Thứ Hai, 16 tháng 9, 2024

Vài hồi ức về thi sĩ Bùi Giáng

Vài hồi ức về thi sĩ Bùi Giáng

Nhà thơ Bùi Giáng sinh ngày 17.12.1926 tại Quảng Nam, mất ngày 7.10.1998 tại TPHCM. Nhân kỷ niệm 23 năm ngày mất của nhà thơ “điên” lừng danh ở Sài Gòn từ trước năm 1975, xin trân trọng giới thiệu bài viết mang tính kỷ niệm thú vị của nhà thơ Phạm Chu Sa về ông.
Tôi đọc Bùi Giáng từ năm mười sáu tuổi. Từ các tập thơ Mưa nguồn, Lá hoa cồn, Ngàn thu rớt hột, Màu hoa trên ngàn… đến các sách biên khảo Tư tưởng hiện đại, Sương bình nguyên, Thi ca tư tưởng, Con đường ngả ba… Đặc biệt các bản dịch Albert Camus, André Gide, Saint Exupéry, Bùi Giáng góp phần sáng tạo với tác giả với  văn phong không thể nhầm lẫn…
Tôi nhớ nhà Trang học Lâm Tây Trọng trong lời tựa bản chú giải Nam Hoa kinh của Trang Tử – bản dịch của Nhượng Tống (một tác phẩm mà Bùi Giáng cũng rất mê và bàng bạc trong nhiều tác phẩm của ông), rằng: “Đã đọc Trang, có ai chẳng khen là lạ lùng, tuyệt diệu? Tôi trộm nghĩ: Kẻ đọc Trang, thực ra chưa ai đọc nổi Trang. Mà kẻ khen Trang, thực cũng chưa ai khen được đúng những chỗ lạ lùng tuyệt diệu đâu…”.Thiết nghĩ, với Bùi Giáng, cũng vậy. Nhiều người đọc và khen thơ Bùi Giáng một cách vô tư, bởi đọc thơ Bùi Giáng rất dễ nhưng lại khó vô cùng. Trừ những câu thơ, bài thơ “cà rỡn” mà người đời hay gọi là “thơ điên” ra, thì thơ ông đầy  ẩn dụ, gợi cảm mà người đọc phải đắm mình góp phần sáng tạo với thi sĩ mới cảm nhận được cái đẹp, cái hay của thơ Bùi Giáng. Đọc thơ Bùi Giáng đôi khi như “cất mình bay lên khỏi mặt đất,và lòng thì đầy những ngậm ngùi và tha thứ”, như cách ví von của Nhượng Tống khi đọc Nam Hoa kinh của Trang Tử…
Đã có nhiều người viết về thơ và đời Bùi Giáng, tôi chỉ xin kể một vài kỷ niệm nhỏ về ông. Đây là những mẩu chuyện có thật, không phải là giai thoại.
Tôi có người bạn học khá thân vốn là  tu sĩ Phật giáo, pháp danh Thích Huệ Nhật, người gốc Quảng Trị. Chúng tôi hoạt động chung trong một số công tác xã hội năm 1970 – 1971, khi cùng học ở Đại học Vạn Hạnh. Huệ Nhật khá thân với Bùi Giáng. Qua Huệ Nhật, thỉnh thoảng tôi cũng gặp Bùi Giáng, mặc dù ở Đại học Vạn Hạnh đôi lần tôi cũng nhìn thấy ông ở hành lang trên lầu gần phòng thầy Viện trưởng Thích Minh Châu hay trong thư viện. Bạn tôi giới thiệu tôi là một người làm thơ, rất thích thơ ông, Bùi Giáng chỉ im lặng nhìn tôi chẳng thèm nói một lời…
Cuối năm 1973 tôi bị tù tội “bất phục tùng”, rồi đi quân dịch. Đến tháng 1.1975, khi tôi đào ngũ về lại Sài Gòn, mới gặp lại Huệ Nhật, lúc này đã cởi áo tu, chung sống như vợ chồng với một cô bạn gái người Đức trong một căn nhà lá tuềnh toàng ven một con rạch ở Nhà Bè, bốn bề toàn dừa nước. Hỏi ra mới biết bạn tôi cùng làm công tác xã hội Terre des Homes tại Gò Vấp với cô tiến sĩ người Đức này. Hai người phải lòng nhau, chàng cởi áo tu, rủ nàng cùng nhau về đây chung sống, tuy nghèo nhưng rất hạnh phúc. Đúng là một túp lều tranh hai quả tim vàng. Thời gian này tôi hay gặp Bùi Giáng ở nhà Huệ Nhật. (Mặc dù đã cởi áo tu, không còn là đại đức nhưng mọi người theo thói quen vẫn gọi pháp danh cũ của anh, ít ai biết hay gọi tên thật của anh là Nguyễn Đại Ủy).
Huệ Nhật bảo, có khi Bùi Giáng ghé ở cả tuần, lúc nào chán ông lại đi. Cô bạn gái người Đức của anh cũng rất thích Bùi Giáng. Ông nói chuyện với cô gái Đức bằng tiếng Pháp, thỉnh thoảng chêm tiếng Đức hoặc tiếng Anh,  không có vẻ gì là một “người điên”, một “nhà thơ điên” nổi tiếng nhất miền Nam. Thật lạ lùng là trong những ngày hấp hối của nền Đệ nhị Cộng hòa, tình hình chính trị lẫn không khí chiến tranh nóng hầm hập, nhưng ở căn nhà lá của vợ chồng Huệ Nhật vẫn êm đềm, tĩnh lặng như ở một thế giới khác. Bùi Giáng với phong thái ung dung của một đạo sĩ, từ tốn nói, còn cô tiến sĩ người Đức thì ngồi chăm chú nghe… Huệ Nhật và tôi chỉ lẳng lặng nghe hay lảng ra bờ kênh nghe tiếng lá dừa nước rì rào chen lẫn tiếng súng từ xa vọng lại của những giờ phút cuối cuộc chiến tranh…
Sau ngày 30.4.1975, Bùi Giáng bỗng trở nên “điên” dữ dội. Hàng ngày ông mang lỉnh kỉnh trên người đủ thứ đồ phế thải mà người ta vất đi, từ cái chuồng chim, thùng các tông, tấm áo mưa rách, đến cả áo lót phụ nữ ông cũng choàng lên vai, ra đứng giữa đường điều khiển giao thông, quay qua quay lại chỉ trỏ hướng dẫn xe cộ, có khi ông bị mấy cậu thanh niên đeo băng đỏ túm kéo ông về phường. Có lần ông bị họ kéo đi rớt bể mất đôi mắt kiếng, ông chẳng còn thấy gì cả vì ông cận khá nặng. Ông ra khỏi công an phường, một độc giả yêu thơ ông, cũng là một nhà thơ trẻ đưa ông đi đo mua cho ông cặp kính khác. Có lần, đâu khoảng giữa năm 1976, tôi gặp ông mang đủ thứ lỉnh kỉnh trên người, đứng giữa đường trước chợ Trương Minh Giảng (sau đổi là chợ Nguyễn Văn Trỗi) múa chân múa tay, sợ ông lại bị công an hay thanh niên cờ đỏ tới tóm, tôi chạy đến nói để tôi chở ông đi, nhưng ông phớt lờ như không nghe không thấy tôi. Tôi bèn kề tai ông nói nhỏ một câu “thần chú”. Đây là kế mà Huệ Nhật đã bày tôi. Thật ra đó chỉ là câu “cô Kim Cương đang chờ anh”). Bấy giờ ông mới chịu cho tôi chở ông đi. Tôi bảo ông vất bớt ba thứ linh tinh đi, nhưng ông lắc đầu. Tôi đành chở ông mang theo đồ lỉnh kỉnh ra “văn phòng giao dịch chợ trời” của tôi ở quán cà phê không tên, số 75 Gia Long (Lý Tự Trọng) quận 1.
Tôi mời ông uống cà phê, ông hỏi: “Cà phê sữa bao nhiêu, mi?”, tôi bảo hai đồng. Ông nói: “Tau không uống cà phê. Tau uống nước trà, mi cho tau hai đồng rứa, hỉ?”. Tôi gọi cà phê và đưa ông mấy đồng. Bùi Giáng cười hề hề bảo, uống cà phê mà lại có tiền thì tau tới tìm chú mi hoài. Té ra ông già tỉnh như sáo chứ có điên gì đâu! (Bấy giờ Bùi Giáng mới năm mươi nhưng với râu tóc bạc phơ bù xù lại ăn mặc xốc xếch nên trông như một ông già ).
Ông ngồi im lặng ngó mông lung ra đường nhìn xe cộ chạy qua. Chợt thấy cuốn Nam Hoa kinh, bản dịch của Nhượng Tống, mà tôi thường mang theo đọc trong những lúc một mình, mắt Bùi Giáng sáng lên. Ông hỏi: Mi đọc Nam Hoa mà mi có biết tại sao “thằng” Trang Tử chửi “thằng” Khổng Tử không?”. Tôi khá bất ngờ và tính thưa thiệt là không biết, nhưng không chờ tôi nói, ông đã tự trả lời: “Bởi “thằng” Trang Tử “nó” quá mê và nể sợ Khổng Tử nên phải chửi thôi! Chửi theo ngôn ngữ của Trang”. Bùi Giáng đã khai sáng cho tôi một điều rất thú vị mà tôi nhớ hoài! Đó là dịp hiếm có vì cả buổi sáng hôm đó, tôi bỏ chạy chợ trời, ngồi trò chuyện với Bùi Giáng về đủ thứ chuyện, từ chuyện thi ca, triết học đến chuyện bán thuốc tây chợ trời…
Bùi Giáng  bảo Nhượng Tống tài hoa lắm, dịch hay nhưng khiêm tốn. Thấy ông vui, tôi cũng chọc ông vài câu chơi. Tôi bảo lục bát Mưa nguồn của anh rất hay nhưng sao bằng Kiều (ông gật gật đầu) và… Lửa thiêng (của Huy Cận). Tôi biết ông rất nể Huy Cận mỗi khi nhắc đến. Nhưng bỗng nhiên ông nổi đóa: “Mưa nguồn của tau tưới tắt Lửa thiêng…”. Hình như ông thấy mình “hố”. Tôi chộp ngay: “Thấy chưa, anh đặt cái tựa tập Mưa nguồn là cũng từ Lửa thiêng, phải không?”. Ông im lặng, vẻ mặt đăm chiêu. Bỗng nhiên tôi thấy mình có lỗi, tôi mời ông đi ăn cơm trưa, nhưng ông lắc đầu, rồi ông đứng dậy mang mấy món đồ lỉnh kỉnh đi ngược đường về phía công viên Tao Đàn. Tôi nói anh đi đâu để tôi chở, nhưng ông lắc đầu. Tôi nhìn theo ông mà lòng nặng trĩu. Tôi dặn chị chủ quán, khi nào thấy ông đến thì mời ông cà phê và gửi ông mười đồng rồi tôi sẽ trả lại. Nhưng cả năm không thấy ông trở lại quán, có thể là ông cũng chẳng nhớ gì.
Mãi mấy năm sau, hình như cuối năm 1983 đầu 1984, tôi mới lại gặp Bùi Giáng, cũng lại nhà Huệ Nhật, nhưng ở đường Lương Nhữ Học, quận 5, gần nhà thuốc tây của tôi mới mở chung với mấy người bạn trên đường Đồng Khánh (sau 30.4.1975 đã đổi thành đường Trần Hưng Đạo B). Lúc này bạn tôi, cựu tu sĩ Huệ Nhật đã lấy một cô vợ khác người Việt, là trưởng hay phó đoàn văn công gì đó. Bởi cô bạn gái người Đức của Huệ Nhật đã bị trục xuất về nước và bạn tôi bị nhốt mấy tháng vì bị nghi làm gián điệp do… có vợ Tây! Ra tù, Huệ Nhật bị bệnh, nằm viện và quen cô văn công cũng đang nằm viện. Rồi hai người phải lòng nhau, lấy nhau… Vợ của anh có cái tên khá lạ là Thương Muộn, là con gái nuôi của nhà báo, nhà thơ trào phúng Xích Điểu. Chị là lãnh đạo đoàn hát nên được cấp cái nhà mặt tiền trên đường Lương Nhữ Học, quận 5. Chị Thương Muộn thường đi theo đoàn hát, còn bạn tôi ở nhà bán bù lon, đinh tán, ốc vít trên lề đường trước nhà. Bùi Giáng lúc này khá tỉnh, thỉnh thoảng ghé nhà Huệ Nhật ở chơi vài ba ngày. Huệ Nhật chỉ đường Bùi Giáng ghé nhà thuốc tây tôi chơi. Một chiều, ông lững thững xách một cái bao vải thật bự không biết đựng gì trong đó, ghé nhà thuốc ngoắc tôi ra ngoài. Ông ngồi bệt xuống lề đường trước cửa nhà thuốc nhìn xe chạy. Tôi phải nhờ anh bạn dược sĩ thay tôi trực nhà thuốc, để tôi chở ông đi loanh quanh: “Sài Gòn – Chợ Lớn rong chơi / Đi lên đi xuống đã đời du côn”. Đây là hai câu thơ ứng khẩu của Bùi Giáng mà ít người biết nguồn gốc. Thậm chí nhà thơ trào phúng Đông Ki Rét (tức Trần Từ Duy – đã mất cách nay mấy năm) còn viết nối thêm hai câu trào lộng vào hai câu trên – không tiện ghi ra đây.
Khi Bùi Giáng chết, tôi và Nguyễn Tôn Nhan – nhà thơ, nhà Hán học, nhà nghiên cứu văn học cổ Trung Quốc- đến viếng ông đang quàn tại chùa Vĩnh Nghiêm. Nhưng rồi hai đứa tôi chỉ đứng ngoài lề đường trước chùa, vái ông hai vái, vì trong nhà tang lễ đông nghẹt người, lại nghe cả tiếng đọc thơ và tiếng đàn hát… Bây giờ Nguyễn Tôn Nhan cũng đã ra người thiên cổ.
7/10/2021
Phạm Chu Sa
Theo https://vanhocsaigon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

​ Tiếng thở thời gian Năm đó chúng tôi học lớp 9. “Chúng tôi” tức là tôi, thằng Hoàng và thằng Dương. Trường chúng tôi học là trường dân...