Thứ Ba, 1 tháng 10, 2024

Shipper tự nguyện - Truyện ngắn Nguyễn Thị Thu Hồng

Shipper tự nguyện - Truyện ngắn
Nguyễn Thị Thu Hồng

Mỹ Lan vừa dắt xe vào nhà thì điện thoại có số lạ gọi tới “Nè, bạn shipper gì đó ơi! Bạn bị rớt hàng! Tôi là Hoàng Sơn ở bên đội thi công đường cao tốc Bắc – Nam nhặt được, thấy số điện thoại trên bao bì nên tôi gọi và đang giữ giùm túi hàng đó, bạn quay lại đoạn đường tránh ĐT644 gần thác Cây Đu* để nhận nhé!”
Nghe giọng miền ngoài hơi cứng, cô nàng lễ phép đáp “Dạ! cảm ơn nhưng không phải tôi làm rớt đâu ạ. Hàng xuất dư nên tôi cố tình để lại bên đường, túi hàng đó là rau củ quả cây nhà lá vườn, xem như lộc trời gởi các chú cứ dùng, không phải suy nghĩ. Nếu sau này thấy an toàn, đơn vị chú có thể mua ủng hộ sản phẩm nhà cháu trồng nhé. Cảm ơn ạ!”. Bên kia đáp “Ồ, vậy à. Được rồi, tôi sẽ báo bên bộ phận cấp dưỡng. Nhưng… tôi mới ngoài 30 mà bạn gọi bằng chú thì… là…”. “Ồ, trẻ vậy sao, xin lỗi! nghe giọng nói, tôi cứ tưởng trung niên, không ngờ suýt soát tuổi nhau. Vậy tôi đổi cách xưng hô, sẽ gọi bằng anh nhé!”. Chỉ chờ có thế Hoàng Sơn đồng ý ngay và không quên gởi lời chúc sức khỏe trước khi cúp máy.
Hoàng hôn màu hổ phách chiếu trên ngực trần vạm vỡ, mồ hôi vả ra làm làn da căng nâu bóng, nhìn Hoàng Sơn như một bức tượng đồng hun vẻ đẹp mạnh mẽ cổ điển. Hoàng Sơn – chàng trai có nick Fb là Hoang’S ấy đang là hình mẫu của các cô nàng xinh đẹp nhưng anh là người đam mê công việc nên chuyện yêu đương chưa phải lúc.
Thư giãn sau một ngày làm việc, chiều nay Sơn đứng ngắm mấy chậu hoa trước sân công trình gói thầu 12-XL km 24+900 đoạn đường thị xã Sông Cầu – Chí Thạnh suy nghĩ: Mới đây mà đã gần một năm anh gắn bó với người dân xứ Nẫu*, chạy đua với tiến độ, đơn vị anh đã thi công gần 80% gói thầu và cũng sắp chia tay để nhận công trình nơi khác rồi. Nhiều chiếc cầu, nhiều cung đường đã được bàn tay khối óc và cả mồ hôi nước mắt của tập thể đơn vị anh hoàn thành đưa vào sử dụng mang lợi ích cho xã hội. Nhưng chiếc cầu của riêng anh thì chưa đủ duyên kết nối vì không có thời gian… tán gái. Và anh mơ vào một ngày nhẹ mưa, chiếc cầu vồng bảy sắc hiện ra đưa lối nàng ngọc nữ đến với mình… Đang mải mê với dòng ý tưởng đẹp đẽ thì cô cấp dưỡng đến vỗ vào vai “Này cậu, làm gì mà suy tư thế, cậu liên lạc với bên chủ túi hàng bữa trước mình nhặt được mua một số rau củ quả để ngày mai bếp có nấu nha, sản phấm ở đó tươi ngon và chất lượng quá mà”. Chàng trai đáp lời “Dạ, cháu sẽ liên lạc ngay và luôn đây ạ!”. Sơn lấy điện thoại và nhắn tin đến Mỹ Lan đặt hàng cho bếp ăn vào ngày mai, nàng ấy alo trả lời “OK nè. Hàng rau quả ở Đa Lộc luôn ưu tiên về giá, sẽ cung cấp đủ số lượng và đúng thời gian, anh yên tâm nhé !”.
Vài ngày sau, cô cấp dưỡng lại nói với Sơn “Cậu giúp tôi điện thoại với cô gái bán rau quả ấy, hàng uy tín chất lượng nên mình đặt hàng mỗi ngày để bếp ăn lên thực đơn chuẩn nhé”. Thay vì gọi điện, Hoàng Sơn tranh thủ buổi trưa tìm đường đến với xứ sở được gọi là Đà Lạt 2 để gặp trao đổi trực tiếp với cô chủ bán hàng và cũng là tự thưởng cho mình một buổi đi dạo mát làng quê miền sơn cước tránh cái nắng oi bức 40 độ C.
Sau một hồi hỏi và đi vòng vòng thì cũng tìm đến địa chỉ. Nhà của Mỹ Lan được xây kiểu mái Thái lợp ngói màu xanh to nhất xóm. Trước cổng, giàn hoa thiên lý thơm hương. Hoàng Sơn đi vào sân nhà, một chú cún con sủa ăng ẳng rồi vẫy đuôi mừng.
Ba của Mỹ Lan từ trong nhà đi ra vồn vã: Chào chú, chú đến tìm ai?
Hoàng Sơn chìa mảnh giấy đọc dãy số điện thoại và lễ phép:
– Dạ, thưa chú, con đến tìm nhà cô shipper có số điện thoại này để đặt ít hàng nông sản cho bếp ăn đơn vị thi công đường cao tốc ạ !
– À, đó là số điện thoại của bé Lan nhà tui. Cô chủ cũng nó mà shipper cũng nó. Tất bật lắm. Giờ này chắc con bé sắp xong việc thu hoạch và đóng gói để sáng sớm mai giao cho khách. Hai mẹ con nó và hai công thuê nữa mà làm bao việc. Còn tôi chỉ tính toán và lo cơm nước thôi à. Chú ngồi chơi để tui gọi nó về nghen.
– Dạ, khỏi gọi, để chừng nào xong việc cô ấy về, chú cho con tham quan vườn nhà mình xíu rồi con ngồi ghế đá chờ cũng được. Xin hỏi chú tên gì để con tiện gọi ạ!.
– Tôi tên Ba.
Ngồi chờ cũng khá lâu, Sơn xin phép được tham quan hệ thống tưới nước tự động vườn rau, vườn vải thiều, vườn bưởi, cam, dừa…
Ông Ba đồng ý nhưng dặn vói theo:
– Ừ, có tham quan thì đi gần thôi, đừng qua suối mà lạc đó nha !
– Dạ!
Dạo vườn tầm nửa tiếng đồng hồ, Sơn quay lại nói chuyện với chú Ba “Nãy giờ con đi xung quanh, thấy vườn mình trồng nhiều loại rau củ quả. Đặc biệt là hoa, đẹp quá, có cả những loại hoa quý xứ lạnh như dã quỳ vàng, hoa trang đỏ, hoa cẩm tú cầu trắng tím xen lẫn với hoa hồng, cúc, địa lan, vạn thọ. Thưa chú, không biết mình sử dụng công nghệ để trồng rau quả từ lúc nào ạ?”
Chú Ba vui vẻ kể:
– Đó là chuyện của bốn năm trước, lúc COVID-19 hoành hoành cả nước, con bé Lan chứng kiến cảnh nhiều người ra đi về thế giới bên kia. Nó đâm hoảng, lo ba mẹ ở nhà lỡ có việc gì thì ân hận nên bỏ ngang công việc quản lý nhà hàng ở Sài Gòn, theo đoàn người ùn ùn chạy xe máy từ thành phố trở về quê. Về nhà thời gian ngắn, với mảnh bằng tôt nghiệp Kỹ thuật Nông nghiệp, nó đã lên phương án trồng rau quả sạch và cố năn nỉ ba mẹ vét hết những giạ lúa cuối cùng với mấy con bò to ú nụ bán lấy tiền mua hệ thống tưới nước tự động để tưới khoảng 1.000m2 chanh dây, cà chua, bí đỏ, dưa leo. Còn khu vực xung quanh cũng hơn một sào đất gồ ghề lồi lõm nhiều đá cuội thì trồng ớt sim, khổ qua rừng và hoa cúc, vạn thọ. Chú thấy không, phía trước, nó trồng một đám đậu phộng đã nở rộ hoa vàng. Bên sườn đồi nó còn làm chuồng nuôi thả gà ta để gia đình có dùng trong các ngày lễ Tết giỗ quải và thết đãi bạn bè. Từ khi tiếp cận OCOP (chương trình mỗi xã một sản phẩm), Mỹ Lan đã bàn bạc với gia đình đầu tư công nghệ nhằm nâng cáo giá trị cây trồng và nâng tầm sản phẩm đặc trưng của địa phương. Đó là, hệ thống tưới nước sạch nhỏ giọt, bảo đảm vệ sinh thực phẩm. Trong quá trình sản xuất, nó chú ý từ khâu xử lý đất, chọn giống, sử dụng phân bón hữu cơ đến khi thu hoạch. Lúc đầu cả gia đình thấy khó khăn, sau này cũng cố gắng mày mò tiếp cận với kỹ thuật sản xuất – ông Ba chép miệng – chu cha ơi, ngay cả việc xếp rau vào giỏ, đóng gói sản phẩm cũng là cả một cuộc “cách mạng” đó chớ. Mọi khâu đều kỹ càng nhằm đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng!
Hoàng Sơn gật đầu có vẻ tâm đắc và thán phục. Ông Ba thấy chàng thanh niên chăm chú câu chuyện nên cũng ngon trớn kể thêm:
– Gia đình tôi sinh con bé Lan vào đúng năm tách tỉnh Phú Yên 1989*. Thời bao cấp khó khăn, người dân ở đây chỉ đốt than chặt củi, phá rừng, ai cũng gọi là lâm tặc. Nay có hồ chứa nước Kỳ Châu lúa mía phát triển, người dân có công ăn việc làm, đời sống khấm khá, xây nhà kiên cố, tậu dược ô tô để làm phương tiện gia đình, phấn khởi lắm. Riêng nhà chú, tuy chỉ là hộ trồng trọt nhỏ lẻ không có nhà lưới nhưng các hệ số về độ ẩm, độ pH của vườn rau quả được con bé Mỹ Lan theo dõi một cách bài bản. Sản phẩm phải đạt tiêu chí “3 không” (không thuốc cỏ, thuốc sâu; không chất kích thích tăng trưởng; không giống biến đổi gen). Mọi người có thể ăn rau, quả ngay tại vườn mà vẫn bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm. Nhờ vậy, mà cơ ngơi hôm nay cũng có thể gọi là ăn nên làm ra. Hiện tại bé Lan nó là trụ cột gia đình thay cho thằng em đang mãi mê công việc ở đất Sài thành, việc nhà nó làm tay táy, việc xã hội cũng tươm tất, tham gia công tác thanh niên lanh lẹ nên chú có bụng mừng.
Câu chuyện đang thu hút và cô nàng Mỹ Lan vẫn chưa xuất hiện thì Sơn có điện thoại bên đơn vị thi công gọi nên phải về. Hoàng Sơn tạm biệt không quên nói với ba Mỹ Lan “Dạ, bên công ty gọi con về. Lúc nãy, con tranh thủ chụp một số loại rau củ quả nhà mình, chú nói với Mỹ Lan con sẽ gởi đơn hàng qua messenger Fb Hoang’S nhé ạ!”. Rồi Sơn tạm biệt ra về dù chưa gặp được cô chủ nhỏ.
Sáng nay Mỹ Lan mặc chiếc áo đầm màu xanh gắn nơ vàng mới toanh, cô tự nhủ phải thật đẹp, vì cô có hẹn với phố. Xoay mấy vòng trước gương, thấy mặc chiếc đầm này minhon quá cô nàng vội cởi ra thay bộ váy công sở màu rêu ôm trọn vòng eo trông nhẹ nhàng thanh thoát. Lan gật gù ”Giờ thì ổn rồi, Tuy Hòa thẳng tiến thôi !”.
Xe chạy tầm 40’ bỗng chuông điện thoại reo, Mỹ Lan dừng xe lại bắt máy “Nè, nhân vật chính đi tới đâu rồi, mọi người đang chờ chị !” “OK, tôi đã đến ngã tư Hùng Vương, vài phút nữa sẽ tới nơi và trực tiếp giới thiệu sản phẩm OCOP cho khách hàng nhé !”
Được hôm ngày nghỉ, Hoàng Sơn và một số anh em đi tham quan Núi Nhạn*, ghé biển Tuy Hòa ngắm tháp Nghinh Phong* sau đó đi xem trưng bày sản phẩm OCOP tỉnh Phú Yên. Dạo qua gian hàng các huyện, anh thấy có nhiều sản phẩm bao bì đẹp, phong phú mặt hàng mang đặc trưng vùng miền. Đang chăm chú xem mặt hàng khóm đóng gói Đồng Din thì Hoàng Sơn bỗng nghe tiếng nói quen quen phát ra từ gian hàng huyện Đồng Xuân, có thể nào đó là Mỹ Lan? Cô ấy đang giới thiệu hai loại sản phẩm OCOP của Đa Lộc đó là bưởi da xanh, dừa xiêm và chế phẩm của dừa xiêm. Hoàng Sơn chú ý lắng nghe giới thiệu, giọng nói rõ truyền cảm, số liệu cụ thể và thuyết minh về quy trình công nghệ thuyết phục  Nhưng chưa gặp cô ấy lần nào làm sao để kiểm chứng đó có phải là Mỹ Lan – cô chủ hàng rau quả mà Sơn đã từng chốt hàng nhưng chưa hề gặp mặt. Giờ chỉ có gọi điện mới biết chính chủ thôi.
Và Sơn gọi, chuông điện thoại reo, Mỹ Lan cúi người bắt máy, Hoàng Sơn chỉ kịp nói một câu “Chúc mừng !” rồi tắt máy. Đích thị là Mỹ Lan rồi, cô ấy có chiều cao lý tưởng và đôi mắt bồ câu, đã đẹp người lại thông minh giỏi giang, hiếu thảo. Vậy là, chỉ có Sơn thấy Lan còn cô ấy mặc nhiên không biết có người đang âm thầm dõi theo mình.
Cuối tuần, Hoàng Sơn lại đến nhà chú Ba. Lần này, anh cũng không gọi điện báo trước, biết có gặp được Mỹ Lan không nữa.Tùy duyên thôi.Vừa tới sân đã thấy Mỹ Lan bưng chiếc thau nhỏ đựng quần áo đi theo lối sỏi ra bờ suối cạnh nhà. Cô xắn quần lên tới đầu gối rồi nhẹ nhàng lội xuống. Dòng nước mát trong vắt nhìn thấy rõ từng viên đá cuội và đôi chân trần trắng muốt. Hai bên bờ cây cối xanh um tỏa bóng, thi thoảng tiếng chim oanh hót lảnh lót bên tai.
Nghe tiếng chân bước, ông Ba đang vót nan đan cái rổ tre quay lại hỏi:
– Cháu Sơn hả, đến lúc nào vậy? Ngồi chơi chú mắc tay chút xíu, lần này cho phép chú mời bữa cơm quê dân dã ăn cùng gia đình, (ông nháy mắt cười) cơ hội không đến lần thứ hai đâu nhé!
Và ông bật điện thoại gọi “Mỹ Lan ơi, về nhà nhé, có bạn Hoàng Sơn chờ con nãy giờ nè!”
Trong lúc chờ mọi người, Hoàng Sơn tranh thủ nhìn bức ảnh gia đình có bốn người. Thì ra cô nàng đứng ở góc phải là Mỹ Lan, hồi bé trông cũng nhí nhảnh lắm.
Mỹ Lan và mẹ cùng về, cơm canh có sẵn. Sau màn chào hỏi xã giao là Sơn được gia đình mời dùng bữa. Trong mâm cơm vợ chú Ba và Mỹ Lan kiệm lời, còn Hoàng Sơn và ông Ba thì ngược lại. Cũng đúng thôi. Vì Mỹ Lan và Hoàng Sơn hôm nay mới chạm mặt lần đầu tiên nên hổng biết nói gì. Ông Ba cởi mở giới thiệu các món ăn xứ Nẫu, đặc biệt là món canh bổ dưỡng nấu từ cây xương rồng:
– Này, Sơn biết không món canh này khó nhất là sơ chế xương rồng (còn gọi là lưỡi long) nhưng nấu thì đơn giản thôi à, thích hợp cho cánh đàn ông vào bếp. Vầy nghen, bắt nồi nước sôi lên bỏ xương rồng xắt cọng vào không cần dầu mỡ gì hết. Khi xương rồng vừa chín thì cho cá ồ đã trụng và xé nhỏ vào cùng vài lát ớt và hành tím xắt mỏng, nêm gia vị, thêm rau thơm và rắc ít tiêu xay là có món đặc trưng.
– Con ăn món này thấy sao, Sơn ?
– Dạ, lạ miệng và ngon, đậm đà dân dã mà trọn vị nơi đầu lưỡi thật khó quên ! Món canh này có vị chua nhẹ của xương rồng, vị ngọt của cá, mùi thơm của rau nêm. Tuyệt vời, đích thị là hương vị từ chái bếp ấm áp của mẹ quê miền Trung.
– Vậy thì, có dịp mời con ghé lại dùng món này nữa nhé !
– Vâng, con cảm ơn ạ !
Cơm xong cũng quá trưa, Sơn trao đổi việc mua ít hàng cho bếp ăn đơn vị với Mỹ Lan. Hàng đã sẵn có ở ngăn bảo quản nên việc mua bán diễn ra nhanh chóng. Mỹ Lan nói “Anh về đi, tầm 14h, tôi có mấy đơn hàng ở Sông Cầu, tôi sẽ ship đến bếp ăn cho anh nhé !”. Hoàng Sơn nhanh nhảu “Hôm nay được nghỉ bù, sẵn xe và thuận đường về nên tôi tự nguyện làm Shipper chuyển tất cả số hàng này giúp bạn đến đúng địa chỉ!”. Mỹ Lan được dịp nở nụ cười duyên dáng “Là anh tự nguyện đó nghen!”.
Tháng sáu, không còn nắng gắt mà thay vào đó là những cơn mưa rào sấm chớp nhì nhoằng. Được hôm, ánh nắng vàng mơ lấp loáng trên cây lộc vừng nên Hoàng Sơn thấy người nhẹ hẳn ra. Khuôn viên công trình đẹp hơn khi có những loại hoa đủ sắc màu tươi mướt được cô chủ Mỹ Lan tặng. Mặc dù đã đi nhiều nơi nhưng Phú Yên là nơi anh mến nhất, tình đất tình người nơi đây cứ lắng đọng, thiết tha. Và Sơn mong sớm hoàn thành đoạn đường cao tốc này để người dân Đa Lộc đi thành phố Hồ Chí Minh sẽ rút ngắn thời gian từ 8 tiếng xuống còn 5 tiếng đồng hồ. Và năm 2025, Sông Cầu lên thành phố thì người dân nơi đây cũng được hưởng lợi rất nhiều.
Bất chợt, Hoàng Sơn nhớ tới ngôi nhà có giàn hoa leo trước cổng và anh thật sự xúc động bởi hình ảnh chân quê mến khách của chú Ba và cách ông quan tâm con cái bao dung, trìu mến. Có vô vàn cảm xúc chạm tới trái tim, đó là thứ cảm xúc thật đặc biệt, nhẹ nhàng êm ái mà vẫn khiến người ta rơi nước mắt. Nước mắt của hạnh phúc chân phương ánh lên qua đôi mắt đầy vết chân chim của người cha luôn dõi theo và tự hào về con gái, bởi Mỹ Lan giờ đây đã trưởng thành, bản lĩnh, tư tưởng vươn xa khỏi lũy tre làng.
Bỗng, tút …tút… điện thoại Sơn có tin nhắn thoại “Alo, anh Sơn đang làm gì nè, khi nào xong việc đến quán Thổ Lộc Sơn cà phê nha !”- Giọng nói xứ Nẫu sao mà êm ái vậy ! – Sơn nhắn tin lại “Vâng, sẽ đến! Chờ ngớt mưa nhé!”.
Phía xa, cầu vồng xuất hiện sau mưa lấp lánh, đẹp đến ngỡ ngàng.
Chú thích:
* Thác Cây Đu: là thác nước thuộc xã Xuân Lâm, huyện Sông Cầu, Phú Yên.
* 1989 là năm tách tỉnh Phú Yên: Từ ngày 1.7.1989 – 1.7.2024 tròn ba mươi lăm năm – là thời gian tái lập tỉnh Phú Yên tách ra từ tỉnh Phú Khánh.
* Xứ Nẫu: tên gọi chung của vùng đất Phú Yên, Bình Định.
* Núi Nhạn: Còn gọi là núi Nhạn Tháp nằm ở trung tâm thành phố Tuy Hòa, Phú Yên.
* Tháp Nghinh Phong: thuộc phường 8 thành phố Tuy Hòa. Đạt giải thưởng World Travel Awards (gọi tắt là WTA). 
30/9/2024
Nguyễn Thị Thu Hồng
Theo 
vnhttps://vanvn.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chùm thơ thiếu nhi của Châu Hoài Thanh ở Bà Rịa - Vũng Tàu

Chùm thơ thiếu nhi của Châu Hoài Thanh ở Bà Rịa - Vũng Tàu Khi con cất tiếng chào đời/ Ánh sáng là nụ cười mẹ/ Bầu trời là đôi tay cha/ Mặ...