Thứ Ba, 1 tháng 10, 2024

Bèo gió giang hồ

Bèo gió giang hồ

“Bèo gió giang hồ” là những kỷ niệm của nhà văn Đoàn Giỏi nhớ về nhà văn Nguyễn Tuân, cùng một số văn nghệ sỹ khác trong chuyến đi thăm huyện đảo Cô Tô năm 1972. Bài được ông viết vào tháng 9 năm 1987, khi nhà văn Nguyễn Tuân đã “đi xa”. Tài liệu hiện đang được lưu giữ tại Bảo tàng Văn học Việt Nam.
“Chiều tháng Giêng năm Nhâm Tý (1972) trên chiếc kinh hạm T.152. Ngoài khơi vịnh biển Bắc bộ trời còn lạnh lắm. Trên đường từ đảo Cô Tô về đảo Hải Vân, trời đã ngớt mưa. Mấy anh em cùng kéo cả lên boong. Đợt gió mùa Đông Bắc “bổ sung” đã dịu rồi, nhưng biển vẫn không ngớt gầm gào.
Trong bài “Huyện đảo”, ghi lại chuyến đi này, Nguyễn Tuân có viết: “Chúng tôi là năm người viết văn xuôi, một nhà điêu khắc và một anh bạn nhiếp ảnh…” Đó là Nguyễn Tuân, Nguyễn Văn Bổng, Diệp Minh Châu, Phạm Tường Hạnh, Đoàn Minh Tuấn, Duy Đức và tôi. Nằm chịu lắc ngất ngư gần cả ngày trong vỏ sắt dày của hầm tàu sực mùi dầu mỡ, ù tai vì tiếng máy, tiếng sóng, buổi chiều tạnh ráo là dịp tất cả chúng tôi kéo nhau lên boong hít thở không khí trong lành và ngắm biển. Không một cánh chim, không một bóng thuyền. Chỉ có bao la trời nước vừa tan hết sương mù. Tia nắng mặt trời chiếu vàng vọt, từng lúc hiện ra, từng lúc biến đi, hư ảo chập chờn trên lưng sóng miên man.
Nguyễn Tuân nhấc tẩu thuốc lá ra, nhả khói, nhìn theo làn khói bay hồi lâu và cười, bảo anh em chúng tôi đang đứng tựa lưng vào một khẩu đại bác:
– Bấy giờ chúng ta cùng làm chung một bài thơ đi, cho vui. Liên ngâm, mỗi người hai câu. Một người xướng lên trước, ai nối được ngay vào, cứ nối.
Không biết anh bạn Duy Đức nhiếp ảnh thế nào, chứ nhà điêu khắc Diệp Minh Châu còn sôi nổi hưởng ứng hơn những anh em văn xuôi chúng tôi. Anh cười hà…hà…
– Phải rồi. Làm ngay đi, các cha. Anh Tuân đề xuất, vậy anh xướng đi!
Anh Tuân cười – cái cười bằng mắt, gieo vui ấm áp cho tất cả bạn bè xưa nay – thong thả móc chai rượu dẹp bỏ túi, trong áo vét – tông và chiếc cốc bạc tùy thân ra, đặt xuống sàn tàu, rồi anh ngồi phệt xuống bên cạnh:
– Mời các cha mỗi người một cốc cho ấm.
Chai rượu và chiếc cốc bạc, bằng cái hạt mít bên trong mạ vàng vẫn để nguyên đó, chưa ai chạm đến. Mặt người nào coi cũng có dáng vẻ trầm tư. Hồi lâu, anh Tuân lại cười, bảo: “Bây giờ mình xướng đây”. Tay với cầm chai rượu rót ra cốc, anh đọc chậm rãi đúng âm sắc, rõ từng tiếng một bằng một thứ giọng thổ hơi trầm và kéo dài:
“Chút thân bèo gió giang hồ
Vạn Hoa buổi sớm, Cô Tô buổi chiều”
Anh tợp cạn cốc rượu, lại rót đầy: “Xin mời các cha. Nào, xin mời”. Vừa mời uống mà cũng còn có ý mời nối tiếp đây. Tất cả đều im lặng. Không biết các nhà thơ tìm hứng tìm vần sục chữ, mặt mũi thế nào, chứ bọn văn xuôi chúng tôi trông mặt anh nào cũng khó đăm đăm. Kẻ tì tay lên lan can, anh chấp tay sau đi tới đi lui. Còn tôi thì đi vòng quanh khẩu đại bác. Lững thững một vòng. Lững thững hai vòng. Có ý rồi mà thiếu chữ, thiếu vần. Tôi nhẩm lại mấy chữ cuối của câu thơ anh “…Cô Tô buổi chiều”. Chiều, liều, triều, miều…không được. Phải lấy vần giảm chế: Èo, vèo, tèo, chèo…lượn hết vòng thứ ba, tôi reo lên: “Được rồi, tôi xin tiếp vào hai câu trên”. Mọi người ngồi xuống quanh anh. Anh Tuân vuốt ria, ngâm lại…
Mọi cặp mắt đều nhìn tôi, chờ đợi. Tôi ngâm tiếp bằng một thứ giọng Huế pha chè, bởi thừa biết giọng Nam Bộ không thể nào hay được. Thơ ngâm giọng Bắc, giọng Huế, thơ dở cũng nghe thành hay. Tôi hắng giọng:
“Thuyền đời chẳng bến không neo
Ngại chi chuyện chống chuyện chèo về đâu!”
Mọi người lại im lặng. Anh ngồi tréo tay gác lên hai đầu gối, mắt đăm chiêu, thoáng buồn, rồi lại tươi cười, cầm cốc đưa vào tay tôi:
– Dữ, nhà người đường phiêu bạt còn dữ hơn ta! Số kiếp chú mày rồi đây còn sẽ bồng bềnh, trôi nổi, dạt xô nhiều đấy!
Bầu không khí hào hứng, rôm rả lúc nãy trầm lắng hẳn xuống. Anh em động viên nhắc nhau mãi vẫn không ai nối tiếp: “Đủ rồi! Bốn câu tròn rồi. Phát triển nữa là thừa, đâm nhạt, đâm chán”. Rồi cùng rót rượu chuyền nhau, nói chuyện khác để xua cái buồn lúc nào cũng chực sẵn trong tấm lòng của những người con xa xứ…
Nghề văn, sống là để đi, để viết. Nguyễn Tuân đã đi nhiều, đã viết nhiều. Tất nhiên, so với cái diện đi của anh, thì cái anh viết ra hãy còn quá ít. Bệnh xê dịch của anh, lúc nào cũng muốn đi đây đi đó, đều có chủ đích, quan tâm chú mục tới một điều gì…
Sắp đi tới nơi nào, anh đều tìm hiểu nghiên cứu trước kia mà. Ngày kháng chiến chống Mỹ, anh chưa đặt chân tới Cà Mau, tuy nhiên anh vẫn viết về biển trời, đất mặn Cà Mau như người từng sống lâu năm ở đó, khiến Anh Đức ngồi giữa rừng đước Cà Mau phải sửng sốt.
– Còn đi được ngày nào, có dịp là cứ đi! Ngộ nhỡ nay mai thằng Mỹ siêu côn đồ đó, nó giở giói leo thang lần nữa thì sao? Xe cộ, tàu thuyền đi lại sẽ gặp nhiều khó khăn. Ta làm một chuyến du xuân trên các đảo biển…cũng lắm cái hay. Biết đâu rồi sẽ chẳng còn được đi nữa!
Họp liên hoan tất niên tại báo Thống Nhất, anh đã bảo với chúng tôi như vậy. Tất cả mấy anh em đều hoan hỉ, bởi tòa soạn sẵn sàng cho các cộng tác viên mượn chiếc com – măng – ca và anh nào cũng vừa lãnh nhuận bút bài báo Tết của mình, khỏi phải tạm vay, tạm ứng…phiền gì đến cơ quan.
“Khăn gói xe đưa” chuyến này, trong đám đi có hai anh cũng từng lang bạt kỳ hồ nhiều năm, trước cách mạng tháng Tám. Diệp Minh Châu từ 14-15 tuổi đã ăn quán ngủ đình, lặn lội theo thầy Hoàng Tuyển học vẽ, vẽ “phông” cho các gánh hát bội, hát cải lương, đi khắp kẻ chợ thì quê trước khi thi đỗ vào Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương tại Hà Nội…Phạm Tường Hạnh đã tha phương cầu thực vào Nam, khi làm thợ may, khi làm công chức tận Pnom phênh; Tập kết ra Bắc xung phong vào địa đầu giới tuyến Vĩnh Linh làm công tác thông tin văn hóa, thay Rum Bảo Việt vừa được gọi về du học Liên Xô…So với “nghiệp giang hồ của sư phụ Nguyễn Tuân” thì hai anh này hãy còn là “Đệ tử” chứ chưa lên được hàng “sư thúc”. Thầy giáo Nguyễn Văn Bổng hãy kha khá, còn lại chúng tôi chỉ là loại tép riêu.
Chuyến đi chơi biển này (nói chơi cho sang trọng, chứ là đi thâm nhập thực tế) nếu vì Nguyễn Tuân như con cá Ông, thì phải xem Phạm Tường Hạnh và Đoàn Minh Tuấn là hai con cá đao, phò hai bên, theo huyền thoại biển.
Bản viết tay của nhà văn Đoàn Giỏi về chuyến đi thực tế tại Cô Tô tháng 2 năm 1972 hiện đang được lưu giữ tại Bảo tàng Văn học Việt Nam, số 20, ngõ 275 Âu Cơ, Tây Hồ, Hà Nội.
Chiều rồi. Triều xuống. Khinh hạm không cặp gần bờ đảo được. Hạm trưởng Trần Động cho bắn pháo hiệu để trong ấy đưa thuyền ra đón. Pháo hiệu màu phải bắn đến ba chập. Lâu lắm mới thấy thuyền du kích của xã đội chèo ra. Bởi nghe tiếng máy tàu, dân đảo nghi biệt kích Mỹ – Tưởng mò vào như năm ngoái. Ộp oạp lội bùn lên đảo, đát cát vắng hoe, nhà nhà im ỉm. Vậy mà chốc sau, Tuấn đã chạy tìm liên lạc được với ủy ban…và Hạnh đã bưng đâu về một rổ cá, tay cầm nắm lá gì màu nâu đỏ trông như lá mào gà, nói là để nấu ngay một nồi canh chua. Tất nhiên là canh chua cá biển, phải có tí tửu mới ra hương vị. Các gương mặt bèo nhèo, tái xanh, đã tỉnh táo, khởi sắc lại hồng hào cả, và chuyện sẽ đi tới xóm ấp nào, sẽ gặp những ai những ai…lại râm ran.
Ngay từ mồng bốn Tết, trước phút khởi hành, theo lệnh của anh Tuân, mỗi người phải “trình làng một lít rượu”. Ai không có, không được lên xe! (Thời đó chưa cấm rượu, mà anh nào tửu lượng cũng khá cả).
– Xem như thuốc, để dùng khi cần thiết. Vả lại, ở đảo lương thực khó khăn, phải chở gạo từ đất liền ra. Có rượu đấy, mà toàn rượu cất bằng khoai sắn, vừa nghe mùi “cồn” vừa đắng! Anh bảo chúng tôi thế. Chuyến ra đảo này là chuyến đi thứ ba của anh.
Mỗi người lần lượt lôi bi – đông, chai trong giỏ xách tay của mình ra trình diện. Thấy trong làn mây của anh Tuân còn có một lọ nước mắm cô hạt liêu và một hộp cá xác – đin nhập ngoại.
Anh em đều la: “Trời ơi, chở củi về rừng! Đi biển lại mang theo nước mắm và cá!”
Anh cười nhẹ nhàng:
– Phòng xa vẫn tốt hơn. Biết đâu chẳng có lúc chúng ta cần!
Ở nhà khách tỉnh, câu lạc bộ thủy thủ Cửa Ông, đâu đâu chiêu đãi cũng có rượu mời, và các chai rượu uống dở, chủ đều nhét cả vào làn cho khách, để làm “xăng dầu” đi đường. Mới qua đêm, hôm sau tới huyện đường Cẩm Phả, bi đông của Diệp Minh Châu không còn giọt nào, mà hành trình thì còn những hai tuần lễ nữa.
– Ê, cha nào còn không ta, cho mình cốc coi! Châu cười hà…hà cầm cốc nhựa tổ bố rà ra theo các làn, túi xách tay của anh em.
Nguyễn Tuân lại lấy chiếc cốc bạc của anh ra, châm cho Diệp Minh Châu một cốc. Cả hai anh đều là “dân chơi” mà lại là “dân chơi của hai thái cực”. Điều này, nhà thơ Bảo Định Giang nhiều lần nhắc tôi: “Phải học cái tính chu đáo của người miền Bắc. Mà người về mặt giao tế, tiêu biểu là anh Tuân!” Nhậu lớn, nhậu nhỏ gì, bao giờ uống xong rượu thỉnh của chủ, anh cũng rút chai dẹp trong túi vét – tông ra, mời người quanh mâm mỗi vị một cốc.
Chuyến về huyện đảo năm ấy, biển động cấp 6, cấp 7. Không một tàu thuyền nào dám ra khơi. Vậy mà anh em sĩ quan hải quân ở căn cứ Vạn Hoa đã tự nguyện dùng kinh hạm đưa chúng tôi cưỡi sóng, vượt lừng ra thăm đảo Cô Tô.
– Chiến hạm này đã đưa Bác Hồ đi thăm các đảo vùng này. Đưa các anh đi chuyến này, chúng tôi sẽ đưa về cất giữ làm bảo tàng. Chẳng phải đã nhờ có anh Tuân tiếp xúc, nói chuyện một đêm đầy hào hứng, nhiệt tình với sĩ quan và thủy thủ, gặp gỡ chan hòa với họ mà chúng tôi mới có chuyến “ăn theo” oai như vậy ư?
Sóng lừng nhiều lúc đưa hạm tàu bổng lên, một phần sau cái chân vịt xoáy tít giữa trống không. Sóng to chụp lên mũi tàu, tung bụi nước lạnh buốt như mưa đá. Dù vậy, 12 giờ trưa chúng tôi cũng đặt chân lên được đảo Cô Tô. Viếng tượng Bác xong, anh em lội bộ tắt qua xí nghiệp Ngọc Trai, tới đó khoảng 4 giờ chiều ngày 26 tháng hai. Còn chiếc T.152 thì chạy trước vòng qua Cô Tô con, vào Tài coỏng khẩu đón chúng tôi. Ở đây, anh Tuân gặp lại người quen của chuyến đi trước là đồng chí Chèm Chín – Chủ nhiệm xí nghiệp Ngọc Trai và đồng chí Quốc Sĩ – Bí thư đảng ủy. Các cô gái trẻ đang ngồi tách trai, cạy ngọc ra những chiếc khay, reo tíu tít: “A! Bác Tuân năm nay lại về!” Trai vớt lên lấy ngọc, ngồn ngộn có đến mấy cần – xé. Trời lất phất mưa. Ông Chèm Chín đội chiếc nón “tài mùn cống” to tướng, đích thần chèo thuyền ra biển lấy thêm trai nuôi dưới rọ cho đủ làm món đặc sản thiết khách buổi chiều. Thịt con trai ngọc tương tự sò huyết, nhưng trắng, trong trong và hơi giòn chứ không dai như nghêu sò. Xào hẹ, nấu cháo rất ngọt.
Đêm đó, anh Tuân hơi mệt, nằm nhà. Mấy anh em chúng tôi lên tàu ra thăm đảo Thanh Lân. Gặp buổi liên hoan mừng công của bà con đảo này. Đèn măng sông thắp sáng rực cả dãy phố trông ra biển. Tại trụ sở bến Phố Vàn Chảy, đỏ cờ, đỏ khẩu hiệu, nam nữ thanh niên múa hát trong nhịp sênh phách, trong tiếng nhị tiếng hồ, trống con trống cái, tiếng kèn tàu cùng các bàn tiệc bày đầy tô, bát, đĩa tổ bố tràn ngập các món thịt rừng thịt biển ngậy mỡ, sực mùi hành tỏi, khiến nhiều lúc tôi tưởng như mình đang lạc vào đất Tàu. Đường về giữa biển, gặp một tàu đánh cá đang thả lưới cào. Chúng tôi lại trèo sang. Họ thảy sang biếu tàu hải quân hàng chục con cá thu, mỗi con trên chục ký-lô, và tặng anh em chúng tôi mấy con ốc tai tượng, bóc thịt ra mỗi con phải 5 ký-lô là ít, ta họa hoằn mới gặp vỏ ốc chết bé hơn, do sóng dạt vào bãi chứ chưa ai lặn xuống đáy biển bắt sống được nó bao giờ. Vỏ ốc này mà làm chao đèn ngủ thì phải biết! Chúng tôi còn lấy phần ở Thân Lân về cho anh hai chiếc “tài páo” nhưng anh không ăn, gói cất vào làn. Mười hai giờ đêm, anh vẫn chong đèn ngồi ghi chép những quan sát ban ngày, và hai chiếc “tài páo” đó, hôm sau lên tàu anh lại cắt chia phần đều cho mỗi anh, em.
Đêm trên xã biển Quan Lạn, trời vẫn rét lám. Chúng tôi chia nhau nghỉ ở ba nhà trong xóm, đối diện nhau, cách một con bờ đất đắp. Nhà anh Tuân và anh Châu ở, quay lưng ra bãi sú. Đêm nào chúng tôi cũng tụ tập lại chỗ anh, ngồi quanh mấy gộc củ rừng Vân, tào lao đủ các thứ chuyện. Chuyện anh lý thú nhất là cây vải đất liền đã được dân đảo mang ra cắm lên đất đảo và con tú hú đất liền cũng bay theo ra cất những tiếng kêu giục mùa vải chín. Có điều lạ là tu hú ra đây, chỉ kêu lúc nước triều lên, càng gợi thêm cho kẻ “bèo trôi sóng dạt’ nổi hoài hương lăng lắc chốn quê xa đất liền.
“Ở đâu cũng là đất nước Ông Bà…” anh đã nói vậy và đã viết vậy về sáng nghiệp tổ tiên trong bài ký “Huyện đảo”. Sáu trăm hòn đảo lớn nhỏ này, có đủ các loại cây rừng kiếm quý. Nhưng hiếm quý nhất vẫn là cái cây, người đi mở đất giữa biển mù sóng gió, mang theo ra từ đất quê. Vải thiều trên đảo đã lấm tấm hoa. Ngồi bên gộc củi sưởi cháy đỏ, anh lại bứt rứt, phẫn nộ về chuyện các gốc vải cổ thụ ở Lệ chi viên bị “người ta” triệt hạ để xẻ ván đóng tủ, đóng giường, đóng bàn ghế cho hợp tác xã.
Vải Giao Châu tiến sang còn tươi nguyên cho Dương Quý Phi ăn, là vải của Ông Bà ta đó! Nghĩ mà thương mà nhục cho cái thân phận thằng nhược tiểu: xuống biển mò ngọc trai, lên rừng sâu tìm ngà voi, tê giác, ngọc trai…Đảo ngọc Cô tô anh em ta vừa thăm đó, giờ trồng thêm cây vải nữa. Dân trồng, không biết dân có được ăn không đây! Rồi anh thở dài, quay sang tôi: “Ông thuộc bài Lệ chi thán của Tô Đông Pha, đọc lại cho anh em nghe đi”.
Tôi ngồi nhìn ngọn lửa, nhẩm lại bản dịch của bác Hoàng Tạo (đã mất trước giải phóng). Tôi nghe tim mình nhói lên, xót xa cay đắng quá, không muốn nhớ tiếp nữa, lắc đầu: “Tôi quên rồi anh à! Chỉ mang máng nhớ có hai câu: Người đẹp trong cung một tiếng cười – Nghìn năm máu bụi còn tung mãi!..”
Anh cười giọng xa xôi:
– Văn nghệ sĩ chân chính, thời nào cũng đấu tranh để đạt tới cái Thiện, không ngừng chống lại cái Ác. Có điều là, bây giờ cái gì nên nói, cái gì không nên nói và nói cái gì, nói lúc nào, nói cách nào. Cái khó của thằng cầm bút là chỗ đó, chứ không phải đơn giản Tobe or not tobe (Tồn tại hay không tồn tại).
– Rồi anh im lặng, mắt đam đăm nhìn vào ngọn lửa. Cái nhìn rất lạ. Dường như có lúc ngọn lửa bị cuốn hút cả vào đôi mắt, biến vào anh và cũng dường như có lúc anh thoát ra từ đôi mắt, biến vào ngọn lửa. Đây là lần thứ hai, tôi bắt gặp anh có cái nhìn lạ lùng như vậy.
Chuyến đi về huyện đảo năm ấy, dường như sợ không chạy kịp thời gian, để làm cái công việc liên kết con người gần lại với con người, anh đã không để lỡ phí mọi cơ hội quan sát, tiếp xúc, ghi chép tỉ mẩn. Từ ông chủ tịch xã, anh bộ đội, biên phòng, ông chủ nhiệm công trường cát Vân Hải và mỏ cát quý nhất nước ta, những “cụ bà rất đẹp lão, cặp mắt thăm thẳm không cần đeo kính tuổi, vẫn còn như gợi lại cái đương thì con gái lanh lợi trên bãi sa trùng…”, những người chở thuyền đánh cá giao thừa còn ở tận tí bể xa, mãi mồng sáu Tết mới quay về, những người chở thuyền vận tải, vượt sóng gió và bom đạn máy bay Mỹ của hợp tác xã Quan Lạn được tặng thưởng huân chương lao động “đã làm rạng danh thêm cho làng Quan Lạn ở bất cứ sông biển bến nào”, anh ghi từng cái tán cột buồm hình quả găng của thuyền Quan Lạn đất Vân Đồn, từng cái tán cột buồm hình bẹt như cái đĩa của thuyền Cát Hải…
“Chao ôi, chỉ còn có một đêm nữa ngủ ngồi bên bếp gộc rừng Vân, sớm hôm sau thì cả bọn tôi phải từ biệt cái làng đẹp này!’ Trong một bài viết gửi tôi trước đó khá lâu, từ xã Lũng Cú tột cùng phía Bắc, trước cái đẹp anh cũng đã kêu lên: “Chao ôi, mùa thu biên giới, người và cảnh thật là hết chỗ trữ tình. Trên các triền núi láng giềng, nắng hanh như rây bột nghệ, và đá núi lượn chay như xô bồ những con sóng đời đời không chịu tan. Nhìn sóng đá các triền núi bạn thấy như biển cả đang vỗ bờ mà sao tự nhiên phim lại mất hẳn đi cái phần lồng tiếng. Ngồi trên núi cao mùa thu, nhìn ra sóng núi tứ bề, cứ thấy nhớ biển, nghĩ về bờ biển…”
Thành phố Hồ Chí Minh, chiều nào trời cũng mưa. Nhưng có mấy buổi sáng ra đường, nghe rì rào gió lùa trong tàn cây vàng óng sắc nắng hanh của những ngày thu trong mát Hà Nội, càng nhớ anh, không biết do cảm hoài nào đã mấy lần bùi ngùi đọc cho tôi nghe hai câu thơ Đông Hồ: “Hoa cúc để tàn thu đất Bắc – Trời Nam vương một mối tương tư”.
Chiều nay, tôi ngồi một mình. Chiếc cốc bạc thuở nào của tôi còn để ngửa đó, đã thôi hết lớp vàng láng bên trong, qua làn hương bay như thấy còn thấp thoáng nụ cười dưới chòm ria rất hóm và rất hiền của anh. Còn chiếc cốc bạc của anh, giờ hẳn đã yên vị trên bàn thờ anh ngoài đó rồi! Trưa ngày 1 tháng 9 này, ngồi ở nhà con gái anh Vũ Khiêu là cô Quỳnh Khanh tại Phú Nhuận, trông chiếc cốc móp méo của tôi. Bạn bè đều nhắc chiếc cốc của anh – dù nó lăn lộn theo anh đi khắp cõi – hãy còn giữ được sắc óng ánh vàng chóe bên trong, như mới tinh khôi.
Ôi anh Nguyễn ôi! Chiều nay ở đây, tôi vẫn ngồi đối bóng như mọi chiều…Nhớ về rừng đông đêm sương dày đặc tít tận lâm trường Hà Tuyên buốt cóng, nhớ chiều mưa giữa Biển Hồ Cam-pu-chia, nhớ con thuyền trạm kĩu kịt từ Vân Hải đưa chúng ta về Bến Rồng…Bữa cơm trên dặm biển vừa tan hết mù, chỉ có bí xanh xào mỡ và bát muối ớt cay chói mắt. Đâu phải kể ra biển thì lúc nào cũng có cá và nước mắm, những hôm biển động? Lọ nước mắm cô hạt tiêu và hộp cá xác – đin của anh ngày nọ, mở ra sực nức trên sạp thuyền, vui như nụ cười tự tín “hòa một đều nhé, vào phút thứ 89, trước đối phương hí hửng”, của con người dạn dày thành một thứ bản năng quen đối phó với mọi bất trắc của phiêu bồng…
Giờ đây, trông ra bầu trời vần vũ sắp đổi mưa, mây đen vẫn hình mặt quỷ lừ lừ chuyển dịch, nào biết mây về đâu, mưa ở đâu và tạnh ở đâu. Nghe trong mùi hương bay, giữa căn buồng tối âm âm, như có tiếng anh cười nhẹ: “Đang ngồi yên lành ở một nơi này thì lại nhớ tưởng đến một nơi nọ nào, đùng đùng ra đi để rồi lúc đến được cái chốn nọ thèm khát ấy thì lại đâm ra tiếc thương nơi mình vừa rời bỏ…”.
29/9/2024
Đoàn Giỏi
Nguồn: Bảo tàng Văn học Việt Nam
Theo 
vnhttps://vanvn.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Tưởng chừng như

Tưởng chừng như (Nói với Gaston,  15.Dec.2013-15.Dec.2020) Đập cổ kính ra tìm lấy bóng Xếp tàn y lại để dành hơi (Khóc Bằng Phi, Vua Tự Đứ...