Thứ Ba, 1 tháng 10, 2024

Chuyện vùng đất mới

Chuyện vùng đất mới

Ông Mười Cuộc trước đây Bí thư Đảng ủy xã, nay về hưu. Lần này ông gom mấy đứa con đi hết, chỉ để một mình bà vợ ở nhà trông coi vườn. Đất chật con đông, ông muốn lần lượt chuyển chúng nó đến vùng đất mới. Xã An Đông thuộc vùng U Minh thượng của huyện An Biên, tỉnh Kiên Giang, đây thuộc xã mới thành lập cách thị trấn 11 khoảng 9 cây số. Qua con kênh cụt, khu hành chính xã mới An Đông lác đác có mấy cái nhà lợp lá chằm. Xã mới An Đông đất lâm còn nhiều, gánh Ba Thiên lên mượn đất phát dọn, dùng len đạp xắn mương hất lên liếp trải đều, đợi mưa xuống cấy lúa. Giống lúa Thái Lan cơm vừa dẻo vừa thơm, thời gian 6 tháng lúa mới cho thu hoạch.
Nhà văn Nguyễn Duy Hiến, quê quán tỉnh Quảng Bình, trú quán tại Bình Phước. Tác phẩm đã xuất bản: Tập truyện ngắn “Hai cơn bão”, Nhà xuất bản QĐND năm 2017; 04 cuốn tiểu thuyết “Những ngày thơ ấu chưa xa”, Nhà xuất bản QĐND năm 2015; “Đêm cháy”, Nhà xuất bản QĐND năm 2021; “Phận trăng”, Nhà xuất bản QĐND năm 2022; “Người bến sông”, Nhà xuất bản QĐND năm 2023. Giải thưởng văn học: Giải Nhì “Cuộc thi truyện ngắn Đông Nam bộ lần thứ II – năm 2022.
Chiếc ghe tam bản trọng lượng một tấn rưỡi tròng trành rời bến. Ba Thiên chèo lái, tôi chèo mũi, chiếc ghe ngược con nước lớn hướng ra sông Rạch Heo. Trong mui ông Mười Cuộc ngồi coi mấy thằng con trai đang chơi bài tiến lên. Ba đứa con gái nằm co ro gần đó. Ở sau lái Ba Thiên nói to:
– Chèo chừng nào thấy mệt nói tụi nó ra thay. Ra sông tui dong buồm cho ghe chạy, đỡ phải chèo.
Ông Mười Cuộc trước đây Bí thư Đảng ủy xã, nay về hưu. Lần này ông gom mấy đứa con đi hết, chỉ để một mình bà vợ ở nhà trông coi vườn. Đất chật con đông, ông muốn lần lượt chuyển chúng nó đến vùng đất mới. Xã An Đông thuộc vùng U Minh thượng của huyện An Biên, tỉnh Kiên Giang, đây thuộc xã mới thành lập cách thị trấn 11 khoảng 9 cây số. Qua con kênh cụt, khu hành chính xã mới An Đông lác đác có mấy cái nhà lợp lá chằm. Xã mới An Đông đất lâm còn nhiều, gánh Ba Thiên lên mượn đất phát dọn, dùng len đạp xắn mương hất lên liếp trải đều, đợi mưa xuống cấy lúa. Giống lúa Thái Lan cơm vừa dẻo vừa thơm, thời gian 6 tháng lúa mới cho thu hoạch.
Ngược với bà vợ mập, ông Mười Cuộc tướng cao lổng khổng, trong bộ áo quần bà ba nâu cũ, cái khăn rằn luôn vắt ở vai. Ông bà nhiều con, cả thảy 9 đứa, 3 gái 6 trai. Sáu thằng con trai một loạt kế nhau, 4 thằng đã có gia đình riêng. Ba Thiên là con chim đầu đàn có tiếng nói mạnh nhất đám. Sau Ba Thiên đến Tư Thoàn, Năm Thứ, Sáu Kiệt, Bảy Được, Tám Đúp, 3 đứa gái cuối. Ba Thiên, Tư Thoàn thuộc lính Biên phòng xuất ngũ. Năm Thứ là Công an hình sự huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre cũng thôi việc xin về vườn làm kinh tế. Sáu Kiệt làm Ấp đội trưởng, còn lại Bảy Được, Tám Đúp. Một lực lượng trai tráng hùng hậu, đi xa làm đâu xứ lạ đất người không sợ ai ăn hiếp. Nhiều lần Ba Thiên nhậu vào, miệng nó oang oang: “Ông thấy anh em tụi tui mạnh hông? Toàn là công an với bộ đội về. Thằng nào cũng có “nghề” một vài miếng”. Mỗi lần Thiên nói thế, mấy người em hửng lên mũi nhích nhích cười. Ông Mười Cuộc cũng vui lây.
Qua bến Cái Mơn huyện Chợ Lách. Ba Thiên cho mũi ghe tấp vào gốc bần buộc chặt, ở trong mui mấy đứa cũng hết đánh bài. Tất cả lội lên vườn mận. Ba Thiên kêu Tư Thoàn xách theo cái cần xé.
– Để làm gì Ba Thiên? – Tôi hỏi.
– Mua mận mang theo ăn dọc đường. Mận tím ngọt và giòn, nhưng mà ông nhớ ăn vừa thôi chứ thấy ngon chưa ăn cơm “quất” nhiều vào xót ruột tuột quần “đi” không kịp. Ba Thiên cười hề hề, hai con mắt lươn nheo tít.
***
Chủ vườn là một phụ nữ chưa chồng tuổi độ 30. Bà mẹ thấy 6 người đàn ông bước vào mừng ra mặt, giục con gái vào pha trà lấy bánh, mứt ra đãi khách. Thấy giọng tôi là lạ, bà cười hỏi: “Cậu quê ở đâu nghe giọng nằng nặng”. Tôi trả lời: “Thưa dì, con ở tỉnh Quảng Bình ạ”. “Quảng Bình là gần Quảng Ngãi phải không cậu?”. Tôi mỉm cười: “Còn xa lắm mới ra tỉnh con dì. Đi xe đò cũng hơn cả ngày trời”. “Mèn đéc ơi, dì có đi đâu xa mà biết!”.
Người phụ nữ xuống bến nước rửa tay bước vào tươi cười. Cô vào buồng, lát sau quay ra mặc bộ bà ba màu da trời, cổ thòng sợi dây chuyền ở dưới gắn phật Quan Âm bằng cẩm thạch màu xanh óng. Một chút kem phấn, ít nước hoa thoang thoảng, mái tóc dày đổ xuống ngang lưng, giữa thắt lại bằng cái kẹp to hình hai con bướm màu. Ba Thiên nhìn tôi nháy mắt, nói nhỏ: “Ông thích không? Tui giới thiệu cho…”.
Người phụ nữ thưa chuyện với ông Mười Cuộc, rồi lấy bánh mời từng người. Bà mẹ ý tứ ngồi bên, biết đâu duyên phận con gái mình. Bà muốn một thằng rể ở đâu cũng được, miễn là hiền từ chịu khó chung thủy với con gái bà.
Chúng tôi kéo nhau ra vườn. Ba Thiên xách theo cần xé, tôi bám theo người phụ nữ hái mận. Tôi nói chuyện nhẹ nhàng chầm chậm, cô gái chăm chú nghe, lâu lâu ngước nhìn tôi hai má ửng hồng. “Ở đây em bán mận còn bán kèm gì nữa không?”, tôi tinh nghịch hỏi có dụng ý. “Ai mua gì em bán nấy. Mua người em cũng bán…”. Tôi không ngờ cô gái lại trả lời nhanh ý vậy. “Vậy thì anh mua hết…”. “Được. Nhưng mà má em bắt rể đó!”. Ba Thiên đến đứng đằng sau xen vào: “Lên Kiên Giang làm thời gian sau về tụi tui ghé lại. Chị chuẩn bị mồi đi…”. Cô gái cười.
Người kềm dây buồm đón hướng gió không ai khác ngoài Ba Thiên. Chiếc ghe nhỏ nghiêng mé nước rẽ sóng băng qua sông Hậu. Trời về đêm sương phả mặt sông lành lạnh. Qua huyện Vị Thanh vào con kênh nhỏ, Ba Thiên hạ buồm, chiếc ghe chầm chậm lắc lư trong đêm…
***
Đến huyện An Biên chiếc ghe đi chậm lại, rong đuôi chồn dày đặc vây lấy mái chèo. Chiếc ghe tam bản lấp vò ở đáy một lớp xi măng nặng nề trườn qua từng mảng rong. Tôi ngồi gần mũi ghe quan sát hai bên. Nhà dân ở hai bờ kênh lưa thưa.
Ghe qua thị trấn 11, đến xã An Đông. Chúng tôi chuyển đồ lên ở nhờ nhà của người quen cha con ông Mười Cuộc đã qua mấy vụ lúa mùa. Hai vợ chồng mới ra riêng. Người vợ trẻ tay chỉ qua nhà bên cách một con mương ăn dài ra sau ruộng cỡ 200 mét, nói với tôi: “Chú mới lên lạ đừng qua bên đó. Ổng Bảy Ngựa trốn nghĩa vụ quân sự chui nhủi mấy tháng về chạy xe ôm ở thị trấn, giờ về nhà làm ruộng. Năm ngoái ổng hiếp một bé gái nhà gần đây thôi, lúc cha mẹ bé không có ở nhà. Ổng ưa gây gổ, thích đánh ai thì đánh. Mấy người ở miệt dưới lên đây làm đều chạy…”. “Vậy à! Thế chính quyền, an ninh không làm gì được anh ta sao?”. “Làm gì được chú, ổng có bà con làm ấp đội trưởng, còn có người anh đang chạy xe lôi ở ngoài thị trấn, bạn đông lắm, toàn dân cô hồn”.
Sở dĩ anh em Ba Thiên và ông Mười Cuộc cù tôi theo chuyến này mặc dầu chiếc ghe nhỏ chở khẳm đồ và người, là vì mấy lần thằng đó hoạch họe, đòi đánh cha con ông Mười Cuộc. Nghe được, để bụng chứ Ba Thiên và mấy thằng em không dám nói đến nó. Những lúc uống rượu vào say, Ba Thiên gật gù lè nhè: “Để đó tui tính. Thằng Bảy Ngựa là cái mẹ gì?”. Rồi nhìn tôi nói tiếp: “Ông đi làm với tụi này yên tâm đi. Thằng nào quậy, tui xử cho…”
Ba đứa con gái ông Mười Cuộc làm cơm chiều. Tôi bước lại đứng bên đường mương ranh thông từ ruộng ra kênh. Bên kia người thanh niên cởi trần mặc quần đùi đứng nhìn ra ruộng. Tướng hắn to cao, mặt dài, lưng xăm con rồng vắt ngang cổ, dân ở đây gọi hắn là Bảy Ngựa.
Rừng U Minh thượng dài thăm thẳm dưới màu trăng bàng bạc. Ba Thiên lôi cả bọn vào kéo lưới ở mấy con kênh nhỏ. Một thằng theo sau xách thùng, hai đứa gò lưng cầm hai cây chằng 4 góc lưới. Mặt lưới cong rà sát bùn, cá dồn vào quẫy óc ách, giở lên, xúm lại bắt cá bỏ vào thùng. Cá lóc, cá rô, con nào cũng to bằng bắp tay, bàn tay người lớn. Đang kéo, có con gì to trườn qua vòng cổ chân tôi. Giật mình, quăng cây chằng lưới, tôi kêu Ba Thiên đi trước:
– Ông quay lại bắt con gì, nhanh lên! Nghe lạnh ở hai cổ chân tôi.
Ba Thiên quay lại, ngồi xuống mò, tay quần đục, nghểnh mặt lên cười:
– Rắn hổ ri, đêm nó đi bắt cá như tụi mình. Con này dễ cũng trên 3 ký. Thôi, tha nó đi bữa nào bắt về nấu nồi cháo đậu xanh. Đảm bảo ăn rồi đêm ngủ khỏi đội nón.
Ở các con rạch nhỏ này, cứ bắt cá về ăn thoải mái nhưng cấm bắt bán. Đó là lệnh của Ủy ban nhân dân xã mới. Vào các rạch rừng U Minh bắt cá ban ngày còn thích hơn. Ba Thiên cho hai người đi trước, để lại những dấu chân quẩn đục bùn. Cá rô mề ém vào đó, mấy đứa đi sau khum hai bàn tay úp vào dấu chân là bắt cá.
Cá nướng trui, nướng than đỏ, luộc lấy thịt trộn ghém bắp chuối, chuối cây, nấu cháo, đủ thứ. Ăn cá riết cũng nóng trong người. Cơm ít, thức ăn thì nhiều. Món ăn “chủ lực” vẫn là cá. Cả bọn lại theo Ba Thiên đêm đi đơm cò, le le dọc hai bên bờ kênh. Được khám phá vùng đất U Minh thượng, bắt cá, đơm cò, thức ăn không hết.
Ba Thiên kể: “Có một ông già ở vùng này đi đơm cò. Nửa đêm, ổng phát hiện con rắn khoang đỏ hai đầu đang ngóc lên chực mổ con cò. Gặp ánh đèn soi sáng quắc, cò và rắn đóng đèn, ổng bước nhẹ lại úp vợt lưới lên, lấy nón đệm kẹp giữa chảng ba hai đầu con rắn. Đem về, ông ra thị trấn kêu thợ hàn cái lồng sắt bỏ con rắn khoang đỏ hai đầu vào. Thế là tiếng đồn lan xa “Có ông già Bảy ốm nhom ốm nhách đi soi cò bắt được con rắn hai đầu”. Mấy tay chạy xe ôm được nước thổi bùng thêm họa vào: “Con rắn kỳ lạ, độc nhất vô nhị, dễ đâu có…?”. Thế là dân kéo đến xem bằng được, các ổng được dịp vớ tiền. Sau đó, người ở vườn bách thú Thọ Lâm, trên Sài Gòn về trả ông già con rắn đó giá 500 triệu đồng. Năm trăm triệu đồng hồi đó lớn lắm nghen mấy cha! Chuyện có thật 100%, ổng già đó nay ngoài 90 tuổi về sống với con trai ở U Minh hạ.
Ba Thiên kể chuyện không khác con cháu của bác Ba Phi. Nó kể tỉnh queo, có chỗ hứng khởi lắm thì chỉ hơi nhích nhích mép cười. Tiếp đến là  chuyện con rắn khổng lồ của cái thời chống Mỹ, tôi chẳng tin nhưng nghe Ba Thiên kể hấp dẫn lạ. Chẳng qua để tôn lên cái vẻ huyền bí thiêng liêng, trù phú âm u của rừng U Minh thượng, nên người dân truyền miệng bằng những câu chuyện bịa… như thật.
***
Tôi ra ngoài phóng mắt nhìn bao la vùng đất lâm đầy lau sậy. Một số đã được dọn đốt do người dân cư ngụ ở đây làm lên liếp. Số cho dân các nơi đến mượn làm, phần đông là dân Bến Tre, ở dưới toàn vườn, ít ruộng, nên họ lên đây mượn đất làm. Có mấy người đang dọn đất ban mấy gò mối. Có chỗ đã thành liếp, đất trải đều phơi đen loáng dưới nắng. Năm ngày rồi vẫn chưa có chủ cho mượn đất làm. Anh em Ba Thiên do quen biết trước nên đã mượn được một số, chia nhau làm. Ba Thiên nhường lại cho mấy em rồi đi hỏi chủ đất, chủ yếu kiếm cho tôi làm. Nó biết hoàn cảnh vợ chồng tôi khổ, đất cát chẳng bao nhiêu quanh năm đi làm thuê mướn.
Nhưng thằng này có cái tật đi đến đâu, có rượu là sà vào nhậu. Ở đây ai cũng biết Ba Thiên, tôi đi theo nó nhậu mấy lần không khéo lại hư. Tuy nhậu nhưng tôi vẫn lo không biết có kiếm đất làm được không? Dự định sau này sẽ theo anh em cánh ông Mười Cuộc lập nghiệp vùng này. Ở quê, chỉ hơn sào đất ruộng, năm cấy lúa một lần, không đủ sống. Vợ tôi hy vọng tôi theo Ba Thiên đi Kiên Giang lần này. Chiều mồng 3 Tết vợ đã lo cho chồng áo quần mùng mền khăn gói sẵn:
– Anh lên trển, không nhiều mượn họ 5 sào đất cũng được. Anh làm lần trước, tháng sau có ai lên em xin quá giang. Năm kiếm chừng bốn, năm chục giạ lúa, gia đình mình ăn đủ, tiền thức ăn, chi phí khác có mấy chục cây dừa đến lứa đốn.
Vào công việc mới được hai ngày đã có người mời đám giỗ. Người chủ quán bán tạp hóa cúng cơm cho tía mời hết cả xóm đó. Tất nhiên tôi cũng được mời luôn theo gánh anh em Ba Thiên. Kệ. Đến đâu hay đó, tôi mượn can mua lít rượu đi theo Ba Thiên. Hai chiếc đệm trải dài theo nền nhà đất, ưu tiên đàn bà con gái ngồi trên giường, trên bộ ngựa. Mười mấy tay đàn ông ngồi xây dài theo nền nhà, rượu ai nấy giữ, đến lượt xách can rót. Ba Thiên ngồi đối diện, tôi ngồi gần người đàn ông nói giọng Bắc cỡ trên 50 tuổi. Trước khi vào ăn nhậu tôi tranh thủ làm quen:
– Anh quê ở đâu? Anh vào đây lâu chưa?
– Anh quê Nam Định vào đây sau năm 76. Anh đi bộ đội, trước chiến đấu vùng này.
– Chắc anh đi lính lúc em còn nhỏ.
– Anh đi năm 1965, vào biên chế bộ đội Quân khu 9. Trực tiếp chiến đấu nhiều ở vùng Kiên Giang. Sau năm 72, anh về…
– Anh về cấp bậc ít cũng tá hoặc đại úy anh nhỉ? – Tôi hỏi.
Người đàn ông ánh mắt chùng xuống nói nhỏ như sợ ai nghe thấy: “Anh cấp bậc đại úy nhưng mà lương bổng gì đâu em, đại úy đào…”. Tôi ngơ ngác. “Anh đào ngũ em ạ. Thật xấu hổ”. Ông ta kể lại hồi đó trước khi vào lính đã có vợ ở quê. “Chiến tranh loạn lạc ác liệt, phấn đấu lên đến cấp đại úy, tiểu đoàn trưởng, đâu phải dễ. Đùng một cái, tiêu tan mây khói hết”.
Anh kể, đợt đó, tiểu đoàn anh nhận lệnh đánh giải phóng Chi khu Rạch Sỏi. Bằng cách nào đơn vị cũng phải chiếm được trong đêm, vì đây là căn cứ quân sự quan trọng của địch án ngự hướng cửa đông thị xã Rạch Giá. Địch bố phòng thủ hỏa lực mạnh, có cả xe bọc thép và hàng chục ụ công sự đặt đại liên. Theo các trinh sát tiểu đoàn sau khi thực địa báo cáo lại thì lực lượng địch có khoảng 2 tiểu đoàn. Hỏa lực địch mạnh, không thể đánh cường tập ồ ạt mà chuyển chiến thuật lối đánh mật tập. Một bộ phận chọc khuấy thu hút địch, các mũi đánh giáp công áp đảo. Trận đánh kéo dài từ 6 giờ tối đến 7 giờ sáng, địch chi viện trực thăng thả thủ pháo, bắn đại liên, cùng với máy bay HU-1A vũ trang bắn rốc két và M.79. Chúng tăng cường thêm 2 tiểu đoàn dù từ Rạch Giá xuống chi viện. Căn cứ Rạch Sỏi vẫn cố thủ, tiểu đoàn anh được lệnh rút, bộ đội thương vong gần 3 trung đội.
Trận đó, anh bị cấp trên kiểm điểm, kỷ luật lý do “Làm trái lệnh chỉ huy, dẫn đến bộ đội thương vong nhiều”. Tháng sau anh bị sư đoàn hạ chức xuống làm tiểu đoàn phó. Bất mãn, tư tưởng bị quấy động ảnh hưởng từ nhiều phía. Anh bỏ đơn vị.
– Thế anh có về ngoài quê không? – Tôi hỏi.
– Có. Sau năm 75, anh có về quê một lần. Gia đình buồn, bà con thất vọng vì anh. Mẹ anh được tin, xấu hổ với tổ tông, với làng nước, bà lâm bệnh một thời gian rồi mất. Anh bỏ vợ con mang ba lô vào vùng này làm thuê. Dẫu sao đây là mảnh đất đã gắn bó với anh qua bao năm tháng. Gian khổ, hiểm nguy cùng đồng đội dưới làn mưa bom lửa đạn.
Thời gian ở đây, anh sống hiền từ, chuộc lại lỗi lầm, phấn đấu làm người công dân tốt. Chính quyền địa phương họ vẫn xác định rằng anh không thuộc đối tượng chiêu hồi cho địch mà bỏ đơn vị khi bị giáng chức, kỷ luật. Họ đưa anh vào tham gia việc ở ấp và an ninh địa phương nhưng anh đều từ chối. Ở làm cho một gia đình nhiều ruộng đất, khá giả trong vùng, anh được tin tưởng giao phó công việc từ nặng đến nhẹ như người trong nhà. Cô con gái đầu để ý thương anh, ông bà bắt rể, anh chịu, họ tổ chức đám cưới. Kể từ đó anh sống làm ăn trong này. Vợ anh ngoài quê cũng đã có chồng khác và có thêm hai đứa con trai. Hôm nay hai vợ chồng anh đều đi ăn đám giỗ. Người này bà con bên vợ.
Mát trời tôi và Ba Thiên cùng mấy đứa hì hục làm. Bỗng có tiếng chửi bới của thằng Bảy Ngựa. Con gái ông Mười Cuộc hớt hải chạy ra, nói như đứt hơi:
– Anh Ba, anh Tư, anh Năm! Ông Bảy Ngựa tự nhiên đánh cha mấy bạt tai.
Ba Thiên gằn giọng:
– Sao lại tự nhiên đánh?
– Ông Bảy Ngựa chửi mấy người Bến Tre lên đây ăn vét. Cha qua lên tiếng. Bảy Ngựa nhảy qua mương đánh cha hai tát vô mặt và chửi: “Lão già mất nết! Đánh cho bỏ cái tính dạy đời”.
Anh em Ba Thiên vác len đi vào. Tôi theo sau cùng. Ông Mười Cuộc ngồi trên ghế tay xoa xoa cái má có vết màu đỏ. Xung quanh, vợ chồng chủ nhà và mấy cô con gái lặng nhìn ấm ức. Đứa con gái út nước mắt chảy ròng. Ba Thiên bỏ len ngoài sân, bước vào tay chống nạnh: “Phải vã cho thằng này một trận mới được”. Bên kia nhà Bảy Ngựa, vọng qua tiếng mài phảng soạt soạt nghe rợn người. Ba Thiên liếc nhìn mấy thằng em… đều im thít. Nhìn  tôi, Ba Thiên như có ý nhờ vả chuyện gì.
Ba Thiên có biết phần nào về bản thân lý lịch của tôi. Tháng 2/1979, tôi đi lính Công an nhân dân vũ trang, sau này là bộ đội Biên phòng và từng là giáo viên võ thuật ở tiểu đoàn huấn luyện. Bộ đội về, ở quê quá khó khăn, tôi một mình vào Nam kiếm việc làm, mong sao cuộc sống đổi khác. Vào Bến Tre, tôi gặp người phụ nữ cũng thuộc diện nghèo nhất, nhì trong xã. Chúng tôi thương nhau rồi thành vợ chồng.
– Để tôi qua xem lý do sao ông Bảy Ngựa lại vô cớ đánh người ta? – Mãi hồi lâu tôi mới lên tiếng.
Ông Mười Cuộc và anh em Ba Thiên nhìn tôi, sắc mặt đổi khác. Ba Thiên đứng dậy vung tay: “Chừng này người lại thua nó à. Ông qua trước, có gì tụi này ứng cứu”. “Không cần đâu? Một mình tôi là đủ”. Ba Thiên cười hô hố: “Có thế mới là lính Công an vũ trang…”.
***
Bảy Ngựa cầm phảng khi tôi bước vào. “Ông ở đâu đến? Qua đây làm gì?”. Bảy Ngựa hỏi dồn. “Lý do gì anh lại đánh ông Mười Cuộc, ông đáng tuổi cha tuổi chú của anh”. Tôi bình tĩnh hỏi, mắt không rời cây phảng trên tay Bảy Ngựa. “Mầy dân ở đâu ? Mà có quan hệ gì với lão?”. Mắt Bảy Ngựa long lên, tay xoay cây phảng. Tôi sụt lại một bước chuyển thế xoay chân trước chân sau. Bảy Ngựa nhìn tôi buông phảng. “Tôi người Quảng Bình, ông Mười Cuộc là anh vợ. Cái gì thì cái anh là người ở đây cũng phải thương cho cảnh người đi làm mướn chứ. Có khó khăn họ mới tìm đến vùng đất này, mà anh lại đánh họ. Anh có nhà cửa hẳn hoi, lỡ người ta trả thù đêm hôm đến đốt phá rồi lủi luôn, anh biết đường nào mà lần. Tôi cũng đã từng bốc vác ở Sài Gòn mấy năm liền, giang hồ nếm đủ. Nếu xảy ra lần nữa, tôi không để anh yên đâu” – Tôi nói với Bảy Ngựa rồi ra về.
Việc tôi qua đối đáp với Bảy Ngựa đã phần nào tăng thêm tự tin cho anh em Ba Thiên. Hôm đó Ba Thiên mua rượu về tổ chức nhậu nhẹ. Tan cuộc, tôi kêu cả bọn ra đồng. Trời trăng sáng, tôi đi lại mấy bài quyền và kêu từng đứa ra chỉ cho mấy thế bắt dao, bắt phảng, tự vệ, phản đòn. Hình như được tiếp sức, mặt thằng nào cũng hí hửng, nói năng mạnh lạc lắm, không như mấy ngày trước.
Mượn được đất lâm tôi cố gắng làm. Mong sao đừng dính vào mọi chuyện để công việc êm chèo mát mái. Vùng đó dần hết đất, dân các nơi đến lớp mượn, lớp thuê nên ở gần cũng hết, phải vào sâu hơn mới có đất làm. Cha con Mười Cuộc kéo nhau đi hết, Ba Thiên rủ tôi theo mượn thêm một ít đất làm. Một hai vụ đầu phải chặt dọn lau, ban gò, bỏ công nhiều nên chủ đất cho mượn làm hai mùa thì lấy đất lại. Ai có nhu cầu sang nhượng lại họ để luôn. Tôi cũng có ý định mượn đất cho mấy đứa cháu lên làm, ở quê chỉ có đất dừa, ruộng chẳng bao nhiêu.
Ông Mười Cuộc kéo mấy đứa con đi hết, vì hợp đồng mượn 30 sào đất của xã mới. Đứa gái út ông để lại ở với đôi vợ chồng trẻ. Hôm đó vợ chồng chủ nhà đi chợ thị trấn, cô con gái út ông Mười Cuộc ở nhà một mình. Trưa cơm nước xong cô lấy cuốn truyện thiếu nhi ra xem, gió thông vào cửa sổ, cô gái ngủ thiếp giấc nào không hay. Đúng lúc Bảy Ngựa đi nhậu ở xóm bên về ngang qua cửa nhìn vào. Cô gái út nằm ngửa, Bảy Ngựa đứng nhìn, thèm muốn. Không có ai ở nhà, hắn mừng thầm cởi áo ngoài rồi bạo dạn bước vào. Cô gái vẫn nằm yên, Bảy Ngựa đè lên, hai tay hắn to khỏe giữ chặt tay cô gái đang giãy nảy chống cự.
Bỗng một cú đấm như búa giáng sau gáy, Bảy Ngựa ngã gục. Anh ta lấy dao cắt dây võng trói Bảy Ngựa vào cây cột nhà chôn, rồi ghé lưng cõng cô gái đến trạm xá. Chuyện vỡ lẽ, cha con ông Mười Cuộc và tôi bỏ công việc đang lỡ dở chạy về. Ba Thiên hậm hực miệng chửi toáng. Ông Mười Cuộc vừa đi vừa khóc, cho mình già đầu mà dại, biết ở gần quỷ sứ lại để con gái út một mình. Mà trước khi đi làm, ông và mấy thằng anh nó cũng đã căn dặn hai vợ chồng nhà cha con ông ở nhờ.
Đợt này thằng Bảy Ngựa cầm chắc 10 năm tù. Đây là lần thứ hai nó phạm tội hiếp dâm trẻ em, con gái út ông Mười Cuộc mới 16 tuổi.
Đầu kênh tiếng bo bo chạy vào xé nước dạt sóng lên bờ. Ở trên có 3 chú công an huyện An Biên và con gái út ông Mười Cuộc, ngồi sau là một người mặc bộ áo quần bộ đội bạc màu. Họ bước lên tôi nhận ra người mặc áo quần bộ đội bạc màu là anh “đại úy”.
– Tôi đi chài dưới kênh nghe tiếng người kêu vội chạy lên bắt gặp thằng Bảy Ngựa đang đè lên hiếp con anh. Tôi đánh cho nó một đấm ngã qụy rồi trói lại. Thấy cháu ngất xỉu, tôi cõng cháu đến trạm xá.
Tôi nhìn anh “đại úy”, thở dài. Hóa ra cái chất lính trong anh vẫn chưa bị mất, ra tay cứu dân trong những trường hợp lâm nguy.
Thời gian sau tôi về quê để ruộng lại cho Ba Thiên làm. Vợ chồng tôi đàn đúm lên Bình Phước lập nghiệp. Một lần về quê gặp lại Ba Thiên lôi vô quán kêu nước uống rồi kể sự tình mọi chuyện:
– Cải tạo về, tháng sau Bảy Ngựa đi ra thăm đồng, trời đang mưa bị sét đánh, người nám đen. Cha con tui phụ đám ma Bảy Ngựa đến khi tàn. Nợ đời, âu Bảy Ngựa phải trả. Ông Trời ở trên cao nhưng thấy hết. Nhưng mà người chết là hết. Sống vậy, thác vẫn phải “trọn tình trọn nghĩa”, chứ ai để bụng làm gì, phải không ông? Ông “đại úy” được dân bầu làm Ấp trưởng kiêm Công an ấp. Ổng làm được việc lắm, ai cũng thương.
25/9/2024
Nguyễn Duy Hiến
Theo 
vnhttps://vanvn.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chùm thơ thiếu nhi của Châu Hoài Thanh ở Bà Rịa - Vũng Tàu

Chùm thơ thiếu nhi của Châu Hoài Thanh ở Bà Rịa - Vũng Tàu Khi con cất tiếng chào đời/ Ánh sáng là nụ cười mẹ/ Bầu trời là đôi tay cha/ Mặ...