Thứ Ba, 1 tháng 10, 2024

Mã thơ Bình Nguyên Trang

Mã thơ Bình Nguyên Trang

Thơ Bình Nguyên Trang trước hết đặt trọng tâm vào cảm xúc. Thơ cũng là điệu hồn của chị, và do thế, nó chạm đến trái tim. Bước vào thế giới thơ Bình Nguyên Trang, là bước vào thế giới lãng mạn, mong manh, phảng phất buồn. Cái hanh hao của cánh đồng mới gặt, tiếng thở dài của dòng sông, nỗi hoang vu như vệt nắng cuối đèo, cái se sắt của chiều sương lãng đãng
“Có gì để tìm trong trời xanh trống rỗng…”
Bình Nguyên Trang tên thật là Vũ Thị Quỳnh Trang, sinh năm 1977 tại Phú Thọ, quê Hải Hậu, Nam Định; tốt nghiệp Học viện Báo chí – Tuyên truyền Hà Nội năm 1999; hiện đang công tác tại Báo Nhân Dân. Tác phẩm đã xuất bản: Lối về (tập thơ), Hội Văn học nghệ thuật Nam Định xuất bản, 1995; Chuyến tàu thời gian (tập truyện), Nxb. Văn hoá – Thông tin, 2000; Chỉ em và chiếc bình pha lê biết (tập thơ), Nxb. Hội Nhà văn, 2003; Những bông hoa đang thiền (tập thơ), Nxb. Phụ nữ, 2012; Tìm trong cõi người (ký chân dung), Nxb. Văn học, 2012; Mùa đom đóm mở hội (tập truyện ngắn), Nxb. Văn học, 2013; Sông của nhiều bờ (ký chân dung), 2012; Những người đàn bà trở về (tập thơ), Nxb. Phụ nữ, 2016); Hoa gạo cuối trời (tản văn). Nxb. Phụ nữ, 2016; Đêm hoa vàng (thơ), Nxb. Hội Nhà văn, 2024. Giải thưởng văn học: Giải nhất cuộc thi Tác phẩm tuổi xanh báo Tiền phong năm 1997; Giải B (không có giải A) Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam năm 2012 cho tập thơ “Những bông hoa đang thiền”…
1. Còn nhớ, vào những năm 90 của thế kỉ trước, thơ Bình Nguyên Trang xuất hiện nhiều trên báo chí và các diễn đàn văn học, rất được các bạn trẻ, đặc biệt là các bạn học sinh, sinh viên ái mộ. Người ta đọc thơ Bình Nguyên Trang trong các sinh hoạt văn học của sinh viên, đọc tặng bạn bè trong sinh nhật, chép trong các cuốn sổ tay, dùng một vài câu làm “đề từ” cho một tấm thiệp hay cuốn sách tặng bạn bè. Thơ Bình Nguyên Trang còn in dấu ấn trong lối viết của không ít bạn trẻ thời ấy… Nhắc nhớ như thế để thấy ảnh hưởng và sức sống của thơ Bình Nguyên Trang đối với thế hệ của mình là rất lớn. Có lẽ, điều may mắn của thế hệ chúng tôi (trong đó có Trang) là đã được sống, được hít thở trong một bầu không quyển văn chương lãng mạn và đẹp đẽ nhường ấy, có thể nói là, một đi không trở lại. Để rồi, mãi tận sau này, ngọn gió nhớ thương tuổi hai mươi trong những trang thơ vẫn còn vọng động với thời gian, cả khi mái đầu sương bạc…
2. Tôi hiểu, mỗi thể loại thơ, trong tiềm thể của mình, sẽ có khả năng làm sinh thành một kiểu bạn đọc riêng. Có lẽ hiếm có nhà thơ nào nhận được sự yêu mến bền bỉ của độc giả theo thời gian như Bình Nguyên Trang. Đọc Bình Nguyên Trang, thấy thơ chị “già” ngay khi tác giả còn rất trẻ. Cô học trò bé nhỏ tự bao giờ mang tâm hồn đầu non cuối bãi, đáy mắt không dưng vơi đầy nỗi nhớ niềm thương. Quê hương yêu dấu. Cuống rạ đồng chiều. Hoa gạo tháng ba. Rặng điền thanh châu thổ. Những cơn mưa phùn xứ Bắc… Thế giới của Trang cứ thế tự nhiên triển hiện, sinh thành. Để rồi, cũng lạ là, sau bấy nhiêu năm, thơ Bình Nguyên Trang vẫn giữ được dáng nét nguyên sơ của tuổi hoa niên thẳm sâu trong miền nhớ. Dường như, sự biến thiên của thời gian, những đổi thay của xúc cảm hay giọng điệu, dẫu chín chắn già dặn bao nhiêu cũng không làm mất đi “chất Bình Nguyên Trang” trong từng trang viết. Tôi gọi đó là “mã thơ” của chị.
Thơ Bình Nguyên Trang trước hết đặt trọng tâm vào cảm xúc. Thơ cũng là điệu hồn của chị, và do thế, nó chạm đến trái tim. Bước vào thế giới thơ Bình Nguyên Trang, là bước vào thế giới lãng mạn, mong manh, phảng phất buồn. Cái hanh hao của cánh đồng mới gặt, tiếng thở dài của dòng sông, nỗi hoang vu như vệt nắng cuối đèo, cái se sắt của chiều sương lãng đãng: Tâm hồn tôi là một cánh đồng/ Bình yên tiếng chuông trong chiều sương lãng đãng/ Nỗi buồn của tôi mang màu dĩ vãng/ Chảy ngọt ngào sâu nặng một dòng sông (Mỗi tháng ba về).
Có thể nói, ngay từ trang viết đầu tiên, Bình Nguyên Trang đã chạm rất sâu vào những “tâm hồn lãng mạn” cùng trang lứa. Tuổi thơ trôi mang mang trong niềm nhớ. Tâm hồn như gió thoảng đồng xa. Tình yêu nhen nhóm đầu đời. Những mùa nhớ thương. Những mùa mây trắng. Chủ thể trữ tình trong thơ Bình Nguyên Trang đi trong quê mà nhớ quê, ngồi bên mẹ mà nhớ mẹ, tựa vai người tình mà thấp thỏm cô đơn. Nhưng Bình Nguyên Trang không lụy tình, mà trân trọng, nhớ thương kỷ niệm. Bởi thế, tình tan mà tâm tư kia còn vọng động, người đã ngàn trùng cách xa nhưng lòng chưa đoạn nỗi: “Người đi như chuyện xưa/ Không một lời ngoái lại/ Tháng năm lùi xa mãi/ Ngỡ chìm vào bình yên/ Ta ngỡ lòng đã quên/ Chút tình xưa khờ dại/ Thế mà dằng dặc đêm/ Thế mà lòng tê tái/ Thế mà chân đi mãi/ Không qua mối tình đầu” (Mối tình đầu).
Hồn thơ Bình Nguyên Trang tinh tế, mong manh nhưng cũng rất già dặn trong cảm nhận cuộc đời. Theo thời gian, Bình Nguyên Trang dần rời xa những chân trời mùa hạ hay tháng ba của tuổi hoa niên. Thơ chị chú trọng nhiều hơn vào cảm thức cô đơn và những chiêm nghiệm nhân sinh, nhưng bao giờ cũng là những chiêm nghiệm nhẹ nhàng, tự nhiên và cả những day dứt đầy nữ tính. Ở đó, có người đàn bà khát khao yêu đương và dâng hiến: “Yêu như sông như biển/ yêu như trăng như sao/ yêu như môi kề cận/ yêu như ngực sóng trào” (Trong mênh mông thiên hà). Ở đó, có bao nhiêu xô lệch, mất mát, khổ đau: “Tôi dõi tìm tôi/ Lại nhặt về chiếc bóng/ Ai làm rơi, cô quạnh triệu năm rồi” (Giấc mơ).
Con người Bình Nguyên Trang dường như mang đủ thiên tính của một nữ nhân đa cảm, đa đoan. Cô bé mộng mơ. Tuổi hoa niên lãng mạn. Một người chị. Một người mẹ. Một người yêu. Không phải ngẫu nhiên, Bình Nguyên Trang viết nhiều về bà, về mẹ và về chị với bao cung bậc nhớ thương, bao “tiếng Kiều đồng vọng”, và ở đâu cũng là những thương tổn, cô đơn, khổ đau rất đàn bà: “Người đàn bà đứng trong triển lãm/ Phơi bày một niềm vui” (Trong triển lãm có tên hạnh phúc); “Đôi khi mệt quá tôi quỳ gối/ Mơ dáng người xưa trên lá vàng/ Đôi khi buồn quá tôi nhìn phố /Trôi những loài hoa sắc dở dang/ Tôi thương đôi bàn chân lang thang” (Hát về đôi chân mỏi)…
Thế giới thơ Bình Nguyên Trang không ít khát khao, nhưng luôn chen lấn những dự cảm mơ hồ về nỗi bất an, về những đứt gẫy vô thường của cuộc đời, cả những rạn vỡ thầm thì trong tâm hồn người con gái: “Em chẳng biết vì sao em yêu anh?/ Dù suốt bốn năm chiếc bình hoa của em không có hoa hồng anh đến cắm/ Dù những lần chúng ta gặp gỡ/ Tính bằng tháng năm/ Em chẳng biết vì sao em yêu anh?/ Dù chỉ có bông hoa cất từ nước mắt/ Nở trong em hai chữ vô tình” (Chỉ em và chiếc bình pha lê biết); “Em đã nghĩ về anh/ Như dòng sông nghĩ mãi về biển/ Như mặt trời nghĩ mãi về ánh sáng/ Em nghĩ mãi về cách xa/ Về con thuyền lênh đênh không bờ bến /Ngày không anh trời đất không mùa/ cây trút lá xuống vườn em thiếu phụ” (Ngày không anh)…
Bình Nguyên Trang là người khéo chọn những tín hiệu thẩm mỹ dễ làm lây lan và đồng điệu cảm xúc ở người đọc: khăn quàng áo mỏng, hoa gạo tháng ba, bờ sông đầy gió… Khi là một Bình Nguyên Trang của ngày – tháng – năm với những miền ký ức hoang liêu: “Sông cứ chảy như đời sống không cần hò hẹn/ Trôi đi những mùa hoa, những chiều vàng lá dội/ Trôi đi ánh mắt ngày xưa và ân cần bao lời nói /Những buồn đau u hoài những gió mưa nông nổi/ Trôi đi” (Đi mãi rồi mùa xuân cũng tới). Khi là một Bình Nguyên Trang của những mùa hoa thương nhớ: “Có hẹn đâu mà tháng mười vẫn tới/ Choàng vai tôi chút se lạnh cuối đường/ Hoa cúc chớm giọt hanh vàng của nắng/ Chiều tương tư một kí ức huy hoàng” (Tháng mười).
Ngôn ngữ thơ Bình Nguyên Trang tinh tế, dường như không có sự sắp đặt cầu kì mà tự nhiên gọi nhau về theo cảm xúc, và do thế, nó chạm rất sâu và lây lan nhanh vào trái tim người đọc. Thi pháp thơ Trang tự nhiên, không gượng ép, tuyệt không thấy bóng dáng gượng gạo đổi mới cách tân.
Thơ Bình Nguyên Trang là sự hiện diện của một tâm trạng. Năng lượng thơ chị là năng lượng xúc cảm. Sự già dặn là già dặn của cảm xúc, không phải của kinh nghiệm kỹ thuật thơ. Có lúc, mệt mỏi xác thân, nhà thơ thốt nhiên chua xót: “Đã từ lâu rồi tôi chán làm thơ/ Tôi chán véo von mỹ từ nhóng nhánh”. Nhưng rốt cuộc, con người cảm xúc, tình yêu văn chương vẫn chiến thắng. Và cứ thế, mỗi ngày sống tới, vệt buồn dường như đậm thêm lên. Nhưng Trang không bao giờ đẩy buồn đau thành vô vọng. Nếu có tận cùng tuyệt vọng, thì tuyệt vọng đó cũng lộng lẫy như một bông hoa: “Ta buồn quá nhưng xin đừng khóc nhé/ Ve đã than lạc mất giọng rồi/ Thuyền đã mất dấu buồm, sông đã vội/ Về xa kia đâu biết lở bồi” (Có thể một sáng nào ngủ dậy); “Hà Nội mùa đông nụ cười vụn vỡ /Trên môi người đàn bà áo mỏng gánh hàng rong/ Mưa thấm lạnh bước chân cầu thang vọng/ Thấm lạnh ngõ dài thấm lạnh gối chăn ai…/ Tôi như cây giấu mình trong bài hát/ Đợi trầm luân đi qua hái cánh hoa đào” (Bài hát mùa đông).
Từ Lối về, Chỉ em và chiếc bình pha lê biết, Những bông hoa đang thiền, Những người đàn bà trở về và đặc biệt là Đêm hoa vàng, dầu vẫn là những trạng thái yêu thương, dâng hiến, khổ đau, day dứt, vụn vỡ, cô đơn… nhưng thế giới cảm xúc trong thơ Bình Nguyên Trang đa dạng, sâu sắc hơn, nhiều chiêm nghiệm, suy tư hơn trước. Đêm hoa vàng khơi gợi vào khung trời ký ức, nó vừa như một mùa cổ điển, vừa lộng lẫy trong những giai âm mới của xúc cảm thi ca. Đó không thuần toàn là những đợt sóng xúc cảm mà là những khoảng lặng của xúc cảm, không chỉ khát khao mà còn là lo âu, trách nhiệm. Đêm hoa vàng còn là hành trình trở về của chủ thể trữ tình với quê, với mẹ cha, với ký ức, với những tụng niệm của riêng mình: “Không còn sợi dây nào để nối vào thượng đế/ Bụt bỏ đi, chỉ còn xác những ngôi chùa…/Em đã cầu xin đêm nay /cho tình yêu còn lại/ như liều thuốc băng bó vết thương hồi sinh nhân loại/ cho chúng ta, dù còn sống một ngày” (Xin tình yêu còn lại); “Không mặt nạ/ không bụi mù xiêm áo/ chợ phù du lời mua bán ồn ào/ yên lặng quá /yên lặng là ngôi đền an trú /ta soi vào thăm thẳm đời nhau” (Tự sự).
Xuân, hạ, thu, đông rồi lại xuân, “người đàn bà tìm mình trong chiếc gương đã mất/ trong cả tin và trong bội bạc” vẫn tràn đầy huyễn mộng yêu đương, tin vào sự vĩnh cửu của tình yêu, như tin vào cuộc đời này vốn không thể khác: “Yêu anh ngày nắng hạn/ yêu anh ngày dâng mưa/ yêu anh sớm sương mù /yêu anh chiều giá lạnh… Đời buồn như khăn áo /thêu hội hè qua loa/ ơn anh ngày tháng đó/ cho em một quê nhà” (Trong mênh mông thiên hà); Rồi sớm mai mặt trời lên ta biết/ Tình yêu có thật nơi này (Rồi sớm mai).
Chiều u u, có người đàn bà đem nỗi buồn ra trải. Mây ngàn, tàn đêm, hoang tàn, trú xứ, người về soi bóng, xa xăm gõ cửa hằng đêm: “Con ngõ nhỏ lầy bùn tháng giêng/ Gió thổi trên mái nhà giàn trầu xanh mắt lá/ Tiếng kinh vọng từ căn nhà khói rạ/ Mưa bay trên vườn cũ hoa đào” (Trở về); “Chiều nhân gian buồn lên cơn đói/ Kiếp nào từng đợi nhau chốn mù sương/ Hái trái mùa thu ta nguyện chết bên đường/ Tan như lá cho tình yêu còn lại” (Tan)…
3. Đọc thơ Trang, tôi thường bâng khuâng tự hỏi: lòng chúng ta có bao nhiêu trong tình yêu ấy, trong cái tình yêu vô tận, vô thủy vô chung. Với tôi, thế giới thơ Bình Nguyên Trang trước sau vẫn là thế giới lãng mạn, mong manh, đầy khao khát. Thơ Bình Nguyên Trang phơi mở một thế giới tâm tư nhiều giông bão nhưng cũng đủ tĩnh lặng để nén lại trong tiếng thở dài như lời gọi thiên thu. Và dầu có đổ vỡ, khổ đau, người – thơ ấy vẫn tràn đầy tình cảm mến thương và độ lượng khoan dung với cuộc đời.
Và như thế, Bình Nguyên Trang đã vẽ nên một vệt màu lộng lẫy gương mặt mình trong thơ ca đương đại.
28/9/2024
Phùng Gia Thế
Theo 
vnhttps://vanvn.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chùm thơ thiếu nhi của Châu Hoài Thanh ở Bà Rịa - Vũng Tàu

Chùm thơ thiếu nhi của Châu Hoài Thanh ở Bà Rịa - Vũng Tàu Khi con cất tiếng chào đời/ Ánh sáng là nụ cười mẹ/ Bầu trời là đôi tay cha/ Mặ...