Thứ Ba, 1 tháng 10, 2024

Sức hấp dẫn của tiểu thuyết Keo đỏ

Sức hấp dẫn của tiểu thuyết Keo đỏ

Nhà văn Vũ Quốc Khánh là “Người có duyên với giải thưởng”. Vâng, tuy mới vào Hội Nhà văn Việt Nam chưa lâu anh đã có bộ sưu tầm giải thưởng văn chương đáng nể. Tiểu thuyết Seo Sơn – tác phẩm đầu tay của anh viết về đề tài nông nghiệp, nông thôn, nông dân ở vùng quê thâm sơn cùng cốc đạt giải ba (không có giải nhất) cuộc thi tiểu thuyết 2011-2015 của Hội Nhà văn Việt Nam, tiểu thuyết Phía sau trận chiến đạt giải ba cuộc thi tiểu thuyết về đề tài Cách mạng và Kháng chiến 1930-1975 của Uỷ ban toàn quốc Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam năm 2015 và giải thưởng Hùng Vương, giải thưởng cao nhất của UBND tỉnh Phú Thọ cũng được trao cùng Phía sau trận chiến.
Sức viết tiểu thuyết của Vũ Quốc Khánh thực sự đáng nể. Sau hai tiểu thuyết Seo Sơn và Phía sau trận chiến, mới đây anh lại tiếp tục giới thiệu với bạn đọc tiểu thuyết Keo đỏ viết về đề tài trí thức trong giai đoạn hiện nay. Cuốn sách được Giải thưởng cuộc thi Cây bút vàng của Bộ Công an, với 447 trang viết, khổ 13×20 cm do Nhà xuất bản Công an nhân dân xuất bản Quý I năm 2018. Quả thực khi mới cầm cuốn tiểu thuyết này trên tay tôi đã nghĩ mình sẽ phải mất nhiều thời gian đọc mới có thể có lời nhận xét thỏa đáng. Nhưng khi đọc tôi mới thấy hoàn toàn không như mình dự đoán. Ngay đêm đầu tiên, tôi đã đọc say mê và chỉ sau ba ngày tôi đã hoàn thành việc đọc tác phẩm. Quả thực, Keo đỏ có sức cuốn hút mãnh liệt. Hệ thống các nhân vật được xây dựng có lớp lang, sự phát triển tâm lý, tính cách các nhân vật đều hợp logic.
Chúng ta ai cũng biết thành công của một tác phẩm văn học nói chung và một cuốn tiểu thuyết nói riêng phải xét trên cả hai bình diện: Nội dung và nghệ thuật.
Keo đỏ của Vũ Quốc Khánh hấp dẫn người đọc trước hết ở nội dung. Một câu chuyện tình yêu trong chiến tranh, câu chuyện số phận ‘sắp đặt” cho cuộc đời con người những thăng trầm, may rủi… cứ như những thước phim quay chậm dần dần hiện ra trước mắt mọi người.
Trước tiên là câu chuyện của Hoàng Vưỡn với Vân Thúy. Sự đời được đúc kết thành quy luật từ lâu rằng “Con cá mất là con cá to”, những gì người ta mong muốn, người ta ao ước mà không đạt được (nhất là trong chuyện tình cảm nam, nữ) thì không phải lúc nào thời gian cũng là phương thuốc kỳ diệu chữa lành vết thương. Có khi ngược lại, thời gian và sự xa cách chỉ làm lắng dịu tạm thời để rồi khi gặp lại sau một thời gian dài xa cách lại tăng thêm, lại bùng phát, dữ dội và quyết liệt hơn….
Thuở trai trẻ Hoàng Vưỡn thầm yêu trộm nhớ Vân Thúy, một cô thôn nữ xinh đẹp, hát hay. Hoàng Vưỡn yêu Vân Thúy bằng tất cả sự si mê và luôn bị đắm chìm trong tương tư, sầu nhớ, nhớ đến mức “trèo đèo, lội suối…”  vẫn nhớ. Nhưng nhịp cầu tình duyên lỡ làng, khát khao của Hoàng Vưỡn không được đáp ứng bởi Vân Thúy chối từ. Cô đã đem lòng yêu anh giáo nghèo Trần Văn Chuyên mà không mảy may có chút tình cảm nào với Hoàng Vưỡn. Mấy chục năm qua đi, khi Nguyên con trai của Hoàng Vưỡn và Chượp con trai của Vân Thúy học hết cấp 3, gặp lại Vân Thúy trong đêm văn nghệ, lại si mê, lại đắm đuối… bởi thời gian chỉ làm cho nhan sắc Vân Thúy thêm mặn mà và hình như trong đêm văn nghệ, dưới ánh đèn lung linh, Vân Thúy còn có phần hấp dẫn hơn thuở còn trẻ. Hoàng Vưỡn giở trò sàm sỡ, định bụng như một sự đánh đổi (nếu Vân Thúy bằng lòng) để tạo điều kiện cho con trai Thúy được rộng mở con đường tương lai trước ngưỡng cửa trường đại học ở nước ngoài, bởi lúc ấy Hoàng Vưỡn đã là Chủ tịch xã và Chủ tịch xã có quyền to lắm trong việc xác nhận lý lịch cho con Vân Thúy đi học…
Bìa tiểu thuyết “Keo đỏ” của Vũ Quốc Khánh
Bị Thúy cự tuyệt, Hoàng Vưỡn chuyển yêu thương thành thù hận và để rửa hận thì cách duy nhất là trù đập con trai của Vân Thúy. Thế nên, con trai Thúy dù học giỏi, được trên gọi đi học Đại học ở nước ngoài nhưng trước rắp tâm đen tối và sự trả thù hèn hạ của Hoàng Vưỡn nên con trai Thúy chẳng những không được đi học nước ngoài, lại phải vào chiến trường, bị thương tật và sau chiến tranh, trở về địa phương với mặc cảm đè nặng trong lòng. Còn Nguyên, con trai của Hoàng Vưỡn, học kém hơn Chượp lại được cha đẻ sắp đặt cho làm việc tại trạm kiểm lâm. Tại đó, nhờ mưu kế quỷ quyệt của Hiệp (tay anh chị trong xã hội đen) mà Nguyên thực hiện việc chặt đứt hai đốt ngón tay bóp cò súng để khỏi phải đi bộ đội. Từ đó, Nguyên được đi học trung cấp và leo dần lên đến chức Phó Chủ tịch UBND huyện Bách Thanh.
Còn Hiệp, một dân anh chị, là kẻ buôn lậu gỗ vô học, những tưởng cuộc đời mãi mãi ở tầng lớp dưới đáy của xã hội nhưng nhờ láu cá, mưu mô, toan tính trong cuộc đời nên cứ thành công nối tiếp thành công để hắn leo dần lên nấc thang danh vọng và thay đổi đẳng cấp, chính thức bước chân vào “giới thượng lưu”. Từ chỗ lợi dụng Nguyên, bợ đỡ Nguyên, lấy Nguyên làm chỗ dựa để được tồn tại trong xã hội, dần dần Hiệp vượt mặt Nguyên, lên công tác tận trên tỉnh, rồi về tận Bộ. Từ chỗ không có học thức, đi học cao học theo Nguyên, rồi tiếp xúc được với giáo sư, cạy cục, nhờ vả một cách khéo léo, tinh vi; lại có chút kinh tế nên giúp được giáo sư nghèo kiểu “mạ nhờ nước, ước nhờ mạ”- đôi bên cùng có lợi, giáo sư có chỗ ở và Hiệp có đến tận học vị tiến sĩ!
Con đường thăng tiến công danh thuận lợi nhưng chuyện tình cảm của Hiệp thì thực sự bê bối, đáng lên án. Hiệp chấp nhận hiến dâng người tình Xinh Tản cho Nguyên trong khi Xinh Tản mang trong bụng đứa con của mình; Hiệp quan hệ lén lút với Hân (vợ Hoàng Dũng) để thực hiện mưu đồ đánh cắp công trình khoa học của Hoàng Dũng làm Luận án Tiến sỹ cho bản thân mình. Từ đó, con đường công danh mở ra thênh thang hơn… Từ trưởng phòng của Sở Nông Lâm, Hiệp về làm Vụ phó của Bộ, “từ một tay anh chị xã hội đen buôn lậu” trở thành tiến sỹ, thành Vụ phó công tác tại cơ quan Bộ! Từ một kẻ đánh cắp công trình khoa học của Dũng, còn phá hoại hạnh phúc gia đình Dũng, sự đê tiện và hèn mạt này thật đáng khinh bỉ nhưng lại được thăng tiến, có học hàm, học vị trong xã hội! Ít ai có thể ngờ cuộc đời lại có những con người và những câu chuyện như thế…!
Không chỉ viết về tình cảm của Hoàng Vưỡn và Vân Thúy, không chỉ viết về những cay đắng nghiệt ngã mà cuộc đời dành cho Chượp, không chỉ viết về con đường quan lộ của Nguyên, của Hiệp, Keo đỏ còn viết về tình cảm thuở “phải lòng mặt” khi còn đi học của Hân và Chượp. Rồi mối tình Hân – Dũng, mối tình Chượp – Y Mai… Những câu chuyện tình yêu lãng mạn giúp con người nhìn cuộc đời tươi sáng hơn.
Và, ít nhiều thì Keo đỏ cũng an ủi con người ta bằng việc tiến sỹ đích thực Hoàng Dũng – chồng Hân, một người suốt cuộc đời đam mê nghiên cứu khoa học, sau khi đứa con tinh thần bị Hiệp đánh cắp, không chứng minh được sự thật, phải chuyển công tác từ Viện nghiên cứu khoa học về nông trường Đèo Khế huyện Bách Thanh. Nhưng tại đây, tình yêu cuộc sống được nhen lại, niềm đam mê nghiên cứu khoa học, một lần nữa được thổi bùng để Hoàng Dũng nghiên cứu sản phẩm keo đỏ mang lại lợi ích cho quốc gia, dân tộc trong ngành công nghiệp chế biến gỗ rừng, phục vụ thiết thực cho đời sống xã hội trong nước và còn cung ứng ra thị trường quốc tế.
Về nghệ thuật, Keo đỏ hấp dẫn người đọc bởi giọng văn và ngôn ngữ giản dị, không cầu kỳ, không hàn lâm. Có những câu văn đạt tới độ “chất thơ trong tiểu thuyết”, ví như đoạn “Vưỡn ngẩn ngơ đến mức trèo đồi, lội ruộng; vác nước, gánh ngô; xuống thướng, lên thích đều nhớ đến Vân Thúy..”, đó là cách diễn đạt khắc sâu về cảm xúc tương tư. Hay cách sáng tạo từ khi nói về cách Vân Thúy trang điểm “không những nền mà còn rất nhã”. Vũ Quốc Khánh là người khá am hiểu nhạc cụ dân tộc và tâm tư, tình cảm, ngôn ngữ của người miền núi. Vũ Quốc Khánh có những trang viết hay về rừng bạch dương, về phong cảnh nước Nga nơi Hân và Dũng qua những đêm trăng hò hẹn của một cuộc tình lãng mạn và rất trí thức.
Đan xen vào đó, Vũ Quốc Khánh cũng diễn tả khá sâu những ham hố tầm thường của con người qua nhân vật Hiệp…
Nhìn chung, Keo đỏ là tác phẩm khá thành công, hấp dẫn về nội dung và đạt đến trình độ khá về nghệ thuật xây dựng tiểu thuyết, có sức cuốn hút đối với độc giả. Duy có điều, đọc tác phẩm này, tôi muốn gia tăng chất “có hậu” cho việc kết thúc tác phẩm bởi theo suốt chiều dài câu chuyện, Hoàng Dũng là nhân vật có học thức, có niềm đam mê khoa học đích thực nhưng lại chịu quá nhiều thiệt thòi trong cuộc sống (vị trí xã hội không xứng tầm, hạnh phúc không vẹn tròn, đứa con tinh thần được thai nghén từ mồ hôi, nước mắt bao năm trời bị đánh cắp; lại có lúc bị tạm giam. Cuộc đời nhiều thăng trầm, biến động, thua thiệt).
Nhân vật Hiệp có nhiều thủ đoạn, lắm mưu mô mà cuộc đời luôn suôn sẻ, thuận lợi. Anh ta đã làm ảnh hưởng hạnh phúc của ít nhất hai gia đình: Nguyên – Xinh Tản và Hân – Dũng nhưng không bị “trả giá”. Anh ta trắng trợn đánh cắp và sử dụng công trình nghiên cứu khoa học của người khác để mang lại lợi ích cho bản thân, lừa thầy phản bạn mà không bị phát giác. Kết thúc tiểu thuyết, nhân vật Hiệp không phải nhận cái kết “ác giả ác báo” theo truyền thống Á Đông. Cho nên, với người đọc, hình như chưa có được cái cảm giác về sự kết thúc có hậu.
Phải chăng thông điệp của nhà văn gửi đến độc giả rằng trong xã hội văn minh của chúng ta vẫn luôn tồn tại những kẻ trí thức bất lương luôn tìm cách hãm hại những người trí thức chân chính và vẫn cần gióng lên những tiếng chuông báo động nhắc nhở mọi người phải cảnh giác. Thiết nghĩ, đây chínhlà lời cảnh tỉnh cần thiết và đáng ghi nhận.
“Mỗi cuốn sách đều có một thế giới riêng, và những người đọc sẽ khám phá ra những điều bí ẩn của thế giới đó” – Susan Wiggs. Theo đó, Keo đỏ hấp dẫn người đọc, hấp dẫn người viết phê bình ở nhiều chiều cạnh, tùy cảm nhận mỗi người. Và, vì lẽ ấy, đọc xong cuốn tiểu thuyết này, tôi vẫn còn đặt kỳ vọng vào “người có duyên với giải thưởng” ở những cuốn tiểu thuyết tiếp theo.
29/9/2024
Đỗ Nguyên Thương
Theo 
vnhttps://vanvn.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lời tạ lỗi muộn màng

Lời tạ lỗi muộn màng Viết cho H., HQ Tr.Úy tại BTL/HQ bến Bạch Đằng ngày xưa. Nếu anh tình cờ đọc được thì xem như đây là một lời tạ lỗi m...