Thứ Năm, 19 tháng 12, 2024

Lá của miền xưa và Mưa xuân bay bay

Lá của miền xưa
và Mưa xuân bay bay

Nhình thật lòng rất mong có ngày được về thăm Mường Đắc nơi gốc gác quê bản của cố ngoại. Nhình nắm chặt mấy chiếc lá ởm trong tay. Cây ởm mùa này đang ra hoa kết tinh hạt giống. Rồi đây Nhình sẽ ươm và trồng thêm vài khóm ởm nữa. Cây cỏ vốn bị coi là thứ vô tri vô giác, song có khi chúng lại ẩn giữ những câu chuyện đời không mấy ai được biết…
LÁ CỦA MIỀN XƯA
Góc vườn nhà Nhình lúc nào cũng được trồng mấy khóm ởm. Lá ởm tươi ở trên cây không hương nhưng khi bị bứt khỏi cây thì lại thơm, càng héo càng thơm, thơm cho tới khi khô kiệt xác lá mới thôi. Cây ởm trong vườn nhà Nhình được chăm sóc tươi xanh quanh năm, lá hái về ấp dưới gối thơm suốt bốn mùa. Nhình rất thích mùi hương của lá ởm, thứ hương thanh khiết ấy giúp đầu óc Nhình cảm thấy khoan khoái.
Một buổi, Nhình hái mấy lá ởm tươi đem hơ thẳng trên ngọn lửa bếp đang cháy rực. Nhình muốn lá mau héo, mau thơm. Mẹ Nhình thấy vậy liền vội nhắc con gái. “Đừng đem lá đốt trên lửa, đau lá con ơi!”. Nhình lập tức rụt lá lại. “Lá cũng biết đau ư, mẹ?”. Mẹ bảo. “Không phải loại lá nào cũng biết đau. Nhưng lá ởm nhà mình thì biết đau bởi chúng mang theo cả một câu chuyện đời, con à?”. Nhình tò mò. “Chuyện đời của ai vậy mẹ?”. “À, chuyện có liên quan đến bà cố ngoại của con. Bà cố ngoại của con tên là Thỉm, người Mường Đắc”. Nhình nũng nịu. “Vậy mẹ kể con nghe đi”. Mẹ Thỉm nhìn con gái. Nhình cảm thấy ánh mắt của mẹ rất lạ, đôi mắt ấy dường như đang dõi về một cõi xa xăm nào đó. Rồi Nhình chẳng phải đợi lâu. Mẹ Nhình bắt đầu thủ thỉ kể cho con gái nghe câu chuyện liên quan đến cố ngoại.
Những hình ảnh xa xưa dần hiện về trong bảng lảng mơ hồ.
Mường Đắc thuở ấy.
Thỉm vừa bước vào tuổi trăng tròn, tuổi rạo rực biết yêu. Thỉm xinh đẹp, chăm chỉ lại khéo tay nên trai bản ai cũng thích Thỉm. Con trai tạo bản cũng thích Thỉm đến rồ dại. Hắn thường xuyên bám theo Thỉm để tán tỉnh. Hắn tin rằng thế nào rồi Thỉm cũng sẽ nhận lời yêu hắn. Nhưng Thỉm biết rõ về hắn. Được nuông chiều từ nhỏ nên hắn là đứa chơi bời lêu lổng, tiếng xấu về hắn đã đồn khắp bản gần bản xa. Thỉm chẳng dại lấy hắn làm chồng. Thỉm thẳng thừng bảo hắn, ma dòng họ nhà tôi không hợp với ma dòng họ nhà anh.
Song con trai tạo bản quyết lấy Thỉm bằng được. Hắn về nhà nói chuyện với cha. “Con muốn cưới Thỉm về làm vợ”. Cha hắn nhếch mép cười nhạt. Việc ấy dễ như dùng ngón tay bóp nát quả mùng tơi chín.
Thế rồi, chẳng cần chọn giờ lành ngày tốt, tạo bản đem tay gấu đến nhà biếu cha Thỉm và biếu mẹ Thỉm một chiếc vòng bạc. Thoạt đầu, cha Thỉm vô cùng ngạc nhiên chẳng hiểu sao bỗng dưng lại được tạo bản biếu quà quý. Nhưng chỉ lát sau thì cha Thỉm hiểu, tạo bản biếu quà là muốn hỏi Thỉm làm con dâu. Cha Thỉm lưỡng lự xin khất vài hôm mới trả lời.
Tiễn tạo bản về, cha Thỉm quay lên nhà bần thần nhìn tay gấu với chiếc vòng bạc. Nhà người ta đông con lắm cháu. Nhà này hiếm hoi chỉ sinh được mỗi con gái là Thỉm. Con trai của tạo bản là kẻ xấu. Gả con gái Thỉm làm dâu nhà tạo bản thì họa nhiều hơn phúc.
Tối hôm ấy cha Thỉm hỏi con gái. “Tạo bản muốn hỏi con làm dâu, ý con có thuận?”. Thỉm thảng thốt nhìn cha. “Cha muốn ép gả con làm dâu nhà tạo bản ư?”. Cha Thỉm lắc đầu. “Cha không ép, con có ưng thuận thì cha mới gả”.
Thỉm thầm nghĩ. Liệu có nên nói cho cha biết là mình đã thương Tráng người bản bên? Tráng giỏi điều khiển trâu cày ruộng. Tráng khéo quăng chài bắt cá. Tráng hát xai xương ngọt như nước ở trong cây mía đỏ. Đem đọ cùng nhau, nếu Tráng là gỗ nghiến làm cột nhà thì con trai tạo bản chỉ là gỗ sung làm máng lợn. Đã không ít lần Thỉm nằm mơ được gối đầu lên cánh tay của Tráng, được nép đầu vùi mặt vào vồng ngực nở nang của Tráng. Thỉm chỉ muốn được ngồi tựa vào cột gỗ nghiến chứ không muốn ngồi trên chiếc máng lợn gỗ sung. Thỉm xin cha đừng gả mình làm dâu nhà tạo bản. Ý của cha Thỉm cũng giống ý con gái. Cha Thỉm đem tay gấu và vòng bạc trả lại cho tạo bản. Nét mặt của tạo bản sa sầm không vui. Cha Thỉm thấy vậy thì chột dạ, nhưng vẫn tự trấn an rằng mọi chuyện rồi sẽ êm thuận.
Đất trời đang yên bình bỗng nổi trận bão rừng. Mẹ Thỉm buột miệng. “Báo điềm gở chăng?”. Cha Thỉm cười, nhắc vợ. “Đừng nói lời vớ vẩn”.
Cha Thỉm đâu biết rằng tạo bản coi việc bị từ chối kết thông gia là mối nhục cần phải trả. Thế rồi tạo bản đem theo bạc vụn đến nhà thầy mo. Tạo bản nhờ thầy mo giả lời thần linh khiến Thỉm phải sống dạt mường người. Thầy mo nhận bạc, cất cẩn thận dưới đáy rương mây rồi đến nhà Thỉm.
Cha mẹ Thỉm ra tận đầu cầu thang đón thầy mo lên nhà.
Nói chuyện với cha mẹ Thỉm, mo ra vẻ thần bí tiết lộ. “Đêm qua ta nhìn sao tỏ trên trời, nhìn mây quấn đỉnh núi thấy điềm xấu gở, rồi lại được Vua Then báo mộng rằng gái Thỉm nhà này phải lấy chồng xa, không được gặp lại cha mẹ. Nếu không nghe theo thì họa lớn lấy mạng dân bản sẽ xảy ra. Người nhà này nên tuân theo lời Vua Then thôi”.
Nhưng cha Thỉm chẳng tin lời thầy mo. Ông cười vang, bảo: “Vậy mà đêm qua tôi lại mơ thấy Vua Then báo mộng cho biết rồi đây nhà tôi sẽ có phúc được trai tài đến ở rể”. Mo bị chẹn họng không nói được gì nữa.
Ngồi lại cũng bằng thừa, mo đành hậm hực ra về. Không muốn trả lại số bạc vụn đã cất kỹ dưới đáy rương nên mo lập tức đến nhà tạo bản, xúi tạo bản nghĩ cách khác. Hai người chụm đầu bàn nhau. Cuối cùng thì mưu xấu kế bẩn cũng được nghĩ ra.
Tạo bản cho mổ lợn làm cỗ mời tất cả các người già trong bản tới dự. Rượu ngon được rót ra thật nhiều. Hết lại mang ra tiếp. Đợi khi hồn vía ai cũng thấm men rượu rồi thầy mo mới rỉ vào tai các già bản. Rằng thần linh nhờ mo nói với mọi người. Con gái nhà Po Thỉm[1] mà lấy chồng gần thì sẽ gây ra họa lớn, mạng dân bản khó giữ. Vậy nên phải bắt nó lấy chồng mường xa, không được quay về gặp cha mẹ thì mới tránh hậu họa. Các già bản giật thột mình, mặt ngẩn ngơ lo ngại họa lớn sẽ xảy ra như lời mo vừa nói.
Ngay hôm sau, một tốp già bản được cử đến nhà Thỉm. Cha mẹ Thỉm tiếp họ bên bếp lửa đặt giữa gian khách. Các già bản uống nước, hút thuốc lào và nói chuyện thần linh báo mộng. Thỉm sẽ phải lấy chồng mường xa, không được gặp lại cha mẹ. Ý của Vua Then đã vậy thì không chống lại được đâu Po Thỉm à. Lời của các già bản như tiếng sét dội tai, khiến lòng dạ cha mẹ Thỉm quặn thắt nỗi buồn lo.
Tốp già bản ra về để lại mùi thuốc lào nồng nặc. Cha Thỉm ngồi rũ như gà bị sũng nước mưa. Mẹ Thỉm thì sụt sùi khóc. Ruột gan họ như bị cào xé vì chuyện của con gái. Sao số mệnh ác vậy? Liệu có thể cưỡng lại được?
Mẹ Thỉm khuyên chồng hãy gieo quẻ sấp ngửa[2] hỏi ý ma dòng họ. Cha Thỉm nghe lời vợ. Ông ra bờ rào, chặt lấy một mẩu mạy đải[3] đem chẻ đôi để gieo sấp ngửa. Rồi ông thắp hương đứng trước ban thờ gia tiên khấn hỏi ma dòng họ. “Ma dòng họ hỡi! Có nên nghe theo lời mo, lời các già bản không?”. Khấn dứt lời, ông gieo quẻ. Hai mảnh mạy đải rơi xuống nẩy nhẹ trên ván sàn. Một sấp một ngửa. Vậy là ma dòng họ cũng muốn ông thuận theo lời mo, lời già bản. Cha Thỉm tuyệt vọng ôm đầu bứt tóc. Rồi ông hét thật to vang thấu trời.
Bếp lửa nhà Thỉm hôm ấy cháy thâu đêm. Cả nhà Thỉm cùng thức. Những tiếng thở dài buột ra nghe buồn thê thiết. Nét mặt mẹ Thỉm nhuốm đầy nỗi âu lo. Vẻ mặt cha Thỉm thì ưu tư đăm chiêu. Số mệnh buộc con gái của họ phải lấy chồng mường xa. Họ sẽ chẳng còn được gặp con. Liệu rồi đây đời nó sẽ bình yên hay gặp cơn giông gió?
Thỉm ngồi bên cạnh thắt lòng nhìn cha mẹ. Thỉm thương cha mẹ vô cùng. Họ đã cực nhọc vất vả nuôi con mà chẳng được đền đáp. Và Thỉm cũng không quên nghĩ tới Tráng. Thương nhau mà không được làm chim chung tổ. Yêu nhau mà chẳng được làm bát chung mâm. Rồi Thỉm thoáng nghĩ dại. Đồi bãi quanh bản mọc đầy lá ngón hoa vàng. Chỉ cần nhai vài lá là hồn vía Thỉm sẽ về với Mường Ma, chẳng còn phải lo buồn gì chuyện trần gian nữa. Nhưng nếu Thỉm dại dột làm thế là phụ công cha mẹ. Họ đã sinh ra Thỉm, nuôi Thỉm lớn. Thỉm mà về Mường Ma là sẽ để lại nỗi đau xót khôn nguôi trong lòng họ. Thôi đành để số phận trôi theo sự sắp đặt của Then lớn Mường Bun.
Một thời gian sau thì có người ở Mường Luông đem theo po xừ[4] đến xin trồng gốc trầu quấn leo cột sàn nhà Thỉm. Po xừ cho biết là đằng nhà trai rất giàu của cải, làm dâu nhà ấy ắt sẽ sung sướng. Cha mẹ Thỉm rầu lòng gật đầu nhận lời. Ngày lành tháng tốt để cưới gả được bàn bạc đâu vào đấy.
Sắp tới ngày Thỉm đi lấy chồng.
Tráng tìm cách gặp riêng Thỉm trên lối cỏ may ra suối. Thỉm nhìn Tráng bằng đôi mắt buồn rười rượi. Thỉm và Tráng sẽ không còn được uống nước chung con suối nữa rồi. Tráng trao cho Thỉm một chiếc túi nhỏ bằng bàn tay, bên trong đựng hạt giống. Tráng bảo. “Đây là hạt giống cây ởm, Thỉm hãy đem theo rồi gieo xuống cho mọc thành cây. Mỗi khi Thỉm nhớ tới bản cũ mường xưa thì hái lá đem về ấp dưới gối ngửi hương cho đỡ nhớ”. Thỉm nghẹn ngào đón lấy túi hạt giống rồi áp nó lên nơi trái tim đang đập. Ừ, Thỉm sẽ mang nó theo và coi như là tín vật. Rồi Thỉm sẽ gieo hạt giống cây thơm cho mọc tốt tươi trên đất mường người. Và Thỉm sẽ gắng sống thật tốt trên đất mường người.
Rồi cũng đến ngày rước dâu như đã hẹn.
Đằng nhà trai đến đón Thỉm. Đồ sính lễ họ mang theo được thồ bằng năm ngựa. Dân bản xôn xao bàn tán, khen cha mẹ Thỉm bõ công đẻ con gái, khen số Thỉm sướng vì được gả vào nhà giàu. Họ đâu biết rằng lòng người trong cuộc đang buồn tan nát.
Nhà trai đến rước dâu mà thiếu vắng chú rể. Cha mẹ Thỉm vì quá buồn nên cũng chẳng muốn hỏi tại sao lại thế?
Trước khi lên đường về nhà chồng, Thỉm vào buồng chải lại mái tóc. Mẹ Thỉm vào theo con. Thỉm ôm chặt lấy mẹ. Hai người cùng khóc ướt vai nhau. Là những giọt nước mắt buồn chứ không phải nước mắt vui, bởi tới đây Thỉm sẽ phải hát bài ca cuộc đời trên mường người, không còn được gặp lại cha mẹ nữa.
Đoàn rước dâu bắt đầu lên đường.
Thỉm được cho ngồi ngựa nhưng từ chối. Thỉm không biết cưỡi ngựa. Con suối chảy qua bản đang mùa nước cạn. Cha mẹ Thỉm tiễn con gái sang đến bờ suối bên kia thì dừng lại. Họ cầu mong thần linh phù hộ con gái bình an đi tới nhà chồng.
Mường Luông thật xa xôi, cách Mường Đắc hẳn nửa tháng vượt đường rừng. Đoàn rước dâu đi theo lối mòn mà người ta vẫn đi buôn trâu, bán ngựa. Chẳng phải mùa mưa mà lối mòn đầy vắt rình đợi hút máu. Con vắt đầu tiên cắn bắp chân, Thỉm không thèm gỡ ra. Là Thỉm cố ý để cho nó hút đấy. Vắt hút no máu sẽ khắc biết rụng khỏi bắp chân. Thỉm đi lấy chồng chẳng có gì để lại. Coi như Thỉm nhờ vắt giữ hộ mấy giọt máu hồng ở lại đất quê cha quê mẹ. Lần này Thỉm đi là mãi không trở về. Càng nghĩ lòng Thỉm càng buồn đau tê tái.
Lặn lội đường rừng. Nửa tháng trôi qua. Đất Mường Luông hiện ra trước mắt Thỉm. Vậy là từ nay Thỉm chính thức thành người Mường Luông.
Chồng Thỉm cùng người thân và họ hàng ra đón Thỉm. Giờ thì Thỉm mới được biết mặt chồng. Rồi lễ cưới diễn ra, đông vui kéo dài suốt cả tuần mới dứt.
Ông mối không hề nói dối. Nhà chồng Thỉm thật giàu. Đàn trâu đàn ngựa của nhà chồng Thỉm thả đứng chen lúc nhúc sườn đồi. Nhưng có một điều ông mối cố ý giấu diếm. Chồng Thỉm là kẻ nghiện rượu, ngủ dậy mở mắt là rót rượu uống thay nước. Gã thường xuyên say khướt và đánh người. Vậy nên ngày sang Mường Đắc rước dâu mới vắng bóng chú rể. Nhà trai không cho gã đi theo, sợ cha mẹ Thỉm biết tật xấu của rể thì sẽ không gả con gái. Nay ván đã đóng thuyền, Thỉm có muốn giãy ra cũng chẳng được.
Thỉm mang túi hạt ởm treo cất trên gác bếp rồi lấy một ít hạt giống đem gieo vào góc vườn nhà chồng. Hạt ởm nảy mầm lên cây. Thỉm hái lá thơm về ấp dưới gối ngủ. Chồng Thỉm thấy hương thơm lạ nên hỏi. Thỉm thật thà kể lại mọi chuyện. Cây này được trồng từ hạt giống do bạn trai cùng bản tặng. Chồng Thỉm nổi cơn ghen tuông. Gã dữ dằn đánh vợ. Rồi gã nhổ hết cây ởm trong vườn đem ra suối vứt cho trôi theo nước.
Gã chồng của Thỉm vẫn tiếp tục say rượu và đánh vợ. Thỉm chỉ biết chịu đựng đau khổ, âm thầm khóc một mình.
Thời gian trôi theo mùa rừng thay lá.
Đàn trâu, đàn ngựa của nhà chồng Thỉm đã đẻ thêm nhiều lứa.
Thỉm cũng đẻ được cho chồng bốn đứa con. Nhưng toàn con gái. Miệng người đời xúc xiểm nói vậy là không biết đẻ. Chồng Thỉm lại càng có thêm cớ để đánh vợ. Thỉm tủi nhục nghĩ: Làm dâu nhà giàu tưởng được coi như trâm ngà voi quý, ngờ đâu chỉ như chiếc bát mẻ có thể bị quăng đi bất kỳ lúc nào. Chồng người thì như cây cao tán rộng tỏa bóng chở che, còn chồng mình thì chẳng khác gì bụi cỏ rễ nông, gặp phải con lợn thả rông dũi vài cái là bật gốc.
Hạt giống cây ởm cất trên gác bếp vẫn còn, Thỉm nhớ hương lá ởm nên lén đem một ít vào gieo trong khu rừng cấm Đông Cặm. Khu này là rừng thiêng, không ai dám chặt phá nên cây ởm sẽ không bị động đến. Đất mầu mỡ ở rừng Đông Cặm chắt chiu nuôi hạt. Mấy tháng sau thì hạt nảy mầm. Rồi những khóm ởm lên xanh mướt mát. Thỉnh thoảng Thỉm lại lén vào rừng Đông Thớn ngắm cây ởm, ngậm ngùi nhớ cha mẹ, nhớ bản cũ mường xưa.
Gã chồng Thỉm vẫn thường xuyên đánh vợ. Nhưng rồi tật nghiện rượu khiến gã mắc phải bệnh xơ gan cổ trướng, người gã yếu lả dần, bụng lồi tang trống, da vàng ệch như màu nhựa nghệ tươi bôi lên vải trắng. Mắc bệnh hiểm nghèo nên chỉ một thời gian sau thì chồng Thỉm lìa đời. Phải tiễn chồng về Mường Ma, dù đó là người chồng tệ hại nhưng lòng Thỉm cũng đau buồn lắm. Thỉm ngửa mặt lên trời than. Đời người có dài đâu, vậy mà khi còn sống trên trần gian Mường Lùm lại không chịu đối xử với nhau cho tốt.
Mãn tang, nhà chồng thương con dâu còn chưa già nên cho phép Thỉm tiếp tục nối dây duyên lấy chồng mới. Nhưng Thỉm chẳng thiết chuyện đó, sợ lại gặp phải người không biết yêu thương vợ. Thỉm nguyện ở vậy nuôi bốn đứa con gái nên người. Thỉm tiếp tục gieo giống trồng cây ởm trong vườn nhà, không tiếc công chăm sóc để cây ởm lúc nào cũng tươi xanh. Và Thỉm lại hái lá ởm ướp thơm gối chăn. Về sau này, mấy con gái của Thỉm đều học theo mẹ trồng cây ởm trong vườn để lấy lá thơm…
Kể tới đây thì mẹ Nhình dừng lại, nhưng dư âm của câu chuyện thì vẫn đỏ theo bếp lửa. Những chiếc lá ởm vừa nãy bị táp lửa nay đang thổn thức dậy hương. Nhình thật không ngờ, những khóm ởm thân thuộc ở góc vườn nhà lại liên quan đến chuyện cuộc đời của cố ngoại.
Nhình hồn nhiên hỏi mẹ. “Sao mẹ không về Mường Đắc tìm quê bản, tìm lại họ hàng của cố ngoại? Bây giờ việc đi lại đâu có khó khăn như thời trước. Quãng đường người xưa phải đi bộ mất nửa tháng thì nay xe chỉ đi mất một ngày”. Mẹ nói. “Không dễ tìm đâu con ơi. Bà ngoại con cũng đã từng về Mường Đắc dò tìm rồi. Nhưng không một ai hay biết. Đành chịu bỏ cuộc dở chừng. Hay là tới đây mẹ con mình sẽ cùng nhau đi một chuyến về thăm Mường Đắc, con nhỉ?”. Khuôn mặt Nhình rạng rỡ. “Vâng!”
Nhình thật lòng rất mong có ngày được về thăm Mường Đắc nơi gốc gác quê bản của cố ngoại. Nhình nắm chặt mấy chiếc lá ởm trong tay. Cây ởm mùa này đang ra hoa kết tinh hạt giống. Rồi đây Nhình sẽ ươm và trồng thêm vài khóm ởm nữa. Cây cỏ vốn bị coi là thứ vô tri vô giác, song có khi chúng lại ẩn giữ những câu chuyện đời không mấy ai được biết.
[1] Po Thỉm có nghĩa là Bố Thỉm: Người Thái có tập quán gọi tên bố, mẹ theo con.
[2] Tiếng Thái gọi là ‘tọt mạy khẳm hai’.
[3] Mạy đải: cây thầu dầu trắng.
[4] Po xừ: ông mối.
[5] Người Thái gọi sao Hôm, sao Mai là đao Ú, đao Ủa.
MƯA XUÂN BAY BAY
Lịch âm đã bước sang tháng chạp. Trời ngui ngút đùn hơi lạnh. Gió mùa đông phẩy nhẹ chút thôi là cũng đủ thoa tím tái lên da người. Lản lên núi Thau Cát lấy củi về. Địu củi trên lưng Lản là thứ củi cháy rất đượm. Củi này lấy để dành cho tết mà. Lản hạ địu củi nặng trên lưng xuống để dưới gầm sàn rồi lên nhà. Thín là chồng của Lản đang ngồi bên đống giang tươi, cầm con dao sắc, lúi húi chẻ lạt gói bánh chưng tết. Tết đang phả hơi đến rồi. Chuẩn bị dần những thứ cần cho tết là vừa.
Lản bước lại gần chồng, ngồi xuống, xoa thật mạnh hai bàn tay vào nhau cho đỡ tê buốt rồi nói:
– Trời lạnh ghê quá! Lạnh khiến các ngón tay bị cóng, cứng lại như chân gà khô của thầy mo vẫn treo gác bếp để xem bói. Lúc cầm nắm con dao chặt củi chỉ muốn rơi. Không biết tết này trời có ấm lên không? Có ấm thì mới mặc áo cóm đi chơi tết được chứ!
Thín đưa mắt nhìn kỹ bàn tay vợ. Bàn tay ấy gầy guộc nổi gân xanh hằn dấu vết của sự vất vả. Ngày nào Lản cũng chịu thương chịu khó làm việc từ sớm đến tối mịt chẳng ngại nắng sợ mưa. Tất cả cũng đều vì chồng con. Tết này nhất định Thín sẽ giục Lản nghỉ ngơi, mặc áo cóm mới đi chơi tết thật vui. Tới chỗ sân bản mà chọi mắc lẹ. Ra nơi bãi cỏ xanh mà tung còn đánh yến. Đến chỗ có giàn trống chiêng với vòng xòe mà đan tay nhún nhảy. Làm vất vả quanh năm rồi thì hãy chơi cho thỏa mấy ngày tết.
Thín buông dao, đi ra chỗ bếp, rót bát nước chè rừng nóng đưa cho vợ. Nước chè rừng nóng hổi được rót ra từ chiếc ấm nhôm ủ bên cạnh bếp lửa đang cháy rực.
– Uống cho ấm người rồi ra ngồi sưởi cho khỏi cóng tay!
Lản uống cạn bát nước chè chồng đưa thì ra ngồi sưởi, những ngón tay đang buốt cóng dần ấm mềm lại. Thín tiếp tục cắm cúi chẻ lạt. Rồi bất chợt Thín ngẩng lên nói với vợ:
– Em này! Anh nghĩ em hãy đi may bộ váy áo cóm mới để mặc tết! Lâu rồi em chưa may bộ mới nào.
Lản cười nhẹ tênh.
“Em vẫn còn bộ váy áo cóm mới cất trong rương mây. Không cần phí tiền may thêm. Tiền để dành cho con đi học!”.
Thín dứt khoát:
“Phải mua! Mình cũng phải biết nghĩ cho bản thân chứ!”
Lản lại cười. Lửa giúp Lản ấm bàn tay. Lời của chồng giúp Lản ấm lòng dạ. Rồi hai người cứ thế cùng nhau lan man chuyện tết. Đột nhiên từ bên nhà hàng xóm có tiếng cãi nhau. Xảy ra chuyện gì thế nhỉ?
Lản đoán:
“Chắc thằng Thùng lại gây ra chuyện xấu rồi”.
Thùng là con trai út của ông Tem và bà Bân. Hai ông bà có với nhau ba đứa con. Hai con gái thì đi lấy chồng xa, cảnh cũng nghèo nên họa hoằn mới về thăm bố mẹ. Lẽ thường ở đời con trai bao giờ cũng được trông chờ hơn con gái. Nhưng khổ thân cho vợ chồng ông Tem, con trai của họ lại nghiện ngập ma túy. Vợ chồng ông Tem vô cùng khổ sở bởi hắn ta. Hắn đi trộm cắp khắp bản. Cái gì có thể ăn trộm được là hắn trộm. Thỉnh thoảng lại có người tới tận nhà ông Tem để bắt đền. Vợ chồng ông chỉ còn biết cúi gằm mặt xấu hổ.
Sống bên cạnh kẻ nghiện nên nhà Thín cũng lây vạ bị mất cắp. Đã cẩn thận trông chừng mà vẫn mất. Ức không để đâu cho hết. Ức nhất là lần mất con chó mà cả nhà đều yêu quý. Con chó ấy tên là Báng. Chó Báng rất tinh khôn. Nó như thể hiểu được tiếng người, phạm lỗi là biết ngước nhìn chủ bằng cặp mắt xin được tha thứ. Hai đứa con nhỏ của Thín thường xuyên chơi đùa vui cùng chó Báng. Đủ mọi thứ trò. Đến bữa là chó Báng được san sẻ cơm canh cho ăn cùng luôn, không bao giờ phải ăn sau.
Rồi chó Báng bị mất. Cả nhà Thín buồn rười rượi bởi chó Báng từ lâu đã là con vật quý của gia đình. Chó Báng rình chuột không cho chúng cắn hạt ngô hạt thóc để trong bồ. Chó Báng đuổi gà không cho phá vườn rau chủ trồng. Chó Báng theo chủ lên nương. Chó Báng cùng chủ ra ruộng. Hai đứa con của Thín khóc nhớ chó Báng. Nhất là đứa em. Nó nằm lăn ra sàn khóc tức tưởi. Mẹ dỗ không nín. Bố hứa ngày mai sẽ đi mua con chó mới nó cũng không nín. Nó tấm tức vừa khóc vừa nói. Con chỉ muốn chó Báng thôi. Thín cố vớt vát hy vọng rằng chó Báng chỉ đi lạc đâu đó. Và Thín lại cất công đi tìm tiếp. Cuối cùng thì tuyệt vọng. Có người nói cho Thín biết là họ đã nhìn thấy Thùng đem chó Báng đi ra chợ. Đã ra đấy bị bán vào hàng thịt chó thì làm sao chó Báng trở về được. Thín lập tức sang nhà bên gặp Thùng. Thín không to tiếng mà chỉ hỏi Thùng bán chó Báng cho ai để còn xin chuộc lại. Thùng cười nhạt. Tao không trộm chó Báng của nhà mày, đừng nghĩ oan cho tao. Vẻ mặt thằng Thùng lì lợm không biết xấu hổ. Thín nhìn ức lắm mà chẳng làm được gì.
Ôi, nhớ lại chuyện cũ mà ức đầy lồng ngực. Nhưng nói thật, ức vậy thôi chứ Thín vẫn thấy thương cảnh vợ chồng ông Tem. Không biết người già còn phải chịu khổ vì con hư đến bao giờ nữa?
Chỉ còn mươi ngày nữa là Tết.
Bên nhà ông Tem bất ngờ nổi lên tiếng khóc xé lòng. Đó là tiếng khóc của bà Bân. Bà khóc bởi thằng Thùng ăn trộm trâu nên bị bắt. Bà hận ma túy. Cái thứ chất độc đó đã biến thằng Thùng thành kẻ hư hỏng, biếng lười, chỉ biết rình mò trộm cắp. Ban đầu nó chỉ ăn trộm cây rau trong vườn, cân gạo trong bao, rồi sau đấy ăn trộm con gà con chó, nay thì ăn trộm cả con trâu. Gan của nó còn to hơn gan con trâu. Cái thứ gan liều lĩnh làm chuyện xấu xa. Cuộc đời của vợ chồng ông bà thật khổ khi có đứa con hư.
Bà Bân cứ vậy khóc dai dẳng, tiếng khóc của bà nghe còn buồn thảm hơn cả tiếng chim khảm khá kêu trong đêm. Thín sốt ruột nên sang xem sao. Bước chân Thín thình thịch trèo cầu thang lên nhà. Bếp sàn lạnh tanh không tí lửa. Chuyện gì đang xảy ra thế này? Thín đánh tiếng chào. Ông Tem ngoái nhìn Thín bằng đôi mắt rầu rĩ. Còn bà Bân thì vẫn khóc dấm dứt chẳng buồn ngoái đầu nhìn khách. Bà ngồi rũ như ngọn cỏ mùa đông, héo, úa, khô, tàn, không còn tươi sức sống.
Thín tự đi lấy ghế mây đặt ngồi cạnh ông Tem
– Nhà… mình có chuyện gì… vậy bác?
Thín ngập ngừng hỏi.
Ông Tem buồn bã đáp:
– Thằng Thùng bị bắt rồi! Nó ăn trộm trâu của người ta. Nhục lắm cháu ơi! Cái mặt già này đi ra đường chỉ còn biết nhìn cắm xuống đất mà bước.
– Vậy giờ Thùng đang ở đâu?
Thín hỏi thêm.
– Nó đang bị giam trong trại tạm giam của công an huyện. Vợ chồng tôi ra đấy xin gặp nó nhưng công an không cho.
Tiếng bà Bân khóc to hơn. Thín định nói lời an ủi hai người nhưng rồi thôi. Nói lời an ủi vào lúc này ư? Chắc sẽ không ích gì. Có nói lời an ủi thì lòng người già vẫn buồn rầu rĩ. Nước mắt của người già vẫn chảy. Nên làm điều gì đó giúp thì hay hơn.
Thấy nhà ông Tem chưa nấu cơm Thín bèn bảo:
– Muộn rồi mà hai bác chưa nấu cơm. Không phải nấu nữa! Mời hai bác sang nhà ăn cơm cùng chúng cháu.
Bà Bân thôi khóc, quay mặt về phía Thín, nói:
– Cháu tốt quá, Thín ơi!
Ông Tem thì nhìn Thín như thấy một ngôi sao. Ngôi sao ấy còn sáng hơn cả đao Lú, đao Ủa[5] vào đêm quang mây. Ông ước ao có được người con trai hiền lành tốt bụng như Thín. Ông định nói ra điều đó nhưng môi miệng cứ mím chặt lại. Ôi cái lý ở đời thật trái ngược làm sao. Nhà Thín là hàng xóm tốt của nhà ông. Nhưng nhà ông lại là hàng xóm xấu của nhà Thín. Con trai ông đã nhiều lần trộm cắp của nhà Thín. Ông ngượng mặt với Thín lắm. Khi nào thằng Thùng được thả về nhất định ông sẽ bắt nó sang nhà Thín nói lời tạ tội. Ông tin chắc chắn Thín sẽ rộng lượng tha thứ.
Một khoảng lặng im. Gió lạnh mùa đông hun hút thổi ngập tràn không gian, vậy mà bếp sàn nhà ông Tem lại không chút lửa đỏ làm ấm xung quanh. Chỉ có những hơi thở dài nối đuổi theo nhau. Lòng dạ người già đang buồn trĩu nặng. Làm sao để dịu vơi nỗi buồn ấy?
Đứa con nhỏ của Thín tồng tộc chạy sang gọi bố về ăn cơm. Thín mời vợ chồng ông Tem đi cùng luôn. Bà Ban mắt đỏ hoe nhìn Thín.
Một lần nữa bà nghẹn ngào nhắc lại lời ban nãy:
– Cháu tốt quá Thín ơi!”
Quá buồn vì chuyện con trai nên ông Tem ốm nặng. Cả ngày ông nằm ệp trong gian buồng nhỏ, thân già co quắp trên tấm đệm lau tưởng như không thể cũ hơn được nữa. Cơm cháo ông chẳng thiết ăn, nước cũng chỉ uống nhấp môi cầm chừng. Bà Bân nhìn chồng mà thở dài não ruột. Khóc nữa ư? Làm gì còn nước mắt nữa mà khóc. Gió mùa đông từ phía núi Thau Cát thổi lại buốt lạnh tái tê. Bà Bân nhỏ nhoi giữa căn nhà trống, co ro đưa tay kéo cao cổ áo rồi tiếp tục thở dài. Hơi thở dài của bà hòa tan vào gió lạnh. Bà thầm than vãn: “Sao đời lại khổ đến thế này?”. Bà cảm thấy cô đơn ngay trong nhà mình. Đã rất nhiều lần bà định nuôi một con chó để làm bạn. Nhưng rồi chẳng dám. Bởi bà biết con chó ấy sẽ không làm bạn được lâu với bà. Thằng Thùng sẽ lại bắt trộm nó đem đi bán lấy tiền thỏa cơn nghiện ma quỷ. Như thế càng thêm xót lòng vì tiếc con vật thân thiết mình nuôi. Thà không nuôi còn hơn.
Biết ông Tem ốm nên Thín vội sang thăm. Nom ông gầy sọp hốc hác. Nhìn bà Bân cũng tiều tụy chẳng kém. Thân già phải chăm chồng ốm lấy đâu ra khỏe. Thín đưa mắt liếc quanh nhà. Vẫn chưa có một thứ gì được chuẩn bị cho tết. Lòng Thín ái ngại thương cảm. Có lẽ mình nên làm gì đó để giúp.
Trở về nhà Thín nói với vợ:
– Lản này! Bên nhà bác Tem không ai lo tết. Anh nghĩ hay là mình giúp bác ấy. Đồng ý không Lản?
Lản đưa tay vén lọn tóc mai ra sau vành tai cho gọn lại rồi đáp:
– Giúp cũng được thôi. Nhưng nghĩ tới chuyện bị mất trộm là thấy tức không muốn giúp.
Thín nhẹ nhàng.
– Đừng nghĩ lại chuyện đó nữa! Người tốt như cây quế thơm giữa rừng. Kẻ xấu như cọng rơm khô giữa ruộng. Hai chúng mình cùng làm cây quế thơm có được không?
Lản nhìn chồng. Đôi mắt của Thín hiền như lá. Đôi tai của Thín đang đợi nghe câu trả lời từ Lản. Ngần ngừ gì nữa, Lản gật đầu:
– Thôi được! Vợ chồng mình sẽ cùng làm cây quế thơm. Anh là thân cây còn em sẽ là cành lá.
Hoa mận đã nở trắng bên khung cửa sổ nhà sàn.
Cánh bướm đủ màu đã quấn nhau dập dìu dưới nắng nhẹ đùa hoa.
Người già trêu lũ trẻ, tết đã trèo qua núi Thau Cát rồi, đã đến cổng bản rồi, chỉ còn chờ leo lên cầu thang từng nhà nữa thôi. Lũ trẻ cười vang khoái chí đợi tết leo lên cầu thang nhà mình. Có đứa còn hét thật to: “Tết ơi mau đến đi!”. Đối với lũ trẻ thì tết là dịp có thêm quần áo mới, được ăn nhiều món ngon, được đi chơi chỗ này chỗ nọ, vậy nên đứa nào cũng rạo rực mong tết.
Tết là dịp mua sắm nhộn nhịp nhất trong năm. Dân bản rủ nhau ra chợ sắm tết như thường lệ. Lản cũng ra chợ sắm tết và sắm luôn phần cho vợ chồng ông Tem. Rồi chính Lản thay chồng đem phần quà ấy sang biếu họ. Vợ chồng ông Tem xúc động lắm. Món quà này quý hơn cả ngà voi, ngọc đá. Họ thay nhau nắm lấy bàn tay Lản và nghẹn ngào nói lời cảm ơn. Họ còn bảo sau này sẽ tìm dịp trả ơn. Lản bối rối xua tay. “Có gì đâu mà hai bác nói vậy”.
Trước khi ra về Lản không quên dặn:
– Hai bác cũng đừng lo gói bánh chưng. Cháu sẽ gói luôn cho hai bác. Tết thì không thể thiếu bánh chưng.
Lời của Lản giúp lòng dạ của đôi vợ chồng già thêm ấm áp.
Nhà Lản bắt đầu gói bánh chưng tết. Lạt giang Thín chẻ sẵn được đem ngâm nước cho dẻo lại. Hai đứa con nhỏ của Lản háo hức cùng mẹ chuẩn bị mọi thứ để gói bánh. Lá dong xanh mướt. Nếp nương trắng thơm. Đậu xanh bùi bùi. Thịt lợn ướp thảo quả. Đủ những thứ cần thiết rồi chỉ còn mỗi việc ngồi gói. Bàn tay của Lản thoăn thoắt gói những chiếc bánh chưng gù mang dáng đồi hình núi. Hai đứa nhỏ nhìn mẹ gói bánh lòng hân hoan đợi tết. Chúng tranh nhau đòi trông nồi bánh chưng. Rồi chúng trêu nhau cười khanh khách. Có một con chó cứ nhũng nhẵng chạy tới chạy lui xung quanh mọi người và sủa những tiếng vui vẻ. Nó được nuôi thay cho chó Báng. Tên của nó là Pẹng, mang ý nghĩa là thương yêu.
Cuối cùng thì bánh chưng cũng đã được gói xong. Lản gói bánh chưng thật khéo, những chiếc bánh ấy đem xếp bên nhau nhìn đều tăm tắp. Lản chọn ba hòn đá suối thay kiềng, bắc bếp đun nồi bánh chưng ngay dưới gầm sàn. Củi chất để đun toàn là thứ củi gộc cháy đượm cháy lâu. Lửa reo phần phật. Lửa cháy to nên chẳng mấy chốc nồi bánh chưng đã sôi ùng ục. Luộc bánh chưng gù không mất quá nhiều thời gian. Chỉ vài tiếng thôi là bánh chín. Đợi được bánh Lản sẽ cùng con nhỏ đem sang biếu vợ chồng ông Tem. Tình nghĩa hàng xóm sẽ giúp họ thêm ấm lòng mà vơi bớt buồn trĩu nặng. Ngoài trời kia đang bay bay bụi mưa. Không phải thứ mưa đông lạnh lẽo mà là thứ mưa xuân thanh khiết tưới nước cho cỏ cây nẩy mầm lộc mới.
20/3/2022
Hà Phong
Theo https://vanvn.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Án văn tự đời Thanh Đời nhà Thanh (1644-1911), đã xảy ra hai vụ án lớn có liên quan đến văn tự, làm liên lụy nhiều người, đó là vụ án ...