Thứ Ba, 1 tháng 10, 2024

Nước mắt mùa thu

Nước mắt mùa thu

Trong “tạo hóa xoay quanh đủ bốn mùa” thì mùa thu – ta vẫn từng cảm nhận, đó là mùa đẹp nhất, thơ mộng nhất, nôn nao nhất… từ cảnh sắc tới tâm trạng con người. Nhạc sỹ Lê Mây – người không chỉ nổi tiếng với ca khúc “Hà Nội linh thiêng và hào hoa” (sáng tác năm 2000 nhân kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội) mà còn có hàng chục ca khúc để đời khác, trong đó có “Chiếc áo mùa thu” (thơ Đỗ Trung Lai)  thật trữ tình, lãng mạn: “Ước gì cuốn được thu như lụa/Dành may xiêm áo tặng cho em”.
Thì đây, những xao xác heo may, những se se lành lạnh, những làn sương mỏng bảng lảng choàng lên những con phố dài hun hút; mênh mang bên những mặt ao hồ sông suối hay đọng thành những giọt mơ hồ trên những vòm lá lúc ban mai; những làn khói lam chiều âm ỉ từ những mái tranh nghèo hay những giọt mưa ngâu rả rích…, tất cả hình như chỉ rơi vào mùa thu. Đẹp, thơ mộng, huyền ảo và quyến rũ như vậy, nhưng thu lại ngắn, buồn và như một khoảnh khắc.
Ở chủ điểm (cũng là đề tài) mùa thu phong phú, đa diện như thế, có bao tác phẩm “xuất thần” từ các loại hình nghệ thuật như thi ca, nhạc họa. Đâu đây như âm hưởng các ca khúc về mùa thu làm lay động trái tim người thưởng thức của các nhạc sỹ Văn Cao, Nguyễn Đình Thi, Ngô Thụy Miên, Vũ Thanh, Nguyễn Đức Toàn, Phú Quang, Trọng Đài, Trịnh Công Sơn, Hoàng Hiệp, Ngọc Khuê…
Thơ về đề tài mùa thu thì cũng tựa mùa thu vàng rực rỡ, không sao kể xiết. Nhưng ta không thể quên được một Nguyễn Khuyến tài tình với “Ao thu”, một Tú Xương với “Nhớ bạn phương trời” sáng tác vào một đêm thu Thành Nam đầy nôn nao và khắc khoải :“Ta nhớ người xa cách núi sông/ Người xa, xa lắm, nhớ ta không/ Tương tư lọ là mưa gió/ Một ngọn đèn khuya trống điểm thùng” . Các thế hệ học sinh phổ thông cuối cấp như “nằm lòng” với “Sang thu” của Hữu Thỉnh vì bài thơ đưa vào chương trình sách giáo khoa để thầy- trò say sưa bình chú mà vẫn không hết cái hay, cái đẹp lúc thu sang. Còn rất nhiều những tuyệt phẩm thơ về chủ đề này, mà tôi không điểm diện hết được, nhưng ở ngữ cảnh khác, tôi vẫn ấn tượng với “Xin lỗi mùa thu” của Hoàng Vũ Thuật, “Níu thu” của Vũ Hùng và gần đây nhất là “Hẹn gặp sau cơn bão” của Đỗ Bạch Mai đầy tính thời sự. Theo “mạch” cảm xúc đó và theo tinh thần đó, tôi đi sâu vào sắc thái “Nước mắt mùa thu” – nước mắt của đau thương mất mát, chia lìa; nước mắt cùng tài sản cuốn theo dòng nước lũ ra sông ra biển của người dân gồm 25 tỉnh miền Bắc trong siêu bão lịch sử mang tên Yagi trong mùa thu tang tóc nhất vừa qua.
Có lẽ hình như là quy luật, như “đến hẹn lại lên”, hàng năm cứ đến mùa thu là đất trời lại nổi cơn thịnh nộ, mẹ thiên nhiên lại nổi giận đến phũ phàng: Hết cơn bão này đến những trận cuồng phong khác khắp Bắc -Trung –  Nam cùng mưa tuôn xối xả, lũ quét và sạt lở đất kinh hoàng, chủ yếu ở miền Bắc và miền Trung. Đặc biệt, cơn bão số 3 (có tên quốc tế là siêu bão Yagi) ở mùa thu năm Giáp Thìn 2024 này có sức tàn phá khủng khiếp nhất sau bốn, năm chục năm, lặp lại ở các tỉnh miền Bắc.
Xin đôi chút ngược dòng bão lũ: Trước thềm mùa thu, một số tỉnh miền núi phía Bắc đã được “thủy thần” gõ cửa: Ấy là tại Hà Giang nơi cực Bắc của Tổ quốc, trung tuần tháng 7.2024, một vụ sạt lở đất tại huyện Bắc Mê khiến 11 người thiệt mạng; Các huyện Vị Xuyên, Hoàng Su Phì cũng sạt lở đất, ảnh hưởng nghiêm trọng tới giao thông. Tại tỉnh Điện Biên, sạt lở đất cũng làm 2 người chết và 5 người mất tích. Với tỉnh Hòa Binh, ngày 24.8.2024, lũ càn quét Quốc lộ 6 qua dốc Cun với các trận mưa lớn làm đất đá sập xuống khiến các phương tiện giao thông tê liệt, kéo dài đến 4km; ở huyện Lạc Sơn cũng sạt lở với lượng đất đá khổng lồ. Cùng thời điểm tại Sơn La, do mưa lớn và sạt lở ở huyện Mai Châu nên làm 9 người chết và mất tích; tại huyện Mộc Châu, lượng mưa lớn làm nơi này chìm trong biển nước, sông Mã lại “gầm lên khúc độc hành”!
Sang những ngày đầu tháng 9.2024, các phương tiện truyền thông đại chúng liên tục đưa tin, cảnh báo cơn bão số 3 chuẩn bị ập đến theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia để các tỉnh có phương án phòng chống bão lũ, sạt lở đất nhằm giảm thiểu thiệt hại. Và ngày 6.9.2024 là ngày “mở màn” cho những tang thương, thiệt hại. Trước tiên là tỉnh Quảng Ninh với 25 người chết, hơn 1.000 người bị thương, 70% cây xanh đô thị bị gãy đổ, 165 tàu, phương tiện đường thủy bị cuồng phong Yagi đánh đắm; 12.800 nhà dân bị tốc mái, 251 nhà bị đổ sập cùng những thiệt hại lớn về cơ sở hạ tầng, nông nghiệp và chăn nuôi.
Tương tự với Hải Phòng, các quận, huyện và thành phố tổng thiệt hại gần 9.900 tỷ đồng. Nước mắt của thân nhân 25 mảnh đời xấu số kia cùng nước mắt người dân Quảng Ninh, Hải Phòng hòa vào nước lũ cuốn ra biển lớn. Các tỉnh như Hải Dương, Hưng Yên rồi đến Hà Nội là tâm bão cùng chung số phận. Bão và hoàn lưu sau bão gây mưa rất lớn khiến vùng kinh tế trọng điểm gồm: Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình, Hà Nam, Bắc Ninh… bị ngập sâu hàng trăm nghìn ha lúa, hoa màu; hàng nghìn lồng bè nuôi trồng thủy, hải sản. Nước mưa, biển nước khổng lồ hòa cùng nước mắt người dân không khỏi làm ta mủi lòng, tan nát.
Đêm mùng 7.9.2024, tôi tránh bão tại quê nhà (huyện Sông Lô, Vĩnh Phúc), một huyện được bao bọc bởi sông Lô và sông Đáy. Hà Nội đang là tâm bão. Các phương tiện truyền thông và bạn bè, đồng nghiệp dưới đó cho biết, Thành phố liên tục thông báo, yêu cầu mọi người “cửa đóng, then cài” hoặc hạn chế ra đường, ra phố. Ở quê nhà mất điện toàn bộ. Tôi trải chiếu trước hiên nhà chứng kiến, cảm nhận và sẵn sàng “ngực dám đón những phong ba dữ dội” trước siêu bão số 3. Dù cách tâm bão Hà Nội đến gần 80km, tốc độ giảm hơn nhưng trung du Vĩnh Phúc quê tôi vẫn bị bão tố hoành hành dữ dội. Những hàng tre, khóm trúc vặn mình răng rắc, lá trút rào rào như những chiếc thuyền con; những đồi sắn, nương ngô đổ rạp;  những cánh đồng lúa chín, hoa màu bị nước nhấn chìm. Trước sân nhà tôi 5 cây cau do mẹ tôi trồng có dễ 1/4 thế kỷ nay cao đến hơn 10m oằn mình, lả lướt, ngả nghiêng tưởng đổ ập xuống mái ngói tầng 2. Nhờ trời, mẹ tôi sống trên một thế kỷ, ra đi đã 5 năm nay nhưng hàng cau còn đó. Trông cây lại nhớ tới người. Dáng cây – dáng quê nhà hay dáng mẹ tôi trước giông bão cuộc đời và giông bão của thiên nhiên? Ngoài kia sông Lô – dòng sông tuổi thơ tôi đang gầm gào, hung dữ, nước đục ngầu từ phía thượng nguồn Tuyên Quang, Đoan Hùng cuồn cuộn đổ về. Tôi rùng mình, bất giác nhớ lại trận lũ lụt kinh hoàng của Đại hồng thuỷ đồng bằng sông Hồng và vỡ đê Sông Lô năm 1971 địa phận Lập Thạch cũ quê tôi, khi còn là cậu thiếu niên vô tư, xốc nổi, nay đi gần trọn kiếp con người, nỗi ám ảnh về chết chóc, thiệt hại và đói khổ… vẫn như là câu hỏi chưa lời đáp vậy.
Trong lúc bão tố đã kèm theo mưa. Bão dồn dập cấp 12, giật cấp 15. Nhưng hoàn lưu sau bão thì lượng mưa trút xuống tất cả các tỉnh miền Bắc dày đặc hơn, bình quân từ 100-200mm, có nơi gần 300mm. Và thực tế từ chiều tối 8/9, vùng áp thấp nhiệt đới tiếp tục di chuyển sang hướng Tây, suy yếu và tan dần, hoàn lưu bão kéo dài gây mưa lớn từ ngày 8-10/9. Các tỉnh vùng đồng bằng “no” nước, Thủ đô Hà Nội các tuyến phố như “tất cả các dòng sông đều chảy” . Các tỉnh vùng núi Việt Bắc và Tây Bắc do đã dầm dề từ trước mùa thu, nay các trận mưa to không ngớt, dai dẳng làm núi đồi cũng thừa mứa nước. Rừng bị tàn phá không còn cây nguyên sinh bám rễ; chân các núi đồi do con người đục khoét, khai thác đất đá nên mất chân, tạo những hầm ếch. Không sạt lở đất mới là chuyện lạ. Nhà văn Nguyên Ngọc trong một bài viết từ lâu gọi đó là hiện tượng Núi chảy. Mực nước nơi các dòng sông lần lượt được báo động ở các cấp. Và hệ quả tất yếu đã xảy ra.
Vào lúc 5h45 phút ngày 9.9.2024, vụ sạt lở khủng khiếp tại xã Ca Thành, huyện Yên Bình (Cao Bằng) đã cuốn trôi một xe khách đỗ trên Quốc lộ 34 làm 32 người chết, trong đó có 2 cán bộ công an tỉnh Cao Bằng. Xe khách bị vò nát, nhiều bộ phận bị tách rời. Ngoài xe khách, lực lượng tìm kiếm còn phát hiện 2 ô tô 5 chỗ và 10 xe máy bị cuốn trôi chưa tìm thấy thi thể. Ôi, non nước Cao Bằng, Cao Bằng yêu thương…Đẹp trong thơ ca nhạc họa bỗng chốc cảnh chết chóc hoang tàn đến lạnh lẽo; những oan hồn đâu đây còn phảng phất, bi ai. Cùng ngày, chỉ 4 tiếng sau, hung tin từ Phong Châu tỉnh Phú Thọ làm cả nước bàng hoàng: hai nhịp cầu Phong Châu của cây cầu bắc qua Sông Hồng (nối hai huyện Phong Châu với Lâm Thao) sập xuống làm hơn 10 phương tiện gồm ô tô đầu kéo, xe con, xe máy… bị dòng sông Hồng đục ngầu hung dữ cuốn đi. Trên các phương tiện truyền thông, các trang clip, hình ảnh những người dân nơi đầu cầu vật vã, kêu gào thảm thiết trước người thân lìa đời đầy oan uổng.
Sạt lở và thảm họa chết chóc ở Cao Bằng chưa nguôi, chưa dứt thì ngay ngày hôm sau, ngày 10.9.2024- một ngày kinh hoàng nhất, trong một ngày có tới 3 vụ sạt lở. Buổi sáng, sau tiếng nổ như bom của núi Con Voi, đất đá vùi lấp toàn bộ Làng Nủ, xã Phúc Khánh (huyện Bảo Lâm) gồm 37 hộ dân với 158 người. Thông tin ban đầu xác định 30 người tử vong và 65 người mất tích, 17 người bị thương. Chiều cùng ngày, vụ sạt lở khác xảy ra tại thôn Nậm Tông, xã Nậm Lức (Bắc Hà) làm 8 ngôi nhà bị sập, vùi lấp khiến 18 người chết và mất tích. Ban đầu tìm thấy 8 thi thể. Chưa hết, cũng trong ngày, Nhà điều hành Thủy điện Đông Nam Á – Nậm Lức sạt lở làm 5 người chết đã tìm thấy 4 thi thể, riêng Giám đốc chưa tìm được tung tích. Lào Cai như một đại tang lớn nhất các tỉnh phía Bắc. Mưa vẫn trút. Nước mắt và nước mưa tan vào nhau, tong tả rơi trên các vùng bùn đất nhão. Trong quá trình các lực lượng quân đội thuộc Sư đoàn 316 (Quân khu 2) và các lực lượng khác tìm kiếm, mỗi thi thể tìm thấy là một quan tài đỏ rực áp sát. Hàng chục cỗ quan tài và những bát hương dựng vội, lạnh lẽo bên những tiếng kêu gào thảm thiết khiến tất cả phải mủi lòng, không cầm được nước mắt. Cùng với đại tang Lào Cai, không khí tang thương cũng trùm xuống Yên Bái với 49 người chết và mất tích, 24 người bị thương do sạt lở. Còn ở tỉnh Tuyên Quang, sạt lở và ngập lụt làm 44 người chết, 350 ngôi nhà bị sập, cuốn trôi. Thành phố chìm trong biển nước. Vỡ đê Sông Lô đoạn giáp danh giữa xã Quyết Thắng, huyện Sơn Dương với xã Hợp Nhất, huyện Đoan Hùng (Phú Thọ) đã nhấn chìm bao tài sản, công sức của người dân khốn khó hai bên. Có những ngôi nhà ngập đến nóc. Nước mắt lại hóa thành sông.
Anh Hoàng Văn Thới ở Làng Nủ, xã Phúc Khánh, huyện Bảo Lâm (Lào Cai) mất cả gia đình gồm mẹ đẻ, vợ và 3 con. Anh không còn nước mắt để khóc
“Bão phía Bắc mà cả nước quặn đau
Thương con đường thành sông, thương con thuyền lật úp
Thương cụ già mắt bất thần ngơ ngác
Thương những hàng cây mái ngói tả tơi…”
Đó là những quặn thắt, xót xa của người thơ – nhà báo Huỳnh Dũng Nhân (chuyên viết phóng sự xã hội trên báo Lao động một thời) từ phương Nam xa xôi gửi ra miền Bắc. Theo âm hưởng thơ trên cùng những ám ảnh về những tang thương, mất mát do bão lũ, sạt lở ở các tỉnh phía Bắc, tôi tức tốc trở lại Hà Nội. Lòng dạ bời bời. Ruột gan như lửa đốt. Hà Nội sau bão như một đại công trường: Tan hoang, tiêu điều, xơ xác. Hà Nội vốn vẫn tắc đường, kẹt xe, nhưng với hàng loạt cây xanh bão quật đổ ngổn ngang, la liệt chắn lối nên biển người lẫn biển nước cứ nhùng nhằng vật lộn dưới mưa. Cây xanh đổ làm một người chết ở phường Phương Liệt, quận Hoàng Mai. Lại nghe thấy giai điệu “chiếc áo mùa thu” của Lê Mây “Em khoác mùa thu vào phố cổ/ Băm sáu phố phường phải hát lên/ Băm sáu phố phường phải ngả nghiêng”. Giờ đây, không chỉ “băm sáu phố phường” mà tất cả các tuyến phố, tuyến đường, các quận của Hà Nội… chỉ còn tiếng thở dài và lã chã “nước mắt mùa thu”, bởi trời đày, đầy cơ cực. Người Hà Nội vừa dọn, giải phóng cây đổ cùng với các lực lượng khác, vừa khóc. Khóc vì từ nay mất đi hồn phố, hồn cây; Khóc vì tiếc nhớ những cây lớn nằm xuống cả khoảng trời trống vắng, sau bao năm cây với người tri kỷ; Khóc và căm uất những kẻ bất lương, đến khi cây bật gốc, gãy đổ mới “cháy nhà ra mặt chuột”. Lại văng vẳng đâu đây giai điệu “Hà Nội trái tim hồng” của nhạc sỹ Nguyễn Đức Toàn: “Hàng cây xanh bao mùa lá đổ/ Gió sông Hồng rì rào sóng vỗ”. Nay thì 25 nghìn cây xanh đô thị của Hà Nội bị “báo tử” như những oan hồn. Sông Hồng trong ngày 11-13.9 lên báo động ba, nước mấp mé các chân cầu Long Biên, Chương Dương; Những Phúc Xá, Phúc Tân, Bạch Đằng, Tân Ấp, Chương Dương Độ… vút thẳm thiên, táo tác thuyền bè ngày đêm chạy lụt, sơ tán. Rồi bãi giữa sông Hồng, các phường Tứ Liên, Nhật Tân (quận Tây Hồ) cũng chìm trong biển nước. Phía ngoại thành các vùng như Chương Mỹ, Mỹ Đức, Ba Vì… Sông Bùi, Sông Tích cũng cuồn cuộn réo gọi sông mẹ Hồng Hà lời “thở than”. Khi lũ sông Hồng rút dần, tôi lững thững mò mẫm tiếp cận với những người dân chuyên làm nghề trồng đào, quất nơi này như các ông Vũ Gia Thanh, Nguyễn Văn Tuấn và Bùi Văn Thuận ở phường Tứ Liên.  Mắt họ vẫn còn đỏ hoe như màu mắt của hoa đào vì lo âu, thờ thẫn. Các ông cho biết: “có đến hàng chục ha đào, quất bị ngập từ 1,5-2m. Nước “om” và đến lúc rút cũng hỏng hết; thiệt hại ước tính hàng tỷ đồng. Tiền đầu tư cũng phải vay ngân hàng hoặc “giật nóng”. Nhà cửa, tài sản cũng bị ngập, hư hại cả. Không biết vực dậy, xoay sở sao đây khi Tết chỉ còn 3-4 tháng nữa, nhà báo ạ”.
Nhà văn Đức Dũng bên gốc cây cổ thụ bị gãy đổ tại phố Tràng Thi (Hà Nội) ngày 12.9.2024
Theo Cục quản lý đê điều và Phòng chống thiên tai (Bộ NN&PTNT), tính đến ngày 16.9.2024, bão số 3 đã khiến 329 người chết và mất tích (trong đó 291 người chết, 38 người mất tích), 1922 người bị thương. Tổng thiệt hại kinh tế ước tính lên tới 32.787 tỷ đồng. Thật là khủng khiếp. Khi bão lũ đi qua, cả nước – cả hệ thống chính trị, xã hội khẩn trương chung tay hướng về Việt Bắc, Tây Bắc với tinh thần “lá lành đùm lá rách” “bầu ơi thương lấy bí cùng”. Nếu trong tập thơ “Gió lộng”, không khí hào sảng cả nước thực hiện kế hoạch 5 năm lần thứ nhất (1961-1965) Tố Hữu “nhìn” thấy: “những đoàn xe vận tải nối nhau đi/ Hà Nội, Lào Cai, Thái Nguyên, Việt Trì/ Trên đất nước reo vui bao tiếng gọi” thì hôm nay, trong những ngày thu tháng Chín, năm Giáp Thìn 2004 ở bối cảnh và ngữ cảnh đặc biệt này, ta thấy những đoàn xe thiện nguyện dán băng rôn, biểu ngữ từ khắp Trung – Nam của các tổ chức, đoàn thể, cá nhân từ TW đến địa phương, đang hối hả tiến lên các tỉnh phía Bắc để sẻ chia an ủi, phần nào “lau khô những dòng nước mắt”, nguôi bớt những đau thương, mất mát. Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam có bản “sao kê” dài dặc, công khai thông qua tài khoản cá nhân số tiền đóng góp, có dễ đến hàng trăm tỷ đồng. Tổ chức và địa phương nào cũng vậy. Với giới Văn học Nghệ thuật – giới đa sầu đa cảm như người ta vẫn từng nói, họ có những rung động kịp thời để cho ra đời những tác phẩm lay động trái tim hàng triệu người, như truyền thêm năng lượng mới. Chưa hết, ở họ còn thể hiện bằng những hành động cụ thể,  hoạt động thiết thực hướng về đồng bào, bà con vùng bão lũ. Đó là các hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, các Chi hội Nhà văn tại các địa phương; các Hội VHNT từ miền Trung trở vào. Riêng Cơ quan Hội Nhà văn Việt Nam đã cử đoàn cứu trợ phối hợp với Hội VHNT Tuyên Quang trao quà cứu trợ cho bà con vùng bão lũ; Uỷ quyền cho Hội VHNT Thái Nguyên cấp phát hai tấn gạo; Uỷ quyền cho Hội VHNT Yên Bái trao quà cứu trợ cho bà con và các hội viên nhà văn Việt Nam tại tỉnh. Thời báo Văn học Nghệ thuật – Cơ quan ngôn luận của Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam, sau khi kêu gọi “chia sẻ yêu thương chung tay chống lũ” đến các văn nghệ sỹ, các doanh nghiệp, doanh nhân và tổ chức, cá nhân đóng góp tiền mặt và hiện vật, đến nay đã … hòm hòm, chuẩn bị thẳng tiến hướng Gia Điền và các xã xung quanh thuộc huyện Hạ Hoà (Phú Thọ)-  là cái nôi của Văn nghệ Kháng chiến. Thật kịp thời và ấm áp. Trong những ngày của mùa thu ảm đạm này, bên những đoàn xe cứu trợ – từ thiện nối đuôi nhau lên phía Bắc thì trên các loa truyền thanh từ phố phường, đô thị đến các thôn, xã ở mỗi vùng quê hàng ngày vẫn âm vang những lời hiệu triệu, vận động; công khai xướng tên tập thể, cá nhân, hộ gia đình, tổ dân phố số tiền và hiện vật đóng góp thông qua Ủy ban Mặt trận Tổ quốc cấp cơ sở, để những đoàn xe lại nối tiếp chở theo những thương yêu, đùm bọc. Đó là tình người trong bão lũ!
***
Giờ đây bão lũ sạt lở kinh hoàng đã đi qua. Quê hương và người dân các vùng bị thiệt hại ở các tỉnh miền Bắc đang khắc phục hậu quả, tiến tới ổn định cuộc sống. Cầu phao Phong Châu (Phú Thọ) được các đơn vị công binh khẩn trương thi công, lắp đặt và Chính phủ,  Bộ GTVT đã phê duyệt phương án xây dựng cầu Phong Châu mới… Nhưng trong tôi vẫn đầy ám ảnh, sững sờ. Ấy là những cảnh tượng chết chóc, hoang tàn ở khắp nơi, từ các tỉnh ven biển như Quảng Ninh, Hải Phòng đến vùng núi Việt Bắc, Tây Bắc. Như một thước phim buồn lần lượt chiếu lại qua các hình ảnh: Những người thân của các nạn nhân vụ sập cầu Phong Châu (sáng 9.9.2024) vật vã trên đầu cầu, tuyệt vọng nhìn xuống sông Hồng đỏ ngầu, mênh mang, hung dữ mà bất lực; Đại tang ở Lào Cai trong một ày (10.9) xảy ra 3 vụ sạt lở, riêng Làng Nủ, xã Phúc Khánh (Bảo Yên) tính đến ngày 20.9.2024 có đến 54 người chết, 13 người mất tích và 16 người bị thương.
Với Yên Bái, trong số 44 người chết, có một cảnh tượng hết sức thương tâm. Đó là một cháu trai đầu đang học lớp 7 chống gậy trúc trong đám tang 2 bố mẹ là Vũ Đức Ngọc và Hồ Thị Dinh ở xã Hương Thực (Trấn Yên) do sạt lở đất làm sập,  vùi lấp ngôi nhà. Con thứ hai của vợ chồng anh Ngọc 5 tuổi và con út chưa đầy 1 tuổi giờ phải nương tựa vào bà nội đã ngoài 70. Dòng người tiễn đưa bố mẹ các cháu trong nước mưa hòa cùng nước mắt trông thật thê lương, ai oán. Và đâu đây, như còn tiếng kêu thất thanh của người dân thành phố Thái Nguyên, thành phố Tuyên Quang đang chìm trong biển nước gọi người giải cứu; Còn văng vẳng tiếng gào xé, ghê rợn của người dân thuộc 9000 hộ xã Vân Hà (Việt Yên, Bắc Giang) bởi lũ chia cắt. Họ còn cầu khẩn, kêu cứu trên zalo, fecbook, phát trực tiếp trong đêm. Tôi nghĩ tất cả đã cạn khô nước mắt. Đó là “Nước mắt mùa thu”. Một chi tiết nữa cũng làm mỗi người con dân nước việt nghẹn ngào xúc động: Có biên tập viên của Đài truyền hình Trung ương  khi trình bày bản tin, tường thuật về tình hình bão lũ, trước những thiệt hại về người về tài sản ở các nơi, biên tập viên đã khóc. Lại có một phóng viên ở báo khác tâm sự: “Đến nơi hoang tàn chết chóc của Làng Nủ, trên đường trở ra nơi vũng bùn đất nhão, một con trâu nằm bất động, mọi người tưởng nó đã chết. Tôi lại gần thì mắt nó vẫn mở ra, nước mắt ròng ròng. Hóa ra, con trâu của gia đình này chưa chết”, trong khi cả gia đình chủ nó đã chết sạch. Tôi chụp ảnh nó và tôi cũng khóc…”.
Nhưng đâu đã hết, một sự kiện chấn động cả nước, làm lay động hàng triệu trái tim: Đó là sáng 15.9.2024, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị Thường trực Chính phủ với các địa phương bị ảnh hưởng do cơn bão số 3 về các giải pháp khắc phục hậu quả, hỗ trợ người dân ổn định đời sống, khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh. Khi nhắc tới Làng Nủ ở Lào Cai mà ông đến thị sát hôm 12.9, Thủ tướng nghẹn ngào, lặng đi, không cầm nổi nước mắt… khiến hàng trăm người dự Hội nghị (và khán giả xem truyền hình) cũng không khỏi xúc động. Vâng, tất cả những biểu cảm đó, xót thương đó và thái độ đó, chính là “Nước mắt mùa thu”!
Miên man ám ảnh về bão lũ, điện thoại của tôi bỗng rung lên. Lại là nhạc sĩ Lê Mây. Ông cho biết vừa sáng tác xong bài hát về bão lũ với tên gọi “Đừng khóc nữa”. Ông chuyển zalo hình ảnh ca sĩ Trang Viên hát “mộc” do ông đệm ghi ta. Hãy nghe đoạn mở đầu với những ca từ như một lời động viên, vực dậy: “Đừng khóc nữa/gạt nước mắt /dìu nhau qua mưa giông bão lũ/ Đừng khóc nữa, gạt nước mắt dìu nhau ta xây lại xóm làng/ dìu nhau ta xây lại cuộc đời/ Thiên tai địch họa/hiểm nguy khôn lường/ Dạ trời khó đong, lòng người khó đo /khi ta khổ đau, ai cười ai khóc?”
Nhạc sĩ cho biết đã gửi ngay ca khúc này cho Ban Âm nhạc VOV3 Đài Tiếng nói Việt Nam rồi sẽ đăng ký bản quyền. Lê Mây là nhạc sĩ viết nhanh, hay và khỏe. Thương hiệu từ “Hà Nội linh thiêng và hào hoa” cùng nhiều ca khúc hay về Hà nội đưa ông đến danh hiệu cao quý “Công dân Ưu tú Thủ đô “của Thành phố năm 2019.
Điệp khúc của “Đừng khóc nữa” cứ lặp đi, lặp lại, lan xa, lan xa với tiết tấu nhanh, thôi thúc như là một hiệu triệu và khẳng định. Tôi cũng không khóc nữa, gạt “nước mắt mùa thu” khi nhạc sĩ kêu gọi tất cả chúng ta: “Lá lành đùm lá rách/ Bầu bí mình thương nhau/ Chỉ một con ngựa đau/ cả tàu không ăn cỏ/ Việt Nam là thế đó/ Việt Nam, ôi Việt Nam!”.
28/9/2024
Đức Dũng
Theo 
vnhttps://vanvn.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chùm thơ thiếu nhi của Châu Hoài Thanh ở Bà Rịa - Vũng Tàu

Chùm thơ thiếu nhi của Châu Hoài Thanh ở Bà Rịa - Vũng Tàu Khi con cất tiếng chào đời/ Ánh sáng là nụ cười mẹ/ Bầu trời là đôi tay cha/ Mặ...