Tìm một chỗ làm người
Tuy tràn ngập những chuyện truyền kỳ, huyền bí, và với
nhiều nhân vật lịch sử nhưng các truyện Phạm Lưu Vũ không thành
ra những truyện thần tiên hiện đại (như thể loại fantasy ) cũng không
thành ra các truyện dã sử hiện đại: tác giả này, người đã bắt đầu bằng những
truyện ngụ ngôn đương đại cực kỳ độc đáo.
Đấy là một ý tôi rút ra từ một chi tiết ở truyện Thiền
trôi trong tập Chiếc khoen đồng của Phạm Lưu Vũ; đoạn ấy như
sau:
“Đạo sĩ Đỗ Tờ chân nhân thất vọng quay ra. Ngày hôm ấy và mấy
ngày sau đó, ngài còn đi rất nhiều nhà nữa, mang cái công đức đẻ con giời ấy ra
dụ, khắp kinh thành ai cũng sợ hãi mà từ chối như Vịnh Bá Bá. Thất vọng trở về
động, bụng nghĩ tìm một chỗ để làm người, dẫu có là con giời đi nữa, thì sao mà
cũng khó đến thế?”
Hẳn không chỉ có tôi, trong bao nhiêu người đã đọc, bật cười thích thú với đoạn văn này – với cái sự kiện lạ lùng được kể ở đây: có một ông đạo sĩ nổi tiếng một hôm bỗng dưng đến gõ cửa từng nhà của nhiều cư dân thành thị thủ đô, để chào mời gia chủ cái cơ hội (tự) thụ thai mà rồi chắc chắn sẽ đẻ được một cậu “con giời”.
Hãy thử hình dung cái chi tiết truyện này như thể nó diễn ra
trong cái thế gian ta đang sống và đã biết, như là một sự kiện trong đời thường
nhật, tuy rất hiếm gặp, nhưng khả dĩ.
Có như thế chăng?
Đấy là điều tôi nghĩ rất đáng lưu ý: chi tiết kể trên có vẻ
như chỉ là một nét hoa mỹ phóng túng trong cả một tiết truyện dài về nguồn gốc
thân phận nhân vật Ngọc Tuấn-Ngọc Tiến, nhưng thực ra nó là góp sức gợi
lên cả một bối cảnh, dù theo cách chấm phá, theo đó những cư dân “kinh thành” ấy
vốn là vẫn quen sống trong mối liên hệ sinh động cõi trần-cõi Trời, cũng như
quen với sức thần thông bằng thật của những đạo sĩ hay hòa thượng. Vậy thì bối
cảnh ấy, mà tác giả Phạm Lưu Vũ dựng ra qua tất cả những truyện của anh, là bối
cảnh vận hành cái thực tại người Việt theo các kích thước tâm linh, cơ cấu theo
mô thức tam tài, thiên-địa-nhân hòa hợp và cảm ứng tương thông, mà về động lực
và cứu cánh thì nương theo một chữ “Tâm” của Đại thừa Phật giáo. Trên
phương diện văn chương, chẳng hạn thì điều này phần nào giống như điều xảy ra
trong văn chương của dòng viễn tưởng-khoa học, nơi các tác giả của nó nương
theo những tri kiến của khoa học thực chứng hiện đại mà dựng ra cái thế gian viễn
cảnh, để thăm dò các khả thể tương lai hay quá khứ thuộc số phận con người.
Ở đây cần nói thêm: tuy tràn ngập những chuyện truyền kỳ, huyền
bí, và với nhiều nhân vật lịch sử nhưng các truyện Phạm Lưu Vũ không thành ra
những truyện thần tiên hiện đại (như thể loại fantasy ) cũng không thành ra các
truyện dã sử hiện đại: tác giả này, người đã bắt đầu bằng những truyện ngụ ngôn
đương đại cực kỳ độc đáo ( chẳng hạn “Xuất khẩu ăn mày”, “Trạng ngửi”,
v.v. ), đã không ngừng phát triển tính chất ngụ ngôn đó trong văn chương của
anh, cho đến nay – những truyện của anh đều là các phúng dụ mà bề sâu đáng kinh
ngạc của những truyện ấy là do tác giả dựng ra được một thực tại văn chương
riêng của anh, cái thực tại-tâm linh luận đó.
Tập truyện “Chiếc khoen đồng” của Phạm
Lưu Vũ
Chẳng hạn như có thể thấy qua truyện Chiếc khoen đồng;
câu chuyện của nó thoạt trông thì trải ra theo hai tuyến thời gian xác định,
trên hai lớp truyện: lớp thứ nhất là số phận của một cái ấn quận công từ “Cuối
đời nhà Mạc …” rồi bị chôn giấu, được đào lên, biến thành một “chiếc khoen đồng”
để xỏ dây dắt trâu, rồi được kính cẩn đặt lên ban thờ, rồi bị chìm nơi đáy ao
mà sau thành một lòng mương thủy lợi, rồi lại trồi lên chỉ để được đem chôn
theo một con chó vàng, và cuối cùng lại được quay về trên ban thờ tổ ở chính mảnh
đất cũ nơi nó bắt đầu chuyến lưu lạc đằng đẵng kia; lớp thứ hai là những số phận
của những người và vật trực tiếp dây dưa vào cái ấn cổ-“chiếc khoen đồng” đó, gồm
hai con trai của nhân vật Phan Tất Đắc tên Dần tên Sàng ở “làng Kinh thuộc đất
Nam Xương” sở hữu chủ của cái ấn-“chiếc khoen đồng”, rồi một con bò vàng và một
con chó vàng nhà ông Duyên ở cách làng Kinh vài cây số xuôi theo con mương thủy
lợi kia, rồi vợ chồng con trai út của ông Duyên, đến hai đứa con trai Kì Phong
– Như Thủy của nhà ấy làm nhân duyên cuối đưa “chiếc khoen đồng” trở lại
ban thờ trên nền đất nó đã phát tích, và, như truyện kể, con nhà Duyên này đổi
họ sang họ Phan, theo sự trở về của “chiếc khoen đồng”, sinh sôi con đàn cháu đống;
mà nếu xem kỹ, ta sẽ thấy cái thời gian truyện có vẻ xác định ấy thực ra chỉ là
thời gian của cái ấn quận công-“chiếc khoen đồng” ,còn thời gian của mấy kiếp
người và kiếp súc sinh bò chó thì bị đo lường sắp xếp theo cái vật bằng đồng
kia; mà món đồ đồng ấy vốn được chung đúc với những giọt máu của người chủ của
nó để chứng thực cho một ý nguyện, tức nó là một hiện-vật-của-tinh-thần, và câu
chuyện này chứng tỏ rằng cái nguyện ấy nắm giữ quyền năng bí ẩn phải được hoàn
thành, bất kể bể dâu nhân thế biến chuyển ra làm sao, kể cả có phải bẻ cong thời
gian đi nữa.
Đấy là tâm linh quyết định thực tại.
Tại sao có thể nói thế? Thì bởi yếu tố thời gian cũng vô hình
như tâm linh vậy, nhưng trong cảm thức con người, thời gian là thứ quyết định tối
hậu, do tính hữu hạn của nó cưỡng bức trên nhân sinh. Ghê gớm như Tần Thủy
Hoàng ngồi trên đỉnh “thiên hạ” rồi cũng duy chỉ khát một món nước “trường sinh
bất tử.” Có người sống thì thế gian mới thành, tức là thực tại mới có hiện hữu.
Cho nên trong các truyện Phạm Lưu Vũ đều nổi rõ cái nền thời
gian vô thủy vô chung, bằng cách luôn luôn quy chiếu sự bất tử vào thời gian
đương đại. Tác giả này tựa như một người đi săn mà chỉ nhằm săn những con thú lớn.
Trong cái nhìn văn chương này, luân hồi là yếu tính của thực tại, mà sự tiếp nối
bất tận của những kiếp khác nhau chính là cái mà ngày nay quen gọi là “thời
gian thực.”
Điều ấy thật rõ trong truyện Thiền trôi đã nhắc đến
ở trên. Tôi sẽ không tóm lược câu chuyện đó, vì không thể làm thế với một khối
biểu tượng-ẩn dụ đa diện sống động như nó mà không thiếu sót, và cũng vì hẳn rất
nhiều người từng đọc và sẽ đọc truyện này.
Ở đây chỉ muốn nói đến một ý nghĩa của dòng chảy thời gian mà
truyện này đã khơi gợi một cách ấn tượng và sâu xa đến thế. Thời gian của câu
chuyện trải ra từ thời đầu nhà Trần – khi mới có “phủ Thiên Trường” – cho đến
đương đại của đầu Thiên niên kỷ thứ hai mới đây. Nói thế cũng là ước lệ, bởi chẳng
hạn nhân vật Tiêu Dao thiền sư trong truyện này, người tác thành tất cả các
nhân vật và tác động đến tất cả các sự kiện, thì vốn đã có từ trước đấy và sẽ
còn trở lại sau đấy – ngài chẳng đi chẳng đến, luôn có mặt. Vậy nên hơn bảy
trăm năm thời gian mà câu chuyện này nói đến thực ra là một trong các cách đếm
tổng số của những độ dài hiện hữu của những kiếp người, kiếp súc sinh hay kiếp
làm Giời quay cuồng trong khoảng ấy. Quay cuồng, như chẳng hạn một con
sâu đầu đỏ nghe kinh kệ ở chỗ thiền sư rồi sau sinh làm người, đi tu, gặp duyên
bố thí thân mạng mình; hay như, cũng ở chỗ nghe kinh đó, một con rắn rình mò bị
con rết nghe kinh cắn vào lưỡi, nhiễm nọc mà chết, sau sinh làm người tai ngược
rồi gặp duyên giết nhà sư mà con rết kia đầu thai; hay như, cả một xứ mênh mông
đầy dẫy những loài Atula hết phúc đói khát quyền lực sinh làm người quỷ quyệt ở
phương Bắc của xứ Nam này, v.v. Thảy những cảnh quay cuồng như thế đều có một
chỗ chung: là tìm đến cõi làm người.
Dòng chảy của thời gian ở đấy có một hiện thân, là sông Hồng,
mà Phạm Lưu Vũ thường bàn tới với cái tên “Đại can long Hồng Hà”, “long mạch” của
đất Việt từ xưa. Nhân vật Ngọc Ma-Ngọc Tuấn-Ngọc Tiến nằm ngửa nổi lập lờ trên
sông ấy mà kêu là phép “thiền trôi” vậy. Khúc sông Hồng uốn cong ôm lấy “kinh
thành” được kể là nơi tụ lại của “khí thiêng” vốn vẫn “trải khắp non sông”, “gặp
duyên thì tụ, tụ lại rồi trào lên, nhân địa gọi là chỗ kết huyệt, quỷ địa
gọi là nơi ‘âm lai dương thụ’, vì thế chung quanh lúc nào cũng có tám con quỷ
chầu vào để hấp thu thổ khí. Tám con quỷ ấy lần lượt là: Mông, Sơ, Lập, Kiến,
Hưng, Suy, Vong, Tận, …” Ấy chẳng phải tên trỏ những mốc cưỡng chế của thời
gian trên thực tại con người hay sao!
Truyện Thiền trôi thật sự dăng ra một cảnh “thiên
la địa võng” phi thời, mà dòng chảy của thời gian xét cho cùng chỉ do những vọng
động của ba cõi chúng sinh mà thành – nhưng nó mới sống động và cuốn hút làm
sao, cho nên nó “cứ như thế mà quay vòng, mãi không cùng.” Và như tác giả đã
bình chú trong truyện: “Nhân và quỷ thì đại khái như thế, song tất thảy đều từ
tâm địa mà sinh, …” Mà, nói đến “tâm địa”, hẳn không đâu khoái thú hay kỳ dị
lôi kéo như ở cõi nhân sinh. Phải chăng vì thế mà tất tật ở đây loài nào cũng
muốn “tìm một chỗ để làm người” ? Trong khi, ở vài nhân vật như Tiêu Dao thiền
sư hay Đỗ Tờ đạo sĩ, hay có thể kể thêm ba anh em nhà họ Đỗ đệ tử của thày Tiêu
Dao, hay anh Dần với cậu cả Kì Phong ở truyện Chiếc khoen đồng, hay … ,
toát lên lời thầm lặng rằng việc “làm người” như thế cũng dễ làm hỏng lắm thay!.
26/4/2022
Nguyễn Chí Hoan
Theo https://vanvn.vn/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét