Thứ Ba, 1 tháng 10, 2024

Vẻ đẹp vô thường trong "Gọi hoàng hôn"

Vẻ đẹp vô thường
trong "Gọi hoàng hôn"

Trong ‘’Gọi hoàng hôn”, mọi thứ bắt đầu từ sự khao khát, nâng niu vẻ đẹp cho dù đó là vẻ đẹp mong manh bé nhỏ. Nó hướng con người đến sự cao cả, cái thiện, cái mỹ, bởi vậy mọi vật hiện lên tinh khiết nguyên khôi, không bị pha trộn đổi màu. Sự khao khát này được nhà thơ viết lên bằng hình ảnh mang vẻ đẹp trong sáng. 
Mở đầu tập thơ “Gọi hoàng hôn” của Hồ Minh Thông là bài thơ viết về một cuộc tình chưa trọn vẹn: “nàng tặng tôi một đêm không cùng/ khi tôi thấy vô biên của nước mắt” (Đêm vô thường). Chưa trọn vẹn bởi cuộc sống là thế, vì còn dang dở, vì chưa toàn mỹ, vì còn vô biên nước mắt và muôn vàn lý do khác. Sự dang dở ấy cho dù được giấu kín bằng một giọng thơ mềm mại, uyển chuyển nhưng với câu thơ “nàng tặng tôi một đêm từ bi/ khi tôi không vứt đi cánh hoa tàn vừa rụng” thì lập tức lộ ra  một tâm hồn vị tha, nhân ái. Sự vô thường ở Hồ Minh Thông tiếp tục được đẩy lên “khi tôi đỡ lấy chút hương thơm rơi xuống/ rồi hứng giọt nghìn trùng/ nàng chưng cất từ một đêm sương”. Vô thường là một khái niệm để chỉ sự thay đổi không ngừng của vạn vật. Chính vì sự thay đổi trong từng sát na này mà chúng ta không thể biết chính xác được ý nghĩa giống hay khác nhau của sự vật. Nó giống như bông hoa nở của ngày hôm nay không phải bông hoa nở của ngày hôm qua.
Một hiền triết ngày xưa từng nói “Không ai hai lần tắm trên một dòng sông” là ý nghĩa này. Không ít người trong cuộc đời vì không hiểu rõ lẽ vô thường nên  lao vào lạc thú, chìm đắm trong ham mê… Vì họ nghĩ cuộc sống sung sướng hưởng thụ sẽ tồn tại vĩnh hằng. Thực tế mọi thứ đều tan rã, cát bụi. Ở đây, tác giả của bài thơ dường như đã thấu cảm được lẽ vô thường nên không bị rơi vào bế tắc, chìm đắm trong u sầu, tuyệt vọng, ngay cả khi “nàng tặng tôi một đóa hoa xuân/ những cánh hóa trong ngần như nước mắt”. Ở trường hợp này, Hồ Minh Thông lại nhìn thấy một vẻ đẹp khác bất ngờ hiển lộ. Đó là vẻ đẹp của sự bình yên, hạnh phúc. Vậy nên, thay vì sự mong manh của đóa hoa đã tàn phai dẫn đến đau đớn, tác giả lại đón nhận một cách nhẹ nhàng, thanh thản “nàng tặng tôi một đóa vô  thường/ tôi chưng cất thành mật ngọt/ tôi chưng cất từ sự thật/ về tình yêu…”. Đó chính là sự thánh thiện, là vẻ đẹp của thơ. Tìm níu, nâng niu những giá trị của cuộc sống, đấy mới là ý nghĩa đích thực… Đây cũng là thông điệp mà Hồ Minh Thông gửi gắm trong tập “Gọi hoàng hôn” – Nhà xuất bản Hội Nhà văn, tháng 9.2024.
Ở bài thơ ‘Những cánh buồm” hát lại có cách nhìn khác về cuộc nhân sinh với rất nhiều băn khoăn day dứt. Đầu tiên là hình ảnh đẹp về cánh buồm cho phép người đọc hình dung tới một con thuyền đang căng buồm lộng gió, lướt trên đại đương mênh mông rợn ngợp, say sưa hát lên lời ca trong trẻo, vô tư nhưng không kém phần lãng mạn về biển cả. Có loài cá hồn nhiên đến mức “mải mê uống ánh trăng/ cứ ngỡ là sữa mẹ”. Nhưng rồi điều bất thường đã xảy ra “rồi trăng biến mất như một cơn gió nhẹ/ cá ôm mảnh lưới nằm dưới mặt trời/loang lổ những hoang mang”. Sự cả tin phải trả giá. Câu thơ cho thấy nỗi ê chề bởi sự hồn nhiên bị phản bội. Hậu quả nó phải gánh chịu là rất nhiều đau đớn, bị giam cầm trong mảnh lưới quằn quại dưới nắng mặt trời với một thân hình mang đầy thương tích.
Cho dù vậy, sự ngây thơ và cả tin chưa dừng lại “Những cánh buồm hát về tình yêu/ khi gió thổi căng/ ngực nõn mềm phồn thực/ mơ giam cầm mắt người nơi ngực mềm tù ngục”. Điều gì đã xảy ra cho sự ngây thơ này “sau đêm lỡ làng/ người vội vàng bỏ lại cánh buồm”? Cái gì đến phải đến, đỉnh điểm là bi kịch “chỉ còn lại muộn phiền/ chôn giấu dưới đáy thuyền chi chít những vết thương”. Qua câu thơ trên, thân phận con người hiện lên mệt mỏi, bã bời, đầy thương tích. Tuy vậy, sau những cả tin dại dột vẫn không gục ngã. Đến đây tinh thần của vô thường tiếp tục xuất hiện, nhân vật không tuyệt vọng mà đứng dậy tiếp tục mơ mộng bước đi. Ở trạng thái này, một nhà thơ đã từng viết “Tận cùng của đắng cay là vị ngọt/ ánh sáng ở nơi chưa có con đường”. Hồ Minh Thông cũng thế, nên tác giả mới “đi hái mảnh sao rơi”,  kiên nhẫn gượng dậy, có một chút tự tin, lạc quan “cánh buồm tả tơi vẫn tưởng mình đang hát/gió thầm thì với những con sóng khát/ hãy vá lên cánh buồm/ mảnh sao người không thể hái ngày xưa”.
Trong bài “Cạn”, hai câu thơ “mắt mẹ đầy khói nhang/ cạn bóng cha viễn xứ”  ngoài ý nghĩa chân thực còn mang một thông điệp khác về sự tuyệt vọng, về sự tận cùng của kiếp người. Ở vào một khoảnh khắc nào đó, một hoàn cảnh nào đó, cách nhìn sự vật, hiện tượng cũng thay đổi “bóng chị ngồi bên thềm/ cạn ngày trôi vô vọng”, câu thơ cho ta biết thời gian bị kéo dài ra, sự vô nghĩa ập đến, hoặc đây là hình ảnh quá đơn độc, vô vọng.
Bìa tập thơ “Gọi hoàng hôn” của Hồ Minh Thông
Trong ‘’Gọi hoàng hôn”, mọi thứ bắt đầu từ sự khao khát, nâng niu vẻ đẹp cho dù đó là vẻ đẹp mong manh bé nhỏ. Nó hướng con người đến sự cao cả, cái thiện, cái mỹ, bởi vậy mọi vật hiện lên tinh khiết nguyên khôi, không bị pha trộn đổi màu. Sự khao khát này được nhà thơ viết lên bằng hình ảnh mang vẻ đẹp trong sáng “và sớm mai một giọt mưa trong vắt/ rơi ướt lời người nói…có đôi khi…” và sự dùng dằng không nỡ chia xa trước bóng ngày tê tái, biền biệt trôi đi “Ai rót vào đáy mắt/Chút bóng chiều đang trôi/ Người đi ngày tê tái/ Môi tìm rót vào môi”.
Ở bài thơ “Những khe hở của đêm”, tác giả không ngần ngại bộc lộ thái độ dám chấp nhận, dám sống thật dù sự thật đó là niềm hạnh phúc hay nỗi khổ đau, không né tránh và không sợ hãi. Suy cho cùng cuộc đời không phải lúc nào cũng tràn đầy ánh sáng mà còn có cả bóng tối, có gian nan dâu bể, nhầm đường lạc lối, không toàn mỹ. Nhưng rồi mọi thứ sẽ qua, nên phải luôn tỉnh táo, lạc quan  “Em rơi vào những khe hở của đêm/ rồi tưởng mình lạc vào đêm khác/ con dế tự ru mình bằng câu hát/ một hạt sương buồn/ tỉnh giấc giữa canh thâu”.
Sự lạc quan này nói chính xác là sự lạc quan của một tâm hồn hướng thiện, một ý thức luôn khát khao sống và yêu, nâng niu, chăm chút từng chút cho cái đẹp. Tinh thần lạc quan là một phẩm chất có khả năng thức tỉnh làm cho cái đẹp đẹp hơn, cuộc sống ý nghĩa hơn, cao quý hơn, tin hơn vào con đường đã chọn. Cùng với sự lạc quan là nỗi buồn, là thân phận kiếp người, của nỗi tuyệt vọng và thất vọng, nhưng vẫn thấy ánh sáng bật lên sự sống “Đầm lầy hoang vắng/ tiếng một con cá quẫy đuôi hoan lạc/ sự sống bắn lên từ những tia bùn/ Sự sống bắn ra từ nụ cười em/ma mị/ tôi từ đầm lầy cõi chết/ nâng một chú cá con/ nằm cô đơn thoi thóp đớp trăng tàn”. Sự sống này là sự sống của niềm tin, của cảm giác, của trí tưởng tượng mà tác giả sáng tạo ra.
Có thể nói, trong “Gọi hoàng hôn”, Hồ Minh Thông đã sống một đời sống đến tận cùng dâng hiến cho vẻ đẹp, cho thơ, cho cuộc đời. Tác giả không hời hợt mà có xu hướng đi đến cùng, triệt để. Đối với Hồ Minh Thông, cái đẹp là cái phải trả giá bằng thách thức, đớn đau, đôi khi thăng trầm, bầm dập. Khi đã sống “cạn”, đã hết mình với nó, trở thành một phần máu thịt với nó, thì sự sáng tạo xuất hiện. Những câu thơ nhiều nỗi niềm tâm trạng bật ra lay thức tâm hồn người đọc “phía sau mắt biếc ngọc ngà/là giọt lệ đêm sầu muộn/ lang thang đường trần khắp chốn/ về tựa vào ánh mắt cha”. Đó là  “từ từ những buồn chất ngất/ từ từ những nhớ thênh thang/ từ từ xa xôi ngút ngàn/ rồi cũng hóa thành cỏ dại”, hay khi chị viết về một người trẻ lựa chọn cách ra đi để giải thoát khỏi những buồn đau trần thế “chiếc lá rơi/ nghiêng đổ một góc chiều”. Với hình ảnh “đổ một góc chiều” cho cảm giác bầu trời như sụp xuống, con người bé nhỏ bị chôn vùi trong đổ nát. Điều này cũng đồng nghĩa với sự chết chóc, mất mát, hoang tàn. Nhiều ẩn dụ, hình ảnh được tác giả lựa chọn để phục vụ cho ý đồ sáng tạo “Mới đêm qua sen đã rụng tơi bời/ hạ lả tả rơi đầy trong ký ức/ anh khép cửa cũng là vừa lúc/em mở mùa đem nỗi nhớ phơi ra”, “Chiều bất ngờ phủ khói/Bâng khuâng cả cánh đồng/Giấc mộng chiếc mạ non/Tách vỏ bừng thức dậy”.
Thơ Hồ Minh Thông còn nới rộng tới nhiều chiều kích của hiện thực. Đó là những bài thơ viết về mùa, về sự thay đổi của thời gian, về hoàng hôn, bạn bè, người thân xa khuất, những ký ức xa xưa, về quê hương, những vùng đất đi qua với bao thân thương nuối tiếc… Ở bất cứ chủ đề nào, thơ Hồ Minh Thông cũng rung lên những cung bậc cảm xúc chân thành, nhiều nỗi niềm, đau đáu về kiếp người, về cái đẹp, gợi lại những nhớ nhung xa vắng “tháng tư…mai nở tần ngần/ quên mất xuân không chờ đợi/ mắt mẹ chiều xa diệu vợi/ cha rời tay mẹ… tháng tư”, lúc khác lại là những hồi ức về cuộc sống tảo tần chất chứa lo toan, cực nhọc của người mẹ “Mưa đầu mùa đẫm ướt những ngày xưa/ mẹ ngồi đan vào tay bao ký ức/ cơn mưa chiều rơi như là hư thực/đọng cuối vườn dâu bể một đời trôi” hay những mất mát đau thương “Tháng tư về người thương nhớ ai/ Cánh hoa tàn rụng vào đâu cũng xót”. Và đây, hình ảnh này hiện ra không biết là thực hay ảo “Kim rơi xuống đáy dòng sông/ Mẹ ngồi vớt cả hư không kiếm tìm”. Đó là vẻ đẹp vô thường của vạn vật, gợi nhớ đến một quan niệm mỹ học của người Nhật nhấn mạnh về sự thanh tịnh, không màng tới vật chất và trân trọng vẻ đẹp lưu giữ dấu ấn thời gian. Cũng chính là sự dâng hiến  không mệt mỏi của Hồ Minh Thông cho cái đẹp, cho nghệ thuật. Đó cũng là vẻ đẹp của thơ ca.
27/9/2024
Trần Anh Thái
Theo 
vnhttps://vanvn.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chùm thơ thiếu nhi của Châu Hoài Thanh ở Bà Rịa - Vũng Tàu

Chùm thơ thiếu nhi của Châu Hoài Thanh ở Bà Rịa - Vũng Tàu Khi con cất tiếng chào đời/ Ánh sáng là nụ cười mẹ/ Bầu trời là đôi tay cha/ Mặ...