồn. Những tiểu thuyết tình thảm hay tình vui, tả những chuyện ân ái đắm đuối hay thơ ngây, anh lấy ở tưởng tượng ra nhiều hơn là ở sự từng trải. Nhưng chính vì thế mà Phong được công chúng, phần lớn về phái phụ nữ, rất hoan nghênh. Anh thường nhận được những bức thư ca tụng hết lời, lắm bức rất tình tứ, rất nhã nhặn, hay rất thiết tha. Nhưng Phong tỏ ra vẻ thản nhiên không chú ý đến.
Thế mà hôm ấy cũng nhận được thư của một cô con gái, anh lại cắm cúi đọc một cách rất khác thường!
Tôi toan hỏi thì anh bỗng ngửng đầu lên nhìn tôi, mặt sáng sủa, mắt lóng lánh như người vừa tìm ra được một điều rất mới lạ. Anh đưa bức thư cho tôi đọc. Đợi tôi đọc xong, bảo tôi đọc lại lần nữa rồi hỏi:
- Thế nào?
Bức thư ấy là của một cô thiếu nữ, chữ viết mềm mại, nhỏ và rạp về một chiều. Lời thư văn hoa, nhưng cũng có vẻ chân thực. Cô ta khen những truyện của Phong viết, khen cái tài giải phẫu tâm lý của nhà văn sĩ, và thú thực rằng văn chương của Phong đã làm cho cô và nhiều bạn gái biết bao lần mơ màng, thổn thức... Vậy nên tuy không được cái hân hạnh quen biết văn sĩ, cô cũng “đánh bạo viết thư này để ngỏ chút cảm tình thành thực và cảm ơn người đã thấu hiểu tâm sự của bạn gái chúng tôi”. Bức thư viết dày hai trang giấy to màu phơn phớt xanh, toàn một giọng như thế cả. Cuối cùng thêm một câu rất kín đáo ý vị, nhưng đủ ngỏ cho Phong biết rằng trong cái cảm tình của cô đối với nhà văn sĩ, không phải chỉ có sự kính phục mà thôi đâu.
Phong hỏi nữa:
- Thế nào?
- Thế nào? (tôi trả lời) Anh chỉ có việc sung sướng thôi, chứ còn thế nào nữa? Trong đời người làm văn mà có những lời êm dịu ấy ca tụng thì còn gì sung sướng hơn? Tôi xem ra thì người thiếu nữ viết bức thư này...
- Yêu tôi lắm, chứ gì?
- Phải.
Phong gật gù hỏi:
- Được, nhưng anh bảo nên xử trí ra sao?
- Tôi thì tôi viết thư trả lời liền.
- Tôi cũng nghĩ the.
Nói rồi, anh vặn bút máy thảo một lúc xong bức thư đưa tôi xem:
“Gửi cho Đào thị Kiều Anh.
Thưa... ông,
Tôi gọi ông là ông, vì tôi biết ông không phải là một người con gái. Những lời ông khen tặng tôi khéo lắm, êm ái lắm, tôi rất lấy làm cảm động, và cảm ơn ông. Nhưng nếu ông đợi tôi mắc lừa, và đợi một bức thư trả lời cho cô Đào thị Kiều Anh thì xin ông cứ việc mà thất vọng. Tôi biết rằng cô Kiều Anh ấy chính là ông, và hơn thế, tôi lại biết rằng ông viết thư cho tôi bằng thứ bút máy ngòi xấu và cong; ông cặp bút vào giữa ngón tay đeo nhẫn và ngón út. Ông viết được nửa trang giấy thì hết mực, nên ngừng lại một lúc, rồi mới tiếp theo và lúc gần viết xong thì trời mưa, một cơn gió thổi vào làm tờ giấy chực bay, ông phải vội lấy tay đè lên - vì ông ngồi viết gần cửa sổ.
Viết xong, ông còn đưa cho các bạn ông xem để cười với nhau. Thế nào các ông chẳng chế giễu tôi và bảo nhau rằng: anh chàng Lê Phong nhận được thư này thế nào chẳng phải ngẩn ngơ? - Hoặc một câu tương tự thế. Các ông muốn nghĩ ra một chuyện tình nhỏ để trêu ghẹo tôi đấy chứ gì?
Tuy vậy, tôi vẫn phải nhắc lại lời cảm ơn ông, và khuyên các ông, khi viết thư tình, nên mua giấy thẩm thực tốt. Không thì cứ dùng cục phấn bảng lăn lên cũng được. Chào ông và các bạn ông.
Một người văn sĩ rất đa tình, nhưng lại đa nghi.
Lê Phong, kính bút”
Lê Phong vân vê điếu thuốc lá, nhìn sự ngạc nhiên trên mặt tôi. Đoạn anh cầm bức thư bỏ vào cái phong bì đè cho “Mademoiselle Đào thị Kiều Anh số nhà 142 phố Hàng Đẫy”.
Tôi hỏi:
- Quái lạ! Anh biết trước việc này ư?
- Biết trước thế nào?
- Biết có người giả con gái viết cho anh?
- Không.
- Thế sao lại gọi cô Kiều Anh là ông, sao biết cô Kiều Anh không phải là con gái? Ngộ anh lầm thì sao?
- Tôi không lầm, vì bức thư này bảo cho tôi biết, lại bảo thêm cho tôi biết cả một vài điều lặt vặt tôi vừa nói ở trong bức thư trả lời. Mà cái đó cũng chẳng thần thánh gì, chỉ cần có tài quan sát như tôi là đủ. Đây này, anh nghe coi: vì một sự vô ý nhỏ của người viết, chữ ngoài phong bì rắn rỏi, ngang tàng hơn chữ trong thư, nhưng xét kỹ ra thì cùng một lối. Mà chữ rắn rỏi ấy là chữ của đàn ông. Vậy người viết thư là đàn ông. Một người đàn ông không được khỏe mạnh lắm, vì cái vết tay mờ mờ xanh ở một vài chỗ là vết của một bàn tay nhỏ thon. Tôi soi kính xem kỹ thì thấy có hai, ba thứ vết tay nữa mờ hơn và khác hẳn nhau - do thế tôi biết rằng, trước khi gửi cho tôi, “cô Kiều Anh” đã đưa cho mấy người khác đọc. Mấy giọt nước nhỏ hoen ở trang thứ nhất chính là mấy giọt nước bọt, họ cười làm bắn vào. Chữ ở trang giấy hơi nhòe, vì giấy thẩm của họ đã cũ quá. Bức thư viết gần cửa sổ là vì tôi thấy những giọt nước van vát tưới vào - mà cũng vì thế, tôi biết lúc ấy trời mưa bên ngoài. Còn như sự ngừng viết nửa chừng để lấy mực vào bút máy thì dễ đoán lắm. Tôi thấy chữ cứ dần dần nhạt, rồi bỗng ở giữa một câu thấy đậm hẳn lên. Nhưng điều làm cho họ chịu phục tôi hơn là cách cầm bút của họ.

“Người viết thư muốn cho chữ viết thành ẻo lả mà không mất tự nhiên, nên cầm bút theo... lối đầm. Nghĩa là cặp quản bút vào giữa ngón út và ngón đeo nhẫn. Mà bởi cố làm cho chữ ngả hẳn về một phía như chữ phần nhiều cô con gái, nên ngòi bút gại vào giấy và thỉnh thoảng làm bắn mấy điểm mực ra chung quanh. Nếu ngòi bút còn mới và không uốn cong thì không đến nỗi thế. Anh đã nghe ra chưa?”
Rồi bạn tôi mỉm cười, niêm phong bức thư trả lời trao cho tôi:
- Chốc nữa ra về, anh làm ơn bỏ thư này vào thùng dây thép hộ. Chiều hôm nay, họ sẽ nhận được, họ sẽ tưởng tôi mắc lừa họ, sẽ gọi các bạn hữu để thưởng thức cái mưu của họ và sẽ kinh ngạc khi đọc thư của tôi.
Anh ta nói thế một cách rất chắc chắn, vẻ tự tin của anh cho tôi biết rằng những điều anh đoán không thể sai được. Anh sung sướng vì đã biết trước mưu mô của một bọn người tinh nghịch và lại dùng chính cái mưu họ để giễu lại họ chơi.
Hứng chí, Lê Phong lại lấy thêm mấy bức thư nữa cho tôi xem, cắt nghĩa cho tôi biết tâm tính từng người, và tỏ ra anh là một tay xem chữ rất sành sỏi:
- Cô này người đa cảm, giàu tưởng tượng... Cô này còn ngây thơ quá... Cô này người yếu ớt, tính tình không được ngay thẳng... Cô này nhã nhặn, muốn tỏ ra mình là người lịch sự nên tháo một tờ giấy trắng trong vở đi học và xén theo khổ giấy viết thư... chữ viết dạng đột, thực thà cũng như tính người.
Mỗi người có một tâm tính riêng, anh cứ theo tự dạng mà cắt nghĩa cho tôi xem một cách rành rẽ.
Cách đó hai hôm, câu chuyện “Kiều Anh giả” chúng tôi đã gần quên, bỗng có một người đến tòa soạn hỏi Lê Phong có việc cần kíp.
Anh đưa tấm danh thiếp cho tôi xem. Dưới hàng chữ in:
ĐÀO ĐĂNG KHƯƠNG
Sinh viên trường thuốc
Còn một dòng chữ viết vội:
- Có việc khẩn cấp, muốn gặp ông Lê Phong. Người lấy tên là Kiều Anh viết thư cho ông mấy hôm trước.
Phong đứng dậy mắt đăm đăm suy nghĩ rồi nói:
- Ồ! Có lẽ là một việc lạ, xuống xem với tôi đi, Văn Bình.
Xuống tới phòng khách, chúng tôi thấy một người thiếu niên dáng người chững chạc ăn mặc lịch sự, đang ngồi tì trán lên lòng bàn tay.
Người ấy giật mình khi nghe tiếng giày bước vào, đứng dậy bối rối một lát rồi hỏi:
- Trong hai ông, ông nào là ông Lê Phong?
Bạn tôi chỉ vào mình:
- Tôi. Nhưng cần gì ông phải nói dối...? Ông có phải là người viết bức thư hôm nọ đâu. Người ấy bé nhỏ hơn ông nhiều.
Người thiếu niên nhìn Lê Phong trần trần, nhưng trấn tĩnh ngay được:
- Ông quả là người đoán giỏi. Vâng, tôi không phải là người viết bức thư ấy, nhưng tôi cần phải nói thế để được giáp mặt ông ngay. Người làm báo thường sợ người ta quấy rầy...
Rồi thong thả ngồi, Đào Đăng Khương nói tiếp:
- Thưa ông Lê Phong, đây là một chuyện riêng có quan hệ đến danh dự chúng tôi và cả đến cái chết đau đớn của một người nữa. Vì câu chuyện bức thư hôm nọ mà tôi tưởng tìm ra được một sự bí mật ghê gớm, và cũng nhân đó, tôi được biết cái tài suy đoán hiếm có của ông. Tôi muốn đem việc đó thưa với ông và nhờ ông xét hộ.
Giọng nói kính cẩn và chân thực, khiến chúng tôi hiểu rằng sẽ được nghe một câu chuyện khác thường. Nhưng đôi mắt buồn và thông minh của người ấy nhìn tôi có vẻ nghi ngại.
Lê Phong nói:
- Ông này là Văn Bình, bạn rất thân của tôi. Ông có thể tin ở sự kín đáo của Văn Bình cũng như của tôi, xin ông cứ cho biết đầu đuôi câu chuyện.
Rồi Lê Phong ngả người trên chiếc ghế bành, lim dim mắt để nghe.
 
Bài thơ
 
- Thưa ông, việc đã xảy ra từ mấy năm nay, người chết đã nằm yên dưới mồ, mà người nhà chúng tôi cũng đã quên được nỗi đau đớn. Duy có tôi là vẫn còn để tâm mãi mãi, bao giờ tôi cũng ngờ rằng người thiệt mệnh phải chết vì một cớ rất lạ thường.
“Xin phép ông cho tôi kể câu chuyện rành mạch và theo thứ tự như đã xảy ra, rồi sẽ nói vì sao bức thư gửi cho ông hôm xưa lại có thể có liên lạc - rất mong manh - với việc này được.
“Cách đây ba năm, người em gái lớn của tôi đang học ở trường nữ sư phạm, bỗng một hôm vô cớ xin bỏ trường. Thầy me tôi rất chiều con, và cũng không muốn cho em gái tôi theo đuổi mãi việc cử nghiệp là việc các cụ tin rằng chỉ dành riêng cho bọn con trai, nên bẳng lòng cho em Tuyết Mai tôi xin thôi cũng như đã bằng lòng cho em tôi xin thi vào trường ngày trước.
“Tuyết Mai là người con gái thông minh lắm, lại sớm có khiếu về văn thơ. Hồi ấy tôi là lưu học sinh ở trường Albert Sarraut, một tuần lễ, hai lần về thăm nhà, mà lần nào về cũng chỉ là để nói chuyện với Mai về văn chương, hoặc mỹ thuật. Thấy em thôi học, tôi hỏi, thì Mai bảo tôi rằng: ‘Học mãi trong trường cũng chỉ có thế thôi. Em không muốn đi dạy học như các bạn hữu em thì khoa sư phạm không có ích gì. Ở nhà, đem cái vốn học thức đã góp được bấy lâu mà đọc sách, viết văn, em thấy dễ chịu hơn cả’.
“Cái ý kiến mở khách thính (salon littéraira) ngày nay chúng tôi vẫn để tâm đến, ngay từ độ ấy em Mai tôi đã có rồi. Tôi thường thấy Mai nói đến những cuộc hội họp các bạn gái ở nhà một người chị em. Nhưng được ít lâu, các cô mỗi người một nơi, nên việc đó không có kết quả gì hết. Tôi cần phải nói rõ điều ấy để ông biết cho rằng em tôi là người nhiệt thành vui vẻ và yêu sống, trong gia đình không có điều gì làm cho Tuyết Mai buồn...”
Lê Phong ngắt lời:
- Ông chưa nói cho biết cô Mai năm ấy bao nhiêu tuổi.
- Em tôi năm ấy mười tám, nhưng trông người và xét tâm tính, tư cách thì khôn ngoan sắc sảo hơn tuổi nhiều. Đây là bức chân dung của Mai, chụp sau khi thôi học được ít bữa.
Người thiếu niên đưa ra một tấm ảnh khổ carte postale. Lê Phong cầm lấy xem, khen nước ảnh đẹp, lối chụp khéo và có tinh thần, rồi không có liên lạc chi, anh ta nói:
- Piano với violon, cô Mai ưa thứ đàn nào hơn?
Người thiếu niên và tôi kinh ngạc nhìn Lê Phong, tưởng anh nói đùa, nhưng mặt anh vẫn nguyên vẻ đạo mạo. Anh nhắc lại:
- Tôi muốn hỏi ông người nữ tài tử này hay dùng thứ đàn gì? Vì ít ra, cô Mai phải giỏi âm nhạc.
- Vâng, quả thế. Mai giỏi violon lắm và đang học đánh piano. Tôi biết ông đoán tài, nhưng điều tôi không thể hiểu được là sao ông trông ảnh lại biết?
Lê Phong làm bộ thản nhiên, nhưng xem ý ra trong lòng vui sướng, thong thả trả lời:
- Có lẽ nói ra khí dài dòng. Vì phải ôn lại cho các ông nghe các điều bí nhiệm của khoa “physiognomonie”, mà tôi tạm dịch là khoa xem tướng. Nhưng ông cứ biết rằng đôi mắt say đắm dưới cái trán cao rất đẹp này là đôi mắt của nhà nghệ sĩ. Mà cái tay thanh tú, mềm mại kia chẳng phải chỉ khéo nấu nướng mà thôi. Mà... hình như những hàng chữ viết sau bức hình này, cô viết trong lúc người đang yếu? Ông cho phép tôi đọc nhé.
Phong chăm chú đọc. Anh có vẻ đọc những nét chữ hơn là đọc lời văn. Song anh cũng lấy ngón tay gạch những câu mà anh muốn cho tôi chú ý. Đó là những câu tả cái cảm tưởng của một người trong lòng như buồn rầu, như bối rối: những câu trích ở một đoạn tư tưởng lúc nào cũng bồng bột trong lòng:
“Phải. Khi yêu, thì người ta có thể làm những điều không ngờ đến được... Trời, dẫu khe khắt, cũng dung thứ cho lòng yêu có những phút điên cuồng.
Trời ơi! Sao mà có nhiều điều khó hiểu thế? Tại sao, như chị ấy vẫn nói, tại sao Trời lại bắt chúng ta đau khổ? Nếu chính Trời là Hóa công thật, nếu Trời thật là đấng tạo nên thế gian, thì Trời sao lại tạo cả nên sự ác nghiệt, sự đau thương với điều tội lỗi. Tại sao người ta muốn sống vui, Trời lại bắt ốm, bắt chết.
Gió ở ngoài hiên nghe thảm quá... Lá bay xào xạc như rơi trong lòng tôi... Me ngủ yên đã lâu. Me ơi, chả nhẽ con cứ giấu me mãi. Me là một người đàn bà, và trong lòng cũng nghĩ như con...” (Viết lúc 11 giờ đêm)!
Tôi đưa mắt nhìn Lê Phong, thì thấy anh nhắm mắt, mím miệng lại một lúc, hai ngón tay cầm lấy tấm ảnh một cách đặc biệt như để cố tưởng đến tâm sự người viết những chữ chúng tôi vừa đọc xong.
Lúc mở mắt ra, câu thứ nhất của anh là:
- Trời! Một người đàn bà không tầm thường! Một tâm hồn rất lạ!
Rồi anh nói tiếp:
- Nêu tâm, trí, lương năng, trực giác của tôi vẫn không đánh lừa tôi như trước, thì cô Tuyết Mai đây quả là một người khác thường. Cô yêu, hay ghét, vui mừng, đau khổ, hay lo sợ, đều là ở trên một bực cả... nghĩa là đều không bình dị như mọi người. Trong lòng cô, lúc nào nguồn tư tưởng cũng sôi nổi. Cô ưa hoạt động, nhưng lại hoạt động ở tâm tưởng hơn... Chậc! Mà tôi nói toàn những điều chỉ riêng tôi thấy hay; điều ông muốn biết hơn, mà có lẽ ông cũng đoán biết rồi, là những lời văn trên này là một thứ văn nhật ký của một tâm trạng băn khoăn cần phải giãi tỏ ra. Mà bởi không giãi tỏ được với ai, nên phải viết ra hoặc vào sổ tay, hoặc trong thư, hoặc... lên sau tấm ảnh như đây, để trút những nỗi u ẩn lên mặt giẩy.
“Bây giờ xin ông kể nốt, tôi chắc những việc sắp xảy ra đáng cho ta chú ý hơn”.
Người thiếu niên kể tiếp theo:
- Nỗi u ẩn của Tuyết Mai? Tôi thường tự hỏi em tôi có điều chi giữ kín trong lòng không? Vì thường ngày, Tuyết Mai không tỏ ra thái độ chi khác cả. Em tôi vẫn tiếp các bạn gái và bạn trai nữa; tính Mai rất tự nhiên.
“Năm chừng mười họa, tôi mới bắt chợt được vẻ buồn trên mặt Tuyết Mai. Đó là những lúc em tôi ngồi suy tưởng một mình, hoặc sau khi đọc sách, đọc báo. Nhưng chỉ thoảng qua giây lát. Tôi cho là một sự rất thường.
“Không ngờ một buổi tối kia, sau khi cả nhà vui vẻ nghe Mai dạo đàn ở trong phòng khách, tôi thấy em tôi cứ đi đi lại lại ngoài hiên và có vẻ bối rối lắm. Hỏi, Mai nói là trong người khó chịu, không muốn nói chuyện với tôi như mọi bận và vội vã bước về phòng mình. Sáng hôm sau, trưa lắm, tôi vẫn chưa thấy Mai ra, vào thăm em, thì thấy mặt em sút hẳn đi, hai mắt quầng thâm và có vẻ hốt hoảng. Mai ngồi trên ghế đệm, ở giữa những báo chí đang xem dở. Cái hình chụp tôi đưa các ông xem đây thấy rơi dưới đất, nhặt lên thì thấy có những hàng chữ viết này.
Lê Phong hỏi:
- Ông có nhớ những báo xem dở ở gần cô Mai là tuần báo hay nhật báo không?
- Là nhật báo.
- Trong báo có tin gì quan trọng hay có tin gì đáng cho cô Mai để tâm đến không?
- Theo ý tôi thì không. Báo chỉ thông những tin thường xảy ra hồi bấy giờ, một vài vụ trộm, mấy việc khám xét bắt bớ, nghĩa là không có gì lạ hết. Nếu có thì tôi, là người đã đọc báo ấy, đã chú ý đến ngay.
- Ông có đọc những báo ấy sau khi thấy cử chỉ cô Mai như thế không?
- Không.
- Thế là một điều sơ ý đáng phàn nàn. Nhưng không hề gì. Xin ông kể nốt.
 
 
 
- Từ hôm đó, em tôi mất hẳn tính vui vẻ, ngày nào cũng ở yên trong phòng ngủ và có những lúc hốt hoảng lặng lẽ. Tôi có hỏi cũng không chịu nói ra vì đâu. Thầy thuốc chúng tôi mời đến xem bệnh cho Mai chỉ nói rằng Mai bị bệnh đau tim và đang trong lúc tinh thần rối loạn. Cả nhà tôi hết sức săn sóc, nhưng Mai càng ngày càng yếu, trong có hơn một tuần lễ, người rộc hẳn đi, trông rất đáng thương.
“Tôi hỏi riêng me tôi xem có biết gì về tâm trạng Mai về hồi gần đó chăng, thì me tôi nói rằng không. Tôi vẫn ngờ rằng Mai mới có nhiều việc kín về tình duyên muốn giấu, và tự hứa rằng sẽ tìm cách dò hỏi cho ra. Đó có lẽ không phải là công việc của một người anh, nhưng xin hai ông biết cho rằng, tôi thương em tôi lắm. Mai với tôi không những là người ruột thịt, chúng tôi tương đắc với nhau lắm, mà ở đời tôi chưa thấy có bạn hữu nào thân hơn.
“Trong lúc Mai yếu, tính tình như cũng thay đổi. Em tôi thường có những lúc dằn dỗi vô cớ với me tôi, với tất cả mọi người trong nhà, nhưng lại có những lúc hiền lành dịu dàng và nói những câu rất êm ái, rất cảm động. Tôi bàn với thầy me tôi cho em tôi đi nghỉ mát ít bữa, tuy lúc ấy chưa đến nghỉ hè. Mai nghe nói tỏ ra ý rất vui và bảo tôi: ‘Thế nào anh cũng đi với em. Anh phải đi với em, em mới bằng lòng... Mà không lúc nào anh được bỏ em một mình đó’. Tôi không lưỡng lự, định sẽ xin phép nghỉ học trước để lên Tam Đảo với me tôi và Mai.
“Bỗng nhiên, một hôm Mai nhận được bức thư, một bức thư cũng như mọi bức thư vẫn nhận được hằng ngày; nhưng khi mở ra coi, tôi thấy Mai tái hẳn mặt đi, hai tay run bật lên, ngơ ngác nhìn ra một cách kỳ dị không thể tả được! Tôi lo sợ lại gần hỏi thì Mai lắc đầu nói: ‘Không, em tự nhiên khó ở, anh để yên em nằm nghỉ, anh ra đi!’ Tiếng nói cũng có vẻ rất khác thường, giọng nói run run khiến tôi không thể nào cầm lòng được. Tôi nài xem bức thư gửi đến. Mai cười nhìn tôi một cách rất ảo não và đưa bức thư cho tôi xem.
“Thì ra nó là một bài thơ, thưa ông. Một bài thơ lục bát, như em tôi vẫn nhận được của các bạn gái gửi về, trong đó toàn những câu vẩn vơ buồn, chứ không có gì là khác lạ. Đây, bài thơ tôi vẫn còn giữ xin đưa ông coi”.

Lê Phong, đôi mắt sáng lên một cách phi thường, anh cầm mảnh giấy nhỏ người thiếu niên vừa trao cho mà tay hơi run. Tôi biết anh đã đoán thấy nhiều việc quan trọng.
Bài thơ viết trên một thứ giấy kẻ ô, chữ viết rõ ra chữ người con gái và lơ thơ, quả như người thiếu niên nói, chỉ có những nghĩa vu vơ:
 
 
 
Đọc xong, bạn tôi không nói gì cả, ngẫm nghĩ một hồi lâu rồi đột nhiên hỏi:
- Ai đưa bức thư này đến?
- Nhà dây thép.
- Người gửi thư ở Hà Nội hay ở tỉnh khác?
- Ở Hà Nội, theo dấu đóng ngoài phong bì.
- Được, lạ lắm. Ông kể nốt câu chuyện đi.
Người thiếu niên thở dài:
- Thưa ông, tôi rất kinh ngạc sau khi đọc những dòng chữ này. Tôi không hiểu tại sao những câu tầm thường ấy lại làm cho em tôi sợ hãi quá đến thế. Tôi không biết duyên cớ để lựa lời khuyên giải em, vả em tôi cũng không muốn nghe tôi khuyên giải chi hết, chỉ lắc đầu đưa tay bảo tôi ra: “Không, em không hề gì hết, anh thu xếp mai đi Tam Đảo với em”. Lời nói có giọng thiết tha, van vỉ. Tôi không đời nào quên được đôi mắt Mai nhìn tôi lúc đó, cái miệng cười gượng với tôi lúc đó và ngay lúc đó, tôi như cảm thấy những điều thảm khốc vô cùng.
“Nửa đêm hôm ấy, tôi đang ngủ bỗng nghe thấy bên phòng Mai có tiếng rền rĩ. Tôi vội vùng dậy, đâm bổ sang vỗ cửa thì cửa khóa kín... Tôi không còn hồn vía nào nữa, cuống cuồng lên gọi cả nhà dậy, phá cửa vào thì Mai đang giãy giụa trên giường. Tôi không kịp hỏi được một lời nào, Mai nẳm trong tay me tôi chỉ nấc lên mấy cái rồi tắt nghỉ”.
Phong hỏi:
- Tự tử?
- Vâng, tự tử. Em tôi tự tử bằng các thứ thuốc rất mạnh trong nhà sẵn có, như teinture d’iode, cường toan, permanganate, trộn lẫn với nhau để uống. Không thể nào cứu được nữa, vì lúc ấy đã quá muộn rồi.
Nghe lời đó Lê Phong ngồi thẳng người lên, hai tay cầm mảnh giấy một cách cẩn trọng không biết ngần nào. Rồi ngẩng lên nhìn chúng tôi, anh nói:
- Bài thơ này giấu kín cả một tấn kịch, chưa biết là bi kịch hay hí kịch, nhưng là một tấn kịch rất lạ lùng... Xin ông để lại đó cho tôi xem, để cả tấm ảnh này đây, vì những chữ sau tấm ảnh này cũng sẽ giúp tôi tìm được đầu “mối dây”. Thí dụ... Tôi biết được rằng, cô Mai không phải là em ruột ông... và... lúc ông nói ông thương cô tức là ông yêu cô đó. Xin ông tha lỗi cho, câu chuyện của ông làm tôi cảm động và có thiện cảm chân thực với ông nhiều lắm. Tôi muốn giúp ông khám phá ra các điều kín nhiệm, vậy ông cũng nên chân thực với tôi.
Rồi không để ý đến sự kính phục của Đào Đăng Khương, Phong mỉm cười để hai tay lên vai người thiếu niên và nói tiếp:
- Xin ông cứ tin ở tôi. Bài thơ lục bát kia đủ làm một quyển sách thần bí để tôi xem đó mà đoán được các việc phi thường.
- II -
một thảm tình
Đào Đăng Khương trân trân nhìn bạn tôi bằng đôi mắt của người vừa thấy một điều quái dị. Chàng ta ngồi lặng đó đến hơn một phút, hình như tự hỏi chẳng biết Lê Phong là thứ người gì mà biết được những việc ẩn kín trong lòng mình, lại biết một cách rõ rệt nhanh chóng đến thế.
Một lát sau Khương mới nói:
- Thưa ông, quả ông là một bậc kỳ tài. Vâng, Mai không phải là em ruột tôi. Nhưng tôi xin thú thực câu phỏng đoán của ông vừa rồi tuy đúng, song tôi ngờ là... một câu vô tình ngẫu nhiên mà đúng. Vì tôi tưởng chưa hề nói ra điều gì có thể lộ việc kín trong gia đình tôi.
Lê Phong cười:
- Trước hết, tôi không phỏng đoán bao giờ. Vậy không phải vì sự tình cờ mà biết được việc riêng của ông. Tôi nghe lời ông nói, nghe giọng ông nói, chú ý đến cả những cách ông nói, tôi đã nghĩ thầm: có phải đây là giống một người anh kể chuyện một cô em không? Tôi trông đôi mắt ông mỗi khi nhắc đến tên Tuyết Mai, có một “tia sáng” âu yếm khác, giọng nói lúc đó cũng tha thiết, đắm đuối ông không ngờ đến, nhưng tôi, thì tôi thấy rõ ràng. Thế rồi, lúc ngắm đến bức chân dung của người thiếu nữ rất nhan sắc kia - người thiếu nữ mà ông bảo tâm tính rất hợp với tâm tính ông - thì tôi có ý tìm mà không thấy có nét nào giống ông hết. Hai anh em ruột mà lại tâm tính tương hợp thì ít nhất cũng phải có một vài chỗ tương tự giống nhau bề ngoài, đằng này thì không.
“Đó chưa hẳn là một chứng cớ chắc chắn. Nhưng chứng cớ đó thêm vào những điều quan sát về cử chỉ ngôn ngữ khi ông nói đến Tuyết Mai, cũng có thể cho tôi ngờ rằng cô Tuyết Mai với ông không phải là người trong ruột thịt... Vậy cô là em ông, nhưng là em họ hoặc em nuôi, phải không?”
Khương thong thả đáp:
- Tuyết Mai là con nuôi của thầy me tôi.
- Nuôi từ ngày còn nhỏ?
- Vâng, từ hồi mới được hai tháng. Hồi ấy đứa em nhỏ của tôi cũng được hai tháng, nhưng mắc bệnh sài bỏ mất, nên nhà tôi nuôi Tuyết Mai thế vào. Việc này trừ thầy me tôi, không ai biết đến. Cả Tuyết Mai cũng vậy, vì em tôi được cả nhà rất thương yêu. Tôi thì mãi gần đây mới dò ra được sự bí mật đó.
Lê Phong hỏi:
- Mà sao ông lại để ý dò ra?
Rồi, không để cho người thiếu niên đáp, anh nói tiếp theo:
- Đấy thì thực là điều phỏng đoán của tôi. Ông có ý dò xét cái “căn cước” thực của em gái ông, là vì trong lòng ông có điều nghi ngờ... Ông thấy lòng đối với cô Mai có một thứ tình mặn mà, đằm thắm hơn tình anh đối với em. Ông yêu Tuyết Mai theo nghĩa mạnh nhất của tiếng này. Ông kinh ngạc, ông khổ vì thấy lòng có những ý nghĩ bất chính đó... nhưng không thể đừng yêu được!... Có phải không? Rồi còn gì nữa? Trời ơi, cả một đoạn tình sử cay đắng!... Ông hối hận, oán trách ông đã yêu người máu mủ, ông khổ sở cho đến cái ngày ông biết Mai chẳng phải là con đẻ của song thân ông... Nhưng đến ngày ấy thì ông lại gặp... một... bức tường của lễ giáo: ông biết rằng vẫn không thể yêu em ông được, gia đình ông sẽ ngăn cấm không cho ông làm một việc tự nhiên đối với lý trí, nhưng trái ngược đối với thói thường...
“Đó là những điều tôi do một điều đã biết trên kia mà... tán rộng ra, một công việc của nhà tiểu thuyết giàu tưởng tượng hay của một ông thầy bói tinh ranh, nên có lẽ không được đúng cho lắm”.
- Không! Rất đúng! Rất đúng! Tôi thực đã mang một tấm tình kỳ quặc trong khi tưởng em Mai tôi là em ruột, rồi lại mang một khối tuyệt vọng khi biết rõ dây liên lạc của Mai đối với tôi. Không biết bao nhiêu lần, ngồi trước mặt em, ngắm nhan sắc, em tôi muốn nắm tay em một cách âu yếm thiết tha hơn mà ngỏ cho em thấu nỗi khổ trong lòng. Nhưng thấy Mai vẫn trong sạch thản nhiên, vẫn không ngờ, không hiểu gì, nên tôi lại không có can đảm nói. Tôi chắc sẽ làm cho Mai khổ nếu tôi nói rõ những điều Mai không tưởng đến bao giờ. Em tôi vẫn sung sướng trong bóng êm đềm của gia đình tôi. (Lê Phong hơi mỉm cười đưa mắt cho tôi như để đánh dấu lấy câu nói văn vẻ ấy). Em tôi vẫn nhận lấy sự yêu thương của thầy me chúng tôi một cách rất bình tĩnh, và yên lòng tưởng đến những hạnh phúc của một người tin ở số phận đẹp đẽ của mình.
“Thưa ông, tôi ép lòng không tưởng đến tình yêu của tôi nữa. Tôi đành lòng mong cho cuộc đời của Mai không có một thứ mây nào ám đến. Nhưng tôi không khỏi ghen với những bạn hữu có thể yêu Mai một cách đường hoàng hơn tôi”.
Phong ngắt lời hỏi:
- Thế ông bà thân sinh ông có nói đến việc nhân duyên của cô Tuyết Mai bao giờ không?
- Có. Vì có nhiều người hỏi, trong đó phần nhiều là bạn trai của tôi cả. Nhưng Mai vẫn chưa muốn nghĩ đến việc lấy chồng.
- Đối với các bạn ông, cô tỏ ra thái độ thế nào?
- Tôi đã thưa với ông rằng Mai là người thiếu nữ rất tự nhiên. Trong những lúc trò chuyện, bàn luận, đàn hát, em tôi không có vẻ rụt rè, e thẹn vô lý như phần nhiều người. Đó là do ảnh hưởng của sự Âu hóa hay sao thì tôi không biết. Nhưng về phần các bạn tôi thì có người cho sự thân mật của em tôi là một cái “ơn” riêng cho mình.
Trong lúc người thiếu niên nói, Lê Phong vẫn cầm bức ảnh nhỏ ngắm nghía, hoặc lật mặt trái xem lại những hàng chữ viết. Bỗng anh lại hỏi một câu không có liên lạc đến chuyện, theo như thói quen của anh:
- Ông có còn giữ quyển nhật ký của cô Tuyết Mai không?
Khương chưa hiểu; ngừng lại. Phong nhắc lại câu hỏi:
- Tôi muốn biết quyển nhật ký của cô Mai.
- Nhật ký nào?
- Thế ra ông không biết ư? Cô Tuyết Mai, theo ý tôi, tất phải có một tập nhật ký, trong đó cô có ghi chép các điều cô nghĩ, cô trông thấy hoặc nghe thấy. Vì đó là một sự cần cho một người con gái có tâm sự sôi nổi, có học thức rộng, và có cái thị hiếu cao quý như cô Mai đây... Có điều tôi lấy làm lạ là những lời sau bức ảnh này sao cô không viết ngay vào nhật ký. Vì đó là một đoạn văn nhật ký thật. Có ghi chép cả ngày giờ. Không viết vào nhật ký có lẽ vì cuốn nhật ký lúc đó không tiện lấy ra. Có lẽ sau bức ảnh đó, cô viết vội vào trong lúc ý tưởng trong trí hãy còn “tươi” như người Tây nói. Không giữ được quyển nhật ký thì ít ra ông cũng còn giữ lại thư từ của các bạn cô gửi đến chứ.
- Thư thì có, phần lớn là của các bạn gái.
- Ông có thấy gì khác không?
- Không, chỉ những chuyện văn chương hội họp, những ý kiến về các cuộc diễn thuyết, về các sách mới xuất bản, hoặc những chuyện cổ động cho khách thính.
- Có nói đến thơ ca bao giờ không?
- Có. Tôi lại thấy những bài thơ đăng báo cắt ra lẫn trong tập giấy má, và nhiều bài của các chị em bạn gái gửi cho Mai. Không có một bài nào giống thể thơ của bài lục bát tôi đưa ông coi đây, cũng không có bức thư nào tự dạng giống nét chữ ở bài thơ lục bát ấy...
- Cái đó đã hẳn, vì môt bài thơ lục bát mà làm một người kinh sợ đến nỗi tự tử được, tất nhiên không phải là một bài như mọi bài thường.
“Tôi quên chưa hỏi ông, cô Mai có để thơ tuyệt mệnh lại không?”
- Không, vì thế nên việc quyên sinh của em tôi càng có vẻ kỳ dị.
- Trong các bạn hữu ông, ai là người ông xem ra có ý lưu luyến đến cô Mai nhất?
- Tôi có ba người bạn thì cả ba đều hay lại chơi, mà xem ra thì Mai không để ý đến một người nào. Đối với ai em tôi cũng lịch thiệp, nhã nhặn, không tỏ ra ý thiện cảm hay ác cảm với riêng ai...
- Nếu vậy thì... những lời độc nhất ta bắt chợt được ở sau bức ảnh này, tôi đã hơi thấy có nghĩa... Nhưng tôi, tôi muốn hỏi thêm ông ít điều cần hơn. Ông đã xem xét kỹ những sách vở, giấy má của cô Mai, sau khi cô quyên sinh rồi chứ?
- Vâng.
- Các thư từ... nhất là các thư từ?
- Vâng.
- Ông không thấy gì lạ?
- Không thấy một sự lạ nhỏ nào. Vì thưa ông, cái chết của em tôi đã làm cho tôi kinh ngạc hết sức, nên tôi vẫn cố ý tìm để lấy một duyên cớ, một điều gì có thể làm tia sáng soi vào sự bí mật của Tuyết Mai. Không, trừ bài thơ lục bát là vật chỉ làm tôi khó hiểu thêm, không còn gì đáng chú ý hết.
- Tuy vậy, nếu có thể được, tôi muốn xem tập thư kia.
- Xin vâng, tôi sẽ đưa ông sau.
Lê Phong lấy sổ tay ghi chép mấy câu sực nghĩ ra rồi hỏi nữa:
- Các bạn gái của Tuyết Mai, những ai là đáng chú ý?
Khương ngẫm nghĩ một lát, mỉm cười nhạt nhẽo:
- Các cô ấy đến chơi luôn, ai tôi cũng thấy tử tế cả, vả lại, tôi cũng không hay giao tiếp với họ lắm, vì rằng...
Lê Phong cũng mỉm cười:
- Vâng, tôi hiểu rồi. Những thư gửi về là của những bạn ở xa hay cùng ở Hà Nội?
- Gần hết là của bạn xa. Nhiều cô đã lấy chồng... Hình như có cô ở ngoại quốc nữa.
Phong chợt có vẻ chăm chú. Anh hỏi:
- Thế nào? Không mấy cô viết thư là người ở Hà Nội?
- Vâng. Sao?
- Cần lắm. Mà bài thơ lục bát lại là của một người ở Hà Nội gửi đến? Ông nhớ kỹ chứ?
- Vâng.
Phong lại ghi lấy đoạn vấn đáp ấy rồi lấy mảnh giấy có bài thơ lục bát ra coi. Anh lẩm bẩm đọc mấy câu:
- Muốn tìm tảng đá đề thi...
Lòng đau khôn chép, khôn ghi được lời
Quyết tâm ai mảng quên ai,
Quyết tâm ai mảng quên ai,
Quyết tâm ai mảng quên ai,
Và cứ câu này nhắc lại mỗi lúc một nhỏ dần, sau cùng mắt anh nhìn ra mơ màng như sắp tìm được sự lạ.
Chúng tôi cùng yên lặng để anh suy nghĩ và thấy ngón tay anh sẽ đưa lên đưa xuống như đánh nhịp cho những lời thơ sau. Hơn một phút đồng hồ. Mặt anh, đôi lông mày với đôi mắt sáng của anh, với cái miệng mắm lại, đều cho chúng tôi biết anh đang dùng hết tâm lực để cố theo đuổi một ý tưởng gì vụt thoảng qua...
Lê Phong lại lẩm bẩm nói. Tiếng nói rất nhỏ. Đôi mắt vẫn nhìn trân một phía. Tôi lắng tai hết sức nghe thấy mấy câu:
- Một bài thơ... một bài thơ lục bát... thế mà Tuyết Mai kinh sợ, rồi đến tự tử được... Tự tử... Hừ!...
Đầu anh se sẽ lắc. Anh thở một hơi rất dài, rất nhẹ, rất thong thả. Rồi bỗng sực tỉnh lại, anh nói:
- Ồ, kỳ lắm, kỳ lắm! Không thể nào... phải, không thể nào thấy ngay được. “Quyết tâm ai mảng quên ai”. Văn chương kỳ quặc không! Lại còn “Tơ lòng chán nản phím đàn tử sinh” nữa. Thực là đủ các điều quái gở để tôi phải mất ngủ suốt đêm hôm nay. Bây giờ ông cho tôi biết thêm mấy điều nữa. Tôi xin hứa với ông rằng chậm lắm là ngày kia, “màn bí mật” phải mở ra, nếu không thì việc lạ này quả là quá sức tôi tưởng tượng.
Rồi, chăm chỉ, Lê Phong sắp sẵn bút với sổ tay, anh hỏi người thiếu niên:
- Ông có ngờ cho cô Mai bị thất vọng, bị ô nhục, hoặc bị một điều gì bất đắc chí về tình không?
- Không.
- Những hàng chữ ở sau bức ảnh, nói về lòng yêu. Vậy sự yêu ấy tất ám chỉ vào một người nào...
- Theo tôi biết, thì Mai có lẽ rất tin ở tôi, có điều gì tưởng cũng ngỏ cho tôi biết chứ.
- Cái đó không thể chắc được. Lòng người, ông nên hiểu, thực có nhiều nỗi éo le. Nhưng đó chỉ là điều phụ. Bài thơ lục bát gửi đến, ông nhớ chắc chắn rằng là của người ở Hà Nội chứ?
- Chắc.
- Ông có thấy còn kèm bức thư nào trong một phong bì không?
- Không. Lúc Mai xé phong bì là lúc tôi ngồi nói chuyện với em ở trong phòng riêng, Mai đang nằm nghỉ vì người chưa khỏe.
- Cô nói chuyện với ông vẫn như thường chứ? Nghĩa là không thấy có gì khác ở câu nói chứ?
- Vâng. Ông có ý muốn biết rõ trí não của em tôi có được bình thường không chứ gì? Xin quả quyết nói rằng em tôi không tỏ ra một thái độ nào, một lời nói nào khác lạ, trước khi đọc bài thơ khốc hại kia...
- Mặt cô Mai, sau khi cô đọc bài thơ, lộ ra vẻ đau đớn, tuyệt vọng?

- Không. Hơn thế nhiều lắm. Mai tái xanh mặt đi, mắt mở rất lớn ra vẻ sợ hãi không biết chừng nào. Có tôi ngồi đấy mà Mai cũng không tưởng đến sự giấu diếm tôi... Tay em tôi run lên, môi xám ngắt cũng run lên... Không có câu hỏi săn đón của tôi, có lẽ em tôi ngất đi mất.
- Được. Cả sự bí mật phần lớn ở bài thơ lục bát. Tìm ra nghĩa tức là tìm ra sự thực đấy, nhưng việc tìm ra không phải việc dễ dàng. Lúc nãy tôi vào đây, ông có nói với tôi rằng, vì câu chuyện gửi thư đùa tôi hôm xưa mà ông tưởng tìm ra một sự liên lạc với việc cô Mai. Vậy sự liên lạc đó có tính cách thế nào?
Khương đáp:
- Liên lạc có lẽ không phải là tiếng đúng lắm. Tôi có ý nói rằng vì thấy một người đàn ông có thể giả chữ con gái mà viết thư được thì tất cũng có thể có một người đàn ông khác giả chữ con gái mà viết ra bài thơ gửi cho em tôi. Tôi chỉ tìm ra được có thế thôi. Nhân thấy ông xem chữ mà biết được người viết, lại đoán một cách rành mạch cho trường hợp lúc chúng tôi viết thư cho ông, nên tôi liền nghĩ đến việc Tuyết Mai là việc tôi để tâm đến mãi mãi, và đem đến kể cho ông nghe để nhờ ông khám phá giùm. Xin ông vì sự thực và vì tình của một người anh khổ sở, vì một đoạn thảm sử trong lòng tôi mà ông đã thấu biết mà tìm đến việc này cho...
Sự cảm động làm nghẹn lời Đào Đăng Khương.
Lê Phong, đôi mắt dịu dàng, vỗ vai người thiếu niên, ôn tồn nói:
- Tôi xin hết lòng. Việc này tuy rắc rối và là một bài “tính đố” khó khăn lắm thực, nhưng chính vì thế mà gợi tính tò mò của tôi... Tôi lấy hết tâm trí để mong tìm cho chóng ra, vì sự thực thiêng liêng, vì một đoạn tình yêu thiêng liêng cũng có, nhưng chính cũng vì cái thị hiếu riêng của tôi nữa. Vậy hà tất ông phải cảm ơn tôi.
“Một điều tôi cần muốn dặn ông là về chuyện quyên sinh này, ông đừng cho ai biết rằng ông đã đem đến bàn bạc với tôi. Có lẽ họ biết cũng không sao. Mà có lẽ lại là điều rất trở ngại.
“Ông lại nhớ đưa cho tôi tập thư của các bạn gửi về cho cô Tuyết Mai... À, còn điều này nữa: sau khi cô Tuyết Mai quyên sinh, còn bức thư nào gửi đến nữa không?”
- Không. Tin em tôi mất đăng báo ngay hồi đó.
- Được, bây giờ xin ông cứ về.
Người thiếu niên ngần ngừ:
- Thưa ông... theo ý ông, thì em tôi quyên sinh vì cớ gì, ông có thể cho biết ngay được không?
- Ồ, ông nóng nảy quá. Tôi bây giờ cũng như ông, hay chỉ phảng phất biết hơn ông một chút là cùng. Điều chắc chắn mà ông cũng biết như tôi là cô Mai tự sát vì bài thơ... Còn ngoài ra...
Lê Phong tươi cười khoát tay lên để nổi vào câu nói.
 
Giả thuyết và sự thực
 
Sau lúc người thiếu niên ra về, Lê Phong liền đứng lên, bỏ bức ảnh với bài thơ vào túi, lên gác, vào tòa soạn, giở mấy tờ báo ra đọc, sắp tập giấy trước mặt, rồi yên lặng ngồi viết một thôi một hồi. Tôi hói:
- Anh viết gì thế?
- Viết bài số sau.
- Thế còn việc vừa rồi?
- Việc nào?
- Câu chuyện Tuyết Mai!
Bạn tôi trả lời bằng một cái nhún vai nhẹ, một lát anh nói:
- Chuyện ấy có quan hệ gì với số báo sắp ra?
Rồi không để ý gì đến tôi cũng như đến chuyện Tuyết Mai, anh cứ cắm cúi viết hoài. Viết xong, anh yên lặng đưa bản thảo cho ông chủ nhiệm, yên lặng lấy thuốc lá hút, rồi yên lặng đi ra. Tôi lấy làm lạ cho sự dửng dưng của anh đối với một việc mà chính anh nửa giờ về trước cho là rất kỳ dị.
Nhưng lúc tôi sang phòng bên cạnh thì thấy Lê Phong ngồi sau một cái bàn rộng, tấm ảnh và bài thơ để trước mặt. Một tay anh đang cầm dọc cái bút chì đưa lên ngang mặt, chăm chú ngắm nghía mãi, làm như ở đời chưa bao giờ thấy cái bút chì nào lạ hơn.
Đó là một cử chỉ đặc biệt của Phong mỗi khi anh ta để cả tâm trí vào một việc.

Tôi vẫn “kính trọng” những lúc suy tưởng đó của bạn, nên không nói gì qua. Tôi kéo ghế ngồi và ngẫm nghĩ đến câu chuyện Đào Đăng Khương thuật lại lúc nãy. Tôi cố ôn lại các trường hợp và sắp đặt cho có thứ tự và thử tìm xem có nảy ra được một “tia sáng” nào không.
Tôi tưởng đến những lời viết sau bức ảnh của Tuyết Mai, những lời nồng nàn về tình yêu của một tâm trạng không thường, tưởng đến tâm tình u ẩn của người cô ta tưởng là anh; tưởng đến bức thư - đến cái bài thơ lục bát kia - tuy lời bóng gió vu vơ nhưng quyết nhiên là có ẩn một ý nghĩa. Ý nghĩa đó chỉ có người viết bài thơ ấy hiểu với một người nữa: là Tuyết Mai...
Tư tưởng cứ theo cái luận lý dễ dàng ấy tiếp theo nhau, và để cho tôi lập được mấy “giả thuyết” cũng khá vững chãi.
Một câu nói rõ rệt của Lê Phong làm tôi sửng sốt:
- Những giả thuyết vững chãi cũng gần là sự thực rồi đấy.
Tôi ngảnh lại thì Phong đang nhíu mắt nhìn tôi mỉm cười. Tôi hỏi:
- Giả thuyết nào?
- Những giả thuyết anh vừa lập ra chứ giả thuyết nào? Có phải anh đang suy đoán về việc Tuyết Mai không?
- Phải.
- Anh đã tìm được nhiều điều hay? Nhiều điều mà anh tin là vững chãi?
- Tôi tưởng thế, nhưng sao anh biết?
- Vì tôi vẫn theo đuổi ý nghĩ trong mắt anh. Cái chuyện đọc tư tưởng ở trên nét mặt mà Edgar Poe với Conan Doyle đã nói đến, bây giờ tôi lại càng tin là chí lý. Vì tôi vừa mới thực hành xong. Tôi ngồi đây có nghĩ gì đâu. Anh thì anh tưởng tôi nghĩ lung lắm. Trái lại, tôi quan sát những vẻ biến đổi ở đôi mắt với ở nét mặt của anh... Thế nào, bài thơ lục bát anh đã thấy có ý nghĩa gì chưa? Tuyết Mai vì sao mà quyên sinh... Nói tóm lại, giả thuyết của anh thế nào, cho tôi biết với.
Tôi nhìn bạn để dò ý. Anh ta không có vẻ chế giễu, hỏi tôi câu vừa rồi một cách chân thực và vẻ mặt vẫn đứng đắn như thường. Điều đó khiến tôi phấn khởi. Lê Phong hỏi nữa:
- Thế nào, anh nghĩ về việc này thế nào?
Tôi trả lời:
- Theo tôi thì chuyện này có thể có nhiều điều đáng chú ý lắm. Cả đến những việc nhỏ tơ tóc cũng không được bỏ qua.
- Chính thế! Cho nên?...
- Cho nên tôi không chỉ nghĩ đến bài thơ mà thôi, tôi còn xét cả đến lời viết sau bức ảnh nữa.
- Khá đấy!
- Những lời sau bức ảnh, theo tôi, quan hệ chẳng kém gì lời bài thơ. Tôi lại phải để ý cả đến những trường hợp xảy ra trước lúc Tuyết Mai viết những lời kia, nghĩa là những việc sau lúc dạo đàn cho cả nhà nghe; anh vẫn nhớ đó chứ?
- Nhớ. Anh nói nốt đi, lời bàn của anh hay lắm.
Tôi sung sướng vì thấy những lẽ của mình trúng ý Lê Phong, và vụt thấy trí não sáng suốt một cách lạ. Tôi nói tiẽp:
- Vậy sau lúc dạo đàn là lúc Mai bối rối, đi đi lại lại ngoài hiên... Sự bối rối đó chính là vì Mai đã đọc một tin gì đăng trong báo, một tin mà Khương không để ý, nhưng có quan hệ đến đời... tình cảm của Mai.
Lê Phong nhìn tôi ra vẻ khen phục rõ ràng:
- Hay lắm! Giỏi lắm! Anh suy xét rất hợp với phương pháp của tôi.
Tôi nói luôn:
- Chỗ này tôi phải xét đến những lời sau bức ảnh Mai viết trong lúc đêm khuya trằn trọc. Đó là những lời, như anh đã nói, của một tâm trạng sôi nổi. Những lời, của một người biết yêu, và yêu một cách đằm thắm nồng nàn... “Khi yêu thì người ta có thể làm những điều không ngờ đến được... Trời dẫu khe khắt đến đâu cũng tha thứ cho lòng yêu có những phút điên cuồng”. Một trái tim thản nhiên không bao giờ chứa những tư tưởng cuồng bạo đến thế. Nhưng Tuyết Mai yêu ai? Tất nhiên không phải yêu Khương...
- Vì sao?
- Vì cô ấy vẫn tin Khương là anh ruột. Vả lại Khương có bao giờ dám ngỏ nỗi lòng cho cô ấy biết đâu. Mà tất nhiên yêu một người trong mấy người bạn trai của Khương. Tình yêu đó kín đáo lắm, nên Khương không thể thấy được. Đến đây tôi thấy cái thuyết của tôi chia ra hai đường.
“Một là: ý trung nhân của Tuyểt Mai tuy yêu Mai mà không thể lấy cô ấy được. Sự cản trở nhân duyên ấy thường hay xảy ra lắm. Thí dụ gia đình người con trai không muốn anh ta lấy Mai là người họ cho là mới quá, hoặc gia đình nhà thiếu nữ tỏ ý không ưa anh chàng. Đôi bên vì thế xa nhau, rồi anh kia lấy vợ, cái tin chàng kia lấy vợ - tất nhiên là một tin đăng báo - khỏi sao không khiến Mai oán trách kẻ bạc tình?... Duyên do sự bối rối của Mai sau lúc dạo đàn và viết nên những lời oán trách của Mai là ở đó.
Phong sẽ gật đầu, mỉm cười như để nhận những lẽ phân giải của tôi.
- Thế còn bài thơ?
- Bài thơ ấy cũng của anh chàng kia gửi cho Mai, để tỏ cho cô ta biết rằng anh ta cũng đau đớn lắm, tuy lấy vợ nhưng lòng đã chán nản, vì bao giờ cũng thấy mình lẻ loi. Sở dĩ phải giả chữ đàn bà cũng là để tránh sự nghi kỵ của nhà Mai. Mà cũng bởi lẽ ấy nên thơ có giọng thán trách ngậm ngùi, tuy vu vơ nhưng Mai hiểu rõ lắm.
Phong hỏi:
- Vì thế mà Mai tự tử để đáp lòng người yêu chứ gì. Được, thế còn thuyết thứ hai, hay là cái ngả đường thứ hai của cái thuyết ấy?
- Thuyết thứ hai như thế này...
Nhưng bỗng Phong phá lên cười lớn, cười một cách đột nhiên vô cớ, hình như đã cố nín nhịn từ lâu. Anh đưa tay ra ngăn câu nói của tôi và khi cơn vui thái quá ấy đã nguội dần, anh mới nhìn thẳng vào mặt tôi mà nói một câu tiếng Pháp:
- Người bạn rất thân của tôi ơi, anh làm tiểu thuyết rất hay... Tôi thú thực rằng cái thuyết của anh chỉ có tính cách văn chương thôi. Phải, chỉ có thế.
Tôi vừa ngạc nhiên vừa ngượng nghịu nhìn anh ra ý trách móc, thì anh ôn tồn nói:
- Nếu tôi cứ để anh phân giải mãi, thì không biết lý luận của anh sẽ đi đến bờ bến nào... Anh quả xét được một cách kỳ khôi lạ! Lúc nãy anh nói cần phải để ý đến từng cái tơ cái tóc. Phải lắm. Nhưng đằng này anh đem chẻ cái tơ cái tóc ra làm tư, làm tám, theo lối nói của người Tây. Không, sự thực không thế.
“Tôi chưa dám quyết một điều gì hết, vì một điều gì thấy ngay tức khắc cũng có thể đánh lừa được mình! Trong việc này phải đứng ra xa mà coi, như thế mới trông bao quát được cả. Đằng này anh trông gần quá, vin vào một điều không ai dám chắc để gây nên những lý thuyết mơ hồ... Có lẽ làm văn thì hay, nhưng đây không phải là chuyện trong tiểu thuyết”.
Tôi nói:
- Nếu anh biết những điều tôi nói không phải là sự thực, thì chắc anh đã thấy rõ cả sự thực rồi sao?
- Không cứ. Tôi mới đoán thấy một phần nhỏ câu chuyện này thôi. Nhưng cũng có thể biết là anh nói sai được. Tôi hãy nói đến cái tin đăng báo. Anh bảo là Mai vì xem báo, thấy cái tin mừng của bạn trai mà băn khoăn. Trước hết, người ta buồn bực hay thản nhiên, chứ không băn khoăn vì cái tin này. Sau nữa, Khương là người vẫn để ý dò xét tâm sự của Tuyết Mai, lại cũng đọc số báo đã làm cho Tuyết Mai có những cử chỉ đáng chú ý hôm đó, nếu thấy có tin một người bạn quen lấy vợ, tất không khi nào bỏ qua. Vậy Tuyết Mai bối rối, băn khoăn vì một cớ khác hẳn. Cái cớ đó tôi cũng đã đoán ra, nhưng chưa nói chắc, vì còn phải “thử” lại xem có đúng không.
“Anh lại bảo Tuyết Mai tự tử vì thất tình. Người ta có thể vì thất tình mà tự tử được lắm, nhưng khi khi đọc bài thơ, thái độ Tuyết Mai có phải là thái độ của một người đau đớn, tuyệt vọng vì tình đâu? Anh nên nhớ rằng cô ta chỉ sợ hãi thôi. Sợ hãi một cách rõ ràng hết sức: môi tái, run lẩy bẩy, mặt xám xanh, tay cầm bức thư cũng run... Vậy, bài thơ lục bát kia không phải là bài thơ sầu, nhưng chính là một bức thư ghê gớm.
“Điều này tôi đã đoán ngay được, tuy chưa thấy được những chữ ghép thành câu ghê gớm kia. Nhưng khi đem ráp với vẻ băn khoăn của Tuyết Mai tối hôm dạo đàn, thì tôi ngờ rằng Tuyết Mai vẫn đợi đến một sự ghê gớm có thể xảy ra được.
“Bây giờ hãy nói đến những nét chữ. Hãy nói đến ngay nét chữ rất quan trọng ở sau bức chân dung cho có thứ tự. Chữ ở đó, theo tôi, thì chính là chữ đàn bà và hẳn là chữ Tuyết Mai, vì nét chữ bối rối, chen nhau, tỏ ra người viết đang lúc thần trí không được bình tĩnh. Lời trong đó cho tôi thấy một điều cũng rất quan trọng nữa: Tuyết Mai là người rất dễ cảm xúc, rất hay ký thác tâm tư lên mặt giấy và cũng như những người đàn bà có tính chất giống như thế, cô Mai vẫn hằng ngày ghi chép lên một cuốn nhật ký những điều... rất có ích lợi cho tôi. Nếu có quyển nhật ký này thì công việc của tôi nhẹ đi được quá nửa.
“Còn nét chữ ở bài thơ (Lê Phong vừa nói vừa chỉ lên mảnh giấy cho tôi xem).
“Đưa mắt qua tôi cũng biết không phải là chữ con gái. Anh coi những nét tuy cố làm ra ủy mị, nhưng vẫn rắn rỏi lạ lùng. Nhưng đó chưa phải là điều ta cần phải chú ý đến vội.

“Điều mà tôi cần nói cho anh biết ngay là: trong bài thơ ấy, có ẩn cái nghĩa gì không? Đây tôi đọc lên cho anh nghe một lượt:
CHƠI NÚI CẢM TÁC
Muốn tìm tảng đá đề thi
Lòng đau khôn chép, khôn ghi được lời
Quyết tâm ai mảng quên ai
Để ai vội tỉnh giấc mai mơ màng
Gió sầu như dội bên ngàn
Tơ lòng chán nản, phiếm đàn tử sinh
Chữ tình ơi hỡi chữ tình
Lẻ loi còn biết phận mình đáng thương.
Dừng chân ngó đến con đường,
Xa xuôi dưới lối tình trường mà ghê.
“Công việc thứ nhất của anh và của Đào Đăng Khương khi đọc xong những hàng này, là đi tìm hiểu nghĩa bài thơ lục bát. Anh thấy nói đến những cảm tưởng chơi núi, đến cái nỗi đau lòng của một người ghi chép tâm sự trên tảng đá, đến những lời mà anh tưởng là nói bóng gió đến một chuyện tình duyên trắc trở đã qua. Mà như thế là anh lạc vào cái lối của tác giả bài thơ muốn cho anh đi. Xét ra, bài thơ tuy viển vông, xong không phải là không có một ý buồn rầu chán nản. Nhưng tôi không tin rằng thứ văn sầu ấy có thể hại được tính mệnh một người.
“Tôi chắc rằng bài thơ kia có một thứ ‘chìa khóa’ riêng, nghĩa là có những điều khoản mà người viết phải theo đúng để cho người đọc chỉ đưa mắt qua là thấy ngay những chữ ghép thành những tiếng, và những tiếng ấy chắp lại thành một câu có nghĩa hẳn hoi.
“Nếu trông ở sự tình cờ trong lúc kiên nhẫn lần mò, có lẽ cũng tìm ra được câu kia, cho nên tôi bảo rằng không biết chừng suốt đêm nay tôi phải thức. Nhưng đây tôi làm việc theo phương pháp, nghĩa là tìm hẳn cái chìa khóa hay cái điều khoản bí mật người ta ước hẹn với nhau.
“Nên tôi chú ý không những đến những câu, những chữ mà lại để ý cả đến từng nét một. Tôi biết rằng trong bằng ấy tiếng ở bằng ấy câu thơ không phải là tiếng nào cũng dùng được. Có những tiếng quan trọng và những tiếng bỏ đi”.
Rồi nhích ghế lại gần tôi, Lê Phong chỉ vào mảnh giấy:
- Trước hết tôi xét xem có điều gì khác thường trong những hàng chữ không đã. Thoạt tiên thì không có gì. Không một dấu hiệu nào để mình trông thấy ngay. Nhưng nhìn kỹ thì tôi thấy chữ g ở tiếng lòng “tơ lòng chán nản, phiếm đàn tử sinh” có một nét kéo dài ra khác hẳn với chữ g khác. Chữ i trong tiếng xuôi “xa xuôi dưới lối tình trường”. Chữ h trong tiếng tỉnh “để ai vội tỉnh”, chữ u trong tiếng sầu, đều cùng kéo dài nét đuôi ra như chữ g nọ...
“Kéo dài ra để làm gì?
“Để đè qua cái vạch chì kẻ dọc trên tờ giấy kẻ ô. Anh trông kỹ lại mà xem.
“Cùng lúc đó, tôi lại chú ý đến chữ t ở tiếng quyết trong câu thứ ba, cái chữ t bé bỏng, rụt rè trông buồn cười lạ. Chữ n ở tiếng nản cũng rụt rè như thế; chữ o ở tiếng ngỏ cũng vậy, và nhất là chữ a ở tiếng xa. Bao nhiêu chữ a khác đều giống nhau, trừ chữ a này, rõ ràng là có ý viết thu lại.
“Tôi tự hỏi: như thế là có ý gì?
“Và tự trả lời: có ý làm trái lại với những chữ kéo dài mà tôi chỉ cho anh lúc nãy, nghĩa là để cho nó khỏi trèo qua những nét chì kẻ dọc này. Kết luận: trong bài thơ có những tiếng không cách xa nhau bằng nét chì dọc và những tiếng cách nhau bởi một nét chì dọc. Anh để ý đến những tiếng đi đôi: tảng đá, chép khôn, quyết tâm, ai mảng, vội tỉnh, dội bên, nản phiếm, tử sinh, chữ tình, loi còn, dừng chân, ngó đến, xa xuôi, dưới lối xem, anh có thấy gì không?”
- Cứ mỗi tiếng đôi ấy đều cách nhau bởi một nét kẻ dọc.
- Còn những tiếng khác thì không thế, có phải không? Vậy tôi có thể tạm kết luận những tiếng đôi ấy cách nhau bởi một nét chì kẻ dọc. Còn ngoài ra là những tiếng bỏ đi.
“Đây, tôi viết những tiếng quan trọng riêng ra:
“Tảng đá, chép khôn, quyết tâm, ai mảng, vội tỉnh, dội bên, nản phiếm, tử sinh, chữ tình, loi còn, dừng chân, ngó đến, xa xuôi, dưới lối. Những câu bí mật trong thư tôi đã nhờ ‘chìa khóa’ nét kẻ ô mà tìm ra rồi đấy”.
- Tôi vẫn chưa hiểu?
Lê Phong cười:
- Bây giờ thì chả có gì là lạ lùng. Anh nghe hộ tôi câu này:
“Lăn vi lình bì lét xí liệc vị lông khi lành xì.
“Anh có biết là câu gì không?”
Tôi phì cười:
- Là một câu nói lóng chứ gì.
- Nhưng nghĩa là?
- Lăn vi là văn; lình bì là bình; lét xí là xét; liệc vị là việc; mà bốn tiếng sau là không sành: ‘Văn Bình xét việc không sành”, đó là câu anh mắng khéo tôi chứ gì?
- Khá đấy! Ừ, thế bây giờ tôi nói: “Căn viên hình bồng thông khanh bài tướng,” anh có hiểu là gì không?
Tôi phải biên câu ấy ra giấy mới nhận ra đó cũng là một thứ tiếng lóng, nhưng lối này cầu kỳ hơn.
- Anh bảo: “Văn Bình không tài”, phải không?
- Phải, và xin lỗi anh nhé. Đấy cả cái bí quyết là ở đó.
“Trong tiếng lóng, anh thấy những tiếng đi từng cặp một; trong một cặp, đem chữ câm ở tiếng dưới thay vào chữ câm ở tiếng trên và chỉ đọc tiếng trên sau khi thay đổi ấy là tiếng mình định nói. Thí dụ: lăn vi, đem chữ v thay vào chữ l thành văn; hay theo lối ghép sau; căn viên, cũng một cách trao đổi như thế. Mà cũng dùng cách ấy, anh sẽ thấy câu: tảng đá, chép khôn, quyết tâm, ai mảng, vội tỉnh, dội bên, nản phiếm, tử sinh, chữ tình, loi còn, dừng chân, ngó đến, xa xuôi, dưới lối, thành một câu rõ rệt: Đảng khép Tuyết Mai tội bội phản. Xử tử. Coi chừng đó. Xa lưới”.
Tôi hỏi:
- Thế ra bài thơ lục bát là một bản án của một đảng bí mật?
- Không phải. Một bức thư báo trước, báo cho Tuyết Mai cái số mệnh của mình thế nào...
- Ồ! Nhưng Tuyết Mai sao lại bị khép vào tội bội phản, hay cô có chân trong một hội kín nào?
- Hẳn thế.
- Mà vì bội phản thực, sợ bị đảng ám sát, nên cô quyên sinh?
- Phải rồi!
Tôi kinh ngạc vì thấy Lê Phong trả lời những câu đó một cách rất thản nhiên, anh trông tôi bẳng đôi mắt tươi cười nửa như soi mói, nửa như chế giễu. Tôi nói:
- Tôi thực không ngờ rằng bài thơ lục bát lại giấu cái nghĩa bí mật ghê gớm này. Cũng không ngờ rằng anh khám phá ra được nhanh chóng đến thế...
Phong lắc đầu nói:
- Kể nhanh chóng về việc tìm ra nghĩa ẩn của bài thơ thì vâng, nhanh chóng thực; tôi tìm ra ngay từ lúc từ giã Đào Đăng Khương kia! Nhưng bảo rằng sự bí mật của bài thơ tôi đã khám phá ra thì chưa! Tôi chưa thấy gì hết. Sự bí mật vẫn dày đặc, mà trong đó, Văn Bình ạ, chưa biết còn ẩn bao nhiêu việc dị thường.
 
Phân tích
 
Tối hôm đó, tôi đến chơi với Lê Phong tại nhà trọ của anh ta ở phố chợ Hôm. Một cái nhà hai tầng, dưới là chỗ ở của người chủ. Phong ở một mình trên gác, đi về đã có cổng riêng.
Sắp đẩy cổng vào, tôi thấy một tấm biển giấy đưa đẩy dưới ánh đèn điện. Tôi đọc rõ mấy chữ:
“Ông Lê Phong đi vắng, xin miễn tiếp các bạn đến chơi”.
Tôi vừa quay gót thì có tiếng trên gác gọi xuống:
- Anh Bình! Lên đây! Tôi không đi vắng đâu.
Phong đón tôi ở đầu cầu thang và tươi cười trách:
- Anh thực vô ý quá. Ít ra thì người ta cũng phải biết quan sát chứ. Mọi khi tôi đi vắng có để đèn sáng trên gác bao giờ?
Lúc kéo ghế cho tôi ngồi, anh cắt nghĩa:
- Tôi sợ khách đến ngăn trở, nên phải treo cái biển đó. Nhưng với anh, thì tôi vẫn có nhà. Với cả Đào Đăng Khương và một người tôi muốn tiếp riêng tối hôm nay nữa. Ông Khương vừa ở đây ra.
Trên cái bàn lớn giữa nhà, tôi thấy bừa bãi những giấy má, sách, báo và cái kính hiển vi lớn mà anh lúc nào cũng để sẵn bên mình. Chỉ vào một đệp giấy nhỏ - mà tôi nhận ra là tập thư người thiếu niên đưa lại tòa soạn lúc Phong sắp ra về - bạn tôi bảo tôi nửa nghiêm trang nửa đùa cợt:
- Này Văn Bình ạ, anh muốn biết tâm lý bọn phụ nữ, tôi khuyên nên cứ đọc tập thư này. Đủ các giọng: văn, thơ, cảm khái, âu sầu, khôi hài, và... bi thảm nữa. Hay lắm, nhưng chỉ tiếc không giúp tôi được việc gì. Tôi có ý tìm, mà không thấy một sự liên lạc nào với bài thơ lục bát hết.
- Thế anh đã cắt nghĩa, đã giảng giải cho Khương biết câu chuyện bí mật ẩn trong bài thơ chưa?
 
 
 
- Rồi. Không thể tả được sự kinh ngạc của Khương! Ông ta ngồi lặng đó nhìn tôi một cách kỳ dị hơn lúc chiều, hết đọc bài thơ lại “đọc” cái thiên tài trên mặt tôi... Khương nhắc đi nhắc lại mãi một câu: “Có thế mà tôi dò xét trong ba năm trời nay không ra...” Nhưng điều ông ta lấy làm lạ hơn là việc Tuyết Mai có chân trong hội kín, Khương ngờ đến những điều bí ẩn nào khác kia, chứ đến điều ấy thì không... Mà tôi cũng không lấy chi làm lạ lắm.
- Vì sao vậy?
- Vì Tuyết Mai muốn giấu Khương, và đã giấu được Khương chứ sao. Một đảng viên “hội kín” không có quyền được nói chuyện đảng với ai hết, với anh em, cha mẹ hay vợ chồng cũng vậy - trừ phi người đó là đồng chí của mình.
- Thế ra Tuyết Mai thật có chân trong hội kín ư? Sao lúc chiều anh bảo còn nhiều việc bí ẩn khác.
- Vì lúc chiều tôi mới tìm ra được đầu mối thứ nhất, cái cớ tự sát của Tuyết Mai. Cô ấy nhận được thơ gửi về, đã biết cái điều khoản, cái chìa khóa để đọc thơ, thì cứ đưa mắt qua một lượt là biết bài thơ lục bát “nói” những gì. Thế mà bài thơ lại nói một câu phi thường: Đảng khép Tuyết Mai tội bội phản. Mà tội bội phản tất nhiên bị trừng trị một cách ghê gớm như lời báo cáo. Vì thế mà cô Mai khiếp sợ quá đến nỗi quyên sinh... Kể ra nếu chỉ bằng lòng có thế, nghĩa là nếu tôi cho rằng tìm ra cái mối ấy là xong việc, thì việc tôi xong roi. Tôi cũng đã trả lời cho bài tính đố Khương đem đến hỏi tôi rồi. Vì bài tính đố chỉ hỏi có một điều: tại sao Tuyết Mai tự tử?
“Nhưng trong bài thơ còn ẩn một sự bí mật khác, hay nói cho đúng, bài thơ kia còn làm cho tôi... ‘đánh hơi’ thấy một sự bí mật khác mà tôi muốn khám phá ra. Tôi tự ra cho tôi những câu hỏi này:
“1) Tuyết Mai còn là người trong hội kín không?
“2) Tuyết Mai có bội phản không? Và sự bội phản của Tuyết Mai tính cách thế nào?
“3) Việc khép Tuyết Mai vào tử tội có thực không?
“4) Người viết cho Tuyết Mai bài thơ báo cáo ấy là ai, là người thể nào?
“Đặt bốn câu hỏi đó, rồi tôi bắt đầu tìm cách trả lời và thấy sự thực, ‘sự thực theo trí suy đoán’ của tôi lần lần hiện ra rõ rệt nhanh chóng không ai ngờ được.
“Trước hết, tôi tìm trong các báo hằng ngày xuất bản trước và sau hồi Tuyết Mai tự tử trong ít lâu. Trước hồi ấy chỉ có một vài tin khám phá và bắt bớ nhỏ, hoặc những cuộc khám phá ra một vài tổ hội kín chưa có chủ nghĩa rõ ràng. Tuyết Mai hẳn là thuộc về đảng này. Cô ta nhập đảng có lẽ trong lúc còn đang đi học. Nhưng nhập đảng theo tính a tòng hay vì không chịu suy nghĩ? Cái đó tôi không biết chắc, chỉ biết cô theo vào đảng không hẳn vì khuynh hướng của cô. Khuynh hướng của Tuyết Mai hoàn toàn là khuynh hướng mỹ thuật, văn chương, chứ không có màu chánh trị (thư của các bạn gửi cho cô, tôi không thấy đả động qua đến những tư tưởng ấy: những chuyện ấy, cô không bao giờ đem ra nói mặc dầu với các bạn rất thân). Vậy nếu cô là đảng viên trong một đảng nào, thì chỉ ở đó ít lâu rồi ra. Có lẽ lúc ra chính là lúc cô thôi học.
“Cái hội đảng mà Tuyết Mai chỉ biết qua hồi đó có lẽ không phải là một đảng có bề thế vững chãi, có lẽ chỉ là một cái bóng, cái hình thu nhỏ hay là một công cuộc bắt chước các hội đảng to.
“Thoạt tiên đảng bí mật mà Tuyết Mai theo còn lấy hình một hội văn, một cuộc hội họp có tính cách văn chương, mỹ thuật. Tuyết Mai có lẽ cũng vì tưởng thế, nên mới theo. Đến lúc thấy việc hành động toan kịch liệt hơn, nên cô bỏ. Tôi cho là từ đấy, cái hội không tên kia cũng tự giải tán và chết đi như cái mầm gieo trên đất khô. Còn chăng chỉ ở trong trí của Tuyết Mai là một người rất giàu tưởng tượng. Đối với trí tưởng tượng của cô ta thì các ‘đồng chí’ cô vẫn hoạt động, vẫn theo đuổi mục đích và cô vẫn nơm nớp sợ bọn ấy hiểu lầm cô. Cô sợ rằng họ ngờ cho cô là người có dã tâm có thể tố cáo phản phúc được.
“Sự lo sợ ngờ vực đó thường ám ảnh những tâm hồn bồng bột. Lúc nào mình cũng tưởng chung quanh toàn những người chỉ chực hại mình cả. Một việc nhỏ gì xảy ra cũng tưởng có liên lạc đến mình được cả, và làm cho mình băn khoăn luôn. Đó cũng là một bệnh của sức tưởng tượng, một thứ bệnh điên mà người Tây gọi là ‘délire de persécution’ ấy mà. Tuyết Mai cũng thuộc về cái lối ‘ca’ ấy.
“Cho nên một tin đăng báo về những cuộc bắt bớ đâu đâu cũng bắt cô tưởng đến việc riêng của cô. Lại thêm những chuyện ám sát, những án tử hình bí mật mà cô nghe thấy luôn, hoặc đọc trong các sách, khiến cho những điều mơ hồ vu vơ ấy càng ngày càng hóa ra sự thực, càng ngày cô càng tin là sự thực, làm cho cô càng thêm lo sợ, đau khổ mà không dám ngỏ ra với một người nào trong nhà. Cũng không dám ngỏ với Khương - và nhất là với Khương - là người cô yêu, nhưng yêu một cách trái ngược điên cuồng, vì cô vẫn tưởng Khương là trong ruột thịt. (Những lời nồng nàn viết sau bức ảnh khiến tôi lập được cái giả thuyết này).
“Đến khi cô nhận được bài thơ gửi về thì thực là nhát búa sau cùng làm khuynh động cả cái tâm hồn hốt hoảng ấy. Bài thơ này có những câu đáng sợ, ta phải cố tìm ra mới thấy, nhưng cô đã biết cách đọc từ trước rồi. Trong việc giao thiệp bí mật của các hội kín, thường có những cách trao gửi tin tức cho nhau riêng. Nếu không phải là một lối ước hẹn riêng của người trong đảng cô theo, thì ít ra cũng là lối ước hẹn của cô với một người trong đảng. Tuyết Mai vì sợ cái hình phạt ghê gớm mà cô tưởng là không tránh được nên nhất quyết tự tử dẫu cô không hề bội phản bao giờ.

“Nhưng đến đây, tôi gặp một điều khả nghi, Tuyết Mai vì tâm trí rối loạn không xét ra, nhưng điều đó cũng khá rõ rệt. Bài thơ đó có phải của người bạn đồng chí trong đảng viết cho cô không? Hay chỉ là một bức thư huyền hoặc?
“Tôi thì tôi tin đảng kia không còn nữa, và như tôi đã nói, còn chăng chỉ ở trong trí tưởng tượng của Tuyết Mai. Vậy việc khép tội Mai không bao giờ có. Vả lại, nếu đảng còn và án xử tử của Mai có, thì không bao giờ người ta bảo cho Mai biết trước. Vả lại nữa, trong hội đảng nào cũng vậy, các đảng viên đều có một tên kín - người ta gọi là bí danh. Nếu người viết bài thơ thực là người trong đảng muốn báo trước cái tin dữ ấy cho Mai, hắn phải dùng bí danh để gọi cô ta. Thế mà không. Vậy ‘tác giả’ bài thơ kia là một người quen biết Tuyết Mai, biết tâm sự và những điều bí mật của cô ta, nhưng không là một người trong đảng.
“Người ấy, theo tự dạng bức thư, là một người đàn ông như tôi đã nói cho anh biết, và tất nhiên là một trong mấy người bạn trai vẫn qua lại nhà Khương. Anh ta tất nhiên yêu Tuyết Mai, nhưng không được Tuyết Mai đáp lại tình yêu đó, hoặc bị Tuyết Mai cự tuyệt. Nhân đó biết việc kín của người thiếu nữ - bằng cách nào tôi chưa dám nói chắc - anh ta mới gửi bài thơ kia cho cô ta... Để làm gì? Để hại Tuyết Mai ư? Để cô ta lo sợ ư, hay còn có chủ ý nào? Các điều đó tuy tôi đã đoán đến cả rồi, nhưng... cần phải hỏi anh chàng kia đã”.
Tôi ngạc nhiên hỏi Lê Phong:
- Anh bảo sao? Hỏi người viết thư cho cô Mai?
- Phải!
- Ồ! Thế anh đã biết người ấy là ai rồi sao?
Phong vẫn thản nhiên trả lời:
- Rồi!
- Ồ, quái lạ! Mà anh gặp hắn?
- Chưa gặp, nhưng (Lê Phong xem đồng hồ) người ấy cũng sắp đến đây.
Tôi chưa hiểu ra sao thì có tiếng giày thong thả bước lên thang.
Lê Phong vội thu tập thư từ với giấy má lại, rồi nhìn tôi mỉm cười. Anh hạ giọng xuống và nói nhanh:
- Anh ngồi yên mà nghe, mà xem: nhiều sự lạ lắm.
Bên ngoài, bước chân đã lên đến bực trên cùng. Chúng tôi ngồi yên. Ba tiếng gõ cửa se sẽ. Lê Phong nói:
- Cứ vào!
Cánh cửa chậm chạp hé mở, rồi... một cái mặt thiếu nữ ló vào, ngơ ngác nhìn chúng tôi:
- Thưa, đây có phải nhà ông Lê Phong không ạ?
Tôi thoáng thấy vẻ ngạc nhiên trên mặt Phong, anh ta hơi chau mày, nhưng cũng đáp:
- Vâng. Mời... cô vào.
Người thiếu nữ liền đẩy cửa, thong thả bước vào, miệng tươi cười cúi xuống chào tôi, rồi nhìn thẳng Lê Phong sẽ nói:
- Thưa ông, tôi đến hơi đường đột, nhưng tôi muốn được giáp mặt ông một lần.
Tiếng nói nhỏ, nhưng giọng đầy, dồi dào và bạo dạn. Tôi có ý ngắm thì thấy cô ta vào trạc 25 tuổi, người hơi lớn, nhưng dáng điệu cũng khá dẻo dang. Phong trỏ cho cô cái ghế mời ngồi. Cô ta thong thả ngồi. Hai tay rất trắng, ngón mập và mềm, đặt lên bàn, giữ lấy cái ví đầm nhỏ. Miệng cô ta tô son rất có mỹ thuật, luôn luôn mỉm cười, đôi mắt to nhìn Lê Phong không rời. Bạn tôi cũng chăm chú nhìn lại.
- Thưa cô (anh nói bằng thứ giọng dịu dàng và nhã nhặn nhất), vì đâu mà tôi được cái hân hạnh...
- Thưa ông, tôi biết tiếng ông đã lâu, nhưng chưa lần nào được làm quen với ông như tôi vẫn ao ước.
Lê Phong vẫn nhìn người thiếu nữ không chớp, anh “vâng!” một tiếng nghe cụt ngủn, khiến cô kia hơi ngượng, trông về phía tôi. Một lát cô lại nói:
- Tôi vẫn mong được gặp ông. Vừa rồi, ông cho người đến mời anh tôi (Phong hơi gật đầu), nhưng anh tôi đi vắng, chắc ông có điều gì chỉ giáo, nên tôi nhân dịp đó...
Phong nét mặt nở nang, ngồi xuống ghế một cách chững chạc, rồi vui vẻ đáp:
- Vâng. Tôi hiểu rồi!
Người thiếu nữ mỉm cười tinh ranh:
- Ông hiểu rồi ư?
- Vâng. Cái việc tôi muốn nói riêng với ông Đỗ Lăng, thưa cô, là một việc rất quan trọng, nhưng xem ra nói với cô cũng được. Vậy tôi xin nói luôn.
Tôi đang chưa hiểu Lê Phong định nói gì, thì anh đã rút một mảnh giấy viết đưa cho người con gái xem.
- Thưa cô, tôi muốn nói đến một bài thơ, một bài thơ lục bát mà tôi chép ra đây và có đánh dấu những chữ đáng chú ý.
Rồi anh lại nói tiếp trong khi người kia lấy làm lạ, đỡ lấy mảnh giấy xem:
- Cô hẳn cũng không lạ gì bài thơ này lắm thì phải...
Lúc đó tôi thấy rõ ràng sắc mặt người con gái biến hẳn đi. Nhưng cô ta trấn tĩnh ngay được.
Mảnh giấy trên có bài thơ lục bát, lúc ấy cô vẫn cầm ở tay, nhưng không đọc nữa. Cử chỉ của cô tuy yên lặng, nhưng không giấu nổi sự bối rối và không thể lọt khỏi đôi mắt sáng quắc của Phong.
Một phút sau, cô ta mới ngửng lên nghiêm trang hỏi:
- Thưa ông, sao ông lại đem bài này hỏi tôi nhỉ? Thực tôi không hiểu ý muốn ông...
Thì bạn tôi liền đáp:
- Ý tôi muốn cho cô biết rằng bài thơ đó có ẩn một sự bí mật, mà sự bí mật ấy gây ra một án mạng, một việc tự sát thảm khốc, một cái tai vạ đau đớn cho một gia đình, mà tôi, thưa cô, tôi muốn khám phá ra... Việc này tôi biết rằng cô cũng không lạ. Vậy tôi muốn đem ra bàn bạc với cô.
Người thiếu nữ bỗng đứng dậy, cười nhạt một cách kiêu hãnh, rồi thản nhiên nói:
- Thưa ông Lê Phong, tôi không thể hiểu lời nói với cử chỉ của ông được, mà tôi đến đây cũng không phải để tìm hiểu những cái lạ ấy... Xin chào ông.
Nói đoạn, cô ta xăm xăm bước ra cửa.
Tức khắc Lê Phong đứng dậy, gọi to lên một tiếng như quát:
- Ông Lăng!
Ngoắt quay lại, người thiếu nữ tái mặt đi. Tôi kinh ngạc vô cùng. Lê Phong thì dáng đường đường nghiêm nghị như một ông chánh án:
- Ông Lăng! Ông trở gót lại. Và mời ông ngồi.
Người lạ mặt cứ yên lặng nhất nhất theo lời Lê Phong.
Lúc “cô ta” ngồi yên, anh mới ôn tồn nói:
- Ông Lăng! Tôi thú thực rằng ông có tài cải trang rất khéo. Có lẽ Mai Lan Phương cũng không giỏi hơn. Tôi không ngờ rằng được làm quen với ông trong một trường hợp thực hiếm có. Tôi định mời ông đến đây để nói một câu chuyện thân mật của một người bạn với một người bạn, chứ không phải là kẻ thù đối với kẻ thù.
Người mà Phong gọi là ông Lăng, thở một tiếng dài.
Anh nói tiếp:
- Tôi muốn biết một câu chuyện mà ông biết rõ hơn tôi nhiều. Bởi ông là một vai chính trong chuyện đó... Tôi chưa hiểu tại sao ông lại cải trang đến thăm tôi như thế - cải trang khéo đến nỗi thoạt tiên tôi cũng phải lầm. Điều đó, ông sẽ cho tôi biết sau, nhưng điều cần nhất tôi xin nói thực bây giờ là: có phải bài thơ này, bài thơ có ẩn cái câu đe dọa Tuyết Mai, chính là tự tay ông viết ra không? Ông không nên giấu tôi nữa, vì phần lớn chuyện này tôi đã biết.
“Ông Lăng” vẫn yên lặng, mặt tỏ ra vẻ thất vọng, kinh dị, nhưng vẫn dịu dàng. Một lát người ấy mới se sẽ lắc đầu, thở một tiếng dài và nói:
- Trước khi bước chân vào đây, thực tôi không ngờ... Tôi không ngờ rằng việc này lại cũng ông xét ra. Vâng! Chính tôi! Bài thơ lục bát này chính tay tôi viết.
 
Lại một chuyện tình
 
Lê Phong hỏi:
- Mà khi ông viết bài thơ ấy, vào khoảng ba năm trước đây, hẳn ông không ngờ đến cái kết quả ghê gớm của nó? Ông không ngờ rằng bài thơ ấy đã làm cô Tuyết Mai phải quyên sinh ư?
Người lạ mặt ngơ ngác nhìn, chưa hiểu rõ. Một lát người ấy bỗng kinh ngạc hỏi Phong:
- Trời ơi, ông nói thực đó chứ? Tuyết Mai tự sát ư? Thế ra Tuyết Mai chết là vì tôi ư? Không, không có thể thế được.
- Mà sự thực chính là thế đấy, ông để tôi kể lại cho ông nghe.
Rồi Lê Phong đem thuật lại rành mạch việc quyên sinh của Tuyết Mai. Vừa thuật, anh ta vừa nhìn thẳng vào mặt người kia, như để dò xét cái ảnh hưởng của lời nói mình trên những nét biến đổi...
Đỗ Lăng, trong bộ quần áo đàn bà, không còn vẻ gì là đàn bà hết.
Chàng ta ngồi trên chiếc ghế thấp, hai chân hơi giạng, hai bàn tay chống gối, đầu cúi xuống, đôi mày nhỏ cau lại, mặt lộ ra vẻ đau đớn khi nghe hết câu chuyện của Lê Phong. Lúc chàng ta ngửng lên, thì gặp đôi mắt của bạn tôi vẫn trân trân nhìn, nhưng là vẻ nhìn ái ngại giùm, hình như Phong đối với người kia sẵn có thiện cảm.
Chàng ta buồn rầu nói:
- Thưa ông Lê Phong, thực tôi không ngờ lại có thể xảy ra việc cay đắng đến như thế được. Hồi ấy, Tuyết Mai chết tôi vẫn tưởng cô chết vì ngộ cảm theo như giấy báo tang của người nhà, cho nên tôi không nghĩ gì đến bài thơ tôi gửi cho cô, mà cũng vì thế, tôi không có điều gì hối hận.
“Bây giờ thì khác! Bây giờ tôi mới biết mình đã làm một tội ác ghê góm. Tôi đã giết chết một người đáng yêu quý, một người thiếu nữ tôi kính trọng hơn hết mọi người ở đời”.
Phong hơi mỉm cười:
- Một người ông yêu... một cách thầm kín nữa.
- Vâng, chính thế. Mà cái việc cuồng dại tôi đã làm đó, việc gửi cho Tuyết Mai bài thơ khốc hại đó, thưa ông, cũng chính vì lòng yêu xui nên. Có lẽ ông đã đoán ra; vì bao nhiêu ẩn tình, bao nhiêu điều bí mật đến tôi cũng không biết được, ông đã tìm xét ra cả. Dẫu sao, tôi vẫn là người khốn nạn không thể tha thứ được, một kẻ giết người mà vẫn ung dung vui vẻ trong ba năm trời nay. Trước khi bước chân vào đây, và trước khi nghe ông nói, thực tôi không ngờ, không biết gì hết.
“Thấy ông cho người cầm thư mời tôi lại chơi, tôi tưởng ông muốn hỏi tôi đến việc giả chữ con gái trêu ghẹo ông hôm xưa. Chúng tôi rất phục cái tài suy đoán của ông, riêng tôi, tôi vẫn muốn được dịp làm quen ông lắm. Việc cải trang của tôi hôm nay không có gì lạ. Tôi muốn đùa ông một lần nữa, xem ông có nhận được ngay không...”
Lê Phong mỉm cười:
- Tôi xin chịu là ông cải trang giỏi lắm. Thoạt trông không ai biết được ông giả gái, chính tôi cũng đã nhận lầm kia mà... Tôi chắc ông quen cải trang như thế nhiều lần rồi.
- Vâng.
- Ông tất đã đóng kịch nhiều lần?
- Vâng.
- Mà ưa đóng vai đàn bà? Vì tôi thấy giọng ông trong và cũng khá dịu.
- Vâng, tôi đóng kịch nhiều lần mà đóng vai đàn bà hệt lắm.
“Tôi lại muốn thử xem tôi còn có thể đi được đến đâu nữa, nên định thi hành một ý kiến táo bạo hơn. Tôi muốn cải trang để một đôi khi giao thiệp với bạn phụ nữ.
“Một dịp tốt hiện đến: người em họ xa của tôi ở Bắc Ninh lấy chồng. Tôi được tin đó trước một tháng, bàn riêng với cô không cho ai biết và ăn mặc rất khéo để đến hôm cưới làm một cô trong bọn phù dâu.
Phong hỏi:
- Vì thế mà ông gặp Tuyết Mai?
- Vâng. Tuyết Mai hồi ấy vừa là người đi đón dâu vừa là bạn cũ của người em họ tôi.
- Nhưng ông gặp Tuyết Mai lần này là lần đầu ư?
- Vâng, là lần đầu. Nhưng tôi vẫn biết tên cô và biết cô là em anh Khương, một người bạn học với tôi hồi còn ở ban tiểu học.
Lê Phong nét mặt tươi sáng lên, hai mắt thông minh linh động một cách sung sướng. Anh vừa xoa hai tay vào nhau vừa reo lên:
- Phải rồi! Tôi thấy rồi! Hay lắm!
Chúng tôi cùng nhìn anh, không ai nói gì. Anh vui cười như một đứa trẻ được quà, nhắc đi nhắc lại mãi:
- Ừ, tôi thấy rồi! Đầu mối đã cởi các mắt lưới cứ tự nhiên tháo tung ra.
Tôi hỏi:
- Mắt lưới? Anh định nói gì vậy?
Phong nhìn tôi một cách giễu cợt, không trả lời. Sau anh se sẽ gật gù và thong thả nói:
- Mắt lưới, hay là cái áo len cũng vậy! Anh lấy làm lạ? Nhưng có gì đâu? Đó là một câu ví dụ, một lối nói hoa mỹ như khi anh làm văn... Tôi thấy câu chuyện này tự nhiên bây giờ không còn một điều bí mật gì, tự nhiên rõ rệt như chính xảy ra trước mắt tôi. Óc tôi lúc nào cũng hoạt động phi thường. Sự thực cứ lần lần hiện ra, nhưng vẫn mờ ảo lắm. Tôi tìm được câu bí mật trong bài thơ bằng cách nào anh đã biết, tôi đoán ra một phần câu chuyện thế nào, anh đã biết. Tôi đoán ra ai viết bài thơ đó, anh cũng đã biết, vì người ấy tức là ông Đỗ Lăng đây.
Tôi hỏi:
- Nhưng vì sao anh biết được là ông Lăng.
- Vì những nét chữ. Người ta dẫu cố ý làm sai tự dạng đi cũng không thể giấu được con mắt biết xem xét. Tôi thấy nét chữ trong bài thơ với nét chữ của người sinh viên viết trêu tôi hôm xưa tuy có vẻ khác nhau, nhưng cũng một hạng chữ đàn ông, cùng một lối mạnh mẽ, rắn rỏi. Bởi thế tôi mới hỏi ông Đào Đăng Khương để biết tên và chỗ ở của ông Lăng. Tôi hỏi một cách tự nhiên thôi, vì tôi không muốn cho ông Khương ngờ rằng tác giả bài thơ kia tức là người viết thư cho tôi. Câu chuyện Tuyết Mai quyên sinh đối với ông Khương, thì đến việc cắt nghĩa điều bí mật trong bài thơ là kết liễu. Tôi đoán rằng những việc sau đây sẽ là những ẩn tình không nên để cho ông Khương biết, nhưng chỉ riêng tôi muốn biết. Bởi vậy tôi không để cho ông Lăng với ông Khương gặp nhau ở đây.
Rồi ngảnh lại phía Đỗ Lăng, anh nói tiếp:
- Bây giờ xin ông đem cả đầu đuôi sự thực kể ra. Tôi biết rằng việc quyên sinh của Tuyết Mai tuy ông gây nên, nhưng vì vô tình hay vì vụng suy mà gây nên. Bởi ông yêu Tuyết Mai. Cái chết đau đớn của người ông yêu cũng đủ là cái hình phạt cho ông, sự đau đớn hối hận là điều độc nhất để ông chuộc lại cái lỗi dại dột đó. Mà tôi tưởng ông không nên giấu diếm một điều nào, vì như tôi đã nói, cái trực giác của tôi đã giúp tôi thấy rõ các trường hợp... Tôi có thể nói hết đầu đuôi câu chuyện được, nhưng tôi muốn câu chuyện ấy chính ông kể ra.
Người kia nét mặt râu rầu, ngồi bóp trán suy nghĩ một hồi, rồi bỗng lại ngửng lên, cái tia sáng ở trong mắt chàng ta lúc đó là ánh lửa chân thực:
- Vâng, quả như lời ông nói, cái chết của Tuyết Mai từ nay sẽ làm cho tôi phải hối hận suốt đời. Vì tôi yêu Tuyết Mai thực. Không, tôi sẽ không giấu diếm một li một tí nào hết. Tôi sẽ đem cái đoạn tình yêu đương đau đớn của tôi kể hết ra...
“Tôi gặp Tuyết Mai trong một bữa tiệc cưới ở Bắc Ninh. Tuyết Mai hồi ấy ở Hà Nội sang đón dâu, mà tôi là người đi phù dâu, như ông đã biết. Sự cải trang của tôi làm cho tôi được dễ dàng nói chuyện với Mai và biết cô không những là tuyệt sắc, lại là một cô thiếu nữ đáng yêu và thông minh ít ai bì kịp. Cô thì vẫn tưởng tôi là con gái thực, và thực thà đem việc học hành, việc gia đình và cả chuyện tâm sự ra nói với tôi.
“Vì thế thành quen nhau. Tôi viết cho Mai một bức thư dài. Tuyết Mai trả lời và mời tôi đến chơi. Rồi, thư đi thư về, Mai coi tôi như một người bạn gái thân và tỏ ra lòng mến tôi lắm. Tuy vậy tôi chưa dám đến chơi nhà Mai lần nào hết, vì Khương với tôi là chỗ bạn cũ trước, thỉnh thoảng tôi có qua lại (tôi lại chơi riêng với Khương, nhưng không lần nào gặp Mai). Vả lại tôi vẫn sợ rằng tuy cải trang có hệt thực, song đối với Mai không phải như tôi đối với các người khác, chưa chắc, tôi đã giữ được cử chỉ tự nhiên.
“Hơn hai tháng trời chỉ nói chuyện với nhau bằng thư. Mai trách tôi sao không đến chơi, tôi tìm hết cớ này đến cớ khác để hẹn lần, sau cùng thấy Mai định đến thăm tôi ở nhà một người bạn mà tôi nói chính là nhà tôi, tôi sợ việc tiết lộ ra, nên đành phải đến chơi nhà Mai vậy. Cũng may tôi khéo đóng vai kịch, nên trong bộ y phục thiếu nữ, cử chỉ và lời nói tôi tự nhiên lắm, đến nỗi chính tôi cũng tưởng mình không phải là con trai.
“Cái kết quả buổi đầu tiên làm tôi không ngại ngùng như trước nữa.
“Rồi từ đó, thỉnh thoảng tôi lại đến nhà Mai, có khi đến rủ Mai đi chơi, tình thân mật của chúng tôi càng ngày càng thân mật.
“Tôi lại dám nhận lời đến dự những buổi hội họp của Mai hoặc của các bạn hữu Mai. Đó là những buổi bàn luận văn chương, mỹ thuật, y như những ‘phòng văn’ bên Pháp, nhưng trong đó không có ai là bạn trai. Các bạn hữu của Mai cũng không ai ngờ đến sự cải trang của tôi hết.
“Một hôm tôi nhận được bức thư Mai gọi đến bàn một chuyện rất cần. Lúc gặp mặt thì cô nhìn tôi một cách lạ lùng đến nỗi tôi đã lo ngại. Nhưng sau cô nói:
Em có một việc quan hệ lắm, đã lâu vẫn lưỡng lự không dám nói với chị, nhưng em biết chị là người em tin cậy được, nên xin nói để chị nghĩ hộ em.
“Rồi cô cho tôi biết rằng một số bạn của cô hiện đã lập nên một hội kín.
“Nhưng xem ra ít lâu nay có nhiều việc quá bạo trong các bạn gái, trong số bạn vụ ngoại và a dua hơn là chân thực; mà việc đảng chỉ chực những bại lộ, nên cô lo ngại lắm; cô muốn thôi không ở đó nữa, nhưng còn sợ các bạn nghi ngờ. Tôi khuyên Tuyết Mai thôi học đi, thì Tuyết Mai nghe ngay. Tuyết Mai ‘từ chức’ về ở nhà, chi hội vì thế tan, nhưng Mai xem chừng cứ hối hận và lo ngại mãi.
“Mai thực là một người tâm hồn sôi nổi, giàu tình cảm cũng như giàu trí tưởng tượng. Cô mừng vì đã thôi không dính dáng đến một việc cô không tin và không phục cách hành động, nhưng cô vẫn lo rằng sẽ bị các bạn buộc cho cái tội ‘không trung thành’. Tôi hỏi ‘không trung thành’ là thế nào, thì Mai ghé tai tôi nói một cách sợ hãi:
Chị không biết ư? Luật trong đảng nghiêm khắc lắm; em muốn nói đến tội bội phản, mà bội phản là một tội đảng không tha bao giờ...
Nhưng chị có bội phản đâu?
Không, nhưng các bạn thấy em ra chắc ghét em lắm.
“Nhân đó, Mai nói cho tôi biết những phiên đó, bao giờ cũng nhắc lại các điều luật, những cách trừng trị... Mai lại có lần nói đến cả những khẩu hiệu của đảng viên và cách thông tin bằng những bức thư, hoặc những bài thơ viết theo những điều khoản riêng.
“Mỗi lần Mai ngỏ nỗi lo sợ với tôi và nghe lời yên ủi của tôi, Mai thấy vui vẻ lên, nhưng lâu ngày không gặp tôi, Mai lại lo sợ hơn trước. Một buổi đi chơi với tôi ở đường Cổ Ngư, Mai bỗng tái mặt đi vì bỗng thấy một cái xe đạp vụt qua đó hai lần; lại một hôm khác, cũng đi chơi, Mai bíu chặt lấy cánh tay tôi ngơ ngác trông ra. Tôi hỏi, Mai chỉ se sẽ thưa:
“- Em sợ lắm. Chị ạ...
“Rồi giục tôi đưa về tận nhà.
“Tôi thấy chỉ có tôi là khuyên nhủ, yên ủi được cô, mà tôi thì càng ngày càng yêu cô hơn lên, nên tôi nhất định đem sự giả gái thú thực với cô. Tôi mới viết cho cô một bức thư và xin cô thứ cho cái lỗi giả mạo ấy. Tôi cũng nói rõ cả nỗi tình u ẩn trong lòng tôi cho cô thấy và nài cô trả lời ngay.
“Bức thư gửi đi gần nửa tháng mà tôi vẫn không được thư phúc đáp. Tôi gửi liền hai bức nữa. Hai bức thư rất nồng nàn, có bao nhiêu lời tha thiết, bao nhiêu nỗi đau khổ, bao nhiêu giọng van lơn, tôi đều ngỏ hết ra, nghĩa là tôi trao cả trái tim tôi cho Tuyết Mai, cô chữa hộ những vết thương hay đập tan ra là tùy ở bức thư cô tha thứ cho tôi hay cô cự tuyệt.
“Cách một hôm sau khi gửi bức thư thứ ba, tôi nhận được thư cô; cô gọi tôi là anh...
“Anh đến chơi, anh Khương em vẫn nói đến anh luôn. Chuyện anh cải trang còn nói đến làm gì? Anh Khương em cũng không biết.
“Tôi đến nhà thì Mai vui vẻ tiếp, Mai nhìn tôi một cách ranh mãnh và khi bắt tay tiễn tôi ra cửa, cô mới nhắc lại chuyện trước và nói:
Em tiếc rằng chị Lệ Kiều không còn nữa - Lệ Kiều là ‘tên thiếu nữ’ của tôi.
“Từ ngày ấy tôi thường đến chơi nhà Mai. Cô vẫn tiếp đãi tôi như thường. Nhưng đối với lòng tôi cô thờ ơ cũng như với các bạn khác. Cô coi tôi như một người bạn, chỉ như một người bạn thôi! Tôi biết rõ điều đó một buổi tối kia tôi đến thăm và tặng Mai một bó hoa về dịp sinh nhật cô, Mai tươi cười cầm hoa thản nhiên nhìn tôi mà nói một câu cố ý cho tôi hiểu rõ ý:
Cảm ơn người bạn rất tốt của tôi.
“Từ đấy tôi biết rằng không thể còn mong mỏi gì được nữa.
“Tôi nghĩ đến những nỗi lo sợ của Mai khi trước. Những nỗi lo sợ chỉ riêng tôi được biết và làm cho tôi được gần gụi Mai hơn. Đến đây thì hết. Mai đã không đem chuyện đó than thở với tôi, mà hình như cũng không còn bận tâm gì đến những chuyện đó nữa. Tôi đã sinh ra tiếc những lời yên ủi, tiếc những lẽ tôi viện ra để Mai khỏi lo sợ và tự nghĩ rằng Mai sẽ phải cần đến tôi, nếu cô còn nghĩ đến cái hình phạt vô căn cứ đã làm cho cô vẫn băn khoăn.
“Tôi lại thấy càng ngày cô càng tử tế với tôi, càng nhã nhặn với tôi. Lúc đến thăm nhà cô, cô tỏ ra vẻ săn đón thân mật vô cùng, nhưng đó là cử chỉ rất tự nhiên, rất thản nhiên, không phải là sự vồn vã đằm thắm của người yêu gặp bạn.
“Thưa ông, vì thế nên tôi đau khổ lắm, vì thế mà sự đau khổ xui giục tôi nghĩ cách vớt lại những lúc êm đềm trước, nghĩ đến những lúc Tuyết Mai đợi những lời yên ủi của tôi, cần những lời yên ủi của tôi.
“Tôi mới mạo chữ một người đồng chí cũ của cô và theo đúng cách ước hẹn riêng mà cô đã cho tôi biết, để viết câu đe dọa trong bài thơ lục bát kia. Tôi đã chú ý đến mấy tin báo đăng về những vụ khám nhà gần đó. Cũng hồi ấy tôi biết Mai thường đọc những sách về những vụ do thám, những án xử tử, nên chắc rằng bài thơ kia sẽ làm cho Mai lo sợ và tìm đến tôi.
“Tôi có ngờ đâu sự lo sợ của Mai lại khốc hại đến thế. Cái mưu của tôi tính thực quá vụng dại như ông đã nói, Mai tự tử! Trời ơi, mà chính tôi đã giết Mai”.
Người thiếu niên hai tay ôm đầu ngồi lặng hồi lâu. Lúc chàng ta ngửng lên thì chúng tôi thấy một bộ mặt đau khổ tuyệt vọng. Một lát Đỗ Lăng lại nói, giọng buồn thảm:
- Thưa ông, tin Mai chết hồi ấy tuy là một tin đột ngột dữ dội, nhưng tôi không ngờ rằng Mai quyên sinh, tôi cũng không ngại gì đến bài thơ mà tôi chắc không có thể làm cho Mai có tư tưởng chán nản đến thế. Người nhà Mai nếu có bắt được bài thơ đó chắc cũng không hiểu được, chắc lại cho là những bài thơ như các bạn Mai vẫn gửi về. Mãi đến nay tôi mới biết rõ cái tội ghê gớm của tôi.
Đỗ Lăng nói đoạn, buồn rầu nhìn Lê Phong như để dò xét...
Bạn tôi se sẽ gật đầu mấy cái, nhưng vẫn ngồi im lặng, mắt vơ vẩn như theo tìm một ý nghĩa nào. Một lát, anh thong thả bảo chúng tôi:
- Ông thuật câu chuyện không sai với câu chuyện của tôi một chút nào cả...
Tôi hỏi:
- Sao? Câu chuyện của anh?
Phong gật:
- Phải. Nghĩa là câu chuyện đã xảy ra theo như óc tôi suy đoán. Chính thực tôi đã biết trước những điều ông Lăng vừa kể. Tôi có thể nói ra như đã được chứng kiến câu chuyện từ đầu đến cuối, nhưng tôi muốn nghe vai chính trong chuyện kể ra kia... Nghe ông kể lại, để “thử lại bài tính” của tôi đã làm... Cũng là để nghe giọng nói của ông Đỗ Lăng, vì ông kể chuyện khéo và hay như... (Phong hơi mỉm cười) như một cô thiếu nữ.
Đỗ Lăng trông lại bộ y phục đang mặc, có vẻ thẹn, làm cho Phong chực bật cười. Anh mở ngăn kéo cầm bức thư của cô Đào thị Kiều Anh gửi cho hôm xưa, đưa mắt bảo tôi:
- Giọng thư, cũng như giọng người, cũng như dáng người, thực là êm ái dịu dàng, chỉ trừ những nét chữ. Mà chỉ vì những nét chữ đó, nên tôi mới được cái thú khám phá được câu chuyện bí mật đã ba năm nay.
Tôi tưởng nên đặt một câu khen.
- Sự bí mật vô song đã ba năm nay, mà anh xét ra chỉ có nửa ngày.
Phong sung sướng, nhưng sẽ nhún vai, rồi lấy thuốc lá mời Đỗ Lăng và tôi hút.
Thế Lữ
Theo http://vietnamthuquan.eu/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Vàng và máu

Vàng và máu Phần 1 Kể từ châu Kao Lâm ở phía đông và miền bản Slay ở phía tây mà đến, từ mạn bản Pắc đi xuống, và từ bản Hạ trở lên, cách ...