Thứ Năm, 19 tháng 12, 2024

Tiếng sáo - Truyện ngắn của Nguyên Tô

Tiếng sáo - Truyện ngắn
của Nguyên Tô

Khi anh trở về, phố đã lên đèn. Xe lao nhanh vào hầm, loang loáng phía trước, ô để xe quen thuộc của anh đã dựng chình ình một chiếc xe lạ hoắc, cái biển trâng trâng nhìn anh như thách thức. Thoáng chút bực bội, anh ghé vào khoảng trống còn lại, cũng vừa đủ cho một sự chen chúc. Chiếc xe kia nhỏ, có lẽ chủ nhân là nữ. Thành phố đông người, đến chỗ đỗ xe cũng hiếm hoi, chỉ tim anh là rộng, trống tênh đến tuềnh toàng trong mỗi khi đêm buông.
Uể oải bấm thang máy, những kí tự điện  nhấp nháy vô hồn, dừng lại ở tầng 15, ra khỏi ô chữ nhật bí bách, ô vuông khác đón anh. Hành lang dài, hun hút, ánh đèn sáng choang, đến nỗi như soi tỏ cả nỗi phiền muộn của anh. Cửa mở, nhanh chóng tụt giầy, treo áo vest, cởi quần dài, ngã mình trên sopha hình chữ nhật. Những khối hình học loang loáng lướt qua trí nhớ của anh. Khuôn mặt sếp, cằm bạnh ra, hai mắt nhỏ, lạnh, khuôn miệng hình chữ nhật kẻ vội, khi giao việc cho cấp dưới, chỉ khẽ nhếch môi trên. Anh chỉ tiếp nhận công việc qua gmail, zalo, và khóe miệng nhếch lên đều đều mà chưa bao giờ thấy một chút ấm áp từ ánh mắt lành lạnh ấy. Cô thư kí tóc vàng hoe, váy hôm nào cũng không đủ dài, những thứ cần che đậy thì phô phang quá đỗi khiến anh chẳng còn thấy tò mò. Hớ hênh chốn công sở, phẩm giá được định giá qua loa. Hôm nào cũng thế, cô vẽ tam giác, từ ghế mình, kéo đường chênh chếch vào phòng sếp, tạt một góc nhọn ra bàn làm việc của anh, rồi trở lại vị trí ban đầu. Hôm nào mũi anh cũng đầy mùi nước hoa Chanel. Thèm ghê ghớm mùi bồ kết mỗi lần mẹ gội hiên nhà.
Giấc ngủ vùi trên ghế đâu chừng 2 giờ đồng hồ, anh tỉnh dậy khi thấy tay mình ê buốt, thì ra anh tự gối để ngủ. Tự mình, không phiền hà, nhưng cũng có nỗi đau riêng. Cánh tay anh đau đâu chừng 5 năm có lẻ. Quơ vội đôi tất chỏng chơ dưới sàn, đôi dép đàn ông xộc xệch chiếc trong gầm bàn, chiếc chui gầm ghế. Mặt bàn bình nước cạn đáy bên những chai vootka đầy ắp. Rượu là thức uống để nhậu với niềm cô độc đàn ông.
Vào bếp, rán trứng, hấp lại khoanh giò, gọt thêm 2 quả dưa chuột đã héo, túi bánh mì còn sót lại vài lát. Bữa tiệc thịnh soạn để tẩy trần những mệt mỏi công sở và ngoài đường. Đưa miếng trứng rán vụng vào miệng, anh nhớ hôm thứ 7 về quê, đĩa trứng mẹ rán vàng ruộm, ghé vào màu xanh non của lá mùi thơm dịu. Bố mẹ giờ này chắc đã ngủ rồi. Đồng hồ chỉ 22 giờ. Điện thoại chợt sáng xanh: “Mai con đi mua sách với mẹ nên không sang thăm bố được ạ”. Đã sang một tháng mới, như thường lệ, mở điện thoại, chọn app bank, soạn các thao tác chuyển tiền. Thời đại số, máy thông báo và cảm ơn răm rắp: “Bạn đã chuyển tiền thành công”. Chỉ vài giây sau, smartphone nổi tin: “Thanks”. Kí tự ngắn gọn, tước bỏ mọi cảm xúc. Trong anh nhoi nhói ánh mắt của con gái vào cái ngày cách đây chừng 5 năm ở sân tòa án. Khi cái bím tóc bé teo mất hút sau cánh cửa xe màu trắng, anh cũng kéo mạnh cửa xe, ngồi thừ trên ghế, thở dốc quên cả thắt dây an toàn. Chợt giật mình, 2 chiếc xe của vợ chồng, đủ các loại bảo hiểm, chỉ hôn nhân của họ, chênh vênh đi trên bờ vực nguy hiểm. Khi chọn xe, vợ bảo: màu trắng hợp mệnh, giúp công việc của em hanh thông. Đàn bà viên mãn, hôn nhân hạnh phúc. Anh muốn chửi tục vào mặt thằng sale xe ở gara, chủ nhân của câu nói này, nếu gặp lại. Từ ngày mua xe, vợ anh rút ngắn thời gian cho gia đình, kéo dài thêm giờ làm việc công sở. Cô ấy bảo, cố làm nốt dự án này để gom tiền để mua căn hộ ở ngoại ô.
Có tối, 2 bố con ôm nhau ngủ tít, khi chuông đồng hồ điểm 12 giờ đêm, mới nghe tiếng kẹt cửa, vợ về, mang theo cả mùi rượu lạ. Vào nhà tắm rất lâu, cô mới trở vào phòng ngủ. Gần sáng anh quờ tay sang, cô hất ra, “em mệt”. Đêm hôm sau cũng thế, cô về muộn, mâm cơm phần, sáng hôm sau anh thở dài, đổ vào túi rác. Chừng nửa tháng như thế, có hôm chờ mãi chưa thấy vợ về, anh đóng chặt cửa phòng cho con ngủ, mang cây sáo ra ngoài phòng khách, vu vơ thổi một giai điệu trầm buồn, từ trên cao nhìn xuống, phố đêm dập dìu ánh sáng, từng đoàn xe nối đuôi nhau vút qua, những ánh sáng đưa cơn buồn ngủ của anh đi lang thang chốn nào. Cánh cửa bỗng hé ra, vừa đủ chỗ cho người vợ lách vào, lẹ như một con mèo. Anh nghe thấy nhưng vẫn xây lưng lại như chưa hề biết sự có mặt của vợ. Chỉ khi cô lên giọng; “Đêm rồi, anh không cho vợ con ngủ à?” Anh thủng thẳng: “Nửa tháng nay em có bao giờ cho anh ngủ ngon đâu, thậm chí chẳng còn biết bữa tối bố con anh ăn gì, con bé tối nào cũng đòi mẹ ru, anh phải dỗ mãi.” “Thì em vất vả để mua thêm căn hộ mới ở cho rộng rãi. Bạn em chồng vừa lên chức đã chuyển sang căn biệt thự rồi.” Anh không nói gì, anh nhớ hồi mới cưới, ở nhà thuê, hai vợ chồng ríu rít, thứ bảy nào cô cũng mua vài bông hồng cắm trong cái lọ thủy tinh kiêu hãnh, những đêm trăng sáng, cô mở cửa sổ, anh ngồi thổi sáo. Cô nhìn anh âu yếm: “Em chỉ ước mơ mình có ngôi nhà nho nhỏ”. Đến giờ, có nhà to, xe đẹp, cô mơ biệt thự. Đàn bà là chúa tham lam. Ánh mắt của vợ anh đã đặt vào hạnh phúc của ngôi biệt thự khác.
Sáng hôm sau, vợ vẫn ngủ mê mệt. Tỉnh dậy từ rất sớm, anh đặt nồi cháo xương, món ruột của vợ. Nhìn đồng hồ mới 5h30, anh pha ấm trà, ngồi ngó mông lung qua ô kính. Có con nhện màu nâu vàng ở góc tường đang mải miết giăng tơ. Từ mấy hôm trước, anh đã lấy chổi dọn sạch tổ nhện, nay nó lại bày biện, cần cù, miệt mài, anh rời bàn uống nước, ra dọn tơ. Nhện ngơ ngác thả một đường trong suốt xuống dưới mặt đất và trốn mất. Chỉ 2 đường tay anh lướt qua, như chưa hề xuất hiện ổ nhện. Người đàn bà đã dậy, nõn nà, xinh đẹp, trễ nải, khóe mắt như còn vương lại sự mệt mỏi quá sức, thấy chồng bên chén trà sớm, mắt cô nhíu lại. “Dậy sớm thế sao anh không mua vé tập gym? Chồng cái Hà dạo này, ngoài tập luyện, tuần nào cũng đi Đại Lải chơi gôn anh à”. Anh không trả lời vào câu hỏi của cô, hai mắt tối lại, hạ giọng: “Anh nấu cháo, hai vợ chồng ăn sáng rồi đi làm, anh còn đưa con đi học”. “Lại cháo, tối qua nhóm em vừa ăn cháo cá xong, mà sáng nay, sếp em hẹn đi ăn với đối tác.” Xoong cháo, tối đó được hâm lại, mâm cơm chỉ có hai bố con.
Rồi chuyện vợ đi sớm về muộn, bỏ cơm, cũng thành chuyện hàng ngày. Một sớm, khi cô vợ vừa chui ra khỏi phòng, đã thấy chồng ngồi bên ấm trà phòng khách. Anh mặc vest, tóc húi cao, vuốt chút keo nhìn kiêu hãnh và cô đơn. Vợ ngạc nhiên: “Gớm nay anh đi đâu mà chỉnh tề thế?” Anh đẩy về vợ tờ giấy A4, “Em đọc đi rồi kí vào đây”. Giọng anh bình thản, nhưng lạnh. Cô cao giọng: “Anh điên à? Còn con?” “Mấy tháng nay, chỉ có hai bố con với nhau. Anh chẳng cần biệt thự.” Cô không nói gì, sửa soạn đi làm. Lát sau, ra khỏi nhà, để lại trong căn phòng một mùi hương. Anh hít sâu, lạ lẫm, rồi tặc lưỡi: mùi Chanel. Chợt anh thoáng thấy cô thư kí hớ hênh ở công ty. Mà vợ thay nước hoa từ bao giờ, anh cũng chẳng còn bận tâm.
Lá đơn không làm thay đổi thời gian biểu của vợ. Nhưng đã biến anh từ người đàn ông vui vẻ, hài hước trở nên đăm chiêu, cáu bẳn. Có hôm, dỗ mãi con bé không ăn, cứ đòi mẹ về để đi siêu thị. Đồng hồ đã thong thả điểm 22 giờ, con bé vẫn thi gan, vợ anh chắc vẫn mải mê làm việc cùng sếp. Anh bắt con bé úp mặt vào tường, lần đầu tiên phạt con như vậy. Nó khóc dấm dứt. Anh ngồi dốc chai vootka. Đến khi chai cạn đáy, chiếc cốc chỏng chơ mặt bàn, là lúc cô vợ đẩy cửa bước vào. Con bé thấy vậy, dúi vào lòng mẹ thổn thức. Anh ngồi im như tượng, hai mắt đỏ sọng. Cô gào lên: “Anh ác vừa chứ, say xỉn, đánh con, đòi bỏ vợ”. Anh im lặng nhưng khi cô bước qua, anh thoáng thấy một vết tròn đỏ trên bờ vai trắng nõn của cô. Đêm đó anh ôm gối ra sopha.
Và những đêm sau nữa, khi cô trở về muộn, anh chỉ chờ cho vợ vào giường. Nửa đêm còn lại, chỉ có anh cùng sopha ngoài phòng khách. Để rồi ra tòa là việc không tránh khỏi. Cô bế con bé rời sang biệt thự mới cùng cuốn sổ tiết kiệm anh đưa. Từ đó, căn hộ gia đình đã trở thành chốn đi về của người đàn ông độc thân. Chẳng còn phải chờ vợ về muộn đêm đêm, nhưng anh chờ cuối tuần con bé sang chơi. Đứa bé nô đùa hồn nhiên, cười tít. Anh thấy nhẹ nhõm. Sống dễ lắm, cứ nhìn vào mắt trẻ con mà sống.
Sáng nay, dậy sớm về quê, xuống hầm xe, anh thấy người phụ nữ thong thả đến cạnh ô đỗ xe của anh, nhẹ nhàng mở cửa xe. Anh nói với theo: “Sao cô lại đậu xe ở đây?” “Thôi chết, em xin lỗi, em mới chuyển về đây, chưa kịp mua chỗ, anh cho em xin lỗi nhé”. Anh không nói gì, lên xe ngay, cô ghé vào cửa xe: “Em ở phòng 1518, đây là số điện thoại của em,  làm ơn cho em xin số điện thoại của anh”. Cô dúi vào tay anh mẩu giấy vàng, anh nhận, hững hờ dán lên vô lăng.
Thấy con trai về, mẹ ra tận cổng đón. Buổi sớm quê nhà thật dễ chịu. Mẹ tất bật cơm nước đãi con trai. Chỉ bố là bình thản. Ngồi ở bờ ao, bên gốc sung già buông cần, bóng ông đổ dài xuống mặt ao. Gió hây hẩy, những cành tre lòa xòa reo vui. Anh chạy ra, thấy trên bờ một ống bơ lúc nhúc giun đất, cái nồi nhôm cũ lung lửng cám rang thơm phưng phức. Bố ném từng vốc thính xuống mặt ao. Cái phao trắng im lìm, bỗng nhúc nhích, rồi giật giật, mất hút xuống dưới mặt ao lềnh bềnh từng cụm bèo cái xanh non. Bố kéo căng cần tre ra phía sau, một con cá trắm uốn mình con cong như muốn cưỡng lại lưỡi câu nhọn hoắt. Bàn tay gân guốc của ông lão đã giật nó lên bờ. Nằm phơi lườn giữa đám cỏ xanh, nó vẫn trằn đi trằn lại vài vòng, cái đuôi quật lên quật xuống như muốn thoát ra.
Bữa trưa đó thật vui. Bát canh cá nấu dọc mùng xanh mướt, lẫn cà chua bổ múi cau, hành, răm, thìa là hái ở vườn nhà, cây sấu góc vườn đã kết trái được 2 túi đẫy trong ngăn cấp đông tủ lạnh. Mẹ thái hoa chuối trắng nõn lẫn ít húng Láng, tía tô, rau ngổ, dấp cá, bát nước mắm thả ớt loáng thoáng đỏ, ghé cạnh là đĩa đậu rán vàng ruộm, cá kho sung chín nhừ vàng nâu như màu mật ong. Cơm trắng thơm. “Ăn đi con, ở một mình, bữa lung bữa vực, già rồi vẫn để bố mẹ phải lo lắng”, mẹ quở quang. Bố gạt đi: “Bà có để cho bố con tôi được bữa rượu ngon không?”. Anh cúi xuống và cơm, thấy nghèn nghẹn, sực nhớ đến bữa cơm tuần trước, con bé về cùng, cứ lóng ngóng cầm đũa cả xới, cơm bắn tung tóe.
Trở lại thành phố khi chiều đã tắt hẳn trên ngọn tre cao vút đầu làng, từng đàn trâu no cỏ đủng đỉnh vác sừng kềnh càng giữa đường làng. Khuôn mặt anh giãn ra khi nhớ về một thằng bé tóc cháy nắng nằm xoải trên lưng trâu, hai tay thõng xuống cái bụng ram ráp của nó… Thằng bé nay đã thành người đàn ông giữa ngổn ngang sự nghiệp, gia đình, tồng tềnh cuộc hôn nhân dang dở. Khi xe vào hầm, chừng 8 giờ tối, mùi dầu, mùi khói bụi xộc vào mũi thật khó chịu, trước mũi xe anh lại vẫn cái xe hôm trước án ngữ, nhưng có vẻ biết điều, bớt ngạo ngược hơn vì khoảng trống cho xe anh rộng hơn. Mở cửa xe bước ra, mắt anh khựng lại trước mẩu giấy vàng nhạt. Gỡ lấy, dán vào lòng tay, anh bước quả quyết. Đi suốt hầm xe, thi thoảng anh gặp một chiếc xe trở về. Ai cũng vội vã vì đã muộn. Chỉ có anh là bình tĩnh, vì chẳng biết căn hộ có mong chủ không. Anh đi lẫn vào bóng tối để lên tầng một, mấy con chuột sục sạo.
Căn phòng đón anh bằng ánh đèn ngủ dìu dịu, quăng mình lên sopha, thấy cả bầu không gian vỡ òa qua ô kính một màu sáng lấp lóa. Thu mình trong màu xanh hắt ra từ ánh huỳnh quang, anh tìm cây sáo quen thuộc, thổi giai điệu quê hương. Âm thanh chan chứa lấp đầy dần khỏang trống tâm hồn, vuốt ve xây xước trái tim đàn ông, anh thấy mình nhẹ nhõm, thư thái, trong ngực như có một cơn gió thơm hương đưa qua. Tiếng sáo ngừng cũng là lúc chuông điện thoại reo: “Em là người đậu xe nhờ, anh ở phòng nào ạ, em có chút việc muốn làm phiền”. Cô gái đến, nhanh như thể khi gọi điện, đã đứng sẵn ngoài hành lang. Nhìn thấy cây sáo trên bàn, cô tò mò: “Anh chơi sáo phải không? Ngày xưa bố em thổi sáo rất hay, ông còn làm sáo để bán nuôi em ăn học”. Đang lơ đễnh, anh bỗng ngước lên nhìn cô trân trối, thấy một điều là lạ len vào tận sâu kín tâm tư. Cô gái ngồi giải thích việc đậu nhờ xe, tai anh đã không để tâm vào câu chuyện ấy nữa. Tiếng sáo hay tâm hồn bấy lâu tưởng như hoai mục đã bừng thức.
Cuối tháng công ty có chuyến đi Tây Bắc. Chuyến xe từ mờ sáng đến chiều tối thì dừng lại. Đang giữa thành phố chật chội, đến rừng sâu, núi thẳm, thiên nhiên đã thổi vào hồn người sự sảng khoái bất ngờ. Tối ấy, sau bữa ăn, cả đoàn lục tục rủ nhau đi chợ phiên, còn một mình giữa căn phòng xa lạ, ngoài kia sương đã trĩu trên tàng cây, tiếng nai tác bạn, dội vào hoang vu những mỏi mong hội ngộ. Trăng đã chênh chếch treo trên bầu thinh không vĩ đại mảng vàng rợn ngợp, những triền xa sẫm lại thành hình thù kì dị, khiến buổi tối dấy lên niềm bí ẩn. Anh rút cây sáo từ trong balo đưa lên môi. Dìu dặt, miên man, anh thấy âm thanh như một đôi cánh đưa anh đi trong niềm diệu vợi. Anh bay qua những mỏm đá cô đơn vời vợi của đời mình, tim nhoi nhói luênh loang. Những ngày đã qua như thước phim chậm trôi, chậm trôi.
Khi vào trong phòng, giấu vòm ngực vạm vỡ dưới nếp chăn thổ cẩm, anh thấy màn hình điện thoại sáng lên. Cả đêm đó anh chat với cô gái đậu nhờ xe. Về câu chuyện, đứa bé chứng kiến mẹ rơi xuống vực khi chặt trúc về để làm sáo. Mà trúc ở đó óng ả, sáo bán được giá, mẹ cô cố nốt chuyến trúc để đủ tiền đóng học phí cho con. Từ sau cái chết của người vợ xấu số, bố cô đã đốt hết đống trúc và những cây sáo còn lại. Cả cây sáo Mèo mà ông nâng niu như bảo vật, cũng cùng chung số phận với đám sáo trúc, nếu cô con gái không gào khản giọng. “Bố, đừng đốt, mẹ con rất thích nghe bố thổi bằng cây sáo này”. Người đàn ông đang hăm hở, tay bỗng buông sõng cả bóng chiều gục vào vai ông.
Sáng hôm sau, vẫn mắt nhắm mắt mở trên giường, anh soạn tin nhắn: “Anh muốn nghe tiếp câu chuyện của em” và bấm phím send.
Từ ấy, trừ buổi học, đi đâu ông  bố cũng cắp theo con gái bé bỏng. Đến ngọn núi xanh sừng sững, ông mở túi thổ cẩm, lấy ra bọc xôi ngũ sắc để bên. Ngồi xếp bằng, ông rút sao ra thổi. Đứa bé gối đầu trên đùi bố, bàn tay bé xíu véo từng  miếng xôi dẻo ngậy nhai chúm chím, nó chỉ lên đỉnh núi: “Tiếng sáo của bố cõng mặt trời lên cao kìa”.
Lại có bữa vào rừng, từng vạt cây duối trổ vàng bên con suối, thảm cỏ xanh mượt, con bé dựa vào lòng bố. Ông cất lên tiếng sáo da diết mà như thương nhớ vây quanh những tàng cây xanh xanh, xúm xít u sầm. Con bé nhoẻn cười: “Bố ơi tiếng sáo của bố rơi xuống suối chơi với con cá vàng kia”.
Cứ thế, tuổi thơ cô lớn lên cùng tiếng sáo của bố. Ngày cô về Hà Nội học, bố vui lắm, tiếng sáo của ông nhảy nhót khắp thung sâu…Ba ngày Tây Bắc câu chuyện về tiếng sáo của cô gái đã níu chân anh trong homestay, thế giới xung quanh anh như câm nín. Chỉ còn lại cô gái với người cha khắc khổ nuôi con cùng tiếng sáo bay ngang bầu trời, rơi xuống suối sâu, đậu lại trên bóng hình quen thuộc nhưng đã xa ngái vào sương chiều tím rịm của người mẹ đã khuất.
Chiếc xe bò chậm chạm trên đèo dốc đến tối nhọ mặt mới về đến ngoại ô. Khi chạm nội đô, thành phố đã lên đèn, từng luồng sáng rỡ khiến cát bụi xù xiì ban ngày cũng trở nên lấp lánh. Anh mở cửa căn hộ, đèn chờ người về sáng xanh một niềm hy vọng. Vừa vứt cái balo vào góc nhà, anh đã thấy cô chạy vào. Trên tay cô là một cây sáo cũ, hai đầu bịt bạc trắng óng ánh. Anh nhìn cô rồi nhìn cây sáo, câu chuyện của cô bỗng trở nên sống động hơn bao giờ hết. Trong giây lát, tiếng sáo đã len lỏi khắp căn phòng. Đêm tối bị đẩy bạt ra ngoài. Qua ô kính, từng vầng sáng lấp lánh.
28/3/2022
Nguyên Tô
Theo https://vanvn.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Án văn tự đời Thanh Đời nhà Thanh (1644-1911), đã xảy ra hai vụ án lớn có liên quan đến văn tự, làm liên lụy nhiều người, đó là vụ án ...