Thứ Ba, 1 tháng 10, 2024

"Giấc đại ngàn", cái duyên của nhà thơ Lan Thanh

"Giấc đại ngàn", cái duyên
của nhà thơ Lan Thanh

Cầm trên tay tập thơ thứ 13, Giấc đại ngàn của nhà giáo, nhà thơ Nguyễn Thị Lan Thanh tôi thầm cảm phục sức sáng tạo dồi dào của bà. Sự ra đời của tập thơ Giấc đại ngàn làm nên cái duyên của một nhà thơ với những con số có tận cùng là 3.
Nhà thơ Lan Thanh tên thật là Nguyễn Thị Lan Thanh sinh năm 1943 tại Phùng Nguyên, Lâm Thao, Phú Thọ. Năm 1963 bà tốt nghiệp sư phạm văn Phú Thọ, dạy văn cấp 2. Năm 1973 bà tốt nghiệp Đại học Sư phạm Việt Bắc, dạy văn cấp 3.
Năm 2003, bà được kết nạp vào Hội Văn học nghệ thuật Phú Thọ. Mười năm sau, 2013 bà là Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam. Năm 2023 trình làng tập thơ thứ 13. Trong văn hóa của nhiều dân tộc, con số 13 bị coi như một điềm gì đó không may mắn, nhưng với những điều nhà thơ Lan Thanh chia sẻ lại là cái duyên của bà. Duyên lắm, bởi ở cái tuổi bát tuần vẫn có thể trình làng Giấc đại ngàn thì có mấy ai được như bà?
Tôi không sành về thơ, nếu không nói là ngoại đạo, nhưng vì quá ngưỡng mộ nhà thơ Lan Thanh tôi xin ghi lại đôi dòng cảm xúc. Đọc 31 bài thơ nhỏ gọn, xinh xắn trong Giấc đại ngàn của nhà thơ Lan Thanh tôi như được đắm mình trong không gian núi non, rừng bể. Tập thơ có tựa đề “Giấc đại ngàn”, vỏn vẻn ba chữ mà gợi niềm khát khao tìm kiếm cái đẹp của nhà thơ và đánh thức giấc mộng trải nghiệm của người đọc. Tập thơ viết về các đề tài khác nhau như thiên nhiên, đất nước, Bác Hồ, tình yêu, người vợ, người mẹ,.. nhưng tôi vẫn thích hơn cả những bài thơ viết về cảnh sắc thiên nhiên đất nước của bà.
Thi nhân muôn đời luôn có cảm hứng mãnh liệt trước vũ trụ. Họ đăng cao để bày tỏ chí hướng, rèn luyện bản thân. Nhà thơ Lan Thanh cũng đăng cao. Bà chọn Đèo Ô Quy Hồ, một trong “tứ đại đỉnh đèo” của vùng núi phía Bắc làm điểm thưởng ngoạn cái điệp trùng núi, điệp trùng văn của nơi đây. Chọn Ô Quy Hồ, con đèo nối liền hai tỉnh Lào Cai, Lai Châu làm điểm đến nhà thơ gợi nhớ đến Nguyễn Tuân với “Ô Quy Hồ”, “Nguyễn Thành Long với Lặng lẽ Sa Pa”. Vượt qua những ngọn đèo hiểm trở, mây dâng bồng bềnh, nhà thơ như thấy “Tôi bay trên thiên đường tiên cảnh bồng lai”. Có lẽ bà đã lên đến đỉnh đèo Ô Quy Hồ, ranh giới hai tỉnh Lào Cai – Lai Châu nên mới có cảm giác nhẹ nhàng như vậy. Và khi trong tâm hồn thật sự nhẹ nhàng, thanh thản, không chút ưu tư, cũng là lúc nhà thơ mở lòng “khắc vào tôi tiếng của đất trời” (Lên Ô Quy Hồ tự).
Đến Mã Pì Lèng, vua của những cung đèo trên Hà Giang, nhà thơ đã ghi lại sự độc đáo, hiểm trở, nhưng tuyệt đẹp của nơi đây:
Dốc dựng, vực thẳm, đường ngang trời
những con đường vắt ngang phận đá
đá đứng, đá ngồi ngàn năm cuồn cuộn
(Mã Pì Lèng)
Những dốc núi hiểm trở, nhìn lên cao vút, nhìn xuống sâu thăm thẳm, nhìn ngang cung đèo, con đường như một “sợi chỉ” vắt giữa lưng chừng cao nguyên đá. Nhà thơ gọi “phận đá”. Câu thơ giàu tính tạo hình và gợi sự liên tưởng thú vị ở người đọc! Người đọc nhớ tới câu thơ trong bản dịch Chinh phụ ngâm của Đoàn Thị Điểm: “Hình khe thế núi gần xa; Đứt thôi lại nối thấp đà lại cao”. Tuy nhiên, câu thơ của người xưa thiên về tả cảnh, câu thơ của nữ sĩ nghiêng về ấn tượng, cảm nhận sự chiến thắng của con người trong hành trình chinh phục cao nguyên đá Đồng Văn!
Lên Phan Xi Păng chinh phục nóc nhà Đông Dương, bà tự tin “thả sức ngắm nhìn gió thổi mây trôi” (Phan Xi Păng), và dường như chưa thỏa phải viết thêm “Ngẩn ngơ Sa Pa” và “Huyền ảo Sa Pa”.
Trở vào miền Trung, đến Phong Nha Kẻ Bàng, nhà thơ tái hiện khung cảnh sơn thủy hữu tình, sông nước, rừng núi, mây trời:
Sông Son xanh
nước biếc xanh
rừng ôm núi
tiếc mỏng manh mây trời
(Phong Nha Kẻ Bàng)
Ấn tượng đầu tiên của nữ sĩ khi đặt chân đến Phong Nha Kẻ Bàng là hình ảnh Sông Son xanh. Tả thế dường như chưa đủ, nhà thơ thêm “nước biếc xanh; rừng ôm núi; tiếc mỏng manh mây trời”. Câu thơ có sắc xanh biếc của nước, xanh đậm của núi rừng, điểm xuyết trên nền xanh ấy là một chút mây trời mỏng manh tạo nên vẻ đẹp thơ mộng, lãng mạn cho dòng Sông Son.
Đọc đến đây, người đọc nhớ tới hai câu thơ của Thanh Trắc Nguyễn Văn “Sông Son son sắt nào quên/ Giọng hò Xứ Quảng cứ chênh vênh sầu” (Tạm biệt Phong Nha). Nếu câu thơ của tác giả Lan Thanh nghiêng về biểu tượng thị giác thì câu thơ của Thanh Trắc Nguyễn Văn nghiêng về cảm nhận “tấm lòng son”, tấm lòng thủy chung, sắt son của con người Quảng Bình.
Đến Đà Lạt, thành phố cao nguyên, nữ sĩ tưởng như mình đang ở chốn bồng lai tiên cảnh để rồi ngộ ra đó là cõi trần, cõi trần mà như trong mộng:
Ngỡ nơi bồng lai tiên cảnh
Hóa ra đang giữa cõi trần
vẩn vơ Trúc Lâm Thiền Viện
Lạc hồ Than Thở Ái Ân
(Đà Lạt thành phố cao nguyên)
Đến Suối Tranh Phú Quốc, thoảng nghe âm thanh rách róc, bà kịp nhận ra vẻ đẹp dịu dàng của suối:
thoảng róc rách
Suối dịu dàng  (Đến Suối Tranh Phú Quốc)
Đọc thơ của tác giả Lan Thanh, người đọc dễ dàng nhận ra dù say đắm với cảnh, dù lãng đãng giữa hư và thực, giữa mộng và đời vẫn thấy nhà thơ Lan Thanh dành một nỗi nhớ đến “anh”, sự trống vắng khi chỉ có “mình tôi” (Lên Ô Quy Hồ tự), sự khao khát giao hòa:
Ỡm ờ như con gái
Hôn nhẹ chàng Mê Công
(Đắc Lắc tôi yêu)
Hay:
Trộm nhìn thôi mà ngút ngát tình
(Thác bản Giốc)
Dù nén lòng, nhưng cảm xúc vẫn trải ra trong thơ bà. Tôi cũng gặp cảm xúc đó ở nhiều bài trong tập Thơ Nguyễn Thị Lan Thanh của bà.
Thơ Lan Thanh nghiêng về tự sự. Bà không cầu kì trong câu chữ mà chủ yếu ghi lại cảm xúc, ấn tượng của minh khi đến với mỗi vùng miền của đất nước. Điều đáng nói, đi nhiều, nhưng có sự lựa chọn. Bà lựa chọn những địa danh nổi tiếng, nơi giao hòa giữa thực và mộng, giữa thơ và nhạc. Để rồi, tự tìm cho mình một cách viết riêng, tôi nghĩ đó cũng là thành công của bà.
Bên cạnh những vần thơ tự sự, đọc Giấc đại ngàn của nữ thi sĩ, người đọc còn bắt gặp những vần thơ lung lình hình ảnh, màu sắc, ấn tượng:
Nho Quế mùa này tia sữa mỏng
vắt từ đất Mẹ chảy vào thơ
(Mã Pì Lèng)
Và cả những vần thơ đa tình, lãng mạn:
lúng liếng Xuân Hương một thuở
liễu xanh thả giấc chiều mơ
(Đà Lạt thành phố cao nguyên)
Cái lúng liếng đâu đó trong ca dao giờ đọng lại trong thơ bà. Có ai nghĩ một nhà thơ ở tuổi bát tuần vẫn có những vần thơ đa tình đến thế?
Giấc đại ngàn là con người của nhà thơ Nguyễn Lan Thanh, mộc mạc, giản dị, đằm thắm, nặng tình với cảnh, với người. Đọc thơ bà, tôi thèm được trải nghiệm, trải nghiệm những cung đường bà đã qua, những cảm xúc, ấn tượng của một người từng trải. Gấp lại tập Gấc đại ngàn, tôi vẫn thầm cảm phục bà. Kính chúc nhà thơ thật nhiều sức khỏe, dẻo dai, bút lực dồi dào, mãi yêu thơ, yêu đời như bà đã từng tâm niệm:
Đã yêu – đổ quán xiêu đình
Đã làm… vắt kiệt sức mình… còn ham!.
(Em chỉ là)
23/9/2024
Chu Thị Hảo
Theo 
vnhttps://vanvn.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chùm thơ thiếu nhi của Châu Hoài Thanh ở Bà Rịa - Vũng Tàu

Chùm thơ thiếu nhi của Châu Hoài Thanh ở Bà Rịa - Vũng Tàu Khi con cất tiếng chào đời/ Ánh sáng là nụ cười mẹ/ Bầu trời là đôi tay cha/ Mặ...