Thứ Hai, 16 tháng 12, 2024

Chưa qua giông bão đã là ngày xưa

Chưa qua giông bão
đã là ngày xưa!

Nặng lòng một chuyến ra đi/ Nửa vì bệnh sĩ, nửa vì áo cơm/ Ồn ào mà vẫn cô đơn/ Sang Tây chẳng thấy vui hơn ở nhà/ Lỡ làng thân phận nước Nga/ Chưa qua giông bão đã là ngày xưa!/ Quê mình giờ nắng hay mưa?/ Bên này bông tuyết cuối mùa còn rơi.
CHIỀU NAY 
Chiều nay tuyết xuống bông to
Trẻ con bốc tuyết chơi trò ném nhau
Có người mẹ trẻ Á-châu
Ngồi sau cửa kính thầm lau mắt mình.
Moskva, 1990
THỦY MẠC 
Tuyết phơi trắng rợn chân trời
Trên cành cây cụt quạ ngồi rỉa lông
Con tàu trôi với mênh mông
Thấy tuyết, thấy quạ, mà không thấy… người.
Kiev – Moskva, 1992
HỒN THU 
Hồn thu đến nơi đây gieo buồn lây…
Đặng Thế Phong 
Bây giờ là trung thu
Những cơn mưa tầm tã
Vài ngày nữa tàn thu
Gió ào ào rứt lá
Rồi tuyết giăng khắp ngả
Đầy trời lông ngỗng bay
Trong giọt mắt màu mây
Xám hồn lau quan tái
Sau ngọn gió khuê phòng
Khuyết vầng trăng biên ải
Người đi không trở lại
Lập lòe đom đóm ma…
Đã mấy mùa thu xa
Còn bao nhiêu thu nữa?
Đêm nay kẻ lạ nhà
Thấm mối sầu vạn cổ
Giọt vĩ cầm nức nở
Khóc một thời mơ hoa!
Kiev, 1991 
THU MUỘN
Thu chẳng song hành với heo may
Mắt thu thăm thẳm, dáng thu gầy
Vai trần tóc xoã thu ngang phố
Vàng thì như nắng trắng như mây
Thu hút triền sông khép mặt cây
Nắng tắt chiều buông khói đưa ngày
Vầng trăng lên muộn thu mười tám
Lòng ngẩn ngơ buồn thương cỏ may
Quá nửa đời người mới thực thu
Hồn đơn để ngỏ gió bao mùa
Lá nâng tay ép run trang sách
Vàng của đời tôi thu biết chưa?
Kiev, 1991
TÂM TRẠNG 
Trong bếp lửa đang cháy
Ngoài cửa tuyết đang rơi
Đĩa nhạc xoay chầm chậm
Thời gian lững lờ trôi
Lửa ấm từ vạn thuở
Tuyết lạnh của muôn đời
Nhìn lửa rồi nhìn tuyết
Nhớ nhà lại nhớ người
Mới hôm nào hai đứa
Nay mỗi đứa mỗi nơi
Thiếp đi trong tiếng nhạc
Thấy quạ bay đầy trời
Tỉnh dậy trời vẫn tối
Lửa bếp tắt lâu rồi
Đĩa hát cũng im tiếng
Hình như tuyết vẫn rơi
Thèm một tiếng gõ cửa
Để thưa rằng: có tôi!
Bao giờ tuyết thôi rụng
Nắng lên có đẹp trời?
Kiev, 1991
MƯA KHÔ
Nặng lòng một chuyến ra đi
Nửa vì bệnh sĩ, nửa vì áo cơm
Ồn ào mà vẫn cô đơn
Sang Tây chẳng thấy vui hơn ở nhà
Lỡ làng thân phận nước Nga
Chưa qua giông bão đã là ngày xưa!
Quê mình giờ nắng hay mưa?
Bên này bông tuyết cuối mùa còn rơi
Cũng là mưa cả đấy thôi
Tuyết là mưa trắng xứ người, mưa khô
Xứ người trong nhạc, trong thơ
Một thời lãng mạn mộng mơ xứ người
Bây giờ thần tượng đổ rồi
Lòng riêng chẳng biết nên vui hay buồn?
Moskva, 1992 
ẢO ẢNH 
Nhớ tác giả “Bông hồng vàng”
Thon thon mười búp tay xinh
Một bông hồng trắng, nửa bình rượu vang
Nàng vẫy tôi đến bên bàn
Từ tay nàng rượu sủi tràn cốc tôi
Thơm như rượu phút kề môi
Run như là lúc tay tôi chạm nàng
Tại nàng?
Không!
Tại rượu vang
Bông hồng trắng hoá hồng vàng, lạ chưa
Hồn hoa tự thuở xa xưa
Một nhà văn đã yểm bùa hại tôi
Thơ là chi vậy nàng ơi!
Yêu là chi nữa, nửa đời chưa xong?
Bao đêm lòng tự nhủ lòng
Tại trời, hay tại bông hồng mình say? 
Mắt hoa, chén tuột khỏi tay
Vẫy tôi, nàng thoắt vào mây xa vời
Tôi chạy mà chẳng tới nơi
Tôi gọi sao chẳng một lời nàng thưa?
Rượu tàn, tan cả giấc mơ
Còn bông hồng trắng nằm trơ trên bàn!
Kiev, 1992 
CHỈ MỘT BÔNG THÔI
Gửi A. Voznhexenxki – Raymon Paul – Alla Pugachova
Anh thân yêu!
Em chẳng cầu anh như­­ tay hoạ sĩ si tình trong bài hát ấy
Chỉ vì một nụ c­­ười
Đã bán cả tranh, cả nhà để có một triệu triệu bông hồng nh­­­ư vậy
Với thời gian
Triệu triệu bông hồng kia rồi héo quắt
Nụ cư­­­ời ng­­­ười đẹp rồi cũng tắt
Ng­­­ười tặng hoa rồi cũng mất
Thi sĩ, nhạc sĩ, ca sĩ rồi cũng khuất
Cả ng­­­ười nghe một thời cũng trở về với đất
Có chăng?
Chỉ huyền thoại về triệu triệu bông hoa tình yêu là còn… “mãi mãi xanh t­­­ươi”
Một bông
Với em chỉ một bông thôi
Một bông óng ánh như­­­  K. Pautôpxki đã từng ao ­­­ước
Anh thân yêu!
Sao anh bỗng chết lặng ng­­­ười?
BÂY GIỜ
Còn ai buồn lúc sang thu
Còn ai lắng nữa lời ru cuối mùa
Tháng giêng xuân rắc thưa thưa
Người ta phóng cúp lên chùa  dâng hương
Bây giờ thời buổi nhiễu nhương
Bây giờ ngồi nghĩ mà thương bây giờ
Một người chuốt nhạc, đan thơ
Triệu người đánh quả tính tờ, tính cây
Cả đời đắp đắp, xây xây
Đến khi phá bỏ nửa ngày là xong! 
Nhìn Nam-Bắc, hỏi Tây-Đông
Bây giờ có đáng buồn không… bây giờ?.
5/5/1991
Phạm Công Trứ
Theo https://vanvn.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chưa qua giông bão đã là ngày xưa

Chưa qua giông bão đã là ngày xưa! Nặng lòng một chuyến ra đi/ Nửa vì bệnh sĩ, nửa vì áo cơm/ Ồn ào mà vẫn cô đơn/ Sang Tây chẳng thấy vui...